https://hoiquanphidung.com/uploadpics/hqpd1/1487928271-tsq1.jpg
Hãy xem đây như bài tường thuật rất THẬT mà tôi đang hồi tưởng về những ngày hỗn loạn của Tháng Tư Đen tối tại Trường Thiếu Sinh Quân-Vũng Tàu (TSQ_VT). Vì không thể tránh khỏi những định kiến và chủ quan của mỗi cá nhân TSQ (trong nhóm Tự Chỉ Huy), hơn nữa chính lúc đó chúng tôi phải tiếp cận nhiều hoàn cảnh nguy cấp khác nhau trong chiến đấu, nên sự nhầm lẫn có thể có (dù ít) là điều tất yếu. Vậy rất mong mọi người thông cảm chỉ giáo hoặc có thể phản biện lại nội dung bài nầy theo địa chỉ của tác giả. Xin cảm tạ!
Như chúng ta đã biết sau Hiệp Định Genève 1954, Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) đã chia địa giới quân sự ở Miền Nam Việt Nam (MNVN) ra thành bốn vùng chiến thuật mà sau này gọi là bốn quân khu (QK) gồm:
QK I: Từ Nam sông Bến Hải thuộc Tỉnh Quảng Trị (còn gọi là địa đầu giới tuyến) đến Tỉnh Quảng Ngãi.
QK II: Từ Quy Nhơn đến Phan Thiết và hai Tỉnh cao nguyên trung phần là Pleiku và Ban Mê Thuột.
QK III: Cao nguyên Nam phần và các Tỉnh phía Nam Phan Thiết đến Bắc Cần Thơ và Quân Khu thủ đô Sài Gòn (SG)
QK IV: Từ Cần Thơ đến Cà Mau và đảo Phú Quốc (là điểm tận cùng Tổ Quốc VNCH)
Đặc khu Vũng Tàu là Thị Xã của Tỉnh Phước Tuy (cũ), thuộc vùng III duyên hải, cách SG 105Km về hướng Đông.
Trở về thời gian trước, khi Cộng Sản Bắc Việt vi phạm Hiệp Định Paris 1973, đưa quân đội và khí tài ào ạt vào MNVN cưỡng chiếm nhiều vùng miền, và đến những ngày đầu tháng 4/1975 thì Vùng I & Vùng II Chiến Thuật lần lượt rơi vào tay Cộng quân, từ đó làn sóng tị nạn Cộng Sản (CS) bằng nhiều cách và nhiều phương tiện đã tháo chạy vào miền Nam định cư (đặc biệt đường thủy) mà điểm đến đầu tiên là mảnh đất Vũng Tàu.
Trước năm 1975 muốn vào Vũng Tàu, chỉ có đường lớn (độc đạo) và thuận tiện nhất là từ Ngả Tư Giếng Nước chạy trực diện đến trước cổng trường TSQ (Quốc lộ 15), rẻ trái rồi vào trung tâm Thị Xã (và cũng chính tại vị trí chiến lược nầy, mà cuộc ác chiến đã nổ ra vào sáng 30/4/1975 giữa TSQ và Cộng quân Bắc Việt là điều không thể tránh khỏi).
Vũng Tàu là một trong những thành phố an ninh bậc nhất của MNVN lúc bấy giờ, nên có nhiều hậu cứ Quân Binh Chủng, trung tâm huấn luyện, quân trường… trú đóng trải rộng khắp Thị Xã Vũng Tàu (TXVT) và vùng ven Bà Rịa (BR). Trường TSQ cũng không ngoại lệ, nhưng đặc thù hơn vì có hạ tầng xây dựng kiên cố, to lớn (do người Pháp xây dựng vào những năm đầu Thế kỷ XX) mà lại nằm tại điểm chiến lược như sẽ nói…
Mặt trước là thị xã Vũng Tàu + Bến Đình (BĐ), mặt sau trường được tựa lưng vào Núi Lớn như một bức tường vững chải (một bức tường mà chỉ vài ngày sau, đã giúp TSQ chúng tôi chống trả với Cộng quân cách ngoan cường… vì lẽ không còn đường lui nữa!)
Lúc nầy mọi xáo trộn ở Trường TSQ là không lớn, nhưng tình hình ngày một bất ổn hơn. Càng gần đến ngày 30/4/1975 tôi lại có trực giác chính quyền tại TXVT đang mất dần khả năng kiểm soát và trị an.
Mặc dù thế, toàn Liên Đoàn (LĐ) TSQ vẫn sinh hoạt bình thường hay nói đúng hơn là rất quân kỷ, nghĩa là chúng tôi phải tập họp đi học mỗi sáng, tự học về đêm tại khu Văn Hóa rồi học võ thuật mỗi buổi chiều, và tập luyện quân sự sáng Thứ Năm theo lịch định.
Mọi thứ không gì thay đổi cho đến ngày 28/4/1975… Vì chúng tôi là những TSQ lớn và uy tín, lại thâm niên nhất, như là “niên trưởng” của cả Liên Đoàn khóa sinh vậy! (mặc dù danh xưng nầy chúng tôi không dùng đến) Được lệnh từ Thiếu tá Liên Đoàn Trưởng (LĐT) Nguyễn Hồng Hoàng đặc cách 10 người trong chúng tôi nhận 10 khẩu carbine M1 để tự vệ và chỉ huy khi cần thiết… tôi liền nghĩ “bắt đầu sẽ có thay đổi lớn và nguy cấp đây!”.
Không ngoài dự đoán, sau bữa cơm chiều Trung tá Ngô văn Dzoanh (quyền Chỉ Huy Trưởng thay Đại Tá Hồ Nhật Quang đã vắng mặt) an ủi toàn thể TSQ và hứa sẽ có kế hoạch di tản tất cả trong những ngày sắp tới.
Vào buổi sáng ngày 29/4/1975, tình hình trở nên tồi tệ hơn, quân số cán bộ cơ hữu và sỉ số TSQ giảm đi rõ rệt. Vì phần TSQ cư trú tại Vùng III & Vùng IV Chiến Thuật được đặc cách cho về với gia đình (> 800 khóa sinh). Lúc nầy chỉ còn tại Trường những TSQ ở Vùng I & Vùng II + một ít TSQ thuộc miền Nam chưa về kịp. Tổng số TSQ lúc nầy vào khoảng 600 (TSQ có quân số > 1400 người).
Đến 7h30 (29/4) chúng tôi nghe từ loa phóng thanh (ở Khu Giải Trí Liên Đoàn) do Thiếu tá Hoàng (LĐT) thông báo:
– Tất cả TSQ chuẩn bị tập họp, cuộc di tản bằng trực thăng đi Hạm Đội 7 sẽ bắt đầu, hành lý lên máy bay chỉ được 2kg/người và tuyệt đối không mang theo Quân trang hay Quân dụng gì.
Sau khi nhận lệnh, chúng tôi khẩn cấp tập họp bốn Tiểu Đoàn TSQ khắp bốn chung quanh sân banh trước Kỳ Đài “NHÂN - TRÍ – DŨNG” (là bục xi-măng khá rộng, cao 0, 5m với ba cột cờ và phù hiệu lớn “NHÂN -TRÍ – DŨNG” thật trang trọng). Ngoài bốn Tiểu Đoàn (TĐ) TSQ được chia từ lớn đến nhỏ, gồm:
TĐ I: Hùng Vương,
TĐ II: Lê Lợi,
TĐ III: Ngô Quyền,
TĐ IV:Quang Trung)
Còn thêm quân nhân cơ hữu của trường và gia đình họ, tổng cộng chừng 800 người.
Khoảng 8h00, một chiếc trực thăng UH1_A (vẫn còn màu sơn chữ ICCS, tức loại trực thăng trước đây vài năm, chuyên để phục vụ cho “phái đoàn quân sự bốn bên” đàm phán về Hiệp Định Paris) đáp xuống chở 07 TSQ nhỏ nhất thuộc TĐ IV: Quang Trung và gia đình một cán bộ chỉ huy và Chuẩn úy Hà Văn Cúc (an ninh quân đội) bay đi làm tiền trạm.
Lúc chiếc UH1_A bay lên là như có dấu hiệu cho hai chiếc trực thăng vận tải cỡ lớn -mà chúng tôi thường gọi đùa là “sâu róm”- lượn vòng trên Núi Lớn (còn gọi là núi Tao Phùng) chuẩn bị đáp xuống … và bất ngờ quanh bãi đáp bị pháo kích dữ dội, rõ nét nhất là một trái rơi phía sau Trường, một trái nữa dội trúng sườn Núi Lớn, bụi mù tung tóe.
Lập tức, Đại úy Lê Viết Đắc TĐ trưởng (TĐI:Hùng Vương) ra lệnh tan hàng tìm nơi ẩn nấp… bên trên hai chiếc “sau róm” không dám hạ độ cao, liền quay đầu và chuyển hướng mất dạng. Sau khi bị pháo kích, chúng tôi lại tập trung đội hình quanh sân banh, dù ít chỉnh tề hơn nhưng vẫn chờ đợi… gần đến 10h chúng tôi được lệnh mới:
– Kế hoạch không vận bị hủy bỏ, chuyển sang hải vận ở Hải cảng Cát Lở.
Cuộc không vận bất thành, trong tình thế hoang mang nầy, tất cả TSQ bỏ lại mọi thứ (ở tại Trường) và lên đường…
Thiếu tá Hoàng LĐT lệnh cho các TSQ có vũ khí như chúng tôi hướng dẫn tất cả bốn Tiểu Đoàn di hành ra Hải cảng. Anh em TSQ di chuyển thành toán dài trật tự. Cát Lở cách Trường TSQ khoảng 5km (đây là căn cứ Hải Quân, nơi trú đóng của Bộ Tư Lệnh Hải Quân vùng III Duyên Hải).
Nhưng gần đến nơi thì đoàn quân bổng dừng lại… khoảng 15 phút sau chúng tôi được lệnh:
- “Đàng sau… QUAY !” rồi đột ngột, tất cả lại trở về nơi xuất phát.
Từ Cát Lở, trên đường lui binh tôi được biết, các đơn vị của nhiều binh chủng (như đã nói), trang bị vũ khí, giành giật nhau bãi đổ của Chiến hạm… mà nổi bật là binh lính của TĐ 4: Kình Ngư TQLC (Thủy Quân Lục Chiến) quyết ngăn cản TSQ chúng tôi không cho vào đợi Tàu Hải Quân di tản. Và cuối cùng, cũng chẳng có đơn vị nào may mắn hơn vì không một Chiến hạm nào cập bến cả!
Đầu giờ chiều 29/4/1975, TSQ chúng tôi lầm lũi quay lại Trường trong thất vọng:
– Kế hoạch Hải vận nầy thất bại.
Trên đường quay về từ Cát Lở, TSQ chúng tôi thật ngỡ ngàng khi chứng kiến các phòng ngủ của từng Trung đội bị xới tung và trộm đi nhiều thứ… vài nơi ở TĐ IV: Quang Trung còn bùng ra nhiều đám cháy. Hậu quả do tất cả TSQ rời đi Cát Lở di tản, để lại ngôi Trường vô chủ trống vắng, nên kẻ trộm nhiều thành phần tràn vào “hôi của” là điều dễ hiểu.
Và không lâu sau đó, chiếc xe Jeep chở Trung tá Ngô Văn Dzoanh cùng nhiều quân nhân cơ hữu của Trường rút chạy ra khỏi cổng, đồng thời một cán bộ thay mặt ban chỉ huy tuyên bố:
– Từ bây giờ, chúng tôi (cán bộ cơ hữu Liên Đoàn) không còn trách nhiệm gì với TSQ nữa, các em phải tự lo lấy bản thân…
Thế là hết! Trong ngày 29/4/1975 nầy, TSQ chúng tôi phải chịu ba dấu ấn não nề… sáng nay Không vận chẳng được, chiều đến Hải vận không xong và giờ đây trước mặt chúng tôi là sự rút chạy, đào ngũ của Bộ Chỉ Huy Liên Đoàn… TSQ chúng tôi lúc nầy đang bị bỏ rơi! Tôi đang miên man suy nghĩ, bất chợt ý niệm “Sự Sống… Gạo… sắp lâm trận…” làm tôi sực tỉnh và vùng lên lao vào nhà bàn, là nơi có kho gạo của Trường. Với khẩu M1 trên tay dĩ nhiên đủ thị uy bọn trộm cướp… nhưng hỡi ôi! Chậm mất rồi, chẳng còn gì ngoài 01 bao gạo 50kg, tôi đành chuyển cho các em đem đi “thổi cơm”… và chia nhau vì trời sắp tối.
Cũng nên nói thêm, gạo thì vừa có dù không đủ nhưng thức ăn thì sao? Tôi tự hỏi và nghĩ đến đàn bò, là tài sản “nổi” của Trường được nuôi trên dưới 10 con (nhằm hằng năm phục vụ cho liên hoan mừng lễ mãn khóa TSQ cũ và khai giảng, tuyên thệ cho TSQ mới), nên tôi lại bổ nhào xuống chuồng bò gần ban Quân xa kiểm tra… chuồng trống không! Lại mất trộm tất cả, chỉ còn lại con bò đực to lớn, hung dữ (có lẽ vì thế nên chưa bị bắt mất) không lâu sau tôi bắt gặp nó đang lang thang giữa sân Tenis và lầu Chỉ Huy… “vậy là các em TSQ có thức ăn đêm nay rồi!” … tôi nghĩ thế và liền bắn hạ.
Cũng đã hơn 17h (29/4/1975). Về phần mình lúc nầy tôi không thấy đói, có lẽ vì cũng chẳng có gì để ăn … uống vài ngụm nước ở nhà bàn, tôi vội lên Liên Đoàn tìm chọn một số TSQ nhỏ nhất (vì các em nầy không thể tác chiến, ngược lại có thể thương vong hoặc vướng bận khi lâm trận). Tôi đưa các em theo ngả tường rào Nhà Thờ ở Khu Văn Hóa ra đến TXVT, gửi gắm cho những nhà quen biết trước đây.
Tôi vòng quanh ở TXVT không lâu, và chứng khiến toàn cảnh thật hãi hùng… Vì Bãi Trước Vũng Tàu không có cầu cảng nên tàu chở người tị nạn cộng sản ở miền Trung vào phải bỏ neo khá xa bờ, chờ đợi chuyển tiếp lên đất liền… họ lại bệnh tật, đói khát khi lên đênh trên biển vào Nam, rồi chết và bị ném xuống biển… những đợt sóng cứ vô tình lùa đưa xác người bồng bền vào ghềnh đá (dưới chân bên nầy hòn Núi Lớn mà bên kia là Trường TSQ), nhiều lắm! Lúc nầy hoàng hôn xuống dần và tôi cố nhìn mà không thể phân biệt đâu là đá tảng và đâu là xác người.
Các đoàn thể dân sự bác ái, Hội Hồng Thập Tự, tất cả đều thiện nguyện luân phiên chở nước uống và thực phẩm và dùng “ca-nô” tiếp cận người tị nạn trên tàu, họ cứu trợ rồi chuyển người lên bờ vào Sân Vận Động (SVĐ) Lam Sơn (cách Bãi Trước không xa) để phân loại và làm thủ tục đưa đến Trung Tâm huấn luyện Vạn Kiếp cách TXVT 10Km (thuộc Rừng Sát Chí Linh) tạm trú, hoặc khẩn cấp hơn thì được chuyển ngay vào Bệnh Viện (BV) Lê Lợi Vũng Tàu cấp cứu, điều trị (BV Lê Lợi và SVĐ Lam Sơn cách nhau chừng chục mét).
Trời sắp tối, lúc leo rào trở lại Trường, thình lình tôi nghe… “Đoành”… một phát súng chát chúa phát ra từ Kho Súng, chưa biết chuyện gì, tôi vội băng ngang Khu Văn Hóa đến Kho Súng ở Khu Liên Đoàn… thì ra TSQ Nguyễn Ngọc Loan là tác giả vụ nổ súng phá Kho nầy, và đang mở toang cửa để các TSQ ùa vào giành lấy vũ khí tự vệ cho riêng mình, trước mắt tôi cảnh tượng hiện ra thật khó tả… các em TSQ khẩn cấp chuyền tay nhau đủ loại súng lấy từ kho, nào là: Carbine M1 & M2, Garant, Thompson, AR15, XM16E1, Trung Liên BAR, Đại Liên 30, M79 (phóng lựu), M72 (chống Tank), một vài loại Cối và một ít lựu đạn… tôi thật sự ngớ người một lúc trong tâm trạng vui vui khi thấy các em TSQ rất “hăng” và quá “DŨNG”, nhưng cũng chẳng kém phần lo lắng vì lúc này trời đã tối, mà mỗi em TSQ lại tự trang bị cho mình loại vũ khí mình thích thì thật nguy hiểm – thích không có nghĩa là biết vận hành – tôi liền nẩy ý định sẽ tập trung tất cả vũ khí lại, chia loại rồi phân phát hợp lý theo khả năng sử dụng cho từng TSQ, từ đó anh em TSQ mới phát huy tối đa hỏa lực mình có (dù điều nầy tôi chưa thực hiện được).
Các TSQ được lựa chọn đi hoặc ở nên giờ đây (cỡ 20h ngày 29/4/1975) quân số TSQ dưới 200 khóa sinh, không còn phân biệt lớn nhỏ, đang tụ lại từng nhóm, rút gọn về tập trung ở một số phòng ngủ của Trung đội thuộc TĐ II:Lê Lợi… ánh đèn vàng hắt ra không đủ sáng đến tận sân banh, tôi đi một vòng ngoài hành lang trong ánh sáng mờ tỏ nhìn vào từng Trung đội… một số TSQ lớn tự bằng lòng với loại vũ khí mình có và biết sử dụng, lại trầm ngâm chăm chú lau chùi để chuẩn bị cho trận đánh sắp tới. Còn các em TSQ nhỏ hơn trong khi chuyển tải súng đạn, nếu có được vài khẩu tiểu liên khoát lên người thì nét mặt rạng rỡ và như hãnh diện lắm! (mặc dù có thể các em chưa học cách sử dụng)… nhìn thấy cảnh nầy khiến tôi chạnh lòng: _ Các em vô tư quá! Đâu biết tai họa sắp đổ xuống _ Trong đêm tối, tôi vừa đi vừa suy tính nhiều thứ… phải nhanh chóng tìm cách ổn định tinh thần các em TSQ để hệ thống Tự Chỉ Huy chúng tôi đạt hiệu quả tối đa khi lâm trận. Và cũng chính điều nầy, tôi liền phá tung phòng vật tư Thể Thao Liên Đoàn lấy quần áo thể thao chia làm 2 đội và thông báo:
– Sáng ngày mai các em sẽ ra sân đá giao hữu giữa các đội, không phân biệt Tiểu Đoàn lớn nhỏ, chỉ phân chia hai phe theo thể lực hợp lý là “Ok”… (và mãi mãi đây chỉ là lời hứa như cách trấn an, chứ trận giao hữu nầy không bao giờ xảy ra nữa!). Thế là các em vui vẻ hẳn lên như luồng gió lạc quan thổi qua làm các TSQ hiếu động nầy trở nên bình tĩnh và tự tin hơn.
Mỗi TSQ tụ hội ở đây dĩ nhiên xuất phát điểm khác nhau, nhưng giờ đây như cùng số phận với những cảnh ngộ nghiệt ngã đã buộc chặt chúng tôi làm một để sẻ chia những hiểm họa và bi thương sắp đến… Thời gian trôi nhanh quá! Gần 01h sáng tôi vẫn chưa chợp mắt… đúng hơn là không thể ngủ được. Lúc nầy đã bước qua ngày mới _30/4/1975_ Một ngày định mệnh của dân tộc Việt Nam, vì từ đây sự Dối Trá của bọn người Hiểm Ác sẽ lên ngôi. (hay nói theo tục ngữ VN: bọn mặt người dạ thú).
Dưới ánh đèn vàng vọt, tôi vừa lau chùi khẩu Carbine M1 vừa ưu tư về cảnh đời TSQ sẽ đối mặt… mọi gia đình TSQ đều ở Vùng I & II Chiến Thuật, hơn một tháng trước đã bị Cộng quân cưỡng chiếm, không biết còn mất, sống chết ra sao … rồi đến sáng ngày 21/4/75 Tổng Thống (TT) Nguyễn Văn Thiệu từ chức, Phó TT Trần Văn Hương lên thay nhưng đến 28/4/75 cụ lại từ chức, Đại Tướng Dương Văn Minh lên kế vị, liên tiếp chỉ hơn một tuần lễ mà có tới 3 vị TT ở MNVN _ điềm chẳng lành!!! _ Chính thể VNCH sắp sụp đổ chăng? Tôi tự hỏi mà chẳng có câu trả lời… đến thời điểm nầy là (2g sáng, 30/4/1975) tôi nghĩ còn đủ thời gian cho các em TSQ nhỏ nhất “trốn Trường” (hay gọi là bỏ Ngũ) để tránh thương vong khi giao chiến, mà thực tế lúc nầy tổng số TSQ chỉ còn trên 150 em… nhiều TSQ đang ngủ, một vài em phát ra tiếng ngáy vô tư như chẳng quan tâm đến hiểm nguy đang rình rập.
Bất giác tôi ngước lên nhìn Đàm Văn Hưng (một TSQ đằm tính dân tộc Nùng cùng Tiểu Đoàn với tôi, là người tác xạ M79 tuyệt vời sau nầy) và hỏi:
– Vì sao các em TSQ cứ tụ tập ở đây (tại ngôi Trường này), không chịu “dọt” ? Còn kịp mà… Khi “choảng” nhau, tụi mình là TSQ lớn “ăn chịu”được nhưng còn các em thì “vướng” lắm! Mầy biết không?
– Đành vậy, chứ các em biết đi đâu bây giờ ? Chỉ còn ngôi Trường Mẹ nầy thôi! …với lại các em còn nói: “ở đây có các anh, tới đâu hay đấy đàng nào cũng có thể chết, không vì đạn thì cũng chết vì đói, đánh thì đánh, sợ gì ”
Tôi đành thừa nhận, chỉ bật cười và tự nhủ “đúng là TSQ kiêu dũng: rất LÌ vì LIỀU và cũng có lúc rất LIỀU vì LÌ, âu biết đâu như thế cũng hay!”
Cuối cùng tôi cũng thấy rõ thực tại nầy: tất cả TSQ đang bơ vơ không nơi nương tựa vì gia đình biệt vô âm tín, mà Chính thể VNCH thì gần diệt vong… lại thêm tình trạng lương thực là con số “0” (như đã nóí, dù chỉ một ngày), súng đạn thì rất ít và hạn chế so với Cộng quân (vì không có nguồn chi viện, chỉ đủ để thực tập những bài học quân sự tại Trường), vậy chúng tôi sẽ chiến đấu cho ai và vì cái gì? Chúng tôi lấy gì để cầm cự, để tiếp tục chiến đấu đây?… từ đó tôi hiểu ra: vài giờ nữa, nếu lâm trận thì cầm chắc TSQ phải thất bại, nếu nổ súng “choảng” nhau thì khác gì chúng tôi “tự sát” tập thể… nhưng ngược lại vì truyền thống TSQ mà chúng tôi không cho rằng: đã biết thất bại mà vẫn chiến đấu là hành động mù quáng, biết phân tích thế “được thua” mà không chịu hạ vũ khí đầu hàng là ngoan cố. Trong hoàn cảnh tuyệt vọng, đường cùng nầy tôi đồng ý dù buông súng hoặc đào ngũ thì chưa hẵn là “hèn nhát”, nhưng chắc chắn hành động nầy cũng không thể gọi là “thức thời”, vì TSQ chúng tôi luôn tâm niệm: mọi hành động “thức thời” của kẻ SĨ phải gắn liền với Danh Dự và lòng Tự Trọng. Khi lợi dụng hoàn cảnh “thức thời” để ngụy biện hay bào chữa cho hành vi VÔ ƠN thì không phải là việc làm của người quân tử. TSQ_VT là “những người lính trẻ” hậu duệ của Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản thì lại càng không thể đánh mất Danh Dự và lòng Tự Trọng vì đã quên ƠN dưỡng dục của QLVNCH bao năm qua… thế nên điều gì đến phải đến, TSQ chúng tôi phải chiến đấu (dù một trận cuối) như một nghĩa cử sau cùng để đền đáp công ơn nuôi dạy của Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa.
Tóm lại TSQ không thể VÔ ƠN để đánh mất chữ NHÂN, chúng tôi không thể chối bỏ Danh Dự và lòng Tự Trọng để đánh mất chữ TRÍ, cuối cùng vì chữ DŨNG mà TSQ phải chiến đấu, dù biết rõ sẽ thất bại hoặc sẽ “tự sát” tập thể… tinh thần TSQ_VT chính là tinh thần NHÂN_TRÍ_DŨNG vậy!
Có lẽ vì căng thẳng rã rời, tôi thếp đi… một loạt tiếng sấm vang rền trên bầu trời làm tôi choàng tỉnh, bật dậy định thần một lúc, tôi liền một tay vớ lấy khẩu M1, mắt nhìn ra khoảng không _ trời đen tối đang mưa, không lớn lắm_ và liếc nhìn đồng hồ, vậy mà đã hơn 4h, mặc gấp chiếc poncho lính, tay còn lại chụp vội chiếc nón sắt lên đầu rồi băng qua sân banh hướng đến cổng Trường (chạy với tôi lúc nầy là TSQ Đàm Văn Hưng, xạ thủ M79)…
Lại nói thêm về cổng chính trường TSQ, (vì đây là nơi diễn ra cuộc đấu súng ác liệt nhất) nó được xây với hai cổng sắt dày kiên cố + tường rào cao sừng sững gần như phân cách giữa hai thế giới của cùng một Thị Xã Vũng Tàu, và một cổng phụ kề bên luôn có Điếm Trưởng (ĐT) kiểm soát (văn phòng ĐT này đặt tại tầng trệt lầu Chỉ Huy). Nhìn từ trong ra, bên trái cổng Trường là lầu Chỉ Huy (1 tầng) mà đối diện là đường Lê Lợi và Trại gia binh Cô Giang, bên phải là lầu Quân số (kiến trúc như lầu Chỉ Huy) lại có khách sạn (KS) International đối diện, đây là một dãy nhà hai tầng + nhiều phòng khá vững chắc, lại có ưu thế vì cao hơn và nằm gần sát lầu Quân số (chỉ cách bên kia đường) rất dễ khống chế mọi công sự phòng thủ của chúng tôi cạnh tường rào. Khi chạy đến cổng Trường, dừng lại và quan sát, tôi cùng Đàm Văn Hưng nhanh chóng quyết định phải tiến chiếm KS nầy trước bởi nó như một “lô-cốt” lợi hại khi giao tranh xảy ra… tôi nghĩ cần phải vô hiệu hóa ngay!
Không biết hậu quả thế nào ? Nhưng đã suy tính là chúng tôi liền hành động, lúc nầy chia làm 2 toán nhỏ: Toán thứ 1 từ cổng Trường rẻ trái tiến thẳng Bến Đình gồm: Hạ sĩ nhất Hoành (nick name: Hoành heo, cán bộ Hỏa đầu vụ), TSQ Đinh Kê (nick name: Gà đạp đinh) và một TSQ (đã quên tên). Toán thứ 2 từ cổng Trường tiến thẳng hướng trước mặt là Quốc lộ 15 gồm: TSQ Đàm Văn Hưng, 4 TSQ và tôi. Cả 2 toán đều xuất phát cùng lúc, toán 2 đi trước, toán 1 đi sau.
Trong toán 2 ngoài Hưng ra, với số anh em (bốn TSQ tôi đã quên tên) tiến ra hai hàng từ cổng bên, với mục đích phải chiếm KS International trước Cộng quân, mưa nhẹ hạt nhưng trời vẫn tối đen, tôi dẫn đầu khom người tiến thẳng phía trước và căng mắt nhìn bốn chung quanh, gần đến cổng KS… từ phía trước bổng vang lên tiếng thét:
– Ai ? Đứng lại !
Trời tối, chẳng rõ tiếng thét từ đâu, không định vị được đối phương nên TSQ chúng tôi không khai hỏa … một ý thoáng qua “tụi mình bị phục kích” và tôi thì thầm với anh em:
– Đừng bắn, ”dọt” về Trường!
Anh em TSQ quay ngoắc 180 độ, như tên bắn phóng nhanh vào Trường, tất cả đều bình an… chỉ mình tôi là người sau cùng, vừa chạy tôi tự nhủ: không thấy mục tiêu thì bắn làm gì, ”dọt” lẹ là thượng sách! Nhưng chỉ lao qua cổng Trường chừng hai bước chân… tôi thấy mình như được nhấc bổng và bị ném vào gầm bàn của Điếm Trưởng trực nhật (khi hồi tưởng khoảng thời gian chớp nhoáng nầy, tôi không nhớ mình đã nghe tiếng nổ ra sao nhưng vẫn còn tỉnh táo để cảm nhận sức công phá hất tung tôi vào bàn ĐT… một trái B40 nổ tung, xé thủng cổng sắt sau lưng tôi khi đang lao vào Trường), vài giây sau tôi nếm được vị mặn của máu từ đầu và tai nhỏ xuống, lồm cồm bò ra khỏi đống bàn ghế gãy nát từ phòng ĐT, lúc nầy tôi mới chắc mình còn sống (mặc dù tai chỉ còn nghe được một bên), tự băng vội vết thương và như “say máu” (mà thực sự máu vừa đổ) tôi quay ngược đến lổ châu mai hướng ra đường bắn trả, nhưng chỉ một phát thì kẹt đạn_quá tệ!_Tôi nghĩ vậy và miệng lẩm bẩm khá “tếu”:
- “Xui tận mạng! Tụi mầy tưởng tao là xe tăng à?”
Rồi đão mắt một vòng như cầu cứu “cho anh đổi một khẩu, súng gì cũng được!”, lập tức một em TSQ_TĐ3: Ngô Quyền liền trao khẩu AR 15 cho tôi rồi đột ngột “phóng” đi cũng như nhanh chóng “xẹt” đến vậy. Dù chẳng “ăn” mảnh đạn nào nhưng đầu tôi nhức như búa bổ, hơi loạn choạng và bắt đầu sưng tấy một bên tai. Lúc nầy quá 5h ngày 30/4 /1975, ngoài khẩu AR 15 và khẩu M72 chống Tank trên vai tôi thấy mình như “giàu” thêm và tràn đầy nghị lực…!
Lại nói về toán 1 đi hướng Bến Đình (theo lời kể của Đinh Kê), anh em đội mưa mang súng tiến xuống gần nửa đường liền vấp phải Cộng quân, lúc nầy trời vẫn còn tối, chính Hạ sĩ nhất Hoành (heo) nhanh mắt phát hiện và gào lên:
– Việt… Cộng!
Tất cả chạy thục mạng ngược lại vào Trường, (có lẽ 2 toán dù đi hai hướng khác nhau nhưng lại gặp “rắc rối” cùng lúc, nên anh em cũng không nổ phát súng nào!) Lúc nầy TSQ Lê Quang Nghĩa có nick name: Đại Hàn đã nghe tiếng gào, lập tức khai hỏa bằng Đại liên từ lầu Chỉ Huy, lập tức ở lầu Quân Số các khẩu Đại liên 30, Trung liên BAR, Tiểu liên các loại cũng tham gia bắn xối xả cứu nguy cho đồng đội rút vào. Vậy là hai Toán (1 & 2) chúng tôi rút lui an toàn, bên ngoài Cộng quân gia tăng sức ép cố đánh lấy cứ điểm khó nuốt này. Cuộc tấn công của Cộng quân lần thứ nhất mang tính chất “thăm dò” bắt đầu…
Lại nói, đây là lúc hỏa lực của TSQ tại Trường còn mạnh, bố trí khá bài bản, lại thêm có tường dày và rào cao như một phòng tuyến tự nhiên của Trường TSQ (lợi thế cho phòng thủ mà Cộng quân lại khó tấn công), phòng tuyến nầy trải dài từ Lầu Chỉ Huy, ban Quân số đến Khu Giải Trí LĐ và cuối cùng là Kho Súng. Đối diện với chúng tôi, phía bên kia đường Lê Lợi. Cộng quân cũng tập trung khoảng trên một Tiểu Đoàn từ KS International đến Quân Y Viện Tê Liệt_VT. Vì đây là cuộc chạm trán mở màn, có lẽ Cộng quân chưa từng đối đầu với một đơn vị tác chiến nào”quái chiêu” như vậy… “quái chiêu” vì toàn các TSQ “miệng còn hôi sữa” mà quá “lì”!
Lúc nầy trời đã sáng tỏ, kể từ sau loạt đạn Đại liên và tiếng nổ B40 là lúc hai bên giằng co tìm mục tiêu triệt hạ nhau, tôi chạy dọc tuyến phòng bị trong Trường, quan sát và tìm điểm xạ thủ thích hợp để phân công bắn trả, vì chúng tôi đã rút hết vào Trường nên không thể dùng chiến thuật “chia cắt-đâm sâu-đánh vu hồi” được nữa, kể từ giờ phút này từ lầu Chỉ Huy và lầu Quân Số, TSQ “vãi” đạn liên tục vào những nơi nghi ngờ và có chuyển động bất thường… đến nỗi TSQ Hoàng Văn Mạ (xạ thủ Đại liên trên lầu Quân số) gào lên:
– Bắn vừa thôi, nhắm chính xác... coi chừng hết đạn.
Nghe lời khuyến cáo hợp lý, hỏa lực trong Trường bắn ra giảm hẳn, chỉ cầm chừng vài loạt rời rạc và bây giờ như cuộc hoãn binh “không giao kết”, TSQ nhanh chóng củng cố đội hình, chỉnh sửa vũ khí và công sự, kiểm điểm quân số chờ đợi những đợt tấn công mới. Cỡ 3 phút yên lặng đáng sợ nầy, tôi đủ thời gian phóng tầm mắt nhìn quanh ra khỏi Trường, không có gì đặc biệt ngoài mùi thuốc súng và tia nhìn bổng dừng lại trước cổng KS: 5 hay 7 chiếc nón cối nằm lăn lóc bên lề QL 15 (trước cổng KS International)… tôi sực nhớ chính đây là nơi mà chúng tôi đã nghe tiếng thét “Ai? Đứng lại!” Lúc trời sắp sáng và tôi tự nghĩ _hành quân từ Bắc vào Nam cả ngàn cây số và đánh như “chẻ tre” thế mà giờ đây mới gặp“kiến lửa”, cái giá phải trả của sự khinh địch (cái giá của ít nhất 6 mạng người)!
Trận chiến mở màn nầy đã làm một phần thành phố Vũng Tàu (VT) + Bến Đình (BĐ) giật mình tỉnh thức, như đã nói: các đơn vị quân đội và dân chính có vũ trang của VNCH trú đóng tại VT và Bà Rịa rất đông, nhưng thật ngạc nhiên khi Cộng quân tràn đến lại không một tiếng súng nào cầm cự để báo động, tất cả im lặng như đồng lõa và đúng hơn sự ngạc nhiên của mọi người không phải vì VT im lặng mà vì sự quyết chiến của TSQ, súng nổ dồn dập liên tục, khói súng có lúc đã làm mờ không gian đối diện… TSQ chiến đấu như thể lần đầu được “phát mãi” súng đạn của Trường, lúc nầy tinh thần NHÂN_TRÍ_DŨNG của chúng tôi mới phát huy tác dụng: TSQ đánh để Cộng sản Hà Nội biết Vũng Tàu là có chủ, đánh vổ mặt và tới tấp để Cộng quân không kịp vuốt mặt, đánh cho đối phương biết thế nào là “khinh địch” và cuối cùng, TSQ_VT đánh để (vô hình trung) cho các đơn vị quân đội VNCH biết sự “thức thời” đồng nghĩa với yếu hèn.
Sau nầy tôi được biết, (lúc đó) tất cả dân quân VT đều lo lắng cho anh em TSQ đang “vùng vẫy” tại Trường. Thậm chí họ còn lập luận (có thể tóm gọn):
– Trời đất, bây giờ mà đánh nhau làm gì! Tụi “nhóc” chưa một lần ra trận, chẳng có kinh nghiệm chiến trường lại có ưu điểm nhỏ bé mà trà trộn vào dân để “dông” có hơn không?
– TSQ có lý tưởng của các em, chỉ sợ thương vong nhiều quá thôi! (lời anh Chu Văn Hải, cựu Thiếu tá LĐT_TSQ)…
Lúc nầy tôi thấm mệt, thấy đói và theo thói quen xuống nhà bàn nhưng chẳng có gì, tôi lục tìm tứ phía … may mắn còn một ít cơm khô chẳng đủ thiếu gì (nhưng đói là ngon!), và vắt một nắm vừa nhai ngấu nghiến vừa đi về hướng TĐ II: Lê Lợi.
Lúc nầy là 9h sáng 30/4/1975, lời kêu gọi buông súng đầu hàng vô điều kiện của Tổng Thống Dương Văn Minh vừa phát ra… quá phẩn uất, không biết hận cái gì tôi liền ném nắm cơm xuống đất và “lia” một băng chỉ thiên, rồi chạy ra cổng Trường tiếp tục tham gia chiến đấu. Tại đây tôi bắt gặp chiếc máy truyền tin PRC25 (đến gần nghe “rè… rè”) nhấc lên và áp ống liên hợp vào tai (dĩ nhiên tôi chỉ nghe một bên nên tiếng được tiếng mất), “… Cởi bỏ áo Vàng! Cởi bỏ áo Vàng! Xin nhắc lại: Cởi bỏ áo Vàng… ”, tôi tự hỏi như vậy là sao?. . . À! Nó khuyến cáo mình đầu hàng đây mà! Nhưng“nó” là ai? Tôi chẳng rõ. Chỉ biết bực bội xoay qua chiếc PRC25 và chụp ống nghe lên… nhưng nó đã hết Pin, tôi thầm nghĩ “cũng may mà hết Pin nếu không là ăn đạn nát máy rồi” !
Ngoài cổng Trường, bổng phát ra từ KS International giọng lơ lớ tiếng Bắc: “Tổng Thống chúng mày lệnh buông súng sao không chịu hạ vũ khí đầu hàng?… đáp lại giọng “loa rè lơ lớ” thật khó chịu, lập tức một loạt Đại liên ở lầu Chỉ huy đáp trả rồi dồn dập 1 tới hai loạt nữa từ lầu Quân số liên tục nã vào KS, Trung liên, Tiểu liên các loại thi nhau dồn đối phương vào các tầng lầu KS. Bây giờ hai bên quan sát động tĩnh của nhau rõ từng chi tiết, vài loạt đạn chấm phá như “cầm canh”… khi Cộng quân đã chiếm được KS và trưng dụng các phòng để bố trí hỏa lực và tấn công thì sự chống trả của TSQ thất thế yếu đi rõ rệt.
Như đã dự đoán, tôi thu lượm đạn M79 loại trực xạ bỏ vào bao cát (bao đựng cát làm công sự dã chiến) và nhìn Đàm Văn Hưng, cả hai như hiểu ý không ai bảo ai chạy về phòng ngủ LĐ, lên tầng 1 (TĐ II: Lê Lợi) _thấp quá, chưa tác xạ được_Leo lên tầng 2 (TĐ I: Hùng Vương)_ tầm nhìn còn bị vướng. Cả hai chạy lên trần áp chót có những cửa sổ nhỏ gọi là “chuồng cu”, mở ra tức thì chúng tôi nhìn rõ các phòng của KS International… không chậm trễ, TSQ Hưng trực xạ còn tôi lúc nầy vừa phụ xạ thủ (chuyền đạn) vừa “đề-lô”, sau khi quan sát chớp nhoáng tôi chỉ cần hô:
– Một … 5, tức thì “ẦM” lầu một phòng số 5 lãnh trọn một quả M79. Hai… 6 lại “ẦM”, phòng số 6 lầu hai “ăn” đạn, cứ thế lần lượt không sót một phòng nào.
Các phòng của KS International đối diện tung tóe tan hoang, vài đám lửa đang âm ỉ cháy. Cộng quân không còn hỏa lực từ lầu KS yểm trợ, chúng rút sâu vào sau (KS) tránh đợt phản kích của TSQ. Chúng tôi hết đạn M79 và chạy vội xuống phòng tuyến ở tường rào để hòa nhập cùng anh em chiến đấu, vừa chạy tôi vừa nghĩ “Chắc TSQ Đàm Văn Hưng có khả năng bẩm sinh nên mới bắn M79 chính xác như vậy!”, lúc nầy quả M72 (chống Tank) chưa dùng đến (mà cũng là quả M72 cuối cùng của anh em TSQ) tôi liền đặt trên tường rào hướng đầu súng về phía KS nhấn cò…
- “ẦM”,
ánh chớp và tiếng nổ làm tôi như “bay tóc trán”, vì mục tiêu chỉ bên kia đường Lê Lợi, quá gần và cũng quá “liều”! Không rõ thương vong phía Cộng quân thế nào nhưng chắc chắn tinh thần đối phương phải suy yếu (mà trong chiến đấu đây là điều chúng tôi cần). Ngay lập tức hỏa lực địch ở KS bị vô hiệu và cũng chính là lúc các khẩu Đại liên và Trung liên ở hai lầu Chỉ huy và Quân số của Trường TSQ tái củng cố và sẵn sàng tham chiến. Vậy là cuộc tấn công lần 2 (của Cộng quân) vào Trường TSQ bị bẻ gãy, dù đợt này Cộng quân phản kích qui mô và “quỷ quyệt” hơn.
Ở lần bị tấn công này, có thể vì lầu Quân số không còn chỗ tác xạ nên TSQ Lâm A Sáng ( Nick name: Sáng Nhón) với khẩu Trung liên Bar cồng kềnh chưa kịp định vị chỗ chiến đấu thì bạn đã lãnh một viên đạn (cũng có thể một mảnh đạn) vào chân trái tại cầu thang Ban Quân số, từ lầu Chỉ huy nhìn sang tôi thấy Sáng “Nhón” trúng thương, vết thương không trầm trọng nhưng phải rời khỏi “cuộc chơi”, lập tức nhờ sự băng bó và dìu dắt của TSQ Lê Văn Tánh và Phạm Ngọc Trình đã đưa được “Sáng Nhón” đi BV Lê Lợi _VT … sau này khi trên đường trốn chạy về BR với TSQ Trần Kim Tân (nick name:Tân Cời, sq :55/4567) tôi được biết TSQ Nguyễn Anh Dũng cũng “hứng” một số mảnh đạn vào đầu + đùi khá nặng được 2 TSQ Nguyễn Văn Minh (nick name: xe be, và một TSQ nữa tôi quên tên) đặt Dũng vào tấm drap chuyển đi, TSQ Lê Văn Tánh sau khi băng vết thương cho Sáng “Nhón” cũng “bỏ cuộc” vì lãnh một viên vào đùi (rất nặng), tất cả được tải thương theo hướng Nhà Thờ ở Khu Văn Hóa ra BV_Lê Lợi.
Tình hình trong Trường quá bi đát, TSQ bị thương ngày càng nhiều (chưa có tử vong), đạn dần cạn kiệt, tay chân rã rời vì đói… bây giờ đã trên 10h (ngày 30/4/1975). Tất cả TSQ bắt loa kêu gọi ngừng chiến với điều kiện: phải để TSQ làm lễ hạ Quốc Kỳ (cờ Vàng Ba Sọc Đỏ), ngược lại phía Cộng quân tiến vào tiếp quản Trường TSQ mà không bị nổ súng chống trả… mọi điều diễn ra đúng với thỏa hiệp, Quốc Kỳ VNCH vừa hạ xuống, như ong vỡ tổ tất cả TSQ lớn nhỏ hủy bỏ mọi thứ: áo quần, súng đạn rồi tẩu thoát theo cách “truyền thống”: Trốn Trường! (về điểm nầy tôi nghĩ không ai hơn TSQ được!)
Trong cuộc chiến chóng vánh nầy chúng tôi đã thất bại (như dự tính) nhưng không một TSQ nào mặc cảm hoặc buồn tủi vì chúng tôi đã làm hết sức mình (kể cả đổ máu) để không hổ thẹn với Tổ Tiên và các thế hệ mai sau.
Tóm tắt sơ lượt trong trận chiến nầy:
– Tham chiến: TSQ = > 100, Cộng quân = >1 Tiểu đoàn (tức >500 người)
– Vũ khí: TSQ = Thiếu hụt, Cộng quân = Đầy đủ.
– Lương thực: TSQ = 0, Cộng quân = Dồi dào.
Kết quả: TSQ = < 10 bị thương, Cộng quân = 6 tử vong.
Với bảng “Tóm tắt sơ lượt” nầy chính là kết quả tàn cuộc và sẽ phản ánh ít nhiều cho các thế hệ mai hậu suy gẫm về câu ca dao Việt Nam:
“Nực cười châu chấu đá xe, tưởng rằng chấu ngã ai ngờ xe nghiêng”
Dù chẳng làm nên lịch sử nhưng TSQ – VT cũng góp phần viết nên “bảng hùng ca QLVNCH” trong ngày miền Nam sụp đổ.
Thành phố Huế_Việt Nam: 30/4/2015 Cựu TSQ – VT: Nguyễn Bình Thành – Niên khóa: 1969-1975. email: pavenmur@gmail.com
No comments:
Post a Comment