Tiểu Đoàn 2 Thủy Quân Lục Chiến và Trận Tái Chiếm Dinh Tỉnh Trưởng & Tòa Hành Chánh Tỉnh Quảng Trị Năm 1972
Quan niệm điều quân của Đại Đội 4:
Vừa rời tuyến xuất phát được 20 mét, hướng về ngã tư đường Trần Cao Vân và đường Phan Đình Phùng, địch bắt đầu chống trả bằng những tràng AK47 nghe chát chúa và hỏa lực B40, B41 chống chiến xa. Thật may mắn, những loạt B40, B41 đều trật mục tiêu, có lẽ địch mất bình tỉnh nên bắn hơi cao trước khí thế xung trận của Trâu Điên Đại Đội 4 và M113. Đã có 3 cọp biển của Trung Đội 42 trừ bị bị thương vì mảnh B40. Điạ thế trước mặt, bên kia đường Phan Đình Phùng, hướng về dinh Tỉnh trưởng là những đống gạch đổ nát, những gốc cây đã gãy đổ.
Địch bố trí sau những đống hoang tàn đó. Những đứa con đầu của Đại Đội 4 đã nhanh chóng vượt qua được ngả tư Trần Cao Vân và Phan Đình Phùng dưới hoả lực yểm trợ của những đại liên trên M113, hòa lẫn với những tràng M16, M79, đại liên M60 rất dòn dã cùng tiếng hô xung phong nghe vang rền cả góc trời, cộng thêm những loạt đạn súng cối 60ly bắn chính xác vào sau những đống đổ nát mà địch đang bố trí giữa hai đường Trần Hưng Đạo và Phan Đình Phùng.
Phóng đồ Hành Quân Sóng Thần 07/258/72
Trong vùng ánh sáng tờ mờ của ngày 15 tháng 9 năm 1972, bụi đất cùng khói thuốc súng làm mịt mù trận điạ. Hỏa lực của địch yếu hẳn đi, Đại Đội 4 và M113 không để lỡ thời cơ, nhanh chóng tấn công và tràn ngập vị trí địch dọc theo đường Trần Hưng Đạo, vị trí bảo vệ tuyến ngoài quanh dinh Tỉnh Trưởng và Tòa hành chánh Tỉnh Quảng Trị. Trung Đội 42 tăng cường cho nỗ lực chính đã chuyển 4 quân nhân bị thương về sau cho Thường Vụ Đại Đội và y tá săn sóc..
Tại vị trí cố thủ sát góc khuôn viên dinh Tỉnh trưởng do tên thiếu úy cộng sản bắc việt Lê Viết Thắng chỉ huy (theo tài liệu bắt được cho biết y quê Quảng Bình, mới cưới vợ được 20 ngày và vừa xâm nhập, thuộc trung đoàn 48B, sư đoàn 320B cộng sản bắc việt) vẫn ngoan cố chống trả và cả tổ của y đã bị tiểu đội của Hạ Sĩ Nhất Cao thanh toán gọn, hạ sát 4 tên, tịch thu 1AK47, 1K54, 1đại liên 12ly 7và 1B40....
(Thiếu Úy Hào và Hạ Sĩ Nhất Cao là chiến sĩ xuất sắc năm 1972. Mũ Xanh Hào được Phó Tổng Thống Việt Nam Cộng Hoà Trần Văn Hương gắn “Biệt Công Bội Tinh” tại Dinh Độc Lập vào dịp Quốc Khánh 1 tháng 11 năm 1972).
Trung Đội 41 nhanh chóng xung phong chiếm toàn bộ dinh Tỉnh Trưởng, cùng lúc Trung Đội 43 tấn công toà Hành Chánh Tỉnh Quảng Trị kế bên, Trung Đội 43 thanh toán nhanh vì sức đề kháng yếu ớt của địch. Hơn chục tên quân chính qui cộng sản bắc việt thuộc trung đoàn 48, sư đoàn 320B cộng sản bắc việt đã buông súng đầu hàng để khỏi bị tiêu diệt chung quanh mục tiêu 90...
Vui Buồn Đời Lính
Tiểu Đoàn 2 Thủy Quân Lục Chiến và Trận Tái Chiếm Dinh Tỉnh Trưởng & Toà Hành Chánh Tỉnh Quảng Trị Năm 1972
Đại Đội 4 Tiểu Đoàn 2 Thủy Quân Lục Chiến đánh Chiếm Dinh Tỉnh Trưởng...
Vùng mục tiêu 90 hoang tàn đổ nát, Dinh Tỉnh Trưởng được kiến trúc kiên cố với 2 tầng lầu nay đã sập, muốn đi vào phải khom người xuống.
Toà Hành Chánh hầu như cũng bị san bằng. Vùng mục tiêu 90, không khí thật kinh khủng vì mùi hôi thối do địch bài tiết tại chỗ cộng thêm mùi xác chết từ những hố chôn tập thể xác địch ..
Đại Đội 4 Tiểu Đoàn 2 Thủy Quân Lục Chiến hoàn toàn làm chủ khu vực dinh TỉnhTrưởng và Toà hành chánh Tỉnh Quảng Trị lúc 8 giờ 30 sáng ngày 15 tháng 9 năm 1972. Chúng tôi thu hồi được cả khuôn dấu của Toà hành chánh Tỉnh Quảng Trị.
Dinh Tỉnh Trưởng nằm sát cạnh Tòa Hành Chánh tỉnh. Cả hai nơi này, hiện nay không còn một chút dấu tích nào.
Đại Đội 4 Tiểu Đoàn 2 Thủy Quân Lục Chiến đã bắt sống được tù binh, tịch thu một số lớn các chiến lợi phẩm như sau:
412 súng cá nhân.
102 súng cộng đồng.
Đạn dược đủ loại.
40 thùng lương khô do Trung Cộng sản xuất.
23 máy truyền tin sơn màu vàng của Trung Cộng.
18 tù binh.
Nhiều hố chôn tập thể quanh vùng mục tiêu 90.
Hơn 30 xác cộng sản bắc việt còn nằm rải rác quanh khu hầm rượu và khu vực gần bờ sông Thạch Hãn.
Những điều đặc biệt:
- Khu hầm rượu rất hôi hám (nằm bên trái dinh Tỉnh Trưởng khoảng 30 m, xây ngầm và rộng độ 60 mét vuông 12x5m).
Nhiều máy truyền tin của cộng sản bắc việt đang còn hoạt động dưới đó, bên cạnh là những ghế bố nhôm của Mỹ. Chúng gọi nhau ơi ớí một cách hoảng loạn. Điều này chứng tỏ chúng đang hoang mang cao độ, và đây đúng là khu vực chỉ huy của cộng sản bắc việt...
- Có một cán binh cộng sản bắc việt cứ ôm đầu la hét, và đồng bọn cho biết về tên này vì quá sợ pháo nên đã lên cơn như thế từ nhiều ngày trước.
- việt cộng phóng uế ngay trên sàn dinh Tỉnh Trưởng vì sợ pháo nên không dám ra ngoài.
- Tôi thường đọc nhật ký, hỏi chuyện với các tù binh cộng sản bắc việt bị bắt được từ tuyến Mỹ Chánh hồi tháng 5 cho đến những kẻ bị bắt ở khu vực dinh Tỉnh Trưởng Quảng Trị, tôi có nhận xét: đa số rất trẻ, nhỏ con, mất tinh thần, rất sợ sệt...
- Ở tuyến Mỹ Chánh, gặp dịp đơn vị vừa nhận tiếp tế, tôi mời các tù binh uống thử trà đá, thì hơn nửa mới thấy nước đá lần đầu và kêu lên “nạnh quá”.
- Cách xưng hô lúc hỏi chuyện thì lúc nào cũng “thưa quan,…” rất xa lạ, khó nghe...
- Tôi thương cảm cho cuộc sống lầm than, thụt hậu của họ so với miền Nam đến cả chục năm...
Còn anh em Thủy Quân Lục Chiến với tính tình cởi mở, đầy lòng nhân ái, rộng lượng sẵn có của dân miền Nam thì giúp những kẻ sa cơ nào là cơm sấy, thịt hộp, nước uống và luôn cả thuốc lá là thứ quí của anh em.
- Dinh Tỉnh Trưởng bị hư hại nặng, chỉ còn tầng trệt. Quanh khu vực cầu thang của dinh, tôi không thể đứng thẳng người được.
- Chúng tôi phải chôn xác cộng sản bắc việt, rải thuốc sát trùng DDT lên các hố chôn tập thể.
- Bộ Chỉ Huy Tiểu Đoàn 2 Thủy Quân Lục Chiến phải xử dụng đến 6 đợt thiết vận xa M113 để chuyển tù binh và chiến lợi phẩm tịch thu về Bộ Chỉ Huy.
- Dân chúng Quảng Trị lợi dụng lúc cộng sản bắc việt “chém vè” để đào thoát về khu vực do ta kiểm soát. Người dân cho biết quân cộng sản bắc việt chạy tán loạn về hướng Đông Hà, Cam Lộ. Và để giữ thể diện, chúng nói bừa là quân ta được lính Thái Lan, Đại Hàn tăng cường nên chúng tạm về đây.
Việc tàn quân cộng sản bắc việt cố chạy càng xa Cổ Thành càng tốt đã được chứng nghiệm đúng vì lẽ sau khi quét sạch chúng ra khỏi Thị Xã Quảng Trị-Cổ Thành thì chúng tôi đã có một thời gian hơn nửa tháng không bị chúng quấy phá. Thỉnh thoảng chúng chỉ bắn quấy rối vài quả pháo tầm xa 130ly
Sau này tài liệu phía cộng sản bắc việt cũng thừa nhận hầm chỉ huy của chúng ở khu hầm rượu.
Trích dẫn:
“Sở chỉ huy Thành cổ (quân đội nhân dân Việt Nam) ở ngay sát mép sông, dưới một căn hầm rượu của dinh tỉnh trưởng Quảng Trị đã bị bom đạn làm đổ nát, gạch đá gỗ sắt đổ ngổn ngang bao phủ cả khu hầm dày tới 4-5 mét, bom ném bên cạnh cũng chẳng hề gì. quân đội nhân dân Việt Nam đã cải tạo khu hầm, chia thành ba ngăn có giao thông hào chạy ra bên ngoài. Một ngăn làm khu phẫu thuật, ngăn cho thông tin trinh sát và một ngăn chỉ huy và trực ban tác chiến. Cửa hầm được thiết bị chiến đấu chu đáo, có trung liên và B-41 bảo vệ. Không Lực Việt Nam Cộng Hoà và Hoa Kỳ hàng ngày soi tìm, nhưng do họ ngụy trang kín đáo, kỷ luật, khói lửa và đi lại ban ngày được duy trì nghiêm mật, nên vẫn chưa phát hiện được mục tiêu sở chỉ huy, tuy có nghi ngờ, thường xuyên tìm kiếm.”(ngưng trích)
Hoặc những thất bại bi thảm(trung đoàn chỉ còn chưa đến tiểu đội) mà chúng tự nhận như sau:
Trích
…“Sau 4 tháng 16 ngày (81 ngày đêm) chiếm giữ Cổ Thành và thị xã Quảng Trị, quân đội nhân dân Việt Nam đã bị đánh bật và tổn thất rất lớn. Riêng trung đoàn triệu hải (trung đoàn 27 quân đội nhân dân Việt Nam) với hơn 1.500 quân cố thủ trong Cổ Thành đã tử trận hoặc bị thương gần hết, chỉ còn chưa đến 1 tiểu đội còn lành lặn khi rút ra ngoài. Chi tiết về trung đoàn này cũng đã được phóng viên báo Tuổi Trẻ ghi lại theo lời kể của 1 cựu chiến binh (một trong gần 10 người còn lành lặn của trung đoàn này) qua bài ký đăng trong số báo ra ngày 26 tháng 7 năm 1998, có đoạn như sau” Ngưng trích
Chính cấp tướng lãnh của chúng viết ra:
Trích: ….“Ngoài trung đoàn triệu hải bị xóa sổ, trung đoàn 48B thuộc sư đoàn 320B quân đội nhân dân Việt Nam - đơn vị chiếm giữ trung tâm thị xã, cũng đã bị thiệt hại hơn 80% quân số. (quân đội nhân dân Việt Nam có 2 sư đoàn cùng mang số 320, đó là sư đoàn 320 thuộc B-3 đã tham dự cuộc tổng tấn công vào Kontum trong tháng 5 năm 1972, và sư đoàn 320 B thống thuộc quyền chỉ huy của bộ tư lệnh quân khu tại Trị Thiên). Trong một hồi ký phổ biến vào năm 1997, trung tướng Lê Tự Đồng, nguyên tư lệnh lực lượng quân đội nhân dân Việt Nam tại mặt trận tỉnh Quảng Trị, ghi nhận là các sư đoàn và trung đoàn tham chiến đã bị tổn thất hơn 50% quân số.” Ngưng trích
***.
Đã nhiều năm trôi qua, nay tôi phải viết lại đoạn đường cùng đồng hành với anh em Đại Đội 4 Tiểu Đoàn 2 Thủy Quân Lục Chiến chỉ vì món nợ máu xương, những trách nhiệm quá lớn mà anh em chúng ta đã cùng nhau gánh vác, đã hoàn thành trách nhiệm mà Quân Đội và Tổ Quốc giao phó. Một số lớn anh em chúng ta đã hy sinh hoặc bị tàn phế, và sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 một số đông anh em khác lại phải đày đọa những năm tháng dài trong ngục tù cộng sản và nổi trôi theo vận nước điêu linh!
Những Anh Hùng thật sự của đơn vị là những Binh Nhì Hợi, Binh Nhất Danh, Chính, các Hạ Sĩ Hoàng, Thành, My, Hội, Rít, Trãi, Ba Gà Khắn, Hạ Sĩ Cao, Trung Sĩ Trọng, Khoa, Trần Sơn, Trung Sĩ Nhất Cảnh, Ngà, Thượng Sĩ Đào Chữ, các Chuẩn Úy Dương, Hội, Huyện, Hiếu, Thu, Đức, các Thiếu Úy Lộc, Tài Pháo Binh, Hào v.v... và còn nhiều anh em khác nữa mà tôi không thể nhớ hết. Chính các anh đã viết nên những trang sử hào hùng của Binh Chủng Thủy Quân Lục Chiến. Chúng ta chiến đấu vì Tự Do Dân Chủ, chiến đấu để “Bảo Quốc, An Dân”.
Đại Tá Ngô Văn Định, Lữ Đoàn Trưởng Lữ Đoàn 258 Thủy Quân Lục Chiến đến thăm Mục Tiêu 90 khi chiến trường còn khét mùi thuốc súng. Từ trái sang phải: Đại Úy Liễn, Đại Tá Định, Thiếu Tá Tùng, Đại Úy Định
Mũ Xanh Lê Quang Liễn...
P/S: Hôm nay NQTR sưu tầm viết lại bài này để kỷ niệm 43 năm...Sư Đoàn Thủy Quân Lục Chiến và Các Chiến Sĩ của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đã tái chiếm Thị Xã Quảng Trị - Cổ Thành....
Vui Buồn Đời Lính
Tàn Cơn Binh Lửa
“Em hỏi anh bao giờ trở lại.
Xin trả lời mai mốt anh về
Anh trở về…
có thể bằng chiến thắng Pleime
hay Đức Cơ, Đồng Xoài – Bình Giả”
Trận Đồng Xoài
Trận Đồng Xoài xảy ra vào tháng 6 năm 1965, với rất nhiều thương vong cho cả hai bên hay chỉ về phía Quân Đội Việt Nam Cộng Hoà mà thôi, tôi không biết rõ. Tôi cũng không quan tâm về việc người ta phê phán các ông Tướng lo họp hành đảo chánh, làm chính trị, không phản ứng kịp nên trận Đồng Xoài mới có kết quả đau thương như thế...
Vào khoảng trung tuần tháng 5 năm 1968, theo nhu cầu của Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn III, Trung Tâm Hành Quân Delta và Tiểu Đoàn 91 Biệt Cách Dù, được điều động đến Thị Xã Đồng Xoài để tổ chức hành quân truy tìm, phát hiện mọi hoạt động của các đơn vị địch vùng ngoại vi của Thị Xã Đồng Xoài. Tên địa danh này thì tôi đã nghe, nhưng Đồng Xoài nằm ở đâu? Dấu hỏi đó không rời trí tôi.
Nhìn vào bản đồ, từ Thành Phố Bình Dương, Thủ Dầu Một theo Quốc Lộ 13 đi về hướng Bắc, khi gần đến thị trấn Chơn Thành sẽ là chỗ gặp nhau của Quốc Lộ 13 và 14. Quốc Lộ 13, tiếp tục theo hướng Bắc, ngang qua Thị Trấn Chơn Thành, rồi đến Thị Xã Bình Long và xa nữa là Lộc Ninh. Quốc Lộ 14 đi về hướng Đông Đông Bắc, qua Cầu Suối Ngang, rồi đến Thị Xã Đồng Xoài. Từ Thị Xã Đồng Xoài về hướng Tây Bắc là Thị Xã Bình Long, hướng Đông Bắc là Thị Xã Phước Long. Hai bên Quốc Lộ là những khu rừng dày đặc bao phủ. Bao nhiêu xương máu đổ ra nơi nầy? Thế hệ sau, người đời sau có ai khi đi qua nơi nầy sẽ thấy “Kẻ hành nhân qua đó chạnh thương! ”
Tôi không thể quên Bình Long, nơi tôi đã tham dự một trận đánh “long trời lở đất”, nhưng điều tôi vẫn nhớ hoài là Nghĩa Trang 81 Biệt Cách Dù, nơi tôi đã góp công xây dựng, chiến hữu của tôi vẫn còn nằm lại đó.
Nhìn chung, trong cả hai trận chiến tranh Đông Dương lần thứ nhứt (1945-54), và lần thứ hai (1960-75), miền Đông Nam phần là một chiến trường đẫm máu vì vùng nầy bao gồm: Bình Long, Phước Long, Phước Thành (một tỉnh đã bãi bỏ) có một vị trí chiến lược quan trọng. Vùng nầy cách Sài Gòn không xa, khoảng 100 cây số, tiếp cận với biên giới Việt Miên là con đường xâm nhập bộ đội và vũ khí của cọng sản từ xứ Chùa Tháp qua Việt Nam. Ngay sát trên biên giới nầy là mật khu Bùi Gia Mập.
Vì tính cách chiến lược đó, khoảng đầu năm 1965, một Căn cứ Lực Lượng Đặc Biệt: Trại Đồng Xoài được thiết lập ở đây. Đây là một nút chặn quan trọng, có nhiệm vụ phát hiện hoạt động của cọng quân. Từ Đồng Xoài, chúng sẽ tấn công Bình Long? Sẽ tấn công Phước Long? Sẽ tiến xuống Trị An? Từ nơi nầy, chúng vượt qua Rừng Lá. Ngay phía Đông Rừng Lá là mật khu Mây Tàu, vùng Xuân Lộc, Long Giao, Phước Tuy, Đất Đỏ, có yên được không?
Quân Đoàn III, với ba Sư Đoàn, Sư Đoàn 5, Sư Đoàn 18, và Sư Đoàn 25, không đủ sức “bao giàn” một vùng đất rộng lớn nầy, rừng núi trùng điệp bao phủ. Đằng sau nó, là vùng tiếp vận của ông Hoàng Xứ Miên.
Mặc dù, ngay từ đầu, Việt cọng phá rối, pháo kích, tấn công, cố nhổ cho được Trại Lực Lượng Đặc Biệt Đồng Xoài, nhưng căn cứ này vẫn đứng vững. Đồng Xoài đóng một vai trò quan trọng trong trận chiến giải tỏa An Lộc, tồn tại đến tháng 4 năm 1975.
Việt cọng thường chuyển quân, xuất phát từ Cambodia theo Tỉnh Lộ 748 ngang qua Bù Đốp và Tỉnh Lộ 741 ngang qua Bùi Gia Mập để vào lập căn cứ địa trong Khu Tam Giác của ba Thị Xã: Phước Long, Bình Long và Đồng Xoài. Bọn chúng thường tránh đụng độ với bất cứ đơn vị Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa nào hoạt động ở đây. Về mặt chiến thuật, không lợi ích cho chúng, dù có thắng lợi chăng nữa. Bọn chúng dùng nơi đây để tăng gia sản xuất, ém quân, điều nghiên chiến trường và đắp mô trên các trục lộ để khủng bố, sát hại đồng bào, cùng ngăn chận sự chuyển vận binh sĩ của các đơn vị trú đóng tại địa phương.
Bốn Đại Đội 1, 2, 3 và 4 của Tiểu Đoàn 91 Biệt Cách Dù và Trung Tâm Hành Quân Delta được C.130 của Quân Đội Hoa Kỳ chuyển vận đến Đồng Xoài. Từ căn cứ hành quân đóng cạnh một bìa rừng bên trái Quốc Lộ 13 và Trại Lực Lượng Đặc Biệt Đồng Xoài, các Toán Thám Sát Delta được Trực Thăng UH.1B bốc thả vào hoạt động trong khu vực nằm giữa ba Thị Xã này...
Khi các Toán Thám Sát Delta phát hiện các khu vực trồng sắn, bắp ở dưới các trũng đồi chạy dọc theo các con suối, và một khu nhà ở, nhà kho, thì Tiểu Đoàn 91 Biệt Cách Dù đã đưa Đại Đội 1 và 2 nhảy vào khai thác mục tiêu. Ở đây, việt cọng đã dựng lên những ngôi nhà dưỡng quân, nuôi quân để chuẩn bị cho chiến trường ở Bình Long, Lộc Ninh hay Phước Long v.v… Bên cạnh các trại dưỡng quân là các nhà kho chứa ngô, khoai, sắn và phần nhiều là gạo. Gạo của Tàu cọng. Và dọc theo vài đường mòn lớn, cứ khoảng vài ba cây số đường rừng thì có một ụ muối, tựa như những gò mối, được lợp và bao phủ chung quanh bằng một loại lá giống như lá cây cọ, gọi là “Lá Trống Quân” để ngụy trang và che mưa rất kín đáo.
Quân việt cọng ở đây là thành phần thương binh, có nhiệm vụ dưỡng thương và tăng gia sản xuất, cùng một số liên lạc viên trên đường đi đã dừng lại nghỉ quân, bọn chúng cố gắng phản công, bảo vệ kho tàng, nhưng làm sao có thể chống trả lại Biệt Cách Dù?
Ngoài một số tên bỏ mạng bị thương và bị bắt, số còn lại rút về hướng Tây trong vùng rừng núi Long Tân, Phú Riềng.
Vui Buồn Đời Lính
Tàn Cơn Binh Lửa
Nhìn những “tên lính sữa” mới thôi bú mẹ, tôi thấy xúc động. Hỡi các Bà Mẹ phía Bắc vĩ tuyến 17, các Mẹ có đau lòng chăng khi những đứa con chưa đủ lớn, đã bị bọn lãnh đạo ở Bắc Bộ Phủ đưa vào miền Nam làm bia đỡ đạn. Không ít những tên bị bắt là thương binh loại nhẹ. Còn những tên bất khiển dụng thì ở đâu? Chỉ một viên đạn AK, bọn lãnh đạo cọng sản bớt đi những vướng bận chiến trường.Tàn bạo như thế là cùng!!!.
Khoảng hai tuần sau đó, Đại Đội 3 và Đại Đội 4 đổ quân xuống mạn Bắc Thị Xã Đồng Xoài, kế cận khu Lương Võ, cũng phát hiện một căn cứ địa có hầm trú ẩn và trạm xá. Tấn công vào đây, sát hại 10 tên địch, và hướng dẫn phi cơ oanh kích, hủy diệt toàn bộ căn cứ này.
Trong thời gian hành quân tại Thị Xã Đồng Xoài, sau lần cùng Đại Đội 4 nhảy vào khai thác mục tiêu, tôi tình nguyện về Trung Tâm Hành Quân Delta do Thiếu Tá Phan Văn Huấn là Chỉ Huy Trưởng. Tại nơi đây, tôi nhảy “thử gió” cùng Toán 1 Thám Sát Delta, Toán Trưởng là Thiếu Úy Phạm Phan Anh, bạn cùng Khóa 24 Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức với tôi...
Đại Úy Lê Đắc Lực & Thiếu Úy Phạm Phan Anh
Nhảy thử gió là chuyến thâm nhập Toán lần đầu tiên khi về phục vụ Trung Tâm Hành Quân Delta.
Sĩ Quan mới về đơn vị sẽ đi theo thực tập (học nghề) với một cựu Toán Trưởng từng trải. Toán gồm 6 người, 2 người là quân nhân Hoa Kỳ và 4 người là Việt Nam. Thời gian hoạt động là 7 ngày, nhưng cũng tùy theo nhu cầu, nhiệm vụ, thời gian hoạt động cũng có thể rút ngắn hay gia tăng.
Thông thường chuyến thâm nhập thử gió may ít rủi nhiều, nên trước khi Toán lên đường xâm nhập, thường được các đồng đội tiễn ra tận trực thăng, xiết chặt tay cùng với lời nhắn nhủ rất kinh dị mà chân tình: “Đi nhớ trở về nghe mày!” và tiếp nối là những vẫy tay từ giã, hoặc cũng có thể là vĩnh biệt, cho đến khi trực thăng mất hút trong không gian mờ nhạt của trời chiều.
Sau lần thử gió, tôi đảm nhận Trưởng Toán 3 Thám Sát Delta, và cũng từ đó, trên bước đường quân hành vạn nẽo qua các chức vụ, tôi đã thâm nhập vào các Mật Khu của giặc cọng khắp 3 Vùng Chiến Thuật I, II, III như: Khe Sanh, Ba Lòng, Ashau, Khâm Đức, Ba Tơ, An Lão, Dakto, Tam Biên, Đồng Bò, Tô Hạp, Mõm Chó (Krek), Mây Tào, Đồng Xoài và Chiến Khu D, và cũng đã lập được ít nhiều chiến tích cho Đơn Vị.
Về sau, khi trở thành Liên Đoàn 81 Biệt Cách Nhảy Dù (Ngày 1 Tháng 8 Năm 1970), sau khi Binh Chủng Lực Lượng Đặc Biệt giải tán, như là một truyền thống cố hữu, bất cứ một Sĩ Quan trong Liên Đoàn, được Đại Tá Phan Văn Huấn Chỉ Huy Trưởng, cất nhắc đảm nhận chức vụ Biệt Đội Trưởng, ngoài các chiến công, thì phải, đã, từng đảm nhận các chức vụ Trưởng Toán Thám Sát, Trung Đội Trưởng, Đại Đội Phó, Biệt Đội Phó các Biệt Đội Biệt Cách Nhảy Dù. Và cũng xuất phát từ truyền thống này mà hiệu năng tác chiến của Liên Đoàn được nâng cao, mang lại nhiều chiến công hiển hách, lẫy lừng, tạo nên uy danh cho Liên Đoàn 81 Biệt Cách Dù trong Quân Sử Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà và lưu truyền cho hậu thế....
-Cố Đại úy Lê Văn Hiếu - Nguyễn Ngọc Tỉnh, Cố Trung úy Lê Văn Đức - Thạch Hội Lê Văn Công, Trần Vạn - Vi Văn Đạt. Cùng những thằng bạn, thằng em khác, thuộc Tiểu Đoàn 52/Biệt Động Quân, đã hy sinh hay đã dâng hiến một phần thân thể, trong những tháng năm rong ruổi chinh chiến đời tôi....
Mũ Nâu Đoàn Trọng Hiếu
Chúng và Tôi....
"Tôi nó sinh ra nhằm chinh chiến mới quen nhau mà lưu luyến..." Tiếng hát của Hoà Nổ và Thắng Gấu trong đêm họp mặt tân niên, thật trầm ấm và cũng thật ray rứt. Ngồi trầm ngâm trước ly bia sủi bọt, khi mà ngoài kia từng cơn bão tuyết đang đổ xuống vùi dập thành phố, thì trong lòng tôi, cơn lốc dĩ vãng của một thời chinh chiến lại hiện ra, nhạt nhoà nước mắt - Tôi muốn uống thật nhiều, thật say, uống cho những thằng bạn, thằng em đã nằm xuống cho cuộc chiến hôm qua, cho những thằng hôm nay còn đang sống đọa đày tủi nhục trong nước, cho những thằng giấc mộng không thành, đời mãi long đong nơi đất khách quê người .
- Uống đi tụi bay Hải, Khanh, Sam, Thành, Hiếu, Sơn...
- Ê! Đắp mô hả Hiếu, nên nhớ là Biệt Động Quân vì dân chiến đấu, vì nước hy sinh, vì đế bỏ mình, vì tình bỏ mạng nghe mày.
- Cho tao qua tua, đêm nay còn đi kích, ngày mai mình uống tiếp.
Vâng, mai uống tiếp,hay chẳng bao giờ gặp lại anh em để uống nữa. Vì biết đâu đêm nay, tao hay chúng mày, có đứa sẽ rửa chân leo lên bàn thờ ngồi. Những âm thanh, hình ảnh thân thương hỗn độn của gần 40 năm về trước như sống lại, tưởng chừng như mới hôm qua?
Ngày ấy, sau khi vồ xong được cái phần 2 để trở thành "cậu tú kép", còn đang lang thang, chưa định hướng. Nhiều thằng bạn học trước đây đã lần lượt ra đi. Rồi hung tin cũng lần lượt bay về. Thằng Chiểu, bạn thân năm đệ nhị Lê Bảo Tịnh, sau hai kỳ đạp vỏ chuối, bèn ca bài "rớt tú tài anh đi trung sĩ". Sau khi mãn khóa ở Đồng Đế,nó về Đại Đội Trinh Sát Hắc Báo, Sư Đoàn 1. Hơn 3 tháng sau, anh nó gặp tôi bảo: "Chú Hiếu ơi! Chiểu nó chết rồi". Thằng Hiển học với tôi năm lớp nhất, nhưng nó lớn hơn tôi 4 tuổi. Năm 1965 vào Hải Thuyền, rồi mất tích ở Năm Căn. Khang trên tôi 2 lớp thì vào khóa 1 Biên Tập Viên Cảnh Sát. Ngọc "tây lai" thì thất tình với một bà sơ tập sự. Vì bà yêu Chúa hơn yêu nó, nên đâm đầu vào Không Quân để làm "giặc lái".
Thành "ba lém" sau mấy năm than câu "học tài thi phận" rồi khăn gói ra Đồng Đế về Lực Lượng Đặc Biệt, sau theo học khóa sĩ quan đặc biệt rồi về Trinh Sát 2 Dù, hy sinh tại Đam Be cuối năm 1971 - Tôi đi tìm thăm nó lúc ở Đam Be nhưng không gặp. Gần tháng sau, nhân lần về phép, khi xe Jeep chạy ngang nhà nó, tôi tạt vào thì đã thấy hình nó trên bàn thờ. Thắp cho nó 3 cây nhang và đọc vài câu kinh xong, tôi thầm nói với nó: "Mẹ mày, ông đi tìm mày không gặp,ai ngờ mày đã leo lên bàn thờ từ bỏ anh em rồi".
Cuối năm 1967, Định rủ tôi đi khóa 24 Võ Bị. Nhưng nghĩ tới 4 năm quân trường, tôi ngán ngẩm từ chối - Mậu Thân nổ ra, rồi tổng công kích đợt 2, Hùng, Lượng và tôi tình nguyện vào Thủ Đức.
Sau 6 tháng ngủ gà ngủ gật trên các bãi tập, rồi cũng đến cái ngày "Quỳ xuống các ngươi, đứng dậy các tân sĩ quan". Đeo cái quai chảo vào cổ áo, 13 thằng về Biệt Động Quân.
Sau 7 ngày phép, chúng tôi được phân về 4 quân khu. Tôi về Liên Đoàn 3 và được phân về Tiểu Đoàn 52, tiểu đoàn em út của binh chủng, nhưng bề dầy chiến tích lại thật lẫy lừng, qua các trận Đồng Xoài, Suối Long, Kim Hải, với biệt danh "Sấm sét miền Đông". Đa số anh em sau này dù có thuyên chuyển đi đâu, họ vẫn tự hào là "dân 52"...
Ngày trình diện Tiểu Đoàn, người đầu tiên tôi gặp là Đại úy Hồng Khắc Trân, sĩ quan Ban 3. Ông chuyển lệnh của Tiểu Đoàn Trưởng, phân tôi xuống Đại Đội 4, với lời căn dặn : "Đ mạ! Tướng mi cũng chịu chơi, đánh đấm cho đẹp nghe em".
Tôi là thằng đàn em nhỏ nhất trong số hơn một tá sĩ quan trung đội trưởng lúc đó, nên còn được gọi là "Hiếu nhỏ" hay "Hiếu Bắc kỳ", để phân biệt với thằng Lê Văn Hiếu, khóa 25 Thủ Đức bên Đại Đội 1, cùng Tiểu Đoàn. Với các cuộc hành quân qua các điạ danh Sóc Con Trăng, Tây Ninh, Bình Long, Long Khánh, các mật khu Mây Tào, Hắc Dịch, Hố Bò v.v..
Hay về vùng ven đô với Rừng sát, Lý văn Mạnh, hoặc vào sâu trong những khu rừng rậm của chiến khu D. Tôi học tập dần để trưởng thành, vì mọi cái đều xa lạ với những cái tôi đã học ở quân trường. Hoặc vì ngủ gà, ngủ gật mà tôi đã không áp dụng đúng câu "thao trường đổ mồ hôi,chiến trường bớt đổ máu" khiến cho những ngày đầu ở đơn vị, đã có những chuyện cười ra nước mắt. Như chuyện tôi tháo cây Colt. 45 ra lau chùi, rồi không biết ráp lại, tôi đã nhét vào ba lô cả tháng - Đặc biệc cái tọa độ chuẩn đã làm cho tôi bị anh Ngô Văn Niếu (Khóa 20 Đà Lạt) dũa thê thảm - Số là vừa về đơn vị được 2 ngày, tôi dắt trung đội 2, khoảng gần 20 người hành quân lục soát dọc theo đường mòn "bà Ngô đình Nhu" ở Sóc Con Trăng thì chạm địch. Lần đầu tiên thử lửa quả tình là thật lúng túng và có phần hoảng hốt, Trung úy Ngô Văn Niếu bảo tôi cho biết là đang ở đâu - Tôi lắp bắp đọc luôn tọa độ 6 số, chẳng biết là có đúng không, tôi nghe anh hét lên trong ống liên hợp:
- ĐM! Anh đang ở đâu với con Lan (tên một tọa độ chuẩn).
- Trình non nước là tôi đang đụng chứ có ở chỗ con Lan nào đâu.
Càng giận hơn, anh hét lên trong máy, nhưng tôi chỉ còn nghe rõ mấy câu sau:
- . . . . . . .Anh tốt nghiệp từ trường Nữ quân nhân hả?
Sau lần đó, tôi được Thiếu úy Sam ( khóa 24 Thủ Đức) cho thọ giáo để học thêm ít chiêu vỡ lòng và truyền cho một số bí kíp tiếu ngạo giang hồ. Đồng thời cũng không quên một câu nhắc nhở :"Đừng làm mất mặt dân Thủ Đức nghe mày".
Cuộc chiến nào mà không có mất mát. Trước sự sàng lọc khắc nghiệt của cuộc chơi, Hùng khóa 26 Thủ Đức, gãy nát tay ở Sóc Con Trăng. Hai tháng sau, về ven đô, con nhà Quý Đen khóa 26 Thủ Đức, bị cụt hai chân ở gần cầu Rạch Chiếc, đối diện nhà máy xi măng Hà Tiên. Và cũng chỉ vài ngày sau, Thiếu úy Thạch Hội khóa 23 Thủ Đức, đạp phải mìn, chết cách chân cầu xa lộ không đầy 500 mét.
Đúng là đi sông, đi biển không chết, về nhà sụp lỗ chân trâu. Hôm đi gác xác nó ở nhà xác Tổng Y Viện Cộng Hoà , người yêu của nó, cái cô bé học trò ở họ đạo Bến Cát, Gò Vấp, đã khóc hết nước mắt. Hai đứa thề non hẹn biển, cuối năm nay, khi thằng Hội được biệt phái giáo chức về nhiệm sở cũ, chúng nó sẽ lấy nhau. Ước vọng nhỏ nhít, nhưng cũng là cuộc đời lớn nhất. Vậy mà cũng chẳng thành, để rồi âm dương cách trở.
Giữa năm 69, tôi thuyên chuyển sang Đại Đội 3. Sau khi mãn khóa 40 Rừng Núi Sình Lầy, tôi trở về đơn vị, đúng là lúc chuẩn bị cho các cuộc hành quân sang Kampuchia. Khởi đi từ ngày 29 tháng 3 năm 1970, cùng với Lữ Đoàn 3 Thiết Kỵ, chúng tôi đã tiến như chẻ tre sang Kampuchia.
Từ Ba thu, đại bản doanh của mặt trận giải phóng Miên Nam, đến Mỏ Vẹt, rồi Krek, Mimot, Kamponcham, Svay Riêng, các trận đánh long trời lở đất, tại các vùng rừng cao su Mimot, Chup, Peamcheng. Sang đầu năm 1971, chiến trường chuyển sang chiều hướng khốc liệt hơn. Khi mặt trận Hạ Lào đang diễn tiến thì ở Kampuchia, hai Liên Đoàn 3 và Liên Đoàn 5 Biệt Động Quân, cùng với Lữ Đoàn 3 Thiết Kỵ tiến vào Đam Be. Tại đây việt cộng đã tập trung ba công trường 5,7 và 9 cộng sản bắc việt bao vây nhằm tấn công tiêu diệt chúng tôi tại bờ sông MêKông.
Nơi thung lũng Đam Be, Thiếu Tá Sanh, Tiểu đoàn trưởng Tiểu Đoàn 30 Biệt Động Quân đã tử trận. Thiếu Tá Ron, Thiết đoàn phó Thiết đoàn 15 cũng đã hy sinh. Khi Tướng Đỗ Cao Trí tử nạn thì cũng là lúc bọn chúng tìm cách dứt điểm.
Phải thành thật mà nói là Tướng Nguyễn Văn Minh lên thay Tướng Trí, chức vụ Tư lệnh Quân đoàn III, ông không đủ khả năng để điều động một cuộc hành quân táo bạo như vậy, nên ông đã lúng túng, khiến các đơn vị trở nên bị động. Cuối cùng, thay vì tiếp tục tiến về phía trước, ông đã ra lệnh lui quân. Đêm trước ngày lui quân, B.52 đã oanh tạc vào một đoạn đường không đầy 1 km, giữa vị trí của B.52 và 36. Rạng sáng, hàng chục phi tuần F.104 từ hàng không mẫu hạm bay vào phối hợp với các phi tuần F.5 của Không lực Việt Nam Cộng Hoà, từ Tân Sơn Nhất và Biên Hòa lên. Sau cùng, hai Tiểu đoàn Pháo Binh 64 và 46 trừ bị của Quân đoàn, tác xạ tối đa vào mục tiêu, tưởng chừng con kiến cũng hkông sống sót nổi. Đại Đội 3/52 của chúng tôi đi đầu, vừa chạm tay được với Đại Đội 1/36 của Đại úy Nhân. Khoảng 11 giờ sáng, theo lệnh hành quân, thì tại đây, chúng tôi bố trí lại, để Liên đoàn 5 dẫn đường bằng Đại Đội 5 TS của Đại úy Nam, tiếp tục lui quân theo thế chân chim.
Nhưng rồi đạn pháo từ khắp nơi bay đến, địch từ các địa đạo, hầm hố cách không đầy 50 mét và trên các ngọn cây thốt nốt đồng loạt khai hỏa. Trong tình thế "ngũ bề thọ địch" này, chúng tôi đã anh dũng chống trả, quật ngã hết đợt xung phong này đến đợt xung phong khác. Những cây đại liên 30 và 50 trên các xe M.113, không kịp thay nòng súng, vì quá nóng, đạn đã rớt ngay trước đầu xe - Bên cạnh tôi, Chuẩn úy Khổng Hữu Lực vừa ra trường được hơn 2 tháng, sau vài phút hoảng hốt của lần chạm súng đầu tiên, đã lấy lại được bình tĩnh, rồi như say mùi thuốc súng, nó đã "tả xung, hữu đột", củng cố lại được trung đội, cây M.16 trên tay nó rung lên từng chập. Rồi bất thần, tôi thấy nó đứng thẳng người lên, tay tiếp tục xiết cò, miệng la lớn: "ĐM chúng mày! Giỏi thì tiếp tục xung phong, tao cho chúng mày đi chầu Diêm Vương hết". Nó như con hổ non háu đói, chồm lên về phía trước, tôi chỉ kịp la lên: "Lực, nằm xuống!". Nhưng không còn kịp nữa, một loạt đạn AK, đã cày nát ngực nó. Tôi ra lệng cho hai trung đội bắn che tối đa, rồi cho kéo nó ra phía sau. Nhưng nó đã đi rồi. Bỏ xác nó vào thùng xe M.113, tôi nói như để cho nó nghe: "Mày chơi đẹp lắm, không hổ mặt dân Bắc kỳ Hố Nai". Phía Đại Đội 5 Trinh sát đã bị trộn trấu. Anh em đã chiến đấu bằng lựu đạn và lưỡi lê. Thấp thoáng chỉ còn thấy ít đồ bông, lẫn trong cháo lòng và kaki Nam Định. địch quá đông, gấp 5, gấp 10 lần. Nhưng mãnh hổ vẫn địch lại quần hồ. Sau gần 4 giờ tử chiến bất phân thắng bại, địch đã phải rút lui, còn chúng tôi cũng phải lùi về vị trí cũ. Tôi bị một mảnh đạn ghim vào bắp chân trái, sâu khoảng 4 centimet, giờ mới thấy đau, Tắc người y tá của trung đội dùng cây kéo ben nhổ ra. Đổ vào một ít ancohol, quấn vội chiếc băng cá nhân, rồi dìu tôi cùng số anh em còn lại, nương theo các xe M.113 rút về vị trí cũ.
Trung đội bị 4 chết, 8 bị thương và 3 mất tích, chỉ còn lại tôi, Thành Sún mang máy truyền tin, Trung sĩ Quân, khẩu đội đại liên M.60 và Hạ sĩ Tắc y tá.
Trời bắt đầu xẩm tối. Hành động gan dạ và quả cảm của Trung tá Đồng, Thiết đoàn trưởng thiết đoàn 15, đã làm cho chúng tôi vô cùng cảm động và thán phục - Ông yêu cầu anh em Biệt Động Quân cùng Thiết đoàn của ông, trở lại trận tuyến, để mang các anh em chết và bị thương còn kẹt lại ra. Chúng tôi bốc ra được gần 300 anh em, trong đó có hạ sĩ Khách và Binh II Vang của Trung đội tôi bị thương nặng. Quang cảnh trận địa thật hãi hùng. Số xác chết việt cộng bị bỏ lại lên đến vài ngàn. Sau này dường như cố vấn Mỹ tiết lộ,theo tin tức tình báo từ không ảnh, số việt cộng chết lên tới ngót 6000. Dĩ nhiên, Tiểu đoàn chúng tôi cũng bị thiệt hại nặng. Số tử trận ngót 100, số bị thương gần 200 người. Suốt đêm đó, mặc dù địch tiếp tục pháo, nhưng các chuyến Chinook vẫn đáp xuống bổ sung đạn dược và đưa các anh em chết hay bị thương về.
Sau trận này, Hải, Khanh, xin về Dục Mỹ. Sam, Nghĩa, Thành đi làm Đại đội trưởng Biên phòng. Sơn bị thương nặng giải ngũ. Chỉ còn tôi và Hiếu lớn ở lại. Hiếu thăng cấp Trung úy lên làm Đại Đội Trưởng Đại Đội 1. Còn tôi, khoảng tháng 4 năm 1971, vì bất hoà với Trung úy Cơ, Đại Đội Trưởng, nên cũng thuyên chuyển về Đại Đội 1, làm Đại Đội Phó cho hiếu lớn. Ít ngày sau, Trung úy Cơ cũng được thay thế bằng Trung úy Tỉnh ở 36 chuyển qua.
Đầu tháng 6 năm 1971, căn cứ Alfa do Tiểu đoàn 30 trấn giữ bị địch vây kín đã gần nửa tháng. Mấy ngày trước Đại Đội 3/52 của Trung úy Tỉnh, cùng với Chi đoàn 2/18 Sao Bắc Đẩu, của Trung úy Phi Điểu tiến vào tăng cường vòng ngoài. Sau mấy ngày quần thảo quanh căn cứ, vì áp lực địch quá nặng, nên phải trệt thoái ra,. Trên đường triệt thoái, xe Phi Điểu bị trúng B.40 và nó đã hy sinh. Tiểu đoàn với 3 Đại đội còn lại, được lệnh giải tỏa Alfa bằng mọi giá. Chuẩn úy Mạnh nhận sự vụ lệnh về nhiệm sở mới, nhưng vẫn xin ở lại đánh trận sau cùng. Đúng 4 giờ sáng, rời tuyến xuất phát cùng với Chi đoàn 1/8 Chiến xa M.41 và Chi đoàn 3/18 của Đại úy Đức, tôi đi cùng xe với Thiếu úy Nhiều thiết giáp.
Nhiều sau tôi hai khoá, tôi đã sang Đại Đội 62 của nó để làm huynh trưởng hướng dẫn lúc ở Thủ Đức. Trước khi cho lăn xích sắt, Nhiều nói với tôi : "Hôm nay Thiếu úy Hiếu coi Thiếu uý Nhiều đánh giặc, không đẹp không lấy tiền". Nhiều nổi tiếng đánh giặc lì lợm, nên anh em thường gọi nó là "Thiếu úy Liều"....
Chúng tôi tiến quân bằng hai cánh. Đại Đội 1 đi với 2 chi đội bên cánh phải. Đại Đội 4 đi với 2 chi đội của chi đoàn 3/18 bên cánh trái. Đại Đội 2 và Bộ Chỉ Huy Tiểu đoàn đi với Chi đoàn Chiến xa. Chúng tôi tiến quân rất thận trọng, vì biết chắc rằng địch đang chờ chúng tôi ở một nơi nào đó. Tờ mờ sáng đã thấy căn cứ alfa nằm trên đồi 46 ở trước mặt. Anh em Tiểu Đoàn 30 Biệt Động Quân trong căn cứ đang vẫy tay mừng. Đoàn xe từ từ bò lên đỉnh đồi cỏ tranh, đã bị cháy vì bom đạn trong những ngày vừa qua, tạt trái về hướng đông bắc. Mục tiêu nhắm đến là bìa rừng cao su ở phía trước. Khoảng cách thu hẹp dần, 800m, rồi 700m, 600m?. Bỗng đùng một cái, hàng ngàn tiếng nổ chát chúa ở ngay trước đầu xe. Không đầy 50 mét, bọn việt cộng nhô người lên khỏi giao thông hào thi nhau nhả đạn. Tôi thấy rõ những cây B.40, B.41 đang rà theo các xe M.113 và phóng đi. Một trái bay vọt qua đầu xe, thật hú hồn. Xe Trung úy Hiếu bị trúng đạn, ba thầy trò nó văng khỏi xe, tôi hét vào tai Nhiều:
- Mày thấy nó chưa, bảo chúng nó bắn thấp xuống.
Tôi toan nhảy xuống xe thì Nhiều đã dùng gót giày nhắp nhắp vào cổ viên tài xế như ra hiệu, miệng hét lớn : "ĐM xay nó". Như hiểu ý ông thày, chiếc xe chồm lên lao thảng vào phòng tuyến việt cộng, ngang dãy giao thông hào. Bằng một động tác thật điêu luyện, như người biểu diễn mô tô bay, viên tài xế kéo cần lái bên trái lên. Chiếc xe quay ngang, để lọt lằn xích bên phải xuống làm chiếc xe nghiêng hẳn sang bên phải. Tôi vội bám chặt vào pháo tháp của cây 50. Chiếc xe cứ nằm nghiêng như vậy mà chạy trườn tới, cày nát một khúc giao thông hào khoảng mấy chục thước.
Những tiếng rú khủng khiếp, xen lẫn tiếng gầm của máy cùng tiếng nổ của lựu đạn do chúng tôi ném ra, tạo nên sự kinh hoàng trên phòng tuyến của việt cộng. Sự việc diễn ra chỉ hơn 1 phút, nhưng quả đây là một phút để đời. Rồi chiếc xe vượt lên khỏi dẫy giao thông hào, chạy lù về phòng tuyến. Còn chiếc xe của Trung úy Hiếu bị trúng đạn, có lẽ vì viên tài xế khi chết chân vẫn còn đạp ga, nên chiếc xe cứ thế chạy thẳng về phía trước, ủi vào hàng cao su rồi bốc cháy. Một Chuẩn úy, hai xạ thủ đại liên, viên tài xế và một Biệt Động Quân đã chết theo xe. Tôi nhảy xuống xe, lệnh cho các trung đội phân tán mỏng, để tránh thiệt hại, rồi chạy thẳng về phía Trung úy Hiếu. Nó bị sức ép quá mạnh, đẩy văng ra khỏi xe, may không bị miểng nào, chỉ bị tức. Hiếu lấy tay xua tôi ra, hiểu ý, tôi lôi Bảo và Thành, hai người hiệu thính theo. Tôi gặp Đại úy Đức, Chi đoàn trưởng, yêu cầu cho thiết giáp khai hỏa tối đa, không cho bọn chúng ngóc đầu khỏi giao thông hào. Vì đã thấy chúng chỉ có giao thông hào và hàm ếch, nên chúng tôi dùng lựu đạn tấn công thật chính xác vào phòng tuyến của chúng. Bằng cách đánh này, không đầy 10 phút sau, hỏa lực chống trả của chúng yếu dần. Tôi yêu cầu thiết giáp ngưng tác xạ và dắt hai trung đội xung phong. Những tiếng hô: "xung phong", "Biệt động! Sát" vang cả một góc rừng cao su vọng lại. Bọn việt cộng còn sống sót quá sửng sốt, há hốc miệng, chưa kịp phản ứng đã lãnh gọn những viên đạn, đưa tiễn chúng về chầu bác và đảng. Trung uý Hiếu đã cùng với anh em xung phong và ở bên cạnh lúc nào tôi không biết, tôi quay sang bảo nó:
- "Sao mày không nghỉ ở đàng sau", nó trả lời : "Tao sợ mày điên lên rồi nướng thằng Mạnh, nên phải chạy theo, nhưng thấy mày chơi có bài bản nên để kệ mày làm"...
Kiểm điểm chiến trường. Thật không ngờ, 52 tên bị hạ sát tại trận, bắt sống 1 tên, tịch thu 1 57 ly, 8 B.40 & B.41, gần 40 khẩu AK đủ loại, toàn bộ 1 C của cộng quân bị diệt gọn. Tổn thất của Biệt Động Quân và Thiết giáp được coi là quá nhẹ. 6 chết, gần 20 bị thương, cháy mất một xe M.113. Cánh quân bên cánh trái, bọn việt cộng bung hầm hố bỏ chạy, để lại 16 xác. Bên Biệt Động Quân, Đại úy Minh, Đại Đội Trưởng và một số anh em bị thương.
Tối hôm đó, còn đang nằm trên trận địa thì đài giải phóng nó đã loan tin: "sáng hôm nay mặt trận giải phóng Miên Nam và nhân dân giải phóng Khờ Me, đã tiêu diệt toàn bộ Tiểu Đoàn 52 Biệt Động Quân ngụy Sàigòn cùng thiết đoàn xe bọc thép mang số 18". Tôi buột miệng chửi thề: "tiêu cái con c.. bố". Đúng là bố láo như vẹm.
Vài ngày sau, tôi được bổ nhiệm sang Đại Đội 4, giữ chức Đại Đội Trưởng, thay thế Đại úy Trương Thanh Minh. Gặp lại đám em út ngày xưa, Trung sĩ I Thóc, trung đội phó giờ là thường vụ Đại Đội, Thượng sĩ Lữ, Trung sĩ Bá, Trung sĩ Cưu v..v.. và đặc biệt là Thường trọc, thằng em mang máy truyền tin giờ đã là Hạ sĩ I. Một bữa tiệc linh đình được bày ra. Gồm ít con khô sặc được xé nhỏ trộn với xoài xanh và nước mắm ớt. Cùng với một bình rượu 5 lít, để đánh dấu ngày "châu về hợp phố', giữa bữa tiệc. trung sĩ Cưu nhắc lại: "Thiếu úy nhớ không, ngày mới ra trường, ông thầy nhắp một nắp bi đông đã chạy, giờ ông thầy làm 7, 8 nắp vẫn tỉnh queo". Nói rồi hắn chiêu một nắp vào miệng, xúc xúc mấy cái rồi la to: "Thiếu úy Hiếu muôn năm". Tôi cười pha trò: " thôi đi cha nội, bộ muốn tôi mang Thiếu úy muôn đời Lục Quân Việt Nam sao ?". Tình cảm của lính thật chân thật và cái vui của lính cũng thật đơn giản như vậy đó.
Cuối năm 1971 đó, Tiểu đoàn đi học bổ túc tại Dục Mỹ và ăn tết ở Dục Mỹ. Trước ngày trở về, Hạ sĩ Tạ Tơ, thuộc khẩu đội 81 Bộ Chỉ Huy Tiểu đoàn, đột nhiên xuống tìm tôi và nói nhỏ:
- Thiếu úy ơi! Kỳ này về Tiểu đoàn mình đụng nặng lắm. Đại đội trưởng chỉ còn mình ông thầy, tôi coi bài thấy vậy nên cho ông hay.
Không quan tâm đến, nên tôi chỉ bảo hắn: " Mày mồm miệng ăn mắm ăn muối,đừng bố láo, Thiếu tá Dậu ổng nghe, ổng đá mày bỏ mẹ !". Về đến hậu cứ, 3 ngày xả trại quá nhanh. Tối hôm đó, cũng như thường lệ, chúng tôi từ giã vợ con cũng như bao lần trước. Rất bình thường như người công chức già, leo lên chiếc xe Mobylette, sáng đi trưa về, cũng vẫn những câu nói thường lệ: "Anh đi vài ngày anh về". Vài ngày đây có thể là một đôi tuần, hay vài ba tháng. Tôi cũng đã từng khi chia tay thì con mới ba ngày tuổi. Lúc trở về con đã biết bò. Chiếc xe Jeep đang nổ máy chờ ở đầu ngõ . Đeo giây ba chạc vào rồi vội vàng: "giã nhà đeo bức chiến bào - Thét roi cầu Vị ào ào gió thu". Trực chỉ về hậu cứ ở Thanh Hóa, Hố Nai, để kiểm điểm binh mã, đợi nửa đêm sẽ xuất chinh sang lại Kampuchia. Nơi đây, Lữ đoàn 3 Kỵ binh đang chờ chúng tôi, để cùng nhau vào Kampong Trabek.
Lúc này đụng độ lẻ tẻ liên tục hầu như mỗi ngày. Địch quân đang tìm cách cầm chân chúng tôi ở chiến trường ngoại biên, để chúng có thể chuyển quân vào nội điạ, chuẩn bị cho những trận đánh lớn. Ba Liên Đoàn Biệt Động Quân, Liên Đoàn 3, Liên Đoàn 5, và Liên Đoàn 6, chúng tôi đang ở vùng Mỏ Vẹt. Sư Đoàn Dù ở Lưỡi Câu. Còn Sư Đoàn Thủy Quân Lục Chiến ở vùng bến phà Neak Luông. Quả như dự đoán, cuối tháng 3 năm 1972, cộng quân đã bắt đầu tạo áp lực lên Bình Long, Kontum và Quảng Trị. 3 Liên Đoàn Biệt Động Quân được lệnh giao vùng lại cho Sư Đoàn 25 Bộ Binh và được phân đến 3 mặt trận. Liên Đoàn 5 ra Quảng Trị. Liên Đoàn 6 đi Kontum. Liên Đoàn 3 chúng tôi vào An Lộc, Bình Long. Đúng 12 giờ trưa ngày mồng 6 tháng 4, đại đội tôi được hân hạnh leo lên 12 chiếc trực thăng đầu tiên nhẩy vào An Lộc. Rời căn cứ Suối Đá ở Tây Ninh, bay ngang qua Dầu Tiếng, nhìn xa xa thấy đỉnh Bà Rá còn phủ trong lớp sương mù. Vừa đặt chân xuống sân bay An Lộc, cộng quân đã chào đón chúng tôi bằng vài chục quả 107 và 122...
Thành phố Bình Long như một thành phố chết, không một bóng người ngoài đường. Các cửa nhà, cửa tiệm đều đóng kín mít. Một chiếc xe của ty Thông tin chạy qua lại, với chiếc loa phóng thanh, đang yêu cầu đồng bào sinh hoạt trở lại bình thường, vì đã có các chiến sĩ Liên đoàn 3 Biệt Động Quân, đến để giữ an ninh.
Ngày hôm sau, một số cơ sở kinh doanh đã mở cửa lại. Tôi đã ghé vào một quán cà phê, để tận hưởng ly cà phê cuối cùng, nghe Khánh Ly hát nhạc Trịnh Công Sơn, trước khi thành phố này trở thành đống gạch vụn. Chiều hôm đó, Đại Đội 3 được lệnh trấn giữ Đồi Gió. Đại Đội 4 chúng tôi giữ đồi 165, nằm giữa Đồi Gió và khu Quản Lợi do Đại Đội 1 phòng thủ. Đêm 7 tháng 4, quận Lộc Ninh thất thủ, các Trung Đoàn 9 Sư Đoàn 5 và Trung Đoàn 52 Sư Đoàn 18 Bộ Binh đang bị chận đánh ở ngã ba Bù Đốp.
Đêm 8 tháng 4, Đại Đội 3 bị địch tấn công và chiếm mất một phần Đồi Gió. Sáng ngày 9 tháng 4, tôi được lệnh tăng cường cho Trung úy Tỉnh, để lấy lại ngọn đồi bằng mọi giá,. Vì đây là ngọn đồi chiến lược, nằm ở phía Đông Nam thành phố. Dưới sự yểm trợ của Không quân, khoảng giữa trưa, chúng tôi đã đánh bật được chúng ra khỏi các công sự và làm chủ lại toàn bộ ngọn đồi này.
Đêm 9 tháng 4, sau hơn 20.000 quả đạn đủ loại pháo vào Bình Long, khoảng 3 giờ sáng, cộng quân tung chiến xa và bộ binh tấn công từ mọi hướng. Phòng tuyến phía Bắc do Trung Đoàn 8 Sư Đoàn 5 và Tiểu Đoàn 31 Biệt Động Quân bị lủng. Phòng tuyến phía Tây bị co lại đến "tiểu lộ ái ân", nơi có tượng Kitô Vua và nhà thờ Bình Long. Phòng tuyến phía Nam do các Tiểu Đoàn Địa Phương Quân trấn giữ đã bị tràn ngập. Riêng phòng tuyến phía Đông, do Tiểu Đoàn 36 Biệt Động Quân trấn giữ khu Sóc Gòn và Tiểu Đoàn 52 Biệt Động Quân trấn giữ từ Quản Lợi đến Đồi Gió là còn đứng vững.
Nhờ sự can đảm và hy sinh của Đại úy Tâm, Đại Đội Trưởng Đại Đội 1 Tiểu Đoàn 36 Biệt Động Quân, khi địch dùng chiến xa và dùng biển người để tấn công vào phòng tuyến, ông đã kiên cường chống trả. Trước khi bị địch tràn ngập, ông đã yêu cầu Không quân dối bom ngay lên phòng tuyến. Hành động này đã bẻ gãy mũi tấn công ở phía Đông, khiến hơn 10 chiến xa bị bốc cháy và hàng trăm cộng quân bị giết. Nhưng Đại úy Tâm và nhiều anh em Đại Đội 1 đã vĩnh viễn ở lại với đất Bình Long.
Tuy chiến xa địch đã tiến vào thành phố, chiếc chiến xa gần hầm của Tướng Hưng bị bắn cháy, đã lấy lại tinh thần cho chiến sĩ các đơn vị. Sau nhiều đợt phản công, các chiến sĩ Sư đoàn 5 va Tiểu Đoàn 31 Biệt Động Quân đã đẩy lui địch qua phía bắc của "đại lộ hoàng hôn".
Ngày 10 tháng 4 Trung Đoàn 7 Sư Đoàn 5 Bộ Binh và Liên đoàn 81 Biệt Cách Dù, được trực thănng vận đổ xuống phía chân đồi Gió để vào tăng cường.
Ngày 11 tháng 4 Lữ đoàn 3 Nhảy Dù vào tăng cường, bàn giao phòng tuyến lại cho Tiểu đoàn 6 Dù. Chúng tôi được lệnh kéo vào thành phố. Đại Đội 1 của Trung úy Hiếu được lệnh chiếm lại dãy phố bên trái ngã tư "đại lộ hoàng hôn", và quốc lộ 13. Đại Đội tôi tiến chiếm dãy trường Tàu Quốc Quang bên tay phải. Sau khi nhổ xong hai cái chốt bên hông, chúng tôi tiến vào trường Quốc Quang. Ngôi trường 4 tầng lầu, tràn ngập xác chết nằm ngổn ngang, ước chừng gần 200 xác, đa số là dân chúng. Một vài xác anh em quân nhân cùng chạy vào lánh nạn với vợ con - Để lại một trung đội chốt tại dãy nhà bên cạnh, tôi mang phần còn lại của Đại Đội về phòng thủ dọc theo dãy cống bên kia đường. Đêm 11 rạng sáng 12 tháng 4, lại một đợt pháo khủng khiếp hơn lần trước, gần 30.000 quả đạn đủ loại, được chia đều cho một diện tích không đầy 1 cây số vuông. Nếu chia đều cho những anh em tử thủ tại đây, mỗi người cũng được 5 quả - Gần 4 giờ sáng, các loạt đạn 100 ly,trực xạ từ các chiến xa vừa tiến vào, vừa bắn như chỗ không người. Đoàn chiến xa 8 chiếc T.54, có bộ đội tháp tùng, chạy từ phía Tây sang phía Đông, trên đại lộ hoàng hôn (đại lộ Trần Hưng Đạo) ngang qua công viên Tao Phùng, đã bị Pháo Binh nằm tại đây trực xạ tiêu diệt hết 7 chiếc. Chiếc còn lại chạy đến chỗ Đại Đội tôi thì bị lãnh 2 phát M.72 khựng lại. Vài anh em đã leo lên xe, ném vào mấy trái lựu đạn, tiêu diệt nó....
div class="td-post-content">
Cuối tháng 3-1975, một ngày sau khi triệt thoái khỏi tỉnh Quảng Đức, cả hai Trung tá Hoàng Kim Thanh và Đào Đức Châu đều di tản bằng trực thăng, trao quyền chỉ huy tạm thời Liên đoàn 24 Biệt Động Quân cho Thiếu tá Vương Mộng Long. Hơn một tất trách, một vô trách nhiệm, vì Trung tá Thanh chỉ bị thương nhẹ và Trung tá Châu không lý do rời nhiệm sở. Chi tiết này càng cho thấy ý chí cùng sự can trường của Thiếu tá Long nhất quyết ở lại cùng binh sĩ và đem toàn Liên đoàn về Lâm Đồng. 144 cây số từ Kiến Đức về Di Linh, xuyên qua cao nguyên Bảo Lộc bằng đường rừng, phải đo bằng gang bàn chân tấy đỏ để hiểu gian lao và kỷ luật của những người lính, trong hoàn cảnh tan rã của quân đoàn 2. Thiếu tá Long không duy nhất giữ vững đội hình mà còn tấn công mật khu Việt cộng, và luôn dẫn đầu ở vị trí khinh binh thứ 3. Ông xứng đáng là một cấp chỉ huy đảm lược được nể phục. [Trần Vũ]
Sáng 26/3/75, tôi ra lệnh phá hủy bốn khẩu 105 ly ngay trên sân miếu Thổ thần sau khi bắn hết gần một ngàn viên đạn về hướng Kiến-Ðức. Khẩu cối 106 ly được ném xuống dòng sông bên đường sau khi đạn đã được bắn hết qua bờ nam đập nước. Mười giờ sáng, đại đội đi đầu ra tới bờ sông. Trước khi tới bờ sông, tôi gặp một trạm gác của Nghĩa quân Khiêm-Ðức. Tôi thấy một Nghĩa quân ngồi trên chòi gác giặc. Anh lính đang chăm chú quan sát khu rừng rậm dưới dốc. Tôi hỏi anh lính:
-“Sao em còn ngồi đây? Người ta đi hết rồi!”
-“Ủa! chứ người ta đi đâu Thiếu tá?” Anh lính ngơ ngác.
-“Người ta rút về BLao hết rồi! Em đi đi!”
Anh Nghĩa quân nhìn tôi bán tín bán nghi. Ðến lúc thấy quân lính theo tôi đông ngời ngời, anh phát hoảng, co giò chạy về hướng thị xã. Tôi cho tiểu đoàn đi song song với bờ tây của sông Ða-Dung, xuôi về hướng nam chừng nửa cây số thì dừng lại. Càng xa những đường lộ chính hay đường xe be, càng đỡ lo chuyện rủi ro trên bờ đối diện. Tôi quyết định vượt sông nơi vắng vẻ đìu hiu nhất. Tôi chọn hai anh lính gốc dân chài cùng tôi bơi qua sông làm đầu cầu. Ba khẩu M16, ba băng đạn, ba cuộn dây nylon, ba thầy trò tôi bu theo ba cái phao poncho độn bằng cành lá. Chỉ có tôi và một anh lính tới bờ bình yên. Người lính bơi trên thượng nguồn bên trái tôi chìm nghỉm giữa dòng, sau một tiếng “Ối!” thất thanh. Ða-Dung nổi tiếng là sông nhiều cá sấu!
Qua tới bờ đông, tôi thủ thế khẩu M16 gác giặc để anh BÐQ bạn yên tâm cột dây cho các toán viễn thám của tiểu đoàn theo chân nhau qua sông. Sau đó các đại đội được lệnh chặt tre làm mảng. Ai biết bơi thì chỉ cần ôm một khúc tre lồ ô là có thể nương theo dòng chảy, tới bờ đối diện không khó khăn lắm. Lúc này cả một khúc sông ồn ào như cái chợ. Nếu có con cá sấu nào bơi gần đó chắc cũng thất kinh hồn vía lo tìm đường tẩu thoát. Tiểu đoàn tôi hoàn tất cuộc vượt sông với một thời gian rất ngắn. Khi bộ chỉ huy Liên đoàn bắt đầu xuống mảng thì tiểu đoàn 82 BÐQ cũng bắt đầu di chuyển. Tôi cho đơn vị đi ngược về bắc, hướng tới một ngọn đồi xanh khá cao. Cách bãi vượt sông chưa tới hai trăm mét là một bãi sình rộng. Cả chục con cá sấu lớn nhỏ đang nằm phơi mình dưới nắng. Thấy đoàn người đi tới gần, chúng hoảng sợ lao mình xuống nước, lội ngược dòng về thượng nguồn. Ngọn đồi xanh mà chúng tôi đang chiếm lĩnh là một rừng tre. Tôi cho quân vượt cái yên ngựa, bố trí trên đỉnh bắc của yên ngựa, nhường cái đuôi yên ngựa cho những đơn vị lên sau. Dưới bờ sông có tiếng lựu đạn nổ. Truyền tin báo Trung tá Thanh Liên đoàn trưởng, Trung úy Minh sĩ quan truyền tin Liên đoàn và ba người khác bị thương. Ơ hờ khi sưởi ấm đã gây ra tai nạn lựu đạn nổ. Lựu đạn nổ vì sợi dây thun cột mỏ vịt lựu đạn bị cháy trong lúc kíp an toàn đã bị tháo mất rồi. Trung tá Liên đoàn trưởng bị mảnh lựu đạn văng trúng ngực và trán. Sau khi băng bó, Trung tá Thanh và những người bị thương được cáng lên chỗ tôi đóng quân.
Sáng 27/3/75, trực thăng từ Ðà-Lạt tới bốc những quân nhân bị thương. Cùng đi trên chuyến tải thương này còn có Thiếu tá Hoàng Ðình Mẫn, Tiểu đoàn trưởng TÐ81 BÐQ. Ông Mẫn bị sốt rét cấp tính. Như vậy là chỉ trong vòng hai mươi bốn giờ sau khi rời Quảng-Ðức, hai vị sĩ quan chỉ huy của Liên đoàn đã ra khỏi vùng. Tôi thấy mới ra quân mà đã bỏ phí hai ngày đường, nên sau khi tải thương xong, tôi cho lệnh đơn vị gấp rút đổ dốc hướng về phía đông. Chiều đó đang đi trên một lối mòn, chúng tôi nghe tiếng gà nhà gáy trong rừng. Vậy là có mật khu VC gần đâu đây? Tôi báo cáo tình hình cho Trung tá Ðào Ðức Châu (khóa 12 Võ bị) Liên đoàn phó, lúc này đang “xử lý thường vụ” chức Liên đoàn trưởng Liên đoàn 24 Biệt Ðộng Quân. Tôi đề nghị ông cho những cánh quân theo sau tôi dừng lại để tôi tập kích cái mật khu trước mặt. Cái khu sản xuất của Thượng Cộng nhỏ tí, với hai chú du kích Thượng đang ngồi ngậm ống vố, không đáng cho một cú xung phong của một đại đội Biệt Ðộng Quân. Hai tên du kích chưa kịp đứng dậy cầm súng đã bị bắn vỡ óc, nằm thẳng cẳng bên lò lửa than nghi ngút khói, dưới chân một cái nhà sàn. Tối đó chúng tôi dừng quân ngay trong mật khu địch.
Khoảng bảy giờ đêm, tôi nghe tiếng người cười đùa huyên náo trong rừng, khu Ðại đội 3/82. Tôi và binh nhì Thọ lần bước về chỗ tiếng cười nói ồn ào. Trung úy Trần Văn Phước (ÐÐT3/82) và cả chục BÐQ dưới quyền anh đang quây quần bên một vò rượu cần, vò rượu chiến lợi phẩm. Trự nào cũng xiêu vẹo bước tới, bước lui. Trự nào cũng lè nhè, la hét ồn ào. Tiếng họ cười nói oang oang giữa rừng khuya. Với tôi, thì uống rượu không là một cái lỗi; nhưng say rượu trong khi hành quân thì tôi không tha; dù người đó thân cận như chú Phước. Tôi rút súng bắn tan vò rượu. Những ma men tỉnh rượu ngay lập tức.
-“Cuốn lều! Ðại đội 3 cuốn lều! Hướng một ngàn sáu trăm zu lu! Làm ngay!”
Trung úy Phước và “tòng phạm” riu ríu thi hành lệnh. Mười phút sau một khoảng rộng lớn trên tuyến phòng thủ của tiểu đoàn bị bỏ trống. Ðại đội 3/82 bị phạt phải dạ hành mở đường. Mãi nửa giờ sau tôi mới bớt giận. Tôi ra lệnh cho Ðại đội 3/82 dừng lại tấp vào rừng ngủ. Trong tiểu đoàn này Trung úy Trần Văn Phước là người thân cận nhất của tôi. Tháng 11/1972 tôi bàn giao căn cứ Ðức-Cơ và Tiểu đoàn 81 BÐQ cho Thiếu tá Hoàng Ðình Mẫn để về giữ chức Trưởng phòng 2/Bộ Chỉ huy BÐQ Quân khu 2 thì Chuẩn úy Trần Văn Phước mới mãn khoá Tình-Báo Cây-Mai. Ðã có lần tôi gởi Chuẩn úy Phước vào Plei M’rong làm ban 2 cho Thiếu tá Phạm Duy Ánh, Tiểu đoàn trưởng TÐ63 BÐQ (1973). Thiếu tá Ánh chịu không thấu cái tật rượu vào là rút súng của Chuẩn úy Phước. Cuối cùng Phước lại khăn gói quả mướp về trình diện tôi. Chỉ có mình tôi là biết cách kiềm chế con ngựa chứng này. Chú Phước ở với tôi từ đó cho tới cuối 1973 thì thầy trò tôi vào Plei-Me. Chú Phước và chú Minh (sĩ quan truyền tin LÐ24 BÐQ sau này) là hai sĩ quan sau cùng còn ở lại bên tôi, rồi bảo vệ tôi thoát hiểm trong kẽ tóc đường tơ, khi tiểu đoàn 82 BÐQ bị tràn ngập trưa 15 tháng Tư năm 1974 trên căn cứ 711. Rồi cũng chính Thiếu úy Trần Văn Phước là người đầu tiên cùng tôi đặt chân trở lại trên căn cứ 711 sau khi chúng tôi vất vả hai ngày phản công tái chiếm căn cứ này. Trận đó tiểu đoàn của chúng tôi bị sáu tiểu đoàn của SÐ 320 Ðiện Biên xa luân chiến. Trong hai năm sau cùng của cuộc chiến, không có trận đánh nào mà không có mặt Phước bên cạnh tôi. Sau trận Plei-Me, Thiếu úy Trần Văn Phước được thăng Trung úy. Lên Trung úy, chú Phước bỏ nghề quân báo, trở lại đời tác chiến làm Ðại đội trưởng. Ðây là lần đầu, tôi nặng tay với Phước. Tôi vào máy gọi cho Phước. Ðầu máy bên kia, tôi nghe tiếng người đàn em sụt sịt:
-“Em xin lỗi Thái Sơn! Em xin lỗi anh Hai!”
-“Thôi! Ngủ đi! Chờ mai anh lên với chú!” Tôi cũng thấy mủi lòng, xốn xang.
Tôi lấy điếu Lucky ra hút. Tiếng muỗi đêm vo ve bên tai. Tiếng suối reo rì rào trong khe. Tiếng gió lùa ù ù sau đồi. Trên poncho, lá cây rơi lộp độp. Quanh tôi đủ loại tiếng rừng. Chưa lần nào tôi cảm thấy rừng đêm buồn như thế!
Trăng sáng như ban ngày. Gần chín giờ đêm, Trung tá Liên đoàn phó cho người tới lều mời tôi lên gặp riêng. Ông Châu nhờ tôi xin trực thăng tản thương cho ông ta ra khỏi vùng. Ðại úy Trần Dân Chủ, ban 3 Liên đoàn cũng xin phép tôi để đi theo Trung tá Liên đoàn phó. Tháp tùng Trung tá Châu, ngoài Ðại úy Chủ còn hai hạ sĩ quan truyền tin liên đoàn.
Sáng 28/3/75, khi hai sĩ quan và hai hạ sĩ quan của bộ chỉ huy liên đoàn vừa yên chỗ trên sàn trực thăng thì dưới bãi bốc xảy ra cảnh lộn xộn, ồn ào. Có một người đàn bà nhất định không chịu lên máy bay. Chị ta vừa khóc thút thít vừa co rụt người lại khi mấy anh lính an ninh bãi đáp tìm cách đẩy chị ta lên cửa trực thăng.
-“Em không về đâu! Em không nỡ bỏ anh ấy giữa rừng!”
Người đàn bà này đã theo đoàn quân của TÐ 81/BÐQ từ ngày đầu di tản. Chị không chịu bỏ người thân. Tay chân chị giãy giụa, miệng chị la bài hải:
– “Em không sợ chết đâu! Cho em ở lại đi! Các anh ơi!”
Cuối cùng, toán giữ trật tự bãi đáp đành chịu thua người đàn bà. Chợt không ai bảo ai, tất cả Biệt Ðộng Quân có mặt trên bãi bốc ngày hôm ấy đã đồng loạt vỗ tay hoan hô người phụ nữ can đảm. Chờ một lúc không thấy ai lên máy bay nữa, tôi ra dấu cho chiếc trực thăng cất cánh.
Chiều đó, khi dừng quân, tôi nhận được một công điện từ Bộ Tư Lệnh Quân Khu 2 Hành Quân chỉ định Thiếu tá hiện dịch Vương Mộng Long khóa 20 Trường Võ-bị Quốc-gia Việt-Nam tạm thời giữ chức vụ Liên đoàn trưởng Liên Ðoàn 24 Biệt Ðộng Quân. Tôi mời Thiếu tá Ðàng và Thiếu tá Tài lên gặp tôi để phân nhiệm. Theo đó, tiểu đoàn 82 BÐQ sẽ mở đường, tiểu đoàn 81 BÐQ đi giữa, tiểu đoàn 63 BÐQ có nhiệm vụ đoạn hậu. Ðối với Thiếu tá Nguyễn Hữu Tài, tôi không gặp trở ngại gì về vấn đề chỉ huy, vì anh Tài là tiểu đoàn phó của tôi trước khi thuyên chuyển qua tiểu đoàn 81 BÐQ. Anh Trần Ðình Ðàng xuất thân khóa 15 Võ-Bị và phục vụ trong binh chủng Biệt Ðộng Quân từ những năm binh chủng mới được khai sinh. So với Thiếu tá Ðàng, tôi là đàn em rất xa, về cả hai xuất xứ, Biệt Ðộng Quân cũng như Võ-Bị (tôi xuất thân khóa 20). Tôi xin ý kiến của niên trưởng dễ mến này về việc tôi được chỉ định chỉ huy liên đoàn. Tôi hỏi anh có trở ngại gì khi anh phải nằm dưới sự chỉ huy của tôi không? Anh Ðàng trả lời một cách khẳng khái:
-“Chú chỉ huy là phải rồi! Chú thông thuộc địa thế Vùng 2. Chú được cấp trên, cấp dưới tín nhiệm. Anh sẽ nghe theo lệnh của chú. Yên chí đi!”
-“Cám ơn niên trưởng!” Tôi siết tay anh Ðàng thật chặt. Trong cơn nguy khốn, chúng tôi thấy thương nhau hơn. Trong hoạn nạn, chúng tôi thấy gần nhau hơn.
Những ngày tiếp theo, dưới quyền chỉ huy của tôi, liên đoàn tiếp tục cuộc hành trình theo dự trù. Cứ theo hướng 1600 ly giác, chúng tôi băng rừng lội suối nhắm về thị trấn BLao. Trên đường chúng tôi đi qua chỉ có tre, mây và lau sậy; trên đường chỉ có dấu chân voi. Ðịa thế ở đây tôi quen lắm. Thời 1968 tôi đã lặn lội, lùng sục không sót một ngọn đồi nào trong vùng này. Ðã bao lần, tôi qua lại trên dải đất từ bờ đông sông Ða-Dung qua Quốc lộ 20 tới cao nguyên Gia-Bắc giáp giới quận Thiện-Giáo, Bình-Thuận. Ngày đó, Trung tá Bùi Văn Sâm Liên đoàn trưởng Liên đoàn 2 BÐQ đã biệt phái TÐ11 BÐQ của Ðại úy Hồ Khắc Ðàm (Khóa 16 Võ bị) cho Task Force South của Tướng Trương Quang Ân, Tư lệnh sư đoàn 23 Bộ Binh. Tôi lúc đó là Ðại đội trưởng ÐÐ1/TÐ11 BÐQ dưới quyền anh Ðàm. Chúng tôi được trực thăng Hoa-Kỳ tải vào rừng. Tìm mục tiêu, diệt địch. Leo hết ngọn đồi này tới ngọn đồi khác. Mười ngày sau chui ra bãi trống nhận tiếp tế gạo mắm. Rồi lại leo lên trực thăng, đổ xuống bãi khác. Lại tìm mục tiêu. Lại leo hết đồi này tới đồi khác. Lại tiếp tế… Cứ thế, mỗi đợt cả tháng trường, chúng tôi lần mò trong núi. Chỉ những anh bị thương hay sốt rét là có dịp nhìn thấy phố… Bảy năm sau, tôi lại lội trên những con đường mòn ngày xưa tôi đã dẫn quân đi qua. Bảy năm sau, tôi vẫn nhớ đường nào lên Ðại-Nga, hướng nào về Tân-Bùi, ngả nào qua Tân-Rai. Lương thực của chúng tôi đã gần cạn. Giầy vớ, áo quần bắt đầu te tua.
30/3/75, mặt trời vừa lên, trong máy nội bộ của TÐ82/BÐQ đã có tiếng người trên trực thăng hối thúc,
-“Yêu cầu Thái Sơn kiếm bãi đáp nhận chỉ thị gấp!”
Lúc đó chúng tôi đang ở gần một bãi ngô cũ. Chiếc trực thăng sà xuống. Người phi công quơ tay ngoắc tôi lia lịa. Tôi bước lên càng máy bay để nghe anh ta nói:
-“Tôi được lệnh Quân đoàn lên đón Thiếu tá về Ðà-Lạt. Thiếu tá lên tàu mau đi!”
-“Thế còn liên đoàn thì sao?”
-“Chúng tôi chỉ ‘rescue’ một mình Thiếu tá thôi! Những người khác, bỏ!”
-“Thôi! Nếu thế thì tôi không đi đâu! Tôi đang chỉ huy cả ngàn người. Tôi không mặt mũi nào bỏ đi một mình. Anh về báo với Quân đoàn cố gắng bốc tất cả liên đoàn giùm tôi.” Tôi xua tay.
Nói xong câu đó, tôi bước xuống đất định quay đi thì người phi công cởi dây đai, mở cửa phi cơ. Anh nhảy xuống đất đứng nghiêm trước mặt tôi. Giơ tay chào tôi, anh nói lớn:
-“Tôi không ngờ giờ này quân đội ta còn một vị chỉ huy đáng nể như Thiếu tá! Thiếu tá cho phép tôi chào kính phục ông và nói lời vĩnh biệt ông.”
Người phi công nắm tay tôi lắc lắc mấy cái rồi anh buông tay tôi ra, leo lên buồng lái. Cả phi hành đoàn giơ tay vẫy vẫy giã từ. Tôi cũng giơ cái bản đồ vẫy lại. Chiếc trực thăng cuối cùng của Vùng 2 khuất dần ở chân mây.
Binh nhất Y Don Near mang máy truyền tin nội bộ của tôi lúc nào cũng đi sát bên tôi. Don đã nghe tất cả những lời tôi và viên phi công đối đáp với nhau. Chắc nó đã kể lại chuyện này cho bạn bè. Trưa hôm đó, lúc dừng quân nghỉ chân, vài anh lính Rhadé, Jarai đã đến xúm quanh người chỉ huy của họ.
-“Ông Thiếu tá ơi! Ðừng bỏ tụi em, tội nghiệp!”
– “Ừ! Thiếu tá không bỏ các em đâu! Thiếu tá lúc nào cũng ở bên các em. Chúng mình sống chết có nhau!” Nhìn những giọt nước mắt theo nhau lăn trên những gò má đen đủi của thuộc cấp, tôi thấy lòng mình ấm lại.
Chúng tôi đã cạn hết lương thực. Trên đường đi, chúng tôi phải tấp vào những nương rẫy cũ kiếm rau tàu bay, củ chuối, nấu ăn cho đỡ đói. Răng người nào cũng đen thui vì nhựa chuối rừng. Ðiều khổ nhất phải chịu đựng là, sau khi ăn hoa chuối, cây chuối hay củ chuối thì chất sơ của chuối làm cho chúng tôi mắc bệnh táo bón. Mỗi khi đi tiêu, chúng tôi phải ngồi ngâm hậu môn xuống nước, lấy cây cạy phân ra. Hậu môn đau rát lắm. Ði tiêu xong người nào cũng bước cà-náng, hai hàng. Buổi trưa, tôi đang ngồi bên đường chờ bát canh rau tàu bay của chú Bích thì Thiếu úy Học rón rén tới gần. Học thì thầm:
-“Có con gấu to lắm, trên cây. Thái Sơn cho phép bắn làm thịt nghe?”
-“Ừ! Bắn đi!” Tôi sáng mắt lên.
Học vui vẻ phóng về hướng rừng. Lát sau chú quay lại, mặt tiu nghỉu.
-“Thằng lính gác muốn bắn nhưng lại sợ Thái Sơn la. Ðợi khi em xin phép xong thì con gấu đã chạy mất tiêu rồi!”
Tôi thì buồn vui lẫn lộn. Buồn vì mất ăn một bữa thịt gấu. Vui vì tới giờ phút này, tinh thần kỷ luật của đơn vị tôi vẫn chưa bị lung lay. Chúng tôi đang ở bên bờ một con suối lớn. Dưới nước, những con cá đuổi nhau có ngời. Tôi chợt nghĩ ra một ý lạ: Ðốt cá! Tôi gọi Thiếu tá Tài và Thiếu tá Ðàng sẵn sàng. Tôi ra lệnh cho ba tiểu đoàn tản xa theo dòng nước. Mỗi tiểu đoàn trấn giữ một khúc suối. Nơi đầu nguồn của mỗi đơn vị chỉ cần đốt ba quả lựu đạn M26 là liên đoàn có một bữa cá no nê. Tôi học được cách đốt cá từ khi còn ở Ðại đội Trinh-Sát Liên đoàn 2. Vặn phần đầu của quả lựu đạn ra, vứt đi. Bẻ đầu một viên đạn M16 lấy thuốc súng đổ vào lỗ kích hỏa của trái lựu đạn. Ðốt thuốc súng cho lửa xanh phụt lên. Quơ qua, quơ lại quả lựu đạn cháy trong lòng nước. Hơi cay làm cho thủy tộc bị đui. Cá đen, cá trắng, lươn, cua, rùa, rắn, ếch, nhái, v..v.., con gì trong nước cũng nổ con ngươi nổi lên mặt nước. Buổi chiều chúng tôi mỗi người được chia một lon guigoz cá tươi. Sáng mai chúng tôi lại có sức để lên đường.
31/3/75, chúng tôi đang ở trên một ngọn đồi cách Bảo Lộc trên dưới 20 cây số. Từ trên đỉnh, chúng tôi nhìn thấy thung lũng dưới chân đồi là một mật khu trù phú. Kế hoạch đặt ra như sau: Ðại đội 3/82 sẽ tiến sát, rồi bất thần đột kích khu doanh trại chính; mỗi tiểu đoàn sẽ cắt hai chục người tải lương thực về. Kế hoạch đã được thi hành như dự liệu và không có gì trục trặc xảy ra. Ðại đội 3/82 thanh toán mục tiêu rất nhanh. Một cán bộ VC quần áo bảnh bao đang ngồi bên bàn chờ ly cà phê phin nhỏ giọt thì bị một viên M16 ghim vào ngực. Hai cán bộ đang cho lợn ăn trưa cũng bị mỗi tên một viên M16 vào ngực. Mấy anh cán binh đang tưới cây trong vườn cũng bị mỗi anh một viên M16 vào ngực. Cái mật khu dưới kia là một trung tâm huấn luyện của Tỉnh-Ðội Lâm-Ðồng Việt-Cộng. Trung tâm có khoảng vài chục khẩu súng. Có một khẩu cối 82 ly với một kho đạn. Tên VC đang chờ uống cà phê có vẻ là cấp chỉ huy. Những tên khác có lẽ là bọn lo công tác hậu cần. Bọn bộ đội bảo vệ trung tâm đã xuất trại vắng. Quân ta làm chủ tình hình một cách lẹ làng. Có một tai nạn lúc xung phong: Hạ sĩ Nguyễn Ba trong toán tà-lọt của tôi đã lủi đầu vào một bụi tre. Một cọng tre khô xuyên vào mắt trái của hạ sĩ. Ðói quá, quên đau, hạ sĩ xung phong bắt được một con gà và một gốc sắn rồi mới chịu lấy khăn tay bịt một mắt rút lui lên đồi. Ăn xong bữa thịt gà Hạ sĩ mới nhận ra con mắt bị thương đang hành hạ anh ta. Cái cọng tre còn lòi ra khỏi hốc mắt Hạ sĩ Ba cả tấc. Quân y liên đoàn không dám rút cọng tre khỏi mắt Ba vì không đủ phương tiện cứu chữa. Họ chỉ dùng kìm cắt cọng tre ngắn đi cho đỡ vướng. Vốn là một tay viễn thám gan lỳ, người tà-lọt của tôi cắn răng chịu đau, không rên, không khóc. Những ngày sau đó, Hạ sĩ đành quàng súng lên vai, hai tay luân phiên che mắt đi theo đoàn tùy tùng của Ðại úy Hoàn. Tôi cũng quên dặn dò các cánh quân coi chừng bắn gà, bắn heo có thể gây đạn lạc trúng quân ta. Kết quả, đạn của Ðại đội 3/82 đã sượt qua cổ một anh BÐQ TÐ63 BÐQ thay vì trúng đầu một con gà. Người trúng đạn bị thương nhẹ.
Toán tải lương thực sau cùng của liên đoàn đã rút lui an toàn. Mới vài ngày trước, tôi đã chứng kiến cảnh BÐQ hoan hô người đàn bà can đảm của TÐ81 BÐQ trên bãi trực thăng, vì thế tôi không ngạc nhiên khi thấy chị ta cũng có mặt trong đoàn người mặt mày hí hửng đang từ dưới chân đồi hì hục leo lên. Tôi không cho lệnh đốt khu doanh trại vì ngại khói đen bốc cao có thể thu hút sự chú ý của các đơn vị Việt-Cộng ở xa. Tôi không muốn đụng đầu với quân cứu viện của chúng lúc này. Khi rút lui, Trung úy Phước đã sơ ý không phá cơ bẩm khẩu súng cối. Vài giờ sau khi chúng tôi rút đi thì đạn cối 82 ly bắt đầu câu theo đít quân ta. Chúng tôi nhanh chân vượt qua hai ngọn đồi rồi chui vào sâu trong rừng lau sậy. Trời vừa tối. Tôi cho lệnh dừng quân căng lều. Rừng bao la, đạn cối của Việt- Cộng “ùm! ùm!” rơi bâng quơ trong núi.
1/4/75 Lên đường! Sáng nay mọi người đều no bụng. Ðoàn quân tìm lại được cái vẻ oai phong, khí thế ngày nào! Ðội hình một hàng dọc! Thứ tự như cũ! Cứ theo hướng mặt trời mọc mà đi! Binh nhì viễn thám Triệu Tân mở đường. Người thứ nhì là Thiếu úy Học. Người thứ ba là tôi. Sau tôi là thằng Don. Sau thằng Don… là đoàn rồng rắn lên mây, cả liên đoàn hàng dọc. Ðường độc đạo, hai bên là lau sậy và gai mắc cỡ. Nếu cứ tính lộ không trung bình mỗi người cách nhau 3 mét, thì toán đi đầu của tôi cách toán đi chót của Thiếu tá Ðàng phải trên 2 cây số. Tới chiều thì chúng tôi bắt đầu đi lên một cái dốc khá cao. Tình hình vẫn yên tĩnh! Trời đẹp quá! Trên không mây trắng vài sợi bay lờ lững. Gió nhẹ như ru. Thông ngàn reo vi vu. Chim chóc hót vang lừng. Nếu là thuở thanh bình thì cảnh này thật lý tưởng cho các thi nhân lang thang đi tìm ý thơ…
“Choác!” Thằng Tân té ngửa! Tôi và Thiếu úy Học khựng lại. Một giây sau tôi và chú Học mới bóp được cò hai khẩu M16 theo phản xạ, nhắm về hướng bụi cây um tùm bên phải dốc. Ðạn trúng tảng đá trong bụi rậm. Ðạn văng ngược ra đường xoáy trong không khí, kêu “Tăng! Tăng!” rồi… “Xèo!” xuống cỏ. Toán viễn thám của Binh nhất Tuấn phóng nhanh lên dốc, vừa chạy vừa bắn. Toán viễn thám chiếm được đỉnh dốc, nhưng tên bắn tỉa đã cao bay. Viên đạn súng trường Nga trúng ngay giữa trán Triệu Tân. Cái nón sắt vỡ. Cái vỏ đạn bằng đồng đỏ còn nóng hổi, nằm trên mặt đất sau tảng đá. Chỉ với một viên đạn, Thượng Cộng đã loại ra ngoài vòng chiến một viễn thám viên lợi hại của đơn vị tôi. Khi đại đội của Thiếu úy Học đã bố trí an ninh xong, chúng tôi tạm dừng để an táng BÐQ Triệu Tân. Thêm một cái thẻ bài mất chủ cất trong ba lô của Thiếu úy Hoàng, ÐÐT Ðại đội Công Vụ của TÐ 82 BÐQ. Tôi cho liên đoàn chiếm lĩnh ngọn đồi để nghỉ qua đêm. Ðêm đó toán viễn thám của Binh nhất Tuấn âm thầm lên đường. Ðiểm tới là triền dốc cuối ngọn đồi, cách chỗ chúng tôi dừng quân gần 2 cây số. Mờ sáng hôm sau một quả Claymore nổ. Tên Thượng Cộng đang nửa đường lên dốc lãnh nguyên trái mìn cơ động, khẩu súng trường bá đỏ văng trên bãi cỏ ven đường: Có vay có trả!
Vương Mộng Long
Mũ Nâu Đoàn Trọng Hiếu
3rd Ranger Group
The Battle of An Loc, Binh Long (1)
"Ranger Magazine, Issue 7", Tet 2003 Issue Tap San Biet Dong Quan, So 7
Khue quoc Nguyen Translated by Merle
Pribbenow
As an Operations Officer assigned to the Headquarters Staff of the 3rd Ranger Group from late 1969 until 30 April 1975, I participated in all the Group's battles, large and small, in 3rd Tactical Zone and then in the final battle at Phan Rang before the Group was forces to lay down its arms on 30 April 1975 in accordance with the nation's destiny. During the battle of An Loc/Binh Long in 1972, I held the post of Assistant S-3 and concurrently Air Support Officer for the Group. 3rd Ranger Group took part in the battle of An Loc from 7 April 1972 to 7 July 1972. As one of the Group Headquarters operations officer, and especially as the officer responsible for air support.
Today, more than 30 years after the battle, I would like to record my memories of the those days with the hope that I can in some way contribute to the documentation on the An Loc Battlefield as recorded in ARVN's military history abroad. I hope this memoir, which discussed both the losses suffered by and the achievements gained by the soldiers of 3rd Ranger Group will help to increase the pride of the soldiers of our branch, the Ranger of the Armed Forces of the Republic of Vietnam.
3rd Ranger Group consisted of Group Headquarters and three subordinate battalions: 31st Ranger Battalion, commanded by Major Truong Khanh; 36th Ranger Battalion, commanded by Major Tong Viet Lac; and 52nd Ranger Battalion, commanded by Major Le Quy Dau. The Ranger Group Commander was Lieutenant Colonel Nguyen Van Biet, whom all the headquarters staff officers called
"Eldest Brother" [Anh Hai] during quiet, intimate moments when the staff officers ate their daily meals with him. Whether we were out on an operation or resting in our rear base, he was always friendly and affectionate toward us, so we all respected him greatly and called him
"Eldest Brother," because he was the Eldest Brother to all of us in his military family.
Before we were sent into An Loc, in March 1972 the entire 3rd Ranger Group was conducting an operation on the other side of the Cambodian border in the area of Bat Thu and the Parrots Beak. 3rd Ranger Group advanced like a hot knife through butter. When we encountered the enemy, they put us cursory resistance and then ran away. The Group's subordinate battalions achieved good results from each clash with the enemy, capturing large numbers of enemy food and weapons caches in the Group's area of operations. In addition, we captured enemy heavy weapons, including 82mm mortars and 57mm recoilless rifles. Major Le Quy Dau's 52nd Ranger Battalion had most of the heaviest firefights and reaped the greatest successes.
The Group was advancing with high morale when suddenly the Group Commander received an order: A helicopter would arrive to pick him up and take him to Tay Ninh for a meeting at the III Corps Headquarters at noon on 2 April 1972. The Chief of the Ranger Group S-3 Section, Major Hong Khac Tran, accompanied him to this meeting. After the meeting, the entire Ranger Group was ordered to leave Cambodia and withdraw to Trang Lon Airfield in Tay Ninh to prepare to be transported into An Loc/Binh Long by Chinook helicopters.
According to the operations order, the 31st, 36th, and 52nd Battalions had already been assigned deployment locations on the Operations Map the Corps had sent down to us, so when the helicopters landed them in An Loc, the battalion's moved into their assigned positions according to that interim deployment order. As for the Ranger Group Headquarters, we moved into the city itself, and the Group Commander went to the 5th Infantry Division Headquarters in An Loc to meet with the Division Commander and receive his orders.
Based on the demands of the situation, on orders from the 5th Division Commander 31st Ranger Group was sent into An Loc first, on 6 April 1972, to occupy the important pieces of high ground north of An Loc, such as Dong Long Hill, Can Le Bridge, and the northern end of the An Loc area. The 5th Division Headquarters was afraid that this section of their defense line was weak, so 31st Ranger Battalion was sent in a day early.
At about 10:00 on the morning of 7 April 1972, the Ranger Group Headquarters divided into two sections - a heavy (main) headquarters element and a light headquarters - element to be transported into An Loc along with 36th and 52nd Ranger Battalions.
Prior to the battle of An Loc, whenever he split the Group Headquarters, Lt. Col. Biet always asked me to ride along with him, either in the same helicopter or in the same vehicle (if we were traveling by road), but this time he ordered me to accompany the Deputy Group Commander, Major Nguyen Thanh Tien, who commanded the light headquarters section. Also accompanying us were Captain Dao Van Nang and the assistant S-3. Those in the heavy [main] headquarters element included the Group Commander; Major Tran, the Chief of the S-3 Section; First Lieutenant Tai, the S-2; Captain Tho, who was also an assistant S-3 officer; a number of other officers; and the U.S. Advisory Team, made up of one captain (the Senior Advisor), one first lieutenant, and two corporals who carried and operated the team's radios.
I remained behind with the light headquarters element, commanded by the Deputy Group Commander and including a platoon from the Group's 3rd Reconnaissance Company, to accompany 52nd Ranger Battalion in on the second lift. It was planned that after landing in An Loc, the two headquarters elements would re-unite into one and advance together into An Loc to take up defensive positions in a former U.S. CIDG base in the city, near the Headquarters of 5th Infantry Division.
When the Chinook carrying our light headquarters element was still in the air over An Loc, I heard the voice of the Group Commander over the radio ordering us to be careful once we landed. He ordered us to disperse immediately and not bunch up to avoid casualties, because enemy heavy artillery barrages were waiting to greet us. He said that when his headquarters element had landed, they had been met by heavy artillery fire, which was continuing. I immediately looked down at An Loc and saw puffs of smoke around the airfield, providing clear evidence that the landing area was under artillery attack. I immediately realized that the situation would not be as simple and as easy it had been in Cambodia or as we had imagined.
After the light headquarters element landed, we dispersed and advanced slowly toward the heavy headquarters element at the end of the airfield in a small row of civilian houses there. When we reached them, I saw that the Group Commander had been slightly wounded in the wrist, where a piece of artillery shrapnel had cut into his arm. It was a small piece of shrapnel, however, so the wound was not series. Major Tran also had a minor arm wound. The most seriously wounded were First Lieutenant Tai, the Chief of the S-2 Section, and Captain Tho, the assistant S-3 officer.
Lieutenant Tai had been hit in the eye by a piece of shrapnel, and he eventually lost the eye entirely. As for Captain Tho, I could clearly see that a piece of shrapnel had amputated one of his legs just above the ankle. He recovered and was discharged from the armed forces after the battle of An Loc. All the wounded personnel, privates, NCOs, and officers, were evacuated from An Loc in the helicopter that carried in the last element of 52nd Ranger Battalion. However, Lt. Col. Biet and Major Tran remained behind to continue to command the Ranger Group as we advanced into our assigned positions according to the operations order.
The battalions that had landed in An Loc all arrived in their assigned positions safely and reported that they had suffered no losses. I felt like a load had been lifted off my chest, but my brain was still filled with thoughts that I had been saved by fate. If the Group Commander had ordered me to accompany him on this helicopter lift, as he usually did, perhaps I would have suffered the wounds that befell First Lieutenant Tai or Captain Tho, or perhaps I would have left this earthly realm if such had been my destiny.
The 5th Division Headquarters sent a jeep to transport the Group Commander to the Division command post to report in to the Division Commander and receive his orders. He asked me to accompany him, along with two radio operators with two PRC-25 radios, so that if necessary he could contact the Ranger Group and issue orders immediately.
After a slow, roundabout drive taking ten minutes, because we had to avoid all the artillery craters on the road into the city, we finally reached the Division Headquarters. The Division Commander, Colonel Le Van Hung, and Division Deputy Commander, Colonel Le Nguyen Vy, were waiting there to greet us.
The Division Commander and the Division Deputy Commander shook hands with my Ranger Group Commander and said a short sentence that I will always remember:
"Lieutenant Colonel, you guys arrived just in the nick of time." They then turned and looked at me. The Group Commander understood their action and introduced me to the two colonels as one of the Group's S-3 officers and the Group's Air Support Officer, whom he had ordered to accompany him to this meeting because the Chief of the Group S-3 Section had been slightly wounded and was back at Group Headquarters working with the Deputy Group Commander to move our subordinate units into their assigned positions. The Group Commander also reported to the two colonels that all subordinate elements had moved into position successfully and without losses. Because of this initial meeting, whenever we saw each other again at meetings at Corps Headquarters, after the meeting Colonel Le Van Hung would come over to see me, because he remembered me, and would ask me how I was doing. After we exchanged greetings, he would shake my hand warmly and then go out to his vehicle to go back to his unit. All I knew to do was to respond with a short word of greetings. I apologize for my shortcoming, Colonel.
[Translator's Note: This is addressed to the spirit of Colonel (later General) Le Van Hung, who as Deputy Commander of IV Corps committed suicide on 30 April 1975 rather than surrender to the communists.]
After shaking hands and exchanging a few pleasantries, the Deputy Division Commander briefed us on the current friendly and enemy situation in An Loc.
FRIENDLY SITUATION:
The Division's forces in the city consisted of Division Headquarters and the 7th and 8th Infantry Regiments. Enemy forces had overrun the division's 9th Infantry Regiment at Loc Ninh, a small district capital north of An Loc along the Cambodian border. Other friendly consisted of RF and PF units subordinate to the Binh Long Province Military Headquarters. The enemy had captured Loc Ninh district, and 9th Infantry Regiment and 1st Armored Squadron had been forced to evacuate from Loc Ninh and were trying to escape back to An Loc.
Colonel Vy told us to alert our 31st Ranger Battalion that it must keep a close watch out to the north. If any of our retreating infantry or armored units arrived, the battalion was to receive the evacuees cautiously and report to headquarters immediately.
As for the newly-arrived 3rd Ranger Group, Colonel Vy said that the group should remain deployed in the positions specified in the operations order, for the moment at least. A decision would be made later about re-deploying the unit.
With regards to the current situation in the city, enemy artillery was bombarding the city with harassing fire in order to disrupt the people's daily lives and to frighten the people in order to make it easier for the enemy to control and manipulate them.
ENEMY SITUATION:
It had been learned that three enemy divisions, the regular main force 5th, 7th, and 9th Divisions, were closing in on Binh Long from many directions, including down from Cambodia and in from Phuoc Long. That was all that was currently known about the enemy situation. If anything else was learned, Division Headquarters would inform us.
As for Route 13 from Lai Khe to An Loc, the enemy cut the road and had established fortified roadblocks at many locations. For this reason all road traffic had been interrupted from An Loc southward. RF troops and the division's 8th and 9th Infantry Regiments were stationed in the Xa Cam Rubber Plantation on both sides of Route 13.
At this point, I finally understood why we had achieved success so easily in Cambodia in March, before we were ordered to move to An Loc. Our Ranger Battalions had fighting only against Viet Cong rear services and transportation units, so the enemy troops fled when our troops attacked them, leaving behind their weapons and food caches. All the enemy main force units had been sent to Binh Long. Later, during my time in communist prisons, I had a chance to think about this issue more deeply and realized that the III Corps Headquarters had sent our Ranger units into Cambodia during the period just before the attack on An Loc in order to draw out and expose the positions of the enemy's 5th, 7th, and 9th Divisions, because these three units had suddenly disappeared from our intelligence maps.
Because Corps Headquarters suspected that the enemy forces were massing in Cambodia for some future attack, our Ranger Group had been sent out to try to locate them.
In fact, enemy documents we captured in Cambodia at the time revealed that the units our Ranger Group was fighting were just rear services [logistics] units of threes enemy divisions, and that we were not encountering main force regulars. Only when the Loc Ninh district headquarters was overrun and 9th Regiment and 1st Armored Squadron were forced to evacuate did III Corps Headquarters finally realize that these three enemy divisions were massing in the Binh Long sector. Corps Headquarters had then issued immediate orders for the entire 3rd Ranger Group to withdraw from Cambodia and be airlifted into An Loc by helicopter in order to reinforce 5th Infantry Division to help it withstand the enemy attack on An Loc. After the loss of Loc Ninh, it was clear that the enemy's target was An Loc city, the Binh Long province capital.
After leaving the 5th Infantry Division Headquarters, on the way back to Group Headquarters, the Group Commander ordered me to summon all the battalion commanders to Group Headquarters for a meeting. During the meeting, the Group Commander briefed the battalion commanders on the enemy and friendly situation so that would know how to handle the situation. The Group Commander passed on Colonel Vy's instructions to the 31st Ranger Battalion Commander and was informed that Major Khanh had ordered two companies of the battalion forward to secure the northern front. Second Lieutenant Truong Tan Phuoc's company was holding the sector from Dong Long Hill and the smaller hills around it to Be Moi Hamlet near the Can Le Bridge. The right side of Route 13 north of the airfield was held Second Lieutenant Son Do's Company, which was occupying the high ground in this area.
Major Khanh had already advised the two company commanders to keep a close lookout and be prepared to receive friendly troops retreating back to An Loc.
During this initial phase, 2nd Lt. Phuoc's company defending An Loc's northern sector on a number of occasions received escaping soldiers from the 9th Infantry Regiment who had sought their way back into 31st Ranger Battalion's sector. 2nd Lt. Phuoc let them into his lines after carefully questioning them as a precaution against enemy troops pretending to be our soldiers in order to infiltrate into our lines. One of these occasions was a very important event that 31st Ranger Battalion reported back to Group Headquarters. This was when 2nd Lt. Phuoc received the major who was Loc Ninh district chief and military commander, his senior American advisor, and the advisor's interpreter. All three came in at the same time, and luckily Lt. Phuoc's soldiers watched them carefully, stopped them some distance away, and ordered them to provide their name, rank, and parent unit. They were terrified that they would be shot by friendly troops mistaking them for the enemy, so they shouted out their names, ranks, and units at the top of their lungs. The soldiers were overjoyed and immediately reported the arrival to 2nd Lt. Phuoc, who came out to the blocking position at Be Moi Hamlet near the Can Le Bridge to receive them. There the district chief and his American advisor were let in through the lines by 2nd Lt. Phuoc after Group Headquarters informed the battalion that we had received confirmation from the Binh Long Province Military Headquarters that these were the right men.
2nd Lt. Phuoc told us that when he received them into our lines, the district chief was so overjoyed that he hugged Lt. Phuoc and wept for joy because he knew he had finally escaped from the jaws of death. Phuoc said the American advisor did the same ting. As for the Binh Long Province Headquarters, after learning that 2nd Lt. Phuoc had indeed brought the Loc Ninh district chief and his senior advisor into our lines, the province chief himself thanked the Group Commander and requested the Group's permission to switch to the radio frequency used by Phuoc's company and personally speak to the district chief in order to calm his nerves after his dangerous escape.
Lt. Phuoc also told us that during Phuoc's conversation with the province chief, the province chief was so happy that he told Lt. Phuoc that if he needed anything, the province chief would send it to Phuoc's company in the jeep that was being sent out to pick up the district chief and the American advisor to bring them to province headquarters. Phuoc said that he only needed a little food, but when the jeep arrived, there was nothing in it for Lt. Phuoc's company. Phuoc decided that the province chief had been so busy that he had forgotten about it, so he said nothing. We were told that the district chief and the American advisor provided us important new information about the enemy, including that they had heard that enemy tanks would be used in the attack on An Loc.
As for the 36th Ranger Battalion, Major Lac reported that his unit had moved into position safely and had finished deploying along the northeastern perimeter of the city, stretching from north of the White Bridge [Trang Bridge] area down along the road from the center of the city to the Quan Loi Rubber Plantation. Two of the battalion's companies were deployed along this line, one company was deployed with the battalion headquarters along the city's inner defensive perimeter, and one company was occupying high ground along the edge of the Quan Loi Rubber Plantation along the edge of the city.
52nd Ranger Battalion and the 3rd Ranger Reconnaissance Company were on the outer defense line protecting the 5th Infantry Division Headquarters and protecting the Ranger Group Headquarters, which was located in the former U.S. CIDG base a little to the west of the 5th Division Headquarters but still within the An Loc city limits. One company from 52nd Ranger Battalion occupied Windy Hill, southeast of the city. High-points and hills around Windy Hill were used as forward outposts for this company and for the 3rd Ranger Reconnaissance Company.
Units of 5th Infantry Division, 7th and 8th Regiments, and Binh Long province forces held the fronts west, northwest, southwest, south, and southeast of the city. These units also occupied a number of pieces of high ground outside the perimeter to provide observation and early warning. This was especially true northwest of the city, where we were waiting for soldiers escaping from Loc Ninh.
I remember clearly that when the Ranger Group landed in An Loc, as we moved toward our positions down the streets of the city, down back alleys or crossing the walled compounds in the well-to-do neighborhood, we say people moving around and going about their business. At this time, loudspeakers from the province Chieu Hoi Office were broadcasting announcements in the center of the city, trying to calm the people down by telling them that reinforcements were arriving in An Loc and requesting the people to remain calm, to go about their business, and to keep a watchful eye out for enemy infiltration. If they saw anything suspicious, they were to report it to their local governmental authorities to allow them to deal with the problem.
A few days after my Ranger Group landed in An Loc, around mid-April 1972, the enemy began increasing the intensity of his artillery attacks on An Loc, which included the use of long-range heavy artillery such as 122mm rockets and 155mm howitzers the enemy had captured from our forces in Loc Ninh. The enemy also made extensive use of his organic artillery, 130mm guns, and of captured 105mm howitzers. Every day, as many as 10,000 enemy artillery shells rained down on An Loc. There was no point anywhere along the city's defensive perimeter, or inside the city itself, that did not have bunkers and fortifications, and if these were carelessly built the soldiers were likely to be wounded by enemy artillery. For this reason, during the shelling attacks, the bulk of the casualties were ordinary civilians. Their agonizing screams, the bodies and body parts blown around the area, even hanging from tree limbs or laying on the roofs of the houses, made for a tragic situation. Under this heavy artillery shelling, a large number of civilians abandoned their homes and fled to the soldiers' defensive fortifications to seek refuge against the danger. All of our battalions reported that their defensive positions at the company level all had civilians taking refuge in our fortifications. They cooked and ate with the soldiers, and our soldiers tended their wounds and gave them medicine. It was a true fulfillment of the slogan
"Soldiers and Civilians throughout the nation love one
another."
One morning, when the shelling had stopped, I had just climbed up onto the top of the Operations Center to observe the situation in the surrounding area when, suddenly, I heard the loudspeakers appeal to both sides to cease firing and cease artillery shelling to allow innocent civilians to flee from the battle area. After the loudspeaker appeal, a large number of people appeared, walking in a long line. They were led by Buddhist monks and Catholic priests, and they carried white flags that they waved back and forth.
Major Lac, the 36th Ranger Battalion commander who had just come out of a meeting with the Group Commander, heard the shouting and climbed up on top of the Operations Center bunker to watch what was happening. The column of civilians walked south down the street in front of and to the east of the Ranger Group Headquarters, planning to turn onto Route 13 to flee down the highway to the south. When the column of people moved past the section of the perimeter held by provincial forces, we suddenly heard heavy artillery explosions from that direction. Looking closely, I saw that the enemy had not stopped his shelling and in fact was deliberately shelling the column of evacuees. The civilians in the column, hit by one heavy artillery round after another, screamed in terror, and the sounds of crying children echoed all the way to the place where I was standing. When Major Lac saw the scene that was unfolding, he cursed the enemy, shouting that these barbarians would not even grant mercy to priests, monks, women, or children. They wanted to kill us all, even the rants, he shouted. This time the enemy seemed to have forward observers adjusting fire, because the shells all landed right in the middle of the column of civilians, sending bodies flying in all directions.
Arms and legs could be seen hanging from the trees along the side of the road.
Because this was in an open area along the vehicle road into the city, there was no cover the civilians could use to escape the shelling, and a number of them were forced to seek shelter behind the trunks of large trees. After the enemy artillery barrage, the civilians, and even the priests and the Buddhists monks, dispersed and returned to their homes and their former places of refuge, because the enemy shells clearly demonstrated the enemies vicious intentions toward them.
Later, while I was in a prison camp in North Vietnam, I mentioned this incident in a self-criticism statement after a massive round of political
"training" and self-criticism involving the entire camp. The political officer explained to me that,
"The revolution shelled this civilian crowd because this was a crowd of puppet civilians, filled with reactionaries and counter-revolutionaries. We could not exempt them, and we had to teach them a lesson."
After that explanation, there was nothing else I could say.
During this period of increased enemy artillery attacks, and especially during the afternoon ad in the middle of the night, we could hear artillery rounds constantly flying overhead and exploding. These sounds, and especially the tremendous blasts of shells exploding around the Ranger Group Headquarters, filled me with fear and dread, since I never knew when one might hit my location. If a round hit our position, if we weren't killed we would certainly be wounded, because the enemy was using heavy artillery with every type of shell imaginable. We were especially afraid of what military professionals called the
"delayed fuse" rounds, a type of 155mm round that penetrated a bunker and buried itself in the dirt before exploding, causing tremendous destruction and widespread casualties.
In the middle of this tense situation, all of a sudden the Ranger Group's American advisory team suddenly began packing their bags and putting all their equipment in a neat pile. It looked as if they were preparing for a move. I asked them about it, and an American sergeant told me that they had received orders to prepare for a helicopter that was arriving to pick them up. I ran to report this to Lieutenant Colonel Biet. He asked the senior advisor and received the same answer, and no further explanation. A few minutes later a helicopter flew in from the east of Quan Loi at tree-top level, turned toward the Ranger Group Headquarters, and landed at the old helipad near the headquarters. The entire advisory team ran out to the helicopter, boarded, and then the helicopter took off and disappeared into the eastern sky.
In such a situation, after seeing the American advisory team suddenly and unexpectedly withdrawn without a word of explanation, the entire Ranger Group Headquarters was shocked and frightened. Worry and concern were evident on every man's face, including my own. Lt. Colonel Biet immediately grabbed the telephone to call the 5th Division Headquarters to report this and ask what was going on, but he found that the telephone line had been cut and we had no electronic contact with division headquarters.
The telephone line had been hit by enemy artillery rounds, and division and Ranger Group communications specialists who went out to check on the line confirmed that the line had been cut in numerous places. For this reason, whenever the division had special orders for the Ranger Group they had to send a courier down from division, although ordinary communications were handled over our PRC-25 radios. The division told Ranger Group Headquarters that the division was checking on our report [of the withdrawal of the American advisors] with Corps Headquarters and would advise us of the results later. That evening, the division informed us that the Group's American advisory team had completed their tour of duty and therefore had to be recalled. They said that a new advisory team would be landed at Ranger Group Headquarters the next morning. After hearing that, everyone breathed a sigh of relief, because without American advisors to personally request support for themselves we would encounter many difficulties and delays when requesting support. It was our experience that operations accompanied by American advisors received quicker and more extensive air support than those without American advisors. Some people had thought that the withdrawal of the American advisory team at such a critical, life-or-death moment meant that perhaps the Americans were abandoning us. Everyone was concerned.
All worries faded, however, when at dawn the next morning a helicopter suddenly appeared from the direction of Quan Loi and landed at the helipad. Four American advisors wearing
"tiger-stripe" camouflage uniforms leapt out of the helicopter and ran toward the Group Operations Center, while the helicopter took off again immediately and disappeared into the sky to the southeast. I met the team at the entrance to the Operations Center, saying
"Welcome" to them. The man in front wore the insignia of a major. He was followed by a first lieutenant and two NCOs carrying radios that appeared to be
"special radios." I introduced myself as the Ranger Group's "S-3 for Air" and led them in to see the Group Commander. Lt. Col. Biet greeted them and shook their hands.
The Major immediately apologized for the unannounced change of advisory teams. He said it had been done in this manner to preserve secrecy. The major also assured Lt. Col. Biet that the Americans would provide maximum support to An Loc and were prepared to defend An Loc with everything they had, especially air support. He also said,
"Lieutenant Colonel, if you need anything at all, you just ask me and I'll
request it for you."
All this firmed the morale of everyone in the Group and completely dispersed all the previous worries and suspicions. The American advisor also told us that three communist divisions were advancing to attack An Loc city, but the U.S. had made all necessary preparations to provide effective support to our troops. I heard this the next morning, when the city's loudspeakers broadcast the statements of the Senior American Advisor to III Corps/Military Region 3 appealing for calm and for firm resolve to fight to defend An Loc. The senior American advisor said that the U.S. armed forces and he himself would support An Loc with every air resource available, including both strategic as well as tactical air. He said that his name was General Hollingsworth, the Senior Corps Advisor, and that he was ready to support An Loc.
Captain Dao Van Nang, the former commander of the 3rd Ranger Reconnaissance Company, had been relieved of his duties because he was waiting for his discharge papers from the armed forces, and he was working in the Group Headquarters as an assistant S-3 officer. One evening in late April 1972, Captain Nang was on duty in the Operations Center. Captain Nang was supposed to have been on duty from the afternoon until 12:00 midnight, while I slept. I was to wake up at 12:00 to replace him on watch. However, Nang asked me to switch watch duty with him to let him try to get some sleep, because he hadn't been able to sleep for several nights. I agreed and took over the Operations Center, sitting next to the radio sets and the nearby operations maps while Nang laid down in my cot next to a firing slit in a corner of the bunker to sleep.
. . . . . .
"Tôi nó sinh ra nhằm chinh chiến mới quen nhau mà lưu luyến..."
Tiếng hát của Hoà
Nổ và Thắng Gấu trong đêm họp mặt tân niên, thật trầm ấm và cũng thật ray rứt.
Ngồi trầm ngâm trước ly bia sủi bọt, khi mà ngoài kia từng cơn bão tuyết đang đổ xuống vùi dập thành phố, thì trong lòng tôi, cơn lốc dĩ vãng của một thời chinh chiến lại hiện ra, nhạt nhoà nước mắt - Tôi muốn uống thật nhiều, thật say, uống cho những thằng bạn, thằng em đã nằm xuống cho cuộc chiến hôm qua, cho những thằng hôm nay còn đang sống đọa đày tủi nhục trong nước, cho những thằng giấc mộng không thành, đời mãi long đong nơi đất khách quê người .
- Uống đi tụi bay Hải, Khanh, Sam, Thành, Hiếu, Sơn...
- Ê! Đắp mô hả Hiếu, nên nhớ là BĐQ vì dân chiến
đấu, vì nước hy sinh, vì đế bỏ mình, vì tình bỏ mạng nghe mày.
- Cho tao qua tua, đêm nay còn đi kích, ngày mai
mình uống tiếp.
Vâng, mai uống tiếp,hay chẳng bao giờ gặp lại anh em
để uống nữa. Vì biết đâu đêm nay, tao hay chúng mày, có đứa
sẽ rửa chân leo lên bàn thờ ngồi. Những âm thanh, hình ảnh thân thương
hỗn độn của gần 30 năm về trước như sống lại,
tưởng chừng như mới hôm qua?
Ngày ấy, sau khi vồ xong được cái phần 2 để trở thành
"cậu tú kép", còn đang lang thang, chưa định hướng. Nhiều thằng bạn học trước đây đã lần lượt ra đi.
Rồi hung tin cũng lần lượt bay về. Thằng Chiểu, bạn thân năm đệ nhị Lê Bảo Tịnh, sau hai kỳ đạp vỏ chuối, bèn ca bài
"rớt tú tài anh đi trung sĩ".
Sau khi mãn khóa ở Đồng Đế,nó về Đại Đội Trinh Sát Hắc Báo, Sư Đoàn
1. Hơn 3 tháng sau, anh nó gặp tôi bảo:
"Chú Hiếu ơi! Chiểu nó chết rồi". Thằng Hiển học với tôi năm lớp nhất, nhưng nó lớn hơn tôi 4 tuổi.
Năm 65 vào Hải Thuyền, rồi mất tích ở Năm Căn. Khang trên tôi 2 lớp thì vào khóa 1 Biên Tập Viên Cảnh Sát. Ngọc
"tây lai" thì thất tình với một bà sơ tập sự.
Vì bà yêu Chúa hơn yêu nó, nên đâm đầu vào Không Quân để làm
"giặc lái". Thành "ba lém" sau mấy năm than câu
"học tài thi phận" rồi khăn gói ra Đồng Đế về Lực Lượng Đặc Biệt, sau theo học khóa sĩ quan đặc biệt rồi về Trinh Sát 2 Dù, hy sinh tại Đam Be cuối năm 71 - Tôi đi tìm thăm nó lúc ở Đam Be nhưng không gặp.
Gần tháng sau, nhân lần về phép, khi xe Jeep chạy ngang nhà nó, tôi tạt vào thì đã thấy hình nó trên bàn thờ.
Thắp cho nó 3 cây nhang và đọc vài câu kinh xong, tôi thầm nói với nó: "Mẹ mày, ông đi tìm mày không gặp,ai ngờ mày đã leo lên bàn thờ từ bỏ anh em rồi".
Cuối năm 67, Định rủ tôi đi khóa 24 Võ Bị.
Nhưng nghĩ tới 4 năm quân trường, tôi ngán ngẩm từ chối - Mậu Thân nổ ra, rồi tổng công kích đợt 2, Hùng, Lượng và tôi tình nguyện vào Thủ Đức.
Sau 6 tháng ngủ gà ngủ gật trên các bãi tập, rồi cũng đến cái ngày
"Quỳ xuống các ngươi, đứng dậy các tân sĩ quan".
Đeo cái quai chảo vào cổ áo, 13 thằng về Biệt Đọâng Quân. Sau 7 ngày phép, chúng tôi được phân về 4 quân
khu. Tôi về Liên Đoàn 3 và được phân về Tiểu Đoàn 52, tiểu đoàn em út của binh chủng, nhưng bề dầy chiến tích lại thật lẫy lừng, qua các trận Đồng Xoài, Suối Long, Kim Hải, với biệt danh
"Sấm sét miền Đông". Đa số anh em sau này dù có thuyên chuyển đi đâu, họ vẫn tự hào là
"dân 52".
Ngày trình diện Tiểu Đoàn, người đầu tiên tôi gặp là Đại úy Hồng Khắc Trân, sĩ quan
Ban 3. Ông chuyển lệnh của Tiểu Đoàn Trưởng, phân tôi xuống ĐĐ4, với lời căn dặn :
"Đ mạ! Tướng mi cũng chịu chơi, đánh đấm cho đẹp nghe em". Tôi là thằng đàn em nhỏ nhất trong số hơn một tá sĩ quan trung đội trưởng lúc đó, nên còn được gọi là
"Hiếu nhỏ" hay "Hiếu Bắc kỳ", để phân biệt với thằng Lê Văn Hiếu, khóa 25 TĐ bên ĐĐ1,
cùng Tiểu Đoàn. Với các cuộc hành quân qua các điạ danh Sóc Con Trăng,Tây Ninh, Bình Long, Long Khánh, các mật khu Mây Tào, Hắc Dịch, Hố Bò v.v.. Hay về vùng ven đô với Rừng sát, Lý văn Mạnh, hoặc vào sâu trong những khu rừng rậm của chiến khu D. Tôi học tập dần để trưởng thành, vì mọi cái đều xa lạ với những cái tôi đã học ở quân trường.
Hoặc vì ngủ gà, ngủ gật mà tôi đã không áp dụng đúng câu
"thao trường đổ mồ hôi,chiến trường bớt đổ máu" khiến cho những ngày đầu ở đơn vị, đã có những chuyện cười ra nước mắt.
Như chuyện tôi tháo cây Colt.45 ra lau chùi, rồi không biết ráp lại, tôi đã nhét vào ba lô cả tháng - Đặc biệc cái tọa độ chuẩn đã làm cho tôi bị anh Ngô Văn Niếu (Khóa 20 ĐL) dũa thê thảm - Số là vừa về đơn vị được 2 ngày, tôi dắt trung đội 2, khoảng gần 20 người hành quân lục soát dọc theo đường mòn
"bà Ngô đình Nhu" ở Sóc Con Trăng thì chạm địch. Lần đầu tiên thử lửa quả tình là thật lúng túng và có phần hoảng hốt, Tr/úy Niếu bảo tôi cho biết là đang ở đâu - Tôi lắp bắp đọc luôn tọa độ 6 số, chẳng biết là có đúng không, tôi nghe anh hét lên trong ống liên hợp:
- ĐM! Anh đang ở đâu với con Lan (tên một tọa độ chuẩn).
- Trình non nước là tôi đang đụng chứ có ở chỗ con Lan nào đâu.
Càng giận hơn, anh hét lên trong máy, nhưng tôi chỉ
còn nghe rõ mấy câu sau:
- . . . . . . .Anh tốt nghiệp từ trường Nữ quân nhân hả?
Sau lần đó, tôi được Thiếu úy Sam (K.24 TĐ) cho thọ
giáo để học thêm ít chiêu vỡ lòng và
truyền cho một số bí kíp tiếu ngạo giang hồ.
Đồng thời cũng không quên một câu nhắc nhở :"Đừng làm mất mặt dân Thủ Đức nghe mày".
Cuộc chiến nào mà không có mất mát. Trước sự sàng lọc khắc nghiệt của cuộc chơi, Hùng K.26 TĐ, gãy nát tay ở Sóc Con Trăng.
Hai tháng sau, về ven đô, con nhà Quý Đen K.26 TĐ, bị cụt hai chân ở gần cầu Rạch Chiếc, đối diện nhà máy xi măng Hà Tiên.
Và cũng chỉ vài ngày sau, Thiếu úy Thạch Hội K.23 TĐ, đạp phải mìn, chết cách chân cầu xa lộ không đầy 500 mét.
Đúng là đi sông, đi biển không chết, về nhà sụp lỗ chân trâu.
Hôm đi gác xác nó ở nhà xác Tổng Y Viện Cộng Hoà , người yêu của nó, cái cô bé học trò ở họ đạo Bến Cát, Gò Vấp, đã khóc hết nước mắt.
Hai đứa thề non hẹn biển, cuối năm nay, khi thằng Hội được biệt phái giáo chức về nhiệm sở cũ, chúng nó sẽ lấy nhau.
Ước vọng nhỏ nhít, nhưng cũng là cuộc đời lớn nhất.
Vậy mà cũng chẳng thành, để rồi âm dương cách trở.
Giữa năm 69, tôi thuyên chuyển sang ĐĐ 3.
Sau khi mãn khóa 40 Rừng Núi Sình Lầy, tôi trở về đơn vị, đúng là lúc chuẩn bị cho các cuộc hành quân sang Kampuchia. Khởi đi từ ngày 29-3-70, cùng với Lữ Đoàn 3 Thiếp Kỵ, chúng tôi đã tiến như chẻ tre sang Kampuchia.
Từ Ba thu, đại bản doanh của MTGPMN, đến Mỏ Vẹt, rồi Krek, Mimot, Kamponcham, Svay Riêng, các trận đánh long trời lở đất, tại các vùng rừng cao su Mimot, Chup, Peamcheng. Sang đầu 71, chiến trường chuyển sang chiều hướng khốc liệt hơn.
Khi mặt trận Hạ Lào đang diễn tiến thì ở Kampuchia, hai Liên Đoàn 3 và 5 BĐQ, cùng với Lữ Đoàn 3 Thiết Kỵ tiến vào Đam
Be. Tại đây VC đã tập trung ba công trường 5,7 và 9 bao vây nhằm tấn công tiêu diệt chúng tôi tại bờ sông MêKông.
Nơi thung lũng Đam Be, Thiếu Tá Sanh, Tiểu đoàn trưởng TĐ 30/BĐQ đã tử trận. Thiếu Tá Ron, Thiết đoàn phó Thiết đoàn 15 cũng đã hy sinh. Khi Tướng Đỗ Cao Trí tử nạn thì cũng là lúc bọn chúng tìm cách dứt điểm.
Phải thành thật mà nói là Tướng Nguyễn Văn Minh lên thay Tướng Trí, chức vụ Tư lệnh Quân đoàn III, ông không đủ khả năng để điều động một cuộc hành quân táo bạo như vậy, nên ông đã lúng túng, khiến các đơn vị trở nên bị động.
Cuối cùng, thay vì tiếp tục tiến về phía trước, ông đã ra lệnh lui quân. Đêm trước ngày lui quân, B.52 đã oanh tạc vào một đoạn đường không đầy 1 km, giữa vị trí của B.52 và
36. Rạng sáng, hàng chục phi tuần F.104 từ hàng không mẫu hạm bay vào phối hợp với các phi tuần F.5 của Không lực VNCH, từ Tân Sơn Nhất và Biên Hòa lên.
Sau cùng, hai Tiểu đoàn Pháo Binh 64 và 46 trừ bị của Quân đoàn, tác xạ tối đa vào mục tiêu, tưởng chừng con kiến cũng hkông sống sót nổi. Đại Đội 3/52 của chúng tôi đi đầu, vừa chạm tay được với ĐĐ.1/36 của Đại úy Nhân.
Khoảng 11 giờ sáng, theo lệnh hành quân, thì tại đây, chúng tôi bố trí lại, để Liên đoàn 5 dẫn đường bằng ĐĐ.5 TS của Đại úy Nam, tiếp tục lui quân theo thế chân chim.
Nhưng rồi đạn pháo từ khắp nơi bay đến, địch từ các địa đạo, hầm hố cách không đầy 50 mét và trên các ngọn cây thốt nốt đồng loạt khai hỏa.
Trong tình thế "ngũ bề thọ địch" này, chúng tôi đã anh dũng chống trả, quật ngã hết đợt xung phong này đến đợt xung phong khác.
Những cây đại liên 30 và 50 trên các xe M.113, không kịp thay nòng súng, vì quá nóng, đạn đã rớt ngay trước đầu xe - Bên cạnh tôi, Chuẩn úy Khổng Hữu Lực vừa ra trường được hơn 2 tháng, sau vài phút hoảng hốt của lần chạm súng đầu tiên, đã lấy lại được bình tĩnh, rồi như say mùi thuốc súng, nó đã
"tả xung, hữu đột", củng cố lại được trung đội, cây M.16 trên tay nó rung lên từng chập.
Rồi bất thần, tôi thấy nó đứng thẳng người lên, tay tiếp tục xiết cò, miệng la lớn:
"ĐM chúng mày! Giỏi thì tiếp tục xung phong, tao cho chúng mày đi chầu Diêm Vương hết".
Nó như con hổ non háu đói, chồm lên về phía trước, tôi chỉ kịp la lên:
"Lực, nằm xuống!". Nhưng không còn kịp nữa, một loạt đạn
AK, đã cày nát ngực nó. Tôi ra lệng cho hai trung đội bắn che tối đa, rồi cho kéo nó ra phía sau.
Nhưng nó đã đi rồi. Bỏ xác nó vào thùng xe M.113, tôi nói như để cho nó nghe:
"Mày chơi đẹp lắm, không hổ mặt dân Bắc kỳ Hố Nai". Phía ĐĐ.5 Trinh sát đã bị trộn trấu.
Anh em đã chiến đấu bằng lựu đạn và lưỡi lê.
Thấp thoáng chỉ còn thấy ít đồ bông, lẫn trong cháo lòng và kaki Nam Định.
Đch quá đông, gấp 5, gấp 10 lần. Nhưng mãnh hổ vẫn địch lại quần hồ.
Sau gần 4 giờ tử chiến bất phân thắng bại, địch đã phải rút lui,còn chúng tôi cũng phải lùi về vị trí cũ.
Tôi bị một mảnh đạn ghim vào bắp chân trái, sâu khoảng 4 centimet, giờ mới thấy đau, Tắc người y tá của trung đội dùng cây kéo ben nhổ ra.
Đổ vào một ít ancohol, quấn vội chiếc băng cá nhân, rồi dìu tôi cùng số anh em còn lại, nương theo các xe M.113 rút về vị trí cũ.
Trung đội bị 4 chết, 8 bị thương và 3 mất tích, chỉ còn lại tôi,Thành Sún mang máy truyền tin, Trung sĩ Quân, khẩu đội đại liên M.60 và Hạ sĩ Tắc y tá.
Trời bắt đầu xẩm tối. Hành động gan dạ và quả cảm của Trung tá Đồng, Thiết đoàn trưởng thiết đoàn 15, đã làm cho chúng tôi vô cùng cảm động và thán phục - Ông yêu cầu anh em BĐQ cùng Thiết đoàn của ông, trở
lại trận tuyến, để mang các anh em chết và bị thương còn kẹt lại ra.
Chúng tôi bốc ra được gần 300 anh em, trong đó có hạ sĩ Khách và Binh II Vang của Trung đội tôi bị thương nặng.
Quang cảnh trận địa thật hãi hùng. Số xác VC bị bỏ lại lên đến vài ngàn.
Sau này dường như cố vấn Mỹ tiết lộ,theo tin tức tình báo từ không ảnh, số VC chết lên tới ngót 6000. Dĩ nhiên, Tiểu đoàn chúng tôi cũng bị thiệt hại nặng.
Số tử trận ngót 100, số bị thương gần 200 người. S uốt đêm đó, mặc dù địch tiếp tục pháo, nhưng các chuyến Chinook vẫn đáp xuống bổ sung đạn dược và đưa các anh em chết hay bị thương về.
Sau trận này, Hải, Khanh, xin về Dục Mỹ. Sam, Nghĩa, Thành đi làm Đại đội trưởng Biên phòng. Sơn bị thương nặng giải ngũ.
Chỉ còn tôi và Hiếu lớn ở lại. Hiếu thăng cấp Trung úy lên làm Đại đội trưởng
ĐĐ.1. Còn tôi, khoảng tháng 4/71, vì bất hoà với Trung úy Cơ, ĐĐT, nên cũng thuyên chuyển về ĐĐ.1, làm ĐĐP cho hiếu lớn. Ít ngày sau, Trung úy Cơ cũng được thay thế bằng Tr/úy Tỉnh ở 36 chuyển qua.
Đầu tháng 6/71, căn cứ Alfa do Tiểu đoàn 30 trấn giữ bị địch vây kín đã gần nửa tháng.
Mấy ngày trước ĐĐ3/52 của Tr/úy Tỉnh, cùng với Chi đoàn 2/18 Sao Bắc Đẩu, của Trung úy Phi Điểu tiến vào tăng cường vòng ngoài.
Sau mấy ngày quần thảo quanh căn cứ,vì áp lực địch quá nặng, nên phải trệt thoái ra,.
Trên đường triệt thoái, xe Phi Điểu bị trúng B.40 và nó đã hy sinh. T iểu đoàn với 3 Đại đội còn lại, được lệnh giải tỏa Alfa bằng mọi giá. Ch/úy Mạnh nhận sự vụ lệnh về nhiệm sở mới, nhưng vẫn xin ở lại đánh trận sau cùng. Đúng 4 giờ sáng, rời tuyến xuất phát cùng với Chi đoàn 1/8 Chiến xa M.41 và Chi đoàn 3/18 của Đại úy Đức, tôi đi cùng xe với Thiếu úy Nhiều thiết giáp. Nhiều sau tôi hai khoá, tôi đã sang ĐĐ 62 của nó để làm huynh trưởng hướng dẫn lúc ở Thủ Đức.
Trước khi cho lăn xích sắt, Nhiều nói với tôi : "Hôm nay Th/úy Hiếu coi Th/uý Nhiều đánh giặc, không đẹp không lấy tiền". Nhiều nổi tiếng đánh giặc lì lợm, nên anh em thường gọi nó là
"Thiếu úy Liều".
Chúng tôi tiến quân bằng hai cánh. ĐĐ.1 đi với 2 chi đội bên cánh phải. ĐĐ.4 đi với 2 chi đội của chi đoàn 3/18 bên cánh trái. ĐĐ.2 và BCH Tiểu đoàn đi với Chi đoàn Chiến xa. Chúng tôi tiến quân rất thận trọng, vì biết chắc rằng địch đang chờ chúng tôi ở một nơi nào đó.
Tờ mờ sáng đã thấy căn cứ alfa nằm trên đồi 46 ở trước mặt.
Anh em TĐ 30/BĐQ trong căn cứ đang vẫy tay mừng.
Đoàn xe từ từ bò lên đỉnh đồi cỏ tranh, đã bị cháy vì bom đạn trong những ngày vừa qua, tạt trái về h[ớng đông bắc.
Mục tiêu nhắm đến là bìa rừng cao su ở phía trước.
Khoảng cách thu hẹp dần, 800m, rồi 700m, 600m?. Bỗng đùng một cái, hàng ngàn tiếng nổ chát chúa ở ngay trước đầu xe.
Không đầy 50 mét, bọn VC nhô người lên khỏi giao thông hào thi nhau nhả đạn.
Tôi thấy rõ những cây B.40, B.41 đang rà theo các xe M.113 và phóng đi.
Một trái bay vọt qua đầu xe, thật hú hồn.
Xe Tr/úy Hiếu bị trúng đạn, ba thầy trò nó văng khỏi xe, tôi hét vào tai Nhiều:
- Mày thấy nó chưa, bảo chúng nó bắn thấp xuống.
Tôi toan nhảy xuống xe thì Nhiều đã dùng gót giày nhắp nhắp vào cổ viên tài xế như ra hiệu, miệng hét lớn
: "ĐM xay nó". Như hiểu ý ông thày, chiếc xe chồm lên lao thảng vào phòng tuyến VC, ngang dãy giao thông hào.
Bằng một động tác thật điêu luyện, như người biểu diễn mô tô bay, viên tài xế kéo cần lái bên trái lên.
Chiếc xe quay ngang, để lọt lằn xích bên phải xuống làm chiếc xe nghiêng hẳn sang bên phải.
Tôi vội bám chặt vào pháo tháp của cây 50. Chiếc xe cứ nằm nghiêng như vậy mà chạy trườn tới, cày nát một khúc giao thông hào khoảng mấy chục thước.
Những tiếng rú khủng khiếp, xen lẫn tiếng gầm của máy cùng tiếng nổ của lựu đạn do chúng tôi ném ra, tạo nên sự kinh hoàng trên phòng tuyến của
VC. Sự việc diễn ra chỉ hơn 1 phút, nhưng quả đây là một phút để đời.
Rồi chiếc xe vượt lên khỏi dẫy giao thông hào, chạy lù về phòng tuyến.
Còn chiếc xe của Tr/úy Hiếu bị trúng đạn, có lẽ vì viên tài xế khi chết chân vẫn cò đạp ga, nên chiếc xe cứ thế chạy thẳng về phía trước, ủi vào hàng cao su rồi bốc cháy.
Một Chuẩn úy, hai xạ thủ đại liên, viên tài xế và mộy BĐQ đã chết theo xe. Tôi nhảy xuống xe, lệnh cho các trung đội phân tán mỏng, để tránh thiệt hại, rồi chạy thẳng về phía Tr/úy Hiếu.
Nó bị sức ép quá mạnh,đẩy văng ra khỏi xe, may không bị miểng nào, chỉ bị tức. Hiếu lấy tay xua tôi ra, hiểu ý, tôi lôi Bảo và Thành, hai người hiệu thính theo.
Tôi gặp Đại úy Đức, Chi đoàn trưởng, yêu cầu cho thiết giáp khai hỏa tối đa, không cho bọn chúng ngóc đầu khỏi giao thông hào.
Vì đã thấy chúng chỉ có giao thông hào và hàm ếch, nên chúng tôi dùng lựu đạn tấn công thật chính xác vào phòng tuyến của chúng.
Bằng cách đánh này, không đầy 10 phút sau, hỏa lực chống trả của chúng yếu dần.
Tôi yêu cầu thiết giáp ngưng tác xạ và dắt hai trung đội xung phong.
Những tiếng hô: "xung phong", "Biệt động! Sát" vang cả một góc rừng cao su vọng lại.
Bọn VC còn sống sót quá sửng sốt, há hốc iệng, chưa kịp phản ứng đã lãnh gọn những viên đạn, đưa tiễn chúng về chầu bác đảng. Tr/uý Hiếu đã cùng với anh em xung phong và ở bên cạnh lúc nào tôi không biết, tôi quay sang bảo nó:
- "Sao mày không nghỉ ở đàng sau", nó trả lời :
"Tao sợ mày điên lên rồi nướng thằng Mạnh, nên phải chạy theo, nhưng thấy mày chơi có bài bản nên để kệ mày làm".
Kiểm điểm chiến trường. Thật không ngờ, 52 tên bị hạ sát tại trận, 1 bắt sống, tịch thu 1 57 ly, 8 B.40 & B.41, gần 40 khẩu AK đủ loại, toàn bộ 1 C của cộng quân bị diệt gọn.
Tổn thất của BĐQ và Thiết giáp được coi là quá nhẹ. 6 chết, gần 20 bị thương, cháy mất một xe M.113. Cánh quân bên cánh trái, bọn VC bung hầm hố bỏ chạy, để lại 16 xác.
Bên BĐQ, Đại úy Minh, ĐĐT và một số anh em bị thương. Tối hôm ấy, còn đang nằm trên trận địa thì đài giải phóng nó đã loan tin:
"sáng hôm nay MTGPMN và nhân dân giải phóng Khờ Me, đã tiêu diệt toàn bộ TĐ 52 quân biệt động ngụy Sàigòn cùng thiết đoàn xe bọc thép mang số 18".
Tôi buột miệng chửi thề: "tiêu cái con c.. bố".
Đúng là bố láo như vẹm.
Vài ngày sau, tôi được bổ nhiệm sang ĐĐ.4, giữ chứ ĐĐT, thay thế Đại úy Trương Thanh Minh.
Gặp lại đám em út ngày xưa, Trung sĩ I Thóc, trung đội phó giờ là thường vụ Đại Đội, Thượng sĩ Lữ, Trung sĩ Bá, Trung sĩ Cưu v/v/ và đặc biệt là Thường trọc, thằng em mang máy truyền tin giờ đã là Hạ sĩ
I. Một bữa tiệc linh đình được bày ra.
Gồm ít con khô sặc được xé nhỏ trộn với xoài xanh và nước mắm ớt.
Cùng một bình 5 lít, để đánh dấu ngày "châu về hợp phố', giữa bữa tiệc.
trung sĩ Cưu nhắc lại: "Thiếu úy nhớ không, ngày mới ra trường, ông thầy nhắp một nắp bi đông đã chạy, giờ ông thầy làm 7, 8 nắp vẫn tỉnh queo".
nói rồi hắn chiêu một nắp vào miệng, xúc xúc mấy cái rồi
la to: "Thiếu úy Hiếu muôn năm". Tôi cười pha trò: " thôi đi cha nội, bộ muốn tôi mang Thiếu úy muôn đời Lục Quân Việt Nam sao ?".
Tình cảm của lính thật chân thật và cái vui của lính cũng thật đơn giản như vậy đó.
Cuối năm 71 ấy, Tiểu đoàn đi học bổ túc tại Dục Mỹ và ăn tết ở đó.
Trước ngày trở về, Hạ sĩ Tạ Tơ, thuộc khẩu đội 81/BCH Tiểu đoàn, đột nhiên xuống tìm tôi và nói nhỏ:
- Thiếu úy ơi! Kỳ này về Tiểu đoàn mình đụng nặng lắm.
Đại đội trưởng chỉ còn mình ông thầy, tôi coi bài thấy vậy nên cho ông hay.
Không quan tâm đến, nên tôi chỉ bảo hắn: " Mày mồm miệng ăn mắm ăn muối,đừng bố láo, Thiếu tá Dậu ổng nghe, ổng đá mày bỏ mẹ !". Về đến hậu cứ,3 ngày xả trại quá nhanh.
Tối hôm đó, cũng như thường lệ, chúng tôi từ giã vợ con cũng như bao lần trước.
Rất bình thường như người công chức già, leo lên chiếc xe Mobylette, sáng đi trưa về, cũng vẫn những câu nói thường lệ: "Anh đi ít ngày anh về". Ít ngày đây có thể là một đôi tuần, hay vài ba tháng.
Tôi cũng đã từng khi chia tay thì con mới ba ngày tuổi.
Lúc trở về con đã biết bò. Chiếc xe Jeep đang nổ máy chờ ở đầu ngõ
. Đeo giây ba chạc vào rồi vội vàng: "giã nhà đeo bức chiến bào - Thét roi cầu Vị ào ào gió thu".
Ttrực chỉ về hậu cứ ở Thanh Hóa, Hố Nai, để kiểm điểm binh mã, đợi nửa đêm sẽ xuất chinh sang lại Kampuchia. Nơi đây, Lữ đoàn 3 Kỵ binh đang chờ chúng tôi, để cùng nhau vào Kampong Trabek.
Lúc này đụng độ lẻ tẻ liên tục hầu như mỗi ngày.
Địch quân đang tìm cách cầm chân chúng tôi ở chiến trường ngoại biên, để chúng có thể chuyển quân vào nội điạ, chuẩn bị cho những trận đánh lớn.
Ba Liên đoàn BĐQ 3, 5 và 6 chúng tôi đang ở vùng Mỏ Vẹt.
Sư đoàn Dù ở Lưỡi Câu. Còn sư đoàn TQLC ở vùng bến phà Neak Luông. Quả như dự đoán, cuối tháng 3/72, công quân đã bắt đầu tạo áp lực lên Bình Long, Kontum và Quảng Trị.
3 Liên đoàn BĐQ được lệnh giao vùng lại cho Sư đoàn 25 và được phân đến 3 mặt trận.
Liên đoàn 5 ra Quảng Trị. Liên đoàn 6 đi Kontum. Liên đoàn 3 chúng tôi vào An Lộc,Bình Long.
Đúng 12 giờ trưa ngày mồng 6 tháng 4, đại đội tôi được hân hạnh leo lên 12 chiếc trực thăng đầu tiên nhẩy vào An Lộc.
Rời căn cứ Suối Đá ở Tây Ninh, bay ngang qua Dầu Tiếng, nhìn xa xa thấy đỉnh Bà Rá còn phủ trong lớp sương mù.
Vừa đặt chân xuống sân bay An Lộc,cộng quân đã chào đón chúng tôi bằng vài chục quả 107 và
122.
Thành phố Bình Long như một thành phố chết, không một bóng người ngoài đường.
Các cửa nhà, cửa tiệm đều đóng kín mít.
Một chiếc xe của ty Thông tin chạy qua lại, với chiếc loa phóng thanh , đang yêu cầu đồng bào sinh hoạt trở lại bình thường, vì đã có các chiến sĩ Liên đoàn 3 BĐQ, đến để giữ an ninh. Ngày hôm sau, một số cơ sở kinh doanh đã mở cửa lại.
Tôi đã ghé vào một quán cà phê, để tận hưởng ly cà phê cuối cùng, nghe Khánh Ly hát nhạc Trịnh Công Sơn, trước khi thành phố này trở thành đống gạch vụn. Chiều hôm đó, ĐĐ.3 được lệnh trấn giữ Đồi Gió. ĐĐ.4 chúng tôi giữ đồi 165, nằm giữa Đồi Gió và khu Quản Lợi do ĐĐ.1 phòng thủ. Đêm 7 tháng 4, quận Lộc Ninh thất thủ, các Trung đoàn 9/SĐ.5 và 52/SĐ.18 đang bị chận đánh ở ngã ba Bù Đốp.
Đêm 8 tháng 4, ĐĐ.3 bị địch tấn công và chiếm mất một phần Đồi Gió.
Sáng ngày 9/4, tôi được lệnh tăng cường cho Trung úy Tỉnh, để lấy lại ngọn đồi bằng mọi giá,.
Vì đây là ngọn đồi chiến lược, nằm ở phía Đông Nam thành phố.
Dưới sự yểm trợ của Không quân, khoảng giữa trưa, chúng tôi đã đánh bật được chúng ra khỏi các công sự và làm chủ lại toàn bộ ngọn đồi này.
Đêm 9/4, sau hơn 20.000 quả đạn đủ loại pháo vào Bình Long, khoảng 3 giờ sáng, cộng quân tung chiến xa và bộ binh tấn công từ mọi hướng.
Phòng tuyến phía Bắc do Trung đoàn 8/SĐ.5 và Tiểu đoàn 31/BĐQ bị lủng.
Phòng tuyến phía Tây bị co lại đến "tiểu lộ ái ân",
nơi có tượng Kitô Vua và nhà thờ Bình Long. Phòng tuyến phía Nam do các Tiểu Đoàn Địa phương quân trấn giữ đã bị tràn ngập. Riêng phòng tuyến phía Đông, do Tiểu đoàn 36/BĐQ trấn giữ khu Sóc Gòn và TĐ52/BĐQ trấn giữ từ Quản Lợi đến Đồi Gió là còn đứng vững.
Nhờ sự can đảm và hy sinh của Đại úy Tâm, ĐĐT/ĐĐ.1/36 BĐQ, khi địch dùng chiến xa và dùng biển người để tấn công vào phòng tuyến, ông đã kiên cường chống trả.
Trước khi bị địch tràn ngập, ông đã yêu cầu Không quân dối bom ngay lên phòng tuyến.
Hành động này đã bẻ gãy mũi tấn công ở phía Đông, khiến hơn 10 chiến xa bị bốc cháy và hàng trăm cộng quân bị giết.
Nhưng Đại úy Tâm và nhiều anh em ĐĐ.1 đã vĩnh viễn ở lại với đất Bình Long. Tuy chiến xa địch đã tiến vào thành phố, chiếc chiến xa gần hầm của Tướng Hưng bị bắn cháy, đã lấy lại tinh thần cho chiến sĩ các đơn vị.
Sau nhiều đợt phản công, các chiến sĩ Sư đoàn 5 va TĐ.31/BĐQ đã đẩy lui địch qua phía bắc của
"đại lộ hoàng hôn".
Ngày 10/4 Trung đoàn 7/SĐ5 và Liên đoàn 81 Biệt Cách Dù, được trực thănng vận đổ xuống phía chân đồi Gió để vào tăng cường.
Ngày 11/4 Lữ đoàn 3 Nhảy Dù vào tăng cường, bàn giao phòng tuyến lại cho Tiểu đoàn 6 Dù.
Chúng tôi được lệnh kéo vào thành phố. ĐĐ.1 của Trung úy Hiếu được lệnh chiếm lại dãy phố bên trái ngã tư
"đại lộ hoàng hôn", và quốc lộ 13. Đại đội tôi tiến chiếm dãy trường Tàu Quốc Quang bên tay phải.
Sau khi nhổ xong hai cái chốt bên hông, chúng tôi tiến vào trường Quốc Quang.
Ngôi trường 4 tầng lầu, tràn ngập xác chết nằm ngổn ngang, ước chừng gần 200 xác, đa số là dân chúng.
Một vài xác anh em quân nhân cùng chạy vào lánh nạn với vợ con - Để lại một trung đội chốt tại dãy nhà bên cạnh, tôi mang phần còn lại của ĐĐ về phòng thủ dọc theo dãy cống bên kia đường. Đêm 11 rạng sáng 12/4, lại một đợt pháo khủng khiếp hơn lần trước, gần 30.000 quả đạn đủ loại, được chia đều cho một diện tích không đầy 1 cây số vuông.
Nếu chia đều cho những anh em tử thủ tại đây, mỗi người cũng được 5 quả - Gần 4 giờ sáng, các loạt đạn 100 ly,trực xạ từ các chiến xa vừa tiến vào, vừa bắn như chỗ không người.
Đoàn chiến xa 8 chiếc T.54, có bộ đội tháp tùng, chạy từ phía Tây sang phía Đông, trên đại lộ hoàng hôn (đại lộ Trần Hưng Đạo) ngang qua công viên Tao Phùng, đã bị Pháo Binh nằm tại đây trực xạ tiêu diệt hết 7 chiếc.
Chiếc còn lại chạy đến chỗ ĐĐ tôi thì bị lãnh 2 phát M.72 khựng lại.
Vài anh em đã leo lên xe, ném vào mấy trái lựu đạn, tiêu diệt nó.
Đoàn chiến xa từ phía Bắc, chạy dọc xuống theo quốc lộ 13, thấy một chiếc đã bị cháy ngay ngã tư, biết không xong, chúng dừng lại bắn tứ tung rồi chui vào ẩn trong các căn nhà hai bên đường.
Thêm một lần tiền pháo hậu xung bằng chiến xa của chúng bị bẻ gãy, nhưng Tiểu đoàn bị thiệt hại nặng. Trung úy Tỉnh, ĐĐT/ĐĐ.3 hy sinh - Trung úy Trường ĐĐT/ĐĐ.2, Thiếu úy Đức và nhiều binh sĩ khác bị thương nặng.
Phía ĐĐ.4 chúng tôi thì Thiếu úy Nghị bị gãy chân, 3 binh sĩ hy sinh, trong đó có thằng em thân tín của tôi - ĐĐ.1 bị nặng hơn, toàn bộ dàn cán bộ, Sĩ quan, Hạ sĩ quan đã hy sinh hoặc bị thương nặng.
Tổng số thương vong đã trên 20 chết, gần 20 bị thương. Việc tải thương bây giờ thật khó khăn, họa hoằn mới có một chiếc trực thăng lọt qua được dàn lưới phòng không đáp xuống.
May mắn cho Tr/úy Trường và Th/úy Nghị được tải thương kịp.
Số anh em còn lại đều được chữa trị tại BV Tiểu khu.
Vừa thiếu thuốc men, vừa bị pháo liên tục, nên số tử vong càng tăng cao.
Tôi cũng bị mất thêm 3 binh sĩ trong trường hợp này.
Dường như lực lượng thiết giáp của cộng quân bị thiệt hại nặng, nên từ sau đêm 12/4, chúng đã rúc vào sau những căn nhà, không thấy ngo ngoe nữa.
Nhưng hằng đêm, các mũi đặc công vẫn tìm cách đột nhập, tấn công vào phòng tuyến chúng tôi - Những chiếc dù tiếp tế đã được thả xuống, lương khô và đạn dược được chúng tôi tự phân phối lấy,hoặc trao đổi lẫn với nhau.
Từ đơn vị này với đơn vị khác, ĐĐ tôi được lệnh thay thế vị trí của ĐĐ.1, để ĐĐ.1 rút về Ty Chiêu hồi. Tôi cho củng cố lại hệ thống phòng thủ, đào giao thông hào trên nền nhà, dùng các thùng gạo sấy thay bao cát.
Tôi cho lất tôn bịt lại những lỗ tường vỡ, để tráng sự quan sát của địch.
Những đêm trời tối đen, tôi lệnh cho toán quan sát săn chiến xa trên lầu
3. Cứ vài phút lại cho ném ra một trái lựu đạn, hoặc dùng súng cối 60, cho bắn không
"sạc", từ phía trước nhà ra phía sau, để ngăn ngừa bọn chúng lén đột nhập.
Vì đã có hai lần chúng bò sát vào đến chân tường, bị chúng tôi phát giác.
Hàng chục quả lựu đạn được tuôn qua lỗ châu mai.
Lần đầu 4 tên chết tại chỗ, lần sau 7 tên, báo hại chúng tôi lại phải lôi chúng vào rồi đào lỗ chôn tập thể bên cạnh nhà. Đã mấy lần cùng phối hợp với ĐĐ.3/81 BCD, tìm cách bung ra, nhưng đều bị đánh bật vào, bởi hỏa lực của chiến xa T.54, chỉ cách chúng tôi hơn 100 mét.
Đêm 18 tháng 5, lại một đợt pháo cường tập như hai lần trước và gần 4 giờ sáng,.
Đoàn chiến xa lại băng qua những căn nhà đổ nát, hung hăng vừa bắn, vừa tiến.
Lần này, chúng phối hợp với bộ đội ăn ý hơn, nhưng chúng tôi cũng có nhiều kinh nghiệm hơn.
Đợi cho chúng tiến tới sát ngang hông nhà, chúng tôi dùng lựu đạn và vũ khí cá nhân tiêu diệt đám bộ binh.
Đồng thời tổ săn chiến xa do TSI Bá, người Hạ sĩ quan 19 tuổi đời, 1 tuổi lính, đã sẵn sàng giáng xuống thật chính xác những trái M.72 từ trên lầu 3, khiến chiếc PT.76 chỉ rú lên một tiếng, rồi bốc cháy và phát nổ. Bá gọi xuống báo cáo, nghe ở ngoài rõ hơn trong máy:
- Tôi rang nó rồi, Minh Hiếu.
- Kỳ này tao sẽ chạy cho mày cái lon Thượng sĩ đeo
cổ cho nó hách - Nhắc em út cẩn thận, coi chừng còn những chiếc khác từ phía đồi Đồng Long xuống.
Phía ĐĐ3/81BCD cũng hạ 1 T.54 ngay trên tuyến phòng thủ.
Riêng phòng tuyến ĐĐ1/52 của Tr/úy Hiếu bị hai chiếc chiến xa chọc thủng.
Đám VC tràn sang. Tôi cho mang thêm 2 cây M.60 lên lầu 2 để ngăn cản, nhưng vô hiệu.
Đại đội 1 đã phải bỏ phòng tuyến và thế là sau lưng tôi bị bỏ trống.
Tôi chưa kịp rút tổ chiến đấu 4 người dưới lỗ cống bên kia đường về thì đã bị tấn công từ sau lưng. Hạ sĩ I Thương và Binh 1 Vân bị thương nặng.
Phải mất hơn một giờ chúng tôi mới kéo được 4 anh em về.
Nhìn Thương và Vân đang bắt chuồn chuồn, kinh nghiệm cho biết khó qua khỏi.
Tôi bảo TSI Thóc đi đào hai cái hố ngang hông nhà,.
Rồi ngồi nhìn tụi nó đi. Gần 1 giờ sau, tờ giấy vấn thuốc không còn phập phồng nữa. TS Tắc, y tá báo cho tôi biết tụi nó đã đi.
Hai hàng nước mắt chảy xuống. Tôi vừa định đứng lên thì Thường trọc báo tin Tr/úy Hiếu vừa tử trận.
Thật là "phước bất trùng lai, họa vô đơn chí".
Vừa nhìn hai thằng em ra đi, lại được tin bạn thân tử trận.
Tôi chạy lên lầu 2, ôm cây M.60 nhả đạn như mưa sang phía bên kia đường:
"ĐM tao bắn chết mẹ chúng mày hết". Mắt tôi như mờ đi.
Câu nói của Tạ Tơ hôm ở Dục Mỹ, gỡ là dị đoan mà lại ứng nghiệm như vậy sao.
Thiếu tá Dậu gọi tôi bảo: "Hiếu nó đi rồi, mày liệu mang con cái nó về ở với mày". Chiều hôm đó, Thượng sĩ Đông dắt hơn 20 anh em còn lại của ĐĐ.1 đến.
Ổng nói với tôi: "Trung úy Hiếu ổng liều quá, bị chúng chiếm mất phòng tuyến, ổng tức chịu không nổi, nên ổng đã xách cây M.16 rồi lôi thằng Thành Sún mang máy xông thăûng vào bọn chúng và bị chết ngay trên phòng tuyến không kéo xác về được"
- Hơn nửa tháng sau, tôi nhổ được cái chốt ở phía sau lưng, rồi nhờ Biệt Cách Dù yểm trợ, tôi cho ĐĐ càn sang, đánh bật chúng ra khỏi Ty Chiêu Hồi thì xác Tr/úy Hiếu đã nát bét,.
Tôi cho gói gọn lại vào tấm poncho, chôn ở chỗ BCH/Liên đoàn,.
Sau chỗ này được chỉnh trang lại thành nghĩa trang của Liên đoàn 3/BĐQ.
Khoảng ngày 10/6, các đơn vị đồng loạt phản công.
Bên phải tôi là TĐ 36/BĐQ. Bên trái là ĐĐ3/81BCD.
Chúng tôi tiến như chẻ tre.Các cán binh VC ngơ ngác, hoảng hốt không kịp bỏ chạy hoặc đầu hàng.
Chẳng cần đếm xác lượm súng nữa, chúng tôi cứ tiến. Đến 5 giờ chiều ĐĐ tôi đã làm chủ lại sân bay An Lộc.
Tại đây, tôi tìm thấy Ch/úy Tôn Thất Minh, thuộc TĐ.74/BĐQ biên phòng và một bé gái 6 tuổi, còn hơi thoi thóp thở, người gầy đét, da xanh như tàu lá chuối.
Họ từ Lộc Ninh chạy về đến đây đã hơn hai tháng, nằm hứng chịu bao bom đạn, kể cả bom B.52, ăn toàn cỏ và lá cây cùng uống sương.
Vậy mà họ vẫn sống sót, thật quả là phép lạ.
Đầu tháng 7, sau khi đẩy lui bọn cộng quân đến gân cầu Cần Lê, thì được lệnh bàn giao vị trí lại cho Liên đoàn 5/BĐQ vừa từ Quảng Trị về.
Chúng tôi được trực thăng vận về Lai khê, rồi trực chỉ xuống Phước Tuy, nghỉ 1 ngày sau đó hành quân giải tỏa Bình Ba, Bình Giả, như Đ/uý Khuê đã viết trong số báo trước.
Rồi lại ngược về giải toả Hưng Lộc, Dầu Giây, xuống Trảng Bom nhổ chốt khai thông quốc lộ 1, tăng cường cho LĐ.81 vào chiến khu D, tham dự trận Búng ở LáiThiêu. Tôi gặp lại Đức Hoà ở Búng, ông vừa thăng cấp Thiếu tá ở Quảng Trị.
Ông cho tôi biết Thiếu úy Nhiều đã tử trận trên đường từ Tha La về Bến Sỏi.
Xe nó bị trúng B.40 - Tôi cũng cho ông biết Tr/úy Hiếu và Tr/úy Tỉnh đã hy sinh tại Bình
Long. Ông chửi thề: "ĐM, hết người đánh giặc rồi, mấy thằng
"nâng bi, đội đĩa" thì đíu chết".
Cuối năm 1972, chúng tôi trở lại Bình Long. Tôi có hứa với chị Hiếu, khi nào tình hình yên, tôi sẽ cố đưa chị lên thăm anh ấy một lần.
Nhưng chưa kịp thực hiện, thì chưa đầy một năm sau khi anh hy sinh, chị quá buồn, lâm bệnh rồi mất,để lại hai cháu Hùng và Cường cho ông bà ngoại nuôi dưỡng.
Sau gần 8 năm tù, khi về, tôi được TS I Toàn báo cho biết, ông bà đã mang các cháu đi vượt biên thoát.
Xin tạ ơn Trời và cám ơn đời, đã có những ông bà quên cả đời mình, để cưu mang những đứa cháu côi cút, bất hạnh. Hy vọng nơi đất khách quê người, dưới sự dạy dỗ của ông bà, các cháu sẽ trở nên người hữu dụng cho đất nước, để cha mẹ các cháu mỉm cười nơi chín suối.
Và nếu các cháu đọc được những dòng này, các cháu sẽ hãnh diện vì có người cha đã anh dũng kiên cường vị quốc vong
thân.
Bạn tôi thương mến đã liệt oanh ngã xuống, khắp đơn vị tiếc thương . . . . . .
No comments:
Post a Comment