Sunday, August 6, 2017

Đại Lộ Kinh Hoàng Quảng Trị 1972
Tội Ác của tập đoàn việt gian cộng sản




Tội Ác của tập đoàn việt gian cộng sản - Hình Ảnh Đại Lộ Kinh Hoàng Quảng Trị 1972













Miếu tưởng niệm vong hồn những nạn nhân bị VC thảm sát trên Đại Lộ Kinh Hoàng được lập nên ngay sau khi thị trấn Quảng Trị được giải vây bời QLVNCH


Tái chiếm Tòa Hành Chánh tỉnh Quảng Trị

Huy hieu chien thang Quang Tri nam 1972

Lê Quang Liễn

(Với sự đóng góp của Mũ xanh Nguyễn hữu Hào ĐĐP/ ĐĐ 4/ TĐ 2 TQLC)

Anh sinh ngày 4/7/1942 tại Huế. Sau khi đậu Tú tài 2 tại trường Trung học Quốc học (Huế), Anh vào Sài gòn theo học Đại học Dược khoa từ 1961 đến 1963. Tình nguyện gia nhập Khóa 20 Trường Võ bị Quốc gia Việt nam ngày 1/12/1963. Mãn khóa ngày 20/11/1965 và tình nguyện phục vụ Binh chủng TQLC từ năm 1965-1967. Anh được đưa về TĐ1/TQLC giữ chức vụ Trung đội trưởng rồi Đại đội phó. Năm 1969 Anh được du học Khóa Căn bản Sĩ quan TQLC /Hoa kỳ tại Quantico thuộc tiểu bang Virginia. Về nước được thuyên chuyển về làm Đại đội trưởng ĐĐ1/TĐ8 vừa mới thành lập. Năm 1971 Anh tham dự khóa Đại đội trưởng tại Trường Bộ binh Thủ đức. Cuối năm 1971 Anh về làm Đại đội trưởng ĐĐ4/TĐ2/TQLC và tham gia những trận đánh quyết liệt trong mùa Hè đỏ lửa năm 1972.

Sau chiến thắng Cổ thành Anh được thăng cấp Thiếu tá và làm Trưởng ban 3 rồi Tiểu đoàn phó TĐ2/TQLC. Đầu năm 1973, Anh tham dự Khóa học Bộ binh Cao cấp tại Long thành, Thủ đức. Mãn khóa học Anh về làm Tiểu đoàn phó TĐ9/TQLC và là Tiểu đoàn phó TĐ7/TQLC từ tháng 12/1974 cho đến ngày bị bắt tại cửa Tư Hiền (Huế ) 27/3/1975. Anh bị giam trong những trại tù CS từ ngày 27/3/1975 đến 12/2/1988 trong đó có 4 năm 7 tháng 24 ngày bị biệt giam vì tranh đấu tại trại Bình Điền, Huế. (Tứ nhân bang TQLC : Phạm Cang + Lê quang Liễn + Ngô thành Hữu + Lê tự Hào là những người cuối cùng rời trại tù Bình Điền).

Toa hanh chanh Quang Tri nam 1972.jpg

***

Sau khi mãn khóa học Bộ binh Cao cấp cuối năm 1971, tôi về BTL/SĐ nhận Sự vụ lệnh và trình diện TĐ2/TQLC. Tr/tá Tiểu đoàn trưởng Nguyễn xuân Phúc chỉ định tôi làm Đại đội trưởng Đại đội 4. Tiểu đoàn phó lúc đó là Thiếu tá Trần văn Hợp, khóa 19 Võ bị Đà lạt. Chúng tôi đã qua những ngày đông rét mướt, lạnh buốt trên những căn cứ Holcomb, Sarge, Bá Hô..Rồi được về Sài gòn nghỉ dưỡng quân. Chưa được bao nhiêu ngày thì chiến sự bùng nổ lớn tại vùng hỏa tuyến. CSBV đã trắng trợn vi phạm Hiệp định Genève và xua quân vượt qua vĩ tuyến 17 và vùng phi Quân sự vào ngày 30/3/1972.

Chúng xử dụng một lực lượng lớn gồm hai Sư đoàn 304, 308 và 4 Trung đoàn biệt lập là 31, 246, 270 và 126 đặc công thuộc Mặt trận B5 cùng với sự yểm trợ của khoảng 200 chiến xa thuộc Trung đoàn 203 và 204 và ba Trung đoàn pháo 38, 68 và Trung đoàn 84 Hỏa tiễn địa không. Chỉ trong vòng 4 ngày đầu 11 căn cứ hỏa lực của ta ở vùng giới tuyến đã bị uy hiếp nặng nề trong đó có căn cứ Mai lộc của Lữ đoàn 147 /TQLC. Hai Tiểu đoàn 4 và 8 cũng rời bỏ hai căn cứ Sarge và Bá Hô, Holcomb… Lữ đoàn 369/TQLC cùng với các Tiểu đoàn 2,5,9 cũng được không vận ra phi trường Phú bài và được tăng cường cho mặt trận phía Tây tỉnh Quảng trị. Tiểu đoàn 2 tiến về căn cứ xa nhất có tên là Động Ông Đô (Barbara). Những trận đánh quyết liệt xảy ra tại đây. Đại đội 4 đã tỏ ra vững vàng, tự tin với những trách nhiệm mà Tiểu đoàn đã giao. Nhưng cuối cùng trong thế trận chung: thị xã Quảng trị rơi vào tay giặc. Những cảnh tàn sát đồng bào trên ĐẠI LỘ KINH HOÀNG từ cầu Bến Đá đến chi khu Mai lĩnh thật là đau lòng và Lữ đoàn 369 với sự cương quyết của Đại tá Lữ đoàn trưởng Phạm văn Chung BẢO VỆ PHÒNG TUYẾN MỸ CHÁNH, không cho giặc tràn về phía Nam. Ba Tiểu đoàn 2+5+9 dàn trải thành một tuyến khá rộng, về phía Tây đến đồi Trần văn Lý và phía đông đến ấp Vân trình, một địa danh đã xảy ra những trận đánh sau này. Đại đội 4 được giao nhiệm vụ bảo vệ CẦU MỸ CHÁNH. Một vị trí rất quan trọng trên đường tiến quân của Cộng quân lúc bấy giờ.

Sư đoàn TQLC đã giữ vũng được phòng tuyến Mỹ Chánh và cuộc chiến không ngừng lại ở đây. Có một sự thay đổi nhân sự của Tiểu đoàn. Trung tá Nguyễn xuân Phúc bàn giao chức vụ Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 2 cho Thiếu tá Tiểu đoàn phó Trần văn Hợp, Anh về làm Lữ đoàn phó Lữ đoàn 147 /TQLC do Đại tá Nguyễn năng Bảo chỉ huy. Đại úy Phạm văn Tiền làm Tiểu đoàn phó và bàn giao Đại đội 5 cho Trung úy Huỳnh văn Trọn vừa đi học Basic Marine ở Mỹ về.

Ngày 28/6/1972, hai lực lượng Tổng trừ bị là Nhảy Dù và TQLC bắt đầu vượt sông Mỹ chánh và tiến chiếm Quảng trị.

Ngày 11/7/1972 một cuộc đổ quân vào lòng địch của TĐ1/TQLC vào quận Triệu phong nhằm cắt đứt con đường tiếp vận quan trọng của địch là Hương lộ 560. Tiểu đoàn 6 và Tiểu đoàn 2 là những đơn vị tiếp ứng quan trọng cho cuộc hành quân này. Riêng Tiểu đoàn 2 xuất phát từ Hương lộ 555 tiến về phía Tây, qua các vùng Ngô xá đông, Ngô xá tây, Thâm triều, Bích la hậu, tiến đến bờ đông của dòng sông Vĩnh định để Công binh TQLC bắt chiếc cầu dã chiến cho Thiết đoàn 20 mang M48 sang để đối đầu với tăng của địch tại vùng Chợ Sãi, Triệu Phong. Lộ trình di chuyển không dễ dàng vì bộ binh và Thiết giáp địch đã phục sẵn tại đây. Nếu không phải những con Trâu điên và những con Voi điên Thiết giáp chấp nhận cuộc chiến thì khó lòng mà thắng được. Những anh chàng Quái điểu đã sang bên kia bờ sông Dịch cũng cùng chung số phận của Kinh Kha mà thôi.

TĐ2 tiếp tục gánh vác trách nhiệm của TĐ1 trao lại. Đại đội 4 lại nhận vị trí đóng quân của ĐĐ4/TĐ1 của Đại úy Trịnh văn Thềm.Từ vị trí này ĐĐ4 có nhiệm vụ đánh chiếm cây cầu sắt bắc qua sông Vĩnh định trên Hương lộ 560. Và từ đây đánh dọc lên phía Bắc chiếm chợ Sãi. Đó chính là những con đường huyết mạch dẫn vào thị xã Quảng trị.

TĐ2/TQLC sau 15 ngày đêm đánh chiếm và trấn giữ chợ Sãi thuộc quận Triệu Phong, khu vực được coi là yết hầu của địch, chúng tôi đã thực sự ngăn chặn được một trong ba cửa ngõ xâm nhập, tiếp viện, tải thương của địch từ Đông Hà, Cửa Việt cho thị xã Quảng Trị.

TQLC tai mat tran Quang Tri nam 1872

Hai đại đội ĐĐ4 (Đại úy Lê quang Liễn, ĐĐT) và ĐĐ5 (Trung úy Huỳnh văn Trọn, ĐĐT) được cánh B TĐ2 TQLC (Đại Úy Tiểu đoàn phó Phạm văn Tiền) chỉ huy đã thành công trong nhiệm vụ làm thất bại âm mưu tái chiếm Chợ Sãi của Trung đoàn 101 CSBV mặc dù chúng đã xử dụng đến 3 Tiểu đoàn Bộ Binh có pháo yểm trợ, dùng chiến thuật xa luân chiến để cố đẩy lui hai Đại đội Thủy Quân Lục Chiến này ra khỏi Hương lộ 560.

Chúng tôi đã hoàn thành nhiệm vụ giao phó nhưng với cái giá phải trả chỉ riêng ĐĐ4 có 23 Quân nhân tử thương trong đó có 2 Trung đội trưởng là Chuẩn úy Dương và Chuẩn úy Hội và hơn 62 Quân nhân bị thương.

Về phía địch, tổn thất nhân mạng rất nặng nề, do dân chúng sau này cho biết CSBV đã tải thương rất nhiều về tuyến sau. Vì cường độ hỏa lực rất ác liệt và hai bên giao chiến rất gần nên Đại đội 4 đã xử dụng tù binh địch để thu gom chiến lợi phẩm hầu tránh thương vong cho quân ta. Sau này, tin tình báo kỹ thuật cho biết tên Trung đoàn trưởng 101 bị mất chức vì thua trận dù y đã xin thêm một ngày nữa để tấn công.

Sau khi hoàn tất nhiệm vụ tái chiến Chợ Sãi, TĐ2 /TQLC đã bàn giao lại cho TĐ1/ TQLC và về tuyến sau để dưỡng quân, bổ sung và có nhiệm vụ bảo vệ Bộ Tư Lệnh SĐ/TQLC/HQ tại Quận Hương Điền. Rời vùng hành quân đầy máu lửa, bao nhiêu ngày đêm chiến đấu cam go, anh em chúng tôi từ Sĩ quan đến Binh sĩ chỉ thèm một giấc ngủ an bình dù ngắn ngủi, được tắm rửa để giũ bớt cát bụi… và ít giây phút riêng tư để nghĩ về gia đình sau hơn 15 ngày đêm thức trắng để chiến đấu với địch.

Đầu tháng 9 năm 1972, trong một buổi họp tại Bộ Tư Lệnh với TĐT/TĐ2TQLC và tất cả các Sĩ quan Đại đội trưởng, Thiếu tướng Tư lệnh Bùi thế Lân có chỉ thị : “Sư đoàn hiện có trong tay một khối hỏa lực yểm trợ hùng hậu do Quân lực và đồng minh Hoa Kỳ cung ứng. Vừa rồi Tướng Tư Lệnh Không lực Hoa Kỳ vùng Thái Bình Dương có viếng thăm Bộ Tư Lệnh và hứa sẽ ưu tiên và tăng cường các phi vụ B52 cho Sư Đoàn TQLC. Vì vậy tôi ra lệnh cho Quân nhân các cấp: phải tái chiếm thị xã Quảng Trị và Cổ thành trong vòng 2 tuần lễ tới, vì đây là một mục tiêu có tầm mức quan trọng cả về Quân sự lẫn Chính trị và TĐ2/ TQLC sẽ là một trong những đơn vị được vinh dự thi hành lệnh trên.”

Chúng tôi rất hãnh diện được trở lại tuyến đầu cùng các Tiểu đoàn 3, 6, 8 trong trận thư hùng chung cuộc nầy với Cộng Sản Bắc Việt tại thị xã Quảng Trị. Từ thâm tâm các Mũ xanh Thủy Quân Lục Chiến, chúng tôi hãnh diện với màu cờ sắc áo và luôn luôn tự hào là một trong những đơn vị ưu tú nhất của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, do đó chúng tôi hăng say nhận lãnh trách nhiệm tham dự những trận đánh quan trọng để giải quyết chiến trường; hơn nữa chúng tôi, TĐ2/TQLC là đơn vị tiêu biểu và được sự tin cậy của Sư đoàn Thủy Quân Lục Chiến.

Vào giai đoạn sau cùng trong kế hoạch tái chiếm Thị xã Quảng trị và Cổ Thành Đinh công Tráng, 2 Lữ đoàn Thủy Quân Lục Chiến được giao phó nhiệm vụ như sau :

– Lữ đoàn 147 TQLC với 2 nỗ lực chính : TĐ 3 và TĐ 7 đánh từ hướng Đông Bắc.

– Lữ đoàn 258 với 2 nỗ lực chính : TĐ 2 và TĐ 6 đánh từ hướng Tây Nam.

Bộ chỉ huy TĐ 2 TQLC đóng tại ngã ba Long Hưng, góc đường Lê Huấn và Quốc lộ 1.

– ĐĐ4/TĐ2 TQLC tiến dọc theo đường Hồ đắc Hanh để tiến chiếm trường nữ Trung học Teresa Phước Môn và từ đó tiến dọc theo bờ Cổ Thành hướng Tây Nam để tái chiếm Tòa Hành Chánh Tỉnh Quảng Trị… Đây là mục tiêu then chốt để TĐ 6 làm đầu cầu tiến vào Cổ thành.

– Đại Đội 5 Tiểu đoàn 2 TQLC bên trái ĐĐ4/TĐ2 TQLC.

– Tiểu Đoàn 6 TQLC bên phải ĐĐ4/TĐ2 TQLC.

Rạng sáng 14/9/1972 địch dọn “điểm tâm” cho Đại đội 4 và Đại đội 5 bằng một trận pháo 130 ly ác liệt. Ban chỉ huy Đại đội 4 đóng quân ở một căn nhà gạch đổ nát mà trước đây là quán cà phê Sanh trên đường Hồ đắc Hanh, bị trúng một quả 130 ly, nhưng may mắn là tôi và 2 hiệu thính viên HS Hoàng và HS Chính chỉ bị ngộp thở và xây xát nhẹ vì nhờ hầm tránh pháo có sẵn trong nhà, nhưng Đại đội có 2 Quân nhân cần tải thương.

Mục tiêu đầu tiên của Đại đội là trường Phước Môn, cách khoảng 300 mét. Trung đội 43 của Chuẩn úy Thu bị địch bắn chặn rất ác liệt vì địch đã “ngửi thấy” quyết chí tấn công tái chiếm Tòa Hành Chánh của Thủy Quân Lục Chiến, nên bằng mọi giá chúng phải ngăn cản cuộc tiến quân của ta. Để phản kích địch, tôi phải dùng hỏa lực pháo bắn tiếp cận của từng khẩu 105 ly với đầu nổ chậm, điều chỉnh “trái-phải-xa-gần” từng 10 mét một; đây là lối bắn rất quen thuộc của các đơn vị Thủy Quân Lục Chiến năm 1972, để đối phó với các chốt địch và các hầm chữ A. Cuối cùng, tôi dùng đại bác 90 ly của chiến xa M48 bắn trực xạ để hạ nốt một chốt địch còn sót lại trong trường Phước Môn.

Đến 14 giờ 30 chúng tôi hoàn toàn làm chủ mục tiêu là Trường Trung học Teresa và qua khai thác tù binh ta biết địch thuộc Sư Đoàn 320 B vừa vượt sông Thạch Hãn đêm qua, lúc 3 giờ sáng, ở khu vực Tòa hành chánh. Phương tiện vượt sông là dây thừng căng từ Tòa hành chánh với phía bờ sông đối diện. Một tù binh quê quán ở Quỳnh Lưu, Nghệ An cho biết đơn vị vượt sông do tên Thiếu úy Dũng chỉ huy và tên này đã tử thương. Chúng còn cho biết rất sợ lối đánh thần tốc, bám trụ và pháo của Thủy Quân Lục Chiến (Qua nhật ký của một tù binh đã ghi “ghét những cây pháo chết tiệt của ngụy” hoặc “A trưởng (Tiểu đội trưởng) gọi đi lãnh tiếp tế nhưng vờ không nghe vì ngại pháo”).

Tuy vậy các chốt bắn sẻ của địch ở các cao điểm hướng bờ sông Thạch Hãn vẫn hoạt động rất mãnh liệt vì chính cá nhân chúng tôi trong lúc phối hợp để đóng quân với Đại úy Nguyễn văn Loan (ĐĐT/TĐ6 TQLC, bạn cùng khóa 20 Đà lạt) và Trung úy Đại đội phó Nguyễn hữu Hào đã suýt mất mạng vì một cú bắn sẻ cách đầu chỉ non gang tay làm cho gạch, xi măng ở khung cửa sổ rơi tung tóe trước mặt.

Để chuẩn bị cho trận đánh kết thúc vào sáng mai : Mục tiêu 28 (Tòa Hành Chánh tỉnh Quảng Trị), tôi và ĐĐP Nguyễn Hữu Hào – có biệt danh là Ông già 72 vì tài xử dụng hỏa tiễn cầm tay M72 rất tuyệt vời của Hào – bàn tính rất chi tiết những việc cần làm chiều và tối nay hầu hoàn thành nhiệm vụ và giảm thiểu thương vong cho đơn vị vì chẳng cấp chỉ huy trực tiếp nào không đau lòng, xót xa khi đơn vị có thương vong.

Phong vien UPI news tai phong tuyen TQLC, Quang Tri nam 1972

Địa hình thị xã Quảng Trị lúc đó khá bằng phẳng vì các cao ốc, khu phố, các trụ điện hầu như bị san bằng và đường phố bụi phủ một lớp dày đến vài phân do những trận oanh kích và mưa pháo của ta lẫn địch. Tôi và đại đội phó Hào đã hoạch định như sau :

a. Nghi binh tấn công để phát giác sự bố trí quân và các ổ súng cộng đồng của địch hầu tìm cách thanh toán.

b. Đêm nay tôi và Tiền sát viên pháo binh Thiếu úy Tài sẽ tác xạ khu vực quanh Tòa hành chánh, dọc đường Trần hưng Đạo, bờ sông và giữa dòng Thạch Hãn để gây căng thẳng và ngăn chặn địch xâm nhập.

c. Xin cánh B/TĐ2 TQLC tác xạ vào các đường tiến sát của địch, vào bờ sông Thạch Hãn phía đối diện Tòa Hành Chánh. Bộ chỉ huy địch có lẽ đã dời về khu vực Tòa Hành Chánh và hầm rượu ngầm (do Pháp xây cất bên cạnh Tòa Hành Chánh) sau khi bị phi pháo nhồi nát khu Cổ Thành Đinh công Tráng.

d. Phối hợp với Đại đội 5 của Trung úy Huỳnh văn Trọn để đồng loạt tấn công vào 6 giờ 30 sáng 15/9/72 hầu lợi dụng được yếu tố bất ngờ và tầm quan sát của địch vì trời còn tối do ảnh hưởng của trận bão Flossie (?).Suốt mùa hè 72, hai Đại đội 4 và Đại đội 5 của chúng tôi như cặp bài trùng đã từng phối hợp rất chặt chẽ và ăn ý trong nhiều trận đánh ác liệt.

e. Các Trung đội 41 và 43 chỉ trang bị vũ khí đạn dược cơ hữu và một ngày lương khô để được nhẹ nhàng, tận dụng tối đa tính cơ động ngõ hầu giảm thương vong do trang bị quá nặng nề. Ba lô cá nhân sẽ do Trung đội 44 của Chuẩn úy Hiếu và Thường vụ Đại đội (Thượng sĩ Đào Chữ) coi sóc.

f. Đạn dược trừ bị được tải lên gần vị trí xa nhất của Đại đội ngay trong đêm.

Ngày 15/9/72.

Quảng Trị đang mùa mưa bão, nước sông Thạch Hãn dâng cao, trần mây thấp, trời rất u ám. Suốt bao ngày qua, nơi đây đã xảy ra bao nhiêu đau thương tang tóc, máu đổ thịt rơi, do tập đoàn Cộng Sản khát máu đến “Giải phóng miền Nam”.

Khu vực Cổ Thành đã được Tiểu đoàn 3 và Tiểu đoàn 6 khống chế nên Đại đội 4 đỡ lo hỏa lực địch từ trên cao bắn xuống.

Tòa Hành Chánh Tỉnh Quảng Trị là mục tiêu 28 trên phóng đồ hành quân của TĐ2/ TQLC. Hỏa lực yểm trợ cho cuộc tấn công, ngoài sự yểm trợ tận tình và vô cùng hiệu quả của các pháo thủ mũ xanh, Đại đội 4 còn được tăng cường 2 chiến xa M48 và 2 thiết vận xa M113 có trang bị súng phun lửa. Hai Trung đội 41 và 43 của Chuẩn úy Đức và Chuẩn úy Thu làm nỗ lực chính với lệnh hành quân rất rõ ràng:

Hiệu lệnh tấn công khi chiến xa M48 và Thiết vận xa M113 chuyển xạ cao trên mục tiêu 92. Trung đội 41 bên trái, 43 bên phải phối hợp với 2 Thiết vận xa 113 tấn công thật nhanh, tràn ngập vị trí địch bằng hỏa lực và điều động. Đại Đội Phó Hào chỉ huy cánh quân nầỵ

Tôi và Trung đội 42 của Chuẩn úy Huyện là thành phần tiếp ứng, sẵn sàng tấn công dứt điểm mục tiêu… Nếu tình thế xấu, Đại đội 4 hoặc sẽ bám trụ hoặc chỉ tấn công thăm dò phía trước.

Các Mũ xanh Đại đội 4 Trâu Điên được chuẩn bị kỹ lưỡng như được chấp cánh khi phối hợp tấn công với Thiết giáp M48 và Thiết vận xa M 113. Nhìn đồng đội sẵn sàng trong tư thế tác chiến với áo giáp, nón sắt và súng đạn đầy người, tự nhiên tôi thấy hãnh diện và tin tưởng vô cùng và một thoáng lo âu cho đoạn đường thử thách trước mặt: chỉ một đoạn đường ngắn nhưng một số anh em chúng tôi có thể đi không đến !!

Đại đội 4 và Đại đội 5 vừa rời tuyến xuất phát khoảng 20 thước thì địch bắt đầu chống trả bằng những tràng AK47 nghe rất chát chúa và B40 chống chiến xa. Thật may mắn, những loạt B40 đều bắn cao nên bị trợt mục tiêu, có lẽ địch mất bình tĩnh trước khí thế xung trận của Trâu Điên và M113. Tuy nhiên tôi thấy có 3 cọp biển bị thương và 2 quả B40 nổ gần trung đội 42 trừ bị của Đại đội 4. Các đại liên của M113 hạ thấp nòng súng xuống, bắn cày nát vùng đất trước mặt, những tràng M16, M79, đại liên M60 nghe dòn dã và tiếng hô xung phong nghe vang rền cả góc trời, cộng thêm những loạt súng cối 60 ly của Đại đội 4 bắn rất chính xác vào vị trí địch đã làm hỏa lực của chúng yếu hẳn đi.

 

Trong vùng ánh sáng tờ mờ của ngày 15/9/1972, bụi đất bay mịt mù trận địa. Đại đội 4 và M113 không để lỡ thời cơ, nhanh chóng tấn công và tràn ngập vị trí địch quanh các công sự bảo vệ Tòa hành chánh. Trên đường tăng cường cho trung đội 41, giao thêm 4 cọp biển bị thương cho Y tá và thường vụ Đại đội để săn sóc và tải thương. Tuy vậy, vẫn còn một tổ do tên Thiếu úy Lê viết Thắng – quê Quảng Bình, vừa mới cưới vợ được 20 hôm và mới xâm nhập, đã ngoan cố chống cự và bị Tiểu đội do Hạ sĩ nhất Cao thanh toán, hạ 4 tên, thu tại chỗ 1 AK47, 1 K54, 1 đại liên 12 ly 7 và 1 B40. Hạ sĩ nhất Cao và Thiếu úy Hào sau nầy những chiến sĩ xuất sắc năm 1972, được tưởng thưởng “Biệt Công Bội Tinh” do chính Phó Tổng thống Trần văn Hương trao tặng và được công du Đài Loan. Hơn chục tên Cộng sản Bắc Việt thuộc Sư đoàn 320 B đã buông súng đầu hàng để tránh bị tiêu diệt. Do trở ngại trên trục tiến quân, nên hơn một giờ sau Đại đội 2 / TĐ8 /TQLC do Đại úy Bùi phúc Lộc chỉ huy, mới bắt tay được với chúng tôi để phòng thủ bên cánh phải (hướng Bắc), nhờ đơn vị bạn giúp sức nên chúng tôi yên tâm hơn để tập trung lục soát mục tiêu vừa tái chiếm.

Kết quả : sau khi làm chủ hoàn toàn khu vực Tòa Hành Chánh Tỉnh Quảng Trị, chúng tôi thu hồi được cả khuôn dấu của Tòa Hành Chánh lúc 8 giờ 30 sáng 15/9/72.

Riêng đại đội 4 đã tịch thu một số lớn chiến lợi phẩm và một kho tiếp liệu gồm :

– 412 súng cá nhân.

– 102 súng cộng đồng.

– 40 thùng lương khô doTrung Cộng sản xuất.

– 23 máy truyền tin của Trung Cộng.

– 18 tù binh.

– Nhiều hố chôn tập thể và xác quanh khu vực Tòa Hành Chánh và khu hầm ngầm bên trái Tòa Hành Chánh, khoảng 30 xác.

Bộ Chỉ Huy Tiểu Đoàn 2 Thủy Quân Lục Chiến phải dùng 6 đợt thiết vận xa M113 để chuyển tù binh và chiến lợi phẩm về Bộ Chỉ Huỵ

Qua các máy truyền tin tịch thu của CSBV, chúng tôi nghe chúng gọi nhau ơi ới một cách hoảng loạn, chứng tỏ chúng hoang mang cao độ; có một tên cứ ôm đầu la hét, theo ĐĐP Hào cho biết tên nầy vì quá sợ pháo nên đã lên cơn như vậy từ nhiều ngày trước, hoặc chúng đại tiểu tiện ngay trong Tòa Hành Chánh vì không dám ra ngoài do sợ pháo.

Tòa Hành Chánh bị hư hại nặng, chỉ còn lại tầng trệt, quanh khu vực cầu thang chính của Tòa Hành Chánh, tôi không thể đứng thẳng người được vì gạch ngói ngổn ngang.

Để giữ vệ sinh cho khu vực đóng quân, chúng tôi phải rải bột sát trùng DDT lên các hố chôn tập thể và thu dọn chôn cất các tử thi của cái đám “sanh Bắc tử Nam” còn ngổn ngang trong khu vực.Sau khi tái chiếm hoàn toàn thị xã Quảng Trị, dân chúng bị kẹt lại bên kia sông Thạch Hãn đã lợi dụng lúc quân Cộng sản Bắc Việt “chém vè” đã đào thoát về khu vực quân ta kiểm soát. Họ cho biết quân Cộng sản chạy tán loạn về hướng Đông Hà, Cam Lộ, và để đỡ mất mặt, chúng phao tin quân ta được lính Thái Lan, Đại Hàn tăng cường nên chúng tạm về đâỵ

Việc tàn quân địch “chém vè” được chứng nghiệm đúng, vì sau khi chiếm Thị xã, chúng tôi được một thời gian hơn nửa tháng không bị chúng quấy phá, thỉnh thoảng chỉ bị pháo tầm xa 130 ly.

***

Hơn 30 năm qua đi, hôm nay tôi phải ngồi viết lại bài nầy vì món nợ ân tình quá lớn đối với các đồng đội thuộc Đại đội 4, Tiểu Đoàn 2 Thủy Quân Lục Chiến, những Mũ xanh đã hết lòng phục vụ cho Binh chủng và Tổ Quốc. Một số anh em đã anh dũng hy sinh hoặc tàn phế và sau 30/4/75 một số đồng đội khác đã trải qua những năm tháng trong lao tù Cộng sản hoặc nổi trôi theo vận nước điêu linh.

Những anh hùng thực sự của đơn vị là những Binh nhì Hợi, Binh nhất Danh, Chính, Hạ sĩ Hoàng, My, Hội, Rít, Trãi, Ba Gà, Khắn, Hạ sĩ nhất Cao, Trung sĩ Trọng, Trần Sơn (em Trần Vệ K19), Trung sĩ nhất Cảnh, Thượng sĩ Đào Chư, các Chuẩn úy Dương, Hội, Huyện, Hiếu, Thu, Đức, các Thiếu úy Lộc, Tài (Pháo binh), Nguyễn hữu Hào… và còn nhiều người nữa mà tôi không nhớ hết được. Chính họ đã thực sự viết nên những trang Quân sử hào hùng của Binh chủng, những Chiến sĩ tự do chiến đấu để ” Bảo Quốc An Dân”.

Những người lính Mũ xanh sống thật hồn nhiên, đôn hậu, chan hòa tình cảm, rất nhẫn nại và chịu khó nhưng luôn luôn tỏ ra can đảm và chấp nhận hy sinh như nhà văn Mũ xanh Huỳnh văn Phú đã mô tả “Thủy Quân Lục Chiến sống hùng, sống mạnh nhưng sống không lâu”.

Vì người khinh binh hôm nay có nhiệm vụ mở đường, đối đầu với hiểm nguy đợi chờ trước mặt, họ vẫn bình thản, can trường thi hành mệnh lệnh. Và khi chiều xuống, đơn vị dừng quân, họ lo đào hầm hố, gài mìn bẫy để phòng thủ đêm, nhưng vẫn kể cho nhau nghe những chuyện tiếu lâm hoặc ngâm nga những câu thơ thay vần thơ tình có chút lãng mạn, hầu quên đi nỗi nhọc nhằn trên vai người lính như đại để :

Nam : Thương chi cho uổng công tình,
Anh về trong nớ bỏ mình bơ vơ.

Nữ: Bơ vơ thì mặc bơ vơ,
Anh về trong nớ nhớ viết thơ cho mình.

Những người lính Mũ xanh mang trên người trọng trách nặng nề như định mệnh đã dành sẵn cho họ nên họ luôn gắn bó với đơn vị cho đến lúc gục ngã hoặc cho đến giờ bị bức tử.

Họ thật sự là những Chiến sĩ vĩ đại của đất nước.

Tôi phải ghi lại những sự kiện nầy để các thế hệ nối tiếp biết rằng ông, cha của họ đã chiến đấu anh dũng như vậy, nhưng phải bị thua trận, bị bức tử vì sự phản bội của Đồng minh và của một số Chính trị gia miền Nam đã ngây thơ tin vào Hòa hợp, Hòa giải dân tộc của Cộng Sản và để nhớ lại những đồng đội của tôi đã nằm xuống nơi chiến trường sau khi đã chiến đấu vô cùng anh dũng để bảo vệ mảnh đất tự do nơi địa đầu giới tuyến. Tôi phải ghi lại vì ngày 30/3/72 các Chiến sĩ mũ xanh của Đại đội 4, Tiểu Đoàn 2, Thủy Quân Lục Chiến với quân số trên 170 nhảy vào vùng hành quân nhưng đến lúc tôi rời đơn vị vào ngày 26/9/72 khi được bổ nhiệm làm trưởng ban 3 rồi sau đó Tiểu Đoàn Phó Tiểu Đoàn 2, Thủy Quân Lục Chiến thì đại đội 4 chỉ còn trên dưới 30 khuôn mặt cũ của ngày xuất quân với không ít hơn một lần bị thương qua những trận đánh hào hùng trước đó.

Tôi thật hãnh diện và không khi nào quên được những đồng đội can trường tuyệt vời, đã chiến đấu khi Tổ Quốc lâm nguy, không sờn nguy hiểm, không màng hiển vinh, coi cái chết tựa lông hồng, đúng là những cảm tử quân như truyền thống của Binh Chủng Thủy Quân Lục Chiến.

Viết để kỷ niệm 30 năm.
Ngày tái chiếm Thị xã Quảng Trị và Cổ Thành Đinh Công Tráng.

Lê Quang Liễn.
Houston, mùa Thu 2002.
http://hoiquanphidung.com/showthread.php?22532

[​IMG]
6-1972 –TQLC Nam Việt Nam trong chiến hào Tuyến phòng thủ sông Mỹ Chánh


[​IMG]
[​IMG]
25-8-1972 – pháo tự hành 175mm của VNCH di chuyển vào vị trí mới để hỗ trợ cho binh sĩ tái chiếm Quảng Trị

[​IMG]
19-6-1972 – binh sĩ VNCH vượt sông Mỹ Chánh trong nỗ lực phản công nhằm tái chiếm thị xã Quảng Trị (Ảnh NgyThanh, chụp ngày 1 tháng 7, 1972) nguoibatcao said: 30-06-2011 02:14 PM Quảng Trị Mùa Hè Đỏ Lửa 1972 Hốt Xác Đồng Bào Tử Nạn trên "Đại Lộ Kinh Hoàng" Lời giới thiệu: Loạt bài bên dưới do ba người -- nhà văn Giao Chỉ, ký giả và phóng viên nhiếp ảnh NgyThanh, và cá nhân tôi, Trùng Dương -- viết từ ba góc nhìn về ba thời điểm khác nhau, song cùng một chủ đề: “Đại Lộ Kinh Hoàng”, nơi gần 2.000 con người chạy loạn đã bị Cộng quân pháo kích chết thê thảm, không bút nào tả siết được, vào Mùa Hè Đỏ Lửa 1972 khi Cộng quân từ phiá bắc tràn qua sông Bến Hải đánh chiếm Quảng Trị, trắng trợn vi phạm Hiệp Định Ngừng Chiến Genève 1954. Nhân chứng sống, cựu Trung sĩ Phan Văn Châu, người đã sống và chứng kiến tận mắt cảnh đồng bào bị pháo kích Cộng sản tàn sát trên cái mà phóng viên chiến trường của nhật báo Sóng Thần, NgyThanh, đã đặt tên là "Đại Lộ Kinh Hoàng" sau khi anh và đồng nghiệp Đoàn Kế Tường là hai người đầu tiên đật chân lên đọan đường này hai tháng sau cuộc tàn sát, và Chương trình hốt xác đồng bào tử nạn trên ĐLKH do nhật báo Sóng Thần phát động-- (Trùng Dương). Nhân chứng qua đêm (Giao Chỉ) Khi đi tìm nhân chứng của một chiến trường hết sức oan nghiệt và thê lương, hết sức dũng mãnh và hào hùng, tôi vẫn không quên đoạn đường đầy xác người trên Quốc Lộ số 1. Ngay khi chiến trường còn vương khói súng, cây bút nhẩy dù, đại úy Phan Nhật Nam đã viết “Mùa hè đỏ lửa”. Tác phẩm đem vinh quang cho tác giả đồng thời cũng làm khổ ông sau 1975. Nhưng trước sau “Mùa hè đỏ lửa” đã gắn liền vào tên tuổi Phan Nhật Nam. Phải chờ đến 32 năm sau, Hà Nội mới xuất bản cuốn “Mùa hè cháy” của đại tá pháo binh “quân đội nhân dân” viết về trận pháo kích của trung đoàn pháo Bông Lau, trận pháo dã man trên đường di tản của dân Quảng Trị, giết chết hàng ngàn người và làm đoạn đường trên 2 cây số giữa con sông Thạch Hãn và Mỹ Chánh trở thành “Ðại Lộ Kinh Hoàng”. Chúng tôi vẫn đi tìm xem ai là người đặt tên cho đoạn đường của trận thảm sát mùa hè năm 1972. Có lẽ chỉ trong chiến tranh Việt Nam mới có cái đại lộ mang tước hiệu kinh hoàng. Anh phóng viên của bộ thông tin có mặt tại Quảng Trị nói rằng bác đi hỏi ông Lê Thiệp trên Washington, D.C. Khi quân ta phản công ở Mỹ Chánh, ông nhà báo Lê Thiệp có đi theo trên Quốc Lộ 1 qua lối này. Năm 2005 tôi có nhân dịp gặp ông Thiệp tại DC, ông nói rằng không biết tay nào đặt cái tên “Ðại lộ Kinh Hoàng” thật hay. Câu chuyện dừng tại đó. Một lần khác, chúng tôi rao lên là muốn tìm gặp những ai đã chạy trên con đường ác độc vào đúng lúc địch pháo kích. Tôi biết có trung tá Lê Huy Linh Vũ của Tổng cục Chiến tranh Chính trị là người đã trải qua và đã viết lại thành cuốn sách. Con gái của Trung tá Vũ là họa sĩ Hương, Alaska, có cho phép chúng tôi in lại cuốn này để tặng các bạn. Nhưng ông Vũ nay không còn nữa. Ðại tá Hà Mai Việt, tỉnh trưởng Quảng trị thời kỳ 1972 đã nói rằng: “Tại ông không lưu tâm đọc sách của tôi. Mở trang này ra mà xem, nhân chứng sống là ông Phan văn Châu. Tôi đã viết rõ từng trường hợp của trận Quảng Trị trong tác phẩm Thép và Máu. Ông nhân chứng này không những chịu đựng trực tiếp trận pháo trên quốc lộ mà còn nằm lại một đêm giữa các xác chết.” Sau cùng nhờ ông Hà Mai Việt, chúng tôi đã gặp nhân chứng sống. Trung sĩ Phan văn Châu, năm nay 68 tuổi, quả thực là một người dân tiêu biểu của miền đất Quảng. Qua máy điện thoại, dường như cả một trời tâm sự tuôn tràn. Những hình ảnh quê hương, chiến tranh, loạn lạc, pháo kích, khói lửa, lẫn lộn giữa trận 1972 và trận 1975. Nói đến chuyện đất nước biết bao nhiêu địa danh: nào là Nhan Biều, Cầu Ga, Ái Tử, Mai Lĩnh, Cầu Dài. Rồi đến biết bao nhiêu con sông, bao nhiêu rạch nước. Âm thanh đất Quảng của người dân chân chỉ hạt bột, vòng qua quay lại để sau cùng trở về với cái ngày cả gia đình bỏ Nhan Biều mà đi. Ông Châu nói rằng, lúc đó dường như mọi người đã chạy hết. Phan văn Châu là trung sĩ thông dịch viên cho ngành tình báo tại Ðà Nẵng đang đi công tác về Ái tử. Ðến khi thiên hạ bỏ chạy hết, thầy thông ngôn trẻ tuổi mặc đồ dân sự cùng một đứa cháu, dẫn vợ có bầu với ba đứa con nhỏ, năm một, 6, 7, và 8 tuổi. Tất cả vội vàng ra đi bỏ lại phía sau căn nhà mới cất tại Nhan Biều bên bờ bắc của sông Thạch Hãn. Vợ con đi trước một đoạn với gia đình bà chị. Thằng cháu và ông Châu đi xe gắn máy kéo theo một chiếc xe gỗ hai bánh. Hành trang chất đầy, người kéo, người đẩy, chiếc xe qua khỏi cầu Ga, đi được một đoạn dài đến 9 giờ sáng thì pháo nổ ngay trên đường. Con đường đầy người chạy loạn. Cả dân cả lính với đủ mọi thứ xe. Ða số đi bộ vì đường tắc nghẽn nên không thể đi nhanh. Ðạn rơi chỗ nào cũng có người chết. Xác bắn tung lên trời. Khói lửa mù mịt. Mạnh ai nấy chạy. Vợ con thất lạc ngay từ lúc đó. Ông Châu nghĩ rằng vợ con có thể đang ở phía trước. Nhưng phía trước hay phía sau thì cũng bị pháo. Khi pháo tạm ngưng thì có người lại tràn ra đi tới. Nhưng phần lớn nằm yên chịu trận. Có nhiều người không chết ở đợt pháo đầu nhưng rồi bị chết ở các đợt pháo sau. Nhiều xác chết trên đường bị pháo đi pháo lại nhiều lần. Bị thương rồi lại bị pháo rồi cũng chết. Biết bao nhiều người cố chạy cho thoát bỏ lại cả gia đình vợ con. Những đứa nhỏ nằm khóc bên xác mẹ. Những em bé sơ sinh bú vú mẹ đã lạnh khô. Có người còn sống thấy đó mà phải bỏ đi. Ông Châu và đứa cháu chạy về phía đông quốc lộ, vùi thây xuống cát mà chịu đựng một ngày pháo kích. Ðủ loại pháo của cộng sản thay phiên bắn phá suốt một ngày dài. Pháo 122, pháo 130 và pháo 155. Chỉ khi nào có B52 đến thả bom mới thấy địch im tiếng súng được một lúc.Toàn thân ông tê liệt dưới trời nắng gắt. Phải bò đến các vũng nước có cả phân trâu và máu người để uống. Khi trời tối dần, tất cả đều im lặng và ghê sợ. Ông Châu và đứa cháu bắt đầu bò quanh lật các xác chết đàn bà và trẻ em lên xem có phải vợ con. Lật một xác phụ nữ mà ông nghĩ rằng người vợ, đầu óc ông mê muội. Thằng cháu còn tỉnh táo nói rằng không phải mợ. Mợ có bụng mà cậu. Mấy người khác còn sống cũng làm như vậy. Tất cả đi tìm xác thân nhân. Nhưng rồi trời tối hẳn, bộ đội Việt Cộng bắt đầu xuất hiện. Chúng tìm đến các xe nhà binh và tìm các quân nhân mặc quân phục bắt đi hết. Cậu cháu ông Châu khai là dân thường nên được lệnh phải nằm yên tại chỗ. Ðêm hôm đó, ông Châu thức trắng trên bãi cát đẫm máu của Ðại lộ Kinh Hoàng. Hình như có đôi lúc ông cũng thiếp đi. Cũng chẳng còn nhớ rõ. Chung quanh toàn xác chết. Người chết nhiều hơn người sống. Những xác chết cháy như than củi . Ông nghĩ rằng chắc xác vợ con cũng quanh đây. Sáng hôm sau, từ sớm mai những người còn sống đành phải bỏ lại một cánh đồng xác ở đằng sau để chạy về miền Nam. Ði đến cầu Dài gần sông Mỹ Chánh thì gặp toán tiền sát của thủy quân lục chiến Việt nam chận lại. Khi biết chắc là không phải quân địch, ông trung úy thủy quân lục chiến phất tay cho qua. Vừa đi khỏi một đoạn đường thì thấy ông sĩ quan bị du kích phía sau bắn sẻ chết ngay tại chổ. Ðó là cái chết cuối cùng ông chứng kiến tại Quảng Trị. Tìm xe quá giang về Huế với tâm trạng hết sức não nề. Nhưng rồi phép lạ đầu tiên đến với cuộc đời ông. Ngay tại khu vực tạm cư Phú văn Lâu, thuộc thành phố Huế, ông gặp lại đầy đủ vợ con. Bà vợ mang bầu đã dẫn ba đứa con nhỏ đi xuống đường ven biển theo dân địa phương. Ðoàn người đi xa quốc lộ nên tránh được pháo kích. Vợ con dắt díu nhau đi suốt một ngày một đêm về đến Mỹ Chánh, rồi được xe cho bà bầu quá giang về Huế. Hai năm sau người vợ đầu tiên của ông Châu qua đời, sau khi sinh cho ông thêm ba ngưới con nữa. Cô gái còn nằm trong bụng mẹ trên đại lộ kinh hoàng năm nay đúng 37 tuổi, tốt nghiệp đại học và đã có gia đình, hiện cư ngụ tại miền đông Hoa kỳ. Những bước chân trần ai trên bãi cát Quảng Trị mùa hè năm 1972 của bà mẹ mang bầu không biết có còn vương vấn chút nào trong lòng cô bé nghe pháo kích từ lúc chưa ra đời. “Tụi nhỏ chẳng biết gì đâu,” ông Châu nói. “Chỉ có đứa lớn nhất năm nay ngoài 40 tuổi là còn nhớ đôi chút.” Hỏi rằng thế ông có được bao nhiêu con tất cả. Ông tính nhẩm rồi nói rằng tất cả 10 con. Bà đầu tiên sáu con. Bà thứ hai ba con. Bà này bỏ tôi đi lấy chồng nên bây giờ vẫn còn ở Việt Nam. Tôi đưa cả ba cháu sang đoàn tụ bên này. Bà hiện nay ở với tôi có một cháu, năm nay cháu 24 tuổi rồi. Bà sau này có một con riêng. Như vậy là chúng tôi có 11 con. Thế bác có hạnh phúc không? “Hạnh phúc chứ. Tất cả là số trời,” ông Châu nói, “Cái đêm nằm ở đại lộ kinh hoàng, uống nước máu người và phân trâu tôi không bao giờ giờ nghĩ đến có ngày đi Mỹ như bây giờ. Tôi nghĩ bấy giờ vợ con chết hết thì mình sẽ ra sao. Làm sao tìm xác? Rồi chôn ở đâu? Hàng trăm xác người chung quanh, biết bao nhiêu xác trẻ con, vợ con tôi đều trong số đó. Không hiểu nó bắn pháo đạn gì quá ác. Tất cả xác chết như than củi chẳng làm sao biết được người nào là người nào.” “Năm 1973 tôi có trở lại, đi qua con đường thấy có đài tưởng niệm, rồi có các mồ chôn tập thể, có mồ chôn riêng rẽ. Lòng tôi hết sức xúc động,” ông Châu nói. “Cho đến bây giờ tôi vẫn còn xúc động. Con cháu tôi thì nhiều nhưng mà làm sao các con hiểu được những gì tôi đã trải qua. Trận 72 quân ta mới lấy lại một nửa Quảng Trị. Ðứng bên này dòng Thạch Hãn, bên kia là Nhan Biều, nơi tôi ra đời còn cả ngôi nhà thân yêu. Bên ta đã bị địch chiếm bờ Bắc, chỉ giữ được bờ Nam, đến 75 thì bờ Nam cũng chẳng còn.” “Vâng thưa bác, năm nay em 67 tuổi,” ông Châu nói tiếp, “Quê ở Nhan Biều, bờ bắc sông Thạch Hãn, ngay dưới cầu Ga. Nhà em thi vào làm trung sĩ thông dịch viên năm 1966 khóa 11 tại Quân đoàn I . Sau 75 em trốn được. Nếu khai thật chắc là bị buộc tội CIA. Sau đó em vượt biên rồi đoàn tụ. Trước sau ba vợ, 11 người con. Bà sau này là bà bền chặt nhất đã sống với nhau 25 năm. Vâng, thưa bác, đây chắc chắn là bà sau cùng. Gia đình em rất hạnh phúc. Phần em, dù có bị kinh hoàng nhưng cũng chỉ có một ngày một đêm. So với người ta có người cả đời kinh hoàng thì nỗi khổ của chúng em có thấm vào đâu.” Ðó là câu chuyện của ông Châu, nhân chứng số 1 của chúng tôi. Tôi hỏi ông Châu câu cuối cùng. “Ông có biết ai đặt tên Ðại Lộ Kinh Hoàng.” “ Không đâu,” bây giờ ông gọi tôi là cụ. “Cụ với cụ Việt không biết thì ai mà biết. Nhưng quả thực là kinh hoàng thực đấy các cụ ạ.” Tuy hỏi vậy, nhưng tôi đã tìm ra ai là người đặt tên … nguoibatcao said: 30-06-2011 02:16 PM "Đại Lộ Kinh Hoàng" (NgyThanh) Năm ấy tôi 23 tuổi, mặc đồ lính mới được một năm, chịu trách nhiệm phòng nhiếp ảnh của Bộ Chỉ Huy Tiểu Đoàn 10 Chiến Tranh Chính Trị, KBC 3463, đóng tại bờ biển Thanh Bình, Đà Nẵng. Với số tuổi oắt con của thời chiến sau khi vừa rời quân trường chỉ một năm, tôi còn ngu ngốc lắm, lại ham vui, và hiếu thắng, ngày nào không ra mặt trận để chiều về làm bản tin hành quân, là một hổ thẹn với tất cả đạo quân phóng viên nằm tại Huế, một thành phố lỏng lẻo vì phần lớn thường dân và vợ con lính đã chạy vào Đà Nẵng, sau kinh nghiệm “di tản chiến thuật” khỏi Quảng Trị Đông Hà. Bấy giờ, phía Nhảy Dù vẫn giữ cánh trái giữa Quốc Lộ 1 trải dài lên phía Động Ông Đô và căn cứ Barbara, đánh cuốn chiếu ra từ sông Mỹ Chánh. Thủy Quân Lục Chiến cặp sườn QL1 bên trái giăng hàng ngang theo sông Mỹ Chánh ra tới các làng Mỹ Thủy, Gia Đẳng ở trên bờ biển, cùng nhắm hướng tây bắc. Hôm 1-7-1972 , đám phóng viên chiến trường "ăn cơm tháng ở quán ăn trước khách sạn Hương Giang Huế" không đi tập trung như mọi ngày, mà tản mác theo các đơn vị Nhảy Dù và TQLC bố phòng hơn là theo các mũi dùi tấn công chính trên đường đánh về Quảng Trị. Cái ngày rất dễ nhớ vì vừa chẵn 2 tháng sau khi ông anh họ tôi ném trái CBU-55 xuống cầu Đông Hà để diệt sống đoàn xe tăng T-54 đang qua cầu để tấn công phía sau lưng của quân Việt Nam Cộng Hoà đang "di tản chiến thuật", bỏ ngỏ phần đất tỉnh Quảng Trị, và tái bố trí ở bờ sông Mỹ Chánh. Hôm ấy tôi đi chung với Đoàn Kế Tường, cả hai chúng tôi là phóng viên chiến trường của báo Sóng Thần. Bên cạnh tình bạn, Đoàn Kế Tường là người Quảng Trị, anh cũng là quân nhân của một đơn vị pháo binh Sư Đoàn 3 Bộ Binh, nên rành rẻ đường đi nước bước trong thành phố, nếu chúng tôi có may mắn lọt vào được thành phố tái chiếm trong tư cách là phóng viên đầu tiên -- nhưng chuyện ấy sau mới xẩy ra trên đường Lê Huấn. Khoảng 10 giờ sáng, đầu cầu Bến Đá vắng lặng và không có lính trấn thủ khi chúng tôi đến: những mũi dùi tấn công của Nhảy Dù và TQLC đã được trực thăng vận vượt sông đánh lên quá sông Trường Phước. Bến Đá bấy giờ có hai cầu. Cầu xe hơi trên QL1 bị phá sập, hoàn toàn không qua được. Chiếc cầu sắt xe lửa nằm ở phía núi gảy gục đoạn giữa cắm xuống sông thành hình chữ V, khu đất đầu cầu do quân VNCH trấn giữ trước đó đã được cài nhiều mìn chống chiến xa. Thấy yên lặng và không có người, cả ta lẩn địch, hai chúng tôi bò theo khung cầu sắt gẫy qua bên bờ bắc, len lách giữa đám mìn chống chiến xa, để quay trở lại QL1. Trước mắt chúng tôi, ngay trên bề mặt QL1, là xác xe chiếc ngược chiếc ngang, phần lớn giở mui không biết vì lý do gì. Trong nhiều xe cứu thương đã bị bắn cháy nhưng còn đọc được phù hiệu Hồng Thập Tự hai bên hông, chúng tôi nhìn vào cánh cửa xe hé mở và thấy xác thương binh chết nằm chết ngồi trong đó, mùi tử khí đã dịu thành mùi thối, thay vì mùi tanh nồng của xác người như khi mới chết ít hơn hai tuần. Chúng tôi tiếp tục lội xuống bãi cát hai bên đường, bãi phía biển có nhiều xác chết hơn bãi phía núi, có lẽ vì khi bị tàn sát, người ta có khuynh hướng chạy ra phía đông là khu vực có thể có người tiếp cứu mình, trong khi phía núi chỉ là vùng hoang vu, không có ai sinh sống. Trên bãi cát nầy chúng tôi thấy xác người lớn và xác trẻ em, xác quân nhân và xác thường dân, cảnh sát. Nhiều xác úp mặt chồng lên nhau, có lẽ bị bắn chết khi đaang chạy tới để thoát hiểm và bị bắn từ sau lưng. Vì không có xe cộ lưu thông, hai chúng tôi luẩn quẩn dọc đoạn đường xác người nầy trong vòng khoảng non cây số. Chúng tôi đã chụp (bằng phim) rất nhiều ảnh của đoạn quốc lộ nầy, khi công binh VNCH chưa bắc cầu dã chiến qua sông Bến Đá, nên hình chúng tôi chụp còn nguyên vẹn bãi chiến trường. Tấm ảnh duy nhất còn lại hiện được lưu giữ tại http://www.pbase.com/ngythanh/image/78971287 Vào xế trưa, công binh bắc xong cầu, và mang xe ủi qua, gạt các xác xe dạt xuống hai bên vệ đường, mở một lối đi nhỏ trên mặt nhựa cho các xe tiếp tế đạn dược lên phía Quảng Trị, cũng như lấy thương binh và xác tử sĩ về. Do đó, ngoài hình ảnh của chúng tôi, những hình chụp sau khi xe ủi qua, đã không còn cảnh nguyên thủy của nét kinh hoàng. Buổi tối về tới Huế, như mọi khi, tôi gọi cho anh Đỗ Quý Toàn bên Phú Nhuận để nhờ anh ghi lại tin tức về hoạt động của chúng tôi trong ngày, để sau đó anh ấy chuyển cho anh Đỗ Ngọc Yến, là người ngồi cạnh anh Uyên Thao, tổng thư ký tòa soạn. và các anh Trương Cam Vĩnh, Đường Thiên Lý để làm tin và chọn tin. Anh Yến vẫn chuyển tin của chúng tôi tới anh UT như thế mỗi ngày. "Đại Lộ Kinh Hoàng" là cái tên tôi chọn làm đề tựa bài viết ngày hôm ấy. Chọn "Đại Lộ Kinh Hoàng" thật ra cũng chỉ do một phút ngẩu hứng thôi, như một vế cho câu đối "Con Phố Buồn Thiu" (La rue sans joie) mà Bernard Falls đặt cho hương lộ 555 chạy dọc bờ biển Quảng Trị, cách đó vài cây số, trong thời kỳ chiến tranh Đông Dương Lần thứ nhất, 1946-54. Vài tuần sau, chị chủ nhiệm Trùng Dương và anh chị em Sóng Thần tổ chức chiến dịch thu lượm xác người trên "Đại Lộ Kinh Hoàng". Tòa báo bỏ chi phí ra làm việc nầy. Đích thân chủ nhiệm từ Saigon ra ăn chay nằm đất với chúng tôi, hàng ngày kết hợp với anh Nguyễn Kinh Châu, trưởng văn phòng đại diện Sóng Thần Huế, và các thân hữu, chúng tôi liên tục tới hiện trường thu nhặt xác chết gói vào từng bao nylon, trước khi bỏ vào quan tài bằng gỗ thô sơ, mai táng ở một khu đất xin được ở phía đông của QL1, ở làng Mỹ Chánh. Khi làm việc nầy, chúng tôi không treo băng dựng bảng để khoe công. Tấm bảng thật lớn cắm ở đầu cầu bên trái sau khi qua khỏi cầu Bến Đá (trước ngày mất nước) là do lệnh của Tổng thống Thiệu. Bốn chữ "Đại Lộ Kinh Hoàng" là chữ của tôi, nhưng bên dưới tấm bảng ghi là "Tổng Thống Nguyễn văn Thiệu". Những chuyện vụn vặt quanh cái tên ĐLKH đã cũ quá rồi, tôi không nhớ hết. Anh Uyên Thao còn sống. Anh Đỗ Quý Toàn còn sống. Ký giả Anh Điển còn sống. Chị Trùng Dương còn sống. Đoàn Kế Tường còn sống (đang làm báo Công An TP HCM). Tôi quý anh [Giao Chỉ, trong nhóm thực hiện phim tài liệu Quảng Trị] nên ghi lại một ít chi tiết để anh đọc chơi, nhưng nếu có ai muốn nhận bốn chữ "Đại Lộ Kinh Hoàng" là của họ, thì cứ giao cho họ, anh ạ. Mất nước, nhưng chúng ta còn nhiều việc phải làm hơn là tranh nhau cái chức vị "tác giả" của bốn chữ sáo rỗng ấy. Houston, Tháng 9, 2009 Ngy Thanh nguoibatcao said: 30-06-2011 02:20 PM Hốt xác đồng bào Trùng Dương Viện Bảo Tàng Thuyền Nhân và Việt Nam Cộng Hòa với trụ sở đặt tại San Jose, California, qua nhà văn Giao Chỉ Vũ Văn Lộc, vừa chuyển đến chúng tôi lời mời tham dự vào việc thực hiện cuốn phim tài liệu về trận phản công tái chiếm Quảng Trị của quân đội Việt Nam Cộng Hòa vào Mùa Hè 1972. Đây là một trong một loạt phim tài liệu nhằm viết lại lịch sử 20 năm của Việt Nam Cộng Hòa trong đó, theo Viện BTTN&VNCH, loạt phim Chân Dung Người Lính Việt Nam Cộng Hòa gồm bốn DVD, tổng cộng 8 giờ, được coi là “sản phẩm tiêu biểu". Ông Lộc cho biết Viện BTTN&VNCH hiện đang xúc tiến thực hiện một bộ phim tài liệu về trận Quảng Trị 1972, còn gọi là "Mùa Hè Đỏ Lửa", khi Bắc quân đem quân và chiến xa tràn qua Vùng Phi Quân Sự tại vĩ tuyến 17, trắng trợn vi phạm Hiệp Định Geneve 1954, xâm chiếm Quảng Trị vào tháng 3-1972, song bị quân đội VNCH đẩy lui sáu tháng sau đó. "Trong chiến tranh VN có ba trận đánh quy mô cần quan tâm. Đó là trận Mậu Thân, Hoa Kỳ gọi là Tet Offensive 1968. Trận thứ hai là trận Quảng Trị 1972, Hoa Kỳ gọi là Easter Offensive. Trận thứ ba là 30-4-1975," Ông Lộc cho biết trong lá thư gửi tới thân hữu. "Lịch sử chiến tranh Việt Nam cần có một phim tài liệu về Quảng Trị. Ðây sẽ là phim đầu tiên." Được biết cuốn phim tài liệu về Quảng Trị sẽ gồm hai đĩa. Ðĩa thứ nhất dành cho thời gian từ ngày lui binh sau khi thất thủ Đông Hà - Quảng Trị từ cuối tháng 3 đến đầu ngày 1-5-1972; và đĩa thứ hai dành cho thời gian phản công từ tháng 5 đến tháng 9-1972. Bộ phim Quảng Trị là một phần của chương trình sản xuất các tài liệu song ngữ của Viện BTTN&VNCH để phổ biến khắp thế giới và dành cho thế hệ tương lai. Chúng tôi được ông Vũ Văn Lộc mời đóng góp vì những bài báo của các phóng viên chiến trường của nhật báo Sóng Thần tường thuật tại chỗ về Mùa Hè Đỏ Lửa, mà một trong những tác giả của những bài tường thuật bấy giờ hiện có mặt tại Hoa Kỳ, là NgyThanh, có thể đóng góp cho dự án phim tài liệu với tư cách một nhân chứng. Nhật Báo Sóng Thần, do tôi làm chủ nhiệm và chủ bút, cố nhà văn nhà báo Chu Tử làm chủ biên và ký giả Uyên Thao, hiện định cư tại Virginia, làm tổng thư ký, ngoài phần vụ thông tin, đã có những đóng góp ngoài nghề nghiệp mà chúng tôi, vì tính chất nhân đạo của những việc này, ít khi đề cập tới. Trước hết, về mặt thông tin: Khi chiến trận bùng nổ, văn phòng đại diện Sóng Thần Quảng Trị do anh Nguyễn Quý coi sóc phải di tản vào Huế, sáp nhập với văn phòng đại diện Sóng Thần Huế do anh Nguyễn Kinh Châu điều hành, cộng với NgyThanh đặc phái viên Sóng Thần Quân Khu I từ Đà Nẵng ra tăng cường. Kết quả là nhờ số nhân sự đông đảo của văn phòng ba tỉnh nhập lại, chúng tôi may mắn có đủ lực lượng để bao sân nhiều lãnh vực. Đặc biệt là nhờ văn phòng trưởng Nguyễn Kinh Châu, vốn là một "thổ công" địa phương, có nhiều móc nối quen biết từ cấp tỉnh trưởng trở xuống; Đoàn Kế Tường, quân nhân đồng thời cộng tác với văn phòng Sóng Thần Quảng Trị, vì “đánh mất” Quảng Trị nên ngày nào cũng bám theo các mũi dùi tái chiếm với lời thề sẽ là nhà báo đầu tiên đặt chân trở lại thành phố thân yêu; Trần Tường Trình theo chân Sư Đoàn 1 kiên cường trấn thủ Bastone, Birmingham và Tà Rầu ở cạnh sườn phía tây; và Ngy Thanh, phóng viên và cũng là một nhiếp ảnh viên xông xáo, ra bám trụ tại Huế để hằng ngày theo các mũi tiền quân của QLVNCH săn tin. Trong khi nhiều ký giả trong nước cũng như ngoại quốc, lúc ấy vì bất ngờ, chưa kịp trở tay, thì Sóng Thần đã có tin cập nhật hàng ngày do các đặc phái viên “nằm vùng” của các văn phòng này gửi về. Do đấy, báo Sóng Thần có số bán lớn nhất trong thời kỳ này. Song có lẽ một trong những điều đáng nói hơn cả, và cũng ít người biết tới, là chương trình hốt xác của ngót 2.000 đồng bào thiệt mạng vì pháo kích lẫn bom bay đạn lạc trên đoạn Quốc lộ 1 từ cầu Bến Đá tới cầu Trường Phước – đoạn đường máu mà NgyThanh trong bài tường thuật qua điện thoại tối 1-7-1972 đã gọi bằng tên "Đại Lộ Kinh Hoàng", và bốn chữ đó trở thành tên của đoạn quốc lộ của Tử Thần này. Ngay sau bài tường thuật tại chỗ và những hình ảnh do NgyThanh chụp cảnh máu đổ thịt rơi của các nạn nhân, anh chị em Sóng Thần chúng tôi ở mỗi nơi không hẹn mà gặp trong tâm tư dằn vặt về vô số xác chết phơi nắng dầm mưa trên Đại Lộ Kinh Hoàng. Hồi ấy Nhật Báo Sóng Thần đang thực hiện chương trình "Sống Một Mái Nhà" và tòa soạn ủy thác việc trông coi cho Vũ Ngọc Long, một sinh viên trẻ tới với nhóm ST từ khi còn phôi thai. Hàng tuần hay tháng, tôi không còn nhớ rõ, Long đều đặn dẫn một số sinh viên học sinh tình nguyện đi xây lại nhà cho một gia đình nghèo ở quanh thành phố Saigon. Khi chúng tôi ngồi lại bàn với nhau về việc phải làm một cái gì cho các nạn nhân chiến cuộc này, ký giả Đường Thiên Lý đề nghị quyên tiền để giúp hốt xác nạn nhân và đặt tên cho chương trình này là "Thác Một Nấm Mồ", có lẽ là cho có được tính liên tục với chương trình do Long trông coi. Trong khí đó ngoài miền Trung, không hẹn mà Nguyễn Kinh Châu cũng bàn bạc với cố bác sĩ Phạm Văn Lương, người trông coi văn phòng Sóng Thần Đà Nẵng. Hai anh đồng ý nhân danh tập thể Sóng Thần để tiến hành thu nhặt xác, và anh Lương gọi vào Saigon đúng lúc chúng tôi cũng vừa bàn xong, và định gọi ra xin quyết định của các văn phòng địa phương. Máu chảy ruột mềm, đáp ứng của độc giả đối với lời kêu gọi đóng góp của Sóng Thần cho chương trình "Thác Một Nấm Mồ" vừa mau mắn vừa đông đảo, cho thấy tính nhân bản và tình thương rất cao của người Việt miền Nam đối với các đồng bào ruột thịt miền Trung thiếu may mắn chết mà chưa yên, thân xác còn phơi nắng dầm sương ròng rã đã nhiều tháng trời, khiến không ai là không khỏi đau xót. Tôi được anh chị em trong nhóm chủ trương tờ báo đề cử đem gói tiền đầu tiên góp được ra Huế trao anh Nguyễn Kinh Châu để xúc tiến chương trình hốt xác. Tôi không bao giờ quên được một tuần lễ ở Huế dạo ấy. Hồi ấy, tôi không nhớ đích xác tháng nào, quân Cộng hoà đã lấy lại được phần đất phía dưới Quảng Trị, nơi có đoạn đường có hỗn danh là Đại Lộ Kinh Hoàng, song chưa mở ra cho dân chúng vào vì chiến cuộc vẫn còn diễn ra, với đạn pháo tầm xa 130 ly của quân Cộng sản vẫn thỉnh thoảng rót xuống vùng này từ trên dãy Trường Sơn. Và hễ mỗi lần có pháo kích từ núi xuống là sau đó không bao lâu ta có thể nghe tiếng rung chuyển trời đất của máy bay bỏ bom B-52 dội bom phản kích. Qua sự dàn xếp của anh Nguyễn Kinh Châu, chúng tôi – gồm anh Châu, NgyThanh, tôi, và cả chị Châu cũng không bỏ lỡ dịp xin đi theo trong một, hai chuyến đầu – vào được khúc đường này, mướn đem theo mấy người phu chuyên nghiệp cải táng. Đối với các ông thợ này – tôi để ý thường họ đem theo vài chai rượu đế, vừa để uống vừa để khử trùng – hốt xác không phải là việc xa lạ: Họ đã trở thành các tay chuyên nghề sau khi phía Cộng Sản chôn sống quá nhiều người trong vụ Tết Mậu Thân 1968 để họ thực hành việc hốt xác của nhiều ngàn người bị chôn trong những hố tập thể. Ngày đầu nhặt xác dọc hai bên Đại Lộ Kinh Hoàng, tôi như đi trong một cơn mộng dữ, không uống rượu mà như say, bước đi mà chân như không chạm đất, giữa một bầu không khí đầy mùi tử khí trong một khung cảnh với nhiều chiếc xe, kể cả chiến xa, cháy rụi nằm ngang dọc đó đây, áo quần đồ đạc vương vãi bên những xác người đã rữa nát nằm chết đủ kiểu la liệt, trong đó có nhiều đàn bà và trẻ con. Trong khi NgyThanh bấm máy không ngừng, tôi đi quan sát những xác người. Một trong những hình ảnh tôi nhớ nhất, tới tận bây giờ, là cảnh một người mặc đồ lính đã rách nát, nằm xoãi hai chân hai tay, đầu gối trên một khúc cây gẫy, khuôn mặt gần như chỉ còn xương với tí thịt rữa còn vương dính lại, hai hốc mắt là hai cái lỗ đen ngước lên như chất vấn trời cao. Tự dưng tôi nghĩ anh ta đã chỉ bị thương, chưa chết, đã cố lết tới đây nằm vật ra, mặt ngửa lên trời, và chết dần. Tôi tự hỏi anh đã nghĩ gì trước khi trút hơi thở cuối cùng. Mẹ cha, anh chị em, vợ con hay người tình ở đâu? Lớn lên trong chiến tranh và sống phần lớn ở Sàigòn, thỉnh thoảng có thấy người ta chết vì súng đạn, vì pháo kích, nhưng đây là lần đầu tôi thấy nhiều người chết như vậy, và chết đủ kiểu. Tôi có mô tả những cảnh này trong bài phóng sự đăng làm nhiều kỳ trên báo Sóng Thần, như một báo cáo lại với những nhà hảo tâm đã mau mắn đóng góp tiền bạc để chúng tôi thực hiện công tác nhân đạo này. Những ngày kế đó chúng tôi hàng ngày, sau khi ăn sáng rất thanh đạm, chất nhau lên một cái xe cam-nhông nhà binh do anh Châu điều đình mượn được, cùng với mấy người thợ bốc xác, trở lại Đại Lộ Kinh Hoàng. Có lúc tôi ngồi xem mấy người thợ bốc xác làm việc, vừa nghe họ kể chuyện hồi hốt xác nạn nhân Tết Mậu Thân, như thể những gì đang diễn ra chưa đủ kinh hoàng bằng. Nào là có linh hồn nọ, linh hồn kia về than còn thiếu bàn tay, khúc xương, cái sọ, vv. Thỉnh thoảng có ông thợ ngưng tay lôi chai rượu đế ra nốc một ngụm. Vì họ làm việc bằng tay trần, không có bao tay, nên ruợu cũng còn được dùng để mấy ông thợ rửa tay trước khi ăn trưa. Những gì có thể giúp để nhận diện xác chết, như thẻ căn cước, hay một món đồ đặc biệt nào đó tìm thấy gần xác đều được anh Châu ghi lại trong sổ tay, bên cạnh số của xác đã được ghi trên bọc plastic đựng xác. Tôi xem và ghi chép. Khi nào mỏi mệt, tôi ra đứng ngoài lộ nhìn lên rặng núi Trường Sơn, nhớ lại những mẩu chuyện nhà văn hồi chánh Xuân Vũ kể trong Đường Đi Không Đến, tự hỏi sao con người ta ở đâu không chịu ở yên đấy để xây dựng xã hội, phát triển kinh tế, vun sới đời sống và con người, như các nước khác trong vùng Đông Nam Á này? Sao gây ra chiến tranh? để chi? được chi? Rồi tôi ngóng về phía bắc lắng nghe tiếng súng vẳng lại từ phía Quảng Trị, nơi quân Cộng Hòa đang đánh chiếm lại từng thước đất đã bị Cộng quân chiếm đóng, và thầm cầu nguyện cho những người lính Cộng hoà. Có lần, chúng tôi đang làm việc thì nghe mấy người lính Cộng Hòa gọi nhau ơi ới, và vẫy gọi cả chúng tôi. Anh Châu ra lệnh cho mọi người ngưng tay chạy tìm chỗ ẩn náu vì pháo kích từ trên Trường Sơn bắt đầu rót xuống quanh chỗ chúng tôi. Ai đó kéo tôi xuống một hố bom bảo bám chặt vào thành hố bằng cát, đã hẳn là dù vậy vẫn thấy mình từ từ tuột xuống vì cát rời. Tôi đang thắc mắc sao không xuống hẳn lòng hố cho chắc ăn thì có người chỉ cho tôi thấy một trái bom bi chưa nổ ở dưới lòng hố. Mỗi chuyến xe chúng tôi chở xác về xếp trong ngôi trường của thị trấn Mỹ Chánh, nhiều người có thân nhân trong đám nạn nhân trên Đại Lộ Kinh Hoàng chờ chực sẵn ở đó xúm lại tíu tít hỏi thăm, mặt ai cũng bơ phờ, thất thần, thấy thương tâm hơn cả người đã chết nay không còn gì để phải vương vấn nữa. Trong một cuộc điện đàm gần đây với NgyThanh, anh Châu cho biết con số đích xác của những xác người đã được hốt về từ Đại Lộ Kinh Hoàng năm ấy: 1.841 xác. Một ngàn tám trăm bốn mươi mốt xác người, anh nói không một giây do dự hồi tưởng, như thể con số ấy đã được ghi tạc trên phiến đá của ký ức anh từ 37 năm qua chỉ chờ dịp bật ra khi được hỏi tới! Những xác người bất hạnh này đã được ch ôn tại một khu đất sau lưng trường tiểu học Phong Nguyên ở Mỹ Chánh, được biết tới với tên Nghĩa trang Đồng bào Chiến nạn Quảng Trị. Cứ vậy mà một tuần trôi qua đến ngày tôi phải về lại Saigòn, trước sự bịn rịn của anh chị Châu. Tôi mất ngủ nhiều ngày sau đó, vì sợ thì ít mà vì những gì đã thấy đã khiến tôi như tê dại hẳn đi – cảm giác tê dại mà tôi lại được biết tới vào ba năm sau đó, ngày 30 tháng 4, năm 1975 ... Vì nhận thấy đây là một sinh hoạt có tính cách nhân đạo, nếu đưa vào phim có thể làm loãng đi chủ đề của phim, đó là về cuộc chiến đấu dũng cảm của Quân lực Việt Nam Cộng Hoà nhằm tái chiếm lại Quảng Trị, nên chị em chúng tôi bàn nhau viết bài này để ghi lại một sinh hoạt mà nếu không ghi lại cho các thế hệ tới thì sẽ bị mai một đi, cùng với bao nhiêu câu chuyện khác của một thời Việt Nam Cộng Hoà nhân bản, đầy tình người, dù những hạn chế không tránh được của một chế độ vừa lo phát triển vừa phải lo chống lại tham vọng của những người quyết tâm áp đặt chủ nghĩa Cộng sản phi nhân lên phần đất tự do cuối cùng của Việt Nam. Bài này cũng xin được coi là thêm một lần nữa, tri ơn những vị hảo tâm đã đóng góp để chương trình "Thác Một Nấm Mồ" được hình thành cách đây đã gần 40 năm. Đồng thời như một nén hương tưởng niệm những người đã bỏ mạng trên Đại Lộ Kinh Hoàng, xác phơi nắng mưa tới hơn hai tháng trời trước khi chúng tôi xin được phép vào tới nơi để làm cái việc hốt xác. Oregon, Tháng 9, 2009). Trùng Dương nguoibatcao said: 30-06-2011 02:26 PM Bảy tháng giữa xác người (NgyThanh ghi lại, các chi tiết dựa theo buổi nói chuyện qua điện thoại với Nguyễn Kinh Châu từ quận Bình Thạnh, Saigon vào tháng 10-2009) Ba mươi bảy năm sau khi cùng nhau cầm bao nylon lom khom lội vào vùng chiến sự để thu nhặt xác đồng bào bị thảm sát bởi đạn của Sư Đoàn Pháo Bông Lau mà cứ như lén lút vào kho tội ác của Cộng sản để đánh cắp, câu đầu tiên anh Nguyễn Kinh Châu nhắc đi nhắc lại với tôi (như cứ sợ chính mình cũng sai sót) là tên đầy đủ của nghĩa trang mà nhật báo ST đã mai táng 1,841 xác, “Nghĩa Trang Đồng Bào Chiến Nạn Quảng Trị̣ do nhật báo Sóng Thần và thân hữu phụng lập”. Một lần đi hốt xác đồng bào bị Việt Cộng chôn sống trong tết Mậu Thân ở Huế, và lần thứ nhì hốt xác đồng bào bị Việt Cộng tàn sát trên Đại Lộ Kinh Hoàng ở Quảng Trị, những hình ảnh ghê rợn đã khắc chạm thật sâu vào ký ức anh Châu, như một thứ đền tưởng niệm Cánh Đồng Chết của nạn nhân Pol Pot ở Cam-Pu-Chea – “trăm năm bia đá thì mòn, ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ”. Trả lời câu hỏi của tôi, anh Nguyễn Kinh Châu nhắc lại con số 1,841 xác nạn nhân một cách dễ dàng như không cần khui một gói thuốc lá để biết trong đó có 20 điếu. Tôi hỏi tiếp, làm sao anh nhớ được chính xác như thế, anh tâm sự, “Làm sao không, có ngày nào là áo quần không thấm mùi hôi của xác chết, có xác nào không là xác đồng bào, anh em?” Khi mới bắt tay vào việc, chính quyền và quân đội chưa cho phép thường dân qua sông Mỹ Chánh vì vấn đề an ninh (sợ Việt Cộng trà trộn để hoạt động) và vì vấn đề an toàn (sợ đạn pháo binh Việt Cộng bắn trúng làm chết nhóm người đi lượm xác đồng loại). Vấn đề mang một nhóm thường dân vượt qua phòng tuyến quân sự Mỹ Chánh để tìm và thu nhặt xác là chuyện chưa từng xảy ra trước đây trong chiến tranh Đông Dương. Mặt khác, anh em báo ST ngại một khi đăng lời kêu gọi xin độc giả tiếp tay đóng góp, tiền tới tay rồi mà lỡ xác đồng bào lấy về không được sẽ bị mang tiếng lừa phỉnh, nên anh Châu hội ý với anh em phóng viên ST đang có mặt tại Huế, rồi vào Đà Nẵng bàn thêm với bác sĩ Phạm Văn Lương. Kết quả: chúng tôi quyết định thử nghiệm trước bằng cách tự lực. Anh Châu đã mang chiếc xe gắn máy Honda 68 tới xin cầm cho một thân hữu là anh Huỳnh Văn Phúc, chủ tiệm vàng Phúc Ân kiêm tổng thư ký Hội Đồng Tỉnh Thừa Thiên, lấy 50 ngàn đồng để làm vốn liếng khởi công. Ngạc nhiên thấy anh Châu cầm xe, anh Phúc hỏi dồn, nên đã biết sự thật là anh Châu cần tiền để trao cho thầy Thích Đức Tâm ở chùa Pháp Hải bên cồn Hến đóng quan tài để ra Quảng Trị lượm xác đồng bào bị pháo chết. Biết việc chúng tôi làm như thế, anh Phúc bảo anh Châu cứ mang xe về, và cho anh chị em ST mượn 50 ngàn tiền mặt, một số tiền không nhỏ lúc bấy giờ, để khởi công. Bên cạnh đó, anh em ST vào Bộ Tư Lệnh Tiền Phương Quân Đoàn 1 tiếp xúc với Quân Y Viện Nguyễn Tri Phương. Chỉ huy trưởng, thiếu tá Nguyễn văn Cơ đã cho nhóm Sóng Thần 200 bao nylon loại dùng để tẩm liệm quân nhân tử trận. Ngoài ra, nhóm mượn được một xe GMC của Tiểu Khu Thừa Thiên làm phương tiện vận chuyển đoàn hốt xác và xác hốt được. Về sau khi số xác lượm được tăng lên tới con số gần hai ngàn, anh Cơ vẫn cung cấp đầy đủ để gói ghém tử thi đồng bào, đồng thời phía Tiểu Khu Thừa Thiên tăng cường cho mượn thêm một xe GMC nữa, và phía Tiểu Khu Quảng Trị cho mượn 2 GMC khác, để di chuyển xác chết. Sóng Thần đã tiến hành hốt xác tất cả 3 đợt. Khi chị chủ nhiệm Trùng Dương từ tòa soạn ra tham dự để ăn đạn pháo kích là đợt một. Đợt nầy đoàn hốt xác có 4 tổ, mỗi tổ 4 người, thu được trên 800 xác. Về sau đoàn hốt xác tăng lên thành 7 tổ. Sợ mùa mưa tới xác đồng bào bị vữa và trôi hết phần thịt, chúng tôi đã tăng gấp đôi số nhân công để rút ngắn thời gian. Khởi đầu, thầy Đức Tâm thuê đóng và giao cho đoàn 20 quan tài để mang theo, xem thử đủ thiếu thế nào. Lên đường, anh em ST chúng tôi chỉ dám cầu mong lượm được tới 20 xác như mong muốn của thầy Đức Tâm, vì khu vực giữa hai cầu Bến Đá và Trường Phước là đụn cát trắng không nhà cửa cây cối, hễ thấy bóng người di chuyển là tiền sát viên Việt Cộng gọi pháo tầm xa từ Trường Sơn bắn xuống. Kết quả của ngày đầu thật bất ngờ với con số 96 xác. 20 xác đầu tiên được xếp vào quan tài, phần xác còn lại gói tạm vào bao nylon mang về đặt trong các phòng học của trường Mỹ Chánh. Dạo 1968, anh Nguyễn Kinh Châu là ký giả đã theo chân đoàn người đi khai quật các hố chôn tập thể và đã có loạt hình chạy 8 cột bề ngang trên báo Hòa Bình tường thuật tội ác rùng rợn nầy. Cũng nhờ quen biết cũ từ 4 năm về trước, lần nầy đề xuất việc đi lượm xác, anh Châu đã quay lại Phú Thứ để tìm gặp và thuyết phục các người chuyên về di dời xác chết bốn năm trước, sau Tết Mậu Thân, để họ bằg lòng tham gia công việc nghĩa tử dưới làn đạn pháo của Sư Đoàn Pháo Bông Lau. Đúng là Việt Cộng đã dành cho những người nầy những việc làm có một không hai trong lịch sử tội ác chiến tranh. Nhưng vì lãnh thổ Quảng Trị vẫn còn giao tranh và bom đạn, nên những người phu chỉ bằng lòng nhận lời với chi phí 1.600 đồng mỗi ngày, so với giá thuê mướn làm công nhật ở thành phố Huế lúc bấy giờ là 100 đồng/ngày, và giá vàng 1.600 đồng một chỉ. Sở dĩ giá cả cao như thế mà nhóm ST phải chấp nhận vì khu vực “Đại Lộ Kinh Hoàng” vẫn còn rất kinh hoàng, phu hốt xác ra đó để thu lượm xác không những phải làm việc giữa điều kiện mất vệ sinh giữa những xác chết, mà còn phải đưa lưng đội đạn pháo từ Trường Sơn bắn xuống. Những tay làm báo chúng tôi vì nghiệp dĩ của mình mà lăn lưng ra chốn tên bay đạn lạc, nhưng người dân họ có lý của họ, nhất là khi phải đổi bát máu lấy bát cơm để nuôi thân và nuôi gia đình. Khi tới bãi xác người, những phu lượm xác nầy mỗi người đều mang theo một lọ mắm ruốc. Họ đã lấy ngón tay chấm mắm ruốc bôi lên mũi, dùng mùi thối của mắm để mong át đi mùi thối của xác chết, và cũng để đánh lừa khứu giác của mình. Sau những ngày đầu vừa làm vừa rút kinh nghiệm, đoàn hốt xác buổi tối về hay tập trung ở nhà từ đường của chị Tôn Nữ Mộng Nhiên ở số 100 đường thuận An, là nơi “đóng đô” của đám phóng viên ST trẻ Trần Tường Trình, Đoàn Kế Tường và NgyThanh. Nghe đám nhà báo bàn bạc chuyện lượm xác, ban đầu hai cô chủ nhà là chị Mộng Nhiên và chị Lẫm góp ý. Từ từ bén chuyện, hai cô tình nguyện tham dự trò chơi với đạn pháo kích. Thế là đoàn hốt xác có thêm hai khuôn mặt hoàng phái, đảm nhiệm việc ghi chép sổ sách và ghi số mỗi xác, cùng những giấy tờ hay di vật gì chúng tôi lấy được trên thi thể của họ̣. Những vật dụng và tư trang cá nhân ấy được cho vào bao nylon có ghi số trùng với số của quan tài, để về sau trả lại cho thân nhân người quá cố. Công tác hốt xác kéo dài ròng rã tới bảy tháng mới hoàn tất. Sau khi thu nhặt hết xác trên hai bãi cát dọc hai bên đoạn quốc lộ̣ mang tên “Đại Lộ Kinh Hoàng” và mai táng xong, anh em ST còn giữ lại nửa triệu, tức một phần sáu tổng số tiền lạc quyên được từ đọc giả hảo tâm, chúng tôi đã dùng số tiền nầy dựng một bức tượng Đức Địa Tạng rất lớn ngay chỗ có nhiều xác chết nhất, lập một đền thờ oan hồn, và tổ chức một lễ cúng do anh Lý Đại Nguyên từ Saigon đại diện tòa soạn ra chủ tọa. Đền thờ này vẫn còn cho đến ngày nay. Lời cuối: Cuộc chiến nào mà không có thảm sát, chiến tranh nào mà chẳng có nạn nhân. Nhưng hình ảnh của một đứa bé ngồi khóc bên xác mẹ giữa một chiến trường thảm khốc đầy xác thường dân như ở Đại Lộ Kinh Hoàng vẫn là một hình ảnh đau thương nhất mà chúng ta không thể nào quên được. Vì vậy tôi cố tìm cho được câu chuyện của một nhân chứng đích thực, còn sống để kể lại hầu quý vị và riêng tặng cho đại tá Nguyễn Việt Hải, chỉ huy trung đoàn pháo Bông Lau của Quân đội Nhân dân của nước Cộng hòa Sã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Trong tác phẩm “Mùa hè cháy”, xuất bản năm 2005, tác giả đã viết thật rõ ràng là đơn vị của ông khai hỏa tập trung pháo 122, pháo 130 và pháo 155 mà ông gọi là trận địa pháo cường tập trên Quốc lộ 1 vào đám ngụy quân trên đường bỏ chạy. Ông đại tá pháo binh tác giả của tác phẩm “Mùa hè cháy” đã đích thân quan sát trong vai trò tiền sát viên để trực tiếp chỉ huy bắn. Bài báo ngắn ngủi và khiêm nhường hôm nay hy vọng sẽ đến tay các pháo thủ miền Bắc ngày xưa để họ nhớ lại thành quả vào ngày 1 tháng 5 trong chiến dịch Nguyễn Huệ 1972. Ðịnh mệnh nào đã dành cho ông Phan văn Châu còn sống để định cư tại Hoa Kỳ với 11 người con thành đạt, hàng năm vẫn gửi tiền về giúp cho miền quê nghèo khổ xứ Nhan Biều. Bây giờ, những mộ phần tập thể của dân oan chết vì trận mưa pháo Bông Lau năm 72 đã chẳng còn dấu vết. Những đứa bé đói sữa nằm bên xác mẹ rồi cũng đã chết hết trên đại lộ kinh hoàng 37 năm về trước. Nhưng mà sao tiếng khóc của em vẫn còn nghe văng vẳng đâu đây … Giao Chỉ, San Jose Tiếng Xưa said: 01-07-2011 02:14 AM Những điều không thể quên Cám ơn Ngươibatcao đã sưu tập đầy đủ - tạm cho là vậy - những bài phóng sự về Muà Hè Đỏ Lửa 1972, nhắc nhở người dân VN hãy ghi nhớ TỘI ÁC CỘNG SẢN, chính là cốt lõi cuả cái chủ nghĩa vô nhân bản mà bọn cộng sản tại VN đã và đang tiếp tục áp đặt trên đầu cổ dân tộc VN bằng mọi thủ đoạn và dã tâm. Dù đã có đọc nhiều về những tài liệu này từ nhiều năm qua, nhưng mỗi lần đọc lại, tôi lại đươc biết thêm những chi tiết mà mình chưa hề biết. Như câu chuyện hai chị em cô gái kia đã cầm lòng không được, can đảm tự nguyện tham gia đi chôn xác người dưới một tình huống vô cùng nguy hiểm đối với những thừơng dân như hai cô, thì đủ hiểu thảm cảnh khủng khiếp mà người dân phải gánh chịu nó tác động mạnh mẽ vào lòng những con người sống với nhau bằng tình nhân loại, là điều rất xa lạ với bọn người cộng sản, cũng chính là thủ phạm cuả cuộc thảm sát đó. Ghê tởm hơn nữa là những "con ngừơi" tay vấy máu đồng bào vô tội ngaỳ ấy vẫn huênh hoang về thành tích sát nhân cuả mình, không hề có những giây phút tự vấn lương tâm trước những hình ảnh rùng rợn, thương tâm, là những bằng chứng không còn chối cãi được. CỘNG SẢN CHỈ CÓ BỊ TIÊU DIỆT, KHÔNG THỂ THAY ĐỔI! Bảy tháng giữa xác người (NgyThanh ghi lại, các chi tiết dựa theo buổi nói chuyện qua điện thoại với Nguyễn Kinh Châu từ quận Bình Thạnh, Saigon vào tháng 10-2009) Ba mươi bảy năm sau khi cùng nhau cầm bao nylon lom khom lội vào vùng chiến sự để thu nhặt xác đồng bào bị thảm sát bởi đạn của Sư Đoàn Pháo Bông Lau mà cứ như lén lút vào kho tội ác của Cộng sản để đánh cắp, câu đầu tiên anh Nguyễn Kinh Châu nhắc đi nhắc lại với tôi (như cứ sợ chính mình cũng sai sót) là tên đầy đủ của nghĩa trang mà nhật báo ST đã mai táng 1,841 xác, “Nghĩa Trang Đồng Bào Chiến Nạn Quảng Trị̣ do nhật báo Sóng Thần và thân hữu phụng lập”. Một lần đi hốt xác đồng bào bị Việt Cộng chôn sống trong tết Mậu Thân ở Huế, và lần thứ nhì hốt xác đồng bào bị Việt Cộng tàn sát trên Đại Lộ Kinh Hoàng ở Quảng Trị, những hình ảnh ghê rợn đã khắc chạm thật sâu vào ký ức anh Châu, như một thứ đền tưởng niệm Cánh Đồng Chết của nạn nhân Pol Pot ở Cam-Pu-Chea – “trăm năm bia đá thì mòn, ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ”. Trả lời câu hỏi của tôi, anh Nguyễn Kinh Châu nhắc lại con số 1,841 xác nạn nhân một cách dễ dàng như không cần khui một gói thuốc lá để biết trong đó có 20 điếu. Tôi hỏi tiếp, làm sao anh nhớ được chính xác như thế, anh tâm sự, “Làm sao không, có ngày nào là áo quần không thấm mùi hôi của xác chết, có xác nào không là xác đồng bào, anh em?” Khi mới bắt tay vào việc, chính quyền và quân đội chưa cho phép thường dân qua sông Mỹ Chánh vì vấn đề an ninh (sợ Việt Cộng trà trộn để hoạt động) và vì vấn đề an toàn (sợ đạn pháo binh Việt Cộng bắn trúng làm chết nhóm người đi lượm xác đồng loại). Vấn đề mang một nhóm thường dân vượt qua phòng tuyến quân sự Mỹ Chánh để tìm và thu nhặt xác là chuyện chưa từng xảy ra trước đây trong chiến tranh Đông Dương. Mặt khác, anh em báo ST ngại một khi đăng lời kêu gọi xin độc giả tiếp tay đóng góp, tiền tới tay rồi mà lỡ xác đồng bào lấy về không được sẽ bị mang tiếng lừa phỉnh, nên anh Châu hội ý với anh em phóng viên ST đang có mặt tại Huế, rồi vào Đà Nẵng bàn thêm với bác sĩ Phạm Văn Lương. Kết quả: chúng tôi quyết định thử nghiệm trước bằng cách tự lực. Anh Châu đã mang chiếc xe gắn máy Honda 68 tới xin cầm cho một thân hữu là anh Huỳnh Văn Phúc, chủ tiệm vàng Phúc Ân kiêm tổng thư ký Hội Đồng Tỉnh Thừa Thiên, lấy 50 ngàn đồng để làm vốn liếng khởi công. Ngạc nhiên thấy anh Châu cầm xe, anh Phúc hỏi dồn, nên đã biết sự thật là anh Châu cần tiền để trao cho thầy Thích Đức Tâm ở chùa Pháp Hải bên cồn Hến đóng quan tài để ra Quảng Trị lượm xác đồng bào bị pháo chết. Biết việc chúng tôi làm như thế, anh Phúc bảo anh Châu cứ mang xe về, và cho anh chị em ST mượn 50 ngàn tiền mặt, một số tiền không nhỏ lúc bấy giờ, để khởi công. Bên cạnh đó, anh em ST vào Bộ Tư Lệnh Tiền Phương Quân Đoàn 1 tiếp xúc với Quân Y Viện Nguyễn Tri Phương. Chỉ huy trưởng, thiếu tá Nguyễn văn Cơ đã cho nhóm Sóng Thần 200 bao nylon loại dùng để tẩm liệm quân nhân tử trận. Ngoài ra, nhóm mượn được một xe GMC của Tiểu Khu Thừa Thiên làm phương tiện vận chuyển đoàn hốt xác và xác hốt được. Về sau khi số xác lượm được tăng lên tới con số gần hai ngàn, anh Cơ vẫn cung cấp đầy đủ để gói ghém tử thi đồng bào, đồng thời phía Tiểu Khu Thừa Thiên tăng cường cho mượn thêm một xe GMC nữa, và phía Tiểu Khu Quảng Trị cho mượn 2 GMC khác, để di chuyển xác chết. Sóng Thần đã tiến hành hốt xác tất cả 3 đợt. Khi chị chủ nhiệm Trùng Dương từ tòa soạn ra tham dự để ăn đạn pháo kích là đợt một. Đợt nầy đoàn hốt xác có 4 tổ, mỗi tổ 4 người, thu được trên 800 xác. Về sau đoàn hốt xác tăng lên thành 7 tổ. Sợ mùa mưa tới xác đồng bào bị vữa và trôi hết phần thịt, chúng tôi đã tăng gấp đôi số nhân công để rút ngắn thời gian. Khởi đầu, thầy Đức Tâm thuê đóng và giao cho đoàn 20 quan tài để mang theo, xem thử đủ thiếu thế nào. Lên đường, anh em ST chúng tôi chỉ dám cầu mong lượm được tới 20 xác như mong muốn của thầy Đức Tâm, vì khu vực giữa hai cầu Bến Đá và Trường Phước là đụn cát trắng không nhà cửa cây cối, hễ thấy bóng người di chuyển là tiền sát viên Việt Cộng gọi pháo tầm xa từ Trường Sơn bắn xuống. Kết quả của ngày đầu thật bất ngờ với con số 96 xác. 20 xác đầu tiên được xếp vào quan tài, phần xác còn lại gói tạm vào bao nylon mang về đặt trong các phòng học của trường Mỹ Chánh. Dạo 1968, anh Nguyễn Kinh Châu là ký giả đã theo chân đoàn người đi khai quật các hố chôn tập thể và đã có loạt hình chạy 8 cột bề ngang trên báo Hòa Bình tường thuật tội ác rùng rợn nầy. Cũng nhờ quen biết cũ từ 4 năm về trước, lần nầy đề xuất việc đi lượm xác, anh Châu đã quay lại Phú Thứ để tìm gặp và thuyết phục các người chuyên về di dời xác chết bốn năm trước, sau Tết Mậu Thân, để họ bằg lòng tham gia công việc nghĩa tử dưới làn đạn pháo của Sư Đoàn Pháo Bông Lau. Đúng là Việt Cộng đã dành cho những người nầy những việc làm có một không hai trong lịch sử tội ác chiến tranh. Nhưng vì lãnh thổ Quảng Trị vẫn còn giao tranh và bom đạn, nên những người phu chỉ bằng lòng nhận lời với chi phí 1.600 đồng mỗi ngày, so với giá thuê mướn làm công nhật ở thành phố Huế lúc bấy giờ là 100 đồng/ngày, và giá vàng 1.600 đồng một chỉ. Sở dĩ giá cả cao như thế mà nhóm ST phải chấp nhận vì khu vực “Đại Lộ Kinh Hoàng” vẫn còn rất kinh hoàng, phu hốt xác ra đó để thu lượm xác không những phải làm việc giữa điều kiện mất vệ sinh giữa những xác chết, mà còn phải đưa lưng đội đạn pháo từ Trường Sơn bắn xuống. Những tay làm báo chúng tôi vì nghiệp dĩ của mình mà lăn lưng ra chốn tên bay đạn lạc, nhưng người dân họ có lý của họ, nhất là khi phải đổi bát máu lấy bát cơm để nuôi thân và nuôi gia đình. Khi tới bãi xác người, những phu lượm xác nầy mỗi người đều mang theo một lọ mắm ruốc. Họ đã lấy ngón tay chấm mắm ruốc bôi lên mũi, dùng mùi thối của mắm để mong át đi mùi thối của xác chết, và cũng để đánh lừa khứu giác của mình. Sau những ngày đầu vừa làm vừa rút kinh nghiệm, đoàn hốt xác buổi tối về hay tập trung ở nhà từ đường của chị Tôn Nữ Mộng Nhiên ở số 100 đường thuận An, là nơi “đóng đô” của đám phóng viên ST trẻ Trần Tường Trình, Đoàn Kế Tường và NgyThanh. Nghe đám nhà báo bàn bạc chuyện lượm xác, ban đầu hai cô chủ nhà là chị Mộng Nhiên và chị Lẫm góp ý. Từ từ bén chuyện, hai cô tình nguyện tham dự trò chơi với đạn pháo kích. Thế là đoàn hốt xác có thêm hai khuôn mặt hoàng phái, đảm nhiệm việc ghi chép sổ sách và ghi số mỗi xác, cùng những giấy tờ hay di vật gì chúng tôi lấy được trên thi thể của họ̣. Những vật dụng và tư trang cá nhân ấy được cho vào bao nylon có ghi số trùng với số của quan tài, để về sau trả lại cho thân nhân người quá cố. Công tác hốt xác kéo dài ròng rã tới bảy tháng mới hoàn tất. Sau khi thu nhặt hết xác trên hai bãi cát dọc hai bên đoạn quốc lộ̣ mang tên “Đại Lộ Kinh Hoàng” và mai táng xong, anh em ST còn giữ lại nửa triệu, tức một phần sáu tổng số tiền lạc quyên được từ đọc giả hảo tâm, chúng tôi đã dùng số tiền nầy dựng một bức tượng Đức Địa Tạng rất lớn ngay chỗ có nhiều xác chết nhất, lập một đền thờ oan hồn, và tổ chức một lễ cúng do anh Lý Đại Nguyên từ Saigon đại diện tòa soạn ra chủ tọa. Đền thờ này vẫn còn cho đến ngày nay. Lời cuối: Cuộc chiến nào mà không có thảm sát, chiến tranh nào mà chẳng có nạn nhân. Nhưng hình ảnh của một đứa bé ngồi khóc bên xác mẹ giữa một chiến trường thảm khốc đầy xác thường dân như ở Đại Lộ Kinh Hoàng vẫn là một hình ảnh đau thương nhất mà chúng ta không thể nào quên được. Vì vậy tôi cố tìm cho được câu chuyện của một nhân chứng đích thực, còn sống để kể lại hầu quý vị và riêng tặng cho đại tá Nguyễn Việt Hải, chỉ huy trung đoàn pháo Bông Lau của Quân đội Nhân dân của nước Cộng hòa Sã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Trong tác phẩm “Mùa hè cháy”, xuất bản năm 2005, tác giả đã viết thật rõ ràng là đơn vị của ông khai hỏa tập trung pháo 122, pháo 130 và pháo 155 mà ông gọi là trận địa pháo cường tập trên Quốc lộ 1 vào đám ngụy quân trên đường bỏ chạy. Ông đại tá pháo binh tác giả của tác phẩm “Mùa hè cháy” đã đích thân quan sát trong vai trò tiền sát viên để trực tiếp chỉ huy bắn. Bài báo ngắn ngủi và khiêm nhường hôm nay hy vọng sẽ đến tay các pháo thủ miền Bắc ngày xưa để họ nhớ lại thành quả vào ngày 1 tháng 5 trong chiến dịch Nguyễn Huệ 1972. Ðịnh mệnh nào đã dành cho ông Phan văn Châu còn sống để định cư tại Hoa Kỳ với 11 người con thành đạt, hàng năm vẫn gửi tiền về giúp cho miền quê nghèo khổ xứ Nhan Biều. Bây giờ, những mộ phần tập thể của dân oan chết vì trận mưa pháo Bông Lau năm 72 đã chẳng còn dấu vết. Những đứa bé đói sữa nằm bên xác mẹ rồi cũng đã chết hết trên đại lộ kinh hoàng 37 năm về trước. Nhưng mà sao tiếng khóc của em vẫn còn nghe văng vẳng đâu đây … Giao Chỉ, San Jose Tiếng Xưa said: 01-07-2011 02:14 AM Những điều không thể quên Cám ơn Ngươibatcao đã sưu tập đầy đủ - tạm cho là vậy - những bài phóng sự về Muà Hè Đỏ Lửa 1972, nhắc nhở người dân VN hãy ghi nhớ TỘI ÁC CỘNG SẢN, chính là cốt lõi cuả cái chủ nghĩa vô nhân bản mà bọn cộng sản tại VN đã và đang tiếp tục áp đặt trên đầu cổ dân tộc VN bằng mọi thủ đoạn và dã tâm. Dù đã có đọc nhiều về những tài liệu này từ nhiều năm qua, nhưng mỗi lần đọc lại, tôi lại đươc biết thêm những chi tiết mà mình chưa hề biết. Như câu chuyện hai chị em cô gái kia đã cầm lòng không được, can đảm tự nguyện tham gia đi chôn xác người dưới một tình huống vô cùng nguy hiểm đối với những thừơng dân như hai cô, thì đủ hiểu thảm cảnh khủng khiếp mà người dân phải gánh chịu nó tác động mạnh mẽ vào lòng những con người sống với nhau bằng tình nhân loại, là điều rất xa lạ với bọn người cộng sản, cũng chính là thủ phạm cuả cuộc thảm sát đó. Ghê tởm hơn nữa là những "con ngừơi" tay vấy máu đồng bào vô tội ngaỳ ấy vẫn huênh hoang về thành tích sát nhân cuả mình, không hề có những giây phút tự vấn lương tâm trước những hình ảnh rùng rợn, thương tâm, là những bằng chứng không còn chối cãi được. CỘNG SẢN CHỈ CÓ BỊ TIÊU DIỆT, KHÔNG THỂ THAY ĐỔI!

Cổ thành Quảng Trị -Mùa Hè đỏ lửa 1972


Trận Thành cổ Quảng Trị là một trận chiến giữa một bên là Quân đội Nhân dân Việt Nam với Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam và một bên là Quân lực Việt Nam Cộng hòa với Quân đội Hoa Kỳ tại thành cổ Quảng Trị vào năm 1972. Đây là một trong những trận chiến ác liệt bậc nhất trong Chiến dịch Xuân Hè 1972, một phần của Chiến tranh Việt Nam.
Trận chiến kéo dài trong suốt 81 ngày đêm, sau khi liên tiếp tung vào các đơn vị bộ binh cũng như sử dụng hỏa lực không giới hạn, Việt Nam Cộng hòa cùng Hoa Kỳ đã thành công trong việc tái chiếm lại Thành cổ. Tuy vậy về mặt chiến lược, sự kháng cự mạnh mẽ của Quân đội Nhân dân Việt Nam đã khiến kế hoạch tái chiếm thành cổ của đối phương bị kéo dài tới 3 tháng so với kế hoạch ban đầu là 2 tuần, qua đó giúp Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam duy trì được thế mạnh trên bàn đàm phán ở Paris.

Bối cảnh

Năm 1972, Quân đội Nhân dân Việt Nam tổ chức tổng tấn công trên 3 chiến trường chính: Quảng Trị, Bắc Tây Nguyên, và Đông Nam Bộ (Bình Long, Bình Phước), trong đó hướng chủ yếu là Quảng Trị. Sau khi mở Chiến dịch Trị Thiên từ tháng 3 năm 1972, sau 2 đợt tấn công, đến tháng 5 thì Quân đội Nhân dân Việt Nam đã chiếm được toàn bộ Quảng Trị. Giữa tháng 6, Quân lực Việt Nam Cộng hòa dồn lực lượng phản công với sự tham gia chiến lược của không quân, hải quân Hoa Kỳ và bắt đầu lấy lại ưu thế trên chiến trường (chiến dịch Lam Sơn 72). Đây cũng là thời điểm mà Quân đội Nhân dân Việt Nam đang bổ sung lực lượng chuẩn bị cho đợt tấn công thứ 3 vào Thừa Thiên. Chiến sự trong "mùa hè đỏ lửa" diễn ra cực kì ác liệt, ác liệt nhất kể từ khi có cuộc chiến tranh tại Việt Nam. Quân lực Việt Nam Cộng hòa bắt đầu mở các cuộc phản công và đến đầu tháng 7 đã tiến đến thị xã Quảng Trị. Cuộc chiến 81 ngày ở thị xã và thành cổ Quảng Trị bắt đầu.





















Kết quả

Sau 12 tuần lễ liên tục tổng công kích với sự hỗ trợ hỏa lực tối đa của Hoa Kỳ, đến giữa đêm ngày 15 rạng ngày 16 tháng 9 năm 1972, lực lượng Thủy quân Lục chiến đã đánh bật QĐNDVN ra khỏi trung tâm thị xã Quảng Trị và kiểm soát toàn bộ khu vực Cổ Thành. Rạng sáng ngày 16 tháng 9 năm 1972, hai tiểu đoàn 3 và 6 Thủy quân Lục chiến từ các vị trí vừa chiếm được trong Cổ Thành, đã bung ra lục soát và triệt hạ các chốt còn lại của QĐNDVN. Đến 8 giờ sáng ngày 16 tháng 9 năm 1972, một toán Cọp Biển của tiểu đoàn 6 Thủy quân Lục chiến đã dựng quốc kỳ Việt Nam Cộng hòa trên cổng tường phía Tây Cổ Thành Quảng Trị, biểu tượng cho thành công của Quân lực VNCH trong cuộc tổng phản công tái chiếm Cổ Thành Quảng Trị.
Vài phút sau đó, chuẩn tướng Bùi Thế Lân - tư lệnh Sư đoàn Thủy quân Lục chiến đã báo tin chiến thắng đến trung tướng Ngô Quang Trưởng. Vị tư lệnh Quân đoàn 1 kiêm tư lệnh chiến dịch tái chiếm Quảng Trị đã gọi máy về Sài Gòn để tường trình lên Tổng thống VNCH và đại tướng Tổng tham mưu trưởng, sau đó tướng Ngô Quang Trưởng đã gửi bưu điệp tuyên dương công trạng Sư đoàn Thủy Quân Lục Chiến với nội dung như sau:

“    Tôi đã nhìn Quốc kỳ tung bay trên nền trời Quảng Trị chỉ ít lâu sau khi những bàn tay kiêu dũng của anh em kéo lên từ trong Cổ Thành. Tôi đã muốn thấy tại chỗ chiến thắng của anh em, để ngay tại chiến trường, tự cảm thấy hãnh diện được chỉ huy Sư đoàn Thủy quân Lục chiến trong một chiến dịch quy mô nhất của quân đội... "


Ghi lại cuộc chiến đấu của sư đoàn Thủy quân Lục chiến tại mặt trận trung tâm thị xã Quảng Trị và Cổ Thành từ khi thay thế lực lượng Nhảy Dù vào ngày 27/7/1972, trung tá Trần Văn Hiển, nguyên trưởng phòng 3 bộ Tư lệnh Sư đoàn Thủy quân Lục chiến đã viết như sau:
“    Trong suốt 7 tuần lễ chiến đấu đầy máu xương và nước mắt của chiến hữu đồng ngũ, dưới những làn mưa đạn pháo nặng nề của đối phương, tính trung bình cứ 4 người lính Thủy quân Lục chiến có 1 người hy sinh. Tính từ tháng 6 năm 1972 đến ngày toàn thắng, về quân số, Thủy quân Lục chiến bị tổn thất trên 5 ngàn, trong đó có 3.658 chiến sĩ hy sinh... Hình ảnh người lính Thủy quân Lục chiến Việt Nam dựng cờ, tuy vóc dáng gầy ốm bị chiến trận, nhưng chất chứa đầy lòng can đảm, cương quyết và hy sinh"


Theo ghi nhận của trung tướng Ngô Quang Trưởng, trong 10 ngày cuối của trận chiến tại trung tâm thị xã Quảng Trị và Cổ Thành, có 2.767 lính QĐNDVN đã chết, 43 bị bắt sống. Về phía Thủy quân Lục chiến, trung bình mỗi ngày có 150 binh sĩ Cọp Biển chết trận, chưa tính các đơn vị khác. Chiều ngày 16 tháng 9 năm 1972, sau khi đánh bật QĐNDVN ra khỏi trung tâm thị xã và tái chiếm toàn khu vực Cổ Thành, 6 tiểu đoàn Thủy quân Lục chiến đã bung rộng để triệt hạ các chốt kháng cự cuối cùng trong Cổ Thành và nới rộng vùng kiểm soát.

Tướng Lê Phi Long năm 2008 có nói: "Chiến dịch Quảng Trị kéo dài, thương vong rất lớn, có thể nói là lớn nhất so với tất cả các chiến dịch trong hai cuộc kháng chiến. Mỗi lần nghĩ lại tôi rất đau lòng. Mãi đến bây giờ (2008), tôi và nhiều đồng nghiệp vẫn chưa hiểu vì sao ta phải cố thủ thành cổ với một giá đắt như vậy, ai chủ trương, ai chịu trách nhiệm trước lịch sử? Có cán bộ cấp trên giải tích rằng do yêu cầu của đấu tranh ngoại giao, cần giữ vững thành cổ để phối hợp với cuộc đàm phán tại hội nghị Paris. Nhưng quyết định chiến trường phải là người lính”. Theo cuốn Một thời hoa lửa của NXB Trẻ thì từ mồng 10 tháng 9, Quân đội Nhân dân Việt Nam bị thương vong nhiều. Như hai tiểu đoàn mới vào thành (Tiểu đoàn 3 Trung đoàn 48, Tiểu đoàn địa phương 8) cũng đã tổn thất nặng. Riêng Tiểu đoàn 4 Trung đoàn 95 từ khi vào thành đến khi rút ra (từ ngày 13 tháng 7 đến ngày 10 tháng 9 năm 1972) đã chết trên 100 người, bị thương trên 700 (tính cả số bổ sung từng ngày), đảng viên có 67 người, lúc ra còn 12 người v.v... Thật là quá nặng nề đối với lực lượng phòng thủ thành cổ. Do đó hành động của tư lệnh chiến dịch vào buổi giao ban sáng 16 tháng 9 và tiếp sau đó lệnh phòng ngự tả ngạn sông Thạch Hãn vào chiều 16 tháng 9 là thích hợp với tình hình thực tế. Cũng theo sách này thì:

“Các lực lượng trực tiếp phòng thủ thị xã đã cùng một ý chí sắt đá là kiên quyết giữ vững Thành cổ bằng mọi giá nhằm phục vụ yêu cầu đấu tranh ngoại giao ở Hội nghị Paris. Rất nhiều gương chiến đấu, phục vụ chiến đấu vô cùng anh dũng của cán bộ chiến sĩ, của các đoàn dân công hỏa tuyến, của nhân dân trong khu vực.
Trong hơn 80 ngày đêm chiến đấu, chúng ta đã biết phát huy sức mạnh tổng hợp của nhiều lực lượng bộ đội và nhân dân, tạo nên sức chiến đấu kiên cường, dẻo dai. Bên cạnh lực lượng bám trụ thị xã, phải tính đến sức mạnh của các sư đoàn chủ lực 308, 304, 320 đứng bên sườn địch từ hướng đường 1 và hướng ven biển, mở nhiều đợt tiến công vào sườn đội hình tiến công của địch; gây cho địch nhiều thiệt hại, làm chậm bước tiến của chúng, buộc chúng phải đối phó bị động.

Ngoài ra phải nói đến nhiều đoàn tân binh từ nhiều tỉnh miền Bắc đã lần lượt vào thị xã để bổ sung kịp thời cho các đơn vị chiến đấu. Nhiều lực lượng dân quân du kích và nhân dân địa phương đã đấu tranh kiên cường bằng nhiều hình thức phong phú đa dạng ở vùng địch hậu Triệu Phong, Hải Lăng. Nhiều lực lượng dân công hỏa tuyến tại khu vực Tả Kiên, Ba Gơ, Đại Ang, Tân Vinh đã tận tình phục vụ cho Quảng Trị chiến đấu."


Nguồn Wiki




No comments:

Post a Comment