Wednesday, February 15, 2017






      Viết Tặng Người Lính Tôi Quen


      Tôi gặp anh khi tuổi còn rất nhỏ,
      Toán lính qua làng để bình định an dân.
      Anh hiên ngang cùng đi giữa đoàn quân,
      Rồi tiến thẳng vào ngôi nhà tôi ngồi nghỉ.

      Nón sắt, ba lô, poncho và vũ khí,
      Các anh vui cười, lễ phép hỏi Ba tôi:
      "Bác cho chúng con mượn tạm mảnh sân thôi,
      Đêm nay nghỉ, mai đi hành quân tiếp".

      Tôi gặp anh một buổi chiều vàng rất đẹp,
      Tuổi trăng non chưa hề biết mộng mơ.
      Học trường xa ngày nghỉ mới trở về,
      Con đường vắng chốt lính canh xuất hiện.

      Anh chặn tôi: "Giờ nầy về bất tiện,
      Giặc về làng quậy phá tối hôm qua,
      Đơn vị Anh quần thảo đến canh ba,
      Giặc rút chạy, toán quân nhà vô sự!"

      Tôi gặp Anh tuổi xuân thì thiếu nữ,
      Rất bình thường, không mơ mộng, kiêu sa,
      Tan trường về biết mong ngóng Người Ta,
      Rồi tự nhủ: chắc đang hành quân gấp đó!

      Anh quân nhân không mũ xanh, mũ đỏ,
      Không hoa dù, cũng chẳng Thiết Vận Xa,
      Không lênh đênh lấy biển cả làm nhà,
      Không bay bổng giữa trời cao gió lộng.

      Anh người lính: niềm tin và hy vọng,
      Ngăn giặc thù giữ thôn xóm bình an,
      Ngày hành quân ven biên giới Tỉnh - Làng,
      Đêm đi kích cũng ruộng hoang, gò mả.

      Địa Phương Quân - lính con rùa nhưng vất vả,
      Sống giữa lòng Dân mà nguy hiểm bội phần,
      Đang nói cười lựu đạn nổ - thây phân,
      Đường sanh tử đếm thời gian tích tắc.

      Quán cà phê có thể là trạm giặc,
      Thằng bé qua đường có thể "giao liên".
      Cô bé xinh xinh trông rất nhu hiền,
      Nào ai biết đó là "Đặc công cộng sản"?

      Tôi gặp Anh trong dòng người hỗn loạn,
      Thấp thỏm chờ tàu vận chuyễn xuôi Nam,
      "Cuộc di tản" như triệt cả đoàn quân,
      Vùi ý chí, nén đau buồn "thúc thủ"!

      Tôi gặp Anh giữa chợ trời lam lũ,
      Tấm thân gầy phủ mảnh áo vá vai.
      Áo rách vá, làm sao vá đời trai,
      Bị tơi tả sau tháng ngày nghiệt ngã?

      Tôi gặp Anh đang mong manh hơi thở,
      Thân phận con người đang trăn trở giựt giành,
      Cuộc chiến sau cùng đã định sẵn lằn ranh,
      Nhưng người lính đó vẫn trong tôi mãi mãi!

      Lê Thị Hoài Niệm



 photo ARVN soldiers


Spring Flower Pictures, Images and Photos

 




Người Lính Nghĩa Quân Trong Tim Tôi




Nguyễn Thanh Thủy

Năm tôi được 10 tuổi, gia dình tôi bỏ ruộng vườn vào ở trong khu Ấp Chiến Lược, được bao bọc bởi một vòng thành kiên cố có kẽm gai, có hào sâu chung quanh. Ở hai đầu ấp có hai cái đồn Nghĩa Quân nhỏ. Ba má tôi thỉnh thoảng trở về nhà làm ruộng, gặt lúa ban ngày, rồi ban đêm vào xóm ở. Ấp Chiến Lược là một công trình chiến lược dùng để cô lập Việt Cộng ra khỏi dân chúng. Việt Cộng hay trà trộn trong dân và bắn giết dân chúng và quân lính Việt Nam Cộng Hòa.

Lúc nầy Việt cộng bắt đầu nổi dậy mạnh ở miền Tây, thâu thuế, giết hại dân thường, ám sát Xã Trưởng, Ấp Trưởng của VNCH gây kinh hoàng cho dân chúng, gây mất ổn định cho xã hội miền Nam đang sống trong thanh bình.

Việt cộng bịt mắt, chặt đầu hay chôn sống bất cứ người nào họ nghi ngờ là đang cộng tác với chính quyền VNCH. Khu ấp chiến lược tôi ở được bảo vệ bởi một trung đội Nghĩa Quân, gồm có ba tiểu đội. Các chú lính hay ở trong đồn, còn vợ con họ sống trong các căn nhà nhỏ trong xóm. Nhà tôi ở gần nhà ông Tiểu Đội Trưởng, tôi kêu là chú Tấn.

Canh giữ xóm làng.

Lúc mới vào ấp tôi chỉ là một đứa con gái nhỏ quê mùa ngơ ngác. Nhưng lần lần tôi cặp bè bạn chơi với mấy đứa bạn, gái có, trai có, lớn tuổi, lanh lợi hơn, tôi học được nhiều thứ mới mẻ. Tôi biết cả tên cây súng nào là cây Carbine, cây nào là Garant, Thompsom, cây nào là cây súng phóng lựu. Tôi biết tên hầu hết các chú lính nghĩa quân trong tiểu đội của chú Tấn, nào là chú Tường, chú Sanh, chú Đúng, chú Quít, chú Mực... Các chú rất hiền và chú nào cũng nghèo. Bộ quân phục được các bà vợ vá nhiều chỗ. Tôi hay lân la đến nhà các chú chơi với con của họ. Với đồng lương Nghĩa Quân khiêm tốn, các chú ăn uống rất đạm bạc, thường là cá linh, cá lòng tong kho, với rau lang luộc hoặc chút ít canh bí, canh bầu. Hầu như chú nào cũng có vợ và vài ba đứa con. Khi rảnh rỗi tôi thấy các chú hay giúp việc nhà cho vợ buôn bán chút đỉnh kiếm thêm tiền. Có chú giữ con cho vợ ngồi bán rau ngoài chợ. Có chú xay bột cho vợ làm bánh tầm, bánh bò bán cho dân trong xóm.

Một người lính bộ binh trẻ.

Chú Tấn còn trẻ, nhưng ít nói. Thím Tấn là một người đàn bà hiền lành, có đôi mắt đẹp, to và dễ khóc. Chú hay xay đậu nành làm thành bánh đậu hủ cho thím ủ chao, ủ tương, rồi thím đem bán vào những buổi chợ rằm, chợ ba mươi cho người ta ăn chay. Chú thím Tấn có hai đứa con. Thằng Dũng được 6 tuổi, con Lan 3 tuổi. Khi bận bán tương, chao, thím Tấn hay gởi hai đứa nó nhờ tôi giữ dùm. Tôi hay chơi đùa và coi chúng nó như em. Tụi nó cũng rất thương tôi.

Rất ít khi dân trong xóm gặp các chú Nghĩa Quân ra đi hành quân, các chú lặng lẽ ra đi khi trời sụp tối để giữ bí mật. Họ âm thầm canh gác đâu đó dọc theo bờ thành ấp chiến lược, sáng sớm mới trở về. Họ đi về im lặng như những cái bóng mờ. Có những sáng tôi hay gặp các chú trở về, thường thì chỉ có cái áo khô, quần các chú ướt đẫm, sình bùn lên trên đùi. Các chú thường đi dép hay đi chân không, chẳng mấy ai có được đôi giầy.

Có khi đang đêm, tôi nghe súng nổ giòn rã. Sáng hôm sau các chú lính quen thuộc mang về hai cây súng chiến lợi phẩm của Việt cộng cùng với vài trái lựu đạn. Các chú kể cho mọi người trong xóm nghe là đêm rồi một toán Việt cộng băng qua ruộng phá hàng rào định đột nhập vào ấp chiến lược thu thuế và bắt dân đi làm dân công, qua sự hướng dẫn của một tên giao liên là người trong ấp. Các chú bắn chết hai tên, thây còn bỏ ngoài bìa ấp. Chúng tôi rủ nhau đi coi xác Việt cộng. Có lần các chú bắn chết cả một xuồng Việt cộng đang băng qua sông. Nhờ các bác ghe chài vớt lên, được nhiều súng. Sáng hôm sau ông Quận Trưởng bất ngờ đến đồn Nghĩa Quân xóm tôi, khen ngợi và thưởng tiền mua một con heo quay thật lớn. Các chú được dịp ăn nhậu vui vẻ. Mấy đứa con các chú Nghĩa Quân cũng hí hửng được dịp ăn thịt heo quay.

Một ngày nọ tôi đi học về thấy cả xóm nhốn nháo lên, mấy thím vợ lính hớt hãi lo lắng. Thím Tấn nước mắt quanh tròng. Tôi hỏi thì thím cho tôi hay Trung đội Nghĩa Quân vừa bị tấn công và hai chú Nghĩa Quân hiền lành của xóm tôi vừa hy sinh, đền nợ nước. Chú Mực mà tôi quen thì bị đạp mìn Việt cộng gãy giò. Thật là một cái tang lớn cho cả xóm tôi. Linh cửu của hai chú được quàng tại chùa, vợ con lối xóm khóc lóc tỉ tê. Đến chiều thì người ta chôn hai chú ngoài bờ rào ấp. Một hàng 6 chú Nghĩa Quân đứng chào trên bờ huyệt. Quan tài hạ xuống, các chú bắn 6 loạt đạn điếc tai. Mặt các chú rất đau khổ, gầm lại khác hẳn các khuôn mặt hiền từ hàng ngày mà tôi thấy.

Vợ con hai chú đòi nhảy xuống huyệt chết theo chồng. Nhiều người phải xúm lại kéo các thím lên, khó khăn lắm mới dẫn được họ về nhà. Bọn chúng tôi và mấy đứa con trai ngày thường hay chạy nhảy, phá phách, la hét, mà giờ cũng đứng im ru. Tôi không biết Việt cộng là ai, nhưng tôi lờ mờ hiểu rằng họ là người không tốt, vì họ bắn phá mà gia đình tôi phải bỏ thôn xóm vào đây. Giờ họ còn theo định đột nhập vào cái ấp chiến lược nầy làm chi nữa?

Lính VNCH hành quân.

Cuộc chiến càng ngày càng khốc liệt. Việt cộng bắt đầu tấn công miền Nam ở cấp số lớn hơn. Họ đặt mìn giật xe chạy trên quốc lộ, họ giật xập cầu, bắt dân chúng đi đắp mô cản đường xe chạy. Có khi họ giật mìn chết cả một chiếc xe đò. Nhiều người chết có cả đàn bà và trẻ em, thịt xương văng tung tóe. Có lúc họ pháo kích hay đặt mìn giật xập trường học của học sinh miền Nam. Tiểu đội của chú Tấn phải đi kích liên miên. Thím Tấn lo âu thấy rõ. Trung đội Nghĩa Quân lập được nhiều chiến công. Nhưng các chú Nghĩa Quân mà tôi quen biết cũng vơi dần. Họ đã âm thầm ra đi như những người chiến sĩ vô danh và trở về im lìm, trong những chiếc chiếu, những cái poncho, trong cái cảnh da ngựa bọc thây.

Rồi cái ngày đau thương của thím Tấn và hai đứa con dại đã đến Chú Tấn và một chú Nghĩa Quân nữa hy sinh trong một cuộc đụng độ dữ dội với Việt cộng năm 1965. Xác chú được khiêng để trên bộ ván trong căn nhà nhỏ của chú. Khi tôi đi học về, tôi thấy người ta đang tắm rửa thay đồ rồi để một nải chuối lên bụng chú, ngọn đèn dầu leo lét được thắp trên đầu nằm có để một chén cơm và một cái trứng vịt. Đầu chú được băng bông trắng. Máu còn rỉ ra bên màng tang. Vợ con chú vật vã khóc than, đau đớn không thể nào kể xiết. Tôi đến mắm tay hai đứa nhỏ. Thằng Dũng thỉnh thoảng hỏi tôi: “Bộ Ba em chết rồi hả chị?” Tôi chỉ ừ, không biết trả lời làm sao!

Lính VNCH dừng quân.

Đến khi chôn chú Tấn, hàng loạt đạn đưa tiễn vang rền. Thím Tấn chết lên chết xuống, bộ đồ tang trắng bê bết bùn sình. Người ta phủ lên cái mã đất của chú Tấn một lá cờ Việt Nam Cộng Hòa thật dài. Bốn phía có cắm bốn lóng trúc có gạo và muối. Tôi phải dẫn con Lan và thằng Dũng về nhà. Nước mắt tôi tuôn rơi. Cuộc sống chúng tôi đang êm đềm hiền hòa, thì tại sao người ta phải tấn công thôn ấp, giết hết người nầy người nọ. Để làm gì?

Miền Nam độc lập tự chủ, có ai chiếm đóng miền Nam đâu, mà phải giải phóng chúng tôi. Cuộc đời dân miền Nam không hạnh phúc, sung sướng gấp chục lần dân miền Bắc hay sao? Tại sao các người phải giết chú Tấn của chúng tôi để cho cuộc đời mẹ con thằng Dũng từ đó ảm đạm, sa sút hẳn đi. Thím Tấn khóc hoài không dứt... Năm sau, gia đình tôi dời đi chỗ khác. Tôi ít được gặp lại Thím Tấn, thằng Dũng và con Lan.

Năm năm sau, tôi mới được về thăm ấp cũ, tôi mừng rỡ gặp lại thím Tấn và hai đứa con. Bây giờ ngày nào thím cũng phải ra chợ bán tương chao nuôi con. Thằng Dũng vẫn còn nhớ tôi nhưng con Lan thì không nhận ra tôi nữa. Sau nầy tôi có dịp tiếp xúc với nhiều binh chủng oai hùng khác của quân lực VNCH, nhưng lòng tôi vẫn còn nhớ về các chú Nghĩa Quân hiền lành mà tôi đã biết năm nào. Hơn phân nửa các chú đã nằm xuống để bảo vệ làng xóm, quê hương tôi. Số còn lại có người gãy chân, có người cụt tay, sống đời tàn phế. Việt Cộng đã chà đạp lên Hiệp Định Hòa Bình Paris mà họ vừa ký kết năm 1973, cưỡng chiếm miền Nam vào năm 1975, đưa cả nước xuống 10 tầng địa ngục.

Một cảnh Huynh đệ chi binh, dìu bạn bị thương.

Thân tôi giờ xa xứ xa quê, đã hiểu được ý nghĩa sự hy sinh cao cả của các anh, các chú quân nhân quân lực miền Nam, thỉnh thoảng tôi nhớ lại các chú lính Nghĩa Quân tôi quen biết mà thấy lòng thương lắm. Cùng với bao nhiêu binh chủng khác của quân đội, các chú âm thầm lặng lẽ hy sinh, cho dân chúng trong ấp tôi được sống trong yên bình. Các chú đem xương máu ra bảo vệ nền tự do, dân chủ mới được thành hình trên miền Nam yêu dấu.

Các chú đã nằm xuống - bỏ lại con thơ, vợ dại - để ngăn cản bọn quỷ đỏ hung tàn trong công cuộc tiến chiếm miền Nam, áp đặt cả nước trong một chế độ độc tài, hung bạo, không lối thoát. Các chú đã đem sinh mạng, xương máu của mình, để ngăn cản bọn bán nước buôn dân đày đọa cả dân tộc, và đưa đất nước Việt Nam đi ngược dòng tiến hóa của nhân loại. Các chú đã anh dũng hy sinh, ngăn cản bọn CSVN chiếm đoạt đất nước làm tài sản riêng tư cho đảng, rồi tự ý dâng hiến đất đai, hải đảo của tiền nhân cho quan thầy Trung Cộng.

 photo KGrHqRnsE63V3f09BO1R7k5Vg60_3.jpg
Canh giữ xóm làng.

Hỡi cô bác, hỡi anh chị ơi! Nếu vị nào may mắn, có cuộc sống bình yên xin đừng quên các chú lính Nghĩa Quân đang sống đời tàn phế. Xin đừng quên các chú Nghĩa Quân đã lặng lẽ hy sinh để bảo vệ tự do, dân chủ cho dân tộc Việt Nam. Xin đừng quên vợ con họ, bị bỏ lại sau lưng với cuộc đời đau khổ.

Nguyễn Thanh Thủy

(Bài nầy được viết dựa vào những sự kiện có thật. Vì sự an toàn của một số người còn kẹt lại, tác giả tạm thời không đề cập đến những địa danh và tên người cần thiết trong bài nầy.

http://www.vietlist.us/VietHistory/nguoilinhnghiaquan.shtml


 









 

 photo Regional Forces soldier.jpg
Người lính Nghĩa Quân VNCH - Phan Thiết 1968
Regional Forces soldier ARVN

 

 



Người Lính Địa Phương Quân Và Nghĩa Quân Trong Những Ngày Hấp Hối Tháng 4-75 Tại Bình Thuận


Thời VNCH (1955-1975), Quân Đoàn 2 chiếm một lãnh thổ có diện tích lên tới 78.841 km2, rộng nhất trong bốn vùng chiến thuật. Bộ Tư Lệnh đóng tại Pleiku, còn hai Bộ Chỉ Huy Tiếp Vận 2 và 5 thì ở Qui Nhơn và Nha Trang - Cam Ranh, còn có hai Sư Đoàn 2 và 6 Không Quân Chiến Thuật đóng tại Pleiku và Nha Trang. Các phi trường Nha Trang, Bửu Sơn, Phù Cát và Cù Hanh rộng lớn tối tân. Vùng II Chiến Thuật bao gồm 12 tỉnh Cao Nguyên và duyên hải trung phần, trong đó quan trọng và cũng có nhiều phiến cộng nằm vùng, nhất là Bình Thuận - Bình Định.

Để xâm lược miền nam, cộng sản Bắc Việt cho mở lại con đường giao lộ đã có sẵn từ thời toàn dân kháng chiến chống Pháp 1945-1954, thành con đường chiến lược mang đủ thứ tên trong đó có Hồ Chí Minh, xuất phát từ Hà Nội vào tới Cà Mâu dài trên 2000 cây số. Con đường khai sinh đồng thời với cái mặt trận ma Giải Phóng Miền Nam sau khi vượt qua vùng phi quân sự ở Bến Hải, men theo rặng Trường Sơn, tới Đỗ Xá, Kòn Tà Nừng, Chulya, Khánh Hòa. Tại đây đường phân làm hai nhánh:
- Nhánh một đi ngược lên Lâm Đồng, Quảng Đức, Phước Long về Sài Gòn.
- Nhánh hai tới Ninh Thuận, Bình Thuận, Rừng lá, rừng sát, Biên Hòa…

Sau ngày binh biến 1-11-1963, VNCH gần như vô chính phủ, rối nát tan hoang do đám kiêu tăng loạn tướng gây ra,Việt cộng lợi dụng trong lúc chính quyền VNCH bõ ngõ, đã cho tuồn vào miền nam với số cấp quân tăng gấp bội tại các vùng xa xôi, cài đặt phiến quân Việt cộng nằm vùng khắp nơi và đánh phá dữ dội, mãi tới cuối năm 1967 khi tướng Nguyễn Văn Thiệu đắc cử Tổng Thống VNCH, tình thế mới tạm ổn định về mặt nổi, nhưng mặt chìm việc chúng cho cài dặt tình báo, đăc công VC nằm vùng, VNCH cũng chưa dẹp được.

Bình Thuận là một trong các tỉnh ở miền Trung cùng chịu nhiều nạn kiếp, khiến cho tình hình an ninh toàn tỉnh kể luôn thị xã Phan Thiết tồi tệ đến mức ai nghe tới cũng sợ khi phải tới miền đất này. Dù Tết Mậu Thân 1968, Việt Cộng tấn công Phan Thiết ba lần bị thất bại, không có cơ hội tắm máu đồng bào như tại Huế theo mong muốn của một số Việt công nằm vùng và có người thân ra bưng, tập kết nhưng hoàn cảnh lúc đó hết sức bi quan, 95% lãnh thổ bị địch chiếm, vùng còn lại ban ngày là của ta và thuộc về giặc ban đêm.

Tại Phan Thiết, Việt cộng về ám sát, đốt, tấn công các trụ sở ấp Đức Nghĩa, Phú Trinh, Hưng Long, Đức Long... coi như chỗ không người, thậm chí ngay trong Tòa Hành Chánh và tiểu khu, tỉnh trưởng khi di chuyển cũng phải có hộ tống và cận vệ. Các viên chức xã ấp, công chức, cảnh sát kể luôn các cấp chỉ huy Xây Dựng Nông Thôn, Nghĩa Quân, Địa Phương Quân... ban đêm phải di chuyển chiến thuật tới các vùng tạm có an ninh ở Sông Mao, Phan Thiết, Mũi Né để ngủ giữ mạng. Các đồn bót trong tỉnh luôn bị tấn công, Việt cộng pháo kích bạt mạng vào thành phố, huyện lỵ và tàn nhẫn gài mìn khắp nơi, khiến cho thường dân vô tội bị chết oan hằng ngày khi di chuyển cũng như lúc ra đồng làm ruộng.

Các trục giao thông tại Quốc Lộ 1, Liên Tỉnh Lộ 8, Tỉnh Lộ Phan Thiết - Mũi Né.. bị tắt nghẽn, nhiều trạm thu thuế gần như công khai của Việt cộng tại cây số 25, Thiện Giáo, Tuy Hòa, Tà Dôn, Đá Ông Địa, Vĩnh Hảo... làm cho mọi người lo sợ, phải dùng phương tiện ghe thuyền thay vì đi xe đò. Đã vậy trong tỉnh còn thêm vụ học sinh các trường trung học xuống đường biểu tình đòi Mỹ rút về, kêu gào bảo vệ đạo pháp và các thầy cha, và còn thêm màn mổ bụng rạch ngực viết huyết thư, tạo đủ đắng cay máu lệ cho người dân vô tội trong cảnh chiến tranh tận tuyệt.

Tóm lại, theo lượng giá của Đại Tá Ngô Tấn Nghĩa, trong ngày nhậm chức Tỉnh Trưởng vào mùa thu 1969 thế Đại Tá Đàng Thiện Ngôn, thì Bình Thuận và Phan Thiết lúc đó sắp lọt vào tay Việt cộng. Theo Trung Tá Ngô Văn Xuân, nguyên Tiểu Đoàn Trưởng TĐ 2, Trung Đoàn 44, Sư Đoàn 23 Bộ Binh từng tham chiến nhiều ngày tại Bình Thuận, thì chính Đại Tá Ngô Tấn Nghĩa, một sĩ quan dầy kinh nghiệm trong chức vụ Trưởng Phòng 2 Quân Đoàn 2 nhiều năm, qua nhiều vị tư lệnh, đã thành công trong việc tách rời các cơ sở cũng như vô hiệu hóa Việt Cộng tại địa phương, từ đó cho tới ngày miền nam bị sụp đổ vào tháng 4-1975. Chính các lực lượng Địa Phương Quân và Nghĩa Quân đã góp phần lớn máu xương trong việc bảo vệ an ninh và mạng sống của đồng bào trong tỉnh, cho tới những giây phút cuối cùng trong đêm 18 tạng ngày 19-4-1975.

Họ là những chiến sĩ của QLVNCH không tên với những chiến công hiển hách, đã đánh những trận để đời như sử gia Chánh Đạo đã hết lòng khen ngợi trong tác phẩm “55 Ngày Đêm - Cuộc Sụp Đổ Của VNCH”. Tôn vinh cuộc chiến đấu trên là cách trả lời cao thượng nhất để tri ân và lấy lại uy tín cũng như danh dự cho người lính miền nam, những người đã vì nước vì đời, mà tự tìm lấy cái chết bình thản tại chiến trường, cũng như ngay lúc giặc đã tràn ngập.

1. NHỮNG NGƯỜI LÍNH ĐỊA PHƯƠNG QUÂN & NGHĨA QUÂN/QLVNCH
Tại Bình Thuận vào năm 1952, trước ngày đình chiến, Quân Đội Quốc Gia đã thành lập hai Trung Đoàn Vệ Binh, mỗi Trung Đoàn có 5 Đại Đội. Trung Đoàn số 2 đóng tại Phan Rí, Trung Đoàn số 4 đóng tại Phan Thiết.
Đầu năm 1953, các Trung Đoàn Vệ Binh được biến đổi thành Tiểu Đoàn Bộ Binh. Do đó, Trung Đoàn Vệ Binh số 4 thành Tiểu Đoàn 264 B1 (Bataillon d’infanterie), còn Trung Đoàn 2 thành Tiểu Đoàn 265 B1.
Ngày 1-8-1954 lại thành lập Trung Đoàn 404 Bộ Binh tại Phan Thiết với các Tiểu Đoàn 83 (nguyên TĐ 264 B1), Tiểu Đoàn 84 (nguyên TĐ 265 B1) và TĐ 808 biệt lập đóng tại Phan Thiết.

Đầu năm 1955, Trung Đoàn 404 được cải danh là Trung Đoàn 43 Bộ Binh với các TĐ 1/43 (83), 2/43(84) và 3/43(808) thuộc Sư Đoàn 15 Khinh Chiến, từng tham dự các chiến dịch tiểu trừ Bình Xuyên, Hòa Hảo năm 1955 tại Nam phần.
Từ năm 1964 Trung Đoàn 43 biệt lập qua các Trung Đoàn Trưởng tài danh như Thiếu Tá Võ Văn Cảnh, Thiếu Tá Quách Đăng, Trung Tá Lý Bá Phẩm, Đại Tá Đàm Văn Quý... trấn đóng tại Biệt Khu Bình Lâm, sau đó di chuyển vào nam.

1966 cùng với các Trung Đoàn Biệt Lập 48 Bộ Binh, 52 Bộ Binh thành lập Sư Đoàn 10 Bộ Binh, sau đổi thành Sư Đoàn 18 Bộ Binh vào tháng 4-1975, dưới quyền chỉ huy của Thiếu Tướng Lê Minh Đảo, đã tạo nên chiến thắng Xuân Lộc vang lừng trong Việt Sử Cận Đại.
Cũng tại Bình Thuận vào tháng 7/1954 có 4,800 quân nhân người Nùng, thuộc Sư Đoàn 3 Khinh Chiến của Đại Tá Woàng A Sáng từ miền bắc di cư vào đóng tại Sông Mao, nhưng cũng chỉ một thời gian ngắn lại di chuyển vào Tam Hiệp, Biên Hòa, sau đó đổi thành Sư Đoàn 5 Bộ Binh. Để thay thế, Trung Đoàn 44 và 53 thuộc Sư Đoàn 23 Bộ Binh, hậu cứ đóng tại Sông Mao thường xuyên hành quân bảo vệ Bình Thuận và Ninh Thuận.

Từ đầu năm 1970, hầu hết các thành phần cơ sở, du kích Việt cộng kể luôn chính quy Việt cộng gần như bị tiêu diệt, khiến cho quân khu 7 Việt cộng, trong đó có tỉnh Bình Thuận do tướng Bắc Việt Nguyễn Văn Ngàn chỉ huy cũng lâm vào tuyệt lộ. Để vớt vát cũng như vực dậy niềm tin của cán binh, cán bộ, Việt cộng sử dụng hai Tiểu Đoàn chính quy miền bắc là 481 và 482 tấn công vào Trung Đoàn 44 Bộ Binh tại Sông Mao từ tháng 7-10/1970, đồng thời thường xuyên tổ chức các cuộc phục kích, phá rối trên Quốc Lộ 1, từ đoạn đường cây số 25 nam về tới Phan Thiết và khúc ngang qua mật khu Lê Hồng Phong, từ Long Thành tới Lương Son, Chợ Lầu và phía bắc trong quận Tuy Phong.

Thời gian này Bình Thuận còn có sự yểm trợ của Chi Đoàn 3/8 Thiết Kỵ/QLVNCH và Tiểu Đoàn 3 thuộc Lữ Đoàn 506 Nhảy Dù Hoa Kỳ và Toán Viễn Thám Lực Lượng Đặc Biệt/Bộ Tổng Tham Mưu/Quân Lực VNCH, hải pháo Mỹ ở ngoài khơi, các phi tuần Mỹ - Việt luôn tiếp ứng tỉnh mau lẹ và cấp thời, nên đã bẻ gãy tất cả.
Nhưng rồi giai đoạn Việt Nam Hóa Chiến Tranh và Hiệp Định Ngưng Bắn 1973 đã thành hình, theo đó, các đơn vị chủ lực của VNCH cũng như Hoa Kỳ đều rời tỉnh vào cuối năm 1971 hoặc hồi hương hay nhận nhiệm vụ mới, giao công cuộc bình định và gìn giữ an ninh cho các đơn vị Địa Phương Quân và Nghĩa Quân của tỉnh lúc đó lên tới 13.000 người đảm trách.

Để chống địch bằng cây nhà lá vườn, Đại Tá Nghĩa đã áp dụng chiến lược mọi người đều phải RA TIỀN TUYẾN kể cả các trưởng ty sở, phó tỉnh trưởng, phó quận... không bỏ đồn bót lẻ loi cho giặc về đêm. Theo lời các nhân chứng hiện ở Hoa Kỳ như Phạm Ngọc Cửu phó tỉnh trưởng, Trung Tá Dụng Văn Đối quận trưởng Hòa Đa rồi Hàm Thuận, Đại Úy Mai Xuân Cúc ĐĐT/ĐĐ 948 Địa Phương Quân.. thì chính Đại Tá Nghĩa là người đầu tiên xung phong làm gương mẫu cho thuộc cấp, ông đã noi gương cố Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu luôn xông xáo tại chiến trường khi dấu binh lửa, bom đạn còn ngun ngút, Đại Tá Nghĩa đã lần lượt ngủ đêm tại 173 trong tổng số 197 tiền đồn hẻo lánh và nguy hiểm của tỉnh, do các tiểu Trung Đội Nghĩa Quân hoặc toán Xây Dựng Nông Thôn trấn giữ. Nhờ vậy đã tạo được nềm tin trong quân đội cho tới khi mất nước.

Một chiến thuật khác cũng vô cùng hiệu quả, đó là sử dụng hàng rào mìn claymore làm ấp chiến lược lưu động. Với phương pháp này đã làm Việt cộng bị tổn thất nặng và gần như hoàn toàn tê liệt, bẻ gãy kế hoạch nuôi ăn cán binh vì ai cũng sợ toi mạng khi vướng mìn vào ban đêm khi ra vào ấp.

Song song còn có chương trình "đập cỏ bắn rắn", tức là ủi quang hai bên Quốc Lộ 1 từ cây số 25 nam Phan Thiết cho tới Cà Ná, giáp giới Ninh Thuận, các vùng cây cỏ rậm rạp mà trước đây Việt cộng dùng làm địa bàn để hoạt động quân sự, thu thuế, phục kích, chặn xe đò... chương trình "đập cỏ bắn rắn" đã mang lại tình hình an ninh hoàn toàn trong tỉnh và tại thị xã Phan Thiết.
Cũng kể từ đó cho tới hồi tàn cuộc, cán bộ xã ấp, công chức không còn phải sống lưu vong và việc Tổng Thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu tới Phan Thiết cùng với Tỉnh Trưởng săn bắn ban đêm ngay trên địa bàn của mật khu Lê Hồng Phong, hay đi xe jeep trên Quốc Lộ 1 từ Phan Thiết về Phan Rang như lời tự sự của Trung Tá Ngô Văn Xuân, Trung Đoàn Trưởng Trung Đoàn 44, Sư Đoàn 23 Bộ Binh, trong Quân Sử VNCH, là một xác nhận đáng khích lệ.

Từ sau Hiệp Định Ngưng Bắn 1973, lực lượng Địa Phương Quân và Nghĩa Quân đã được tổ chức và phối trí lại để phù hợp với hoàn cảnh hiện tại. Quyền chỉ huy trực tiếp thuộc Tiểu Khu, chi khu và các phân chi khu. Quân số cũng được cải tổ từ cấp đại đội thành tiểu đoàn, liên đội và Liên đoàn.

Tính đến năm 1973, Quân Lực VNCH đã có 360 Tiểu Đoàn Địa Phương Quân, quân số từ binh sĩ, Hạ Sĩ Quan tới Sĩ Quan một số là chủ lực quân biệt phái, nên có rất nhiều kinh nghiệm chiến đấu, có đủ khả năng thay thế các Sư Đoàn Bộ Binh kề cả các Lực Lượng Tổng Trừ Bị trong các cuộc hành quân cơ động quy ước chiến, đáp ứng sự hổ trợ đắc lực cho các đơn vị chủ lực. Theo tài liệu từ quân sử, cho tới tháng 4-1975, lực lượng Địa Phương Quân - Nghĩa Quân gần 500.000 người và số tử vong cũng nhiều lần so với các lực lượng chủ lực, điều đó chứng tỏ sự chiến đấu dũng mãnh và can trường của họ.

Trong Hiệp Định Paris năm 1973, có điều khoản cắm cờ nhận đất vào giờ N và Bình Thuận được coi là thí điểm, nơi Việt cộng miền Bắc luôn đòi trở thành vùng vỹ tuyến. Các xã giáp tỉnh lỵ như Đại Nẵm, Phú Long, Tuy Hòa, Phú Lâm có nhiều thành phần nằm vùng và người thân vào bưng hoặc tập kết, nên luôn là địa điểm tin cậy để giặc đóng quân hay đặt Bộ Chỉ Huy. Với quân số lúc đó là 13.000 Địa Phương Quân - Nghĩa Quân, nhưng vì phải bảo vệ 197 ấp nên đã dàn mỏng, trong khi Việt cộng luôn tập trung được ba Tiểu Đoàn Địa Phương, ngoài ra còn có một Trung Đoàn chủ lực từ Quân Khu 6 tăng phái và cán binh cơ sở, nên tình thế lúc đó cũng thật nguy hiểm. Rồi giờ G cũng tới, Việt cộng tấn công một lúc 13 ấp trong tỉnh nhưng nặng nhất là tại ấp Đại Tài, xã Đại Nẳm.

Nhờ đã chuẩn bị trước, nên sau hai ngày giao tranh, Việt cộng thất bại trong âm mưu cắm cờ giành đất, một phần là do đồng bào có ý thức quốc gia không chịu hợp tác hay đồng khởi, phần khác sợ tai bay đạn lạc nên đã bồng bế nhau tản cư khỏi vùng chiến địa theo lời kêu gọi của tỉnh qua truyền đơn và đài phát thanh. Cuối cùng các ấp xã chỉ còn thuần túy là chiến địa, điểm hợp đồng của pháo binh và phi pháo, trước khi các đơn vị Địa Phương Quân - Nghĩa Quân mở cuộc tấn công, làm Việt cộng phải lẫn trốn, mang theo nhiều xác chết đồng bọn khi tháo chạy sau hai ngày giao tranh đẫm máu, nhưng vẫn bỏ lại tại ấp Đại Tài, xã Đại Nẳm 121 xác chết..

2. NHỮNG NGÀY CUỐI CÙNG TẠI BÌNH THUẬN
Ngày 7-4-1975, Tướng Phạm Văn Phú Tư Lệnh Quân Đoàn 2 từ Nha Trang đáp trực thăng ghé thăm Bộ Chỉ Huy tiểu khu Bình Thuận lúc đó đang đóng tại lầu ông Hoàng, thuộc xã An Hải quận Hải Long. Lúc này, Tướng Phú đã bị tước chức Tư Lệnh Quân Đoàn 2 và do Tướng Nguyễn Văn Hiếu thay thế. Tình hình đã bắt đầu hỗn loạn vì Ninh Thuận, Bình Thuận đã trở thành vùng hỏa tuyến.

Sau này tại hải ngoại, có dịp tiếp xúc với những giới có thẩm quyền của Bình Thuận trong phút giờ hấp hối như Đại Tá tỉnh trưởng Ngô Tấn Nghĩa, ông Phạm Ngọc Cửu phó tỉnh trưởng, Trung Tá Dụng Văn Đối, quận trưởng Hàm Thuận và các Đại Úy Nguyễn Chánh Trúc, Đại Đội Trưởng giữ cầu Phú Long nhưng quan trọng nhất là tự sự của Đại Úy Mai Xuân Cúc, Đại Đội Trưởng ĐĐ 948 Địa Phương Quân là đơn vị giữ an ninh trong thị xã Phan Thiết cho tới giờ phút cuối cùng.

Tóm lại, không giống như nhiều tỉnh thị khác, Bình Thuận vào những giờ phút hấp hối, đã không có những trận đánh không có đại bàng như một tác giả nào đã viết trong mấy năm trước, vì tất cả đại bàng từ cấp thấp nhất như Thiếu Úy Phùng Thế Xương Phân Chi Khu trưởng Phân Chi Khu Hòa Vinh, Trung Úy Lê Ngữ Phân Chi Khu Trưởng Phân Chi Khu Thiện Khánh cho tới các đại bàng cao cấp ở quận như Trung Tá Dụng Văn Đối, Thiếu Tá Phạm Minh, trung tâm trưởng Trung Tâm Tiếp Vận. Các vị Phó tỉnh trưởng, quận trưởng, trưởng ty và trên hết là Đại Tá tỉnh trưởng Ngô Tấn Nghĩa đều không bỏ chạy.

Sự sụp đổ nhanh chóng của QLVNCH bắt đầu từ khi Ban Mê Thuột thất thủ, tiếp theo là cuộc di tản đẫm máu trên Liên Tỉnh Lộ 7-B và Quân Đoàn 1, cuộc lui binh tại Qui Nhơn, Quảng Ngãi... khiến cho vòng vây bao quanh Sài Gòn càng lúc càng thu hẹp. Mặt bắc, Phan Rang và Phan Thiết trở thành vùng hỏa tuyến phải đương đầu với nhiều lộ quân hùng hậu của cộng sản Bắc Việt có đầy đủ xe tăng, pháo hiện đại do Liên Xô, Trung Cộng và các nước Động Âu trong toàn khối Cộng Sản Quốc Tế viện trợ, trong lúc đó, VNCH đang lâm vào tuyệt lộ vì đồng minh Hoa Kỳ đã cúp viện trợ đạn dược, xăng nhớt và phương tiện chiến đấu. Ngoài ra còn đem danh lợi làm cò mồi cho một số tướng lãnh miền nam bỏ nước ôm của chạy, khiến cho QLVNCH bốn bề thọ địch, chỉ còn chờ chết mà thôi.

Ngày 4-4-1975, hai tỉnh còn lại của Quân Đoàn 2 là Ninh Thuận và Bình Thuận được sáp nhập vào Quân Đoàn 3 lúc đó do Tướng Nguyễn Văn Toàn làm tư lệnh, bổ nhiệm Thiếu Tướng Nguyễn Vĩnh Nghi làm Tư Lệnh Tiền Phương Quân Đoàn 3, chỉ huy mặt trận Phan Rang, vốn là quê hương của Tổng Thống Thiệu. Trong dịp này Phan Thiết cũng được tăng cường Trung Đoàn 6 và một pháo đội thuộc Sư Đoàn 2 Bộ Binh vừa di tản từ Quãng Ngãi vào Bình Tuy.

Tại Phan Thiết, thời gian này đã có cuộc giao tranh ác liệt với Trung Đoàn 812 chính quy và các tiểu đoàn địa phương Việt cộng, nhưng đã giữ vững được phòng tuyến nhờ sự yểm trợ của phi pháo và hỏa pháo VNCH.
Ngày 16-4-1975 mặt trận Phan Rang tan vỡ, các tướng lãnh Nghi, Sang, Đại Tá Nguyễn Thu Lương và nhiều sĩ quan cao cấp khác của VNCH bị bắt làm tù binh. Từ đó Bình Thuận là chiến tuyến về hướng tây bắc, phía nam Bình Tuy vẫn còn nhưng đường bộ bị bít vì giao tranh long trời lỡ đất đang nổ tung tại Xuân Lộc, Long Khánh từ ngày 9/4/1975 cho tới 14/4/1975.

Vào ngày 2/4/1975, Đại Đội 948 Địa Phương Quân đang đóng tại Ấp Hiệp Hòa, xã Chợ Lầu, quận Hòa Đa thì được lệnh Trung Tá quận trưởng Kiều Văn Út theo chỉ thị của P3 Tiểu Khu, về tăng cường thị xã Phan Thiết, nhưng đóng quân tại trường Nông Lâm Súc Phú Long, bảo vệ Trung Đội pháo binh đóng gần cầu đang yểm trợ hỏa pháo cho chi khu Thiện Giáo.

Ngày 3-4-1975, đoàn di tản từ Nha Trang - Đà Lạt về trong đó có đủ mọi quân binh chủng kể luôn trường Võ Bị Quốc Gia, nổ súng bắn loạn xạ làm cho dân chúng sợ hãi và trước khi ra đi đã cướp bóc cũng như đốt chợ lớn Phan Thiết được xây dựng từ năm 1899. Lúc này tại khu vực Phú Long và các vùng lân cận, ngoài Đại Đội 948 của Đại Úy Cúc từ Hòa Đa về tăng cường, còn có Đại Đội 283 Địa Phương Quân của Đại Úy Nguyễn Văn Ba giữ Tuy Hòa, DD 3/TD 249 Địa Phương Quân của Đại Úy Hòa phụ trách xã Hòa Vinh, nên tình hình an ninh cũng khả quan, ngoài các vụ pháo kích, bắn sẻ vào ban đêm mà thôi.

Vào ngày 15-4 75 chi khu Thiện giáo tại huyện lỵ Ma Lâm được lệnh di tản chiến thuật vì không chịu nổi đại pháo 130 ly của Việt cộng. Các đơn vị của chi khu do Đại Úy Lê Văn Tuân, Chi Khu phó chỉ huy đoàn xe, qua cầu Phú Long về Phan Thiết. Ngày 16-4-75 lại thêm một đoàn quân xa đông đảo gồm đủ mọi thứ binh chủng như Dù, Biệt Động Quân, Sư Đoàn 2 Bộ Binh, Địa Phương Quân... từ Phan Rang cũng qua cầu Phú Long, để di tản về Sài Gòn sau khi Ninh Thuận mất.
Lúc này tình hình trong thị xã Phan Thiết đã bắt đầu hỗn loạn, nhiều gia đình kể cả công chức đã cuốn gói ra đi bằng thủy lộ, trong phố hầu như chỉ còn lại người nghèo không có phương tiện đào sanh, các hàng cột đèn không có chân và lính, cảnh sát, và đoàn Xây Dựng Nông Thôn ở lại mà thôi.

Từ ngày 10/4/75 Đại Đội 948 Địa Phương Quân của Đại Úy Cúc đổi vùng, di chuyển về đóng cạnh căn cứ của Duyên Đoàn 28 Hải Quân sát cửa Thương Chánh thuộc ấp Vĩnh Phú, để bảo vệ cho Bộ Chỉ Huy hành quân của Trung Tá Trì, TKP/TKBT. Lúc đó Đại Tá Nghĩa cho thành lập hai Bộ Chỉ Huy hành quân, Bộ Chỉ Huy chánh do ông trực tiếp điều động toàn bộ lực lượng Địa Phương Quân - Nghĩa Quân đóng tại Lầu ông Hoàng, còn TKP làm việc với các phòng 2,3 hành quân. Cũng trong ngày, Đại Úy Cúc nhận lệnh trực tiếp từ Đại tá Nghĩa, dẫn Đại Đội 948 Địa Phương Quân biệt phái cho yêu khu châu thành tại trại Đinh công Tráng của Thiếu Tá Cư, trước sân vận động Quang Trung, nằm kế một phân đội YTQC sát trường Trung Học tư thục Bạch Vân và Dân Y Viện Phan Thiết. Lúc này Việt cộng đã pháo kích nhiều hỏa tiễn 122 ly vào phố, các khu vực quanh Tiểu Khu và Tòa Hành Chánh thường hứng đạn. Sở dĩ Việt cộng bắn rất chính xác vì Tiền Sát Viên của chúng là bọn nằm vùng:
- Một tên giả làm ngư ông câu cá dưới chân cầu Phan Thiết,
- Tên khác là cận vệ của Đại Tá Nghĩa,
- Một tên nữa làm tùy phái cho Tòa Hành Chánh...

Theo Đại Úy Cúc, thì Phan Thiết lúc đó hầu như chỉ còn có lính mà thôi, Đại Đội 948 Địa Phương Quân phòng thủ ấp Đại Tài, Đại Đội 206 trinh sát tỉnh của Đại Úy Lê Văn Trò giữ xã Tường Phong, kế đồn Trinh Tường, xa hơn có Tiểu Đoàn 202 Địa Phương Quân do Đại Úy Nguyễn Văn Hoàng, thế thiếu tá Bích làm XLTV tiểu đoàn trưởng, đóng tại Phú Hội và vùng giáp ranh với Đại Nẳm. Trên Liên Tỉnh Lộ 8, Tiểu Đoàn 275 Địa Phương Quân bao vùng từ cầu Bến Lội, xã Lại An trên Quốc Lộ 1, qua tới các ấp Tân An, Tân Điền trên đường Phan Thiết - Ma Lâm. Về phía nam giao cho một Đại Đội/Địa Phương Quân và một Liên Đội Nghĩa Quân giữ cổng chữ Y, bảo vệ các ấp Kim Hải, Bình Tú và Đức Long.

Trong phố, phần an ninh được giao cho các đơn vị Nghĩa Quân và Nhân Dân Tự Vệ do Thiếu Tá Nguyễn Thanh Hải, xã trưởng xã Châu Thành Phan Thiết chỉ huy. Tại Bộ Chỉ Huy Cảnh Sát Bình Thuận nằm trên đường Cao Thắng, phía sau Câu Lạc Bộ Sĩ Quan và Trung Tâm Tiếp Vận, là phần phòng thủ của một tiểu đoàn Cảnh Sát Dã Chiến do Trung Tá trưởng ty điều động. Tại Quân Y Viện Đoàn Mạnh Hoạch không có đơn vị nào tăng phái bảo vệ, chỉ còn các quân nhân cơ hữu do Y Sĩ Đại Úy Lê Bá Dũng và Trung Úy Công, Sĩ Quan Chiến Tranh Chính Trị của Đơn vị chỉ huy.

Cũng theo lời Đại Úy Mai Xuân Cúc hiện ở Hoa Kỳ, một nhân chứng thật của Bình Thuận trong lúc đó, thì vị Thiếu Tá Chỉ Huy Trưởng Quân Y Viện Đoàn Mạnh Hoạch đã di tản chiến thuật về Sài Gòn từ đầu tháng 4/1975 khi Bình Thuận đang bước vào giờ thứ 25 định mệnh.

Trong ngày 17/4/75, Việt cộng pháo kích ban ngày lẫn đêm, một vài quả bích kích pháo và hỏa tiễn rơi rớt quanh các khu quân sự, trước tiểu đội quân cảnh điều tra tư pháp và ty bưu điện, thành phố thật sự đã chết, nhà nhà cài chặt cửa, chen chúc chui rúc dưới các hố thô sơ tránh đạn làm bằng bao cát mua ngoài chợ. Nơi nơi đều im vắng não nùng ngoại trừ khu vực cồn chà Đức Thắng vẫn còn hoạt động tấp nập vì ai cũng chạy.

Giờ N đã tới lúc 17g 30 chiều ngày 18-4-1975, phòng tuyến Phú Long vỡ nhưng cầu không phá kịp, tuy nhiên phía bên khu vực Phước Thiện Xuân, An Hải, kể cả Hải Long, Lầu ông Hoàng vẫn chưa vỡ tuyến, Đại Tá Nghĩa cùng Bộ Chỉ Huy vẫn đủ giờ di chuyển về cửa thương chánh, trong lúc ngoài khơi có hằng hà tàu chiến của Hải Quân VNCH nhưng không làm gì được vì tàu lớn không áp sát ven bờ được, hơn nữa sợ pháo kích như đã từng xảy ra ở Qui Nhơn, Phan Rang, Cà Ná... Bên Quốc Lộ 1, đoàn âm binh của Việt cộng miền bắc với xe tăng, pháo và hàng hàng lớp lớp cán binh cỡ lộ quân, chừng mấy chục ngàn người, ào ào hơn sóng cuộn cuồng phong di chuyển khắp các nẽo đường phố thị. Tất cả các phòng tuyến Địa Phương và Nghĩ Quân gần như bị đè bẹp trước đạn súng tối tân của Nga - Hoa.

Tại phòng tuyến ở Đại Tài, Đại Úy Cúc nhận được lệnh từ Thiếu Tá Cư, yếu khu trưởng trên máy PRC 25 cho biết: Việt cộng đã chiếm được Tòa Hành Chánh, Tiểu Khu nhưng tại Trung Tâm Tiếp Vận, Thiếu Tá Phạm Minh đã đốt được các kho quân nhu trước khi di tản, Bình Thuận coi như đã mất, Đại Đội 948 của Cúc được lệnh vượt sông Cà Ty để di tản về Bình Tuy.

Nửa đêm rạng sáng ngày 19/4/75, đại đội tới được xóm đạo Văn Lâm, từ đó lần về quận đường Hàm Thuận, mới biết Trung Tá Dụng Văn Đối Chi Khu Trưởng cùng Đại Úy Lê Viết Lợi Chi Khu Phó, cũng đã nhận được lệnh di tản. Đêm khuya thật là buồn, cả đại đội phần đói khát thêm lạnh run vì quần áo ướt sủng nước khi lội qua sông, nên tạm bố trí tại ngả hai Phú Lâm vào lúc 2 giớ sáng, để rồi khi tiếng gà đầu vừa cất thì mọi người cũng choàng dậy, băng Quốc Lộ 1, đi ngược về hướng Phú Khánh, Bình Tú để xuống bến tàu cạnh phi trường, đợi Hải Quân vào rước theo lệnh của TKBT.

Trong đêm 18/4/75, qua máy truyền tin vẫn còn liên lạc 24/24, Đại Úy Cúc biết được Thiếu Tá Cư yếu khu trưởng Châu Thành cùng Trung Tá Trí đã xuống được thuyền của Duyên Đoàn 28 Hải Quân. Theo Diệp Mỹ Linh trong tác phẩm "Hải Quân VNCH Ra Khơi Năm 1975" thì giữa lúc khói đạn mịt mùng, tàu Hải Quân 505 nghe tiếng cầu cứu của Đại Tá Nghĩa trong máy PRC 25 nhưng bất lực, tuy nhiên như lời ông Phạm Ngọc Cửu phó tỉnh trưởng, thì Đại Tá cuối cùng nhờ được một ghe đánh cá đưa ra tàu lớn và đã rớt xuống biển khi hai chiếc va chạm, cũng may mọi người cứu ông kịp thời.

Sáng ngày 19-4-75 tuy Việt cộng đã làm chủ Phan Thiết nhưng khu vực bến tàu thuộc ấp Kim Hải, phía sau Quân Y Viện Đoàn Mạnh Hoạch và phi trường vẫn còn thuộc quyền kiểm soát của QLVNCH, trên bãi có đầy lính đủ mọi quân binh chủng, từ Dù, Sư Đoàn 2, Biệt Động Quân tại mặt trận Phan Rang còn đọng lại, cho tới các đơn vị Địa Phương Quân -Nghĩa Quân tỉnh.

Cũng trong ngày 19-4-75, một chiếc L19 của Không Quân/VNCH bay trên thành phố, kêu gọi các lực lượng Địa Phương Quân - Nghĩa Quân đang bị thất lạc, phải tìm cách xuống bến tàu để được lực lượng Hải Quân Vùng 2 Duyên Hải cứu vớt đem về Nam. Một phi tuần F.5 có nhiệm vụ dội bom phá sập ba cây cầu trên dòng sông Mường Mán, hầu ngăn cản bước tiến quân của cộng quân nhưng đánh lạc vào ngả tư quốc tế, làm hư hại một vài căn nhà trên đường Gia Long, Ngô Sĩ Liên và Nguyễn Tri Phương.

Cuối cùng nhờ kỹ luật và bình tĩnh, tất cả các quân nhân mọi binh chủng có mặt trên bãi biển Bình Tú vào lúc 10 giờ sáng ngày 19-4-75 đều được vớt. Lúc đó thủy triều đang xuống nên đoàn tàu lớn phải đậu xa bờ hơn nữa cây số. Tuy nhiên nhờ những chiếc tàu đổ bộ LCM nên tất cả các đơn vị kể cả chi đoàn TQV thuộc thiết đoàn 8 kỵ binh hành quân tại Phan Thiết, cũng được theo tàu về nam, ngoại trừ một chiếc bị chìm tại bãi Vĩnh Phú.

Tóm lại, đoàn tàu Hải Quân thuộc Bộ Tư Lệnh vùng 2 duyên hải đã hoàn thành nhiệm vụ, chở hơn 3,000 quân nhân các cấp thuộc Địa Phương Quân - Nghĩa Quân Bình Thuận trong đó có Ðại Ðội 948 Địa Phương Quân của Đại Úy Mai Xuân Cúc, cùng các lực lượng Dù, Biệt Ðộng Quân, Sư Ðoàn 2 Bộ Binh và mọi quân binh chủng tham chiến tại Phan Thiết – Phan Rang trong những giớ phút hấp hối ngày 19-4-1975, đoàn tàu Hải Quân đã cặp bến Vũng Tàu an toàn lúc 3 giờ sáng ngày 20-4-1975 và các đơn vị lại được Ðại Tá Ngô Tấn Nghĩa tiếp rước hướng dẫn, vào trú đóng tại doanh trại cũ của Trung Đoàn 43/Sư Ðoàn 18 Bộ Binh ở Bà Rịa, cùng góp phần tham chiến với các đơn vị bạn tại đây cho tới ngày tàn cuộc.

Riêng Trung Tá Dụng Văn Đối, quận trưởng Hàm Thuận, ngày 18-4-1975 cho người đốt các kho đạn, kho quân tiếp vụ, sau đó cùng Liên Đoàn Địa Phương Quân - Nghĩa Quân, một pháo đội và một chi đội Thiết Giáp V100, mở cuộc hành quân từ Hàm Thuận vào tới Bà Rịa một cách an toàn. Đoàn quân di tản này được bổ sung cho Sư Đoàn 22 Bộ Binh chiến đấu tại Bến Lức Long An, cho tới ngày tàn cuộc.

Như vậy, trong những ngày cuối cùng QLVNCH đã có hai cuộc lui binh thành công:
- Một: Cuộc lui binh tại bến tàu Kim Hải, Phan Thiết do Bộ Tư Lệnh/V2DH thực hiện, vớt Địa Phương Quân - Nghĩa Quân - Bình Thuận và nhiều quân binh chủng tham dự trận Phan Rang.
- Hai: Cuộc lui binh bằng đường bộ từ Long Khánh về Phước Tuy của Sư Ðoàn 18 Bộ Binh và các đơn vị do Thiếu Tướng Lê Minh Đảo chỉ huy.

Đời lính với sống chết trong gang tấc, những thanh niên thời đại VNCH họ đã làm tròn nhiệm vụ và làm hơn cả những gì họ có thể làm để bảo vệ miền nam và người dân miền nam, thời gian càng lúc càng sáng tỏ chính nghĩa của họ khi mặt thật của bọn cộng sản Hà Nội trơ trẽn lộ ra: hại dân, bán nước và hèn nhát.

Mường Giang




 photo amcr2p_zpswxlzxq49.jpg

 

Đọc thêm về những người lính Nghĩa Quân và Địa Phương Quân

 



Nghĩa Quân
https://caybut2.blogspot.com/2016/06/nghia-quan.html

 

 photo Địa Phương Quân và Nghĩa Quân
https://caybut2.blogspot.com/2017/02/ia-phuong-quan-va-nghia-quan.html

 

 

No comments:

Post a Comment