Lính Cứu Hỏa
Lính Cứu Hỏa đang dập tắt những đóm lửa tàn sau vụ cháy xe bồn chở ga propane tại Dagneux, Pháp – 7/5/2007. (hình)
Từ thời cổ đại đã từng có những người sống trong các bộ lạc chuyên về phòng cháy và chữa cháy, kể từ khi con người biết dùng lửa từ Phi châu… cho đến phát minh ra ống phun nước (còn gọi là vòi rồng) vào năm 1672 do một người xứ Hòa Lan, ông Jan Van der Heiden mà cấu trúc là một vòi phun bằng đồng và ống dẫn nước làm bằng da thú dài 15 mét với các mối nối giữa các ống bằng kim loại mà ngày nay những kích thước đó vẫn còn được xem như là tiêu chuẩn cho các dụng cụ chữa lửa.
Tổ chức lính cứu hỏa tại Pháp
Được thành lập chính thức vào thời Napoléon do từ một nhóm lính công binh kiến tạo, từ đó tổ chức của các đơn vị cứu hỏa cũng dựa trên cấu trúc của quân đội như cấp bậc, danh hiệu và họ được gọi là "lính" cứu hỏa. Được chia ra làm 5 đơn vị chính: cứu hỏa, cứu hỏa của các doanh nghiệp, cứu hỏa đường thủy, cứu hỏa đường không, cứu hỏa hải cảng và phi trường dân sự. Ngoài ra còn có những đơn vị không được xem là cứu hỏa chính thức của quân đội và các đơn vị cơ khí điện tử và kỹ thuật nhưng cũng được tham gia vào việc phòng cháy và chữa cháy. Theo sự phân loại được chính thức công nhận là lính cứu hỏa gồm các đơn vị:
-
Cứu hỏa (gồm có tình nguyện, chuyên nghiệp và quân đội).
Cứu hỏa thủy quân vùng Marseille.
-
Các thành viên của UIISC (Unités d’Instruction et d’Intervention de la Sécurité Civile).
- Cứu hỏa của quân chủng Lục Quân.
- Cứu hỏa rừng cây trực thuộc Phòng Lâm Nghiệp Quốc Gia.
Về lính cứu hỏa
lính cứu hỏa gồm có hai loại: tình nguyện, chuyên nghiệp.
Cứu hỏa tình nguyện:
là thanh niên hoặc phụ nữ đang lao động hoặc đang học hành, ngoài công việc, đời sống và gia đình, họ bỏ ra thì giờ rảnh rang còn lại để đáp ứng lời kêu gọi của các đơn vị cứu hỏa mà họ trực thuộc khi cần đến họ. Người tình nguyện không được hưởng lương như lính cứu hỏa chuyên nghiệp mà chỉ lãnh tiền thưởng tùy theo các công tác mà họ đã tham dự, tiền du lịch bồi dưỡng và họ được thêm một số tiền hưu phụ trội khi phục vụ hơn 20 năm trong việc Phòng Cháy và Chữa Cháy (PCCC).
Họ cũng mang cấp bậc như những người lính cứu hỏa chuyên nghiệp và cũng trải qua các lớp huấn luyện và đào tạo về PCCC. Hiện nay có trên 54% lính cứu hỏa tình nguyện dưới 35 tuổi. Những làng mạc xa xôi hẻo lánh thường có 100% lính cứu hỏa tình nguyện.
Cứu hỏa chuyên nghiệp: là những công chức của chính phủ, họ trải qua các kỳ thi sát hạch để trở thành lính cứu hỏa chuyên nghiệp thường do cơ quan PCCC của các tỉnh tổ chức. Họ có quy chế lương bổng như các công chức phục vụ chính phủ, hàng binh sĩ thì thuộc vào tỉnh điều động, hàng sĩ quan tốt nghiệp ở các Trung Tâm Huấn Luyện Quốc Gia thì trực thuộc vào Bộ Nội Vụ. Họ thường phục vụ ở các thành phố lớn và các khu công nghiệp nặng. Ở các tỉnh nhỏ thì thường có phân nửa chuyên nghiệp và phân nửa tình nguyện, còn ở các làng trấn cỡ nhỏ thì thường là một hoặc hai cứu hỏa chuyên nghiệp, số còn lại là tình nguyện.
Công việc của lính cứu hỏa
Ngoài việc chính là chữa cháy và phòng cháy, họ còn có nhiệm vụ khác như cứu người bị tai nạn lưu thông, đắm tầu, tai nạn ở nhà… 70% công việc mà lính cứu hỏa thực hiện hằng năm là thuộc vào những việc kể trên.
Ngoài ra họ còn tổ chức các buổi dạy về khoa cấp cứu cho các học sinh và các khu dân phố, kiểm tra các máy móc thiết bị trên đường phố, chẳng hạn như các điểm bơm nước, bến bãi cho các cuộc PCCC (Phòng cháy và Chữa Cháy) rộng lớn cần đến bãi đáp cho máy bay trực thăng cấp cứu, tầu thủy cứu hỏa v.v… Họ còn tham dự vào các buổi thực tập báo động PCCC như thật, qua các buổi thực tập nầy giúp cho họ nhanh nhẹn ứng phó với hoàn cảnh thật và thuộc nằm lòng địa bàn hoạt động.
Họ cũng tham dự vào các buổi thực tập hỗn hợp giữa cứu hỏa hàng không, hàng thủy hoặc lâm nghiệp (thường được trang bị máy bay phun nước Canadair) và còn có việc phân loại các vụ cháy nổ, vùng thành phố Lyon hoặc Toulouse có rất nhiều kỹ nghệ hóa chất, do đó cứu hỏa Lyon & Toulouse có các trang bị đặc biệt cho việc chữa cháy hóa chất, lò điện nguyên tử thì có các thiết bị đặc biệt chống nhiễm phóng xạ, những máy bay Canadair, trực thăng, duyên tốc đỉnh và người nhái cứu hỏa cho các vùng hay bị thiên tai: cháy rừng và lũ lụt. Vùng biển Địa Trung Hải của Pháp có nguyên cả đội tầu thủy cứu hỏa đặc biệt và có cả tiềm thủy đỉnh bỏ túi dùng trong các công tác đặc biệt. Vùng Đại Tây Dương thì có các lính cứu hỏa chuyên về việc cứu người đắm tầu trên đại dương và gần đây là vụ tầu chở dầu Erika chìm với hàng ngàn tấn dầu loang trên mặt biển.
Những công tác phòng cháy và chữa cháy ở Pháp mỗi ngày mỗi hoàn thiện hơn nhờ vào các công nghệ điện tử áp dụng vào PCCC, hiện nay họ đang thử nghiệm chiếc áo phòng cháy của lính cứu hỏa khi làm nhiệm vụ, trung tâm điều hợp và phối trí cứu hỏa có thể biết được nhiệt độ nóng, dung lượng khói khi người lính cứu hỏa tiến vào vùng lửa… và đèn báo động khi người lính cứ hỏa bất động quá 10 hoặc 15 giây. Các loại nón bảo vệ, kính che mắt, ống hơi dưỡng khí tối tân, v.v…
Mỗi khi có đám cháy, việc đầu tiên của người chỉ huy đơn vị sẽ có mặt ngay hiện trường để thẩm định loại lửa cháy thuộc vào loại gì, tình hình địa lý trên hiện trường, nhu cầu và phương tiện khẩn cấp, sau đó báo cáo lên trung tâm để xin thêm phương tiện và nhân sự nếu cần.
Chuyện bên lề
Nói về lính cứu hỏa của Pháp, tôi mới sực nhớ lại vụ cháy Thương Xá Tam Đa
(Crystal Palace) ở Sài Gòn vào năm 2002. Nguyên do bất cẩn trong khi sơn sửa và tân trang lại thương xá (dùng sơn có chất nhạy lửa cao). Vụ cháy làm chết trên 60 người nầy có nhiều khuyết điểm:
- Xe cứu hỏa hết xăng giữa đường: Chiếc xe cứu hỏa mang bản số 0038 (thuộc đội 12, Cảnh Sát Phòng Cháy và Chữa Cháy) đang trên đường đến hiện trường vào khoảng gần 15giờ ngày 29/10/2002, theo lệnh điều động khẩn cấp của Chỉ Huy Trưởng, đã đột ngột dừng lại cách đó hơn 3 km. Lính cứu hỏa lái xe phải nhờ điện thoại nhà dân để gọi về đơn vị cầu cứu vì hết nhiên liệu. Hơn 30 phút sau, 2 can dầu được đưa đến. Tuy nhiên, chiếc xe này vẫn không chạy được đến hiện trường vì tiếp tục... nghẹt xăng!
- Thiết bị yếu kém:Cả thành phố có tất cả 101 xe cứu hỏa các loại, 2 tàu cứu hỏa nhưng một tàu đã bị hỏng. Đa số còn lại đều là thuộc hệ công nghệ hơn 30 năm về trước. Còn lực lượng lính cứu hỏa chuyên nghiệp có 600 người. Các phương tiện để trang bị cho họ khi tác chiến như mặt nạ, bình dưỡng khí, áo chống nóng chỉ có 20 bộ. Không có thang máy để vượt qua 6 tầng lầu lên nóc để cứu người, hậu quả những người dân thoát được lên nóc, không có thang tuột xuống thoát hiểm đành phải nhảy liều xuống đất như sung rụng rồi chết vì không chịu nổi sức nóng.
- Thiếu nước: Khi vụ cháy Thương Xá Tam Đa xảy ra, trong hồ chứa nước chữa lửa ban đầu tại tòa nhà chỉ có 10 m3. Lượng nước này theo lý thuyết chỉ đủ sử dụng cho việc chữa lửa tòa nhà (5.000 m2) trong vòng... 10 giây! Do đó lực lượng cứu hỏa liên tục báo cáo thiếu nước trong lúc dập lửa vì không có cột nước cung cấp nước chữa cháy, một số xe cứu hỏa phải chạy ra tận sông Sài Gòn (cách nơi cháy hơn 5 cây số) để lấy nước.
Nhắn với các bạn ở hải ngoại nếu về Việt Nam du lịch hoặc các bạn trong nước khi đến Sài Gòn, tránh đi thuê và ăn ngủ ở các khách sạn cao tầng… không bảo đảm cho lắm như qua vụ cháy Thương Xá Tam Đa nầy!
Friday February 29, 2008 - 11:55pm (CET) Saturday March 1, 2008 - 05:21pm (ICT) • Franc… • Offline Như anh đã nói, chuyện chữa cháy ở Việt Nam thì dài vô tận… Sài Gòn lúc tôi ra đi và Sài Gòn ngày nay khác xa nhiều! Nhà cao tầng mọc lên như nấm, xe Mercedes, Luxus, BMW đời mới nhất chạy đầy đường phố… và xem là «Kinh tế» phát triển nhanh. Nhưng không nên tự đắc với cái hào nhoáng bên ngoài vì vấn đề kiến thiết đô thị hạ tầng cơ sở thì cần phải xem lại: lưu thông xe cộ, xây dựng lòng lề đường (vĩa hè Sài Gòn bây giờ lổm chổm như «Vịnh Hạ Long», đi bộ coi chừng vấp té!), hệ thống cống rãnh và điện nước, v.v… mà vấn đề PCCC và thiết bị có được hiện đại hóa theo nhịp độ tăng trưởng của đô thị hay không, đó là vấn đề! Ta có thể lắp đặt ống dầu hoặc ống ga trong việc xây dựng nhà cửa mà không thể dập tắt lửa khi gặp chuyện… thì phải làm sao?
Sunday March 2, 2008 - 12:13pm (CET)
|
|
|
No comments:
Post a Comment