Thursday, February 1, 2018

Quốc gia Việt Nam

 

 

1949–1955
Quốc kỳ Quốc huy
Khẩu hiệu
Dân vi quý[1]
Quốc ca

Thanh niên hành khúc
Thủ đô Sài Gòn
Ngôn ngữ Tiếng Việt
Tiếng Pháp
Tôn giáo Phật giáo
Công giáo
Cao Đài
Hòa Hảo
Chính quyền Quân chủ (do chưa có Quốc hội và Hiến pháp)
Quốc trưởng¹ Bảo Đại
Thủ tướng (1954-1955) Ngô Đình Diệm
Giai đoạn lịch sử Chiến tranh Đông Dương
 •  Độc lập (ly khai khỏi Việt Nam Dân chủ Cộng hòa) 14 tháng 6 1949
 •  Được Pháp công nhận nền độc lập 1950
 •  Việt Nam Cộng hòa kế thừa 26 tháng 10, 1955 1955
Diện tích 173.809 km² (67.108 sq mi)
Tiền tệ Đồng
Ghi chú: Diện tích trên là của Quốc gia Việt Nam, sau Hội nghị Genève năm 1954. Trước đó Quốc gia Việt Nam tuyên bố chủ quyền trên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam (~331.000 km2)

Quốc gia Việt Nam (tiếng Pháp: État du Viêt Nam) là một chính thể thuộc Liên bang Đông Dương thuộc Liên hiệp Pháp, tuyên bố chủ quyền toàn bộ lãnh thổ Việt Nam, tồn tại trong giai đoạn từ giữa năm 19481955. Thủ đô đặt tại Sài Gòn, Quốc trưởng Bảo Đại sống và làm việc tại biệt điện ở Đà Lạt[2].

Về mặt hình thức, nhà nước quốc gia này gần như là một quốc gia quân chủ chuyên chế do chưa có Hiến phápQuốc hội với Quốc trưởng là cựu hoàng Bảo Đại (tương tự nhà nước Lào và Campuchia được công nhận ngay sau đó), trong khi đó, Pháp vẫn giữ quyền kiểm soát tài chính, thương mại và chính sách đối ngoại và quân sự của Quốc gia Việt Nam[3].

Đến tháng 6/1954, sau thất bại ở trận Điện Biên Phủ, Pháp đã ký tắt một hiệp ước dự định trao trả độc lập cho Quốc gia Việt Nam[4], nhưng với việc Hiệp định Geneve diễn tiến quá nhanh và được ký chính thức giữa Pháp và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, bản hiệp ước ký tắt của Quốc gia Việt Nam đã không bao giờ được hoàn thành[5]

Từ năm 1954, theo thỏa thuận của Hiệp định Genève 1954, chính quyền và các lực lượng quân sự của Liên Hiệp Pháp (bao gồm Quốc gia Việt Nam) theo quân đội Pháp tập kết vào miền Nam Việt Nam. Cuộc trưng cầu dân ý vào năm 1955 đã phế truất Quốc trưởng Bảo Đại, đưa thủ tướng Ngô Đình Diệm trở thành Quốc trưởng. Sau đó Quốc trưởng Ngô Đình Diệm tổ chức bầu Quốc hội Lập hiến cho Quốc gia Việt Nam. Quốc hội này ban hành Hiến pháp đổi tên Quốc gia Việt Nam thành Việt Nam Cộng hòa.

Đế quốc Việt Nam

Năm 1940, Đế quốc Nhật Bản tấn công Đông Dương và nhanh chóng thỏa thuận được với chính quyền Vichy ở Pháp để Nhật toàn quyền cai trị Đông Dương. Thực dân Pháp chỉ tồn tại đến tháng 3 năm 1945 khi Nhật lật đổ Pháp trên toàn bộ Đông Dương. Ngay sau đó, theo chính sách Khối Thịnh vượng chung Đại Đông Á, Đế quốc Nhật Bản bảo trợ thành lập chính phủ Đế quốc Việt Nam do quốc trưởng Bảo Đại đứng đầu với thủ tướng là Trần Trọng Kim. Cũng như các chính phủ khác ở những vùng bị Nhật chiếm đóng (Mãn Châu quốc, Triều Tiên, Chính phủ Uông Tinh Vệ...), chính phủ này không có thực quyền khi tài chính và nhân lực đều do quân Nhật nắm giữ.

Vua Bảo Đại tuyên bố độc lập ngày 11 tháng 3 năm 1945, thu hồi chủ quyền trên danh nghĩa ở ba kỳ, tiếp sau đó là Campuchia ngày 13 tháng 3 và Lào ngày 8 tháng 4. Trong tuyên bố của Bảo Đại thì Việt Nam hủy bỏ các Hiệp ước Bảo hộ trước kia với Pháp và thu hồi độc lập theo tuyên ngôn Đại Đông Á, và "ông cũng như Chính phủ Việt Nam tin tưởng lòng trung thực của Nhật Bản và nó được xác định làm việc với các nước để đạt được mục đích"[6].

Ngay sau đó ngày 24 tháng 3 năm 1945, chính phủ De Gaulle tuyên bố chính thức khôi phục lại chủ quyền ở Đông Dương, dự định thành lập Liên bang Đông Dương thuộc Liên hiệp Pháp, bao gồm năm quốc gia có đại diện riêng trong Liên bang cùng có lợi ích bên ngoài do Pháp đại diện. De Gaulle dự định áp dụng cơ cấu một chính phủ Liên bang do Thống đốc đứng đầu, phụ tá là các bộ trưởng người bản xứ và người Pháp ở Đông Dương. Ngoài ra sẽ có một Quốc hội liên bang được bầu theo phương thức phổ thông đầu phiếu tại mỗi quốc gia của Liên bang, trong đó có đại diện lợi ích của người Pháp. Thống đốc, Hội đồng Nhà nước chịu trách nhiệm chuẩn bị các luật và quy định, còn Quốc hội giữ vai trò biểu quyết mọi loại thuế má, ngân sách, các dự luật và các điều ước quốc tế về thương mại và hợp tác với các nước khác. Liên bang sẽ có lực lượng vũ trang riêng được trang bị kỹ năng tương đương với quân đội của Liên hiệp Pháp. Liên bang đó sẽ phát triển quan hệ thương mại với tất cả các nước, đặc biệt là với Trung Quốc.[7] Cũng trong tuyên bố này, Pháp cam kết đảm bảo bình đẳng giữa công dân Đông Dương với mọi xứ trong Liên hiệp Pháp cũng như mọi quyền tự do dân chủ nói chung. Đồng thời Liên hiệp Pháp có trách nhiệm giúp đỡ thành lập lực lượng vũ trang Liên bang Đông Dương, cũng như thúc đẩy sự phát triển kinh tế, tiến bộ xã hội, văn hóa, giáo dục, chính trị và hành chính ở Đông Dương.[8]

Ngày 7 tháng 4 năm 1945, Vua Bảo Đại ký đạo dụ số 5 chuẩn y thành phần nội các Trần Trọng Kim và ngày 12 tháng 5 giải thể Viện Dân biểu Trung Kỳ. Tháng 6 năm 1945, chính phủ Trần Trọng Kim ra mắt, đặt quốc hiệu là Đế quốc Việt Nam.

Ngày 16 tháng 8, sau khi Đế quốc Nhật Bản tuyên bố đầu hàng quân Đồng Minh, Thủ tướng Trần Trọng Kim tuyên bố bảo vệ Đế quốc Việt Nam, và ngày 18 tháng 8 thì lập ủy ban giải phóng dân tộc, nhóm họp tất cả các đảng phái chính trị để củng cố lực lượng. Theo lời khuyên của Bộ trưởng Ngoại giao, vua Bảo Đại gửi thông điệp cho các lãnh tụ cường quốc Mỹ, Anh, Trung Hoa và Pháp là Tổng thống Harry S Truman, vua nước Anh, Thống chế Tưởng Giới Thạch, và Tướng de Gaulle, kêu gọi họ công nhận nền độc lập của Việt Nam. Bức thư không được hồi âm bởi theo Hiệp ước Teheran, các nước Đồng Minh sẽ không đàm phán hoặc công nhận bất cứ chính phủ nào do các nước Phe Trục (gồm Đức, Ý, Nhật) lập nên. Ngày 24 tháng 8, vua Bảo Đại sức cho Hội đồng Cơ mật tuyên bố thoái vị "để không phải là một trở ngại cho sự giải phóng của đất nước".[9]

Về phía Pháp thì De Gaulle dự kiến sẽ hậu thuẫn cho một chế độ quân chủ ở Việt Nam nhưng người đứng đầu không phải là vua Bảo Đại vì Bảo Đại đã thỏa hiệp với Nhật Bản để được "độc lập". De Gaulle muốn chọn Vĩnh San, tức cựu hoàng Duy Tân.[10]

Từ tháng 3 năm 1945, Việt Nam dần rơi vào tình trạng hỗn loạn vô chính phủ; Quân đội Đế quốc Nhật Bản thì vẫn chú trọng đến chiến tranh, tìm cách phản công các cuộc oanh tạc của phe Đồng Minh Anh-Mỹ. Trong khi đó chính phủ Trần Trọng Kim và vua Bảo Đại đều không đủ lực lượng quân sự hoặc uy tín chính trị để kiểm soát tình hình. Theo Peter A. Pull, chỉ có Việt Minh là lực lượng có tổ chức duy nhất có khả năng đoạt quyền bính.[11] Tình hình kinh tế càng thêm phức tạp khi chiến tranh đã làm kiệt quệ các ngành công thương còn Nhật Bản, vì nhu cầu chiến tranh, đã trưng thu lúa gạo cùng bắt dân phá lúa trồng đay để phục vụ cuộc chiến Thêm vào đó là thiên tai thời tiết, châm ngòi cho Nạn đói Ất DậuBắc kỳTrung kỳ. Con số ước tính là có khoảng hai triệu người chết đói.

Chiến tranh Đông Dương bùng nổ

Cuối năm 1946, sau khi đàm phán giữa chính phủ Pháp với chính phủ Hồ Chí Minh thất bại, chiến sự Đông Dương bùng nổ. Người Pháp đã vấp phải sự chống trả quyết liệt của Việt Nam, mà lực lượng mạnh nhất là Việt Minh do lãnh tụ Đảng cộng sản Đông Dương Hồ Chí Minh[12] lãnh đạo, khi đó đã lập ra Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Cuộc hành quân Léa năm 1947 với mục đích chính truy bắt các lãnh đạo Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thất bại. Chính quyền Pháp không đạt được mục tiêu cũng như không đủ lực để tiếp tục tấn công, đồng thời chịu áp lực của dư luận quốc tế đòi chấm dứt chiến tranh và trao trả độc lập cho nhân dân Đông Dương. Pháp buộc phải tìm một giải pháp chính trị phù hợp với lợi ích của Pháp và chiến lược "ngăn chặn chủ nghĩa cộng sản" của khối các nước tư bản phương Tây trong đó có Pháp[13].

Mỹ ủng hộ nguyện vọng độc lập dân tộc tại Đông Nam Á trong đó có Việt Nam, nhưng với điều kiện lãnh đạo của những nhà nước mới "không phải là người cộng sản", họ đặc biệt ủng hộ việc thành lập các "nhà nước phi cộng sản" ổn định trong khu vực tiếp giáp Trung Quốc. Theo thuyết Domino, Mỹ hỗ trợ những quốc gia đồng minh tại Đông Nam Á vì không muốn "lực lượng cộng sản muốn thống trị châu Á dưới chiêu bài dân tộc".[14] Bằng phương thức viện trợ, Mỹ ép Pháp phải nhượng bộ trước phong trào chủ nghĩa dân tộc tại Việt Nam. Chính sách của Mỹ là hỗ trợ người Pháp chiến thắng trong cuộc chiến chống Việt Minh, sau đó sẽ ép người Pháp rút lui khỏi Đông Dương.[15] Đáp lại, phía Pháp nhận định là Mỹ quá ngây thơ, và một người Pháp đã nói thẳng là "những người Mỹ ưa lo chuyện người khác, ngây thơ vô phương cứu chữa, tin tưởng rằng khi quân đội Pháp rút lui, mọi người sẽ thấy nền độc lập của người Việt xuất hiện."[16]

Người Pháp chấp nhận một lộ trình trao quyền tự quyết cho chính phủ bản xứ với điều kiện người lãnh đạo mà Pháp đồng ý thỏa hiệp "không phải là cộng sản" (hay nói cách khác, chính phủ này đảm bảo duy trì các lợi ích của Pháp tại Đông Dương). Theo sử gia William Duiker, khẩu hiệu "chống cộng sản" của Pháp thực chất là để xây dựng một chính quyền bản xứ người Việt làm đối trọng với Việt Minh để giảm sức ép về kinh tế - quân sự, cũng như thuyết phục Mỹ viện trợ để Pháp có thể tiếp tục đứng chân tại Đông Dương[17]. Ban đầu, chính Pháp đã đàm phán với Việt Minh và công nhận Việt Nam là quốc gia tự do trong Liên hiệp Pháp bằng Hiệp định sơ bộ Pháp-Việt 1946Tạm ước Việt - Pháp. Nhưng thực sự thì ngay từ đầu, người Pháp cũng không có ý tôn trọng lâu dài các Hiệp định này. Leclerc, tổng chỉ huy Pháp ở Đông Dương khi đề nghị đàm phán đã bị tướng Charles de Gaulle trách mắng: "Nếu tôi mà đồng ý mấy thứ nhảm nhí này thì đế quốc Pháp đã tiêu vong lâu rồi. Hãy đọc thật kỹ câu chữ trong tuyên bố tháng 3 của Pháp về Đông dương".[18] Khi chiến tranh bùng nổ, chiến lược "đánh nhanh thắng nhanh" thất bại thì Pháp mới sử dụng khẩu hiệu "chống cộng sản", dù chính họ đã từng chấp nhận Việt Minh không lâu trước đó.

Thành lập

Hiệu kỳ của Quốc trưởng Bảo Đại.

Đầu năm 1947, D'Argenlieu bị triệu hồi về nước do bị người Việt Nam và các đảng phái cánh tả Pháp căm ghét. Trước áp lực của các đảng phái cánh tả Pháp như Đảng Cộng sản Pháp và Đảng Xã hội Pháp, Thủ tướng Ramadier - một đại biểu xã hội chủ nghĩa, thông báo rằng chính phủ của ông ủng hộ nền độc lập và thống nhất cho Việt Nam: "Độc lập trong Liên hiệp Pháp [và] liên minh của ba nước An Nam, nếu người dân An Nam mong muốn nó" và Pháp sẵn sàng đàm phán hòa giải với những đại diện chân chính của Việt Nam[19].

Ngay sau đó, Mặt trận Thống nhất Quốc gia Liên hiệp quyết định sẽ ủng hộ Bảo Đại đàm phán với Pháp về nền độc lập của Việt Nam. Tháng 5/1947, Mặt trận Thống nhất Quốc gia Liên hiệp cử phái đoàn đến Hồng Kông gặp Bảo Đại để thuyết phục ông này thành lập một Chính phủ Trung ương và đàm phán với Pháp về nền độc lập của Việt Nam.[20] Sau đó, Pháp cử đại diện gặp Bảo Đại đề xuất về việc đàm phán về nền độc lập của Việt Nam và việc thành lập một chính phủ Việt Nam độc lập. Bảo Đại được Mặt trận Thống nhất Quốc gia Liên hiệp bao gồm các lực lượng chính trị Cao Đài, Hoà Hảo, Việt Nam Cách mệnh Đồng minh Hội, Đại Việt Quốc dân đảngViệt Nam Quốc dân Đảng hậu thuẫn.[21] Đây là những tổ chức chính trị hoặc tôn giáo từng tham gia chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa hay hợp tác với Việt Minh chống Pháp nhưng do xung đột với Việt Minh nên chuyển sang ủng hộ Bảo Đại thành lập Quốc gia Việt Nam.

Ngày 7/12/1947, tại cuộc họp trên tàu chiến Pháp ở Vịnh Hạ Long, Bảo Đại và Pháp đàm phán rồi ký kết Hiệp ước Sơ bộ Vịnh Hạ Long. Hiệp ước thể hiện sự đồng thuận của hai bên về việc thành lập Quốc gia Việt Nam trên cơ sở nguyên tắc độc lập và thống nhất của Việt Nam trong Liên hiệp Pháp. Dù vậy nghĩa chính xác của từ "độc lập", quyền hạn cụ thể của chính phủ mới cũng như vai trò chính phủ này trong cuộc chiến Việt - Pháp đang tiếp diễn không được xác định rõ[22].

Chính phủ hoạt động dưới một hiến chương lâm thời, chọn cờ vàng ba sọc đỏ làm quốc kỳ và bản "Thanh niên Hành Khúc" với lời nhạc mới làm quốc ca.[23] Quốc gia Việt Nam sẽ có một quân đội riêng tuy nhiên phải "sẵn sàng bảo vệ bất cứ phần nào của Liên Hiệp Pháp".[21] Sự độc lập chính trị của nhà nước Quốc gia Việt Nam được quy định trong Hiệp ước Vịnh Hạ Long quá nhỏ nên hiệp ước này bị Ngô Đình Diệm và cả những chính trị gia trong Mặt trận Thống nhất Quốc gia Liên hiệp chỉ trích.[21] Mỹ ủng hộ việc Pháp đàm phán với Bảo Đại với hy vọng Chính phủ Bảo Đại sẽ giành lại đa số những người Việt Nam theo chủ nghĩa dân tộc từ phía Hồ Chí Minh[24].

Do bị các chính trị gia trong Mặt trận Thống nhất Quốc gia Liên hiệp chỉ trích, Bảo Đại chấm dứt đàm phán với Pháp và đi du lịch châu Âu trong 4 tháng. Người Pháp cử các nhà ngoại giao theo Bảo Đại để thuyết phục ông tiếp tục đàm phán và thành lập Chính phủ. Tháng 1/1948, Cao ủy Pháp tại Đông Dương E. Bollaert tìm gặp Bảo Đại ở Genève, Thụy Sĩ để thuyết phục ông quay về Việt Nam để tiếp tục đàm phán và thành lập Chính phủ. Bảo Đại tuyên bố nếu Hiệp ước Vịnh Hạ Long không được bổ sung ông sẽ không quay về Việt Nam. Sau đó ông đi Cannes, Paris rồi quay về Hồng Kông.[25]

Tháng 3 năm 1948, Bảo ĐạiMặt trận Thống nhất Quốc gia Liên hiệp gặp nhau tại Hương Cảng và đồng ý thành lập chính phủ lâm thời do Nguyễn Văn Xuân đứng đầu. Ngày 5/6/1948, Quốc gia Việt Nam ký kết với Pháp một Hiệp ước Vịnh Hạ Long khác với nội dung Pháp công khai và trọng thể công nhận nền độc lập của Việt Nam. Hiệp ước này vẫn chưa quy định cụ thể các quyền hạn của Quốc gia Việt Nam. Điều này sẽ được thỏa thuận trong các cuộc đàm phán tiếp theo.[21]

Việt Minh chỉ trích Bảo Đại là xấu xa, tội lỗi vì đã lấy lại từ người Pháp chữ "độc lập" thần kỳ mà Hồ Chí Minh đã cố gắng giành giật ở Fontainebleu không được. Những người Pháp có tư tưởng thực dân phản đối điều mà họ cho là sự đầu hàng của Bollaert, đồng thời yêu cầu cắt Nam Kỳ ra khỏi phần còn lại của Việt Nam, đòi đưa Việt Nam quay trở lại chế độ Bảo hộ. Các chính trị gia ở Paris ra sức trấn an những người Pháp ủng hộ chủ nghĩa thực dân và đảm bảo với họ rằng sẽ không có gì thay đổi - cuộc chiến tranh sẽ không chấm dứt. Các lãnh tụ Cộng hoà Bình dân và nhiều người thân cận với Cộng hoà Bình dân lại cho rằng kéo dài chiến tranh sẽ hết sức có lợi và đã đi đến quyết định không để cho cuộc chiến tranh kết thúc sớm[26].

Phản ứng trước hành động của Pháp và Bảo Đại, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tuyên bố với thế giới chỉ có Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là chính phủ hợp pháp duy nhất của toàn thể nhân dân Việt Nam, còn chính phủ do Bảo Đại thành lập là bất hợp pháp bởi nó được lập nên mà không thông qua bầu cử toàn dân. Tuyên bố trên nhanh chóng nhận được sự ủng hộ khi vào ngày 18-1-1950, nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và tiếp sau đó là Liên Xô công nhận và đặt quan hệ ngoại giao với Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.[27]

Sau đó Bảo Đại rút lui khỏi các hoạt động chính trị và đi châu Âu một lần nữa. Ngày 25/8/1948, từ Saint Germain Bảo Đại báo cho E. Bollaert biết ông sẽ không quay về Việt Nam nếu Pháp không hủy bỏ chế độ thuộc địa tại Nam Kỳ và trao trả Nam Kỳ lại cho Quốc gia Việt Nam cũng như nếu ông không nhận được sự đảm bảo của Pháp cho Việt Nam độc lập.[28]

Tháng 1 năm 1949, cuối cùng Pháp cũng thỏa hiệp trước đòi hỏi của Bảo Đại, gộp đất Nam Kỳ vào Quốc gia Việt Nam. Ngày 8 tháng 3 năm 1949, sau nhiều tháng đàm phán, Tổng thống Pháp Vincent Auriol và Cựu hoàng Bảo Đại đã ký Hiệp định Élysée (1949) tuyên bố xác nhận "nền độc lập của Việt Nam", chính thức thành lập Quốc gia Việt Nam trong khối Liên hiệp Pháp, đứng đầu là Quốc trưởng Bảo Đại, tuy nhiên Quốc gia Việt Nam không có quyền tự chủ về kinh tế, ngoại giao, quân sự.

Quá trình xây dựng

Quốc gia Việt Nam lúc mới thành lập (ngày 7/12/1947) hết sức non yếu do các quyền quan trọng về quân sự và ngoại giao đều bị người Pháp chi phối và quyền hành cao nhất trên thực tế là Cao ủy Pháp. Tính độc lập của nhà nước Quốc gia Việt Nam bị nghi ngờ khi mà đa số kinh phí duy trì nó là do Pháp viện trợ, cũng như quân đội không có sĩ quan chỉ huy cấp cao người Việt[29]. Pháp chỉ đơn giản là đưa những người lính mới tuyển mộ được vào các quân đoàn Viễn chinh của chính Pháp, tại đó, người chỉ huy là các sĩ quan Pháp.[30]

Hai vấn đề quan trọng nhất là ngoại giaoquân đội của chính phủ này thì vẫn do Pháp nắm giữ. Hiệp định Élysée quy định "Trong thời chiến, toàn bộ các phương tiện quốc phòng bao gồm chủ yếu bởi Quân đội Việt Nam và quân đội Liên Hiệp Pháp sẽ được nhập chung, và Ủy ban quân sự là thành phần hạt nhân của một bộ Tổng Tham mưu hỗn hợp mà việc chỉ đạo và chỉ huy sẽ do một Sĩ Quan cấp Tướng của Pháp chịu trách nhiệm về các chiến trường chủ yếu ở Việt Nam và một trong các Tổng Tham mưu là người Việt Nam.". Mục đích như tướng Nava đã viết: "...cuộc chiến tranh này phải được chỉ đạo và muốn như vậy sự thống nhất hành động chính trị và quân sự phải được thực hiện trong hàng ngũ của chúng ta cũng như bên đối phương đã từng làm… Cuối cùng, tôi yêu cầu là cần phải làm tất cả để các quốc gia liên kết (trong đó có Quốc gia Việt Nam) phải thực sự tham gia chiến tranh... Đồng thời Mỹ phải từ bỏ ý định thay thế ảnh hưởng của họ."[31]

Cuối tháng 6 năm 1949, về danh nghĩa, Việt Nam chính thức thống nhất dưới sự quản lý của Quốc gia Việt Nam[21] (thực tế nhiều vùng Việt Nam nằm dưới sự quản lý của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa). Pháp chuyển giao những chức năng hành chính cho Quốc gia Việt Nam một cách chậm chạp. Tính đến đầu năm 1950, có 35 quốc gia công nhận Quốc gia Việt Nam.[32]

Từ tháng 6 cho đến tháng 10 năm 1950, Quốc gia Việt Nam và Pháp họp tại Pau (Pháp) để bàn về việc chuyển giao các chức năng quản lý xuất nhập cảnh, quan hệ ngoại giao, ngoại thương, hải quan và tài chính cho Quốc gia Việt Nam. Tài chính là vấn đề gây nhiều tranh cãi nhất bao gồm việc kiểm soát lợi nhuận từ hoạt động ngoại hối. Kết quả tất cả các chức năng trên đã được Pháp chuyển giao cho Quốc gia Việt Nam. Thủ tướng Quốc gia Việt Nam Trần Văn Hữu sau khi ký thỏa thuận với Pháp đã tuyên bố: "Nền độc lập của chúng tôi hiện nay thật tuyệt vời". Các quan chức Pháp phàn nàn về Bảo Đại: "Ông ấy tập trung quá mức vào việc lấy lại từ chúng tôi những gì có thể thay vì tìm kiếm sự ủng hộ từ nhân dân... Lịch sử sẽ phán xét ông ấy vì quá chú tâm vào chuyện này". Tuy nhiên người Pháp vẫn giành cho mình quyền quan sát và can thiệp đối với những vấn đề liên quan đến toàn bộ Liên Hiệp Pháp. Người Pháp còn có quyền tiếp cận mọi thông tin nhà nước, tham dự vào tất cả các quyết định của chính phủ và nhận một khoản nhỏ từ lợi tức quốc gia của Việt Nam.[21]

Lính quốc gia Việt Nam làm lễ chào cờ Quốc gia Việt Nam và Pháp tại Bắc Ninh

Nhiều người Pháp xem đây là một sự từ bỏ quyền lực tai hại của Pháp tại Việt Nam và là sự cáo chung của Pháp ở Đông Nam Á còn phái đoàn Quốc gia Việt Nam xem những kết quả đạt được ở Pau là một bước tiến. Theo họ muốn giành được độc lập hoàn toàn từ Pháp thì phải thực hiện từ từ lâu dài và kiên nhẫn. Archimedes L.A Patti nhận xét: "Tất nhiên họ (Quốc gia Việt Nam) đã lầm, không bao giờ Pháp cho Việt Nam độc lập để mất Đông Dương. Bảo Đại trở về Việt Nam và cho rằng ông ta đã làm hết sức mình để người Pháp phải giữ lời cam kết. Ông sẽ chờ và xem. Có thể người Mỹ sẽ khích lệ giúp đỡ. Nhưng sau một ngày ở Sài Gòn, thấy Pháp từ chối không cho ông sử dụng dinh Norodom, trụ sở chính quyền thuộc địa Pháp, Bảo Đại liền rút lui về nhà ở Đà Lạt. Sự việc này cho thấy rõ tình hình chẳng có gì thay đổi cả".[33]

Ngày 8/12/1950, Quốc gia Việt Nam và Pháp ký Hiệp định quân sự thành lập Quân đội Quốc gia Việt Nam bằng cách đặt một số đơn vị quân đội Pháp tại Việt Nam dưới quyền chỉ huy của Quốc gia Việt Nam. Đến cuối năm 1950, Pháp đã ký kết các Hiệp ước với Quốc gia Việt Nam, trao trả các quyền hành chính, ngoại giao, thuế quan, quản lý xuất nhập cảnh... cho nhà nước này. Việc chuyển giao quyền kiểm soát các cơ quan chức năng cho Quốc gia Việt Nam được thực hiện dần trong những năm sau đó. Tuy đã được Pháp chuyển giao tất cả các chức năng nhà nước nhưng Quốc gia Việt Nam vẫn phải phụ thuộc vào viện trợ và sự bảo vệ của quân Pháp để duy trì hoạt động. Ví dụ, chỉ riêng việc duy trì quân đội đã đòi hỏi hơn 500 tỷ frăng viện trợ. Các hoạt động quân sự của Quốc gia Việt Nam vẫn thuộc quyền chỉ huy của Uỷ ban quân sự mà Tư lệnh là một sĩ quan Pháp.

Tướng Georges Revers, Tổng Tham mưu trưởng quân đội Pháp, được phái sang Việt Nam để nghiên cứu tình hình (tháng 5, 6 năm 1949) và sau đó đã viết: "Hồ Chí Minh đã có khả năng chống cự lại với sự can thiệp của Pháp lâu đến như thế, chính là vì nhà lãnh đạo Việt Minh đã biết tập hợp chung quanh mình một nhóm những người thực sự có năng lực… Ngược lại, Bảo Đại đã có một chính phủ gồm độ 20 đại biểu của toàn các đảng phái ma, trong số đó đảng mạnh nhất cũng khó mà đếm được 25 đảng viên"[34].

Người Pháp trì hoãn một cách có tính toán việc thi hành thoả hiệp Élysée với Quốc gia Việt Nam. Quân đội của họ tiếp tục tham chiến tại Việt Nam, nhân viên hành chính tiếp tục làm việc ở các cấp chính quyền; Quốc gia Việt Nam chẳng được trao cho một chút quyền hành thực sự nào, như bấy giờ người ta nói, Quốc gia Việt Nam chỉ là một sự nguỵ trang cho nền cai trị của Pháp.[35]

Dự định ký kết Hiệp ước với Pháp

Tháng ba năm 1954, Thủ tướng Nguyễn Phúc Bửu Lộc mở cuộc điều đình với Pháp về chủ quyền của Việt Nam đòi hỏi Pháp phải ký hai Hiệp ước riêng. Hiệp ước thứ nhất công nhận sự độc lập trọn vẹn của Quốc gia Việt Nam, Quốc gia Việt Nam sẽ trở thành một nước độc lập không bị ràng buộc bởi Chính phủ Pháp. Hiệp ước thứ hai sẽ minh định quan hệ giữa Việt Nam và Pháp.[36] Trong khi đó chiến trận ở Đông Dương càng tăng cường độ. Sự thất trận của Pháp tại Điện Biên Phủ vào Tháng Năm càng làm tình hình thêm thúc bách.

Ngày 4/6/1954, trước khi Hiệp định Geneve được ký kết 6 tuần, thủ tướng Pháp đã ký Hiệp ước Matignon (1954) với Thủ tướng Quốc gia Việt Nam công nhận Quốc gia Việt Nam hoàn toàn độc lập và là thành viên của khối Liên hiệp Pháp[37]. Theo đó chính phủ Quốc gia Việt Nam sẽ tự chịu trách nhiệm với những hiệp định quốc tế được ký bởi Chính phủ Pháp trước đó nhưng có liên quan tới họ, cũng như không còn bị ràng buộc bởi bất cứ hiệp ước nào do Chính phủ Pháp ký sau này. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng Quốc gia Việt Nam vẫn bị ràng buộc bởi Liên hiệp Pháp vì chính phủ này chỉ sở hữu một vài thuộc tính của một chủ quyền đầy đủ, và đặc biệt là nó phụ thuộc vào Pháp về quốc phòng.[38] Mặt khác, Hiệp ước Matignon chỉ được ký dưới dạng ghi nhớ giữa 2 Thủ tướng chứ không phải nguyên thủ cao nhất của 2 bên (Tổng thống Pháp René Coty và Quốc trưởng Bảo Đại). Nhiều người đổ lỗi cho Quốc gia Việt Nam vì họ không có chữ ký trong Hiệp định, nhưng chính Pháp cũng từ chối ký vào Hiệp ước đã được thương thảo xong. Bảo Đại đã đến Pháp từ tháng 4 và dự định rằng vấn đề ký chính thức sẽ được giải quyết trong 2-3 tuần, nhưng dự định này đã tắt ngấm khi Hiệp định Geneve diễn tiến quá nhanh. Sau khi Hiệp định Geneva được ký, Hiệp ước Matignon đã không bao giờ được hoàn thành.[5] Đặc biệt, khi Chính quyền của Thủ tướng Joseph Laniel đưa vấn đề trao trả độc lập cho Quốc gia Việt Nam thì bị Quốc hội Pháp kịch liệt phản đối.[39]

Hiệp định Genève

Vào cuối tháng 4 năm 1954 thì Hội nghị Genève bắt đầu và kéo dài đến khi ký Hiệp ước vào ngày 21 Tháng Bảy, 1954. Đây là Hiệp ước có 9 phái đoàn tham dự gồm Anh, Hoa Kỳ, Liên Xô, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Pháp, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Quốc gia Việt Nam, LàoCampuchia để tái thiết hòa bình ở Đông Dương; trong các thành phần, một số phái đoàn chỉ tham dự mà không ký vào hiệp ước. Hiệp ước đình chỉ chiến sự, tạm thời chia Việt Nam thành hai phần cho hai lực lượng Việt Minh và Liên hiệp Pháp. Kết quả Hiệp định này trên thực tế đã bãi bỏ quyền cai trị của người Pháp trên bán đảo Đông Dương, công nhận nền độc lập của các quốc gia bản xứ, chính thức chấm dứt chế độ thực dân Pháp tại Đông Dương.

Theo Hiệp ước Genève 1954, lãnh thổ nước Việt Nam bị tạm chia làm hai vùng tập kết quân sự, lấy vĩ tuyến 17 (dọc sông Bến Hải) làm giới tuyến quân sự tạm thời. Miền Bắc do lực lượng Quân đội Nhân dân Việt Nam kiểm soát, miền Nam do lực lượng quân đội Liên hiệp Pháp, trong đó có Quân đội Quốc gia Việt Nam kiểm soát, sau một thời gian, theo điều khoản của Hiệp định Genève, quân đội Pháp rút dần về nước. Hiệp ước cũng quy định 300 ngày là thời gian để chính quyền và quân đội Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Liên hiệp Pháp hoàn thành việc tập kết. Dân chúng được tự do đi lại giữa hai miền. Theo Bản tuyên bố cuối cùng sau 2 năm sẽ tiến hành tổng tuyển cử thống nhất Việt Nam.

Ông Trần Văn Đỗ, trưởng đoàn đại diện của Quốc gia Việt Nam tuyên bố sẽ không ký vào Hiệp định Genève với lý do hiệp định gây chia cắt Việt Nam[40] và đẩy Quốc gia Việt Nam vào thế nguy hiểm[41]. Đại diện phái đoàn Quốc gia Việt Nam ra một tuyên bố riêng:

"Việc ký hiệp định giữa Pháp và Việt Minh có những điều khoản gây nguy hại nặng nề cho tương lai chính trị của Quốc gia Việt Nam. Hiệp định đã nhường cho Việt Minh những vùng mà quân đội quốc gia còn đóng quân và tước mất của Việt Nam quyền tổ chức phòng thủ. Bộ Tư lệnh Pháp đã tự ấn định ngày tổ chức tuyển cử mà không có sự thỏa thuận với phái đoàn quốc gia Việt Nam... chính phủ Việt Nam yêu cầu Hội nghị ghi nhận một cách chính thức rằng Việt Nam long trọng phản đối cách ký kết Hiệp định cùng những điều khoản không tôn trọng nguyện vọng sâu xa của dân Việt. Chính phủ Việt Nam yêu cầu Hội nghị ghi nhận rằng Chính phủ tự dành cho mình quyền hoàn toàn tự do hành động để bảo vệ quyền thiêng liêng của dân tộc Việt Nam trong công cuộc thực hiện Thống nhất, Độc lập, và Tự do cho xứ sở."[41][42]

Sau khi Hiệp định Genève được ký kết, về vấn đề hiệp thương thống nhất hai miền, Thủ tướng Quốc gia Việt Nam Ngô Đình Diệm tuyên bố: "Chúng tôi không từ chối nguyên tắc tuyển cử tự do để thống nhất đất nước một cách hoà bình và dân chủ" nhưng còn nói thêm là ông "nghi ngờ về việc có thể bảo đảm những điều kiện của cuộc bầu cử tự do ở miền Bắc"[43]. Thủ tướng Ngô Đình Diệm tuyên bố rằng, mục tiêu của Quốc gia Việt Nam là "thống nhất đất nước trong tự do chứ không phải trong nô lệ".[43]. Mặc dù Ngô Đình Diệm tuyên bố muốn "thống nhất đất nước", nhưng nhà sử học Mortimer T. Cohen cho rằng thực tâm ông Diệm không muốn cuộc tổng tuyển cử diễn ra vì ông ta biết mình sẽ không thể thắng cử trước Hồ Chí Minh. Cuộc tổng tuyển cử đã không thể diễn ra như theo Tuyên bố cuối cùng của hiệp định Genève.[44] Mãi tới năm 1976, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Cộng hòa miền Nam Việt Nam mới tổ chức được cuộc Tổng tuyển cử để thống nhất chính quyền của hai miền.

Giai đoạn Hậu hiệp định Genève 1954 - 1956

Tuy Quốc gia Việt Nam không bị ràng buộc bởi Hiệp định Genève nhưng vẫn theo quân Pháp tập kết về miền Nam Việt Nam. Quân Pháp sẽ rút dần sau hai năm và Việt Nam sẽ tiến hành tổng tuyển cử thống nhất đất nước.

Tuy nhiên, báo cáo của CIA cho Tổng thống Mỹ Eisenhower thấy rằng khoảng 80% dân số Việt Nam sẽ bầu cho Hồ Chí Minh nếu cuộc tổng tuyển cử được thi hành.[45] Có quan điểm cho rằng Ngô Đình Diệm không muốn có cuộc Tổng Tuyển Cử vì ông ta biết rằng mình sẽ thua; và không ai có thể thắng Hồ Chí Minh trong cuộc Tổng Tuyển cử tự do, vì ông là một George Washington của Việt Nam.[46]. Vì những lý do đó Hoa Kỳ đã hậu thuẫn Quốc gia Việt Nam để cuộc tuyển cử không thể diễn ra.

Theo Tuyên bố cuối cùng của Hiệp định Genève thì tổng tuyển cử ở cả hai miền được dự trù vào tháng 7 năm 1956 nhưng Tổng thống Ngô Đình Diệm bác bỏ mọi cuộc thảo luận sơ khởi, hành động này khiến Ngô Đình Diệm bẽ mặt ở phương Tây. Theo nhận xét của Tây phương thì Ngô Đình Diệm là kẻ ngoan cố và khao khát quyền lực chuyên chế, nhưng theo Duncanson thì sự thật phức tạp hơn. Miền Bắc có dân số đông hơn miền Nam 2 triệu người (tính cả gần 1 triệu người miền Bắc di cư vào Nam). Hơn nữa, vào thời điểm 1955 – 1956, trước sự hỗn loạn gây ra bởi sự tranh giành của các giáo phái và do hoạt động bí mật của Việt Minh tại miền Nam, cuộc Cải cách ruộng đất tại miền Bắc Việt Nam tạo ra bầu không khí căng thẳng dẫn đến cuộc nổi dậy của nông dân tại các vùng lân cận Vinh. Do vậy, Ducanson cho rằng những tình hình diễn ra ở cả hai miền khiến Ủy hội Quốc tế Kiểm soát Đình chiến Đông Dương không có hy vọng đảm bảo một cuộc bầu cử thật sự tự do trong đó cử tri có thể bỏ phiếu theo ý muốn mà không sợ bị trả thù chính trị.[47] Tuy nhiên, trái ngược với quan điểm của Ducanson, theo các báo cáo của Ủy ban giám sát quốc tế thì trong giai đoạn 1954-1956, họ chỉ nhận được 19 đơn khiếu nại về việc trả thù chính trị trên toàn lãnh thổ miền Bắc Việt Nam[48].

Ngày 13-12-1954, Mỹ và Pháp ký kết văn kiện cho phép các cố vấn quân sự Mỹ thay thế dần cho sĩ quan Pháp tham gia huấn luyện quân đội Quốc gia Việt Nam ở miền Nam Việt Nam. Tháng 1-1955, Mỹ chính thức viện trợ quân sự trực tiếp cho quân đội Quốc gia Việt Nam.

Tuy người Pháp công nhận nền độc lập của Quốc gia Việt Nam họ chỉ miễn cưỡng bàn giao các cơ quan hành chính mà họ còn nắm giữ như cố ý gây cản trở tiến trình tách Quốc gia Việt Nam ra khỏi Liên hiệp Pháp, nhất là sau khi Quốc trưởng Bảo Đại chọn Ngô Đình Diệm làm Thủ tướng, một người không có thiện cảm với Pháp. Trong khi đó Pháp tiếp tục chi viện cho nhóm Bình Xuyên và hai giáo phái Cao ĐàiHòa Hảo cho đến năm 1955 mới thôi. Ba nhóm này có khoảng 20.000 quân kiểm soát một vùng rộng lớn; quân Cao Đài chủ yếu ở miền Đông Nam Bộ, quân Hòa Hảo ở miền Tây còn Bình Xuyên chiếm cứ Sài Gòn-Chợ Lớn. Khi không còn chi viện của Pháp nữa, các lực lượng này quay sang làm áp lực và tranh chấp với chính phủ Quốc gia.

Loại bỏ ảnh hưởng của Pháp

Sự kiện quan trọng trong giai đoạn này là việc tổng thống Hoa Kỳ - Eisenhower gửi công hàm chính thức cho Thủ tướng Ngô Đình Diệm cho biết từ đây chính phủ Quốc gia Việt Nam sẽ nhận viện trợ trực tiếp của chính phủ Hoa Kỳ chứ không qua nhà đương cục Pháp như trước.

Ngô Đình Diệm cho rằng cơ hội duy nhất cho chính phủ quốc gia Việt Nam đứng vững được là phải thoát khỏi những ảnh hưởng còn sót lại của Pháp, và ông quyết định phải thực hiện mục tiêu đó. Chỉ sau vài tháng nắm quyền thủ tướng, tháng 12 năm 1954 ông bãi bỏ quyền phát hành giấy bạc của Ngân hàng Đông Dương (một cơ quan do Pháp thành lập), từ nay giấy bạc lưu hành trên lãnh thổ miền Nam sẽ do Ngân hàng Quốc gia Việt Nam mới thành lập phát hành và cục hối đoái giao cho chính phủ Quốc gia Việt Nam quản lý. Tiếp đó ông yêu cầu chính phủ Pháp trong vòng năm tháng thực hiện chuyển giao cho Quốc gia Việt Nam mọi công tác của Quân đội Quốc gia Việt Nam còn phụ thuộc vào bộ chỉ huy Liên hiệp Pháp.

No comments:

Post a Comment