Saturday, June 9, 2018

 

Truy Lùng Trung Ương Cục Miền Nam Trên Lãnh Thổ Kampuchia

Kính tặng Chuẩn Tướng Trần Quang Khôi, Đại tá Nguyễn Văn Đương, Đại tá Phạm Văn Phúc, Trung tá Ngô Minh Hồng, Trung tá Nguyễn Văn Đồng và các Chiến hữu thuộc Lực Lượng Xung Kíck Quân Đoàn III trong cuộc hành quân Toàn Thắng 1/71.

Một nén hương tưởng niệm các niên trưởng Phan Văn Sành, Hoàng Trác, Võ mộng Thúy, Nguyễn Văn Ron. Nguyễn Văn Nam (ĐĐT/ĐĐTS/LĐ5BĐQ).

Cuối năm 1970 BTL/QĐIII xử dụng ba sư đoàn cơ hữu là 5,18, 25 và 2 Liên đoàn 3 và 5BĐQ thay phiên nhau mở cuộc hành quân sang lãnh thổ Kampuchia, phá tan hậu cần VC dọc theo biên giới: mật khu Ba Thu, Mỏ Vẹt, Lưỡi Câu. Đồng thời đi sâu vào các tỉnh Svay Rieng, Kompong Trach, Prey Vieng, cứu đồng bào Việt Nam thoát khỏi cảnh nạn kiều "cap duồn", đưa trở về Việt Nam định cư. Gần Tết các đơn vị được rút về Việt Nam ăn Tết, và cũng đồng thời chuẩn bị cho cuộc hành quân quy mô Toàn Thắng 1/71 trên lãnh thổ Kampuchia.

Lực lượng xung kích Quân đoàn III được thành lập gồm ba Chiến đoàn tinh nhuệ, tổ chức như sau:

1. Chiến đoàn 3 gồm có: Lữ đoàn 3 Kỵ binh (- 2 Thiết đoàn) + 1 Tiểu đoàn của Liên đoàn 3 BĐQ + 1 Tiểu đoàn của Liên đoàn 5 BĐQ + 1 Pháo đội của Tiểu đoàn 46 Pháo binh.

2. Chiến đoàn 333 gồm có: Liên đoàn 3 BĐQ (- 1 Tiểu đoàn) + 1 Thiết đoàn Kỵ binh + 1 Pháo đội của Tiểu đoàn 46 Pháo binh.

3. Chiến đoàn 5 gồm có: Liên đoàn 5 BĐQ (- 1 Tiểu đoàn) + 1 Thiết đoàn Kỵ binh + 1 Pháo đội của Tiểu đoàn 46 Pháo binh.

Sáng ngày mồng 4 Tết, các lực lượng này đã ào ạt xuất phát tiến quân theo trục lộ Thiện Ngôn, Xa Mát, vượt biên giới Kampuchia, sang ngã ba Krek, cặp theo quốc lộ 7, trực chỉ Kompong Cham. Mục tiêu là đồn điền Chup, theo tin tình báo nơi đây là bản doanh của Trung ương cục Miền Nam, tức là cục R. Ba Sư đoàn Bộ binh 5,18 và 25 thay phiên nhau giữ đường về từ Thiện Ngôn sang đến ngã ba Krek, dọc theo quốc lộ. Khi lực lượng của ta tiến đến thành phố Suong, một quận lỵ trù phú của tỉnh Kompong Cham thì chạm súng ác liệt với VC. Trung tướng Đỗ cao Trí Tư lệnh Quân đoàn III đã có mặt ngay từ phút đầu chạm súng trên bầu trời măït trận. Sau vài vòng lượn trên đầu quan sát mặt trận, ông đáp xuống và chỉ thị cho 3 Chiến đoàn trưởng: mục tiêu nầy khó ăn, nhưng các đơn vị cố gắng thanh toán để tiến nhanh đến mục tiêu chính là đồn điều Chup, nếu chậm trể cục R sẽ chạy mất. Chiến Đoàn 3 bọc lên phía bắc, Chiến đoàn 5 bọc xuống phiá nam, Chiến đoàn 333 tấn công chính diện. Ông quay sang chỉ thị cho đại úy Tuấn là sĩ quan tuỳ viên, bảo gọi về Trung tâm hành quân Quân đoàn có bao nhiêu máy bay đưa sang hết cho Đại tá Phúc (CĐT/CĐ333), rồi giao trực thăng cho các đơn vị trưởng bay lên quan sát trận địa. Lực lượng xung kích QĐ III đã nhanh chóng thanh toán địch tại thành phố Suong và tiến như chẻ tre về đồn điền Chup, với những cuộc chạm súng không đáng kể. Chiến Đoàn 3 bọc sâu lên làm rào cản, án ngữ ngang phía bắc đồn điền Chup. Chiến đoàn 333 càn quét rìa phía tây Chup dọc theo sông Cữu Long. Chiến Đoàn 5 chia làm hai cánh, tiến quân theo như lệnh hành quân của QĐ III đã phổ biến.

1- TĐ 38BĐQ với 2 đại đội của TĐ33BĐQ làm lực lượng xung kích tiến quân xuyên qua đồn điền Chup từ hướng nam lên hướng bắc, đoạn đường dài 14 Km.

2- Chiến đoàn 5 ( – ) càn quét rìa phía đông đồn điền Chup.

Nhưng theo đề nghị của Trung tá Ngô Minh Hồng, hai đại đội của TĐ38 BĐQ được thay thế bởi Đại Đội 5 Trinh Sát. Tờ mờ sáng cánh quân xung kích đã bắt đầu vượt tuyến xuất phát. Đại Đội 5 Trinh Sát cùng với đại đội 1/TĐ38BĐQ (Đ/uý Hoàng Văn Trác ĐĐT) tiến song song mở đường cho cánh quân. Đồn điền Chup với những cây cao su lâu đời to lớn, như một khu rừng già, nhìn không thấy ánh mặt trời, đã làm trở ngại không ít cho việc liên lạc bằng vô tuyến. Công nhân ở đây sống trong những làng cách nhau thật xa. Cánh quân tiến được khoảng 9 Km thì bắt đầu chạm địch. Đây là một trung tâm huấn luyện tân binh mà địch chưa kịp di tản. Quân ta đã nhanh chóng đẩy lùi địch và phá hủy toàn bộ trung tâm huấn luyện này. Tiến thêm vài trăm mét nữa thì phát giác ra những hệ thống giây điện thoại chằng chịt, binh sĩ cắt bỏ chưa xong thì địch đã ào ạt tấn công, trận chiến xảy ra thật ác liệt. Có lẽ đây là đơn vị bảo vệ cục R, nên chúng được huấn luyện kỹ về kỹ thuật tác chiến trong rừng cao su, chúng nhanh nhẹn nhảy từ gốc cao su nầy sang gốc cao su khác như những con sóc, thuộc lòng địa thế và điều quân theo tên của từng lô cao su. Lúc bấy giờ liên lạc vô tuyến tương đối còn tốt, pháo binh rồi trực thăng võ trang yễm trợ hữu hiệu, anh em binh sĩ chống trả dũng mãnh đã đẩy lùi cuộc tấn công của địch. Đơn vị bung rộng ra lục soát tịch thu được gần trăm vũ khí đủ loại. Tìm được bãi trống nhỏ, chúng tôi nhanh chóng lo việc tải thương và tiếp tế đạn dược. Tiếp tục tiến quân được vài trăm mét thì địch đã vận động từ xa tới bao vây tấn công tứ phía. Liên lạc vô tuyến lúc nầy bị tắc nghẽn, không gọi được yễm trợ, phải tự túc tác chiến. Mặc dầu vậy, địch vẫn không chọc thủng được phòng tuyến của hai đại đội đi đầu. Trời tối dần, cánh quân phải co lại để phòng thủ qua đêm. Đại đội Trinh sát và đại đội 1/TĐ38BĐQ lập phòng tuyến phía trước, TĐ38BĐQ (- ĐĐ1) đâu lưng phòng thủ phía sau. Binh sĩ được lệnh nằm im không phản ứng khi bị địch quấy phá, địch quân mò mẫm suốt đêm vẫn không tìm ra được vị trí đóng quân của đơn vị.

Sáng hôm sau địch tấn công liên tục, càng lúc càng dữ dội hơn. Tôi ra lệnh cho anh em trinh sát chỉ nổ súng khi VC cách khoảng 10 mét, mặc cho chúng thổi kèn và hò hét xung phong từ ngoài xa. Tôi tìm mọi cách liên lạc với Liên đoàn để báo cáo tình hình và xin yễm trợ đều vô hiệu. Áp lực địch ngày càng nặng hơn. Tôi mở sang hệ thống không lực và nghe được văng vẳng tiếng liên lạc của L19, tôi thử máy và tạm liên lạc được nhưng không rõ lắm, tôi báo cáo cho họ biết chúng tôi là cánh quân của Chiến Đoàn 5 đang ở trong đồn điền cao su Chup và mất liên lạc với Chiến Đoàn từ tối hôm qua, đang chạm địch nặng và nhờ họ yễm trợ.

Anh em L19 cho biết là họ có nhiệm vụ yểm trợ cho một đơn vị khác nhưng chưa liên lạc được. Nếu trong vòng 5 phút nữa họ vẫn không liên lạc được thì họ sẽ đến yễm trợ cho chúng tôi. Vài phút sau đó L19 cho biết sẽ đến yễm trợ cho tôi, tôi cho tọa độ và phải xử dụng đến súng bắn hỏa châu họ mới tìm ra được vị trí. Tôi và Trung tá Ngô Minh Hồng nhờ đó đập tan được cuộc tấn công của địch, nhưng vẫn còn dè dặt không bung rộng ra lục soát như ngày trước, vì áp lực địch vẫn còn nặng nề. Chúng tôi chuẩn bị đóng quân qua đêm. Từ chập tối địch quấy phá liên tục nhưng vẫn không tìm ra được vị trí đóng quân của chúng tôi. Đến khuya thì chúng tìm ra được vị trí của TĐ38 BĐQ và tấn công dữ dội. Trong đêm tối không soi sáng một đại đội của TĐ38 bị rối loạn, tôi cấp tốc đưa trung đội 2 trinh sát của Thiếu Úy Bùi Mạnh Dũng sang bảo vệ BCH/TĐ giúp TĐ rãnh tay điều động phản công và ổn định lại vị trí. Sáng ngày hôm sau binh sĩ đã bắt đầu không chịu đựng nổi với cơn khát (trong rừng cao su không tìm đâu ra nước), có người đã định nếm thử nước tiểu của mình. Tôi chợt nghĩ ra là Chiến Đoàn 3 đang án ngữ phía bắc, cách chúng tôi khoảng 4 Km, và TĐ 30 BĐQ của Thiếu Tá Phan văn Sành Khóa 17 TVBQG đang tăng phái cho Chiến Đoàn 3. Mặc dầu đã rời TĐ30 BĐQ khá lâu, nhưng Thiếu Tá Sành và tôi vẫn thường xuyên giữ tần số nội bộ của nhau để liên lạc khi cần. Tôi vào tần số nội bộ của TĐ30 BĐQ và bắt đâu liên lạc:

– 25 đây Hoàng Sa gọi, nghe được tôi không trả lời.

– Hoàng Sa đây 25 nghe 4 trên 5. Mầy đang làm gì, ở đâu, có gì không trả lời.

– Tôi đang bị kẹt trong Chup cách 25 khoảng 4km. Từ hai ngày nay không liên lạc được với ai, trả lời.

– Tao biết rồi, đang theo dõi, nhưng làm gì có mầy trong đó, trong lệnh hành quân chỉ có TĐ 38BĐQ và hai Đại đội của TĐ33BĐQ thôi, tại sao có mầy, trả lời.

– Giờ chót tôi thay hai đại đội của TĐ33BĐQ, đang kẹt lắm, 25 có thể trình đại tá Khôi vào tiếp chúng tôi được không, trả lời.

– Được rồi, yên chí tao trình liền với đại tá Khôi sẽ cho mầy biết kết quả ngay, chờ máy. Chỉ vài phút sau anh cho biết đại tá Khôi đã chấp thuận, TĐ30BĐQ cùng với một Chi đoàn M113 của Thiếu tá Nguyễn văn Ron đang tăng phái cho TĐ30BĐQ, sẽ lên đường vào tiếp cứu chúng tôi ngay. Tôi cho anh tọa độ của chúng tôi đang ở và dặn anh nhớ mang theo thật nhiều nước vì chúng tôi đang cần. Anh dặn tôi bao giờ nghe được tiếng thiết giáp thì bắn một tràng đại liên M60 về hướng anh và hướng dẫn anh đến cho nhanh. Tôi muốn để Trung tá Ngô minh Hồng ngạc nhiên nên chưa báo tin nầy, khoảng một giờ sau khi nghe tiếng thiết giáp và TĐ30BĐQ sắp mang nước tới, ông mừng rở và rủa tôi ngay: thằng quỷ sứ sao không báo cho tao biết. VC đa dạt ra bên ngoài bàn mưu tính kế, để yên cho chúng tôi chuyền những can nước và bidon cho nhau. Chúng tôi họp chớp nhoáng với nhau, mình không đánh VC, bằng mọi gía phải ra khỏi chổ nầy trước khi trời tối. TĐ30BĐQ và Chi đoàn M113 đi trước mở đường, TĐ38BĐQ đi giữa và Trinh sát đoạn hậu. Lúc bấy giờ vào khoảng 4 giờ chiều. Thiếu tá Sành mưu trí lanh lợi, dương đông kích tây, bọn VC không biết đường nào để trở tay hay chận đầu. Chúng tôi ra khỏi dồn điền Chup vào khoảng 8 giờ tối và cho đóng quân đêm. Sáng hôm sau, Trung tướng Đỗ cao Trí đáp xuống mặt trận khen thưởng, trong lúc gằn huy chương cho trung tá Hồng và tôi ông nói:

- Tôi gắn trước cho hai anh mỗi người một ngôi sao vàng trong quyền hạn của tôi, nhưng cục R đã chạy mất về Kratié rồi, chúng ta sẽ tiếp tục truy kích chúng, trong chiến dịch nầy các anh ráng lấy thêm vài huy chương nữa.

Tôi tạm chia tay với TĐ38BĐQ trở về lại với BCH/LĐ5, các chiến đoàn tiếp tục tiến về phía bắc. Chiến trường vẫn tiếp diễn, chuyện tử biệt sanh ly xảy ra hằng ngày. Chỉ hai ngày sau, vào lúc giữa khuya, chúng tôi nhận được hung tin Thiếu tá Phan văn Sành đã tử trận. Đại tá Nguyễn Văn Đương LĐT/LĐ5BĐQ đích thân xuống Đại đội Trinh sát báo tin, lúc đó tôi đang ngồi thừ người như khúc gổ. Ông thấu hiểu thân tình giữa tôi và Thiếu tá Sành nên đã đến bên tôi chia buồn, an ủi, lúc đó tôi không làm sao cầm được nước mắt. Anh Sành cũng là một TĐT mà ông mến trọng nhất trong Liên đoàn. Tiếp đến chúng tôi lại nhận được tin Thiếu tá Nguyễn văn Ron Chi đoàn trưởng M113 cũng hy sinh trên chiến trường. Thế là chỉ vỏn vẹn có vài ngày mà hai đơn vị trưởng vào tiếp cứu chúng tôi trong đồn điền Chup đã tử trận. Kế hoạch truy kích cục R vẫn tiếp diễn. Chiến đoàn 333 thiết lập căn cứ hỏa lực tại phía nam đồn điền Dambe, nơi hai anh Sành và Ron đã hy sinh, căn cứ này còn có nhiệm vụ giữ mặt hậu. TĐ30 BĐQ có chỉ huy trưởng mới là đại uý Võ Mộng Thuy, Khóa 19 TVBQG đến thay thế. Chiến Đoàn 3 xuất phái TĐ30 BĐQ trở về với chiến đoàn 5 và được thay thế bằng một tiểu đoàn của Sư đoàn 25, đồng thời được tăng phái thêm một thiết đoàn, một pháo đội từ chiến đoàn 5 cộng thêm một Tiểu đoàn Công binh chiến đấu có một đại đội cầu nỗi, tiếp tục tiến quân dọc theo tỉnh lộ 7B, trực chỉ quận Chlong của tỉnh Kratié. Toàn bộ LĐ5 BĐQ được trực thăng vận đổ xuống Chlong, để lập đầu cầu. Khi LĐ vừa mới đổ quân được hai đại đội của TĐ33BĐQ thì được lệnh của Trung tướng Đỗ cao Trí cho tạm ngưng, để đổ đại đội trinh sát xuống trước. Khi đại đội trinh sát của tôi vừa xuống xong thì được lệnh của ông cho bung rộng ra giữ an ninh vị trí và thả trái khói đánh dấu vị trí, sau đó ông đáp xuống ngay đại đội tôi và giao trực thăng cho LĐT LĐ5BĐQ xữ dụng, để tiếp tục đổ quân xuống Chlong. Ông cùng Đại Úy Tuấn (K19 cùng đại đội B với tôi lúc còn trong trường Vỏ Bị) là sĩ quan tùy viên ngồi lại hỏi thăm và trò chuyện cùng chúng tôi suốt buổi chiều hôm đó. Hôm sau đã nghe tin ông tử nạn, khi trực thăng vừa cất cánh từ Tây Ninh. Ông chết đi QLVNCH mất một thiên tài quân sự và để lại một lỗ hổng to tướng trên chiến trường. Trung tướng Nguyễn văn Minh tư lệnh Biệt khu Thủ Đô lên thay thế, đã lúng túng cả tuần lễ, rồi quyết định triệt thoái trở lại không tiếp tục theo kế hoạch hành quân mà Trung tướng Trí đã vạch sẳn, khiến cho đoàn quân thiện chiến của QĐ III bị thiệt hại tại Dambe.

Theo tôi được biết, kế hoạch của Trung tướng Trí là sau khi Chiến đoàn 3 bắt tay được với Chiến đoàn 5 tại Chlong, sẽ xữ dụng công binh bắt cầu nỗi, vượt sông tiến quân về Kratié truy lùng cục R. Sau đó đoàn quân sẽ chuyển hướng về Snoul, cùng lúc ông sẽ điều động Sư đoàn 5 Bộ binh từ Lai Khê lên và hai cánh quân sẽ bắt tay nhau tại đây. Cuối cùng đại tá Trần quang Khôi, tư lệnh chiến trường, một sĩ quan tài ba của quân lực VNCH, cánh tay mặt của trung tướng Đỗ Cao Trí, sau hai ngày thi hành theo kế hoạch của Quân đoàn không kết quả, dù ông đã xữ dụng TĐ52BĐQ và một Chi đoàn M113 để mở đường. Ông đã có quyết định sáng suốt và cương quyết, xin cho ông được toàn quyền hành động. Ông họp bàn cùng đại tá Nguyễn văn Đương là Liên Đoàn trưởng Liên Đoàn 5 BĐQ, kiêm Chiến đoàn trưởng Chiến đoàn 5, cho biết là không thể kéo dài tình trạng nầy được, vì 3 sư đoàn VC sẽ xiết chặt vòng vây và gây thiệt nặng cho mình. Thiết giáp của chiến đoàn 3 sẽ cỏng hết chiến đoàn 5 và bằng mọi giá chúng ta phải mở đường thoát khỏi vòng vây của địch. Vấn đề quyết định là chúng ta phải phá được vòng vây, thiết lập đầu cầu, giữ vững vị trí nầy để đoàn quân thoát ra tiến lên tấn công tràn qua vị trí địch.

Thiết đoàn 15KB do trung tá Nguyễn văn Đồng chỉ huy và đại đội 5 Trinh sát được giao cho nhiệm vụ nầy. Từ sáng sớm ông đã cho một đơn vị đánh cầm chừng vào vị trí củ như hai ngày qua, theo kế hoạch của quân đoàn. Ngay sau khi box B52 vừa trải thảm xong, đại đội 5 Trinh sát cùng với một Chi đoàn M113 của Thiết đoàn 15KB, mở đường sang phía đông ào ạt tiến lên xông vào ổ kiến lửa, chọc thủng phòng tuyến địch đang dàn quân cố thủ tại chổ. Cứ 3 binh sĩ BĐQ làm một tổ, 2 tác chiến 1 trợ thủ, sẳn sàng tung lựu đạn khi cần thiết. Thiết giáp dàn phía sau yễm trợ tối đa hỏa lực qua đầu quân bạn ngăn chặn làn sóng tấn công của địch quân. Thiết đoàn 15KB tiến lên như vũ bảo, cày nát vị trí địch và tiến theo thế chân vạc. Bộ tư lệnh lực lượng xung kích điều khiển phi cơ oanh kích liên tục vào các vị trí tập trung của địch. Bị uống thuốc kích thích, hàng đàn VC ào ào lao lên như những con thiêu thân mang theo ảo vọng ngông cuồng “đốt xe giấy, bắt lính con mèo”, ở đây, trong giờ phút nầy, sự sống chết hoàn toàn bị quên lãng. Mọi người bị cuốn hút vào trong một trận đánh tàn bạo đẫm máu. Đại đội trinh sát Liên đoàn 5BĐQ và Chi đoàn M113 của Thiết đoàn 15KB đã sát cánh bên nhau chiến đấu thật anh dũng, can trường, giữ vững trận địa và bảo vệ đoạn hậu cho lực lượng xung kích QĐIII thoát khỏi vòng vây của 3 Sư đoàn VC tại Dambe, nhiệm vụ được hoàn thành tốt đẹp trong một tình huống cực kỳ khó khăn.

Một tuần lễ sau trận chiến, tai tôi vẫn còn bị ù, vì đã hứng chịu hàng ngàn tiếng nổ long trời lở đất của đủ loại vũ khí tác xạ cùng một lúc, kể cả hỏa tiễn cùng phi pháo của cả đôi bên lâm chiến.

Đức Quốc tháng 10/2004

Hoàng Sa Nguyễn Văn Nam

http://www.bietdongquan.com/baochi/munau/munauso14.htm

 

=================================

 

Đường vào mật khu Tam Giác Sắt
- Kỵ binh Lưu Đình Vũ

https://youtu.be/OiYxtb1wnJs
ĐƯỜNG VÀO MẬT KHU TAM GIÁC SẮT

Kỵ Binh Lưu Đình Vũ.

Lời giới thiệu của KB Saigon:
Trong Bản Tường Trình của Thiếu Tướng John Muray, Trưởng văn phòng Tùy Viên Quân Sự, Tòa Đại sứ Mỹ cho biết: Vào lúc cao điểm của cuộc chiến Quân Đội Mỹ và Đồng Minh có 433 Tiểu Đoàn và Quân Cộng Sản Bắc Việt xâm lược (CSBVXL) có 180 Tiểu Đoàn. Năm 1974, Khi Quân Đội Mỹ rút quân về nước thì QLVNCH có 189 Tiểu Đoàn. Quân số CSBVXL tăng lên 330 Tiểu Đoàn. QLVNCH không còn được Hoa Kỳ yểm trợ Hải Pháo, Không Quân chiến lược B52 và KQ chiến thuật F4. Quân viện bị cắt giảm chỉ bằng 2% tổng số kinh phí đã sử dụng cho Quân Đội Mỹ. Thượng Đế dĩ nhiên nghiên về phe có nhiều Tiểu đoàn hơn. Thượng Đế đã mĩm cười với quân CSBVXL. Biết được điểm yếu của QLVNCH cho nên sau khi thất bại thê thảm tại đồn Biên Phòng Đức Huệ, Sư đoàn 5 CSBVXL đã bị Lữ Đoàn 3 Kỵ Binh/LLXKQDIII đánh tan chỉ trong một ngày, vào tháng 5 năm 1974 Quân CSBVXL đã đồng loạt tấn công và tràn ngập 2 tiền đồn Rạch Bắp, Căn cứ 82 và sau đó tấn chiếm An Điền tại khu Tam Giác Sắt.Đây là một trận chiến lớn trong lảnh thổ Quân Đoàn III. Trước tình hình quân viện bị cắt giảm thảm thiết, QLVNCH đã mất đi ưu thế di động và hỏa lực yểm trợ dồi dào. Các đơn vị Tổng trừ bị bị cầm chân trong thế diện địa.

Trong hội nghị Diên Hồng khi được hỏi “Thế nước yếu lấy gì lo chiến chinh”. Các bô lảo đồng thanh trả lời “Hy Sinh “. Gần 800 năm sau, không có Hội nghị Diên Hồng, không có cả câu hỏi năm xưa. Nhưng người lính chiến QLVNCH đã thể hiện lòng dũng cảm , tinh thần bất khuất và sự Hy Sinh vô bờ bến đã chiến đấu trong thế cùng lực tận để Bảo Quốc An Dân.

Đọc bài viết “Đường Vào Mật Khu Tam Giác Sắt, tác giả Đại úy Vũ Đình Lưu, con chiến mã đầu đàn của Chi Đoàn 2/5 Thiết Kỵ lừng danh sông núi để ngậm ngùi, để tưởng nhớ, để vinh danh những Kỵ Binh Thiết Đoàn 5 Kỵ Binh đã Hy Sinh thân mình cho Tổ Quốc Việt Nam. Xin đốt một nén nhang để tưởng niệm hai người bạn thân: Kiến trúc sư Thiếu úy Công Binh Vũ Văn Dũng, và Thiếu úy Kỵ Binh Nguyễn Trung Đồng Dinh đã đền xong nợ nước tại mặt trận An Điền năm xưa.

Cuộc chiến năm xưa dù đã qua đi nhưng tinh thần chiến đấu dũng mãnh và sự Hy Sinh cao cả của những chiến binh Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa bất diệt. Tổ Quốc Ghi Ơn.

***

Lời nhận xét của Chuẩn Tướng Trần Quang Khôi:

Trong trận An Điền-Rạch Bắp chống lại SĐ9CSBV, vì địa thế chiến trường không thuận lợi đối với Thiết Giáp, nên QĐ3 sử dụng trong giai đoạn đầu SĐ18BB tiến chiếm An Điền. Trong giai đoạn 2, sử dụng SĐ5BB tái chiếm Rạch Bắp. Trong cả 2 giai đoạn, LĐ3KB chủ yếu dùng hỏa lực yểm trợ (PB 105 + 155 của LĐ và M48). Chiếc T54 mà Tr.Đ52/SĐ18 kéo về (chiến lợi phẩm) là do hỏa lực của đại bác M48A3 bắn hạ.

Bài viết của Đại úy Vũ Đình Lưu khá chính xác nhưng chỉ trong phạm vi của SĐ18. Về sau phải đến cuối tháng 8/74 SĐ5 mới thanh toán xong Rạch Bắp. SĐ9CSBV bị tổn thất rất lớn.

“Vó câu muôn dặm không sờn chí,
Xích sắt nghìn miles chẳng sợ mòn.”

Lần đầu tiên trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, Cộng Sản Bắc Việt đã xua Chiến xa tiến gần Thủ Đô Sài Gòn nhất. Chúng dùng Chiến xa cùng Bộ Binh với trọng pháo tầm xa yểm trợ tiến chiếm xã Phú Thứ (Quận Phú cường,Tỉnh Bình Dương). Một địa danh cực Nam của vùng mà Cộng Quân gọi là Vùng Tam Giác Sắt cách Sài Gòn 30 Km về hướng BắcTây Bắc vào thời điểm giữa tháng 5 năm 1974.

Tam giác Sắt, vùng đất hình tam giác nhọn nằm về hướng Tây của Bến Cát. Một địa danh nổi tiếng với rừng cây rộng lớn khoảng 80 cây số vuông, Cộng Quân gọi là vùng bất khả xâm phạm vì nơi đây là căn cứ hậu cần của chúng tại miền Đông Nam Phần. Nhìn vào bản đồ vùng Tam Giác Sắt tựa như đầu một mũi tên sắt nhắm thẳng vào tim của miền Nam Việt Nam.

Vì tầm mức quan trọng chiến lược của vùng Tam Giác Sắt; năm 1967, Liên quân Việt Mỹ đã huy động một lực lượng hùng hậu gồm Sư Đoàn 5 BB, Chiến Đoàn Đặc Nhiệm của Quân Đoàn 3 và một phần lực luợng Tổng Trừ Bị tăng phái. Lực luợng Hoa Kỳ có Sư Đoàn 1và Sư Đoàn 25 Bộ Binh, Lữ Đoàn 173 Dù và Thiết Đoàn 11 Kỵ Binh. Lực lượng Việt Mỹ đã đánh tan căn cứ hậu cần nầy của CQ sau 17 ngày đêm hành quân tiêu diệt.
Năm 1974, một năm đẫm máu tại vùng Tam Giác Sắt. Không có cuộc hành quân hay chiến dịch nào lâu dài hơn, dữ dằn hơn hay tổn thất hơn là trận đánh vùng Tam Giác Sắt. Tại đây, một vùng tương đối bằng phẳng, cầy nát bởi vô số bom đạn, soi thủng bằng một hệ thống đường hầm chằng chịt. Loang lỗ bởi những vết thẹo của trăm, ngàn cuộc đụng độ lớn nhỏ đã diễn ra khắp cùng mọi nơi của khu rừng An Sơn dày đặc bụi rậm, cây gai suốt 20 năm qua.

PHÓNG ĐỒ HÀNH QUÂN

TÁI CHIẾM AN ĐIỀN – RẠCH BẮP THÁNG 6 NĂM 1974

Nếu chiếm được vùng này, Cộng quân sẽ đặt Khu Quân Sự Tân Sơn Nhất và các vị trí phòng thủ của QLVNCH tại Phú Cường, Củ Chi, Lai Khê trong tầm đạn của đại pháo.

Quận Bến Cát nằm về phía Đông Mật khu Tam Giác Sắt, cách Biên Hòa 35 Km hướng Bắc Tây Bắc. Một Thị trấn nhỏ nằm cạnh Quốc lộ 13, bao lâu nay đồng bào được sống yên bình, sinh hoạt bán buôn thịnh vượng.
Ngày 16 tháng 5, hai Trung Đoàn của Sư Đoàn 9 Bắc Việt cùng Chiến xa với trọng pháo yểm trợ chiếm Rạch Bắp (là căn cứ cuối cùng của QLVNCH trấn giữ mạn Bắc của vùng Tam Giác Sắt) và tràn ngập Căn Cứ 82 cách xã An Điền 4 km về hướng Tây. Sau đó, ngày 17 tháng 5, gần năm ngàn thường dân An Điền, Bến Cát lũ lược tháo chạy từ bỏ làng xã,Thị Trấn, khi CSBV dùng đại pháo và Súng cối xua đuổi tàn bạo. Tiếp theo Trung Đoàn 95C Cộng Quân tấn chiếm xã An Điền. Trung Đoàn 272 đâm thẳng xuống phía Nam chiếm Phú Thứ để tiến về Phú Cường nhưng QLVNCH đã chận đứng bước tiến tại đây.

Xã An Điền, nằm về phía Tây Thị trấn Bến Cát một cây số rưỡi nối liền bằng một con đường độc đạo đất đỏ là Hương lộ 7, với chiếc cầu sắt yếu ớt bắc qua sông Thị Tính hiền hoà, nước trong vắt. Chung quanh xã, từ hướng Bắc qua Đông xuống mạn Nam là ruộng lúa, sình lầy. Đây là địa danh cực Đông của vùng Tam Giác Sắt.

Tướng Phạm Quốc Thuần Tư Lệnh Quân Đoàn 3 dàn Sư Đoàn 18 Bộ Binh ra nhiều cánh quân phản công tái chiếm các vị trí đã mất. Sự phản công khởi sự khoảng ngày 22 tháng 5. Các Chiến Đoàn Thiết Kỵ của Lữ Đoàn 3 Xung kích( LĐ3XK) tham chiến. Chiến Đoàn 322 gồm Thiết Đoàn 22 Chiến xa và Tiểu Đoàn 2/43 Bộ Binh tấn công từ hướng Nam lên đồi 82 và Rạch Bắp. Chiến Đoàn 318 tiến công từ Bến Cát vào An Điền. Cùng một lúc 3 Tiểu Đoàn của Liên Đoàn 7 Biệt Động Quân từ hướng Bắc tấn công xuống Căn cứ 82. Tất cả mọi nỗ lực tái chiếm đều không đem lại kết quả và bị tổn thất nặng nề. Đại tá Dư Ngọc Thanh Tư Lệnh phó L Đ3XK bị thương hư một mắt tại khu vực chiếc cầu phao đuợc Công Binh can đảm bắc qua sông Thị Tính dưới đạn pháo của địch quân. Chiếc cầu phao chiều dài khoảng 50 mét dùng cho Chiến xa xử dụng vì chiếc cầu sắt Thị Tính không chịu nổi sức nặng của Chiến xa. Bốn ngày sau tức ngày 26 tháng 5 Tướng Thuần quyết định thu quân đề chuẩn bị cho một kế hoạch mới.

Tại Bộ Tư Lệnh Tiền phương của Sư Đoàn 18 Bộ Binh cạnh Quốc Lộ 13 cách Bến Cát chừng 5 Km về hướng Nam. Tướng Tư Lệnh Sư Đoàn 18 Lê Minh Đảo,Trung tá Ngô Kỳ Dũng Trung Đoàn Trưởng Trung Đoàn 52 Bộ Binh ( TR/Đ52BB ) các Tiểu ĐoànTrưởng Bộ Binh, Pháo Binh cùng Chi Đoàn Trưởng Chi Đoàn 2/5 Thiết Kỵ ( CĐ2/5 TK ) nhận lệnh tấn công tái chiếm An Điền. Và từ đây làm bàn đạp cho các đơn vị QLCVCH tái chiếm Căn Cứ 82, Rạch Bắp.

Trên Quốc Lộ 13 từ hướng Nam, CĐ2/5 TK cộng một Chi Đội Chiến xa M41 cùng Đại Đội 52 Trinh Sát (ĐĐ52/TS) tùng thiết di chuyển trong đêm tối. Đoàn Thiết Kỵ chỉ được mở đèn “ mắt mèo” và im lặng vô tuyến. Theo sau là đoàn xe GMC chở Tiểu Đoàn 1/52 Bộ Binh (TĐ1/52BB) tiến vào Thị Trấn Bến Cát lúc 5 giờ sáng ngày 1 tháng 6 năm 1974.

Thị Trấn Bến Cát nhỏ bé, trong thời gian này càng thấy bé bỏng hơn vì không còn sự sinh hoạt nào của dân chúng, một Thị Trấn chết, quá vắng lặng. Không còn ánh sáng đèn điện nào, đây đó một vài đám cháy do đạn pháo kích của CSBV ngày hôm qua.Trên không trung những hỏa châu treo lơ lửng rọi ánh sáng vàng vọt yếu ớt xuống thành phố. Nhà nhà cửa đóng then gài. Đây đó gặp những toán Biệt Động quân (BĐQ) tuần canh trong thành phố. Chúng tôi tiến xuyên qua thành phố và hướng đến bờ sông Thị Tính. Trong lúc di chuyển thỉnh thoảng vài trái đạn pháo kích rơi rải rác khắp nơi vì bọn chúng biết có một lực lượng mới đến đây. Trấn giữ thành phố là một Đại Đội BĐQ, còn Tiểu Đoàn BĐQ (-) trấn giữ mạn Bắc. Chi Khu Bến Cát phụ trách phòng thủ mạn Nam của Thị Trấn.

CĐ 2/5 TK và ĐĐ 52 TS (cánh quân 1) tiến sát bên này chiếc cầu phao. Đơn vị bố trí sát nhà máy xay lúa rất lớn đã bị hư hại vì đạn pháo của CSBV . TĐ1/52 BB (cánh quân 2) dàn quân hai bên trái phải của Chi Đoàn, dọc theo bờ sông Thị Tính. Trục tấn công chính diện từ Bến Cát vào An Điền lấy con đường độc đạo làm chuẩn.

Theo kế hoạch, hai Tiểu Đoàn 2/52BB và 3/52BB (cánh quân 3) sẽ đánh từ hướng Nam lên Bắc để cùng cánh quân 1 và 2 tái chiếm xã An Điền.

Đúng 5 giờ 30 sáng ngày 1 tháng 6 -1974, ba cánh quân của Chiến Đoàn 52 bắt đầu vượt tuyến xuất phát tấn công vào An Điền cửa ngỏ vào mật khu Tam Giác Sắt.

Tôi điều Chi Đội 4 Chiến xa M41vượt cầu phao, kế tiếp là xe Chỉ huy, và lần lược các Chi Đội Thiết Kỵ theo sau. Đơn vị di chuyển hàng dọc vì chỉ có1con đường duy nhất để vào An Điền. Hai bên con lộ đất đỏ nhỏ bé là ruộng lúa, nước và sình lầy. Một địa thế hoàn toàn bất lợi cho Thiết Giáp, mặc dù là loại xe M113 cũng không thể nào vượt qua được cánh đồng bề ngang một cây số này. Bất lợi hơn nữa là xữ dụng đội hình Chi Đoàn hàng dọc để trực diện tấn công mục tiêu khá rộng lớn.

Áp dụng chiến thắng cuộc tấn công giải tỏa tiền đồn cấp Đại Đội Địa Phương Quân bị 1 Tiểu Đoàn của Trung Đoàn Bình Giả bao vây tại Xà Bang, Bình Giả tháng 3 năm 1973. Tướng quân Lê Minh Đảo và Đ/tá Trần Bá Thành đã dùng Tiều Đoàn 2/48 ( Th/tá Phúc ) của TR/Đ 48 BB cùng CĐ2/5 TK tấn công vũ bão chiếm mục tiêu thật nhanh chóng. Thà có thể bị thiệt hại vào giờ phút đầu, nhưng về sau thì bảo toàn nhân mạng. Không thể tấn công nửa vời vì trên trục tiến quân Cộng Quân bao giờ cũng đặt chốt kiền và trận địa pháo. Sau khi chọc thủng cụm phòng tuyến ngoại vi sẽ bung rộng đội hình đánh mục tiêu kế tiếp.Chúng tôi áp dụng phương thức tấn công này.

Ba chiếc M41cùng với ĐĐ52/TS tiến quân 2 bên trái phải con lộ, đã qua bên kia sông, cách cầu phao khoảng 500 mét. LLCSBV bắt đầu pháo vào đoàn quân bằng Súng cối 82 ly. Chi Đội Chiến xa nới rộng khoảng cách và tiếp tục tiến tới nhanh chóng cùng chiến sĩ Trinh Sát. Tôi thấy chiếc Chiến xa M41 dẫn đầu khựng lại một cách bất thường, và nhận báo cáo của trưởng xa là gặp một chiếc cống sập bề dài bằng CX M41, khá sâu, không thể băng qua được. Tôi gọi lên Chiến Đoàn để báo cáo. Tiếp liền theo Chiến xa T54 từ An Điền khai hỏa nhắm vào đội hình Chi Đoàn. Từng cục lửa đỏ hực liên tiếp bay đến với tiếng rít rợn người của đạn Đại bác 100 ly trên Chiến xa T54. Tôi liền cho lệnh Đại bác 76 ly trên CX M41tác xạ, dựa vào điểm lóe sáng khởi đầu của Đại bác trên T54. Thật tình nói rằng tác xạ để anh em binh sĩ lên tinh thần chứ không thấy được chiếc T54 nào vì chúng nằm dưới hầm và nguỵ trang. Hơn nữa bên An Điền mịt mù khói lửa bởi hàng trăm quả đạn đại bác 105 ly,155ly của các Pháo Đội đang trút xuống hầu đè bẹp mục tiêu.

Ngoài bìa làng có nhiều chốt của chúng sát cánh đồng lúa, chúng dùng Đại bác 82 ly không giật của Liên Sô tác xạ vào đội hình Thiết Giáp và Bộ Binh. Trong bìa làng thì Thượng liên khạc lửa. Những khẩu Đại liên 50 bây giờ được khai hỏa vì các chốt nằm trong tầm sát hại của Đại liên 50 là 800 mét. Các chốt này ngay giữa đồng trống nên bị Đại liên, Súng cối 81ly và Đại bác 76 ly tiêu diệt dễ dàng. Tiếp liền sau đó chiếc M41 thứ 4 bị T54 bắn trúng pháo tháp ngay trên chiếc cầu phao. Chiếc M41, bị xô lệch nằm chênh vênh một nửa trên cầu phao, một nửa chấm nước làm chiếc cầu nghiêng một góc 30 độ.

Hởi ôi!!! một tình huống nguy hiểm không lối thoát, tiến không được, thoái cũng không còn đường. Sông thì sâu làm sao Chiến xa M41 có thể băng qua được. Trong lòng tôi lo lắng và bối rối vô cùng, nhưng vẫn cố giữ bình tỉnh để tìm một cách cứu nguy nhanh nhất. Tôi nghĩ ngay đến kế dùng “Hỏa Mù” đề che mắt địch nên bảo anh Th/úy Tiền Sát Viên Pháo Binh xin bắn đạn khói. Được Chiến Đoàn đáp ứng ngay tức khắc. Một màn khói dày đặc bao phủ bìa làng An Điền, hiệu quả tức thời, T54 ngưng tác xạ vì chúng không còn thấy chúng tôi nữa. Việc cấp cứu xa đội CX bị nạn thực hiện ngay. Các chiến sĩ Trinh Sát và Kỵ Binh bất chấp hiểm nguy, chạy như bay và nhảy phóc lên xe cứu bạn, rất may xe không bị nổ và cháy. Một HSQ Trưởng xa và tài xế bị thương nặng, hai KB hy sinh. Chiếc M 41 lủng pháo tháp một lổ bằng cái chén!

Tất cả các cánh quân của TRĐ52BB bây giờ đều nằm trong trận địa pháo của địch. Hệ thống liên lạc Truyền Tin bắt đầu bận rộn với những báo cáo thiệt hại về nhân mạng của 3 Tiểu Đoàn. Trước mắt tôi, mũi tiến công của TĐ1/52 BB hai bên trái phải của con lộ 7 bị ngưng lại vì bãi mìn “cóc” trước mặt, cách bìa làng An Điền khoảng 800 mét ( Mìn “cóc”, một loại mìn nhỏ hình trụ cao khoảng 5cm, đường kính khoảng 6cm không đến nổi nguy hiểm đến tính mạng nhưng khi đạp phải, bàn chân chắc chắn không còn).

Một vài chiến sĩ gục ngã, tiếp đến cả chục người, rồi hàng chục người ngã gục xuống ruộng lúa sình lầy vì mìn và đoàn quân đang hứng pháo của CSBV. Tất cả đơn vị bây giờ là mục tiêu quá lộ liễu của địch. Phía trước là bãi mìn dầy đặc, rộng lớn được đặt sẳn bởi Cộng Quân từ trước. Trên không những quả đạn pháo đủ loại trút xuống đoàn quân. Từng cột bùn đen liên tiếp bắn lên cao khắp nơi trên cánh đồng lúa.

Một tình huống khốn đốn, nguy kịch, hàng trăm chiến sĩ bì bõm dưới sình lầy quá đổi gối, không thể chần chờ, các cánh quân của BB bắt đầu lui binh để tránh bị tiêu diệt. Một chiến sĩ bị thương kèm theo một chiến sĩ xách nách dìu lê lết trong bùn lầy để mau chóng thoát khỏi bàn tay Tử Thần oan nghiệt. Có hành động nào can đảm và cảm động bằng, có hình ảnh nào đau thương hơn! Tình đồng đội, tình chiến hữu cao cả tuyệt vời.

Tôi cho Chi Đoàn Phó (Đ/Úy Hồ Thúc Hạ) điều động các Chi Đội phía sau rút lui về nhà máy xay lúa cạnh bờ sông bố trí chờ lệnh. Tiếp đến tôi tìm cách để 3 CX M41 lui về bên này sông.
Có ba cách, thứ nhất là ủi chiếc M41 nằm chênh vênh trên cầu phao rớt xuống sông nhưng xe nào leo lên được chiếc cầu nghiêng như thế này! Cách thứ nhì dùng Chiến xa bắn, nhưng nếu chẳng may làm lủng phao, chiếc cầu chìm thì càng thêm nguy.Thứ ba có thề thực hiện được bằng cách móc “ cáp” kéo cho nó rơi xuống sông dù rất nguy hiểm vì đạn pháo kích đang nổ khắp nơi.

Tất cả các cặp mắt của những Kỵ Binh và Bộ Binh ngồi trên xe Chỉ huy đều nhìn tôi đợi chờ một quyết định cuối cùng. Họ mong cho bạn bè đồng đội về bên này sông càng nhanh càng tốt. Tội nghiệp thay, với những ánh mắt nhìn tôi chia sẽ, chia sẽ những gì tôi đang lo lắng, hồi họp. Tôi điều Xa Đội M 86 ( loại xe phóng cầu, gắn lưỡi ủi đất, có sợi dây cáp thật dài cuộn trong một cái trơi dùng lực của động cơ ) tiến lại chiếc M 41 bị nạn và bắt đầu công việc dưới đạn pháo của Cộng Quân. Nhưng… Trong chốc lác một loạt Hỏa tiễn 122 ly của CSBV với tiếng xé gió đầy uy hiếp bay đến đâm xuống giòng sông nổ tung toé nước gần chiếc cầu phao. Với sức dội mạnh mẽ chiếc cầu bị chấn động gần như bung lên khỏi mặt nước. Chiếc M41 chao qua chao lại rồi nhào xuống giòng sông, chiếc cầu nổi trở lại vị trí cân bằng. Trong cái xui tận mạng cũng còn có cái hên đến với mình, trường hợp này Chi Đoàn gặp may mắn một cách quá bất ngờ. Tôi và mọi người trên xe chỉ huy đồng ồ lên một tiếng thật lớn như trút bỏ một sức nặng ngàn cân đè bẹp thân người. Ba Chiến xa M41 lần lượt lui về bên này sông Thị Tính. Các cánh quân của TRĐ52 BB cũng lui binh, bố trí phía Đông giòng sông để thực hiện công việc tải thương. Ngoài các chiến sĩ tử thương vì pháo, các thương binh hầu hết bị mất một bàn chân hoặc cụt giò vì đạp phải loại mìn cóc nguy hiểm. Thế là nỗ lực tấn công tái chiếm An Điền không thực hiện được.

Chiếc cống bị giật sập đêm qua, nhưng lực lượng chúng tôi tấn công quá sớm nên chưa nhận được một báo cáo nào. Nên tình hình cánh quân Thiết Giáp mới ra nông nổi. Mới hôm qua đây thôi, Tướng Tư Lệnh quyết định dùng Thiết Giáp tấn công vào An Điền kèm theo lời khích lệ: “… Cặp lon Thiếu tá của em…trong An Điền…”. Riêng tôi cũng tin tưởng dùng Chiến xa cùng Bộ Binh đánh chớp nhoáng làm địch trở tay không kịp, bám lấy bờ làng, làm bàn đạp tấn công mục tiêu kế tiếp.

Kế hoạch này có thể thực hiện được, nhưng phải chấp nhận một tổn thất rất lớn về Chiến xa và nhân mạng vì tôi biết CX M41 không phải là đối thủ của T54. Chi Đòan có 3 khầu Đại bác 106 ly không giật và 2 khầu Hỏa tiển Tow được tăng phái gắn trên M113. Nhưng Hỏa tiển Tow muốn bắn được, nhanh nhất cũng phải sau 15 phút vì chờ trên Bộ Tổng Tham Mưu chấp thuận, ngán ngẩm thay! (?) còn Đại bác 106 ly tác xạ cũng không nhanh chút nào, dùng để phá vỡ công sự kiên cố thì tốt hơn.

Quân lệnh phải thi hành, dù hy sinh mạng sống.

Cách đây mới hơn một tuần lễ, Chiến Đoàn 318, lực lượng Thiết Giáp có nguyên 1 Chi Đòan Chiến xa M41và 2 Chi Đoàn M113 cùng Bộ Binh. (So sánh Thiết Giáp, Chiến Đoàn 318 mạnh gấp 4 lần hơn chúng tôi ) cũng tấn cống hướng chính diện từ Bến Cát vào An Điền nhưng đã thất bại. Huống chi bây giờ chỉ có một Chi Đoàn M113 và 4 chiếc Chiến xa M41.

Đến bây giờ, tôi nghĩ rằng ví như không có chiếc cống sập cản trở Chiến xa, không có bãi mìn chận đứng BB. Đoàn quân có thể chiếm được An Điền, nhưng e rằng CĐ 2/5TK sẽ mất tên! BB phải đánh cận chiến với địch và thiệt hại ít nhất cũng phân nửa. Vì sau khi vào An Điền chúng tôi nhận biết số Chiến xa T54 trên 10 chiếc có hầm ẩn núp ngụy trang. Hầm hố địch quân kiên cố cấp Trung Đoàn.

Với hàng Tướng, Sĩ có thể nghĩ rằng những con “Tốt” đã qua sông, có Xe Pháo Mã hổ tương yểm trợ. Theo luật trên bàn cờ bằng mọi giá phải tiến dù bị loại khỏi cuộc chơi, không hề có nước lui. Nhưng ở đây thì không. Hoàn toàn không thể nào hy sinh những con “Tốt” đó, bằng mọi giá phải về bên này sông. Giòng sông có tên Thị Tính. Vì với nhiệm vụ chỉ huy cánh quân 1gồm ĐĐ52/TS và các M41, đó là những Xe, Pháo, Mã,Tốt thiện chiến, nhanh nhẹn, ngang dọc vẫy vùng, hữu xung tả đột, tiến hoặc thối và chúng không bao giờ là những con Tốt thí mạng.

May mà tôi không được “thêm lon giữa 2 hàng nến trong” với Đệ Ngũ Đẳng Bảo Quốc Huân Chương kèm Anh Dũng Bội Tinh với Nhành Dương Liễu! Người thân của tôi không phải nhìn tôi qua làn nước mắt:

“Chiếc quan tài phủ cờ màu,
Hằn lên ba vạch đỏ au phủphàng”.

– thơ Lê Thị Ý-

Chiếc cống sập, đã làm hỏng hoàn toàn cuộc tấn công của CĐ2/5TK và ĐĐ52 TS. May mắn hay kém may mắn (?) Tôi vẫn còn nhớ một sĩ quan cao cấp trong Bộ Tư Lệnh sau buổi họp hành quân mời tôi một ly rượu trước khi tôi quay trở về đơn vị. Đó là ly rượu whisky bình thường nhưng được mời lúc bấy giờ được xem như “Bồ Đào mỹ tửu..”.mặc dù tôi không hề uống rượu từ năm 1971 sau khi bị thương nặng tại chiến trường đồn điền cao su Mimot, Kampuchia.

Không có tiếng “Tỳ Bà dục người ra đi” tôi vẫn Thiết Kỵ lên đường.Mong rằng tôi và tất cả chiến hữu ngày mai ra đi không như “Kinh Kha Tráng sĩ”. Tôi biết rằng An Điền chiếm đóng cả một TR/Đ Cộng Quân có cả Chiến xa. Nên phần thắng về ta không dễ dàng chút nào.

CĐ 2/5 TK và ĐĐ 52TS r út lui bố trí ven theo bờ sông Thị Tính sát nhà máy xay lúa bên này chiếc cầu nổi. Nửa đêm ngày 2 tháng 6-74, thêm một lực lượng mới mạnh mẽ dày dạn chiến trường, đó là Trung Đoàn 48 BB ( TR/Đ 48BB ) của Đ/tá Trần Bá Thành. Đại Đội 48 Trinh Sát làm mũi dùi và 3 Tiều Đoàn 1,2,3 khởi động các cuộc tấn công tốc chiến. Xuất phát từ hướng Nam cách An Điền 2 cây số, bằng rất nhiều toán nhỏ đột kích chớp nhoáng , không gặp trở ngại vì bãi mìn cóc như cánh quân của TR/Đ 52BB.

Khoảng 4 giờ sáng ngày 3-6 chúng tôi nhìn thấy xuyên qua màn đêm một CX T54 lù lù xuất hiện, chạy vội vàng từ An Điền theo con đường độc đạo hướng về Bến Cát vì bị các chiến sĩ của TR/Đ48BB oanh liệt truy kích. Tôi cho lệnh 3 Chiến xa M41 và 3 M113 có trang bị Đại bác bắn thẳng 106 ly sẵn sàng và chờ lệnh tác xạ. Tôi cũng thừa biết rằng T54 không thể nào vượt qua chiếc cống sập.

Chiếc T54 chạy đến chiếc cống sập và nhào đầu lọt xuống đó. Khói đen mù mịt tuôn ra vì chúng có gắng bò lên, nhưng vô ích. Tôi nhìn bằng hệ thống hồng ngoại tuyến chỉ thấy có cái pháo tháp nhô lên khỏi mặt đường. Kế tiếp thêm một T54 nữa cũng từ An Điền chạy ra, tiến lại sát đồng đội bị nạn, tìm cách kéo lên. Những tràng đạn Pháo Binh ta bắt đầu nổ chung quanh 2 chiếc T54. Chiếc T54 thứ nhì loay hoay một lúc rồi quay đầu bỏ chạy về hướng An Điền, chúng thất thần vì những quả đạn pháo nổ quá gần nên lọt xuống ruộng sình cách bìa làng khoảng 200mét. Thế là hai chiếc T54 nằm chết cứng nơi đây. Nhiều đơn vị báo cáo lên Sư Đoàn về hai chiến xa T54 bị lầy….

Đến trưa ngày 3 tháng 6 chiếc T54 sa lầy dưới cống mới thật sự bị khống chế sau nhiều tiếng đồng hồ khi diệt được tên xạ thủ Thượng liên bị xích trong pháo tháp. Xa đội 2 chiếc T54 đã tẩu thoát trong đêm. Một số chiến sĩ tử thương và bị thương khi bò lại gần Chiến xa vì cây Thượng liên trên xe nhả đạn. Phóng viên nhà báo chụp bức ảnh T54 này đầu tiên là một phóng viên của báo chí Hoa Ngữ. (Tôi đã giữ tờ báo có hình chiếc T54 bị nạn đến 30-4-75 trong xe M113. Đó là một sự thật nhưng rất tiếc đến bây giờ không còn).

Đến chiều Bộ Chỉ Huy TH/Đ5KB và Công Binh cấp tốc trục kéo chiếc T54 và lấp chiếc cống để lực lượng tiếp tục tấn công vào An Điền. Chiếc T54 này về sau được trưng bày trước Dinh Độc Lập.

Ngay lập tức CĐ2/5TK cùng ĐĐ52/ TS, các cánh quân 3 Tiều Đoàn của TR/ Đ 52BB và TR/Đ48BB ồ ạt chiếm cứ hoàn toàn xã An Điền. Liền sau đó truy kích chúng gần đến đồi 82, đoàn quân bị khựng lại vì vào trận địa pháo của chúng bắn chận. Phải nói rằng vùng đất An Điền thì đúng hơn vì có còn gì để có thể gọi là một Xã. Đến nổi không còn viên gạch nào nguyên vẹn, nói chi đến một bức tường nhà. Một bình địa ngổn ngang nghi ngút khói lửa, nhiều xác địch quân nằm rải rác khắp nơi, mùi xú uế xông lên nồng nặc. Chung quanh những hầm của Chiến xa T54 còn rơi rớt nhiều vỏ đạn đồng sáng bóng và nhiều bó thuốc bồi hình đủa dùng cho đạn Đại bác. Các Kỵ Binh thâu lượm vũ khí còn sót lại và không quên mang về cả chục vỏ đạn đồng của Đại bác 100 ly đã kích hỏa. Riêng tôi, các Kỵ Binh cũng có tặng 4 vỏ, đem về hậu cứ làm kỹ niệm và dùng làm bình để cắm cành Mai.

An Điền đã giải tỏa xong trưa ngày 4 tháng 6 -1974. TR/Đ48 BB cấp tốc rút về Long Giao, để phòng thủ Long Khánh vì các Quận Định Quán, Tánh Linh ( Bình Tuy) bị áp lực nặng của CSBV. TR/Đ 52 BB và CĐ 2/5 TK vẫn phòng thủ và chờ kế hoạch tấn công đồi 82.

Đêm ngày 5 rạng sáng ngày 6 tháng 6 Cộng Quân lại mở cuộc tấn công dữ dội vào lực lượng phòng thủ An Điền hướng tấn công chính nhắm vào Bộ Chỉ Huy TR/Đ 52BB, một Tiểu Đoàn BB và CĐ2/5 TK bằng 2 Tiều Đoàn trừ bị, mặc dù cách đó 2 ngày chúng bị tổn thất nặng nề. Chúng dùng 4 chiếc máy cày giả dạng T54 để “hù” chiến sĩ ta. Chỉ vài loạt Đại liên 50 chính xác, 4 chiếc máy cày bốc cháy nghi ngút. Lực lượng phòng thủ đánh trả tơi bời, làm sao xuyên thủng vị trí của các chiến sĩ TR/Đ52 BB đầy kinh nghiệm chiến trường cộng với hỏa lực kinh hồn của một Chi Đoàn cộng (cộng 4chiếc M41) Thiết Giáp. Đến gần sáng chúng tháo chạy về hướng đồi 82 sau khi bị tổn thất trầm trọng.

Tổng kết trong 6 ngày, CĐ2/5 TK có một Sĩ quan tử trận, đó là Th/Úy Nguyễn Trung Đồng Dinh. Thương tiếc một Sĩ quan trẻ, học lực cao và cá tính rất văn nghệ đã ra đi quá sớm để trả nợ nước non. Anh đã hy sinh như biết bao nhiêu lớp người trẻ tuổi tài cao đã phải nằm xuống vì Tổ Quốc, cho cuộc chinh chiến điêu linh. Bên Thiết Giáp có 3 hy sinh (một SQ, một Trung sĩ, một Hạ sĩ ), 3 bị thương nặng. Một M41 lủng pháo tháp, một M113 bất khiển dụng. Phía Bộ Binh phải đến con số hàng trăm bị loại khỏi vòng chiến đấu.
Đến bây giờ nhắc lại lòng còn ngậm ngùi. Nén hương lòng của những KB còn lại thắp lên để nhớ, để thương các Chiến Sĩ can trường đã anh dũng hy sinh, tri ân các Anh đã một thời cùng chia sẽ hiểm nguy với chúng tôi.

Sau đó vài ngày Tướng Đảo,Tướng Khôi và Tr/tá Dũng lên xe M113 chỉ huy của tôi thám sát địa thế để mở cuộc tấn công Căn cứ 82 cách An Điền 4 cây số về hướng Tây. Đến khi xe tiến gần bìa rừng cùng hai Chi Đội hộ tống thỉ bị pháo liên tục gần xe nên phải đưa 3 vị trở về căn cứ.

Tiếp theo các lực lượng của Sư Đoàn thay nhau tấn công tái chiếm đồi 82 nhưng không đem lại kết quả nào. Không Quân bị hạn chế bởi mùa mưa, mây thấp và hệ thống Phòng không dày đặc, mặc dù các Phi Tuần đã nổ lực oanh tạc các vị trí Đại pháo, Hỏa tiễn, Súng Phòng Không nhưng kết quả không như ý. Cũng như lực lượng VNCH chỉ có một hướng tấn công duy nhất vào đồi 82 là trực diện, xuất phát từ An Điền với địa thế cây rừng, giai góc và giây leo chằng chịt. Thiết GiápBinh bị hạn chế tầm nhìn, quan sát chỉ trong vòng vài, ba mét. Chung quanh Căn Cứ 82 hệ thống giao thông hào, mìn và giây kẽm gai bao phủ rộng lớn. Khi các lực lượng tiến vào vùng trận địa pháo của chúng bị tổn thất nặng nề, và là mục tiêu quá lộ liễu vì chúng quan sát lực lượng ta từ địa thế cao là đồi 82.

Chiến Đoàn 52 BB trấn giữ An Điền hơn 3 tháng , không có ngày nào pháo địch không rơi xuống vị trí chúng tôi, không hàng loạt thì cũng 5,7 trái pháo mỗi ngày. Không có ngày nào các chiến sĩ Bộ Binh không nhảy vội vã xuống hầm hố cá nhân; các Kỵ Binh vội vàng chạy vào trong xe để tránh pháo. Sau khi An Điền được giải tỏa đồng bào Bến Cát lần lượt hồi hương, những quán ăn, quán Café bắt đầu mở cửa, nhịp sống đang hồi phục. Nhờ vậy những người lính trẻ chúng tôi mới có được ly Café nóng ấm lòng người. Tạm thời quên đi lửa đạn mặc dù trong giây phút ngắn ngủi, đó cũng là hạnh phúc, tuy nhỏ nhoi của người lính chiến nơi trận mạc.

Đến ngày 7 tháng 9 TR/Đ 9 của Sư Đoàn 5 BB và TH/Đ 10 KB vào An Điền thay thế TR/Đ 52BB và CD2/5 TK. Các cuộc tấn công mới bắt đầu và cho đến xế trưa ngày 4 tháng 10-1974 quân ta mới cắm cờ trên đồi 82.
Đơn vị tôi di chuyển khỏi An Điền, đóng quân tại trường Trung Học Bến Cát. Theo lệnh Sư Đoàn, một Chi Đội M113 (Th/úy Hòa) di chuyển xuống xã Phú Thứ phối hợp cùng Bộ Binh (TR/Đ 43BB) phòng thủ vì nơi đây áp lực địch vẫn còn nặng. Chi Đội báo cáo ngày nào cũng hứng pháo của CQ. Và “chịu trận” pháo hơn 45 ngày đêm ròng rã.
Và đến 6 tuần lễ nữa ( ngày 20 tháng 11-1974 ) QLVNCH mới đánh bật Công Quân ra khỏi Rạch Bắp địa điểm cuối cùng của vùng Tam Giác Sắt.

Cuộc chiến vùng Tam Giác Sắt tạm thời kết thúc, sau khi kéo dài đến 7 tháng của năm 1974. Nhưng TĐ/5KB vẫn “Rền tiếng xích sắt thét vang…”, tiếp tục bước quân hành đến vùng trách nhiệm mới. Nhưng, kém may mắn thay! chỉ trong một đêm của năm 1974 sắp tàn, Thiết đoàn đã phải gánh chịu đau thương nghiệt ngã và đầy tang tóc. Ngày 19 tháng 12-1974 Bộ Chỉ Huy TĐ/Đ 5KB ( Tr/tá Trần Văn Nô: Thiết Đoàn Trưởng, Th/tá Mai Văn Thân: Thiết Đoàn Phó ) và CĐ 2/5 TK ( Trừ CĐ3/5TK, đã cùng TR/Đ 48BB di chuyển về Long Khánh từ trước ) chuyển quân về Ngã Ba Ông Đổn – Núi Chứa Chan lúc 6giờ chiều tăng phái cho TR/Đ 48 BB phòng thủ Long Khánh và chuẩn bị tiếp ứng cho Quận Tánh Linh Tỉnh Bình Tuy bị Cộng Quân tấn công và sắp bị tràn ngập.

Bộ Chỉ Huy Thiết Đoàn và một Đại Đội BB đóng quân đêm trong một Căn Cứ Pháo Binh dưới chân núi Chứa Chan. CĐ 3/5TK ( Đ/úy Lê Sơn ) và một Đại Đội BB đóng quân cách BCH/TĐ khoảng 3km về hướng Tánh Linh. CĐ 2/5 TK và một Đại Đội cũng đã được chỉ định đóng quân cách BCH/TĐ 5 km về hướng Bắc.

Khoảng 2 giờ sáng ngày 20 tháng 12-1974 Bộ Chỉ Huy TH/Đ 5 KB bị Cộng Quân đột nhập tấn kích. Nhiều tiếng nổ lớn xé màn đêm tĩnh mịch phát xuất từ hướng Bộ Chỉ Huy Thiết Đoàn. Tôi bật dậy leo lên xe quan sát, nhìn về hướng Thiết Đoàn, từng lằng đạn lửa đan chéo nhau dày đặc. Nhất là trên lưng chừng núi Chứa Chan Cộng quân dùng Đại bác 57 ly, 75 ly và Thượng liên12ly8 bắn xối xả xuống vị trí đóng quân. Tôi bấm máy liên lạc với BCH/TĐ nhưng im hơi lặng tiếng. Gọi mãi chẳng có thẩm quyền nào trả lời, ban Truyền Tin cũng im bặt.Trong lòng như dầu sôi lửa bỏng. Tôi cũng như Sơn muốn kéo Chi Đoàn về để phản công, chúng tôi gọi lên Chiến Đoàn 48 để xin di quân nhưng Chiến đoàn cho biết cũng không liên lạc được với Thiết Đoàn nên đành chờ lệnh.

Đến nửa tiếng đồng hồ sau chúng tôi mới liên lạc được với Chiến Đoàn và cho biết Thiết Đoàn bị đánh Đặc Công. Tôi xin Chiến Đoàn cho Chi Đoàn xuống tiếp ứng nhưng Đ/tá Chiến Đoàn Trưởng không chấp thuận vì lý do địch đánh từ bên trong vị trí chứ không có từ ngoài tấn công vào. Chúng tôi kéo quân xuống sợ thêm rối ren vì hỏa lực Đại liên của Thiết Giáp, nên để BB thanh toán từng tên một trong vị trí . Ông cho biết các Chi Đội Chỉ Huy đã phản công hiệu quả bằng súng cá nhân và lựu đạn.Và ông bảo tôi sẳn sàng hành quân truy kích khi có lệnh….Tiếp ứng với phản công! tất cả đã quá muộn màng! Trong vòng 15 phút đầu tiên BCH/TĐ đã bị tê liệt, vì địch đánh bằng lựu đạn và B40 từ bên trong vị trí phòng thủ. Kết quả vô cùng đau đớn.

Riêng bên Thiết Giáp: Th/tá Mai Văn Thân Thiết Đoàn Phó, Th/tá Viễn Sum Trưởng Ban 3/ HQ tử thương. Đ/Úy Lê Văn Nhơn phụ tá Ban 3/ HQ bị thương nặng. Và nhiều KB các cấp tử thương hoặc bị thương. May mắn Tr/tá Thiết Đoàn Trưởng thoát khỏi lưỡi hái của Tử Thần trong gang tất. Hai M113 ( có M113 của TH/Đ Phó ) 1M577 (xe ban Tuyền Tin) bị hư hại.

Nguyên một Trung Đội Đặc Công địch bỏ xác tại chỗ cùng vũ khí, chấc nổ, 3 tên bị bắt sống. Chiến tranh đồng nghĩa với tang tóc, đau thương. Sau 37 năm, thời gian dài bằng nửa đời người. Nhìn lại chỉ có 6 tháng cuối năm 1974, tim vẫn nhói đau, nước mắt vẫn lưng tròng. Thiết Đoàn 5 KB đã mất đi 4 Sĩ Quan ưu tú, nhiều HSQ và KB can trường đã ra đi, bỏ bạn, bỏ bè.Trong tim, trong óc, mọi người còn hằn lại những đau xót, nhớ nhung và thương tiếc. Với cái chết đầy thương tâm của Th/tá Thân mọi người đều rơi lệ nghẹn ngào. Anh, một cấp Chỉ huy ưu tú trong Binh chủng Thiết Giáp. Kỵ Binh các cấp trong đơn vị đều mến thương và kính phục. Nhưng, khi ra đi vĩnh viễn Anh không kịp giã từ vợ con, bè bạn. Đớn đau thay! vợ Anh, chị LCH nhìn biết được xác chồng tại Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa qua chiếc quần cộc màu đỏ chị đã may cho Anh cách đó 2 tuần. Anh đã thật sự muôn đời, mãn kiếp là chồng của người vợ hiền thục thủy chung. Các con Anh còn quá thơ ngây, dại khờ, nhưng giờ đây chinh chiến đã cướp đi một người cha quý mến. “Chim xa rừng còn thương cây nhớ cội Người xa người tội lắm người ơi” Có ai cầm được 2 giòng lệ tuôn! Có ai chận được tiếng nấc uất nghẹn từ đáy lòng vì thương vì tiếc các Anh.
Than ôi! với mẫu tự có 26 chữ cái, tôi cũng không biết cách sắp xếp thế nào để diễn tả hết ý nghĩa, sự hy sinh đầy cao cả của những người lính trong QLVNCH. Làm sao viết lên hết những nghiệt ngã các anh đã chịu, làm sao nói lên hết được lòng can trường xã thân vì 4 chữ Bảo Quốc An Dân trong suốt những tháng năm chiến tranh tàn khốc.

Chiến chinh đã cướp đi niềm hạnh phúc của những người Cha, người Mẹ, người Vợ. Chiến chinh đã lấy mất hạnh phúc của tuổi trẻ dại khờ. Nhưng chiến chinh không thể đốt cháy hết được những khổ nạn đời sống của người hệ lụy.
Các Anh đã trả nợ nước non, nay các anh đang được vui sống muôn đời. “Chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời” – Kinh Hoà Bình- Nguyện cầu Thượng Đế xoa diệu nỗi đau và phù trợ cho những người còn lại. ( Những nén hương lòng thắplên, kính dâng đến Anh Linh của Cố Tr/tá Mai Văn Thân, Cố Tr/tá Viễn Sum, Cố Tr/úy Nguyễn Trung Đồng Dinh và những Chiến Sĩ VNCH anh hùng Vị Quốc Vong Thân trong trận chiến năm 1974).

Lưu Đình Vũ Vũ CA -2011

http://www.thietgiapbinhvnch.com/WebDoc/TR-duongvaomatkhutamgiacsat.htm

https://dongsongcu.wordpress.com/2016/07/20/chuyen-30-nam/

http://www.thietgiapbinhvnch.com/WebDoc/TR-duongvaomatkhutamgiacsat.htm

Photo: Thà để Hoàng Sa cho Trung cộng chiếm giữ cho ta, còn hơn để VNCH giữ.
<br><br>
Lê Đức Thọ

 

=================================================================

 

 

Hành quân vào Tam Giác Sắt

- Phan Lạc Tiếp
https://youtu.be/S_of48lcjnA
Hành Quân Vào Tam Giác Sắt

Lời tựa:

Cuộc chiến Việt Nam đã tàn gần một phần tư thế kỷ, nhưng nỗi đau về cuộc chiến ấy vẫn còn, nhất là đối với quân dân miền Nam. Nhiều tổ chức, nhiều quân binh chủng VNCH đã bắt đầu cố gắng ghi lại một giai đọan đắng cay cũ. HQVNCH cũng đã bắt đầu. Đây là một bài viết về cuộc hành quân phối hợp Việt Mỹ, mà Hải Quân đóng vai trò đón dân, trong tinh thần Tâm Lý Chiến Dân Sự Vụ, người viết đã tham khảo các tài liệu về phía Hoa Kỳ, tài liệu của Hà Nội và nhớ lại những điều chính mình đã tham gia, đã chứng kiến. Trước khi các bài này được chuyển ngữ và in thành sách, người viết rất ao ước được đón nhận những góp ý, những bổ túc cho tập tài liệu được chính xác và phong phú hơn.

Phan Lạc Tiếp.

Sau khi Đệ Nhất Cộng Hòa bị lật đổ, hàng loạt những biến động chính trị theo nhau diễn ra. Trong khi đó phía Cộng sản Bắc Việt ồ ạt đổ quân vào Miền Nam, khởi đầu cho những cuộc đánh lớn. Trước hoàn cảnh ấy, Quân đội Mỹ cũng đã ào ạt đổ quân vào Miền Nam, và giữ vai trò lùng và diệt, đẩy QLVNCH vào vai trò bình định. Để mở rộng vòng đai an ninh cho thủ đô Sài gòn, Mỹ đã lần lượt có những cuộc hành quân to lớn, quy mô, đánh thẳng vào các mật khu Việt Cộng. Hành Quân Attleboro, khai diễn từ 19 tháng 9 đến 25 tháng 11 năm 1966, mục tiêu là chiến khu Dương Minh Châu. Hành Quân Cedarfall, khai diễn từ ngày 8 đến 26 tháng 1 năm 1967, mục tiêu là Tam Giác Sắt. Sau đó là cuộn hành quân Junction City khai diễn từ ngày 22 tháng 2 đến ngày 14 tháng 5 năm 1967, mục tiêu là trở lại hủy diệt chiến khu Dương Minh Châu. Các cuộc hành quân đó đã đem lại kết quả nào, vai trò của Quân Lực Mỹ tại Việt Nam ra sao... Đó là những vấn đề rộng lớn, đòi hỏi nhiều sưu tầm nhận định.

Để góp một cái nhìn về vai trò lùng và diệt của Quân Lực Mỹ, người viết xin được ghi lại một số dữ kiện cụ thể, chính mình đã chứng kiến qua cuộc hành quân Cedarfall, đánh vào Tam Giác Sắt Tam Giác Sắt dược định trên bản đồ hành quân bởi ba điểm: Bầu Bành, Bến Súc và Củ Chi, rất sát Sài Gòn, và chính con sông Sài Gòn, ở thượng dòng đã chảy qua mật khu này, tất nhiên cuộc hành quân trên con sông huyết mạch và nguy hiểm này thuộc Hải Quân Vùng 3 Sông Ngòi . Lúc ấy vị đại diện Hải Quân bên cạnh Trung tướng Lê Nguyên Khang, Tư Lệnh Quân Đoàn III, là Hải Quân Thiếu Tá Trần Bình Sang.

Mục đích của cuộc hành quân này, như tài liệu của Cộng Sản ghi lại là tiêu diệt các bộ phận chủ lực quân Việt Cộng, gồm Trung Đoàn 272, Tiểu Đoàn 1 và 7 của Quân Khu IV, Tiểu Đoàn địa phương Phú Lợi, và 3 Đại Đội địa phương. Cuộc hành quân này có trên 40 ngàn quân Việt Mỹ và Đồng Minh, với sự hỗ trợ rất đầy đủ của Không Quân tại nôi địa Việt nam, cũng như phát xuất từ Đệ Thất Hạm Đội và từ Thái Lan. Riêng Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa có nhiều Giang Đoàn Xung Phong được tăng phái với mục đích đón dân từ vùng Tam Giác Sắt về Trung Tâm Định Cư tại Bình Dương. Đoàn Tâm Lý Chiến Dân Sự Vụ thuộc BTL Hải Quân Sài Gòn được đặc biệt tháp tùng đoàn chiến đĩnh này để đón, hỗ trợ,an ủi dân trên đoạn đường từ Bến Súc đến Bình Dương. Người viết bài này lúc dó là Trưởng Đoàn Tâm Lý Chiến Dân sự Vụ.

Về phía Cộng Sản, họ ghi nhận rằng: Mỹ có 6 Lữ Đoàn Bộ Binh, 1 Trung Đoàn Thiết Giáp. Phía Quân lực VNCH có 8 Tiểu Đoàn Bộ Binh, 4 Tiểu đoàn Thiết Giáp. Tám đến 10 Tiểu đoàn Pháo Binh 105,155mm. Không quân chiến thuật chi viện 1300 lần/chiếc, B52 72 lần/chiếc. Đặc biệt có 4 Tiểu Đoàn Công Binh Mỹ với 50 xe ủi đất.

Diễn tiến cuộc hành quân này, Cộng Sản Bắc Việt đã ghi lại trong cuốn sách nhan đề Cuộc Chiến Tranh Xâm Lược Thực Dân mới của Đế Quốc Mỹ ở Việt Nam, do Viện Lịch Sử Quân Sự Việt Nam, Bộ Quốc Phòng, Hà Nội , xuất bản năm 1991, tác giả là Hải Như Quang, người chịu trách nhiệm xuất bản là Đại Tá Trần Hạnh, trang 139, nguyên văn như sau:

"Đầu tháng 1 năm 1967, sau những chuyến bay trinh sát, rải hóa chất độc xuống Thi Tính , Hố Mường, Vàm Cỏ Đông, máy bay B52 rải thảm khu vực Cần Xe, Tràng Cỏ, Hố Bò, Đôn Thuận, địch triển khai lực lượng chiếm lĩnh các địa bàn Gò Dầu Hạ, Dầu tiếng, Bảo đồn, Thới Hòa, rừng Thanh Điền, tạo thế bao vây "Tam Giác Sắt". Tiếp đó địch tiến sâu vào căn cứ, trọng điểm là Long Nguyên, Hố Bò. Chúng kết hợp phi pháo, máy bay B 52, lữ dù ngụy, các đơn vị công binh và hóa học Mỹ triệt phá Bến Súc, xúc dân. Cùng phối hợp hoạt động, quân ngụy càn quét đường số 13 từ Thủ dầu một đi Bến Cát. Từ ngày 24 đến ngày 26 tháng 1, cuộc hành quân kết thúc. Đây là cuộc hành quân đánh phá căn cứ kết hợp với gom dân, xúc tác dân quy mô lớn bằng thủ đoạn cướp sạch, đốt sạch, phá sạch nhưng kết quả vẫn không như chúng mong muốn. "

* * * * *

Để có một cái nhìn cụ thể về phía Quân lực VNCH, nhất la vai trò của Hải quân trong nhiệm vụ đón dân, chúng tôi xin trích lại một đoạn trong cuốn bút ký Bờ Sông Lá Mục, mà người viết đã tham dự cuộc hành quân này ghi lại.

* * * * *

Đoàn chiến đĩnh trên 50 chiếc đủ loại, thuộc nhiều giang đoàn tăng phái, tham dự cuộc hành quân vào vùng 'cấm điạ' Tam Giác Sắt, thuộc tỉnh Bình Dương. Cuộc hành quân đã khai diễn ngay sau mấy ngày Tết, đâu giưã tháng 2 năm 1966. Đây là một cuộc hành quân quy mô, tiêu biểu và rất to lớn, có tới trên 40.000 quân bộ chiến Việt Mỹ tham dự. Đây cũng là cuộc hành quân mở đầu cho vai trò Lùng và Diệt cuả Quân Đội Mỹ; và Bình Định do Quân Lực VNCH phụ trách. Đặc biệt trong cuộc hành quân này, tuyệt đối không có một thông tín viên nào được phép tham dự, dù là Mỹ hay Việt, dân sự hoặc quân sự. Tôi với tư cách Trưởng Đoàn Tâm Lý Chiến Lưu Động thuộc Bộ Tư Lệnh Hải Quân, tham dự với nhiệm vụ hỗ trợ dân chúng rời khu vực hành quân, bằng các chiến đĩnh Hài Quân, và trao họ lại cho anh em Bộ Binh khi đoàn tầu về đến Bình Dương.

http://iamfotografie.files.wordpress.com/2012/07/photo9.jpg?w=479 Giang soái đĩnh Commandement.

Cuộc hành quân quy mô và to lớn ấy khai diễn đã mấy ngày, đoàn chiến đĩnh mới được phép tiến vào vùng trách nhiệm. Khởi hành từ bến tầu Bình Dương vào lúc 4 giờ sáng, di chuyển ngược lên thượng giòng cưả sông Sài Gòn. Từ Phòng Hành Quân cuả chiếc Monitor Command( Soái Đĩnh), trên hải đồ tôi thấy hình ảnh con sông Sài Gòn uốn khúc lòng vòng rất nhiều. Càng lên thượng giòng lòng sông càng hẹp, và bên mặt là rừng và núi. Cầm ly cà phê nóng trên tay, tôi đi ra phiá mũi tầu, bước những bước thật chậm vì sợ trượt sương. Tới gần mũi tầu, tôi tụt xuống ngồi tưạ lưng vào thành sắt cuả khẩu đại bác 20 ly đôi. Gió lạnh. Trời đầy sương. Tiếng máy tầu ầm ầm rền rĩ. Những tia đèn pin mầu đỏ loang loáng vây vẫy lập loè. Tôi nhớ lại mới mấy tháng trước đây thôi, cũng những chiếc tầu như thế này, cũng không khí nặng nề câm nín và kinh khiếp như không khí này cuả Giang Đoàn 21 và 27 Xung Phong ở Mỹ Tho. Ở đó tôi đã tham dự và chứng kiến nhiều điều thật là xúc động... Đang miên man nhớ lại thì Bác sĩ Nguyễn Thái Lai bước tới. Tay ông cũng cầm ly cà phê. Ông nói:

-Tìm ông mãi.

Tôi ngước nhìn lên. Trời đã sáng. Khuôn mặt Bác Sĩ Lai sáng ngời, đôi mắt long lanh qua làn kính. Tôi nói:

-Xuống đây. Bác Sĩ Lai từ từ bước xuống, và nói:

-Sao không ở phòng chỉ huy cho vui và an toàn. Tôi cười nói:

-Xuống đây . Trong đó chật. Để họ làm việc. Hơn nưã ở đây an toàn hơn.

-Sao?

-Đã đi hành quân, sống chết có số. Nhưng ở đây có nhiều cái hay lắm.

-Sao? Ông nói cho tôi nghe.

-Ngồi ở đây, mát, thoáng, dễ chịu. Và chẳng may 'bà thuỷ cười' một buá, tầu tung lên, ở đây mình có hy vọng văng lên bờ. Còn ở trong đó thì hoặc chìm theo tầu, hoặc đập đầu vào thành sắt...

-Hay , ông nói có lý, còn gì nưã?

-Nếu tụi nó dùng B40, thì bao giờ nó cũng nhắm vào đài chỉ huy, nơi có cái cần câu lêu nghêu..

-Hay.

-Và quan trọng hơn hết. Mình không có nhiệm vụ điều khiển tầu, thì 'đi ra chỗ khác chơi' cho họ rộng chỗ làm việc. Và chẳng may họ có bị, thì mình còn sống để thay thế chứ.

-Hay.

-Thôi khen vưà thôi. Ông mà nghe tụi em ở Giang Đoàn nó nói còn nhiều cái hay hơn nhiều. Kinh nghiệm máu mà ông.

http://brownwater-navy.com/vietnam/photos2/MRFboat.jpg
Tiền phong đĩnh Monitor. Lúc đó trời đã sáng hẳn. Độ bảy giờ sáng. Cách bờ sông vài mặt ruộng, cứ độ một cây số, lại có một trailer dài, do một Chinook câu tới: Một nhà hàng lưu động, từ Hạm Đội 7, ngoài khơi Vủng Tàu, đem đồ ăn sáng cho lính Mỹ. tôi lấy ống nhòm quan sát. Lính Mỹ, đa số nằm ở vị trí tác chiến, nhưng một số nhỏ, lần lượt xếp hàng vào lấy đồ ăn sáng. Các chú cooks áo khoác trắng, mũ trắng cao lêu nghêu , như các tay đầu bếp hạng sang tại các nhà hàng lớn, phân phối thực phẩm nóng cho lính Mỹ. Tôi đưa ống nhòm cho Bác Sĩ Lai coi. Nhìn xong ông nói: -Mẹ! Đánh nhau cái kiểu này lạ nhỉ. -Nhìn sâu vào phiá xa, là rừng. Rụng cây trắng xoá. Cây trơ cành và vướng đọng những sương. Đẹp quá. Bác Sĩ Lai lại nói: -Như tranh tầu. -Mà ông có biết tại sao sương đẹp như thế không? -Vì rừng cây không có lá. -Đúng. Mà tại sao? -Tại thuốc khai quang. -Bộ họ rải thuốc cả cánh rừng mênh mông như thế kia à? -Vâng. Họ rải thuốc cho cây rừng chết, Việt Cộng hết chỗ ẩn thân. Giưã lúc ấy, những đoàn trực thăng bay vần vũ trên đầu, bao quanh khung trời có đoàn tầu chạy dưới. Tôi nói với Bác Sĩ Lai: -Mình vào vùng cấm điạ rồi đấy. Và ông thấy không, lúc này mà nó bắn, mình chỉ có quyền dùng súng nhỏ thôi. Các loại súng có tầm bắn xa và đạn có đầu nổ như 12 ly 7, 20 ly, 40 ly không xài được. -Sao vậy? -Ông không thấy sông Sài Gòn đang quằn qoại uốn khúc đó sao? -Thì nó quằn qoại càng đẹp chứ. -Nhưng các khúc vòng gần nhau quá, có chỗ chưa quá 500m. Vì thế mình ỷ súng lớn, đạn nhiều nhắm mắt mà bắn cho đỡ sợ, thì mình bắn vào mình, vào các tầu khác.

-Hay.

-Hay mẹ gì ông ơi. -Tôi đang nhớ lại khúc sông vòng vèo tại Rạch Ba Rài, Cai Lậy, hôm 29 tháng 9 vưà qua, nó phục kích mình tại đó. Nó chết bộn mà mình cũng ê càng. -À! Trận đánh có đăng trên báo Tiền Tuyến, ông viết lại mà. -Đúng. Đó là nhiều nét đẹp, nhiều điều cần nói ra. Còn các điều không nên nói ra.. -Ông... -Do đó, đi sông, tôi sợ nhất sông uốn khúc. Lại sợ hơn nưã, là sông có bờ núi cao. Nó ở trên, mình ở dưới. Hạ sách nó lấy đá lăn xuống mình cũng tiêu, huống hồ nó đặt mìn phục kích. -Nghe tới đó, Bác Sĩ Lai nhìn ra xung quanh. Quả nhiên đoàn tầu mấy chục chiếc cứ uốn khúc như muá rối. Và bên hữu ngạn núi đã bắt đầu xây thành sát mé sông. Bác sĩ Lai nói: -Thế ra mình đang đi vào đất địch, với tất cả cái hiểm nghèo, hạ sách nhất phải không ông? -Đúng nhưng ông đừng lo. Sôùng chết có số. Hơn nưã, nếu có bị tấn công, các máy bay trực thăng sẽ làm nhiệm vụ không yểm.

Càng đi vào sâu, lòng sông càng hẹp. Vách núi sát bờ nước, với những xác người bị dồn sát vào bên núi, có xác đàn ông, phần lớn và cũng có đàn bà và trẻ nhỏ. Nhìn những tử thi, Bác Sĩ Lai như có ý chùn lại. Mặt ông lạnh tanh. Lúc ấy từ trên đỉnh trời, mấy chiếc L19 đang thả cả rừng truyền đơn xuống. Các truyền đơn bay lao xao như lá rừng. Một số rơi vào lòng tầu. Tôi nhặt lên, đọc :' Thưa đồng bào. Để loại trừ Việt Cộng ra khỏi dân chúng, đem lại an ninh cho đồng bào, Quân Lực VNCH và Quân Lực Đồng Minh đang bao vây vùng Tam Giác Sắt. Đồng bào sẽ được di chuyển tạm thời về vùng an ninh. Sau khi thanh lọc Việt Cộng ra khỏi dân chúng, đồng bào sẽ được tái định cư'.(2)

Độ 10 giờ trưa, đoàn tầu đã tới Bến Súc. Nơi đây , các chiến đĩnh ủi bãi, mở cưả đổ bộ để nhận dân xuống tầu. Ngoài tất cả anh em trong Đoàn Tâm lý Chiến Lưu Động thuộc Bộ Tư Lệnh Hải Quân ra, tôi còn được anh em thủy thủ đoàn cơ hữu tăng phái hỗ trợ. Đồng bào được đưa xuống tầu, ngồi xếp hàng trong lòng tầu. Ai có đồ nặng, hoặc con nhỏ đều được các anh em Hải Quân vác, bế hộ. Các cụ già được anh em dìu đi. Khi lòng tầu đã chật, tầu tạm rút ra, và cũng là lúc anh em Tâm Lý Chiến phát cho họ mền giấy và thực phẩm khô( C ration). Sau khi phân phát các phẩm vật này, các cán bộ Tâm Lý Chiến, nói rõ cho đồng bào biết mục đích cuộc hành quân tại vùng Tam Giác Sắt là loại địch ra khỏi dân...

Khi lòng tầu đã đầy, các cưả đổ bộ được kéo lên, và lần lượt vào vị trí để ra về. Dưới trời nóng mênh mông, lòng sông như rộng hơn, và tất nhiên cảnh vật rõ hơn nhiều. Vẫn những đoàn trực thăng không yểm bay quần trên đầu. Tại các khúc quanh nguy hiểm, khả nghi, máy bay bắn rocket xuống, nổ bùng. Khói bay mịt mù . Và trên đỉnh núi, vẫn có mấy chiếc máy bay L19 thả rừng truyền đơn xuống. Và miệt rừng nào đó không xa lắm, tiếng bom dội xuống rền rĩ. Hai bên bờ, lác đác vẫn có những nhà ăn lưu động, do các máy bay Chinook câu tới, để cung cấp bưã ăn trưa cho lính Mỹ. Hai bên mé sông xác người nổi lình bình. Có nhiều xác bám vào mé cỏ. Theo lượn sóng cuả tầu, các xác cũng nổ trôi lên xuống và ưá ra những làn máu tím ngắt. Dân chúng đa số là đàn bà, người già và trẻ con được ngồi kín trong lòng tầu. Có ông già ngồi giữ bát hương, đôi mắt thất thần. Có những em nhỏ ôm chặt con gà vào trong lòng.

http://www.psywarrior.com/AssaultBoatPoster.jpg

Đoàn tầu tới Bình Dương, vào khoảng 4 giờ chiều. Dân được thả lên bờ, có đoàn Dân Sự Vụ cuả Quân Đoàn đón đợi và hướng dẫn họ về khu tạm trú. Họ được cung cấp thực phẩm.
Tại đây họ lại được thanh lọc một lần nưã. Trong khi đó các thanh niên trai tráng đã được chở đi riêng bằng máy bay, và ở một nơi riêng. Theo tin tức từ các cuộc họp hành quân, thì trong cuộc hành quân này, có rất nhiều cán bộ cao cấp cuả Việt Cộng bị bắt, trong đó có các giáo sư Nga ngữ.

Cứ như thế , sáng đi sớm, chiều về. Lộ trình vẫn là con sông Sài Gòn nhiều đoạn uốn khúc rất đẹp, nhưng cũng rất hiểm nguy. Vào ngày chót cuả công tác, dân đã hết. Tôi lang thang trong khu vực Bến Súc, thuộc phần trách nhiệm cuả một đơn vị Nhẩy Dù. Tại đây các vườn tược, đa số đã được xe ủi đất loại lớn, bằng lưỡi sắt nằm ngang, xe đi đến đâu, vườn tược phẳng tới đó, kể cả những chướng ngại như nhà, cây cối đủ loại. Mấy mảnh vườn chuối, bị cắt đã mấy ngày, các thân cũng cụt từ gốc, nay các đọt chuối lại mọc lên những cuốn lá non xanh óng ả, thẳng đùng như những cuộn nhung xanh. Tôi muốn đi xa hơn, nhưng các anh em Nhẩy Dù cản lại.. Họ nói:' Đã cầy như thế, mà đêm đêm tụi nó từ dưới hầm mò lên còn bắn tiả bọn này. Tối nào cũng thế'. Tôi có hỏi:' Sao không ném lựu đạn xuống cái cưả hầm'. Anh em Nhẩy Dù cười,và đưa cho tôi một trái lựu đạn khói. bảo:' Thả xuống cái hố này đi'. Tôi đưa trái lựu đạn cho một người khác. Anh ta mở chốt, ném xuống một miệng hầm ở gần gốc cây đã cụt. Tiếng nổ 'ục' trong đó , rồi khói bay tốc lên, từ miệng hầm, từ gốc tre, từ giưã đám tiêu giưã sân... Anh bạn Nhẩy Dù nhìn tôi cười: 'Đấy hầm như thế đấy. Đất thì rỗng, ăn sâu vào lòng núi, tụi nó nằm trong đó còn lâu mới chết đói được...'

Trong khi chờ đợi bốc toán Dân Sự Vụ cuả Quân Đoàn về, tôi tạt vào một căn nhà, nơi được dùng làm Trung Tâm Hành Quân Tiền Phương cuả đơn vị Nhẩy Dù. Trung Tá Hậu cho tôi hay:' Còn mấy tiếng nưã là dọt, Hải Quân có muốn lấy gì thì lấy'. Tôi cười,' Cảm ơn Trung Tá', và ngồi ngắm toàn thể căn nhà. Một căn nhà gỗ ba gian. Các cột bằng loại gỗ quý, có lẽ là gỗ mít,thật đều, bào rất thon. Các vân gỗ đối nhau rất chỉnh. Dưới mỗi chân cột có kê một miếng đá xanh tròn. Các xà nhà cũng đều tăm tắp. Đặc biệt là cái xà ngang trên cao nhất, có một hàng chữ nho. Ngang giưã nhà, có treo một cuốn lịch tầu, buộc bằng một sợi chỉ ngũ sắc. Quanh nhà là các cưả bức bàn, đa số nay đã được dán bằng các bức không ảnh. Những mặt ruộng vuông nhỏ, giòng sông Sài Gòn uốn khúc. Những khu rừng đầy chằng chịt hố bom. Qua không ảnh cả khu Tam Giác Sắt hiện ra, và tôi thấy vòng đai lửa đạn từ từ thu nhỏ lại, đúng như kế hoạch bao vây để lùng diệt mà tôi đã được học tập trước khi đi công tác. Tôi ra ngoài sân, nhìn xuống một triền dốc, dưới đó là khúc sông Sài Gòn. Bờ bên kia qua mấy đám cỏ khô, mấy con trâu xổng đàn từ mấy hôm trước, đang nhẩn nha gặm cỏ, lâu lâu lại ngửng mặt lên nhìn trời. Phía trái căn nhà chính là vườn chuối đã bị cầy, đứt tận gốc. Sau nhà là một vườn tiêu, Những cây tiêu dựng cao, hình tháp, quả chằng chịt. Giữa các hàng tiêu là những lối đi mòn.

Cuối vườn tiêu là một nhà ngang, gồm chuồng gà và nơi để các nông cụ. Ở đấy, cái cầy, cái bừa, cuốc, xẻng bưà bãi. Bên phải căn nhà là một cái trái khá rộng. Tại đó dọc theo sườn nhà là cái cối giã gạo. Cần cối dài. Cối đá gắn xuống đãt, bao quanh bằng bệ xi măng. Nơi cuối cần, chỗ dùng để giã gạo, đã mòn, nhẵn. Và trên tường, ngay chỗ người đứng giã gạo là hình các tài tử cải lương. Ảnh Thanh Nga, Thẩm Thúy Hằng dán bên cạnh các bìa báo Tết, hình các cô gái miền Nam vẽ thật đẹp, thật hấp dẫn.

Tôi nhìn thật kỹ trên tường, quanh các bức ảnh, còn có các câu thơ vụng về, viết bằng bút chì hoặc bút nguyên tử. Một sợi dây thừng, buộc thõng từ mái nhà xuống, ngang tầm tay, làm cái vịn tay cho người giã gạo. Cuối đoạn thừng, cái đầu mối được tết lại như một quả găng. Tôi cầm thử. Trái găng vừa khuôn trong lòng bàn tay. Tôi đứng thử lên cần cối, hơi nặng, nhưng cần cối vẫn đưa lên theo nhịp chân đạp. Tôi bỏ nhẹ cần cối xuống và nhìn ra ngoài sân. Một mảnh sân cỏ không rộng lắm. Ngay từ giọt tranh, có mấy miếng gạch tầu, cẩn vào sân cỏ, dẫn tới một miệng giếng. Tôi đứng lên, bước theo các viên gạch này. Giếng nước nhỏ trong vắt. Tôi nhìn xuống giếng và thấy hình mình ở dưới xa thẳm ấy. Và bỗng nhiên tôi hơi sợ. Tôi không dám nhìn lâu. tôi ngẩng lên. Toàn thân tôi đã đứng trong bóng mát của một cây na. Cây na nhỏ, cành thấp, xòe che cả miệng giếng. Tôi nắm vào một cành non, lắc nhẹ, lá na rung rinh. Một vài chiếc lá rơi xuống, chao chát. Một miếng vải đỏ, có lẽ là quai nón cuả một cô gái, giặt phơi vào cành na. Qua lớp lá na, tôi nhìn thấy bầu trời xanh thẳm ở trên cao. Và trên cành cao nhất của cây na, còn có cái chuồng chim treo trên đó. Chuồng chim làm bằng các nan tre, cửa lồng mở, đung đưa. Một miếng chuối nhỏ làm mồi đã khô gắn trong lồng, cạnh cái cóng nước. Tôi bỗng bồi hồi nhớ quá những ngày còn bé ở quê nhà. Nhớ những con chim xanh như mầu lá, theo nắng hạ từ dâu đó bay về....

http://www.tf116.org/All_Hands_magazine/images/AH61.jpg

Tiểu giáp đĩnh FOM sơn màu nguỵ trang.

Tôi nhìn lại xuống giếng sâu. Một cái giây dài thòng xuống. Tôi kéo lên một gầu nước mát, trong vắt. Tôi rửa tay và đổ vào gốc na. Chỉ một thoáng, nước thấm hết vào lòng đất. Một làn gió thổi tới. Cành na đong đưa như vui, như cười. Nắng đã cao. Đoàn Dân Sự Vụ đã về tới, đang rộn rã xuống tầu. Tôi và Trung Tá Hậu đứng trước căn nhà nhìn một lượt quanh vùng. Nơi đây mật khu bất khả xâm phạm của Việt Cộng, nhưng chỉ cách Sài Gòn có mấy giờ xe. Ban đêm, từ đây nhìn về Sài Gòn rực sáng. Trung Tá Hậu nói lớn:

- Xong hết chưa?

Đoàn tham mưu củaông đáp:

- Thưa rồi Trung Tá.

Chúng tôi lững thững đi theo con lộ dọc mé sông. Lối đi dưới lá, mát. Ngay khi chúng tôi rời gót, một xe ủi đãt hạng nặng từ phía sau đi tới. Một quân nhân Mỹ cởi trần, mặc áo giáp cầm lái. Tiếng máy xe rú lên, chiếc xe từ từ tiến tới gầm gừ. vườn tiêu đổ rạp xuống. Tiếng mấy cái sào dựng làm nọc tiêu kêu lốp đốp. Cái nhà sau đổ ụp. Cày bừa gẫy vụn. Sau đó, chiếc xe quay lại, đưa cái lưỡi sắt sáng loáng tiến tới căn nhà. Tiếng máy xe gầm lên và chỉ một khắc, căn nhà xinh đẹp kia đổ xuống, gãy sập. Mái ngói đổ xuống ào ào, bụi bay mịt mù. Từ sân nhà, mấy cái cột nhà bung ra, rồi lăn, lăn lăn uà xuống triền dốc. Có cái vướng ở một bụi cây. Có cái rơi tòm xuống mặt sông. Con sông Sài Gòn oằn oại ở dưới ấy. Tôi mở chừng mắt mà như không thể tin được ở mắt mình. Tôi nhìn lại vị trí căn nhà, giờ đã phẳng lặng, trống không. Cả cái nền đất cũng được ủi cho bằng.

Chiếc xe ủi quay qua, quay lại, một chốc cả một khu vực chỉ là một mảnh đãt loang lở, hoang tàn. Tôi dụi mắt cho khỏi cay, vì bụi. Cây na còn đó, cây na bé quá, hiền lành quá, nên được bỏ sót. Cây na vẫn xoà những cành lá xinh che lấy miệng cái giếng nhỏ.

Tôi xuống tầu trở về. Cây na cuả Bến Súc, Bình Dương, hay cây na nào đó cuả tuổi nhỏ đều đã hoà lẫn trong trí nhớ tôi. Tôi dằn lòng lắm để tránh những tiếng thở dài. Và trong tôi gợi lên một câu thơ nhỏ:

Gửi rừng một gốc cây na.
Cố xanh tươi nhé, can qua sẽ tàn...

Trên đường về, mấy chiếc tầu nhỏ đi đầu bị bắn, cả đoàn tầu dừng lại. trực thăng vần vũ xả hoả tiễn xuống hai bên sông. hoả tiễn nổ thật gần, đãt, lá, khói mù mịt. trên hệ thống âm thoại chỉ huy cuả đoàn tầu hoạt động điều hòa, bình tĩnh. Từ chiếc tiểu giáp bị bắn bằng B40, gọi về:

- Báo cáo thẩm quyền. Tụi tôi bị bắn. Một bị thương nhẹ. Vỏ tầu bị thủng trên mặt nước

- Có trở ngại gì không?

- Không, vẫn di chuyển an toàn.

- Báo cáo tiếp.

- Tụi em phản pháo tức thì, và ủi bãi truy kích..

- Tiếp.

- Bắt được một thanh niên bị thương và tịch thu được cây B40.

- Tiếp.

- Toán bộ binh đang đổ bộ lục soát...

- Báo cáo tới đó, thì tiếng máy bỗng ngưng và có những tiếng nổ vọng lại từ máy PRC25. Mọi người biểu lộ lo âu, nhưng chỉ độ mấy phút sau, tiếng máy lại gọi về:

- Báo cáo thẩm quyền.

- Tiếp.

- Toán bộ binh lục dọc theo hai bên bụi rậm ven sông, bắt thêm được một số Việt Cộng.

- Tiếp.

- Đang tiếp tục truy kích

- Đem tên Việt Cộng tới trình diện tôi.

- Nghe.

http://www.history.navy.mil/pics/river_ragt.jpg

Độ nưả giờ sau, chiếc tiểu giáp ghé lại, cặp vào chiếc soái đĩnh. Tên Việt Cộng bị còng, mặt non choẹt. Hắn bị thương ở tay, đã được băng bó tạm. Tang vật đem theo là một khẩu B40, và còn một trái đạn chưa bắn. Hắn mặc quần đùi đen, áo bà ba. Bên hông đeo một túi ni lông nhỏ, bọc kín một gói cơm khô. Tên này được dẫn lên tầu, cho ngồi một góc trong phòng Hành Quân. Một sĩ quan Ban 2 được chỉ thị lấy cung và khai thác tức khắc. Hỏi gì, tên này cũng khai:' Dạ em không biết.'

Lục quanh lưng hắn, còn có một khúc ống ni lông nhỏ, dài độ một mét,. Dù không hỏi ai cũng biết đó là ống thở, để khi khai hoả xong lặn xuống nước, 'nằm mà' ngậm ống ni lông thò lên mặt nước, thở. Nước đục nằm sát bờ, nhờ lá cây che lấp là qua mắt được toán lính lục soát cuả ta.

Lúc này trời đã về chiều , dọc theo bờ sông, các toán quân nhân Mỹ lại lần lượt sắp hàng đi lãnh đồ ăn chiều tại các nhà hàng lưu động, do máy bay Chinook câu thẳng từ Hạm Đội 7 vào. Tôi lấy cái bi đông nước, uống một ngụm rồi đi xuống lòng tầu. Nơi đây, những người dân cuối cùng của cuộc hành quân được dồn lại trở về Bình Dương. Mọi người ngồi ủ rũ. tôi chú ý đến một ông già, tóc đã bạc, ngồi ôm khư khư một bài vị, mắt ngơ ngác thất thần. Ông nhìn tôi, như sợ tôi ra lệnh vứt 'bảo vật' cuả ông đi. Tôi lại gần, vỗ lên vai ông già. nói nhỏ:' Bác đừng sợ.' Trong bưã ăn tối tại nhà hàng Bạch Đằng ở mé sông, ngay trước dinh Tình Trưởng có đâụy đủ các đơn vị trưởng cuả các đơn vị đã tham dự cuộc hành quân này, Trung Tá Lý Tòng Bá, Tình Trưởng Bình Dương đã nói mấy lời bày tỏ sự cảm ơn ' Các đơn vị bạn đã đến đây để phá tan sào huyệt địch, mở đầu cho công cuộc lùng địch ở Tỉnh này.. Ông cũng đại diện cho Trung Tướng Lê Nguyên Khang, Tư Lệnh Quân Đoàn I I I, bày tỏ sự hài lòng về sự hợp tác hăng say và khéo léo cuả tất cả các quân nhân các cấp tham dự cuộc hành quân và hưá sẽ tưởng thưởng cho các quân nhân xuất sắc theo đề nghị cuả các đơn vị trưởng..

Trời còn sáng, toán Tâm Lý Chiến Dân sự Vụ Hải Quân cuà chúng tôi lên xe về lại Sài Gòn. Chỉ sau độ một giờ, chúng tôi về đến nơi. Con sông Sài Gòn trước mặt. Các chiến hạm xám ngắt đậu kín một bên sông. Bên kia bờ là Thủ Thiêm, những rặng bần đen thảm. Dòng sông Sài Gòn chảy hiền hoà , đục ngầu, tôi liên tưởng đến những xác chết dật dờ mới đây theo đợt sóng tràn lên hai bên mé nước. chính con sông này mà có xa lắm đâu.. Tãt cả đã hoang tàn. Chỉ còn một gốc cây na.

* * * * *

Nhận định về cuộc hành quân này, đối phương đã ghi lại trong cuốn sách đã dẫn nguyên văn như sau, trang 150: "Cuộc chiến đã diễn ra rất ác liệt, gây cho ta những khó khăn và tổn thất: một số sinh lực bị tiêu hao, nhiều cơ sở hậu cần bị thiệt hại, kế hoạch vận chuyển từng nơi, từng lúc bị gián đoạn, nhiều căn cứ bàn đạp bị phá, một số dân bị xúc đi về vùng kềm kẹp..."

Như thế, đứng về cơ sở vật chất mà xét, qua cuộc hành quân ấy rất thắng lợi, đã phá tan sào huyệt của đối phương. Nếu các cuộc hành quân to lớn và dũng mãnh như vậy, liên tục tiếp diễn ở tất cả các nơi khác trên toàn thể lãnh thổ Việt Nam, sau đó đúng như nội dung tấm truyền đơn đã giải, Quân Lực VNCH và Đồng Minh sẽ tái định cư cho tất cả đồng bào... thì tuy có đau đớn, nhưng chúng ta, quân dân VNCH còn có thể chấp nhận được. Nhưng trên thực tế thì không. Lúc ấy, là một quân nhân cấp nhỏ, với một cái nhìn trực tiếp và cụ thể, người viết thấy tội nghiệp cho người Việt Nam quá. Dân, tội nghiệp đã đành, cả đến những người lính, như người viết, đi giúp dân, cũng thấy mình đau đớn quá. Trước mắt người dân, họ chỉ thấy đây là một cuộc chiến của người Mỹ. Chính người lính Mỹ, từ nơi nào xa lắc, giống hệt như quân đội Pháp trước kia, đã đến đây bắn phá, và ủi sạch, phá sạch xóm làng của họ. Người lính VNCH, trước mặt người dân chỉ là một thứ phụ lực quân. Giữa đôi mắt dân và lính nhìn nhau, đầy nghẹn ngào.

Người lính đã đọc cho đồng bào nghe về tấm truyền đơn kia, đã ân cần giúp đỡ họ, nhưng quả giữa dân và lính có quá nhiều xa cách. Người lính dù có tế nhị, ân cần giúp dân bao nhiêu, làm sao so sánh được cảnh hoang tàn ngút ngàn, tất cả nhà cửa, xóm làng thân yêu của họ, giờ chỉ là một vùng đổ nát, hoang tàn. Xóm làng đang trở thành rừng với đầy lửa đạn.

http://www.psywarrior.com/2223PBR.jpg

Sau đó không lâu, từ năm 1968 trở đi, trên diễn đàn báo chí, người ta chỉ nói về cuộc hội đàm Paris. Cũng từ đó quân đội Mỹ rút đi từ từ, bỏ lại cho QLVNCH một cơ đồ đúng là hoang tàn đổ nát. Người lính Mỹ lúc trướcđi hành quân như đi picnic, ăn những bữa cơm nóng từ Đệ Thất Hạm Đội được máy bay chở vào. Việc tiếp tế thì thừa mứa, tràn ra cả các khu chợ đen khắp nước. Quân đội VNCH , tuy không được thừa mứa như quân Mỹ, nhưng đạn bắn thả dàn. Cần khai quang hai bên thủy trình, rừng rậm, máy bay tới thả thuốc tức thì. Phi pháo, gọi là có B 52 trải thảm, rung chuyển cả rừng. Sau khi Mỹ rút, súng đạn thiếu thốn, phương tiện truyền tin, di chuyển mỗi lúc một eo hẹp. Và Tổng Thống Thiệu đã phải chính thức kêu gọi "Chúng ta chiến đấu theo cách con nhà nghèo..."

Trong khi đó đối phương vẫn thừa mứa tiếp liệu. Tiếp liệu từ phía các nước " Xã Hội Chủ Nghĩa anh em" của họ, và cụ thể và gần gũi là từ người dân khắp các nẻo nông thôn. Người dân nếu có tin vào các truyền đơn một thời từ máy bay rải xuống nhiều như lá rừng, giờ đọc lại, chỉ thấy đau đớn và uất hận. Người lính VNCH, nếu có người dân nào đưa tờ truyền đơn cũ ra trước mặt hỏi, ta biết trả lời thế nào. Tất cả chỉ còn là ngỡ ngàng và uất hận. Người Mỹ, tùy theo giai đoạn đã ồ ạt đến, dẹp tất cả mọi trở ngại mà đến đây. Khi giai đoạn khác bắt đầu, họ lại ào ạt ra đi. Trên đất nước Việt Nam, trong thời gian cuộc chiếnkhốc liệt ấy diễn ra, đã có bao nhiêu cuộc hành quân như thế, như vùng Tam Giác Sắt! Những đồn bót của QLVNCH mỗi lúc một thêm u uất ảm đạm, bi thương và đầy thiếu thốn. Ta yếu cả hai mặt vũ khí và lòng dân. Nghĩ lại thì từ lúc cuộc chiến dũng mãnh dưới hỏa lực của quân đội Mỹ, cũng chính là khởi điểm của nỗi thua đau sau này. Xin hãy mượn mấy câu thơ của Tô Thùy Yên mô tả về số phận người lính VNCH trước khi mùa khổ nạn 1975 ùa tới:

Giặc đánh lớn - mùa mưa đã tới
Mùa mưa như một trận mưa liền
Châu thổ mang mang trời nước sát
Hồn chừng hiu hắt nỗi cô đơn
Tiếp tế khó-đôi lần phải lục
Trên người bạn gục đạn mươi viên
Di tản khó- sâu dòi lúc nhúc
Trong vết thương người bạn nín rên.

(Qua Sông)

Không biết người đọc nghĩ gì, các bạn tôi một thời xả thân cho cuộc chiến nghĩ gì. Riêng tôi, tôi không còn nước mắt để nhỏ xuống cho cuộc chiến, cho thân phận của dân tộc mình

Phan Lạc Tiếp

https://www.banvannghe.com/a4064/hanh-quan-vao-tam-giac-sat-phan-lac-tiep

 



 photo Suacuteng i baacutec_zps2aznibb8.jpg

 



Lê Đình An – Chiến Dịch Hành Quân Tam Giác Sắt



Chiến dịch Cedar Falls là chiến dịch quân sự từ ngày 8 tháng 1 đến 16 tháng 1 năm 1967 trong Chiến tranh Việt Nam do Quân đội Mỹ và Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa thực hiện nhằm triệt nhổ gốc rễ các căn cứ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam ở “Tam giác sắt” (khu vực rộng 155 km² nằm giữa sông Sài Gòn và đường 13, khoảng 40 km phía bắc trung tâm Sài Gòn).

Chiến dịch có sự tham gia của 16 ngàn lính Mỹ và 14 ngàn lính Việt Nam Cộng hòa. Trong chiến dịch này, “lính chuột cống“ (Tunnel Rat) được sử dụng lần đầu tiên để xâm nhập hầm trú ẩn và hệ thống công sự ngầm của quân Giải Phóng.

Tháng 1 năm 1967.

Văn phòng Người Nhái trực nhận được công điện “Khẩn” của BTL/HQ/P3. NN chuẩn bị công tác. Tôi và NN Nguyễn Đức Nguyên với đầy đủ trang bị, khoảng 20 phút sau chúng tôi lên quân xa 4×4 trực chỉ lên Tỉnh Bình Dương….

Khi đến Bình Dương chúng tôi được một sĩ quan Hải Quân trách nhiệm, đón chúng tôi và cho chúng tôi biết Hải Quân tham dự cuộc hành quân vào khu Tam Giác Sắt với một lực lượng hùng hậu của Giang Đoàn tăng phái khoảng 50 Chiến Đỉnh, hợp cùng với các quân, binh chủng Không Quân và Lục Quân Việt, Mỹ. Cuộc hành quân qui mô rộng lớn, gồm khoảng 16,000 quân Mỹ và 14,000 quân Việt Nam Cộng Hòa. Nhiệm vụ của Hải Quân là di tản dân chúng ra khỏi vùng hành quân. Trách nhiệm NN của chúng tôi là: – Bảo vệ mấy chiếc cầu để các chiến đỉnh cập vào nghỉ đêm, v.v. (an ninh phòng thủ hải cảng, bảo vệ cầu cống, cũng là nhiệm vụ của NN) và tháp tùng với các chiến đỉnh bảo vệ đoàn Giang Đỉnh tiến vào vùng Tam Giác Sắt để đón dân chúng di tản ra khỏi vùng hành quân và đưa về Bình Dương.

Sau đó chúng tôi được hướng dẫn vào lều vải quân đội trong khuôn viên Ty Bưu Điện cạnh bờ sông để tạm trú, nơi đây là trạm Vô Tuyến truyền tin của HQ. Chúng tôi gặp anh trưởng toán là Thượng sĩ Vô Tuyến Nguyễn Văn Lý (anh Lý là người kỳ cựu nhất kể từ khi HQ Pháp bàn giao, rất giỏi trong ngành Vô Tuyến của HQ/VNCH) và anh bạn cùng khóa 26 chuyên nghiệp là Hạ sĩ Vô Tuyến Nguyễn Viết Hiển. Các anh đến đây trước để lo sắp xếp máy móc liên lạc với các quân, binh chủng bạn. Chúng tôi chào nhau thăm hỏi. Các anh cho chúng tôi biết cuộc hành quân đã diễn ra mấy ngày rồi, và đoàn Giang đỉnh cũng vừa mới đến hôm nay cùng lúc với NN chúng tôi, v.v.

Tôi nhớ lại chuyến công tác áp tải đạn dược tiếp tế cho quận Dầu Tiếng mới đây chỉ cách khoảng một tháng trước cũng trên dòng sông hiểm ác này. Có thể chuyến công tác đó là để chuẩn bị đầy đủ đạn dược cho quân đội VNCH trong chiến dịch hành quân Tam Giác Sắt, nhưng vì bảo mật nên không ai được biết.

Việc canh gác trên các chiến đỉnh ngày đêm thì do nhân viên cơ hữu HQ, kiểm soát và canh chừng những đám lục bình hoặc cỏ rác tấp vào chiến đỉnh, vì đặc công thủy VC có thể ẩn núp dưới đó.

Thời tiết lúc này cuối mùa Đông có gió Bấc (Bắc) hiu hiu rất lạnh. Khoảng 10 giờ tối và 5 giờ sáng mỗi ngày. Tôi và NN Nguyên mang bình hơi lặn xuống để kiểm soát lại tất cả dưới lườn các chiến đỉnh, các chân cầu và các điểm khả nghi, v.v. Bảo đảm an toàn cho đoàn chiến đỉnh. Có điều đặc biệt là trên mặt nước sông có gió lạnh nhưng lặn xuống dưới mặt nước thì dòng nước lại âm ấm chớ không lạnh như ở trên mặt sông.

Khi đoàn giang đỉnh khởi hành, tôi và NN Nguyên chia nhau xuống hai chiếc Tiểu Giáp Đỉnh (Fom) cùng vào nhiệm sở tác chiến với nhân viên cơ hữu HQ đi đầu mở đường cho đoàn giang đỉnh tiến vào vùng hành quân.

Trên dòng sông rộng, chúng tôi nhìn về hướng hành quân, cả một vùng trời rộng thênh thang, vang rền tiếng bom đạn, từng bựng khói đen bung lên cao do các phi cơ đủ loại của Mỹ từ nhiều căn cứ trên đất liền, và từ Đệ Thất Hạm Đội bay vào tấn công, Không Quân Việt Nam cũng tham gia cuộc hành quân phi pháo và oanh kích vào vùng địch.

Khoảng 5 hay 6 mũi tiến quân. Mỗi mũi tiến quân đều có trên trời một Quan sát cơ L19 như con diều hâu nhẹ nhàng bay lượn, theo dõi và chỉ điểm cho các căn cứ pháo binh pháo kích, và các phi cơ oanh tạc. Tiếng gầm thét vang trời của các loại phi cơ phản lực Việt, Mỹ phối hợp mở đường giúp cho Lục quân tiến sâu vào vùng Tam Giác Sắt. Theo tin tình báo cho biết vùng này VC đã thực hiện một hệ thống địa đạo rất kiên cố. Nên Không Quân đã sử dụng loại bom hạng nặng 500 lbs. để phá hủy các địa đạo và hầm núp, hàng loạt Phản lực cơ B52 bay từ đảo Guam đến trải thảm vào vùng địch, làm rung chuyển cả vùng trên mặt đất làm xao động cả mặt sông dài.

Đoàn chiến đỉnh hướng về thượng nguồn đã qua khỏi ngã ba nhà máy xay lúa, trước đây là vùng nguy hiểm tác xạ tự do, nhưng lần này chúng tôi không cần tác xạ vì quân bạn đang bao vây vùng này. Trên không một chiếc quan sát cơ L19 Không Quân VN bay lượn theo đoàn chiến đỉnh để giúp đỡ mỗi khi thấy những điểm khả nghi thì L19 gọi trực thăng bắn phá trước khi đoàn chiến đỉnh di chuyển đến. Chúng tôi nghĩ có thể mật khu của chúng đang bị tấn công nên VC chỉ còn lo đào thoát chớ không còn sức kháng cự lại.

Dòng sông cũng là hành lang của cuộc hành quân. Khi tiến vào khu vực, chúng tôi thấy trên bờ sông phía bên trái có rất nhiều Thiết Giáp và Thiết Vận Xa của Hoa Kỳ ngụy trang, phục kích mỗi chiếc cách khoảng nhau chừng 100 thước, dài suốt mấy cây số.

Trong chuyến công tác trước của tôi trên dòng sông này. Một dòng sông đã từ lâu hứng chịu sự hy sinh đầy xương máu của quân nhân VNCH. Vì tuân hành lệnh cấp trên thi hành công tác, các chiến đỉnh HQ đã bất chấp mọi nguy hiểm khi phải vượt qua các mật khu của VC nơi đây, các chiến đỉnh HQ đã bị bọn việt cộng gài đặt mìn bẫy và bắn phá hoặc thả mìn trôi theo dòng nước để phá hủy các giang đỉnh, các quân nhân HQ đã phải hy sinh đền nợ nước rất nhiều trên đoạn sông này.

Nhưng hôm nay cũng trên đoạn sông này đổi ngược lại. Một cảnh thê lương đầy chết chóc diễn ra trước mắt, những thây xác đàn ông và đàn bà đang trôi dật dờ là cán binh, cán bộ Việt Cộng. Còn trên bờ sông bên phải, cũng đầy thây xác của VC nằm vung vãi khắp nơi, trên bờ đê và trên ruộng đồng.

Nguyên nhân vì quân đội Việt, Mỹ đang bao vây chặt chẽ hai mặt trên bộ và càn quét trong vùng mật khu an toàn của chúng, buộc bọn Việt Cộng phải đào thoát về hướng thứ ba của hình tam giác là hướng dòng sông mà Việt Cộng hy vọng là sinh lộ. Để tránh bị phát giác trong việc đào thoát, chúng chờ đến ban đêm mới rút ra bờ sông, nhưng chúng không ngờ lại bị lọt vào vòng phục kích của bộ binh Tùng Thiết Mỹ bên bờ sông đối diện. Với vũ khí tối tân và hồng ngoại tuyến nhìn thấy rõ ban đêm, nên bọn VC không làm sao thoát được dưới hỏa lực kinh hồn của thiết Giáp kỵ Binh Hoa Kỳ.

Đến Bến Súc địa điểm ấn định. Các chiến đỉnh lập vòng đai an toàn, còn các Quân Vận Đỉnh ủi bãi để đón dân chúng. Được biết người dân sống rải rác trong thôn xóm hẻo lánh vùng này do đơn vị Nhảy Dù VN trách nhiệm, đã phối hợp cùng với Đoàn Dân Sự Vụ Tỉnh Bình Dương tập trung dân chúng lại tại đây. Đoàn Tâm Lý chiến của HQ cùng nhân viên cơ hữu HQ hướng dẫn giúp đỡ đưa dân xuống tàu. Sau đó đoàn giang đỉnh trở về Bình Dương chiều hôm đó, đưa dân chúng lên bờ giao lại cho các cơ quan dân sự tiếp đón đưa vào trại tạm cư để gạn lọc lại, đề phòng việt cộng có thể trà trộn trong dân tỵ nạn.

Suốt tuần lễ công tác, sáng đi chiều về để di tản dân chúng ra khỏi vùng lửa đạn. Chiến đỉnh chúng tôi phải ngược xuôi trên đoạn sông đầy xác người chết, trôi nổi ra vào theo con nước lớn và ròng của thủy triều, mùi tanh hôi nồng nặc bốc lên rất khó chịu. Mấy ngày đầu xác người sình lên, đàn ông thì nằm úp còn xác đàn bà thì lại nằm ngửa mặt lên trên mặt nước. Nhưng vài ngày sau thì xác thịt bị rữa lần, da nám đen và thun nhỏ lại, tóc bị rụng hết, và xác đàn ông, đàn bà đều lật ngửa ra hết rồi chìm lần. Nhưng mỗi ngày khi di chuyển vào vùng này chúng tôi đều thấy có xác chết mới khác lại trôi nổi thêm trên mặt sông, và cả trên bờ sông, đồng ruộng, đâu đâu cũng dẫy đầy xác chết mới. Có lẽ vì mỗi đêm đều có VC bị bắn chết vì đào thoát về hướng con sông này.

Chiến dịch hành quân “Tam Giác Sắt” (The Iron Triangle) được giữ bí mật nên cấm tất cả phóng viên chiến trường và giới truyền thông Việt và Mỹ đều không được tham dự. Vì vậy vào thời điểm đó giới truyền thông báo chí không thể loan tin đầy đủ cho chiến dịch hành quân to lớn nêu trên.

Mật khu Tam Giác Sắt, nơi đây là trường huấn luyện đặc công đưa vào phá hoại trong thành phố và cũng là nơi HL cho thành phần sinh viên thân cộng, và các thành phần bất mãn với chế độ VNCH, các Ni Cô, Sư Sãi giả danh, chống đối chính quyền, được VC móc nối đưa vào đây học tập rồi đưa về nội thành tổ chức phá hoại qua nhiều hình thức, v.v.

Chúng tôi xin ghi lại hồi ức mà chúng tôi đã trực tiếp tham gia trong chiến dịch để lưu lại chiến tích hào hùng của quân đội VNCH phối hợp hành quân cùng quân đội Hoa Kỳ. Gót giày trận của các quân nhân VNCH đã từng xông pha dẫm nát những nơi như vùng mật khu Tam Giác Sắt này, mà bọn việt cộng rêu rao tuyên bố là vùng “bất khả xâm phạm”.

Để chấm dứt bài viết, xin xem kết quả của cuộc hành quân vào khu Tam Giác Sắt qua tài liệu trên trang nhà dưới đây:

“… Quân đội Mỹ và quân đội Việt Nam Cộng hòa thông báo tiêu diệt 750 Việt Cộng và bắt 280 tù binh. Thiệt hại của Việt Cộng còn bao gồm 23 vũ khí hạng nặng, 590 vũ khí cá nhân và 200 mìn, lựu đạn, đạn pháo và súng cối. 100 công trình kiên cố, 250 hầm và hơn 500 công trình khác bị phá hủy. 60 ngàn băng đạn cho vũ khí cá nhân, 7,500 bộ quân phục, 3.7 ngàn tấn gạo và khoảng nửa triệu trang tài liệu bị thu giữ cùng nhiều vật liệu chiến tranh khác.

Thương vong về phía Mỹ là 72 thiệt mạng và 337 bị thương; phía Việt Nam Cộng hòa là 11 chết và 8 bị thương. Phía Mỹ bị phá hủy 2 xe tăng, 5 xe bọc thép; ngoài ra còn bị hư hại 3 xe tăng, 9 xe bọc thép, 1 xe tăng hạng nặng, 2 xe ô tô và 2 trực thăng trinh sát nhẹ. Quân đội Việt Nam Cộng hòa mất 3 vũ khí cá nhân.”

NN Lê Đình An

Share this: TwitterFacebook

This entry was posted in Hồi ký chiến trường. Bookmark the permalink. ← Nguyễn Minh Thanh – Áo Đan Cho Chồng Mãi Dở Dang… !!Tô Văn Cấp – Buồn Vui Với Trâu Điên Trưởng → 2 Responses to Lê Đình An – Chiến Dịch Hành Quân Tam Giác Sắt Pingback: Cộng Đồng NVQGHK kính mới đọc bài mới chủ nhật 24-11-2013 | Chương Trình Phát Thanh VRV Radio

little says: December 1, 2013 at 4:36 am Đây là một trận đánh qúa xá lớn, 16.000 lính Mỹ và 14.000 lính VN. hơn 3 sư đoàn đi hành quân + thiết giáp, chiến xa + B52. Vậy mà có lẻ ít người biết. Mỹ chết khá bộn, lính VN măt mắn tử trân ít. Nhìn trở lại, chĩ tại cái bọn cs chết tiệt, bao nhiêu người trai trẻ bỏ mạng để đến cuối cùng VN ta trở nên tàn tệ, xả hội suy đồi, người người dối trá. Thương các anh lính VNCH vô cùng.

https://buonvuidoilinh.wordpress.com/2013/11/23/le-dinh-an-chien-dich-hanh-quan-tam-giac-sat/

 

Chữ ý thức hệ = có nghĩa là không cùng chí hướng, lý tưởng, chính kiến, tư tưởng, không cùng chánh sách, chính trị, thể chế, điều hành của một quốc gia. Việt cộng và phản chiến cố tính dùng chữ Ý Thức Hệ tối nghĩa để tránh về chính thể, chính trị của một quốc gia. để giấu giếm, che đậy việc bành trướng chủ nghĩa cộng sản và cũng để hợp thức hóa chuyện gây chiến và xâm chiếm miền nam. Tiếc rằng bên VNCH cũng cứ nhắc đi nhắc lại câu chữ của Việt cộng, để rồi cái sai nói mãi thành quen, tưởng như đúng, nhưng sai chân lý..

===========================================

Một ngày trong lòng mật khu Tam giác sắt
Posted on June 23, 2017 by dongsongcu
Huy hieu su doan 5 bo binh
.JPGHuy hieu trung doan 8, SD5BB

Đỗ Văn Phúc

Căn cứ Kiến[1] nằm ngay trong lòng mật khu Tam Giác Sắt, giữa ngả ba sông Thị Tính và sông Sài Gòn, chỉ cách quận lỵ Bến Cát vài cây số đường chim bay….Những năm đầu cuộc chiến, đây là căn cứ địa bí mật của Cộng Sản, là trục giao thông của chúng từ các mật khu Long Nguyên, Hố Bò, Bời Lời đổ về Bến Cát để tiếp nhận, di chuyển tiếp tế và bổ sung quân. Khoảng năm 1967, một trận long trời lở đất giữa chính quy Việt Cộng và Sư Đoàn Không Kỵ Hoa Kỳ xảy ra nơi đây. Tại một giao lộ của 5 con đường mòn mà chúng tôi đặt hỗn danh là Ngả Năm Chuồng Chó, vẫn còn xác ba chiếc thiết giáp vừa M-41 vừa M-113 bị cháy banh xích nằm ngổn ngang, xung quanh còn vương vãi các mảnh quân trang, quân dụng, và vỏ đạn các loại.

Cái rẻo đất cỏn con hình tam giác này chỉ chừng vài cây số vuông. Nhưng mìn bẫy thì dày đặc, hỗn loạn đến nỗi quân du kích Việt Cộng cũng thường vướng phải. Sau hàng năm bỏ mặc cho chúng tung hoành, Sư Đoàn 5 Bộ Binh quyết định phải bình định mật khu này vì sau thảm bại Tết Mậu Thân của Cộng quân, tình hình quân sự đã tạm lắng dịu trên toàn Khu 32 Chiến thuật.

https://c1.staticflickr.com/1/631/22201769580_d78822e9e0_b.jpg

Tháng 6 năm 1970, Tiểu đoàn 4/8 nhận lệnh hành quân tảo thanh và thiết lập một căn cứ nhỏ để chế ngự con đường tiếp liệu của địch. Dù không còn các đơn vị chủ lực lớn của địch, nhưng đám du kích lẻ tẻ vẫn có khả năng quấy nhiểu như đặt mìn, bắn sẻ hay pháo kích vào đội hình quân bạn. Từ địa điểm đổ quân trên con đường đất đỏ từ chơ Bến Cát dẫn đến đồn điền cao su Michelin, những người khinh binh đã đi theo chiếc xe ủi đất D-10 khổng lồ của Tiểu đoàn 5 Công Binh trên một khoảng đường chỉ dài hơn cây số mà cũng mất hơn hai ngày trời mới đến được Ngả Năm Chuồng Chó. Xe ủi đất cày sâu chừng hai tấc đủ để hủy diệt các loại mìn chống người và chống chiến xa. Bộ binh thì dò dẫm từng tấc đất để phá gỡ các loại mìn bẫy nội hoá.

Rừng Long Nguyên dày đặc, cây lớn thì cao ngút ngàn. Bên dưới là cây chồi với dây rừng, gai nhọn đan chi chit. Người đi sau đặt phải bàn chân đúng lên dấu giày người đi trước. Thận trọng từng giây phút một. Mìn bẫy ở đây thì vô số. Cộng quân gài mìn không theo quy cách lớp lang như quân ta. Vì thế, sau một thời gian, trên những con đường mòn không ai qua lại, cây cỏ mọc che kín, thì ngay chính họ cũng chẳng biết đường né tránh.

Ngày hành quân đầu tiên không có thiệt hại gì. Binh sĩ tháo gỡ hàng trăm mìn nội hoá mà du kích Việt Cộng chế bằng cách trộn đinh, sỏi với chất nổ dẻo rồi nhồi cứng vào những chiếc lon đủ cỡ. Tuy không có sức công phá mạnh, nhưng loại mìn này cũng có khả năng sát thương tròng vòng 5 mét. Loại đáng sợ nhất là các trái đạn pháo binh của chúng ta bị lép; Việt Cộng chế lại thành mìn bẫy. Tiếng nổ của nó rất khủng khiếp. Người bị mìn khó còn được chút da thịt nào lớn hơn bàn tay.

Đêm đến, bố quân trên vòng đai do xe ủi tạo ra quanh ba chiếc thiết giáp cháy, binh sĩ không đào công sự, mà chỉ nằm tựa các gốc cây lớn để phòng thủ. Quân sĩ thức trắng một đêm canh chừng vì không thể bung ra gài mìn giăng bẫy như thường lệ. Du kích Việt Cộng thỉnh thoảng xuất hiện bắn quấy phá nhiều đợt. Hoả châu từ căn cứ Lai Khê bắn yểm trợ suốt đêm. Cả một vùng sáng như ban ngày. Trung Úy Nguyễn Hữu Đát, Đại đội trưởng 15, trong lúc di chuyển điều quân, đã bị đạn AK bắn sẻ xuyên qua lớp nón sắt gây thương tích ở đầu phải tải thương ngay. Đại đội phó là Thiếu Úy Phương lên thay thế.

Phương là một trong bốn sĩ quan tốt nghiệp khoá 1 trường Đại Học Chiến Tranh Chính Trị cùng ở trong một tiểu đoàn. Dương Quang Bồi thì đã nắm đại đội từ đầu năm 1970, Mai Thanh Tòng làm đúng chức năng của mình là Trưởng ban 5 tiểu đoàn, chỉ còn Quách Kế Nhơn và Phương vẫn học nghề đánh đấm ở các đại đội. Nhờ những công trận xuất sắc ở Bù Na, Đồng Xoài, Phương đã được Đại Úy Vũ Huy Thiều (Khoá 19 Võ Bị, người hùng trận Phước Quả) ngắm nghé cho nắm đại đội từ những ngày cuối năm 69. Hai tuần trước Tết Canh Tuất 1970, trong một trận phản phục kích ở ngả ba Bù Noi, Phước Long, Phương bị thương nặng phải chuyển về Bệnh Viện 3 Dã Chiến. Khi trở về đơn vị thì các cấp chỉ huy đã thay đổi. Tiểu đoàn nay dưới quyền Đại Úy Nguyễn Chí Hiền, người hùng một thời của Đại đội Trinh sát 5.

Tiểu đoàn bung hai Đại đội hành quân xa về hướng Tây Bắc, chỉ để lại Đại đội 15 bảo vệ an ninh cho Đại đội Chỉ Huy và Công binh lập căn cứ. Công binh Hoa Kỳ tăng cường thêm mấy chiếc xe ủi đất hạng nặng để phá rừng, cày thành một khoảnh đất có đường kính khoảng 100 mét. Ở trung tâm, họ xây ba hầm kiên cố sâu dưới lòng đất, chống đỡ bằng những khúc gỗ lớn. Nắp hầm là một lớp PSP bên trên có 5 lớp bao cát đủ để chịu đựng sức công phá của bíck kích pháo 82 ly. Ba hầm này dùng làm hầm Chỉ huy, Truyền tin và Tiếp liệu. Một vòng đai bên ngoài có tám hầm nhỏ hơn dùng cho binh sĩ trú phòng. Các hầm được cách ly bằng các lớp hàng rào concertina để chống đặc công. Từ chu vi hầm ra đến bìa rừng là khoảng trống có các lớp hàng rào gài mìn bẫy và trái sáng dày đặc.

Đại đội 15, trong khi hành quân lục soát dọc bờ sông Thị Tính, đã phát hiện nhiều khu hầm kiên cố nhưng để trống. Binh sĩ tìm thấy thực phẩm, áo quần cả đàn ông lẫn đồ lót phụ nữ cho thấy nhiều dấu hiệu hầm đang được sử dụng bởi các toán du kích. Thường họ sinh hoạt và di chuyển theo tổ tam tam chế, hai nam một nữ. Các hầm này được xem như các nơi tạm trú cho du kích hoặc cán bộ về hoạt động lén lút ngoài quận lỵ và các xã chung quanh. Cách thiết lập hầm ngầm rất khó phát hiện. Hầm đào sâu dưới đất, nắp hầm ngang bằng mặt đất. Có 4 lỗ châu mai ở bốn phiá được các bụi cây bên ngoài che khuất. Trong nhìn thấy ngoài rất rõ, nhưng ngoài thì không thể nào thấy dấu hiệu gì. Nếu phỏng đoán được sự hiện diện của hầm, thì cũng khó xác định chính xác vị trí. Đạn bắn thẳng không có xác suất cao trúng vào lỗ châu mai. Trong hầm chỉ cần một hay hai tay súng cũng đủ cầm chân cả trung đội quân ta. Dĩ nhiên không phải không thể diệt được hầm. Nhưng cái giá phải trả cũng có thể rất cao.

Các chiến sĩ Trung đoàn 8 BB trong những năm này đã tìm ra biện pháp diệt chốt bằng các tổ hai, ba binh sĩ với sự yểm trợ hoả lực cộng đồng. Tuy chậm, nhưng biện pháp này rất hiệu quả mà ít hao sinh mạng.

Lúc xế chiều, khi Đại đội thu quân về, trung đội 3 của Thiếu Úy Nguyễn Trọng Thủy[2] báo cáo thiếu một binh sĩ. Vì không có chạm súng trong ngày, cũng không nghe tiếng nổ của mìn bẫy; nên Phương ước đoán Hạ sĩ Nghĩa chỉ đi lạc đâu đây thôi. Quả thế, chỉ chừng mười phút sau, từ bìa rừng anh lính nhà bếp trẻ này hớt hãi chạy ra, mặt xanh như tàu lá. Cái soong và cái xẻng sau lưng va chạm nhau kêu lách cách. Anh vừa thở vừa lắp bắp : «Em thấy hai đứa nó chơi nhau, Thiếu úy ơi ! ». Phương nạt đùa : « Mày sợ quá, thần hồn nát thần tính mà nói bậy. Chứ ai mà chơi nhau trong này ? » Nghĩa nhất quyết:

«Thiệt mà, Thẩm quyền[3], em thấy rõ ràng, hai đứa chơi nhau trong kia. »

«Sao mày không bắn chết chúng nó ? »

«Chời ơi! em vừa kéo cây súng thì nó nghe động, nó kéo quần lên và lủi mất tiêu, ông thầy ơi. Mà em cũng sợ quá chừng. »

Phương báo chuyện này cho Tiểu đoàn trưởng biết. Đại Úy Hiền cười xác nhận : « Nó không nói láo đâu. Tụi du kích nó đi ba đứa, hai trai một gái. Lúc nào hứng tình thì đè ra chơi. Có gì lạ đâu chú mày. »

Việc xây căn cứ cũng nhanh. Xe công binh đã được trả về cho Sư đoàn. Tiểu đoàn cũng chuẩn bị rút về Lai Khê, để lại đại đội của Phương trấn ngự căn cứ. Nhiệm vụ rất đơn giản. Ngoài một trung đội nằm tiền đồn chỗ ngả ba đường từ Bến Cát đi đồn điền Michelin và con đường mới mở dẫn vào căn cứ ; hai trung đội khác phải bung ra hành quân trong ngày để lục soát và an ninh xa. Chỉ còn trung đội vũ khí nặng và ban Chỉ Huy nằm lại trong căn cứ.

Ngày ở đây rất dài. Binh sĩ chẳng biết làm gì trong phạm vi chưa tới trăm mét vuông. Chui vào hầm, chui ra, lên mặt đất ngó trời ngó mây một đỗi rồi lại chui xuống. Chiều chiều có vẻ rộn lên đôi chút nếu mấy đứa du kích liều lĩnh mò về bên ngoài hàng rào, chõ loa vào tuyên truyền, kêu gọi đầu hàng : « Nghe đây, nghe đây, quân giải phóng đã bao vây đồn sẽ tiêu diệt đồn nay mai. Hãy buông súng đầu hàng sẽ được khoan hồng tha mạng sống… »

Thỉnh thoảng, chúng cũng bắn súng cối vào căn cứ. Mỗi lần chừng chục trái. Với hầm kiên cố, thì đạn cối chẳng làm suy suyển gì. Nhưng cũng có lúc nó pháo vào thời điểm bất ngờ, anh em binh sĩ đang nấu ăn, tắm giặt bên giếng. Vì các hàng rào concertina bao kín các hầm, thế nào cũng có vài chú lính nhảy xuống giếng né đạn.

Thời này súng đạn dồi dào. Phương cho bố trí ba cây đại liên M60 tại ba điểm quanh đồn. Anh tập cho binh sĩ bắn đại liên từng phát một ; và cứ thế rải đạn vào bìa rừng hay nhắm vào các ngọn cây quanh đồn để ngăn ngừa bọn tiền sát viên. Anh cũng cắt cử các toàn nhỏ phục kích cách đồn chừng vài trăm mét. Có lần đã bắn hụt hai tên du kích. Từ đó, không nghe tiếng loa gọi hàng nữa. Nhưng cối 61 và 82 ly thì cũng cứ lai rai rót vào ; nhất là những lúc có trực thăng tiếp tế.

Đại đội đã đóng tại căn cứ này hơn tháng nay. Lính tác chiến mà nằm đồn thì thật tệ hại. Cái chán nãn và bực bội kéo về mỗi ngày cứ nhìn ra khoảnh rừng xanh tù túng. Phương đã ngấu nghiến hết mấy bộ truyện chưởng Kim Dung ; đã nghe đến thuộc lòng mấy trăm bản nhạc của bất cứ chương trình nào trên đài Sài Gòn và đài Quân Đội. Đủ thứ, đủ loại, từ nhạc thính phòng cho đến nhạc bình dân ; từ ca sĩ lừng danh cho đến ca sĩ nửa muà.

Mỗi ngày một chầu cà phê sáng và hai lần cơm nóng có canh chua là dang nấu khô sặc hay khô sặc chiên, nướng. Đang là thời điểm các đơn vị hành quân xây dựng nông thôn. Vì thế, thực phẩm đóng hộp của Mỹ được cấp phát rộng rải. Đó là một ngày hai bữa, mỗi bữa một túi cơm sấy hơn 500 gram, một hộp thịt bò ba lát và một hộp trái cây. Bếp đại đội là Hạ sĩ Nhàn, năm nay đã hơn 60 tuổi. Chẳng rõ khai sanh lộn xộn sao đó, mà ông bị bắt đi quân dịch. Trung Úy Đát thương tình cho ông làm bếp của Ban Chỉ Huy. Bảy ngày một lần có trực thăng tiếp tế; là có một thùng riêng cho Phương. Có đủ báo, truyện mướn ngoài Bến Cát. Có một chai đế Bà Quẹo thật nồng; có một lon gô thức ăn mặn. Đặc biệt mong đợi là những lá thư từ gia đình gửi đến gói ghém bao nhiêu tình cảm, nhớ nhung.

Những đêm trước ngày tiếp tế, Phương túc trực sẵn bên máy C-25 chờ nghe lệnh từ Tiểu đoàn cho rút quân. Nhưng lần lửa, chỉ thấy tái tiếp tế. Đám lính tiền đồn chừng cũng đâm liều. Họ lén mò ra Bến Cát chơi từ sáng sớm, đến chiều mới lội về. Có tên buồn chán, giải trí bằng cách bắn phóng lựu vào bìa rừng khơi khơi.

Đến lần tái tiếp tế thứ năm, thì Phương nổi cơn điên thật sự. Trong lúc Trưởng ban 3, Trung úy Nguyễn Văn Quốc[4], đang gọi ban lệnh, Phương đã cùng đám lính ban Chỉ Huy bắt đầu chương trình phát thanh đặc biệt: «Đây là tiếng nói Đại Đội 15, Tiểu đoàn 4/8. Mở đầu là bài hát Đường Trường Xa để kính tặng Tiểu Đoàn. Hai, ba...

Đường trường xa, Đại Úy hổng cho tui dề…. »

Nửa đêm, Phương bị giật dậy để nghe tiếng Quốc chuyển lệnh của Đại Bàng : « Tụi mày chớ có làm loạn. Anh Tư kêu về cho 30 củ rồi tống đi Phước Long. Biết chưa ? Sáng ngày mai lo an ninh bãi đáp thật cẩn thận, có quà đặc biệt cho mày. Thật đặc biệt»

Quốc cúp máy, không cho Phương kịp hỏi thêm điều gì.

Thế là suốt đêm, Phương không tài nào chợp mắt. Quà gì mà đặc biệt. Có phải Tiểu đoàn sẽ cho cái ống kính hồng ngoại tuyến mà nghe đâu Sư đoàn vừa được cấp phát để trang bị cho các pháo đài vòng đai căn cứ Lai Khê ? Hay là cái lệnh đóng đồn vĩnh viễn thì bỏ bu. Lúc này mà được đi hành quân trong rừng thì thật thú vị. Mỗi lần hành quân thường kéo dài cả tuần lễ hay nửa tháng trong một khu vực trách nhiệm cả gần trăm cây số vuông. Các mục tiêu hoặc được chỉ định, hoặc do đại đội trưởng chọn với sự chấp thuận của Tiểu đoàn. Ngày đi lùng sục, đêm đóng quân phục kích. Coi như những chuyến picnic dài ngày. Có chạm súng thì cũng chỉ mấy tên địa phương, du kích lẻ tẻ. Phương thích những chiều dừng quân trong những khu rừng thưa. Nằm đu đưa trên chiếc võng mắc dưới tàn cây cao. Nhắp ngụm cà phê nóng và thưởng thức âm nhạc từ chiếc radio bỏ túi. Tối, giăng mìn bẫy các điểm nghi ngờ địch di chuyển. Có lúc kiếm được con mễn, con kỳ đà là thầy trò bày bàn chén chú chén anh rất tâm đắc. Người sành ăn bảo rằng thịt kỳ đà là ngon nhất. Nó lại là thứ động vật rất dễ bắt. Thông thường kỳ đà năm đeo trên cành cây, thấy người chúng không hể bỏ chạy trốn. Vì thế, chỉ cần đủ mạnh để nắm đuôi nó kéo xuống. Con trút cũng thế. Đụng vào nó, nó cuốn tròn người lại như trái banh. Thầy thuốc bắc nói vẫy trút nướng cháy, tán thành bột cho các sản phụ uống sẽ tăng nguồn sữa. Thịt rừng thì chỉ có cách nướng trên lửa là ngon tuyệt. Mà giữa hành quân thì cũng chẳng còn cách chế biến nào khác.

Đêm xuống đã lâu. Rừng im lắng, không một tiếng động nhỏ của thú rừng hay lá cây xào xạc. Bom đạn chiến tranh hơn chục năm đã xua đuổi hầu hết các loại thú chạy vào rừng sâu bên kia biên giới Việt Miên. Chim rừng cũng vắng. Cái im lắng của rừng sao mang đầy vẻ ghê rợn đe doạ của chết chóc hơn là sự thanh vắng đêm hè.

Phương không ngủ nhiều. Thỉnh thoảnh, anh trổi dậy gọi các tiền đồn để theo dõi động tịnh. Tội nghiệp những người khinh binh. Ngày hành quân, đêm phải thay nhau chong mắt ra canh gác ít lắm ba tiếng đồng hồ. Người chỉ huy tuy không canh gác, nhưng cũng khó có được giấc ngủ ngon lành, thẳng giấc. Đóng tiền đồn, được ngủ trong hầm thế này là hạnh phúc gấp mấy lần ngủ trên võng đu đưa giữa rừng, dưới tấm lều bằng áo đi mưa. Ngay từ ngày đầu vào lính, mỗi quân nhân được cấp một tấm poncho bằng nhựa dày, khá nặng. Đó là vật thiết thân gắn bó với suốt cuộc đời của lính. Poncho khi có mưa thì dùng làm áo mưa. Khi đóng quân thì căng ra giữa hai thân cây để làm lều. Khi vượt sông thì gói hết vũ khí, quân trang, túm hai đầu để làm phao. Cuối cùng, khi tử trận thì thân xác tử sĩ được bó trong poncho như bó chả để chờ chuyển về hậu phương. Vì nó khá nặng, nên dù lính, dù quan, mỗi người cũng chỉ có thể mang theo một poncho ngoài hàng chục ký quân dụng, vũ khí đạn dược, và lương thực. Lưng người lính bộ binh lúc nào cũng oằn xuống vì gánh nặng này. Dĩ nhiên, nó cũng ảnh hưởng nhiều đến khả năng di động của anh em binh sĩ so với bọn lính Việt Cộng. Người lính đối phương khi hành quân, đã biết rõ mục tiêu ; họ chỉ cần bôn tập nhanh đến mục tiêu, đánh thí mạng qua đêm rồi tờ mờ sáng hôm sau là rút. Vì thế, trong tay họ chỉ một cây súng ; quanh lưng vài băng đạn, lựu đạn. Có thêm chăng nữa là một bọc cơm vắt điểm vài hột muối. Trong khi người lính miền Nam thường hành quân dài ngày trong một khu vực rộng lớn để tìm địch. Nếu có điều kiện tiếp tế, thì chí ít cũng mang theo hai cấp số đạn, bốn ngày lương khô, vài bi đông nước, xẽng, mìn claymore ; có khi còn mang theo ống phóng M-72 để phá hầm. Áo quần, giày vớ luôn dính trên người cho dù mưa, dù nắng, dù lội sình, băng suối. Các sĩ quan cỡ trung đội trưởng cũng mang nặng không thua gì các anh em binh sĩ. Từ đại đội trưởng trở lên thì mới có một hai anh binh sĩ phụ mang giùm bớt đồ để ông ta còn rảnh tay mà điều động.

Phương trở người trên chiếc võng nylon. Đất ẩm hai bên vách hầm rơi lộp bộp. Trong căn hầm chỉ có Phương và người lính truyền tin. Chiếc máy C-25 ở góc hầm lâu lâu phát ra các tín hiệu báo cáo từ các vọng tiền tiêu. Những giờ phút thế này giúp cho người lính có dịp nghĩ về gia đình. Phương lấy vợ vừa hơn một năm rưởi ; đã có một cháu trai đầu lòng. Lộc sẽ đầy năm vào tháng 9 năm nay, tức là chỉ còn một vài tháng nữa thôi. Đã hơn một năm kể từ ngày ra đơn vị. Cuối năm ngoái, Phương rủi ro bị thương nặng ở Bu-Nard ; nhưng đó lại là cái may mắn được về với gia đình sau khi mổ vết thương chờ tái khám đến 3 lần. Chàng đã tận hưởng hơn ba tháng bên vợ con và mẹ già. Mỗi ngày săn sóc con, thay tả cho con, nhìn con một lớn lên. Cái hạnh phúc hiếm hoi chỉ chấm dứt khi Phương được xếp loại 1 do vết thương bụng đã lành hẳn và không ảnh hưởng gì đến khả năng chiến đấu. Phương được trả về đơn vị cũ tiếp tục hành quân.

Tuy thế, nhờ địa bàn hành quân của đơn vị tương đối gần Sài Gòn, thỉnh thoảng, Trung Úy Đát làm ngơ cho Phương dọt về Vũng Tàu một hai hôm thăm nhà. Ở đơn vị chiến đấu, chỉ có cấp trưởng là kẹt khó thể rời đơn vị. Và bây giờ thì Phương đang ở trong tình thế đó. Do đó, chẳng biết lúc nào mới có hy vọng gặp lại vợ con.

Lại một đêm vô sự dù rằng ở đâu đó xa xa, tiếng đại bác thỉnh thoảng vọng về. Bên kia sông Thị Tính, giờ này chắc dân chúng đang lũ lượt kéo nhau ra chuẩn bị một ngày chợ mới. Cô A Múi chắc đang dọn các khúc vải ra sạp ; cô Út Trơn chắc cũng đang đẩy những chiếc máy may Sinco vào vị trí thường lệ. Chao ôi, Phương tưởng như ngửi được hương vị tô phở béo ngậy ở quán phở cuối thị xã Bến Cát, trên đường dẫn vào căn cứ Lai Khê.

Những tia nắng đầu tiên đã xuyên qua lớp bao cát mỏng che lỗ châu mai để rọi vào những sợi vàng mong manh. Đệ, người lính truyền tin mở to volume để báo cáo tình hình về Tiểu Đoàn và nhận lệnh mới.

– Thẩm quyền, Bác Ba (Sĩ quan Trưởng Ban Ba) nói an ninh bãi đáp thật kỹ. Hôm nay tiếp tế đặc biệt.

– Thì cũng thêm 7 ngày lương khô chứ có quái gì mà đặc biệt.

– Bác Ba dặn kỹ lắm. Hay là Thẩm quyền nói chuyện với Bác Ba đi.

– 33 đây 51, nghe rõ?

– 33 đây. Có Bắc Bình Xung Phong [5] mày lên hôm qua. Năn nỉ mãi, Đại Bàng cho theo chuyến Tư Tưởng[6] vào thăm mày đó. Liệu mà bung con cái ra xa cho kỹ kẻo nó pháo.

Thật bất ngờ. Nhưng không làm Phương quá ngạc nhiên. Vì Tiểu đoàn cũng thường dễ dãi với gia đình binh sĩ mỗi khi đóng đồn. Ngày mới về đơn vị ở Chánh Lưu, Phương đã ngạc nhiên thấy sự hiện diện của các chị, các cháu trong căn cứ. Sau này mới được giải thích rằng đa số vợ con binh sĩ nhà cửa ở miền quê xa, hoặc đã bị tiêu hủy vì chiến cuộc. Họ cư trú ngay trong hậu cứ đơn vị ở Lai Khê. Mỗi khi đơn vị về dưỡng quân là họ kéo đến. Ngay cả khi đóng các căn cứ mà có đường bộ đi được, các chị cũng liều lĩnh mò vào. Cũng may là chưa bao giờ các căn cứ này bị địch tấn công, nên chưa thấy gì trở ngại và tổn thất về phía các chị. Tại các đơn vị Địa Phương Quân, thì các chị các cháu “thường trú” luôn, và đã trở thành các tay trợ đắc lực thủ khi có chạm địch.

 photo vuongmonglong-04_zpsaeukp7cl.jpg

Phương gọi ngay Thiếu Úy Thủy, lệnh tung các trung đội ra xa quanh căn cứ để an toàn bãi đáp. Du kích vùng này chỉ có các loại súng cối 61 ly mà tầm hiệu quả xa nhất là một ngàn sáu trăm mét (trên lý thuyết là 1800 mét). Tiểu đoàn Phú Lợi của Việt Cộng có cối 82 ly, nhưng đơn vị này đã tan hàng từ lâu, chỉ còn lẻ tẻ dăm bảy tên trở thành du kích địa phương. Những cây cối này chúng chôn ngập dưới đất, chỉ chừa cái nòng ló ra để lâu lâu một tên du kích nào đó đi qua, thụt vài quả vào chợ Bến Cát quấy phá.

Đến hơn bảy giờ, Phương cho lính Trung đội Vũ Khí Nặng ra tuyến ứng chiến và bảo Hạ Sĩ Quý lấy hai cái áo giáp và nón sắt mang chờ sẵn ở bài đáp trực thăng. Các máy truyền tin làm việc dồn dập giữa ban Ba và Đại Đội. Trung Sĩ 1 Hùng, Thường Vụ Đại Đội tung trái khói màu ra để phi công canh hướng gió và xác định bãi đáp. Tiếng phành phạch từ hướng Bắc vọng đến chừng vài giây sau là đã thấy hình dáng chiếc trực thăng UH-1B Huey. Chiếc trực thăng của Sư Đoàn 1 Bộ Binh Mỹ chuyển hướng và hạ dần cao độ để đáp. Phương là người đầu tiên chạy đến cửa hông phi cơ. Nơi đây, Hoa đã dợm đứng dậy để nhảy xuống. Phương khoác chiếc áo giáp và đội nón sắt cho vợ. Không kịp nói với vợ một câu, Phương thúc Hạ sĩ Quý bọc bé Lộc vào chiếc áo giáp kia rồi bế cháu và dẫn Hoa chạy nhanh vào trong hầm. Trung Sĩ Thành, Tiếp Liệu, đi theo chuyến bay điều động các binh sĩ xuống hàng tiếp tế xong, trao cho Phương ít văn thư quan trọng để xin chữ ký. Mọi việc xảy ra nhanh như chớp, chỉ trong vòng khoảng 3 phút là xong. Khi phi cơ vừa bay lên thì có mấy tiếng đề pa từ hướng Tây vọng sang. Phương và đám linh chạy thật nhanh vào căn hầm gần nhất bên trong.

– Yên tâm, không sao đâu. Em đi làm chi mà liều lỉnh thế này?

– Thì nghe anh đóng đồn lâu, nên đem con lên thăm.

– Thôi, nép vào góc hầm. Nghe đạn nổ cho quen.

Ầm! Ầm! Ầm!

Một loạt tiếng nổ cắt ngang lời Phương. Phương nhìn ra thấy những chùm khói và đất tung toé bên ngài sát hàng rào. Không có trái nào lọt vào vòng trong.

– Ê! Thoại, kêu thằng 2 lục soát nhanh ở hướng 10 giờ của nó. Bung rộng ra tìm cho được cây cối.

– Có gọi con cái khác về không? Thẩm quyền?

– Thôi chiều rồi cho rút. Cứ bảo các Trung đội “Lam Sơn”[7] thật kỹ, may ra tó được vài thằng du kích.

Bây giờ, Phương mới có thì giờ cho vợ con. Nhìn Hoa gọn gàng trong bộ quân phục, áo giáp nón sắt vẫn còn mang. Chẳng gì nàng cũng từng là nữ quân nhân kia mà. Chàng quay qua ôm Lộc vào lòng hỏi nựng:

– Lên Lai Khê hồi nào? Chà! thằng Cu. Ngon hé. Dám ra hành quân chớ thua ai đâu! Sợ không con?

– Em lên đến trưa hôm qua. Tính về lại nhà, nhưng Đại Úy Hiền nói có trực thăng sẽ cho vào thăm. Ông ấy gửi biếu anh chai Hennessy trong thùng tiếp tế. Má thì gửi cho anh hộp thịt gà kho sả ớt dành ăn dần.

– Ăn dần cái gì. Ở đây anh em ăn chung, một bữa hôm nay cho gọn. Ngày mai lại tiếp tục cá khô.

Thằng cu Lộc cứ ngây người ra nhìn ba nó, hai bàn tay bé nhỏ sờ vào mặt ba, miệng bập bẹ mấy tiếng. Hôn con lần nữa, Phương để con lên chiếc ghế bố rồi kêu Trung sĩ Hùng vào

– Coi tiếp tế chia cho các trung đội. Đạn dược, lương thực theo nhu cầu. Bữa nay, ngoài đó gửi vào thứ gì?

– Trình Thẩm quyền, có thêm đạn cối, đạn đại liên như mình xin. Lương khô thì có cơm sấy thịt hộp ba khoanh. Riêng Thẩm quyền có thùng báo và ít hộp trái cây.

– Hôm này bảo ông Nhàn nấu luôn cho Ban Chỉ Huy. Mình ăn chung. Chiều kêu mấy ông Thiếu Úy về nhậu chơi.

Gần trưa, Thủy cùng Chuẩn Úy Nhơn dẫn Trung 2 kéo về. Chỉ còn Trung Sĩ 1 Tiết và Trung 1 được lệnh ở lại tiếp tục hành quân và sẽ phục kích đêm bên ngoài căn cứ. Trung 3 thì vẫn nằm tiền đồn trên giao lộ đất đỏ đi Bến Cát. Thiếu Úy Nguyễn Trọng Thủy tốt nghiệp khoá 27 Trường Bộ Binh Thủ Đức. Thấp, đậm người, da ngăm đen. Anh là một trong những sĩ quan giỏi của Tiểu đoàn; do đó, Phương đề nghị lên làm Đại Đội Phó. Trần Nhơn[8] thì từ hạ sĩ quan được gửi học ra trường Thủ Đức đâu mới mấy tháng nay. Nhơn coi Trung đội 2 tạm vững. Còn hai trung đội 1 và 3 thì do hai Trung Sĩ 1 Tiết và Trí coi. Hầu như các đơn vị bộ binh đều ở trong tình trạng thiếu hụt sĩ quan; và ngay quân số cũng ít khi đạt đến mức 80% đầy đủ theo cấp số. Lúc cao nhất cũng chỉ lên đến khoảng trên dưới 120 người; nhưng khả dụng hành quân thì chỉ khoảng 100. Lý do chính là một số bất khiển dụng do thương tích, nhưng lại không được phân loại 2 hay 3 để chuyển về các đơn vị văn phòng hay cho giải ngũ. Đơn vị phải gánh lấy con số người này và thu xếp cho họ làm ở hậu cứ, hậu trạm. Ngoài ra, có một tỷ lệ nhỏ quân số đi phép hoặc vắng mặt bất hợp pháp. Tỷ lệ quân nhân đào ngũ ở Sư Đoàn 5 rất cao, do đa số lính tuyển mộ từ Sài Gòn mà đơn vị thì ở quá gần thủ đô. Chỉ cần lọt ra khỏi cổng, leo lên xe lam ba bánh là mất dạng.

Tiểu đoàn 4/8 từ khi giao cho Đại Úy Hiền có khá hơn nhiều. Ông chủ trưởng giữ người ở lại chứ không giữ người đi. Vì thế, ông cho phép quân nhân được đi phép thường niên dễ dàng mỗi khi có gia đình lên lãnh về. Ông nghiêm nhặt với các Đại Đội Trưởng về các vấn đề quyền lợi binh sĩ, tiếp liệu, lương bổng và quân tiếp vụ. Điều đáng nói là binh sĩ rất phấn chấn khi nghe tiếng tăm của Đại Úy Hiền từ khi ông làm Đại Đội Trưởng Trinh Sát Sư Đoàn. Vào thời điểm này, Trung đoàn vừa tổn thất một sĩ quan xuất sắc. Đó là Thiếu Tá Châu Minh Kiến, Tiểu Đoàn Trưởng 1/8. Ông ra trường khoá 19 Võ Bị Đà Lạt và có nhiều triển vọng lên Trung Đoàn Phó vào cuối năm nay. Nhưng không may, trong một trận tương đối nhỏ ở Ấp Nhà Việt, ông quá hăng kéo cả Ban Chỉ Huy chạy lên tuyến đầu và bị lọt ổ phục kích của địch. Tiểu Đoàn Trưởng tử trận, ông phó Đại Úy Trần Kiến Tường, bị thương nặng.

Trưởng ban 3 Tiều Đoàn 1/8 là Đại Úy Trung. Ông Trung như có một giác quan thứ sáu rất linh nghiệm. Có lần, một binh sĩ về ghé qua Bộ Chỉ Huy Trung Đoàn lãnh lương, gặp Đại Úy Trung, chào hỏi trò chuyện. Trung buột miệng: “Mày vào lãnh thêm một tháng lương nữa nhé!”. Chỉ trong vòng một tháng sau, người binh sĩ này tử trận, gia đình lãnh thêm tháng lương thứ 13 của anh ta. Trường hợp Thiếu Tá Kiến như cũng được Trung dự báo. Trong một bữa cơm chiều ở Ban Chỉ Huy Tiểu Đoàn 1/8, Trung bỗng nói: “Nè, kiến mà bò trên tường; có ngày tường sập đè kiến chết.”

Thiếu Tá Kiến phì cười: “Đ.M. tao còn sống dai lắm để lên làm trung đoàn trường nay mai nghe mày!” Không ngờ chỉ một tuần sau, ông Kiến tử trận, ông Tường bị thương. Quả thật linh nghiệm. Từ đó, mọi người như né, không mấy ai dám gặp trò chuyện cùng Trung, sợ phải nghe điều bất tường.

Xế chiều, Phương cho gọi các Trung Đội Trưởng về căn cứ. Hạ Sĩ Nhàn đã dọn bàn ăn ở căn lều nhà bếp. Gọi là bếp cho oai, nhưng thực ra chỉ có một ông Táo đơn sơ bên cái giếng cạn gần sát bờ rào căn cứ. Bàn ăn thì kê mấy thùng gỗ đựng lựu đạn; và ghế thì đương nhiên “à la terre”. Cũng hay, nếu đang ăn cơm mà bị pháo thì chỉ cần nhảy một phát là xuống giếng. Do việc xử dụng các vòng rào concertina để cô lập các hầm bên trong, chỉ chừa một lối ra vào nhỏ; nên việc di chuyển không dễ dàng. Việc này có lợi là nếu bị đặc công xâm nhập trong đêm, thì chúng khó xoay sở trong căn cứ. Quân ta chỉ có việc cố thủ dưới hầm và bắn ngang mặt đất để tiêu diệt chúng.

Phương nhớ lại hồi mới ra đời, làm Thông Dịch Viên cho Cơ Quan Đại Diện Mỹ[9] ở Quảng Trị. Một đêm, đặc công Việt Cộng xâm nhập đánh phá Trung Tâm Huấn Luyện Biệt Chính ở cuối Thị Xã, trên đường về Chợ Sãi. Mờ sáng, khi Phương tháp tùng Đại Tá Nguyễn Ấm – Tiểu Khu Trưởng Tiểu Khu Quảng Trị- và Cố Vấn Mỹ Kenwood Foster[10] đến Trung Tâm thì chỉ thấy những hoang tàn và cảnh thương tâm. Tất cả các lô cốt bằng bê tông cốt sắt xây từ thời Pháp mà vách và trần dày đến ba tấc đều bị chất nổ đánh sập. Hàng chục học viên chết thê thảm, banh xác trong những căn hầm mà thời điểm đó (1965) tưởng là rất kiên cố. Có những anh chỉ còn những đống thịt vụn, nửa tái nửa chín. Có anh bị nắp hầm đè hết một nửa thân người từ thắt lưng trở xuống. Khi chúng tôi đến, anh giương đôi mắt hấp hối mà thều thào những gì không nghe được. Nhưng không có phương tiện gì để nâng nắp hầm lôi anh ra. Vả lại có làm được thì cũng khó cứu mạng sống. Sức công phá của chất plastic C-4 thật vô cùng khủng khiếp. Chỉ cần một khối nhỏ bằng bao thuốc lá cũng đủ đánh sập cả căn hầm bê tông. Hình như đó là lần đầu tiên mà Việt Cộng xử dụng chất nổ dẻo để đánh đặc công. Vì thế, đã tạo ra sự bất ngờ cho quân ta và gây tổn thất quá nặng nề.

Bữa cơm chiều được coi là sang ở giữa chiến trường. Có rượu, có thịt so với những ngày dài cơm sấy, cá khô. Chai rượu vừa đủ cho mỗi người một ly xây chừng nhỏ. Nhưng giữa hành quân thì uống vậy là đủ vì còn nhiệm vụ canh thức tối nay nữa.

– Tối nay, Thiếu Úy Thủy dọn qua hầm truyền tin. Quý căng giùm anh thêm cái võng nhé.

– Em tưởng anh chị ngủ một võng cho vui chứ? Quý hóm hỉnh.

– Thì đương nhiên rồi. Mà phải ngược đầu ngược đuôi đó nghe Thẩm Quyền!

– Mày con nít mới lớn biết gì mà xía vô!

– Nó xếp sòng khu chợ Trương Minh Giảng đó, ông chớ có coi thường nó.

Trong bàn ăn, Chuẩn Úy Nhơn là người ít nói nhất. Có lẽ mới ra đơn vị nên còn dè dặt. Anh cũng mới cưới vợ không lâu và có đưa lên giới thiệu với Phương khi Tiểu Đoàn còn đóng vòng đai phía Bắc căn cứ Lai Khê. Thiếu Úy Thủy thì quá thân. Những ngày còn lêu bêu ngoài hậu cứ, Phương và Thủy thường chở nhau trên chiếc Honda 67 đi nhậu nhẹt, tán gái khắp Bình Dương. Trông Thủy đen vậy chứ nhiều cô mết hắn.

– Tối nay ngoài pháo, trong pháo bố ai chịu nổi. Thủy vừa nhấp rượu vừa đuà.

– Xài chị Năm tạm đi em ơi!

– Kỳ này hết hành quân, Thẩm quyền cho tui về nhà vài hôm. Hơn nửa năm trời không thấy mặt vợ con, thẩm quyền à. Trung Sĩ 1 Hùng lợi dụng lúc vui, lên tiếng

– Từ từ tính. Lính đánh giặc biết hôm nay, ngày mai que sera! sera!

Hùng xụ mặt xuống.

– Thì Thẩm quyền hứa cho một lời đi.

– Ô Kê! Uống cho hết ly rượu đi. Nào, dzô, dzô!!!

Những tiếng cười khoái trá, vui nhộn lại nổi lên trong buổi chiều đang tàn nơi góc rừng thâm u. Những người lính bộ binh còn quá trẻ, nhưng chiến trường làm cho họ dày dạn và quên đi những lo âu toan tính để chỉ biết vui lúc này để lát sau đây lại đối diện tử thần đang từng giây, từng phút rình rập từ mọi hướng ngoài kia

Đỗ Văn Phúc

[1] Đặt theo tên cố Trung tá Châu Minh Kiến (khoá 19 VBQG), Tiểu đoàn trưởng TĐ 1/8, tử trận năm 1970.
[2] Trung Úy Thủy sau này kế nhiệm Đại Đội Trưởng 15, hy sinh năm 1973 tại Bầu Bàng.
[3] Thẩm quyền là danh xưng dành cho các Đại đội trưởng; trong khi Đại Bàng là danh xưng của Tiểu Đoàn Trưởng.
[4] Trung Úy Quốc đã hy sinh tại Lộc Ninh cuối năm 1971 khi đó là Trưởng ban 3 Trung Đoàn 8 BB
[5] Ngụy hóa hai chữ Bà Xã (vợ)
[6] Ngụy hóa hai chữ Tiếp Tế
[7] Ám ngữ, có nghĩa là lục soát
[8] Nhơn hình như đang ở một Tiểu Bang phía Bắc, có lần đã gọi điện thoại về thăm rồi sau đó bặt tin.
[9] Cơ quan này bao trùm tất cả cố vấn các lãnh vực chính trị, tình báo, quân sự địa phương.
[10] Kenwood Foster hiện ở New London, Tiểu Bang New Hamshire. Sau hơn 40 năm.


quehuongngaymai.com https://dongsongcu.wordpress.com/2017/06/23/mot-ngay-trong-long-mat-khu-tam-giac-sat/


No comments:

Post a Comment