Wednesday, June 6, 2018

Giao Chỉ và Tượng Quận
           (Tóm lược)

Trần Việt Bắc

LTS : Bài viết này là bản tóm lược của bài viết "Giao Chỉ và Tượng quận", những trích dẫn, bản đồ cũng như những trình
bày đã được người viết giảm thiểu để bớt sự phức tạp. Độc giả có thể đọc thêm về chi tiết trong bài viết chính.
Đại Việt Sử Ký Toàn (ĐVSKTT) thư là bộ chính sử của nước Việt, được viết lại với nhiều truyền thuyết của nhân gian và
những tham khảo từ cổ sử của Trung Quốc cho thời gian khuyết sử của nước Việt, như Sử Ký của Tư Mã Thiên, Hán
Thư của Ban Cố, Hậu Hán Thư của Phạm Việp cùng các bộ sử khác. Tuy nhiên ĐVSKTT đã có nhiều vấn đề khi tham
khảo từ những sử liệu này. Như sử liệu bị chi phối vì hoàn cảnh và cảm tính của các sử gia, cùng những sự kiện đôi khi
mâu thuẫn đã được nêu lên trong cổ sử của Trung Quốc. Việc này đã gây nên những tham khảo vòng quanh và sự suy đoán
theo những chiều hướng khác nhau đầy hoang mang của hậu thế. Rồi những giả thuyết được đưa ra những tranh luận triền
miên.

Bài viết này, người viết xin tóm tắt về
vấn đề về tương quan giữa Giao Chỉ, tức là cổ Việt (thời An Dương Vương) và
Tượng Quận thời Tần
 để mong có sự góp ý của các bậc thức giả, ngõ hầu chúng ta có thể hiểu biết thêm về việc khúc
mắc này trong sử Việt vì ĐVSKTT viết: "
Đinh Hợi, năm thứ 44 [214 TCN], (Tần Thủy Hoàng năm thứ 33). Nhà Tần
phát những người trốn tránh, người ở rể người đi buôn, ở các đạo ra làm binh, sai hiệu úy Đồ Thư đem quân lâu thuyền,
sai Sử Lộc đào ngòi vận lương, đi sâu vào đất Lĩnh Nam, đánh lấy miền đất  Lục Dương, đặt các quận Quế Lâm, Nam
Hải
 và Tượng Quận (tức là An Nam) ;...".

Theo như trích dẫn trên thì  An Nam (cổ Việt gồm Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam) là Tượng Quận thời Tần . Câu
viết này đã nêu lên một số nghi vấn cho các sử gia. Rồi từ nghi vấn này dẫn đến những giả thuyết khác nhau.

1-
Quan tâm của các sử gia về vấn đề Giao Chỉ và Tượng quận.

Đại Việt Sử Cương  (ĐVSC) của sử gia Trần Gia Phụng ( tập 1, trang 74), viết là quân Tần xâm chiếm cổ Việt (thời vua
An Dương) vì Tượng Quận là vùng Bắc Việt ngày nay, nhưng trong ghi chú số 27, trang 65, ông đã nêu lên vấn đề như sau:
" ..
.nếu năm 214 TCN cổ Việt bị quân Hán chiếm và đổi thành Tượng Quận  rồi, thì cần gì Triệu Đà phải đánh lần nữa
vào các năm 210 TCN và 208 TCN? Vậy phải chăng chuyện An Dương Vương chỉ là truyền thuyết".
Một lần nữa, trong ghi chú số 5, trang 100, ông lại nêu lên sự quan tâm của mình: "..... Ở đây có một điểm trong các sách
sử cũ
cần cẩn án:

1) Nếu theo các bộ sử cũ, năm 214TCN, Đồ Thư và Sử Lộc chiếm đất Lĩnh Nam (phía nam núi Ngũ Lĩnh) lập ra 3 quận
Quế Lâm, Nam hải và Tượng Quận,  
mà Tượng Quận bao gồm cả cổ Việt,  thì tại sao các bộ sử cũ còn chép rằng Triệu
Đà hai lần đánh cổ Việt, năm 210 TCN và năm 208 TCN? Nếu Triệu Đà phải đem quân đi đánh cổ Việt,
 có nghĩa là lúc
đó người Trung Hoa chưa chiếm được cổ Việt.  

2) Thứ nhì, nếu cổ Việt đã rơi vào tay Đồ Thư từ năm 214 TCN,  thì chuyện An Dương Vương dùng nỏ thần để chống
cự với Triệu Đà chỉ là chuyện truyền thuyết không có thật" .  
Vậy nếu Tượng quận gồm cổ Việt thì sử liệu nói về An Dương Vương chỉ là truyền thuyết!  

Việt Nam Sử Lược   (VNSL) của sử gia Trần Trọng Kim: " ..Nhà Tần mới chia đất Bách Việt và đất Âu Lạc ra làm ba
quận,
gọi là: Nam Hải (Quảng Ðông), Quế Lâm (Quảng Tây) và, Tượng Quận (Bắc Việt)". Theo sử gia Trần Trọng
Kim; thì Bắc Việt (cổ Việt thời vua An Dương) là Tượng quận thời nhà Tần .

Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam (NGMLCDTV) của ông Bình Nguyên Lộc, trang 283 đã nêu lên hai vấn đề
chính:"
Tây Âu không là cổ Việt và Tượng Quận không hề là Bắc Kỳ."

Việt Sử Toàn Thư,  (VSTT) của sử gia Phạm văn Sơn, trang 50: "... Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim nói, Tượng
Quận là đất Bắc Kỳ có thể không đúng
". Sử gia Phạm Văn Sơn đã không đồng ý Giao Chỉ là Tượng quận, tuy nhiên, ông
không đưa ra những chứng minh qua sử liệu
, để phản bác vấn đề Giao Chỉ là Tượng quận thời Tần

Vậy qua sử sách hiện đại và cận đại, chúng ta thấy vẫn đang có những sự mâu thuẫn. Sự việc đã dẫn tới nghi vấn lớn và khó
hiểu hơn nữa là xuất xứ của An Dương Vương. Nhiều giả thuyết đã nêu lên về vấn đề này,  tác giả ĐVSKTT- ông Lê Văn
Hưu và sau đó là ông Ngô Sỹ Liên cùng các sử gia khác trong các thời sau - đã đặt làm một thời kỳ riêng là "Kỷ nhà  Thục,
An Dương Vương" trong sử Việt.

2-
Giao Chỉ và Tượng quận qua thư tịch cổ của nước Việt

Ngược dòng thời gian, những tài liệu trong thư tịch cổ có liên quan đều nói cổ Việt thời An Dương Vương  là Tượng quận
thời Tần như Phương Đình Địa Dư Chí của Nguyễn Văn Siêu, Đại Nam Nhất Thống Chí của Quốc Sử Quán triều
Nguyễn,  Vân Đài Loại Ngữ của Lê Quí Đôn, Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục của Quốc Sử Quán Triều
Nguyễn và Đại Việt Sử Ký Toàn Thư của Ngô Sĩ Liên.

Câu hỏi được đặt ra: Tượng Quận bao gồm cổ Việt thời An Dương Vương hay ở ngoài cổ Việt ?

3-
Tìm hiểu nguồn gốc của vấn đề.  

Chúng ta cũng biết rằng, thư tịch hay các sách về sử của nước Việt chỉ được viết ra từ thời Lý. Đầu tiên là Sử Ký của Đỗ
Thiện,  Việt Chí của Trần Chu Phổ, Đại Việt Sử Ký cuả Lê Văn Hưu (những sách này đã bị thất lạc), Đại Việt Sử Lược của
tác giả Khuyết Danh, ĐVSKTT của Ngô Sĩ Liên, v.v.... Những sách này đã tham khảo và lấy những sử liệu từ những bộ
sử của Trung Hoa như sách Hoài Nam Tử của Lưu An, Sử Ký của Tư Mã Thiên, Hán Thư của Ban Cố, Hậu Hán Thư của
Phạm Việp v.v...

Hán Thư, quyển 28  “
Địa lý chí đệ bát hạ" viết về quận Nhật Nam như sau : “Quận Nhật Nam, là Tượng Quận cũ thời
Tần..... Thuộc Giao Châu".  

Hán Thư, quyển 7  “ Thiệu Đế kỷ đệ thất"  viết về việc bãi bỏ Tượng quận và chia quận này làm hai, sát nhập vào hai quận
Uất Lâm và Tường Kha :  “
Mùa thu, bãì bỏ Tượng Quận, chia và sát nhập vào Uất Lâm, Tường Kha" .

Hai quận Uất Lâm và Tường Kha ở phía đông bắc tỉnh Quảng Tây và một phần của Tứ Xuyên, rất xa quận Nhật Nam, nên
khó có thể nghĩ rằng Nhật Nam là Tượng Quận thời Tần.  Vì thế người viết nhận thấy
vấn đề về "Giao Chỉ và Tượng
quận" bắt nguồn từ việc tham khảo sử liệu trong Hán Thư của Ban Cố
. Bộ sử này; hai quyển 7 và 28 đã nêu lên mâu
thuẫn về vấn đề Tượng Quận và Giao Chỉ. Vì chỗ toạ lạc của hai địa danh này ở quá xa nhau.  

Câu hỏi được đặt ra:

- Tượng Quận thời Tần nằm ở  đâu? Ở phía tây bắc Quảng Tây ngày nay; hay kéo dài xuống phía nam tới tận
quận Nhật Nam, và bao gồm cả Giao Chỉ là nước Việt cổ ?

- Giao Chỉ có bị quân Tần tấn công và chiếm đóng không?
 

Bởi vì nếu Giao Chỉ là Tượng Quận hay nằm trong Tượng Quận thì Giao Chỉ đã bị quân Tần đánh và chiếm đóng. Còn như
nếu Giao Chỉ nằm ngoài Tượng Quận thì Giao Chỉ không bị quân Tần xâm lăng,
vì chỉ có thể chiếm đóng sau khi đã
thành công trong việc dùng võ lực để xâm lăng.

4- Quân Tần mang quân đi đánh Bách Việt từ lúc nào?  

Sau khi gồm thâu sáu nước, thống nhất Trung Hoa năm 221BC, Tần Thủy hoàng muốn mở rộng đế quốc. Về hướng nam
Trung Hoa, Thủy hoàng đã ra lệnh cho Đồ Thư mang quân đi chinh phục Lĩnh Nam.   Để biết lúc nào quân Tần bắt đầu
xâm lăng,
“Nam Việt Úy Đà liệt truyện"  (Sử Ký) viết: “...Vua Nam Việt họ Triệu tên là Đà người huyện Chân Định,
trước làm quan úy. Bấy giờ nhà Tần đã chiếm cả thiên hạ, cướp lấy đất Dương Việt, đặt ra các quận Quế Lâm, Nam Hải và
Tượng Quận để đưa những người bị đày đến ở lẫn với người Việt.  
Như thế đã mười ba năm.  Thời Tần, Đà được làm lệnh
ở huyện Long Xuyên, thuộc quận Nam Hải”.  
Qua lời chú này, chúng ta thấy là khi nhà Tần chiếm xong 6 nước kể từ năm Nhị Thế nguyên niên (209 TCN) là 13 năm:
209 +(13-1) = 221 TCN. Nhà Tần “bình Việt địa"  trong 8 năm, tới năm thứ sáu thời Nhị Thế là năm 214 TCN. Vậy nhà
Tần bắt đầu chuẩn bị  sự bành trường đế quốc nhà Tần là : 214 + (8 -1) = 221 TCN.  Tuy nhiên khi vừa chiếm xong sáu
nước, Thủy Hoàng đế phải có một thời gian để chuẩn bị quân đội, như việc "bắt lính" từ các nước vừa chiếm như “đưa
những người thường trốn tránh, những người ở rể và những người đi buôn" (ĐVSKTT) cũng như lương thực cho đạo quân
nam chinh này. Vì  thế, người viết nghĩ là một năm sau, đó là năm
220 TCN , thời điểm này quân Tần mới có đủ thời gian
để mang quân đi xâm lăng Bách Việt

5-
Địa điểm đóng quân của quân Tần

Quân Tần đóng quân ở chỗ nào?
Không thấy các bộ chính sử nói rõ về việc này, chỉ viết vắn tắt là Tần Thủy Hoàng sai Đồ Thư mang 500 ngàn quân vượt
Ngũ Lĩnh để xâm chiếm Lĩnh Nam.

a.
Sách Hoài Nam Tử

Tuy nhiên có một tài liệu khá lý thú đã nói về nơi chốn quân Tần đồn trú, cũng như những biến cố trong chiến dịch này, dù
rất sơ lược, nhưng rất là quý giá. Đó là sách Hoài Nam Tử của Lưu An, quyển 18, chương "Nhân Gian Huấn", có đoạn đã
viết về việc này như sau:

Tạm dịch: ‘...
Truyện xưa viết: "Nhà Tần vong, tại sao vậy". Nguyên nhân là sai Mông công (Mông Điềm) và Tương ông
đưa 50 vạn quân xây trường thành.  Phía tây thì chiếm Lưu Sa, phía bắc thì đánh Liêu, phía đông thì liên kết với Triều
Tiên, các quận của Trung quốc phải kéo xe đi chinh chiến.
Lại ham những món lợi như sừng tê giác, ngà voi, ngọc phỉ thúy, trân châu, nên sai quan úy là  Đồ Thư mang 50 vạn
quân, chia làm 5 đạo đi xâm chiếm (Bách Việt). Một đạo đóng ở
Đàm Thành, một đạo phòng thủ ở Cửu Nghi là chỗ hiểm
yếu, một đạo đóng ở
Phiên Ngung làm đô thành, một đạo đóng ở Nam Dã là nơi biên giới, một đạo đóng ỡ sông Dư Can.
Ba năm quân không cởi giáp, lúc nào cũng phải mang theo cung nỏ. Sử Lộc không tìm được hướng (để tiến quân), mới
tuyển lính đào kinh để chuyển binh lương đánh người (Bách) Việt, giết vua Tây Âu là Dịch Hu Tống. Vì vậy người (Bách)
Việt  vào rừng rậm sống chung cùng muông thú, không chịu để quân Tần bắt làm tù binh. Ho kén chọn ngưòi tài trí và
kiệt tuấn làm tướng, cứ đến đêm tối tấn công quân Tần,  đạt được chiến thắng lớn, giết quan úy Đồ Thư, quân Tần chết cả
chục vạn.
Qua sử liệu trên, chúng ta biết quân Tần vượt Ngũ Lĩnh để xâm chiếm Lĩnh Nam. Câu hỏi được đặt ra là Ngũ Lĩnh và Lĩnh
Nam ở đâu so với địa danh ngày nay.

b.
Ngũ Lĩnh và Lĩnh Nam

Ngũ Lĩnh
là rặng Nam Lĩnh ngày nay, gồm 5 rặng núi nằm kế nhau theo hướng đông bắc, từ phía tây qua đông theo thứ tự
như sau:
Việt Thành lĩnh (Yuechengling  越城岭 )
Đô Bàng  lĩnh (Dupangling  都庞岭)  
Minh Chử lĩnh (Mengzhuling  萌渚岭)
Kỵ Điền lĩnh (Qitianling  骑田岭)
Đại Du (Dữu) lĩnh (Dayuling  大庾岭)
Rặng Ngũ Lĩnh kéo dài từ phía bắc tỉnh Quảng Tây sang đến một phần phía bắc tỉnh Quảng Đông. Ngũ Lĩnh phân chia
ranh giới các tỉnh Hồ Nam - Quảng Tây, Hồ Nam - Giang Tây - Quảng Đông, thành hai vùng














        


    


                                                                         
Ngũ Lĩnh

Lĩnh Nam .
Địa thế:  Lĩnh Nam là vùng đất phía nam của rặng Ngũ Lĩnh của người Bách Việt gồm Phúc Kiến và phía nam của Chiết
Giang, Quảng Tây, Quảng Đông và Cổ Việt là Bắc Việt ngày nay. Vùng đất có các sắc dân không thuộc Hán tộc, khác hẳn
về ngôn ngữ, phong tục và văn hoá với dân vùng Hoa Bắc và Hoa Nam thời cổ.
Khí hậu: Lĩnh Nam khác hẳn với khí hậu Hoa hạ. Phía bắc Ngũ Lĩnh lạnh và khô, nhiều khi mùa đông có tuyết, nhưng
phía nam Ngũ Lĩnh – Lĩnh Nam - thì ấm áp quanh năm, đây là vùng khí hậu nhiệt đới.
Lịch sử:  Trước khi quân Tần theo lệnh của Tần Thủy Hoàng đi mở rộng đế quốc nhà Tần về phía nam, Lĩnh Nam không
có những liên hệ nào đáng kể với vùng Hoa Hạ, văn hoá của Trung Quốc chưa xâm nhập vào vùng Lĩnh Nam. Tại trung tâm
của Lĩnh Nam có nước Tây Âu là một nước khá lớn, nước này đã chống trả lại đội quân nam chinh của Tần Thủy Hoàng
một cách kịch liệt. Phía cực nam của Ngũ Lĩnh là nước Âu Lạc tức là Giao Chỉ hay nước Việt Nam thời cổ.
Các sắc tộc:  Lĩnh Nam (Quảng Đông, Quảng Tây và cổ Việt) gồm nhiều sắc tộc, người Hán gọi chung là người Bách Việt,
gồm nhiều bộ tộc đã định cư ở đây từ lâu đời. Cổ thời, trước khi nhà Tần mang quân xâm chiếm, Lĩnh Nam có hai sắc tộc
chính  thuộc chủng tộc Thái là Tráng  (Zhuang 壯) ở vùng Quảng Tây và Quảng Đông, Lê  (Li 黎) ở vùng bán đảo Lôi Châu
(Leizhou 雷州) và ven đảo Hải Nam.  Xa về phía nam là chủng tộc Lạc Việt tại vùng Âu Lạc.  Sau này lại có các sắc tộc
thiểu số khác di dân đến đây sinh sống như người H’Mông, người Dư, Di tộc (Lô Lô), người Dao  v.v…
Dân số Lĩnh Nam: Nước cổ Việt (Âu Lạc) gồm ba quận Giao Chỉ, Cửu Chân và Nhật Nam tổng cộng là 143643 nhà và
981,835 người. Vùng Quảng Tây và Quảng Đông gồm 4 quận Nam Hải, Hợp Phố, Thương Ngô và Uất Lâm là 71,805 nhà
và 390,555 người.
Tỷ lệ dân số cổ Việt nhiều hơn 2.5 lần so với dân số hai tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây

c. Những địa điểm đóng quân

Sau vài nét đại cương về Ngũ Lĩnh và Lĩnh Nam, người viết xin trình bày từng địa điểm đồn trú của quân Tần, mà sách
Hoài Nam Tử đã viết.
Đàm Thành : toạ lạc tại Tịnh huyện ( 靖县) (Tịnh châu Miêu tộc đồng tộc tự trị huyện), thuộc Hoài Hóa thị (Huaihua 怀
化市), phía tây nam tỉnh Hồ Nam, là một trong 12 thành của quận Vũ Lăng thời Hán (quận Kiềm Trung thời Tần).
Cửu Nghi :  địa danh này ngày nay vẫn còn. Tọa lạc Vĩnh Châu thị (Yongzhou shi 永州市), cách huyện Ninh Viễn
(Ningyuan宁远) khoảng 15 km (chừng 10 miles) về phía nam, nằm gần cực nam tỉnh Hồ Nam, một trong những núi thuộc
Minh Chử lĩnh (sát ranh giới Hồ Nam - Quảng Đông). Phía bắc chân núi này vẫn còn một thị xã nhỏ có tên là Cửu Nghi.
Nam Dã : Huyện Nam Dã quận Dự Chương thời Tần ở về phía cực nam tỉnh Giang Tây, thuộc Tráng (Cám) Châu thị (赣
州市  Ganzhou shi), thị trấn Tráng (Cám) Châu (赣州
Phiên Ngung : thuộc quận Nam Hải, là một trong những quận thuộc Giao châu thời Hán. Ngày nay Phiên Ngung nằm ở
thị trấn Quảng Châu thuộc tỉnh Quảng Đông. Một trong 5 đạo quân Tần dưới sự lãnh đạo của
Nhâm Ngao đã vượt Ngũ
Lĩnh đến đây chiếm đóng. Đạo quân không gặp sức kháng cự nào đáng kể của dân Bách Việt.
Dư Can : "Dư Can" thời Tần tọa lại tại huyện Dư Can tỉnh Giang Tây ngày nay. Huyện lỵ là thị xã Dư Can ở sát phía bắc
của sông Tín (Xin jiang  信 江).
Dư Can thủy: một đạo quân Tần đã dùng thủy đạo đến đóng tại thượng lưu Dư Hãn thủy (Tín giang), gần ranh giới phía
đông bắc tỉnh Giang Tây và tây bắc tỉnh Phúc Kiến, để chuẩn bị vượt Vũ Di Sơn tiến vào Mân Việt.
Vậy là chúng ta đã biết được 5 địa điểm đóng quân của 500 ngàn quân Tần trong chiến dịch  xâm lăng Bách Việt. Những địa
điểm này được ghi lại trong bản đồ đính kèm dưới đây:




                                              




















                                                       5 địa điểm đồn trú của quân Tần

6- Đường hành quân của quân Tần cùng các diễn biến
Nửa triệu quân Tần chia là năm đạo đóng tại 5 địa điểm để xâm lăng Bách Việt, phỏng đoán là mỗi đạo có 100 ngàn quân.
Nhận xét qua những địa điểm quân Tần đóng: chỉ có 4 đạo quân tiến vào Lĩnh Nam là các đạo Nam Dã, Phiên Ngung, Cửu
Nghi và Đàm Thành. Đạo Dư Can tiến vào Mân Việt là Phúc Kiến ngày nay. Quân Tần đóng sát các thủy lộ chính, điều
này cho thấy họ đã dùng thuyền để chuyển quân cũng như lương thảo. Tuy nhiên không thể băng qua núi bằng đường
sông, nên phải đào kinh để vận chuyển, họ đã dùng rất nhiều nhân công và thời gian để đào Kinh Linh Cừ, khởi công đào từ
năm 219TCN do thiết kế của giám quan Sử Lộc. Đạo quân nam chinh của Tần Thủy Hoàng đã đào núi làm sông để chuyển
lương.  Người viết phỏng đoán là việc đào kinh này tốn khoảng 3 năm (hoàn tất năm 216 TCN).
Đạo quân ở Dư Can
Đạo Dư Can vượt Vũ Di Sơn để tấn công vào Phúc Kiến là đất của người Mân Việt và Đông Việt: Quân Tần từ hồ Bá
Dương ngược dòng sông Dư Can lên đóng tại thượng nguồn. Sau đó đã theo một nhánh của sông Dư Can (Tín giang) đi về
phía nam là nơi có đường đèo để vượt qua Vũ Di sơn đến sông Mân, rồi theo sông này đến Phúc Châu để chinh phục Mân
Việt. Thấy quân Tần tiến sang quá đông đảo, vua Mân Việt bỏ chạy. Vùng này rơi vào tay quân Tần.Quân Tần đã chiếm
đóng vùng này tới khi bị Hán diệt. Đạo quân Tần này đã thành công trong việc xâm chiếm Mân Việt và Đông Việt, hai
nước này bị đặt là quận Mân Trung, gồm tỉnh Phúc Kiến và phía nam tỉnh Chiết Giang ngày nay.























                         Phỏng đoán đường  quân Tần tiến vào Mân Việt và Phiên Ngung

Đạo quân của Nhâm Ngao ở Phiên Ngung: phỏng đoán là một đạo quân Tần từ vùng hồ Bá Dương, theo sông Cám tiến
về phía nam, đến đóng gần Hoành Phổ quan, là Mai quan ngày nay, rồi vượt Đại Du lĩnh để tiến vào Lĩnh Nam. Sau khi
vượt ải, đạo quân tiến vào Phiên Ngung bằng một chi nhánh chính của Bắc giang. Quân cũng như lương thảo theo thủy lộ
này nhập vào Chu giang đến Phiên Ngung là Quảng Châu ngày nay.

Câu hỏi được đặt ra là tại sao đạo quân Tần chiếm Phiên Ngung không gặp bất cứ trở ngại nào (theo như cổ sử Trung
quốc)? Sử Ký, Nam Việt Uý Đà liệt truyện có một câu đáng chú ý: “
Lão phu ở đất Việt 49 năm, đến nay đã ẵm cháu
rồi”
. Nếu căn cứ vào sử liệu này; thì Triệu Đà đã hiện diện ở Lĩnh Nam 49 năm, tức là năm 228 TCN (179 TCN + 49 =
228 TCN), năm nước Triệu bị Tần diệt.
Nếu căn cứ vào sử liệu này thì Triệu Đà đã không theo đám quân Tần tiến
vào Lĩnh Nam, vì ông đã ở đây từ trước.
Triệu Đà đã đến Lĩnh Nam từ năm 228 TCN khi quân Tần xâm lăng nước
Triệu. Khi Nhâm Ngao mang quân đến Phiên Ngung, ông được phong làm huyện lệnh ở Long Xuyên là một trong 7 huyện
ở quận Nam Hải,. Đạo quân Tần tiến vào Phiên Ngung đã thành công trong việc xâm lăng. Nhà Tần đặt vùng này làm quận
Nam Hải, dưới quyền cai trị của quan uý là Nhâm Ngao. Nhâm Ngao chết, Triệu Đà lên thay thế.

Đạo quân của Đồ Thư  tại Nam Dã, Cửu Nghi và Đàm Thành





















                                                          Phỏng đoán đường tiến quân của Đồ Thư

Ghi chú: chữ màu đào là các quận được thành lập thời Tần ( ngoại trừ Dạ Lang là một nước chưa bị quân Tần chiếm đóng)
Khoảng năm 216 TCN, sau khi đào xong kinh Linh Cừ , đạo quân ( khoảng 300 ngàn người) dưới sự lãnh đạo của Lâu
thuyền tướng quân là quan Uý Đồ Thư theo Ly giang tiến vào Tây Âu. Khi tiến đến vùng hợp lưu của 6 con sông lớn:
nước Tây Âu, các đạo quân này chia quân ngược dòng các thủy đạo thiên nhiên để đánh chiếm đất của người Bách Việt tuy
nhiên đã gặp sự chống trả mãnh liệt của người Bách Việt.

7- Nước Tây Âu  

Nước Tây Âu ở đâu? Đã c#243; nhiều giả thuyết nói đến Tây Âu qua các bài viết tham khảo khác nhau, mỗi tác giả có một
nhận định khác biệt.  Người viết không tìm thấy sử liệu cổ nào (hay chưa!) nói qua về địa lý của nước này cũng như vị lãnh
đạo của nước này, ngoại trừ danh xưng Tây Âu được viết trong sách Hoài Nam Tử của Lưu An: "
Giết vua Tây Âu là
Dịch Hu Tống
" và trong Nam Việt Úy Đà liệt truyện: “Cao Hậu mất, liền bãi binh. Đà nhân đó, dùng uy lực uy hiếp nơi
biên giới, đem đồ đạc của cải đút lót các nước Mân Việt,
Tây Âu Lạc để bắt họ lệ thuộc theo mình"

Dân bản địa vùng này là dân tộc Tráng, họ đã định cư tại phía nam Ngũ Lĩnh từ lâu đời, trước thời Xuân Thu bên Trung
Quốc. Nơi cư ngụ là những thung lũng của các dòng sông tương đối lớn tại Lĩnh Nam, để có một diện tích canh tác thích
hợp. Những hợp lưu chính của Tây giang là những sông  Ly giang, Quế giang, Hồng Thủy hà, Liễu giang, Hữu giang, Tả
giang và Uất giang. Đây là những nơi cư ngụ của dân tộc Tráng. Do sự định cư tương đối gần nhau, cùng một thể thức canh
tác để có thực phẩm chính là lúa và kê, nuôi gia súc và săn bắn, cũng như các thực phẩm phụ thuộc như cá, tôm, nghêu, sò
từ các dòng sông. Các bộ tộc người Tráng đã tạo nên một xã hội chung. Từ đây, một thể chế chính trị được thành lập tại
vùng này. Đây là nước Tây Âu -
vùng hợp lưu của các sông nối với Tây giang - với vị vua tên là Dịch Hu Tống đã
được nhắc tới trong cổ sử, mặc dù cương vực của nước Tây Âu chỉ là phỏng đoán.  




















                                                 Phỏng đoán vị trí nước Tây Âu

Dân số Tây Âu khoảng bao nhiêu? Chúng ta không biết rõ! Tuy nhiên người viết phỏng đoán là dân số Tây Âu khoảng
nửa triệu hay hơn, khi ba đạo quân Tần với nhân số khoảng 300 ngàn người kéo đến.
Cách chiến đấu của người Tây Âu như thế nào? Khi vừa kéo đến Tây giang, với số quân đông đảo, quân Tần ở thế chủ
động, tấn công vào các vùng trung tâm về chính trị của nước Tây Âu, giết vua của người Tráng là Dịch Hu Tống và bắt dân
Tráng làm tù binh. Nhưng họ đã "
vào rừng rậm sống chung cùng muông thú, không chịu để quân Tần bắt làm tù binh. Họ
kén chọn ngưòi tài trí và kiệt tuấn làm tướng, cứ đến đêm tối tấn công quân Tần,
" (Sách Hoài Nam Tử).

Sau khi đồn trú tại các nơi đã chiếm đóng một thời gian tại Tây Âu, quân Tần  đã trở nên bị động, vì những trận phục kích
bất ngờ của người Tráng, đặc biệt là về ban đêm. Như sách Hoài Nam Tử đã viết: người Tráng tại Tây Âu đã "
đạt được
chiến thắng lớn, giết quan úy Đồ Thư, quân Tần chết cả chục vạn (Hán Nôm: đại phá chi, sát uý Đồ Tuy (Nôm: Thư),
phục thi lưu huyết số thập vạn.
", đấy là không kể những người chết về bệnh tật.

Quân Tần đã bị "sa lầy" một cách trầm trọng tại Tây Âu như Sử Ký viết: "
quân đội trấn giữ ở vùng đất  vô dụng, tiến
không xong, lui chẳng được
. Hơn mười năm trời, nam thì phải mang giáp, nữ thì phải lo vận chuyển, khổ sở khó mà
sống (khổ bất liêu sanh")......

Phía đông của nước Tây Âu, đạo quân Tần do Nhâm Ngao lãnh đạo đã đạt được thắng lợi và đã chiếm đóng vùng này -
Phiên Ngung hay Quảng Châu ngày nay.

Phía đông bắc của Lĩnh Nam đã chiếm xong nước Mân Việt và Đông Việt để lập thành quận Mân Trung - Phúc Kiến và
phía nam Chiết Giang ngày nay.

Tuy nhiên, về phía nam và tây nam nước Tây Âu, quân Tần đã bị bức trường thành của người bản xứ là dân tộc
Tráng ngăn chặn.   

Vậy nếu muốn bành trướng thêm lãnh thổ, quân Tần chỉ còn một hướng để tiến quân và chiếm đóng là phía tây và
tây bắc của nước Tây Âu.
Quân Tần đã làm được việc này. Dù số quân bị chết "cả chục vạn", các đạo quân Tần vẫn còn
"lâu thuyền" để có thể tiến xa thêm về phía tây và tây  bắc vì có các thủy đạo thuận lợi và gần như không có sự phản
kháng của người bản xứ.

Vùng tây bắc Quảng Tây và nam Quý Châu là vùng rất thưa thớt dân bản địa. Hai sông Nam Bàn giang và Hồng Thủy hà
cùng những chi lưu chảy giữa những khe núi khá cao. Hai bên bờ sông không có những bãi đất bồi của phù sa. Tộc Tráng
gần như  không định cư ở vùng này vì không có đất đai để canh tác. Vì thế quân Tần chiếm đóng vùng này dễ dàng.

Đây là vùng đất mà nhà Tần đặt làm Tượng quận, vùng này ở phía tây bắc tỉnh Quảng Đông và một phần đất
phía tây nam tỉnh Quý Châu ngày nay.

8- Nước Âu Lạc

Sử liệu cổ của Việt Nam, An Nam Chí Lược của Lê Tắc cũng như Việt Điện U Linh tập của Lý Tế Xuyên không nhắc
đến tên Âu Lạc. Đại Việt Sử Lược của tác giả Khuyết Danh, có nói đến chuyện "An Dương Vương và nhắc đến tên Âu Lạc
một lần. Lĩnh Nam Chích Quái nói đến tên Âu Lạc 2 lần trong "Truyện rùa vàng". ĐVSKTT nhắc đến chữ Âu Lạc hai lần.

Cổ sử của Trung Quốc đã nói đến nước Âu Lạc ra sao? Sử ký cuả Tư Mã Thiên - Nam Việt Uý Đà liệt truyện  đã nhắc
tới tên nước Âu Lạc 3 lần và chữ "Tây Âu Lạc" một lần.

Chữ Âu Lạc để chỉ nước cổ Việt của dân Lạc Việt thời An Dương Vương (đã có nhiều giả thuyết nói sự hiện hữu của An
Dương vương chỉ là truyền thuyết!)  . Tuy nhiên chữ "Tây Âu Lạc" -được dùng một lần duy nhất trong Sử Ký cũng như
Hán Thư (chép lại từ Sử Ký) - đã gây nên nhiều tranh luận. Các học giả Trung Quốc trong bản Hán văn của "Sử Ký Tam
gia chú" đã tách ra là "Tây Âu - Lạc", là hai nước khác nhau: Tây Âu và Lạc Việt. Hán thư, quyển 95 - Tây Nam di lưỡng
Việt Triều Tiên truyện đệ lục thập ngũ cũng đã nói đến Tây Âu - Lạc và Âu Lạc, dù sao chép lại gần như nguyên văn từ Sử
Ký.  Hán thư, quyển 17, "Công  Thần  biểu"  đệ  ngũ cũng đã nhắc đến tên Âu Lạc 2 lần.

Vậy nước Âu Lạc đã được nói rõ ràng trong Sử Ký cũng như  Hán Thư, tên nước này còn hiện hữu đến thời nhà Hán, dù
Âu Lạc đã bị lệ thuộc vào Nam Việt.
Tuy nhiên Sử Ký cũng như Hán Thư nói về nước Âu Lạc, nhưng lại không viết về vua của nước này, Đại Việt Sử Ký
Toàn Thư viết đây là An Dương Vương và đặt riêng làm một "kỷ" cho triều đại này, cũng như nói đến chiến tranh hai lần
giữa An Dương Vương và Triệu Đà và cuối cùng Triệu Đà đã chiếm Âu Lạc.
Nhà Tần bị diệt năm 207 TCN (thời Tần Nhị Thế), "
Khi nhà Tần đã bị tiêu diệt, Đà lập tức đánh chiếm lấy cả Quế Lâm,
Tượng Quận, tự lập làm Nam Việt Vũ Vương"
(Sử Ký). Theo như sử liệu này thì Triệu Đà đã chiếm đất của quân Tần
đang chiếm đóng là hai quận Quế Lâm và Tượng quận. Tuy nhiên nước Tây Âu chưa bị quân Tần chiếm đóng hoàn toàn
(Quân Tần đã không chiếm đóng được vùng hợp lưu của Tây giang trở về phía nam tới biển Nam Hải). Sử liệu không nói
đến việc Triệu Đà đánh chiếm phần còn lại của nước Tây Âu. Vậy nếu theo cách tách chữ "Tây Âu - Lạc" của “Sử Ký tam
gia chú” thì Tây Âu và Lạc Việt không có chiến tranh với Nam Việt. Tây Âu và Lạc Việt chỉ "lệ thuộc" vào Nam Việt bằng
đường lối "ngoại giao" và
Âu Lạc vẫn còn tên cho đến thời tiền Hán.

Nhưng Sử Ký cũng viết: " Thái sử công nói: ...  Đà càng được thể kiêu căng. Âu Lạc đánh nhau làm rung động nước Nam
Việt"
. Câu "Âu Lạc đánh nhau" thì Âu Lạc đã có chiến tranh, nhưng với nước nào? Chiến tranh Âu Lạc -Tây Âu tại sao lại
có thể làm "
rung động nước Nam Việt"! Ngoại trừ Âu Lạc và Nam Việt có chiến tranh?

Khó có thể nói là Tư Mã Thiên đã không biết về nước Tây Âu trong khi ông đã viết trong Sử  Ký, quyển 112 "
Bình Tân
hầu Chủ Phụ liệt truyện đệ ngũ thập nhị":
“….Mất nhiều ngày chờ đợi, lương thực bị hết, rồi bị  người (Bách) Việt phản
công, quân Tần thua trận….
”. Trong khi đó lại nhắc đến tên Âu Lạc 3 lần.

Mặc dù như vậy,
tên Âu Lạc vẫn còn tồn tại, Sử Ký và Hán Thư nhắc đến lúc cuối thời nhà Triệu và đầu đời tây
Hán. Vậy sử liệu đã nói rõ về sự tồn tại của nước Âu Lạc sau thời Tần (207 TCN), và quân Tần không chiếm đóng
Cổ Việt (nước Âu Lạc).

Vua nước Âu Lạc là An Dương Vương?

Có nước Âu Lạc  thì Âu Lạc phải có vua, hay một người lãnh đạo. Tuy nhiên không thấy Sử Ký và Hán Thư là những bộ
sách cổ nhất của Trung Quốc nói đến vị vua này, khi viết về nước Âu Lạc.  Lĩnh Nam Chích Quái đã nhiều lần nói đến An
Dương Vương trong truyện “Lý Ông Trọng”, “Thần Kim Quy” v. v… . ĐVSKTT có nguyên một kỷ là “
Kỷ Nhà Thục
257 TCN - 207 TCN”
để nói vị vua này. Tuy nhiên nhiều giả  thuyết nói đây chỉ là truyền thuyết và không có thật. Vì
những tài liệu này được viết từ thế kỷ 13 hay sau đó!

Dù Sử Ký hay Hán Thư không nói về An Dương Vương, nhưng sách Thủy Kinh chú của Lịch Đạo Nguyên (năm 466 hoặc
472-527) đã ghi lại các câu viết (107) của “Giao Châu Ngoại Vực ký” và “Tấn Thái Khang chí” liên quan đến tên An
Dương Vương (9 lần)".

Sách "Thủy Kinh Chú sớ", học giả Dương Thủ Kính đưa ra những dẫn chứng: "
Thủ Kính chú: theo "Quảng Châu ký" An
Dương Vương đóng đô ở huyện Phong Khê, cho nên họ Lịch  dẫn "Giao Châu ngoại vực ký" ở chỗ này"
. Qua những cổ
thư được học giả Dương Thủ Kính tham khảo, chúng ta thấy có một điểm chung là An Dương Vương đóng đô ở Giao Chỉ
(thuộc nước Âu Lạc). Vậy
vua của Âu Lạc có thật trong lịch sử chứ không phải là truyền thuyết.

Ngoài ra, sách “The Birth of Vietnam”, trang 316, Appendix F, “The Legend of the Turtle Claw” của tác giả Keith Taylor
cũng đã nêu ra tên 4 tài liệu nói về An Dương Vương: “
Nhật Nam truyện”, “Tấn Thái Khang địa chí”, “Tấn Lưu Hân Kỳ
Giao Châu ký” và “Giao Châu Ngoại Vực ký”
như học giả Dương Thủ Kính đã nói đến.

An Dương Vương là ai? Từ đâu tới? Người viết xin dời lại vấn đề, vì đây là một đề tài rất phức tạp. Trong phạm vi bài viết,
chỉ xin trích dẫn những sử liệu cổ nói đến tên ông để có thể dẫn chứng là:
Nước Âu Lạc hay cổ Việt đã không bị quân Tần
chiếm đóng. Vua nước Âu Lạc là An Dương Vương. Nước Âu Lạc đã có chiến tranh với Nam Việt, thất trận và bị "lệ
thuộc" vào Nam Việt như một nước chư hầu.



















                                                 









                                 Các quận thuộc Lĩnh Nam thời Tần / Hán

Ghi chú: màu xanh (lá cây) là các quận thời Tần (214 TCN), màu nâu là các quận thời Tiền Hán. Dạ Lang và Tây Âu
trong hình bầu dục (ellipse) chưa bị quân Tần xâm chiếm hoàn toàn, vẫn còn hiện hữu đến thời Tiền Hán.

Nhìn lại về vấn đề Giao Chỉ và Tượng quận

Như đã trình bày trong phần đầu của bài viết, vấn đề Giao Chỉ và Tượng quận được đặt ra vì câu viết trong Hán Thư của
Ban Cố: "
Hán Thư, quyển 28 “Địa lý chí đệ bát hạ" viết về quận Nhật Nam như sau : "Quận Nhật Nam, là Tượng Quận
cũ thời Tần.
.... Thuộc Giao Châu". Từ câu viết này, các sử gia đời sau, đặc biệt là các sử gia và học giả của Trung Quốc,
cho là quận Nhật Nam ở phía cực nam của Cổ Việt (nước Âu Lạc thời An Dương Vương) thuộc về Tượng quận, nếu thế thì
hai quận phía bắc của quận này là Giao Chỉ và Cửu Chân cũng thuộc Tượng quận!?

Đây là một sử liệu mâu thuẫn trong Hán Thư, vì câu viết này ngược lại với các sử liệu khác cùng trong một bộ sách. Hán
Thư, quyển 7 “ Thiệu Đế kỷ đệ thất"  viết về việc
bãi bỏ Tượng quận và chia quận này làm hai, sát nhập vào hai
quận Uất Lâm và Tường Kha
:  “Mùa thu, bãì bỏ Tượng Quận, chia và sát nhập vào Uất Lâm, Tường Kha" . Thời Tiền
Hán, Uất Lâm nằm phía bắc Quảng Tây (ngày nay) và Tường Kha ở phía nam Quý Châu (ngày nay).

9- Kết luận
Qua những điều đã trình bày đặt căn bản trên sử liệu, người viết xin tóm tắt về việc quân Tần xâm chiếm Lĩnh Nam như
sau:

Năm 221 TCN, Tần vương Doanh Chính hoàn tất việc gồm thâu 6 nước là Hàn, Triệu, Ngụy, Sở, Yên, Tề, kết
thúc thời Chiến Quốc và dựng nên một đế quốc thống nhất. Để tự vinh danh, Tần vương xưng là (Tần) Thủy
Hoàng Đế. Dù đã gồm thâu 6 nước, Thủy Hoàng vẫn không ngừng tham vọng mở rộng thêm lãnh thổ cho đế quốc
của mình. Phía bắc thì đánh Hung Nô, phía nam thì xâm lăng Bách Việt.

Để đánh chiếm Bách Việt, nhà Tần huy động một đoàn quân khổng lồ là 500 ngàn người, gồm có các lính của
nhà Tần, các kẻ bị ép buộc tòng quân và lao dịch (gồm những người trốn tránh, những kẻ đi ở rể, những người đi
buôn) vào xâm chiếm đất Bách Việt. Đoàn quân này chia làm năm đạo:

Một đạo quân đến đóng ở Dư Can trên Vũ Di sơn, sau đó vượt rặng núi này để tiến chiếm Mân Việt và Đông Âu.
Đạo quân này đã không gặp trở ngại nào đáng kể, nên đã chiếm đóng vùng này, đặt là quận Mân Trung - phía
nam tỉnh Chiết Giang và tỉnh Phúc Kiến ngày nay.

Một đạo quân khác do Nhâm Ngao lãnh đạo đã vượt Ngũ Lĩnh tiến thẳng đến Phiên Ngung chiếm đóng vùng này
và đặt là quận Nam Hải - tỉnh Quảng Đông ngày nay.

Ba đạo quân còn lại do quan úy Đồ Thư làm Lâu thuyền tướng quân lãnh đạo, đến đồn trú tại các địa điểm trên
Ngũ Lĩnh như Đàm Thành, Cửu Nghi và Nam Dã. Sau đó vượt Ngũ Lĩnh đánh chiếm vùng đất kế bên phía nam
Ngũ Lĩnh, đặt vùng này là quận Quế Lâm - phía bắc tỉnh Quảng Tây ngày nay.

Để có thể có đủ lương thực và tiếp liệu cho một cuôc viễn chinh lâu dài, các đạo quân đóng tại quận mới chiếm là
Quế Lâm đã đào kinh Linh Cừ nối thượng nguồn của Tương giang với Ly giang, dưới sự điều hành và giám sát
của Sử Lộc. Nhờ có thủy đạo này, tiếp vận có thể chuyển từ phía bắc đến phía nam của Ngũ Lĩnh.  Khi có lương
thực tiếp tế , các đạo quân của Đồ Thư lãnh tiến đánh dân Bách Việt ở phía nam là nước Tây Âu, bắt dân bản địa
làm tù binh, sát hại vua nước này là Dịch Hu Tống. Dù tạm được lợi thế ban đầu, nhưng sau đó quân Tần đã gặp
sự chống trả mãnh liệt của dân Tây Âu. Không đủ nhân lực để chống cự trong những trận chiến lớn, dân bản địa
đã dùng du kích chiến, chiến cuộc trở nên lâu dài, Đồ Thư bị giết, nhân mạng bị tổn thất nặng nề, cả trăm ngàn
người bị tử thương cũng như bị chết vì bệnh tật. Quân Tần đã không tiến xa hơn được về phía nam, nên đã theo
những thủy đạo thiên nhiên, tiến về phía tây , xâm chiếm vùng này, đặt vùng này là Tượng quận - phiá nam tỉnh
Quý Châu và phía tây bắc tỉnh Quảng tây ngày nay.

Từ những dẫn chứng bằng sử liệu cũng như tìm hiểu về chỗ đóng quân và đường hành quân của quân Tần, người viết đi đến
kết luận là
quân Tần chưa hề đánh vào Giao Chỉ, chứ chưa nói đến phần đất xa hơn về phía nam là Cửu Chân và Nhật
Nam. Nước Âu Lạc hay cổ Việt thời vua An Dương không hề bị quân Tần xâm chiếm,
Giao Chỉ, Cửu Chân và Nhật
Nam không phải là Tượng quận thời Tần.

Nhà Tần gồm thâu 6 nước, dựng nên một quốc gia thống nhất. Các sử gia và học giả Trung Quốc muốn Cổ Việt (Âu Lạc)
cũng là một phần đất của hoàng đế nhà Tần, nhưng quân Tần đã không làm được điều này. Lạc Việt vẫn còn đó. Vùng đất
phía nam của dân Lạc Việt là cái gai trong mắt của Trung Quốc, không xâm chiếm được bằng quân lực thì "vơ lấy" bằng văn
hoá, lợi dụng mâu thuẫn của sử liệu để ngụy tạo. Bao nhiêu tộc Việt thuộc Bách Việt đã bị Hán hoá ? Còn lại duy nhất là
Lạc Việt!
Hán hoá vùng đất này. Đây là một âm mưu truyền kiếp của Hoa tộc!

Trần Việt Bắc
Nam California,
Ngày 23, tháng 6, năm 2007



Tham Khảo
- Đại Việt Sử Lược, soạn giả: Khuyết danh, dịchgiả: Nguyễn Gia Tường, 1972. Ấn bản điện tử: Công Đệ, Lê Bắc.
- Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, bản in Nội các quan bản, mộc bản khắc năm Chính Hòa thứ 18 (1697). Nhà xuất bản Khoa
Học Xã Hội, Hà Nội 1998.
- Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục. Quốc Sử Quán Triều Nguyễn soạn thảo (1856-1881). Viện Sử Học dịch
(1957-1960). Nhà xuất bản Giáo Dục (Hà Nội) ấn hành 1998.
- An Nam Chí Lược, Lê Tắc, dịch giả: Ủy ban dịch sử liệu Việt Nam, nhà xuất bản: Viện Đại Học Huế,  ấn bản điện tử:
Công Đệ, Doãn Vượng, Lê Bắc.
- Việt Điện U Linh tập của Lý Tế Xuyên, bản dịch của Lê Hữu Mục, cơ sở xuất bản Đại Nam
- Lĩnh Nam Chích Quái của Trần Thế Pháp, nguồn từ Internet: http://www.dunglac.net/thuvien/linhnam-00-ml.htm
-Vân Đài Loại Ngữ của Lê Quí Đôn do Phạm Vũ và Lê Hiền dịch và chú giải, xuất bản bởi nhà sách Tự Lực
- Phương Đình Địa Dư chí của Nguyễn Văn Siêu, nhà xuất bản Văn Hoá Thông Tin
- Đại Nam Nhất Thống Chí của Quốc Sử Quán triều Nguyễn, nhà xuất bản Thuận Hoá
- Việt Nam Sử Lược, Trần Trọng Kim- Nhà xuất bản Văn Hoá Thông Tin-1999.
- Việt Sử Tân Biên- Phạm Văn Sơn-Nhà xuất bản Đại Nam
- Việt Sử Toàn thư- Phạm Văn Sơn-Nhà xuất bản Đại Nam
- Đại Việt Sử Ký Tiền Biên, Ngô Thời Sỹ, nhà xuất bản Khoa Học Xã Hội, Hà Nội 1997.
- Việt Sử Tiêu Án, Ngô Thời Sỹ, dịch giả: Hội Việt nam ngiên cứu liên lạc văn hóa Á Châu, nhà xuất bản Văn Sử. Ấn bản
điện tử : Công Đệ, Doãn Vượng, Lê Bắc.
- Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt 1971, được in lại bởi nhà xuất bản Xuân Thu, Los Alamitos California
- Đại Việt Sử Cương của Trần Gia Phụng, Nhà xuất bản Non Nước, Toronto 2004
- Sử Trung Quốc của Nguyễn Hiến Lê, nguồn từ Internet: http://vnthuquan.net/truyen/truyen.aspx?
tid=2qtqv3m3237n2n1n4nqn31n343tq83a3q3m3237nvn
- Lịch Sử Trung Quốc 5000 năm của Lâm Hán Đạt và Tào Dự Chương,dịch giả Trần Ngọc Thuận, nhà xuất bản Trẻ.
- Hoài Nam Tử của Lưu An,nguồn từ Internet: http://www.geocities.com/fengshui_clasicos/HuaiNanZi.html        
- Sử Ký của Tư Mã Thiên, nguồn từ Internet: http://www.chinapage.com/big5/big5-history.html
- Hán Thư của Ban Cố, nguồn từ Internet http://www.chinapage.com/big5/big5-history.html
- Hậu Hán Thư của Phạm Việp, nguồn từ Internet  http://www.chinapage.com/big5/big5-history.html
- Tấn Thư, nguồn từ Internet http://www.chinapage.com/big5/big5-history.html
- Thủy Kinh chú của Lịch Đạo Nguyên, nguồn từ Internet: http://www.workgroup.cn/dir.aspx?45
- Thủy Kinh Chú Sớ của Dương Thủ Kính và Hùng Hội Trinh, dịch giả Nguyễn Bá Mão, nhà xuất bản Thuận Hoá, 2005
- Từ Điển Văn Học Cổ Điển Trung Quốc, Nguyễn Tôn Nhan sưu tập tư liệu và biên dịch, nhà xuất bản Văn Nghệ
- The Birth of Vietnam của Keith Weller Taylor, Uiversity of California Press
- Tigers, Rice, Silk & Silt của Robert B. Marks, Cambridge University Press
- Các bài viết của Dr. Rafe de Crespigny, Faculty of Asian Studies, Australian National University trong http://www.anu.
edu.au/asianstudies/decrespigny/south_china.html
- Các bài viết trong http://www.chinaknowledge.de/History/Myth/prehistory-map.html
- The Atlas of China Knowledge, Xi'aqn Cartographic Publising House, SinoMaps press in 2002
- Historical Atlas of South-East Asia của Jan M. Pluvier, nhà xuất bản E.J.Brill, Netherland 1995
- The Zhuang: A Longitudinal Study of Their History and Their Culture by Jeffrey Barlow,  
http://mcel.pacificu.edu/as/resources/zhuang/index.html
- Bản đồ từ các bài viết của Dr. Rafe de Crespigny, Faculty of Asian Studies, Australian National


Giao Chỉ và Tượng quận - Phụ chú:  

Đọc "Tần Hán Tượng quận biện tích" của học giả Lý Long Chương
Trần Việt Bắc

Tượng quận toạ lạc tại đâu theo ông Lý Long Chương? Học giả họ Lý đã tham khảo rất nhiều để dẫn chứng cũng như phản
biện. Bài viết này đã nêu lên đầy đủ những tài liệu cổ, giúp cho sự biện luận của ông, để đưa ra kết luận về nơi toạ lạc của
Tượng quận thời Tần theo địa lý ngày nay.

Trong phần mở đầu, học giả họ Lý đã nêu lên nguồn gốc của sự tranh luận từ câu viết trong Hán thư, Địa lý chí : "“
cố Tần
Tượng quận, Vũ đế Nguyên Đỉnh lục niên (111BC) khai"

Trong phần hai, ông Lý đưa ra những tài liệu đã gây nên vấn đề mâu thuẫn trong sử liệu, mà ông gọi là "Thuyết Nhật
Nam"

Sau khi đã nêu lên những sai lầm trong “thuyết Nhật Nam”, trong phần 3 ông Lý đưa ra “Thuyết Uất Lâm” để phản biện,
cũng như những chứng minh bằng dẫn giải.

Trong những đề mục trên, họ Lý đã đưa ra những dẫn chứng từ sách địa lý thời cổ là “Sơn Hải kinh”, sách này đã viết về
Tượng quận (mục 1 và 2). Sau đó ông đưa ra mâu thuẫn để phản biện. Vị trí của Tượng quận theo kết luận của ông Lý được
vẽ lại theo những địa danh nêu trên trong bản đồ dưới đây :



























                                       Vị trí của Tượng quận (theo học giả Lý Long Chương),

Vậy theo như ông Lý Long Chương thì
Tượng quận không bao gồm phần đất nào của Giao Chỉ, như Ban Cố đã viết
lầm về quận Nhật Nam: "
cố Tần Tượng quận, Vũ đế Nguyện Đỉnh lục niên khai  (111BC) khai".

Vì không có nhiều tài liệu cổ cũng như không đọc được Hán văn trực tiếp, mà chỉ có thể đọc được bản chuyển âm Hán Việt
(qua HannoConv 1.0) với tự điển của Thiều Chửu, nên người viết đã phải dùng cách khác, là t
heo đường tiến quân của
quân Tần,
tìm hiểu những nơi đội quân này đã chiếm đóng để truy cập vị trí của Tượng quận.





Mặc dù là cách tìm hiểu khác nhau, nhưng đã đi đến kết luận tương đương về vị trí của quận Tượng, đã được nói tới trong
bài viết "
Giao Chỉ và Tượng quận" như sau: “Từ những dẫn chứng bằng sử liệu cũng như tìm hiểu về chỗ đóng quân và
đường hành quân của quân Tần, người viết đi đến kết luận là quân Tần chưa hề đánh vào Giao Chỉ, chứ chưa nói đến
phần đất xa hơn về phía nam là Cửu Chân và Nhật Nam. Nước Âu Lạc hay cổ Việt thời vua An Dương không hề bị quân
Tần xâm chiếm,
Giao Chỉ, Cửu Chân và Nhật Nam không phải là Tượng quận thời Tần”.

Trần Việt Bắc
 photo ING.559_zpspopywlkf.jpg  photo ING.558_zpsprbj0z9c.jpg

No comments:

Post a Comment