Monday, June 4, 2018



Người lính không có số quân
- Trần Như Xuyên
https://youtu.be/TRkcNhuVpac

http://ngothelinh.tripod.com/Nguoi_Linh_Khong_Co_So_Quan.html

NGƯỜI LÍNH KHÔNG CÓ SỐ QUÂN

Trần như Xuyên

Tối đó, tôi dẫn Đại đội tới điểm đóng quân đêm, đây là ngày đầu tiên tôi nắm Đại đội, sáng nay có cuộc bàn giao ở Tiểu đoàn, người Đại đội trưởng tiền nhiệm,cũng là khóa đàn anh của tôi, có sự vụ lệnh đi học khóa quân chánh.

Ra trường được sáu tháng, từ anh Thiếu úy mới tò te ra trường, giờ đã lên nắm Đai đội, quả là thời gian hơi nhanh so với những đứa bạn cùng khóa ở các binh chủng khác như Nhẩy dù, Thủy quân lục chiến..., có lẽ họ vẫn còn đang thực tập ở Trung đội hay là Trung đội trưởng mà thôi. Tôi nắm Đại đội hơi nhanh không phải vì mình tài giỏi gì mà năm 67 khi ra trường, như bao đứa bạn khác chọn đi Bộ binh, các đơn vị rất thiếu sĩ quan, như Tiểu đoàn tôi về chẳng hạn, có Đại đội xử lý là một Chuẩn úy, gọi là xử lý cũng không đúng vì trong cấp số coi Đại đội thì tối thiểu phải là Thiếu úy, nhưng không hiểu sao vào những năm này, sĩ quan quá thiếu, bởi vậy khi vừa tới Trung đoàn, nghe tin có mấy sĩ quan Đà lạt mới ra trường là các đơn vị nhao nhao lên xin, tôi được đưa về Tiểu đoàn 4/46 thì một ông đàn anh khóa 16 đang làm Đại đội trưởng xin ngay tôi về. Ông tên Hồ Trang, khóa 16, ở miền Trung bị thuyên chuyển vào Nam vì dính dáng tới vụ Phật Giáo, ngoài đó ông đã là Tiểu đoàn phó nên vị Tiểu đoàn Trưởng cũng có hơi nể, quay quắt vì việc phải thuyên chuyển xa nhà, bị giam lon, giam chức nên ông gắt gỏng như mắm tôm, ông nghiêm khắc với mọi người nhưng rất chí tình trong việc chỉ bảo cho tôi từng ly, từng tí việc chỉ huy mà dầu sao tôi cũng còn quá mới, quân trường dậy là một chuyện, ra đây đụng với thực tế lại là một chuyện khác.

Cứ như vậy, những lần hành quân, ông cho tôi ở cạnh để học hỏi hoặc cho xuống trung đội để thưc tập, 6 tháng sau, khi thấy tôi đã tàm tàm gọi là đủ lông, đủ cánh bay solo được, ông nói với Tiểu đoàn Trưởng và bàn giao Đại Đội lại cho tôi, trước đó, ông đã thu xếp người Đại đội phó đi học để tôi coi Đ.Đ được danh chính ngôn thuận.

Nói về tối đầu tiên tôi dẫn Đ.Đ đi đóng quân đêm, thường tọa độ đóng quân đêm cùng các điểm phục kích do Tiểu đoàn chấm, tối đó đang di chuyển trên đường tôi thấy có một người đàn bà đi lẫn trong toán đại liên, tôi hỏi Thượng sĩ Hội, thường vụ đại đội, ông ta đi lính hồi tôi còn học Tiểu học:

- Ai vậy ông Hội, sao có đàn bà lẫn lộn vào đây?

- Thưa Thiếu úy, đó là vợ thằng Nở, xạ thủ đại liên, nó ở với Đại Đội lâu rồi, hồi còn Trung úy Trang, ông cũng cấm nhưng chỉ được vài ngày là nó lại lẻn xuống sống với chồng nó.

- Tôi thấy không được rồi đó ông, lỡ đêm Việt cộng tấn công thì làm sao, thằng Nở chỉ lo cho vợ nó thì còn đánh đấm gì được.. - Thiếu uý đừng lo, vợ nó phụ nó rất đắc lực, chị ta biết xử dụng đại liên, biết tiếp đạn cho chồng, rồi Thiếu úy coi, hễ rảnh là nó lại lau chùi cây đại liên nữa. - Nhưng lỡ có chuyện gì làm sao mình báo cáo. Hôm sau tôi gọi Nở lên trình diện: - Sao cậu không để cho vợ cậu ở nhà mà cho đi theo Đại đội như vậy, lỡ có chuyện gì thì sao? - Thưa Thiếu úy, con Ba nó mồ côi từ nhỏ, không có nhà, em đã đưa nó về với má em rồi nhưng má em không ưng nó, cứ kiếm chuyện với nó hoài, cho nó theo ĐĐ, thấy cũng bất tiện, em biết chứ. Nở thực hiện lời"em biết chứ", vài ngày sau, tôi không thấy vợ Nở đi chung trong toán đại liên nữa, tôi hỏi Thượng sĩ Hội, ông ta cho biết Nở đưa vợ ra bến xe về quê mấy bữa nay rồi, tôi có hơi băn khoăn nhưng nghĩ vậy cũng phải, lỡ có chuyện gì thì làm sao, rồi má con sẽ phải hòa thuận với nhau chứ. Một hôm, Hạ sĩ quan quân số cầm về xấp thư của ĐĐ đưa cho tôi, trước đó tôi có dặn anh ta là thỉnh thoảng phải kiểm soát thư từ của binh sĩ xem biết đâu có đứa bị móc nối. Tôi dở xấp thư ra coi thấy có một lá đề tên Nở, khi tôi coi ĐĐ thì Nở không biết chữ, sẵn dịp, tôi hỏi các Trung đội xem còn ai không biết chữ gom tất cả lại, đâu cũng được 5,6 người, tôi nói Trung sĩ Hiển, Hạ sĩ quan CTCT mua tập vở về dậy họ học,"ngày mãn khóa", tôi kêu từng người đưa tờ Chiến sĩ Cộng Hòa cho đọc, ai đọc được, tôi thưởng cho bốn ngày phép, Hạ sĩ Nở biết chữ từ ngày đó. Có bốn ngày phép, Nở không đi đâu cả, anh ta và vợ quanh quẩn chơi ở mấy nhà quen trong xã, hết bốn ngày, Nở về lại ĐĐ. Tôi mở lá thư của Nở ra đọc: Long Xuyên, ngày... Anh hai thương, em diết thơ nầy cho anh là lúc ba giờ phia, em chờ má ngủ mới dám diết cho anh, anh hai ôi, em nhớ anh quá hà, sao số kiếp cứ đài đọa tụi mình hoài, nhớ những lúc điêm tối cùng anh đi đóng quân, dầu gì vợ chồng được gần nhau cũng hơn há anh, hôm anh tiễn em ra bến xe em buồn quá, lúc xe chạy, em thấy như mất mác cái gì quí báo, em khóc ước cả mắt, em cố chìu chuộng má mà má vẫn hổng thương em, thôi để em lên quỳ xinh với ông thiếu úy để em được đi theo anh, liệu được hôn anh, diết thơ nầy xông, mơi sẽ gởi cho anh, anh hai nhớ trả lời em nghe. Em, Ba. Một tuần lễ sau khi đọc lá thư của Hạ sĩ Nở, buổi tối dẫn Đại Đội đi đóng quân, tôi lại thấy cái dáng nhỏ bé ấy đi chung với toán đại liên, lẫn vào hàng quân, không biết anh Hai có trả lời, trả vốn gì không hay nhớ chồng lên đại, tôi thấy chị ta cố lẩn vào đám đông, chắc sợ tôi nhìn thấy, hoặc có thể biết tôi đã thấy nhưng làm nước liều, có điều hôm nay không mặc bộ bà ba đen thường lệ mà là bộ đồ trận rộng thùng thình, đầu còn đội nón sắt, chị ta tính ngụy trang che mắt tôi, tôi cười thầm trong bụng khi thấy vợ Nở cuốn nguyên một dây đại liên quanh người, tôi mong chị ta đừng gặp tôi mà xin gì cả, chẳng thà để tôi lờ đi như không biết còn hơn là hợp thức hóa cho khó xử. Năm 67, các Tiểu đoàn Bộ binh thường có ba Đại đội tác chiến, chia nhau vùng trách nhiệm họat động, hành quân lục soát từng ĐĐ chung quanh bộ chỉ huy TĐ, đôi khi có cuộc hành quân cấp Tiểu đoàn thường là nhẩy trực thăng và xa hơn. Ba Đại đội trưởng tác chiến đều cùng khóa 21 Đà Lạt gồm Th/U Vũ đình Hà (ĐĐ1), Th/U Lê xuân Sơn(ĐĐ2) và tôi ĐĐ3. Một tối, Đại đội 1 bị tấn công, ĐĐ2 tối đó đóng xa, giữ con đường từ Long Thượng về Cần Giuộc, tôi nằm cách Hà(ĐĐ2) khoảng 500 thước, Tiểu đoàn mất liên lạc với Hà, kêu tôi lên tiếp cứu, chỗ Hà nằm tôi biết rõ vì đã từng đóng quân ở đây, chắc chắn là địch tấn công từ ngã rạch tấn công ra, tôi dẫn Đại đội chạy băng lên vì tình người bạn cùng khóa, tôi cho Đại đội bắn chặn nơi đầu rạch, nhưng vì không liên lạc được với Hà, tôi sợ quân ta bắn lầm quân bạn,, tôi chạy lại cây đại liên, cho chuyển hỏa lực về bên trái, dưới ánh sáng của pháo binh Cần Giuộc, tôi thấy vợ Nở nằm cạnh chồng, tay nâng dây đạn, Nở đang nghiến răng bóp cò, nhả từng loạt đạn về hướng địch. Như tôi đã nói ở trên, dạo đó ở Long An VC chưa nhiều, chắc khoảng hai chục tên, đợi mình ơ hờ, liều lĩnh tấn công.Cũng tại nơi con rạch này, ít lâu sau, ĐĐ tôi hành quân lục soát ở đây và đụng nặng, sở dĩ đụng nặng vì địch tụ ở đâu về, ém quân trong đám dừa lá dầy đặc như vùng bất khả xâm phạm, chắc chúng tập trung ở đây, đợi đêm xuông có giao liên dẫn chúng xâm nhập Đức Hòa, Đức Huệ rồi qua Campuchia, chúng không ngờ ta lùng sục, chúng buộc phải chống trả. Đám dừa nước cao ngất che dọc theo con rạch, hướng ĐĐ tiến vào là đồng trống, suốt vùng Long An này chỗ nào cũng vậy, bất ngờ ban đầu làm ta có ba binh sĩ bị thương và một chết, tôi xin pháo binh và Cobra lên vùng, hồi đó gọi máy bay ném bom còn là một điều mới mẻ, vũ khí xử dụng là của thời đệ nhị thế chiến, toàn là Garant, Carbin, cả Thompson nữa, ấy vậy mà cây đại liên 30 của Hạ sĩ Nở cũng có tác dụng. Nở người hơi thấp nhưng rất khỏe, một mình vác cây đại liên cả với chân ba càng, mỗi lần pháo bắn hay trực thăng phóng rocket là anh ta chạy nhào lên cho gần mục tiêu, lúc đó địch còn lo núp. Khi đã rất gần mục tiêu và có gò đất làm điểm tựa chắc chắn, cây đại liên mới phát huy được hiệu quả của nó, từng loạt đạn bắn ra làm bọn VC không ngóc đầu lên được, cộng thêm pháo và trực thăng bắn liên tục, ĐĐ chiếm được mục tiêu lúc gần tối, địch bỏ lại 6 xác và một số vũ khí. Trận đánh như thế này không đáng kể gì so với sau này khi SĐ 25 rời Long An di chuyển về vùng trách nhiêm mới là Tây Ninh, cuộc hành quân vượt biên năm 1970 cũng như ở Bình Long mùa hè đỏ lửa thì chiến trận lên tới cấp Sư đoàn, Quân đoàn. Sáng hôm sau, Tướng Phan trọng Chinh, Tư lệnh SĐ xuống quan sát trận đánh và gắn huy chương, tôi đề nghị với TĐT thăng cho Nở lên Hạ sĩ nhất nhưng Tướng Chinh là người rất ngặt nghèo trong việc ban thưởng huy chương và thăng cấp, Nở chỉ được cái huy chương đồng, ông bảo huy chương đồng của SĐ 25 bằng huy chương vàng của các nơi khác(!) Hai ngày sau ĐĐ còn được nghỉ dưỡng quân, tôi xuống tổ đại liên chơi, cả toán đang ngồi ăn cơm, tôi thấy vợ Nở đang mân mê cái huy chương của chồng, thấy tôi, chị có vẻ ngài ngại gật đầu chào rồi bỏ vào trong nhà, tôi nghĩ giá tôi có quyền, tôi sẽ tặng cho chị ấy một cái huy chương của buổi tối yểm trợ cho Vũ đình Hà. Đầu năm 1968, tôi được đề cử theo học khóa Tác chiến trong rừng ở Mã Lai, tôi còn gắn bó với ĐĐ hơn một tháng nữa. Một buổi sáng, đang đứng trước cửa ĐĐ thì vợ Nở bất chợt ngang qua, chắc đi chợ về, thấy tôi, chị ta khựng lại muốn thối lui nhưng không kịp, chị ta làm gạo bước tới và khi ngang qua tôi, vợ Nở mím môi lại và dơ tay chào theo kiểu nhà binh, tôi ngạc nhiên, trong một phản xạ, tôi chào lại, chào xong, tôi mới ngẩn người ra nghĩ: sao mình lại chào nhỉ, hóa ra ĐĐ này có một nữ quân nhân ư? Có lẽ chị ta thấy mọi người trong ĐĐ chào tôi nên khi gặp, chị cũng chào để cho giống như những người kia chăng! Tôi thấy hình như bụng vợ Nở có hơi to ra. Tôi đem điều này hỏi Thượng sĩ Hội thì ông ta bảo: có vẻ như vậy Trung úy. Tôi gọi Nở lên: - Vợ cậu có bầu phải không? - Dạ, thưa Trung úy. - Vậy thì cậu phải đưa cô ta về với bà già đi chứ, bầu bì rồi đi theo ĐĐ mãi sao được, phải lo sức khỏe cho cô ta. - Dạ, em cũng tính tháng này lãnh lương xong, Trung úy cho em cái phép để em đưa nó về gởi bà già. - Được rồi, lúc nào muốn cứ lên đây. Hai ngày sau, Đại Đội được lệnh đóng quân đêm và tổ chức một cuộc phục kich ở sau lưng quán Năm Ngói, một địa danh nổi tiếng về sự khuấy rối của VC nơi đây, tối đó, ĐĐ chạm địch, một tốp nhỏ bọn chúng gặp toán phục kích, hai tên bị bắn hạ, số còn lại nhập qua toán kia thì đụng phải ĐĐ, nhờ toán phục kích nổ súng trước nên ĐĐ không bị bất ngờ, địch bắn rất rát nhưng không chủ ý tấn công nên sau một hồi, chúng rút lui, hình như có chuyện gì xẩy ra ở cây đại liên vì tôi thấy nó nổ được một chập thì im bặt, tôi đảo nhanh vòng quanh tuyến phòng thủ, không có tổn thất nào, nhưng khi tới cây đại liên, tôi thấy có mấy người lố nhố, linh tính cho tôi biết có chuyện không hay, tôi hỏi giật giọng: - Gì vậy Nở? Không có tiếng trả lời, tôi bước vội tới, thấy Nở ôm vợ, y tá Thọ đang loay hoay băng vết thương nơi ngực chị ta, thấy tôi, Nở nghẹn ngào: - Vợ em nó chết rồi Trung úy ơi! Tôi ngồi xuống, chị ấy bị trúng đạn ở ngực, máu ướt đẫm cả cái áo trận, y tá Thọ đứng lên: - Chết rồi Trung úy. Tiếng thằng Năm trong toán đại liên: - Súng bị kẹt đạn, thằng Nở kéo mãi đạn không lên, con Ba nó chồm dậy mở nắp cơ bẩm, em la nó nằm xuống nhưng không kịp Trung úy. Tôi thấy nghèn nghẹn ở cổ họng, từng chứng kiến nhiều cái chết nhưng lần này tôi thật xúc động. Thôi, chị Nở, từ nay chị hết cần phải tránh né tôi nữa rồi, sao tôi lại không cứng rắn hơn nữa với chị, giá tôi đừng tình cờ đọc được lá thư chị viết cho chồng, ừ, đáng lẽ tôi phải cứng rắn hơn, nhất định không cho chị đi theo ĐĐ như vậy. Tôi báo với Thiếu tá Hải, Tiểu đoàn Trưởng về sự việc xẩy ra, ông có biết vợ chồng Nở, ông cho Sĩ quan CTCT/TĐ mua cái hòm, cấp cho Nở một cái xe Dodge để đưa vợ về quê mai táng. Tôi lấy hết tiền có thể có được, cả tiền quỹ ĐĐ đưa cho Nở, buổi trưa cuối năm, trời hơi lành lạnh, chiếc xe chở Nở và quan tài vợ đi ngang qua ĐĐ, tôi đứng nghiêm chào như một lần chị đã chào tôi, chị chết đi mà cái hòm không có phủ cờ, không được mười hai tháng lương, không cả được lên cấp chỉ vì chị là NGƯỜI LÍNH KHÔNG CÓ SỐ QUÂN. Mười ngày sau, Nở trở lại đơn vị, trước ít ngày tôi về SG để chuẩn bị đi học, Nở đào ngũ, có lẽ Nở không chịu được cái cảnh mỗi tối vác cây đại liên tới chỗ đóng quân mà không có vợ bên cạnh. Chị Nở thân mến, 40 năm sau ngày chị mất, hôm nay tôi ngồi viết lại chuyện này về chị, chỉ là một sự tình cờ thôi, hôm nọ tôi đọc loáng thoáng đâu đó người ta nói về những gương chiến đấu của Quân và Dân miền Nam trong công cuộc chống CS xâm lược trước đây, tôi chợt nhớ tới chị, một người không phải là quân, cũng không hoàn toàn là dân, gọi chị là gì nhỉ, chị lưng chừng ở giữa nhưng đã chiến đấu như một người lính thực thụ và đã hy sinh. Một lý do nữa để tôi viết về chị là vì mới đây, Cộng Sản Việt Nam đã làm ầm ĩ lên câu chuyện về Đặng thùy Trâm, một nữ cán binh CS xâm nhập vào Nam và đã chết ở chiến trường Quảng Ngãi, cô Trâm này chết ở đây nhưng không ai biết nắm xương khô vùi chôn nơi đâu, một người lính Mỹ hành quân qua nơi cô chết và nhặt được cuốn nhật ký của Đặng thùy Trâm, cuốn nhật ký này, như một kỷ niệm chiến tranh của người lính, anh ta đem nó về Mỹ, mấy chục năm sau, nó mới được đưa ra ánh sáng và trao cho mẹ của Đặng thùy Trâm ở Hà Nội. Nhà nước CSVN chụp được cơ hội này cho xuất bản cuốn nhật ký, dĩ nhiên với nhiều thêm thắt để khơi động lòng yêu nước của đám thanh niên càng ngày càng rời xa chủ nghĩa CS.. Đặng thùy Trâm là một Bác sĩ, nhưng không hiểu có được học hành tử tế để thành một Bác sĩ không, tôi đã đọc được một truyện khi ở tù ngoài Bắc là có một anh công nhân được tặng danh hiệu anh hùng lao động vì đã phục vụ 15 năm trong phòng bào chế thuốc, và vì phục vụ hăng say và lâu như vậy, anh được thăng lên làm dược sĩ vì quen với công việc bào chế, phong dược sĩ xong, anh ta mới đi học bổ túc văn hóa vì anh ta viết chữ cũng chưa gọn ghẽ mấy. Bởi vậy, tôi không biết Bác sĩ Thùy Trâm này trình độ có khá hơn y tá Thọ của Đại Đội mình năm xưa không, hay cũng như mấy bà mụ vườn ở nhà quê. Thưa chị Nở, cả chị và cô Đặng thùy Trâm này là hai người đàn bà ở hai chiến tuyến chết trong cùng cuộc chiến, trong cùng thời gian và độ tuổi cũng gần như nhau, nhưng hai cái chết mang hai ý nghĩa khác nhau, Thùy Trâm bị bắt buộc và tự đi tìm cái chết, còn chị, chị bị chết vì người ta ở mãi đâu vô đây tìm để giết chị, chị chỉ là tự vệ, chị không hận thù ai, không ai dậy chị oán thù, không ai tuyên truyền với chị về chủ nghĩa này, chủ nghĩa nọ và cũng không nhân danh chủ nghĩa để chém giết người khác, chị rất đôn hậu, còn cái cô Thùy Trâm kia đã từ ngoài đó vào đây, mang trong lòng sự thù hận bởi sự tuyên truyền nhồi nhét, miền Nam này nào có cần ai phải giải phóng đâu, cho mãi nhiều năm sau này, người miền Nam vẫn khẳng định rằng họ không cần ai giải phóng cả. Chị Nở có thấy điều buồn cười này không là trong cuốn nhật ký, Thùy Trâm viết là sao quân Mỹ Ngụy tàn ác, thích chém giết, chị Nở có thích chém giết ai không hay người ta vào đây tìm giết chị, từ ngoài đó lần mò vào tận trong này để tìm giết người ta lại còn hô hoán là sao người ta thích chém giết mình, thật kỳ lạ. Cũng trong cuốn nhật ký, Thùy Trâm than phiền là phấn đấu đã lâu nhưng chưa được kết nạp đảng, đây cũng là lý do vì sao Thùy Trâm đi B, cố gắng trong công tác để chỉ mong được đảng kết nạp, chị Nở có biết cô ta mong được kết nạp để làm gì không, thưa là để có cơ hội được làm lớn, có đảng mới được làm lớn, có làm lớn thì mới có quyền và có tiền, bây giờ cả cái nước Việt Nam này, đảng Cộng Sản thi nhau vơ vét tiền bạc của người dân, chúng giầu lắm rồi, hồi trước mỵ dân, chúng đem những người giầu có ra đấu tố, gọi họ là địa chủ, giờ thì ai đấu tố chúng? Thùy Trâm này nếu mà không chết và giả như có ô dù, giờ có thể là Bộ trưởng Y tế hay làm Giám đốc một bệnh viện nào đó thì cũng là những con giòi, con bọ đang tham gia đục khoét thân thể Việt Nam. Cũng là cái chết nhưng chị chết trong vòng tay người chồng, có mồ yên mả đẹp, có nhang, có khói, tội cho cha mẹ cô Thùy Trâm, không biết nắm xương khô con giờ ở chỗ nào, họa chăng là cái bàn thờ với tấm hình cô ấy mà thôi. Bốn mươi năm đã qua, bây giờ nhiều thay đổi lắm rồi chị Nở ạ, ông Thiếu úy trẻ năm xưa giờ là ông cụ già rồi, vẫn khó tính như trước và đang phiêu bạt nơi xứ người, Thượng sĩ Hội đã mất, Nở từ ngày đào ngũ tôi không gặp lại, chắc đã có vợ khác, xin được tạ lỗi cùng chị là đã không giữ được đất nước để rơi vào tay quân thù, thật không xứng đáng với sự hy sinh của chị, chúng tôi làm mất nước không phải vì hèn kém, không chiến đấu, mất nước vì bị phải mất nước. Quên kể cho chị nghe,mấy tháng sau ngày chị mất, vũ khí được tối tân hóa, những cây Garant cổ lỗ sĩ được thay bằng súng M16, còn cây đại liên 30 nặng chình chịc chị biết đấy, thay thế bằng đại liên M60, nhẹ hơn, bắn nhanh hơn và không hay bị kẹt đạn nữa chị Nở ạ. Thôi tất cả đã qua, chúng tôi vẫn không bao giờ quên những người đã hy sinh vì mảnh đất miền Nam thân yêu, không bao giờ quên được những gương chiến đấu dũng cảm của quân và dân trong việc chống lại quân Bắc phương xâm lược, hôm nay ngồi viết lại những hàng chữ này như được thắp nén hương trang trọng cho chị, thưa chị Nở. Trần như Xuyên

 

opacity:0.6




What is Literature?

Khi con người ta yêu một cái gì đó, họ sẽ cố gắng làm cho nó kéo dài thật lâu. Những trang sách có thể bị mất đi. Nhưng nếu cuốn sách đó hay, sẽ luôn có những bản sao ở hiệu sách. Mọi người sẽ luôn muốn có một cuốn sách hay.

Cuốn sách đó nó sẽ luôn ở quanh ta và mọi người sẽ tiếp tục, tiếp tục đọc.





 

 

opacity:0.6




What is Literature?

Khi con người ta yêu một cái gì đó, họ sẽ cố gắng làm cho nó kéo dài thật lâu. Những trang sách có thể bị mất đi. Nhưng nếu cuốn sách đó hay, sẽ luôn có những bản sao ở hiệu sách. Mọi người sẽ luôn muốn có một cuốn sách hay.

Cuốn sách đó nó sẽ luôn ở quanh ta và mọi người sẽ tiếp tục, tiếp tục đọc.





 

SƠN TRÀ ● 3/1975 - Bán đảo Sơn Trà nằm cách trung tâm thành phố Đà Nẵng chừng 10km về hướng đông bắc, có một vị trí đặc biệt có thể kiểm soát cả một vùng lãnh hải rộng lớn và là lá chắn cho Đà Nẵng và đất Quảng Nam trù phú. Sơn Trà có gần 40 cây số vuông rừng, trong đó một phần là đất đồi. Ngoài núi Sơn Trà cao khoảng 800m, trên bán đảo còn có ba ngọn núi thấp là Hòn Nghê phía đông nam, Mỏ Diều phía tây và Cổ Ngựa phía bắc. Cùng với dãy núi Hải Vân ở phía bắc, bán đảo Sơn Trà hợp thành hình cánh cung tạo nên vũng Sơn Trà (hay vũng Tiên Sa). Vũng Sơn Trà tuy rộng nhưng sâu và kín đáo, mặt nước phẳng lặng trong xanh. Trên bán đảo Sơn Trà, trong vịnh Đà Nẵng, có căn cứ Hải Quân Tiên Sa. Vì cảng Tiên Sa có thể đón nhận các tàu biển trọng tải trên 20.000 tấn ra vào và neo đậu dễ dàng nên là nơi trú ẩn lý tưởng cho các tàu chiến. Ngoài ra, QLVNCH còn có Trung tâm Kiểm Báo Panama trên đỉnh núi Sơn Trà do Không quân Hoa Kỳ thiết lập năm 1961 để điều khiển và theo dõi các hoạt động không quân trong vùng vịnh Bắc Việt và Lào. Trung Tâm Kiểm Báo này được trang bị hai loại máy radar tối tân là FPS-20 có thể tìm kiếm phi cơ ở tầm xa 800km và máy FPS-100 có thể khám phá phi cơ ở cao độ 30km. Căn cứ Hải Quân Tiên Sa là nơi đặt Bộ Tư lệnh HQ Vùng 1 Duyên Hải. Bộ Tư lệnh HQ Vùng 1 Duyên Hải có nhiệm vụ chỉ huy, điều động các đơn vị Hải, Lục, Không quân trực thuộc hay tăng phái đồn trú tại bán đảo Sơn Trà, hầu bảo vệ an ninh duyên hải và ngăn chận sự xâm nhập của CSBV bằng đường thủy trong lãnh thổ Quân Khu 1. Căn cứ còn là nơi huấn luyện các toán Biệt Hải thuộc Sở Phòng vệ Duyên Hải. Ngoài ra, tại Mỹ Khê, phía nam vịnh Tiên Sa, là Bộ Chỉ Huy 1 Tiếp Vận. Cuối tháng 3/1975, một số chiến hạm HQ tới cửa Sơn Trà để chờ lệnh. Tình hình trong thành phố Ðà Nẵng lúc bấy giờ trở nên hỗn loạn bởi các nhóm tàn quân và đặc công Cộng sản trà trộn phá hoại, do đó các chiến hạm được lệnh chỉ đậu ngoài khơi không vào cập bến. LONG THÀNH ● 4/1975 - Ðầu tháng 4/1975, Cộng quân bắt đầu mở các cuộc tấn công vào Huấn Khu Long Thành, Biên Hòa. Ðặc công CSBV nhiều lần định xâm nhập vào Trung Tâm Huấn Luyện Biệt Kích Yên Thế cũng như trường Thiết Giáp, nhưng đều bị tiêu diệt. Ngày 8 tháng 4/1975, LD 468 TQLC cùng TD 8 TQLC được đặt dưới quyền điều động của Quân đoàn 3. TD 8 TQLC có nhiệm vụ đóng tại Long Thành ngăn chận địch quân từ hướng Long Khánh tràn xuống, giữ an ninh ngoại vi cho căn cứ Long Bình và Bộ Tư lệnh QD 3. Ngày 10 tháng 4/1975, LD 4 ND được lệnh tăng phái cho Bộ Tư lệnh QD 3, với trách nhiệm bảo vệ khu vực từ Tam Hiệp, Biên Hòa, hướng về Long Thành. Ngày 21 tháng 4/1975, theo kế hoạch rút quân khỏi chiến truờng Xuân Lộc-Long Khánh, sau khi về đến điểm tập trung tại xã Đức Thạnh tỉnh Phước Tuy, LD 1 ND được chỉ định giữ nhiệm vụ bảo vệ quốc lộ 15, từ Long Thành ra đến Bà Rịa. Sau khi SD 18 BB và lực lượng tăng phái rút khỏi Long Khánh, quân CSBV tiếp tục tiến quân về hướng Trảng Bom và Long Thành (See map). Ngày 22 tháng 4/1975, truờng Bộ binh Thủ Đức cùng với hai trường Võ Bị Quốc Gia và Chiến Tranh Chính Trị (từ Ðà Lạt di chuyển về) được lệnh di tản về Thủ Đức. Một nửa quân số truờng Bộ binh ở lại Long Thành (do Đại tá Lê Văn Phú chỉ huy ?) để giữ trường. Ngày 24 tháng 4/1975 tại Long Thành, những người lính DPQ-NQ thuộc Chi khu Long Thành dưới quyền chỉ huy của Trung Tá Hà Văn Sáu đã anh dũng bắn cháy nhiều xe tăng T-54 của CSBV trên quốc lộ 15. Chiều ngày 26 tháng 4/1975, lực lượng pháo binh, xe tăng và bộ binh của SD 325 CSBV tấn công đồng loạt vào Huấn khu Long Thành nhưng không chọc thủng nỗi phòng tuyến kiên cố của trường Bộ Binh. Riêng trường Thiết Giáp và Trung Tâm Huấn Luyện Yên Thế thì hoàn toàn bị mất liên lạc kể từ chiều hôm đó. Tối 26 tháng 4, Cộng quân chiếm quận lỵ Long Thành và cắt đứt Quốc Lộ 15 nối liền Vũng Tàu và Sài Gòn. Chiến đoàn 322 tiến về trường Thiết giáp tiếp cứu cũng hạ được nhiều T-54 của địch. Cũng trong ngày, một tiểu đoàn Ðặc công địch đánh chiếm cầu xe lửa về hướng tây nam thành phố Biên Hòa trong khi các đơn vị pháo binh CSBV bắn phá vào căn cứ Không quân Biên Hòa. Ðêm 27 tháng 4/1975, Cộng quân tấn công dữ dội quyết thanh toán cho bằng đuợc phòng tuyến truờng Bộ binh. Mãi cho đến sáng thì Đại tá Phú cho biết là tình hình rất là nguy ngập vì Cộng quân quá đông, cho nên sau cùng ông đành phải ra lệnh cho rút lui theo như kế hoạch đã định. Ngày 29 tháng 4/1975, tuyến Long Thành bị bỏ ngõ. BAN MÊ THUỘT ● Thị xã Ban Mê Thuột là tỉnh lỵ của tỉnh Darlac, cách Sài Gòn khoảng 350km. Ban Mê Thuột nằm trên trục lộ giao thông quan trọng, đó là: • Quốc Lộ 14 về phía bắc đi Pleiku, Kontum, về phía nam đi Phước Long, Bình Dương • Quốc lộ 21 đi Khánh Hòa, Tuyên Đức Tại Ban Mê Thuột còn có một phi trường dân sự là phi trường Phụng Dực không có hệ thống đèn phi đạo, chỉ hoạt động lúc ban ngày. Darlac là một trong bốn tỉnh nằm ở Cao Nguyên Trung phần gồm Kontum, Pleiku, Darlac và Quảng Đức (See map). Thiếu tướng Phạm Văn Phú, Tư lệnh Quân Đoàn 2, đã phối trí quân để phòng thủ Cao Nguyên như sau: - Liên đoàn 21 Biệt Động Quân bảo vệ Kontum. Ba tỉnh còn lại được giao cho Sư Đoàn 23 Bộ binh: Trung Đoàn 44 BB phòng thủ Pleiku, Trung đoàn 45 BB đóng ở căn cứ Gầm Ga, phía bắc quận Thuần Mẫn (Phú Bổn), gần đèo Tử Sĩ, dọc theo Quốc Lộ 14 giữa Ban Mê Thuột và Pleiku. - Trung đoàn 53 BB trấn giữ Ban Mê Thuột và Quảng Đức. Bộ Tư lệnh SD 23 BB đóng tại Ban Mê Thuột, còn Bộ Tư Lệnh Hành Quân đóng tại căn cứ Hàm Rồng cách phía nam Pleiku khoảng hai mươi cây số. Quanh Ban Mê Thuột là rừng cao su, không có chướng ngại thiên nhiên để giúp phòng thủ như ở Kontum hay Pleiku nên rất dễ bị tấn công. Lực lượng phòng thủ ở đây lại khá yếu. Địa Phương Quân và Nghĩa Quân phần lớn là người Thượng, không được trang bị đầy đủ. Hầu hết trông chờ vào Trung Đoàn 53 BB, nhưng trung đoàn này phải bao một vùng lãnh thổ quá lớn gồm hai tỉnh nên khó bảo vệ nổi. Do đó, không ai ngạc nhiên khi thấy CSBV chọn Ban Mê Thuột để tấn công. Mặt khác, nếu chiếm được Ban Mê Thuột, chúng sẽ khai thông được con đường Đông Trường Sơn từ Pleiku tới Phước Long qua quận Đức Lập của Ban Mê Thuột. Phía Cộng quân có Sư Đoàn 320 đóng ở Kontum, Sư Đoàn 10 hoạt động ở Pleiku, Sư Đoàn 968 trú quân tại vùng Tam Biên và Trung Đoàn 25 Biệt Lập, một trung đoàn khá thiện chiến, luôn quấy phá ở hai tỉnh Ban Mê Thuột và Quảng Đức. Ngoài ra, Cộng quân còn sử dụng Sư Đoàn 3 Sao Vàng ở Bình Định. Lực lượng phòng thủ thành phố Ban Mê Thuột lúc bấy giờ chỉ vỏn vẹn có TD 2/53 BB của Trung đoàn 53 Bộ binh và về phía nam là một tiểu đoàn thuộc Trung đoàn 45 Bộ binh có trách nhiệm bảo vệ Bộ Tư lệnh Tiền phương Sư đoàn của Đại tá Vũ Thế Quang, Tư lệnh phó SD 23 BB. Cách thành phố Ban Mê Thuột khoảng 8 cây số về phía đông là phi trường Phụng Dực (căn cứ B50) do TD 3/53 BB trấn giữ. Đồng thời đó cũng là nơi đặt Bộ Chỉ huy Trung đoàn của Trung tá Võ Ân, Trung đoàn trưởng TRD 53 BB. Tiểu đoàn 1/53 BB lúc đó đang hành quân tại mặt trận Daksong, tỉnh Quảng Đức. Phía đông Ban Mê Thuột là trung tâm huấn luyện của Sư Đoàn 23 Bộ binh và Ban Chỉ huy Chi khu Ban Mê Thuột. Phía tây thành phố có hậu cứ Thiết đoàn 8 Kỵ binh và kho đạn Mai Hắc Đế. Phía bắc Ban Mê Thuột là Bộ Chỉ huy Cảnh sát Quốc gia tỉnh Darlac cùng với một đơn vị Cảnh sát Dã chiến. Đóng rải rác khắp tỉnh Darlac có sáu tiểu đoàn Địa phương quân và một số trung đội Nghĩa quân, nhưng Đại tá Nguyễn Trọng Luật, Tỉnh trưởng kiêm Tiểu khu trưởng Darlac chỉ có thể cho hai tiểu đoàn di chuyển về phòng thủ thành phố. Tóm lại, quân số lực lượng phòng giữ Ban Mê Thuột tương đương với bốn tiểu đoàn, không quá 3 ngàn tay súng, trong khi phía CSBV có ba sư đoàn cùng nhiều đơn vị chiến xa, phòng không, pháo binh và đặc công, với quân số tương đương 40 ngàn người. Nghĩa là - mỗi người lính VNCH tại mặt trận Ban Mê Thuột phải chiến đấu với hơn 10 lính bộ đội CSBV. ● 1/1975 - Đại Tá Trịnh Tiếu, Trưởng Phòng 2 Quân Đoàn 2, kể lại rằng nhờ hệ thống truyền tin điện tử mở được hầu hết các khóa mật mã của Cộng quân mà Quân Đoàn 2 đã khám phá ra kế hoạch chuẩn bị đánh Ban Mê Thuột từ tháng 12/1974. Trước hết, Sư Đoàn 968 CSBV đang đóng ở vùng Tam biên kéo về phía tây quận Thanh An ở phía tây Pleiku để thay cho Sư đoàn 10 CSBV tiến về phía tây nam Ban Mê Thuột. Trung úy Trác Ngọc Anh, sĩ quan Không Báo của Quân Đoàn 2 trong khi bay L-19 thám thính thì phát hiện ra một đoàn quân xa độ 100 chiếc đang chạy từ vùng Tam biên theo hướng nam về phía Thanh An. Quân Đoàn 2 đã xin Bộ Tổng Tham Mưu huy động các phi cơ A-37 của Sư Đoàn 2 và 6 KQ đến oanh kích. Cuộc oanh kích kéo dài từ 9 giờ sáng đến quá trưa, nhưng vẫn còn thấy một số xe đang chạy. Bộ Tổng Tham mưu phải điều động thêm Sư đoàn 1 KQ ở Đà Nẵng vào trợ chiến. Cuộc oanh kích kéo dài đến 4 giờ chiều thì chấm dứt. Một máy bay C-47 của Bộ Tổng Tham mưu đến chụp hình và thấy khói bay ngụt trời, nhiều tiếng nổ từ dưới đất phát ra, vô số xe bị bắn cháy nằm rải rác trên đường. Sau chiến công này Trung úy Anh được vinh thăng Đại úy. Bị thiệt hại nặng trong vụ oanh kích đó, Sư đoàn 968 CSBV không còn khả năng chiến đấu như lúc đầu nữa. Bộ Chỉ huy Tây Nguyên điện về Hà Nội cầu cứu. CSBV ra lệnh rút gấp Sư đoàn 316 đang đóng ở vùng biên giới Việt-Lào ở phía tây Nghệ Tĩnh, đưa vào Cao nguyên thay thế cho Sư đoàn 968. Sư đoàn 316 là một sư đoàn cơ động nhẹ, chỉ có hai trung đoàn, nên khi đi qua Thừa Thiên đã được tăng cường thêm một trung đoàn của một sư đoàn khác đang đóng chốt phía tây đèo An Khê. Sư đoàn này có nhiệm vụ cắt quốc lộ 19 nối liền Bình Định và Pleiku để chận đường tiếp viện của Sư đoàn 2 Bộ binh và làm nghi binh. Sư đoàn 316 CSBV mới từ Bắc vào sẽ làm mũi nhọn đánh vào Thành phố Ban Mê Thuột để thăm dò. Sợ sư đoàn này thiếu kinh nghiệm, không nắm vững địa hình địa vật, không hoàn thành nhiệm vụ, Hà Nội chỉ thị cho một tiểu đoàn của Trung đoàn 95B hướng dẫn sư đoàn này. Sư đoàn 10, từ Pleiku tiến về phía tây Ban Mê Thuột, vây quận Đức Lập, cắt quốc lộ 14 nối liền Ban Mê Thuột với Đức Lập. Sư đoàn 320 từ Kontum di chuyển về phía bắc Ban Mê Thuột, đóng cách quốc lộ 14 về phía tây 5km để chận quốc lộ 14 từ Pleiku đến Ban Mê Thuột. Một tiểu đoàn của sư đoàn này đã băng qua quốc lộ 14, khúc cầu 210 và tiến về phía đông, đóng chốt trên đường nối liền tỉnh Phú Bổn với quận Thuần Mẫn ở phía đông bắc Ban Mê Thuột. Trung đoàn 25 Cộng quân tiến về phía đông Ban Mê Thuột, chận quốc lộ 21 nối liền tỉnh Khánh Hòa với Ban Mê Thuột, khúc đèo Chư Cúc, giữa quận Khánh Dương của Khánh Hòa và quận Phước An của Ban Mê Thuột. Tàn quân của Sư đoàn 968 CSBV còn khoảng hơn một trung đoàn tiến về phía tây Pleiku, có nhiệm vụ gây rối để cầm chân hai trung đoàn của Sư đoàn 23 BB lại mặt trận Pleiku. Riêng về Sư đoàn 2 Sao Vàng, phần lớn đã bị tiêu diệt trong trận Kontum năm 1972, số còn lại đã tăng cường cho Sư đoàn 3 Sao Vàng ở Bình Định. Qua các khóa mật mã mở được, Quân Đoàn 2 cũng biết đích xác ngày giờ Tướng Văn Tiến Dũng sẽ từ Bắc vào Nam theo đường mòn Hồ Chí Minh, qua đường Đông Trường Sơn để vào Ban Mê Thuột. Ngày Văn Tiến Dũng đi qua phía tây Kontum, Quân Đoàn 2 đã cho thả một đại đội Trinh sát xuống quãng đường này để phục kích nhưng không gặp vì đường Đông Trường Sơn ở khúc đó có quá nhiều nhánh, không biết đoàn xe đi đường nào. Tóm lại, mọi ý đồ, cách điều quân và phối trí quân của địch đều được Quân Đoàn 2 đệ trình lên Thiếu Tướng Phạm Văn Phú, Tư Lệnh Quân Đoàn 2. ● 2/1975 - Trước khi mặt trận Ban Mê Thuột khởi diễn, từ những ngày đầu năm đã có nhiều cuộc giao tranh giữa ta và Cộng quân. Ngày 9 tháng 1/1975, một kho dầu lớn của ta bị đặc công địch đột nhập phá hủy. Khi Sư đoàn 23 Bộ binh phối hợp với các đơn vị Biệt động quân mở những cuộc hành quân càn quét khu vực phía bắc tỉnh Kontum đã gặp sự kháng cự dữ dội của địch. Dự định tiến lên giải tỏa căn cứ Võ Định của SD 23 BB đã không thành công. Tại mặt trận Pleiku trên quốc lộ 19, Cộng quân tràn ngập các cứ điểm của Tiểu đoàn 233 Địa phương quân cách Lệ Trung 19 cây số về hướng đông. Một đoàn quân xa của Quân đoàn 2 chạy trên quốc lộ 21 từ Nha Trang lên hướng Ban Mê Thuột bị Cộng quân phục kích thiệt hại nặng. Khoảng đầu năm 1975, khi một tiểu đoàn của TRD 45 BB đang hành quân trên QL 14 gần quận Thuần Mẫn, Phú Bổn, thì một cán binh CSBV ra xin đầu thú. Theo Đại tá Phùng Văn Quang, Trung đoàn trưởng TRD 45 BB, vì giữ nhiệm vụ truyền tin nên anh ta biết khá nhiều về kế hoạch hành quân của Sư đoàn 320 CSBV và các đơn vị phối hợp. Anh cho biết SD 320 CSBV đang đóng ở phía bắc quận Buôn Hồ, cách quốc lộ 14 về phía tây và đang chuẩn bị đánh Ban Mê Thuột. Mặc dầu có tin SD 320 CSBV đã di chuyển từ Kontum về phía bắc Ban Mê Thuột, nhưng cơ quan truyền tin của Quân đoàn 2 cho biết vẫn nhận được các tín hiệu truyền tin của sư đoàn này phát xuất từ một căn cứ ở Kontum. Căn cứ vào báo cáo này, Tướng Phú cho rằng SD 320 CSBV vẫn còn tại Kontum và những lời khai của tù binh chỉ là kế nghi binh để đánh Pleiku. Về sau mới biết rằng Bộ Tư lệnh SD 320 tiếp tục cho phát các tín hiệu truyền tin ở Kontum là để đánh lạc hướng Tướng Phú. Trong thực tế, sư đoàn này đã di chuyển về phía bắc Ban Mê Thuột. Trung tá Ngô Văn Xuân, Trung đoàn trưởng TRD 44 BB, cho biết khi trung đoàn đang đóng ở căn cứ 801, cách tỉnh Pleiku khoảng 20km về hướng tây bắc, đã được Bộ Tư lệnh Quân Đoàn 2 chỉ định tiếp đón Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đến ăn Tết. Đúng 12 giờ trưa ngày mồng một Tết (11 tháng 2/1975), Tổng thống Thiệu từ Bộ Tư lệnh QD 2 đến thăm Trung tâm Hành quân của TRD 44 BB bằng trực thăng cùng với các Tướng Trần Văn Trung, Lê Nguyên Khang và Phạm Văn Phú. Tại đây, Trung tá Điều Ngọc Chuy, Trưởng phòng 2 SD 23 BB đã trình bày về tình hình chung của các khu vực trách nhiệm đang do sư đoàn trấn giữ, đặc biệt nhấn mạnh đến chi tiết về cung từ của một cán binh thuộc Sư đoàn 320 CSBV ra đầu thú cho biết rõ các chi tiết địch đang chuẩn bị đánh Ban Mê Thuột. Khi Tổng thống Thiệu hỏi Thiếu tướng Phú thì Tướng Phú nhận định rằng có thể Cộng quân đưa ra kế nghi binh để đánh Pleiku. Theo ông -nếu CSBV chiếm được Pleiku thì chúng sẽ dễ dàng làm chủ được toàn bộ khu vực Cao Nguyên và tràn xuống khu vực Duyên Hải. Suy nghĩ giây lát, Tổng thống Thiệu ra lệnh cho Tướng Phú đưa toàn bộ SD 23 BB về Ban Mê Thuột (11/2/1975). Theo Tổng thống Thiệu, địa thế Pleiku là khu vực trống trải, bao gồm nhiều đồi thấp và trọc, có tầm quan sát rộng, địch không bao giờ dám tấn công trên khoảng trống như vậy. Tổng thống Thiệu hứa sẽ cho thêm một liên đoàn Biệt động quân để làm một lực lượng trừ bị. Sau khi nghe thuyết trình, Tổng thống Thiệu không đi Kontum như đã dự định mà đến Ban Mê Thuột và Quảng Đức để thăm và ủy lạo các chiến sĩ. ● 2/1975 - Nhưng sau đó Tướng Phú cứ chần chờ, không chịu thi hành lệnh chuyển quân về Ban Mê Thuột. Mãi đến ngày 17 tháng 2/1975, Tướng Phú mới triệu tập một phiên họp để đặt kế hoạch chuyển quân. Theo kế hoạch này, Bộ Tư Lệnh SD 23 BB di chuyển bằng đường bộ, qua khu đèo Tử Sĩ, TRD 45 BB sẽ đi theo tháp tùng. TRD 44 BB đợi một liên đoàn Biệt động quân (LD 7 BDQ) đến thay thế sẽ đi sau. Vào lúc 8 giờ sáng ngày 18 tháng 2/1975, đoàn quân tập trung tại căn cứ Hàm Rồng, phía nam Pleiku, để khởi hành, nhưng đến 11 giờ Tướng Phú lại ra lệnh hủy bỏ việc chuyển quân. Theo ông địch sẽ đánh Pleiku và sự việc chúng tập trung quân quanh Ban Mê Thuột là để nghi binh mà thôi. Lệnh của tướng Phú đã làm cả Quân đoàn 2 ngạc nhiên. Ngày 1 tháng 3/1975, SD 3 CSBV chận đèo Mang Yang trên quốc lộ 19 nối liền Pleiku với Qui Nhơn và gây áp lực mạnh ở phía đông Pleiku. Cũng trong ngày, SD 968 CSBV tấn công chiếm hai đồn ở phía tây xã Thành An, cách Pleiku 15km hướng tây nam. Điều này càng làm cho Tướng Phú tin hơn nữa rằng địch sẽ đánh Pleiku. Tướng Phú cho thêm LD 24 BDQ đến tăng viện và ra lệnh LD 2 KB do Đại tá Nguyễn Văn Đồng chỉ huy phối hợp với Liên đoàn này để trấn giữ phía đông Pleiku. Ngày 2 tháng 3/1975, tin tình báo khuyến cáo Đại tá Nguyễn Trọng Luật, Thị trưởng Ban Mê Thuột, phải đề phòng CSBV tấn công. Tướng Phú liền ra lệnh cho TRD 53 BB rút một tiểu đoàn đang hành quân tại Quảng Đức về phòng thủ Ban Mê Thuột và đưa một liên đoàn BDQ từ Kontum đến thay. Ngày 4 tháng 3/1975, SD 3 CSBV cắt đứt quốc lộ 19 từ Qui Nhơn đến Pleiku, ở khúc Bình Khê và suối Đôi. Hai Trung đoàn 41 và 42 BB của SD 22 BB được lệnh khai thông nhưng không thành. Ngày 4 tháng 3/1975, khi Tướng Phú, Tư lệnh Quân đoàn 2, ra lệnh cho TRD 45 BB đang bảo vệ Pleiku di chuyển xuống Ban Mê Thuột, thì Trung đoàn 44 BB và Liên đoàn 25 BDQ đụng độ với Cộng quân tại vòng đai thành phố Pleiku. Sự kiện này đã khiến ông phải thay đổi kế hoạch điều quân bằng cách hủy bỏ cuộc di chuyển của TRD 45 BB về Ban Mê Thuột, đồng thời cho Chuẩn tướng Phan Đình Niệm, Tư lệnh SD 22 BB gửi Trung đoàn 42 BB từ vùng duyên hải lên Pleiku. Cùng ngày, đèo Mang Yang trên quốc lộ 19 từ Pleiku đổ xuống Bình Định, và đèo An Khê từ Bình Định đi lên Pleiku bị Cộng quân đóng chốt khiến trục lộ tiếp vận từ duyên hải lên Cao nguyên bị chận, nên Liên đoàn 4 BDQ (vừa từ Quân khu 4 ra tăng viện) được lệnh cùng Lữ đoàn 2 KB xuất phát từ Pleiku tiến quân giải tỏa chốt địch. Cộng quân cũng đã tràn ngập một căn cứ của Địa phương quân trên quốc lộ 21 nối liền Ban Mê Thuột với tỉnh Khánh Hòa và thành phố Nha Trang và cắt đứt giao thông từ vùng duyên hải lên Cao nguyên. Như vậy hai quốc lộ huyết mạch lên Cao nguyên đã bị cắt. Ngày 5 tháng 3/1975, Trung đoàn 25 CSBV đóng chốt trên quốc lộ 21 ở đèo Chư Cúc, ở giữa Khánh Dương và quận Phước An, phía đông Ban Mê Thuột. Một đoàn xe của Quân đội VNCH di chuyển qua đèo Chư Cúc đã bị Cộng quân phục kích và bắn cháy, nhiều binh sĩ bị bắt. Trưa cùng ngày, SD 320 CSBV cho một tiểu đoàn chận đánh một đoàn quân xa của TRD 45 BB gồm 14 chiếc di chuyển trên quốc lộ 14, khúc phía bắc quận Thuần Mẫn. Bình thường hằng ngày việc di chuyển trên quốc lộ 14 từ Ban Mê Thuột đến Pleiku vẫn an toàn. Được tin này, Tướng Phú đã ra lệnh cho TRD 53 BB đưa một tiểu đoàn hành quân lục soát hai bên quốc lộ 14 để tìm dấu vết của SD 320 CSBV, nhưng không phát hiện được gì.● 3/1975 - Ngày 7 tháng 3/1975, Cộng quân chiếm cứ điểm Chư Xê phía bắc Buôn Hồ và cắt đứt Quốc Lộ 14, rồi sau đó pháo kích vào Bộ Tư lệnh Quân đoàn 2 tại phi trường Cù Hanh ở Pleiku và mở những trận đánh lớn ở Bình Định để cầm chân SD 22 BB và đánh lạc hướng. Tướng Phú đã lấy máy bay đi quan sát mặt trận Bình Định. Ngày 8 tháng 3/1975, TRD 9 của Sư đoàn 320 CSBV bắt đầu tấn công Chi khu Thuần Mẫn, tỉnh Phú Bổn, nằm gần ngã ba quốc lộ 14 và tỉnh lộ 487, cách Ban Mê Thuột 60 cây số về hướng bắc. Tại đây chỉ có một tiểu đoàn Địa phương quân và Đại đội 23 Trinh sát của SD 23 BB trấn đóng nên không cầm cự được lâu và đã thất thủ sau nhiều giờ giao tranh. Quốc lộ 14 lại bị cắt thêm ở khúc quận Thuần Mẫn. Sau đó, DD 23 TS rút về phi trường Phụng Dực và đã được Trung tá Võ Ân giao cho phòng thủ một góc phi trường. Một đơn vị của TRD 45 BB cũng chạm súng với SD 320 CSBV trên quốc lộ 14, đoạn từ phía bắc Ban Mê Thuột đi lên Pleiku và Phú Bổn. Đêm cùng ngày, Sư đoàn 10 CSBV bắt đầu tấn công quận Đức Lập. Hai cứ điểm núi Lửa và 23 của Chi khu Đức Lập do một tiểu đoàn của TRD 45 BB trấn giữ bị tràn ngập. Khoảng 8 giờ sáng ngày 9 tháng 3/1975, Tướng Phú và Bộ Tham mưu QD 2 bay về Ban Mê Thuột họp với Chuẩn tướng Lê Trung Tường, Tư lệnh SD 23 BB, Đại tá Vũ Thế Quang, Tư lệnh phó SD 23 BB kiêm Tư lệnh Mặt trận Ban Mê Thuột, Đại tá Nguyễn Trọng Luật, Tỉnh trưởng Ban Mê Thuột, Đại tá Phạm Văn Nghìn, Tỉnh trưởng Quảng Đức, và Trung tá Võ Ân, Trung đoàn trưởng TRD 53 BB. Điều đáng ngạc nhiên là cho đến giờ phút đó, khi mọi tin tức quân báo và tình hình thực tế xác định Cộng quân chuẩn bị đánh Ban Mê Thuột, Tướng Phú vẫn cho rằng địch sẽ đánh Pleiku. Ông lặp lại nhận định của ông là Cộng quân chỉ bao vây Ban Mê Thuột để làm kế nghi binh rồi bất thần tấn công vào Pleiku. Các giới chức trách nhiệm phòng thủ Ban Mê Thuột đều biết trong vòng vài ngày tới địch sẽ tấn công Ban Mê Thuột, nhưng họ không làm gì được, vì Tướng Phú không chịu thay đổi ý kiến. Lúc 11 giờ trưa, Tướng Phú đến thăm Bộ Chỉ huy Tiểu khu Ban Mê Thuột và chỉ thị cho Đại tá Vũ Thế Quang và Đại tá Nguyễn Trọng Luật phối trí quân phòng thủ các vị trí quan trọng và các kho tiếp liệu. Sau đó ông bay về Pleiku lúc 5 giờ chiều. Mặc dù đã có chỉ thị của Tướng Phú, Đại tá Quang không biết lấy đâu ra quân để phòng thủ. Trong thị xã và vòng đai thành phố Ban Mê Thuột lúc đó chỉ còn hai tiểu đoàn của TRD 45 BB, một giữ ở ngã ba Dak Sak và một đóng ở căn cứ B50 ở gần phi trường Phụng Dực, cùng với hai chi đội Thiết giáp và một đại đội Pháo binh. Số còn lại là hai tiểu đoàn Địa phương quân và Nghĩa quân phân tán mỏng để bảo vệ các kho trong thành phố. Một đơn vị Cảnh sát Dã chiến được phân chia bố trí ở các cao ốc. Tướng Phú hứa sẽ cho thêm một chi đoàn Thiết giáp và cho phép rút hai tiểu đoàn Địa phương quân của LD 924 DPQ ở Bản Đôn về bảo vệ thị xã. Theo lời yêu cầu của Ðại tá Quang và Ðại tá Luật xin thêm quân tăng viện, một liên đoàn Biệt động quân được Bộ Tổng Tham mưu cho không vận bằng C-130 xuống phi trường Phụng Dực. Nhưng do hệ thống đèn phi đạo không hoạt động, liên đoàn này bắt buộc phải trở lại phi trường Phù Cát, Qui Nhơn. Do sự thúc đẩy của Bộ Tư lệnh Quân đoàn, Tướng Phú chỉ thị cho Đại tá Lê Khắc Lý, Tham mưu trưởng QD 2, thả LD 21 BDQ do Trung Tá Lê Quý Dậu chỉ huy từ Kontum xuống Buôn Hồ (9/3/1975), cách thành phố Ban Mê Thuột 30km về phía bắc, đề phòng khi địch quân tấn công vào Ban Mê Thuột, có thể tiến về cứu viện. Cuộc chuyển quân khởi sự từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều thì chấm dứt. Song song với cuộc chuyển quân này, Đại đội 45 Trinh sát của TRD 45 BB đang hành quân ở Bản Đôn nhận lệnh gấp rút trở về. Đại tá Luật cũng cho rút Tiểu đoàn 204 DPQ ở Bản Đôn về thành phố. ● 3/1975 - Ngày 9 tháng 3/1975, tại tỉnh Quảng Đức, Sư đoàn 10 CSBV mở những cuộc tấn công vào các vị trí của Liên đoàn 24 BDQ ở Kiến Đức và Địa phương quân ở Đức Lập, nhưng đều bị quân ta đánh tháo lui. Cộng quân gia tăng tập trung áp lực vào Đức Lập, đến tối thì Chi khu thất thủ. Trưa ngày 10 tháng 3/1975, địch tấn công và tràn ngập khu vực Daksong của TD 1/53 BB. Những binh sĩ còn lại của tiểu đoàn hỗ trợ cho nhau rút về Ban Mê Thuột. Sau đó, một phần lực lượng của SD 10 CSBV di chuyển về phía đông tiến về thị xã Ban Mê Thuột, xiết chặt vòng vây. Như vậy sau hai ngày khởi diễn chiến dịch Hồ Chí Minh, CSBV đã hình thành thế trận gọng kìm bao vây Ban Mê Thuột từ hướng bắc và hướng nam. Về phía đông, quốc lộ 21 nối liền Ban Mê Thuột và Nha Trang cũng bị các đơn vị Cộng quân đóng chốt. Chỉ riêng tình hình hướng tây yên lặng một cách lạ thường. Khoảng 2 giờ sáng ngày 10 tháng 3/1975, xe tăng và trọng pháo CSBV đủ loại bắt đầu tấn công vào thị xã Ban Mê Thuột từ mọi phía. Từ hướng tây, đại pháo CSBV tới tấp nã vào Tiểu khu, đài Truyền tin ở phi trường L-19 và kho đạn Mai Hắc Đế. Cuộc pháo kích kéo dài hai tiếng đồng hồ, sau đó là những đợt xung phong hung hãn của bộ binh và xe tăng địch. Trung đoàn 174 CSBV theo quốc lộ 14 từ hướng Đức Lập, tỉnh Quảng Đức, tiến vào trước tiên, sau đó Trung đoàn 149 đánh từ phía nam lên, Trung đoàn 95B từ ngả Buôn Hồ đánh xuống, còn Trung đoàn 148 từ lối Bản Đôn vào (See map). Bốn giờ sáng, bộ đội và chiến xa T-54 CSBV bắt đầu tấn công mặt tây bắc phi trường L-19 với chiến thuật biển người, tiền pháo hậu xung (khu vực này không có gài mìn claymore phòng thủ). Lực lượng phòng thủ phi trường là Đại đội Thám sát Tỉnh trực thuộc Bộ Chỉ huy CSQG với quân số 40 người (gồm toàn người Thượng), xin Tiểu khu tiếp viện. Bộ Chỉ huy Tiểu khu cho Đại đội 1/224 DPQ vào tiếp ứng nhưng không thành. Sáu giờ sáng, phi trường L-19 thất thủ, phòng tuyến phía tây bắc bị chọc thủng. Khi tiến công vào thành phố, Cộng quân nhắm vào hậu cứ Sư đoàn 23 Bộ binh, Bộ Chỉ huy Tiểu khu Darlac, kho đạn Mai Hắc Đế và căn cứ B50. Đến 8 giờ sáng, chiến xa T-54 và Đặc công địch tấn công dữ dội vào kho đạn Mai Hắc Đế của Bộ Chỉ huy 5 Tiếp vận, song bị các chiến sĩ VNCH ở đây can trường đẩy lui. Sau nhiều đợt xung phong của chúng, đến gần 5 giờ sáng thì vị Đại úy Chỉ huy trưởng kho đạn bị tử thương. Nửa giờ sau thì kho đạn thất thủ. Như vậy hướng bắc và hướng tây coi như đã bị bỏ ngỏ. Đại tá Quang chỉ thị cho Đại tá Luật điều động hai đại đội và bốn thiết vận xa M-113 ra chốt ở ngã Sáu, khu vực nhà thờ Chính Tòa, để chận địch. Các khu trục cơ A-37 được phái đến yểm trợ. Khoảng 7 giờ sáng, các đơn vị của SD 320 CSBV và chiến xa địch đã tràn vào trong thành phố. Tiểu đoàn 2/53 BB đã chiến đấu anh dũng đánh lui tất cả các đợt tấn công của Cộng quân để bảo vệ Bộ Tư lệnh SD 23 BB. Năm chiếc T-54 đã bị binh sĩ TD 2/53 BB và Địa phương quân bắn hạ. Lúc 11 giờ Cộng quân tấn công Bộ Chỉ huy Tiểu khu Darlac. Sau nhiều giờ giao tranh với lực lượng biển người của Cộng quân có chiến xa T-54 và đại pháo yểm trợ, Bộ Chỉ huy Tiểu khu phải di tản. Đại tá Luật trao quyền lại cho sĩ quan Tiểu khu phó và di chuyển qua Bộ Tư lệnh Tiền phương SD 23 BB. Lúc 3 giờ chiều, Đại tá Quang không còn liên lạc được với Tiểu khu, Cộng quân coi như đã hoàn toàn kiểm soát thành phố. Tuy nhiên ở mặt bắc thị xã vẫn còn Bộ Chỉ huy CSQG cầm cự. Đến 4 giờ chiều thì lực lượng này cũng tan vỡ dưới trận mưa pháo và biển người của địch quân. Khoảng 5 giờ, Đại tá Quang bắt liên lạc được với LD 21 BDQ của Trung tá Dậu đang ở phía Buôn Hồ tiến vào thành phố. Ông ra lệnh Trung tá Dậu cho TD 72 BDQ chiếm lại Tiểu khu và TD 96 BDQ yểm trợ lấy lại kho đạn Mai Hắc Đế. ● 3/1975 - Nhưng khi giao tranh đang tiếp diễn, Chuẩn tướng Lê Trung Tường ra lệnh cho Trung tá Dậu điều động LD 21 BDQ phối hợp với Địa phương quân rút về quanh phi trường L-19 trong thành phố để ông phái trực thăng đến đón gia đình đang kẹt tại đây. Khi trực thăng bốc được gia đình Tướng Tường đi rồi thì Cộng quân đã chiếm gần như toàn bộ thành phố Ban Mê Thuột. LD 21 BDQ tiến về phi trường Phụng Dực để phối hợp tác chiến với một tiểu đoàn của TRD 45 BB ở căn cứ B50 thì bị chận đánh, phải lui ra khỏi vòng đai thành phố và bị vây ở Đạt Lý. Suốt đêm ngày 10 tháng 3/1975, Địa phương quân-Nghĩa quân và Cảnh sát Dã chiến quần thảo với bộ đội CSBV trong thành phố để tranh từng tấc đất. Do Cộng quân không nắm vững địa hình nên không tiến nhanh được. Bảy giờ sáng ngày 11 tháng 3/1975, Cộng quân tấn công vào Bộ Tư lệnh SD 23 BB, nhưng lực lượng phòng thủ vẫn còn cầm cự được. Đến 10 giờ, một phi đội A-37 trợ chiến đã thả bom lạc, trúng một góc hầm Bộ Tư lệnh, hệ thống truyền tin bị hỏng, không còn liên lạc được với các đơn vị chung quanh nữa. Cả Đại tá Vũ Thế Quang lẫn Đại tá Nguyễn Trọng Luật phải rút bỏ Bộ Tư lệnh Sư đoàn, di chuyển qua sau lưng chùa Khải Đoan để chạy qua căn cứ B50, nhưng bị bắn dữ quá, phải tạt vào rừng cao su và bị bắt sau đó. Cùng lúc tấn công vào thị xã Ban Mê Thuột, Cộng quân đã không ngừng luân phiên tấn công căn cứ B50 của TRD 53 BB tại phi trường Phụng Dực (See map). Đây là một căn cứ có chu vi trên 1km, trước đây là một trại Lực lượng Đặc biệt của Mỹ nên công sự được xây cất rất kiên cố, có tất cả 11 hầm đủ sức chịu đựng được đạn 130 ly, xung quanh có xếp bao cát cao làm thành những ụ chiến đấu cá nhân. Ngoài xa là một vòng đai hàng rào kẽm gai nhiều lớp bao bọc. Căn cứ này được dùng làm hậu cứ của TRD 53 BB. Nhờ các công sự vững chắc, Trung tá Võ Ân, Trung đoàn trưởng TRD 53 BB, chỉ có một tiểu đoàn mà đã chống trả rất anh dũng các đợt tấn công bằng xe tăng và đại pháo của địch. Trung tá Ân đã ra lệnh cố thủ và chỉ thị cho các binh sĩ tiết kiệm đạn dược. Trong suốt thời gian 6 ngày đêm, binh sĩ phòng thủ đã đánh tan nhiều đợt tấn công biển người và tiêu diệt T-54 bằng chính những vũ khí tịch thu của Cộng quân. Góp phần đáng kể vào việc phòng thủ là Đại đội 23 Trinh sát của SD 23 BB mới nhận vị trí đóng quân vào buổi chiều ngày 10 tháng 3/1975. Ngày 12 tháng 3/1975, sau khi có lệnh trực tiếp của Tổng thống Thiệu là chiếm lại Ban Mê Thuột, Tướng Phú đã tổ chức một cuộc họp tại Bộ Tư lệnh Quân đoàn 2 để hoạch định kế hoạch tái chiếm. Theo kế hoạch này, TRD 45 BB được bốc từ đèo Tử Sĩ đổ xuống Phước An, phía đông Ban Mê Thuột. Trung đoàn này sẽ lần theo quốc lộ 21 tiến về Ban Mê Thuột cho đến khi chạm địch thì ngưng lại và chờ lệnh. LD 7 BDQ sẽ được chuyển từ Sài Gòn ra thay TRD 44 BB ở căn cứ 801, phía tây bắc Pleiku. Sau khi bàn giao, Trung đoàn 44 sẽ di chuyển đến căn cứ Hàm Rồng để được trực thăng vận xuống Phước An tiếp theo. Việc chuyển quân của TRD 45 BB không có gì trở ngại, nhưng khi từ Phước An tiến về Ban Mê Thuột thì một số binh sĩ của trung đoàn này đã bỏ ngũ đi tìm gia đình của họ ở Ban Mê Thuột. ● Đại tá Phùng Văn Quang, Trung đoàn trưởng TRD 45 BB, kể lại rằng khi nghe tin địch tấn công vào Ban Mê Thuột, ông đã điện đàm với Tướng Phú để xin chỉ thị. Ông cho biết các binh sĩ của ông rất nóng lòng, muốn được đi giải cứu Ban Mê Thuột, vì vợ con họ đang ở tại đó. Nhưng Tướng Phú đã trả lời với ông rằng nếu đem quân đi cứu Ban Mê Thuột, Cộng quân sẽ tấn công Pleiku. ● 3/1975 - Ngày 13 tháng 3/1975, 50 trực thăng đủ loại đến bốc TRD 44 BB tới Phước An, nhưng chỉ mới di chuyển được TD 3/44 BB, DD 44 TS và Bộ Chỉ huy Trung đoàn thì có lệnh ngưng lại. Hai Tiểu đoàn 1/44, 2/44 BB và Bộ Chỉ huy Hành quân do Trung tá Vũ Mạnh Cường, Trung đoàn phó TRD 44 BB, chỉ huy bị bỏ lại ở Hàm Rồng. Lực lượng của hai Trung đoàn 44 và 45 BB khi tiến về Ban Mê Thuột thì bị chận lại ở vòng đai thành phố. Ở phía sau, TRD 25 CSBV từ Chư Cúc đánh lên Chi khu Phước An, nơi đặt Bộ Chỉ huy Hành quân của SD 23 BB. Ngày 14 tháng 3/1975, trong chuyến bay từ Khánh Dương đến Phước An, máy bay của Chuẩn tướng Lê Trung Tường bị trúng đạn. Ông bị thương nhẹ và xin từ chức Tư lệnh SD 23 BB. Ngày 15 tháng 3, Tướng Phú cử Đại tá Lê Hữu Đức đến thay thế Tướng Tường. Nỗ lực giải cứu Ban Mê Thuột đến lúc này coi như thất bại: LD 21 BDQ bị vây hãm tại Đạt Lý, TRD 45 BB và TD 3/44 BB bị cầm chân ngoài vòng đai thị xã Ban Mê Thuột. Hỏa lực pháo binh yểm trợ duy nhất là trung đội Pháo binh Diện địa đang đặt tại Chi khu Phước An thì chỉ có hai khẩu đại bác 105 ly. Lực lượng Không quân yểm trợ, đánh phá các căn cứ tập trung của địch gặp khó khăn vì hỏa tiễn tầm nhiệt cầm tay SA-7 của Cộng quân, lần đầu tiên được sử dụng rộng rãi trên chiến trường Tây Nguyên. Năm giờ chiều ngày 15 tháng 3/1975, phòng tuyến đồi Chư Cúc, Phước An, của TRD 44 và 45 BB bị thiết giáp CSBV tràn ngập. Ngày 16 tháng 3/1975, lực lượng còn lại của Sư đoàn 23 BB được lệnh tập trung về Phước An và được trực thăng bốc về Nha Trang vì đã có lệnh của Tổng thống Thiệu triệt thoái khỏi Cao nguyên. Thiếu tướng Phạm Văn Phú khi làm Tư lệnh Quân đoàn 2 chỉ làm việc với vài người thân tín của ông. Ông không tin tưởng vào Bộ Tham mưu Quân đoàn. Ông không thi hành lệnh Tổng thống Thiệu đưa ngay Sư đoàn 23 BB về giữ Ban Mê Thuột. Sau khi Ban Mê Thuột mất, ông lại phải thi hành mệnh lệnh vô lý của Tổng thống Thiệu rút bỏ Pleiku-Kontum. Điều này đã khiến hàng ngàn người thiệt mạng một cách đau thương, oan uổng trên liên tỉnh lộ 7B.

No comments:

Post a Comment