Đời nhảy toán – Lôi Hổ
Cuối năm 1969, tôi thuyên chuyển sang Đại-đội-thám -sát (ReconCompany) và nhận thông ngôn Toán Indiana. Toán này đang chờ bổ sung bởi chuyến xâm nhập vừa qua, toán chỉ còn trở về người toán phó Mỹ và hai Biệt-kích-quân.
Thời điểm này, đầu năm 1970. Chương trình Biệt-kích của Nha-kỹ-thuật không còn ở mức quan sát viên như trước. Chuyển qua giai đoạn hành động. Những sĩ quan, hạ sĩ quan đến trại mỗi ngày một đông. Hai toán chờ bổ sung. Indiana và Idaho được chuyển giao cho Nha-kỹ-thuật với tên mới Thăng-Long và Bắc-bình.
Toán chúng tôi, Indiana bổ sung quân số xong, đươc nhận tên mới Thăng-long. Toán trưởng Thiếu úy Bửu-Chính, toán phó Trung sĩ Lê Nam. Toán được đưa về Trung-tâm-huấn-luyện Long-thành ở thành phố Biên-hòa thụ huấn.
Trở lại trại CCN-Đà-nẵng, cái nắng hầm hập của ngày hè thật khó chịu. Gio biển không đủ để đẩy lùi cái nắng nóng. Cầm tờ phép năm ngày công thêm hai ngàn đồng tạm ứng trên ban lương.Toán tha hồ vung vít ngoài phố. Riêng tôi và Thiếu úy Bửu Chính có chương trình riêng. Ngày đầu về Phước-tường thăm nhà tôi, rồi sáng hôm sau trực chỉ Huế. Xe đến Nam-ô, nhìn ngọn núi cao vợi án ngữ mà khâm phục ông cha ta với công mở cõi. Xe đợi giờ để lên qua đèo. Gio biển hắt thêm cái nóng từ cát trắng và những cụm phi lao thấp tè chẳng che được mát trộn lẫn mùi tanh nồng của biển theo gió hắt lên đi qua cái làng chài bên tay mặt. Chiếc xe gầm gừ leo dốc chậm chạp, mặt đường nhỏ hẹp bên vách đá thẳng đứng và vực thẳm bên này. Dưới chân nước biển xanh ngắt. Ngồi nghỉ trên trạm dừng chân đỉnh đèo, không khí trong lành, cảnh thiên nhiên hùng vĩ. Bằng cảm nhận giây phút chợt đến, lòng tôi như thoát tục lâng lâng bay bổng, nhẹ tênh cùng cảnh vật. Tiếng ơi ới gọi nhau lên xe làm tôi bừng tỉnh ngất ngây. Bửu Chính sau lưng nắm tay tôi:
“Làm chi mà đừ người ra rứa, bộ lạ lắm sao…”
Trấn tỉnh, tôi cười nói với hắn:
“Cảnh đẹp quá, tớ đang nghĩ tới Hoàng-thân Tôn-thất-Mỹ, tới được đỉnh đèo ngài tức cảnh sinh tình, cùng phu nhân thoát tục, hì hụp. Kết quả thượng mã phong, để lại tiếng khóc của phu nhân…”
Nghe động đến gia tộc của hắn, nhăn mặt miệng chửi thề kéo tôi vào xe xuống đèo nhưng xe cũng chậm như lúc lên.
2- Ngồi trong xe lắm lúc giật mình, tưởng tượng chỉ cần một sơ sẩy hoặc xe hư là có thể lao thẳng xuống núi tắm biển. Phía tay mặt xuất hiện bên dưới phong cảnh tuyệt vời. Một cái lõm biển chạy vòng dài theo núi, mây lãng đãng dấn trôi, cát trắng mịn leo lên như muốn lấn đá núi, xa xa thấp thoáng vài con tầu cá điểm lồng vào mầu xanh biển cả. Ba ngày vui chơi ở Huế, Bửu Chính đáng mặt thổ địa…Ngạc nhiên đầu khi về tới nhà hắn. Mọi người đều gọi hắn là mụ, mụ Chính. Hàng cây cảnh tuyệt đẹp ngoài sân chạy theo dãy hàng hiên vắng lặng treo những lồng chim. Dưới tàn xanh xum xuê cây Ngọc-lan tỏa mùi thơm ngào ngạt. Cảnh tĩnh lặng như muốn dấu đi hay hắt bỏ mọi cuộc sống náo nhiệt. Ngồi trên sập gụ. Hai mẹ con đối đáp hỏi nhau bằng giọng điệu hết sức nhẹ nhàng, tiết kiêm lời nói và người đàn ông đứng tuổi sau lưng, khi đặt ba tách trà rồi lui đứng đó im lìm. Bà mẹ Bửu Chính quay sang hỏi chuyện tôi. Trong sự e dè tôi chậm rãi trả lời. Vài cái bánh trong cái dĩa to được đưa lên và những người trong nhà nghe chuyện chạy lại thăm cũng chỉ nói ít, phần đông vòng tay cúi đầu chào, khép nép. Cả buổi chiều dành cho gia đình tôi chứng kiến nhiều phong tục cũng như lễ nghi, phép tắc khác thường. Tỏ ra người lớn Bửu Chính nét mặt luôn trang nghiêm, cử chỉ khiêm tốn. Có những ông bà đã già gặp hắn vẫn phải cúi đầu, gập mình chào hỏi. Bữa cơm tối gia đình, lần đầu tiên tôi mới thưởng thức được cái mùi trong chất gạo ngọt nồng hương lúa, dai, dẻo của gạo đặc sản xứ Huế, gạo De An-cựu. Ăn với chim sẻ quay dòn. Trên chiếc Honda dame xanh. Bửu Chính chở tôi thăm thú kinh thành, lăng tẩm, hồ vọng…Có khi xa tít ngoại thành qua những đồng lúa, ao sen, e ấp quanh hàng cây cao chạy dài xa tận đồi dốc thoải, ngắm mà mê cả mắt. Bầy chim trắng bay theo đội hình chữ V xa xa một con vẻ già yếu, đang cố theo sau.
Buồi chiều sông Hương vắng lặng, trên bờ thưa thớt, người ta đợi nắng khuất. Đúng như vậy, mọi sinh hoạt đều đổ dồn ra, chả mấy chốc mà náo nhiệt, những đôi gánh đặc trưng bán đồ ăn quà, đến cái thúng đội trên đầu bán hột vịt lộn, mà cô hàng chỉ rao có một tiếng, nghe lầm tưởng đến cái danh vật muôn thủa mà phát ớn, mặt đỏ bừng…Dưới dòng sông đò cũng tấp nập chẳng kém, inh ỏi trao đổi thuê mướn, ngã giá. Tay chỉ bên kia sông nơi sản xuất thứ gạo de nổi tiếng. Trên đồi chùa Thiên-mụ cô đơn lặng lẽ.
3- Hai đứa bước xuống con đò thuê, khá lớn so với đò xung quanh. Ra giữa giòng, đò xuôi về hướng hạ lưu. Không gian êm đềm, sông nước tạo cảnhhữu tình. Trăng đã lên, sao sáng lung linh. Chiếc ghe con cập vào conđò đang neo, mang lỉnh kỉnh những thức ăn cùng hai kiều nữ sông Hương, bạn học của Bửu Chính lúc hắn chưa đi lính. Qua màn giới thiệu, với ánh mắt linh hoạt, nhưng cử chỉ e thẹn nhẹ nhàng. Người đàn ông chủ đò sáp xếp đồ ăn cùng rượu và hai tiểu thư bắt đầu vào cuộc vui đờn hát. Ly rượu đầu trang trọng giao hảo với tiếng cười không ngớt. Bầu không khí nhịp nhàng chuyển động. Bửu Chính tỏ ra thích thú hết cỡ với những bài hát hò đặc giọng, đôi lúc nhẩy nhổm lên với tiếng mõ đúng điệu nhịp, tay vỗ vẻ suýt soa…Chưa quen với bàn tiệc kiểu này, tôi chỉ biết làm theo và bắt chước. Ngừng tiếng đàn hát hai ả chia nhau tôi và Bửu Chính…Nói cười ngọt lịm chẳng thua tiếng hát…Có lẽ còn dễ nghe và khoan khoái hơn…Rót vào tai êm ả, mê ly…Cùng rượu nồng thi nhau biến hết. Chả mấy chốc,đêm vắng lặng, bóng trăng đã ngả xuyên qua lỗ vách liếp đò…Cả bốn người có vẻ khật khừ, những câu hát chợt nổi, ngắn không bài bản, tuôn ra tùy hứng…Tự nhiên bàn tay sôi nổi đi tìm cảm giác rồi những tiếng cười ré lên “Nhột, mần chi mà nhẽo rứa” Cứ thế, trong đỉnh của sự cợt nhã…Lúc ngối lúc lăn. Ông chủ đò đã mang ra chai rượu thứ hai. Dĩa gà luộc to lớn và chén muối tiêu chanh ngổn ngang như chiến trường tàn cuộc. Cái phao câu gà cứ bị đẩy qua lại tênh hênh một mình như thách thức. Vai đã ghì vai và miệng mặt cũng gần nhau phà hơi thớ nóng chẩy…Thoạt tiên ngần ngại, dần dà bạo dạn hẳn lên. Ngọn đèn chao đi theo con gió đêm lạnh và đỉnh điểm cuộc vui bày ra trong những cái lắc lư, sóng vỗ mạn đò…Đờn một bên, mõ một nẻo, quấn lấy nhau trong tiếng kêu trầm thống, thịt gọi thịt, da gọi da, nhịp tim gọi nhịp tim hào hển, háo hức, nồng nã. Ngọn đèn gió đã tắt đi từ bao giờ, ngoài kia ánh trăng soi rõ làn sương mù như đang e ấp với giòng sông. Đò đêm nay, lần đầu tiên khám phá mê cung, tôi mất đi cái đáng nhớ cuộc đời… Nhưng dù sao nét lãng mạng của cuộc chơi đã xóa ngay trong trí những băn khoăn, thẫn thờ…Lăn tùm xuống sông trong nước lạnh giá, tôi khoan khoái tháo bỏ những vết sước trên thân thể. Bơi hai vòng quanh đò, thầm nghĩ đã sạch sẽ. Vào trong khoang nằm vật xuống ngủ lăn như chết.
4- Năm ngày nghỉ phép, tràn đầy những cuộc vui, tâm hồn thoải mái. Toán cũng đã dần tề tựu. Sáng nay thiếu úy Chính được gọi lên phòng hành quân (TOC) Nhận mục tiêu và dự thuyết trình sơ khởi. Chiều đến lên kho lãnh đồ trang bị hành quân. Sau cơm chiều, chiếc xe jeep đưa toán nhập khu cấm (Isolation). Nghĩa là từ giờ phút này cho đến lúc kết thúc hành quân. Toán không được giao tiếp với bên ngoài. Cuộc thuyết trình hành quân chính thức bắt đầu vào lúc tám giờ tối. Thiếu úy Bửu Chính và Trung sĩ Lê Nam dự thuyết trình. Bốn đứa tôi coi TV và tán gẫu chờ đợi. Khoảng hai tiếng sau Chính và Nam trở về thông báo hành quân và phân nhiệm vụ cho mỗi người…Toán chúng tôi sẵn sàng hành quân với thành phần: Hai cán bộ thuộc Nha-kỹ-thuật và bốn Biệt-kích-quân (Special Commando Unit) SCU. Toán Thăng-long cùng tám chiếc Kingbee H34 vừa mới đến bãi trực thăng trại lên đường bay ra Quảng-trị. Nơi đặt Căn-cứ-xuất-phát nắm trong khu vực Sư-đoàn 101 nhẩy dù Mỹ…Khoảng mười giờ sáng, một Trung sĩ người Mỹ đến thông báo toán trưởng chuẩn bị đi xem bãi đáp xâm nhập.
Thiếu úy Bửu Chính cử tôi đi thay thế. Ngồi trên xe ra phi trường. Chiếc OV10 đậu sẵn chờ đợi…Lần đàu tiên tận mắt tay sờ…Lòng thán phục nền kỹ thuật tuyệt vời, nét thiết kế mỹ thuật, kiến trúc vững chãi và mọi vật hoàn hảo đến từng chi tiết. Người Đại úy phi công dẫn tôi leo lên buồng lái phía sau, tay chỉ vào cái khoen mầu vàng chữ D ngang,chốt an toàn mầu đỏ bên dưới. Hệ thống cấp cứu này nằm dưới giữa chân ghế của phi công và giảng giải”
“Mệnh lệnh tôi sẽ truyền cho bạn, hãy nhìn vào gương chiếu hậu trước mặt tôi. Trường hợp khẩn cấp, tiếng báo động reo vang và xin để ý khi nào tôi hô: “Emergency…go”
Bạn hãy rút cái chốt an toàn dưới khoen vàng đồng thời nắm khoen chữ D kéo mạnh lên trên. Đó là ghế thoát hiểm.”
Rời phi trường chiếc Covey lên cao bỏ lại sau lưng biển xanh. Núi cao trước mặt và dãy đồi xanh ngắt bất chợt dâng lên dãy núi đá loang lổ. Ngọn núi lẻ loi dẫn vào lòng chảo Khe sanh. Không hổ danh là loại trinh sát cơ tối tân. Từ ghế ngồi, phi công có thể quan sát mọi hướng, kể cả dưới bụng phi cơ. Chính sự thon nhỏ đã lấy hẳn sự che khuất tầm nhìn, đáng nói hơn bao phủ trên đầu hoàn toàn bằng kiếng trong … Đặc biệt không có cửa hông, người phi công phải leo qua thành máy bay đề vào ghế ngồi. Tiếng gọi trong mũ bay,nhìn lên kiếng chiếu hậu phía trước, gương mặt Đại úy phi công nhìn tôi tay chỉ và giọng nói trong mũ bay:
“Sửa soạn vào mục tiêu thả toán Lôi-hổ”
Tôi cười ra dấu hiệu tốt, lòng thích thú vì ở vào vị trí đi Covey thả toán… Nhớ lại buổi chiều khi toán tôi vào khu cấm, cũng là lúc toán của Đại úy Minh, sau này là Chỉ huy trưởng Đoàn 2…Cùng toán phó Trung sĩ Ban (Phạm văn Ban) và bốn Biệt kích quân lên xe ra phi trường. Chiếc Covey đang vòng trên khu vực bãi đáp. Sáu chiếc trực thăng lộ rõ dần. Tiếng người phi công gọi tôi
“Chú ý chuẩn bị, tôi xuống để chĩ điểm bãi đáp”
Toàn bộ trực thăng đã ở trên mục tiêu. Covey đang liên lạc với trực thăng và lao nhanh xuống. Tôi nghe thấy tiếng chú ý và tiếng hô Bingo của phi công và trên những chiếc trực thăng nhìn xuống. Covey là điểm còn tiếng Bingo là bãi đáp. Covey lao vút lên và đảo vòng. Dưới kia chiếc Gunship đang bắn dọn bãi. Nhanh và chuẩn cuộc thả toán xâm nhập chỉ trong vòng mười phút
5- Covey và trực thăng đang vòng vòng, chờ báo cáo của toán, tín hiệu tốt đẹp. Sự yên tĩnh dần được trả lại cho bầu trời. Covey đưa tôi đi xem bãi đáp. Bầu trời xanh ngắt, ánh nắng vào trưa chói chang. Dưới kia hiện ra dãy đồi núi đá loang lổ và cây cao thưa thớt. Đó là sườn của ngọn núi đá cao, vách thẳng đứng một bên, phía dưới một mầu xanh rì chạy dài tít mù…Nhìn lên phi công theo tiếng gọi:
“Hải, bãi đáp là hố bom”
Theo tay chỉ, toàn bộ bãi đáp tôi nhận ra ngay… Lác đác xung quanh là những cây cao cạnh cái hố bom rộng.
“Đại úy, bay lại một lần nữa để xem địa thế”.
Quan sát với địa thế như vậy, toán phải thật nhanh chóng ẩn mình. Tôi chọn đám bụi rậm chạy dài theo hướng nam để ẩn nấp trước khi lấy lại phương hướng xâm nhập mục tiêu. Trên đường về, cảm giác nhẹ nhõm, tự mãn được trên chiếc Covey. Một dịp hiếm có và hãnh diện vì rất ít mục tiêu phải cần đến bay không thám. Tường trình với toán về bãi đáp, chúng tôi thống nhất cách hành động… Thiếu úy Bửu Chính lúc này mới thổ lộ:
“Tau không chịu nổi những cú xuống nhanh và lên gấp của máy bay”.
Qúa trưa ngày hôm sau Thiếu úy Chính và Trung sĩ Nam lên dự thuyết trình không quân. Sau thuyết trình (Briefing) toán chúng tôi có một tiếng đống hồ chuẩn bị. Mọi người phải thắt đai dây sì líp qua hai háng, móc sắt sẵn sàng trước bụng. Đôi găng tay được phát đề chống cái nóng cọ sát giữa tay nắm và giây tụt. Bốn chiếc UH1 Huey và hai Huey Gunship trên sân, phi hành đoàn lục tục lên máy bay. Thiếu úy Bửu Chính và tôi (Nguyễn văn Hải) lên chiếc đầu. Cón lại Trung sĩ Nam (Lê Nam) cùng Sơn (Lê văn Sơn) Mẫn (Đặng văn Mẫn) Phùng (Trần Phùng)…Sơn, Mẫn, Phùng và tôi đều là Biêt-kích-quân…Theo thuyết trình Chính và tôi trên một trực thăng đổ bộ trước, tiếp đến chiếc thứ hai sẽ đổ bốn người còn lại. Dây tụt dài ở mức ba mươi mét. Một Thượng sĩ Mỹ kiểm soát xem móc sắt trước bụng đã được gài vào dây tụt hay chưa…Mọi việc hoàn tất bằng cái dấu hiệu number one của Thiếu-tá Trưởng căn cứ. Đoàn trực thăng cất cánh. Ánh nắng chiều xuyên ngang rọi trực tiếp mầu vàng khè chói lọi vào cứa trực thăng, quang cảnh bên dưới một mầu xanh thẫm chứa dấu bí hiểm. Quay sang phía cửa bên kia ra dấu hỏi Chính tốt chưa? Ông toán trưởng mới toanh của toán tôi mà cả buổi chiều qua Đại úy Ginh (Trần trung Ginh) Đại đội trưởng Đại đội Thám-sát đặc biệt lưu tâm và truyền thêm nghề “Nhảy Toán”…Đoàn trực thăng và cả Covey đang trên mục tiêu, tôi nhận ra rõ khoảng núi đá thẳng đứng mà bên kia mới là bãi xâm nhập. Chiếc Gunship lao xuống, loạt rocket phóng xuống bãi đáp đồng thời cây đại bác 20ly bên hông khạc ra những loạt lửa dài. Người Thượng sĩ Mỹ ra hiệu. Trưc thăng từ từ đứng trên hố bom.
Tay trên tay dưới trong sợi dây tụt, chân chạm càng máy bay, tôi búng người lao xuống mắt hướng về phía dưới. Tay mặt nhấp siết hai lần dây tụt để giảm bớt lực xuống và rồi theo mắt nhìn dưới đất, ghì sợi dây một lần nữa, chân vừa chạm đất. Đưa tay tháo cái móc sắt khỏi dây tụt. Bên kia Chính cũng vừa xong. Trực thăng kế tiếp và bốn người còn lại xuống đất an toàn…Đúng như dự đoán cách bãi đáp không xa, khu rừng chồi quả là nơi che chắn lý tưởng. Thật nhanh chúng tôi biến vào khu rừng và yên tâm với địa thế hiện tại, nghe ngóng động tĩnh. Tôi báo cáo với Covey toán an toàn và đang di chuyển…Muỗi nhiều, tiếng vo ve săn đuổi. Toán phải dừng lại thoa thuốc muỗi. Tôi nói với Sơn đi đầu quan sát tìm chỗ ngủ.
6- Trung sĩ Nam và Phùng vừa gài xong hai trái mìn Claymore phòng thủ. Trời tối đen như mực, bên một hòn đá lớn, dựa lưng vào ba lô, nghe tiếng nhạc rừng trời đêm. Cảm giác lẻ loi một mình chân bỗng run lên lành lạnh. Dù rằng quanh đây đồng đội luôn phát ra những tiếng cựa quậy, đổi thế nằm. Thiếu úy Chính đang ho vào vặt áo bịt lên miệng, kèm theo hắt hơi đứt quãng, khô trong họng. Hắn đang dị ứng với núi rừng đêm lạnh. Một vệt ánh sáng mờ vừa chiếu qua, nhỏm người dậy nhìn lên chợt hiểu. Trên đồi bên kia, địch đang truyền tin cho nhau bằng ánh đèn pin. Tiếng ầm ì, ầm ì như mỏng manh trong gió vọng lại có lẽ còn nhỏ hơn nhiều so với cái cựa mình của đồng đội. Ánh đèn pin trên kia vẫn lúc mở lúc tắt theo cái khóa truyền tin. Bầu trời muôn ngàn sao, bất chợt một sao xẹt tạo một vệt ánh sáng đâm xuống hướng nam. Tiếng xe chạy mỗi lúc một rõ dần. Vẻ nặng nề chở nặng hay xe đang lên dốc. Ngọn đèn pha loang loáng có lúc bị che khuất bởi vật cản hay lùm cây bên đường. Ánh đèn pha lúc này rọi thẳng về hướng chúng tôi chỉ cách nhau khoảng một trăm mét…Chúng tôi đang ngủ cạnh con đường. Tiếng động cơ tạo sự rung động lan truyền theo đất và cả không khí âm vang dậy núi rừng. Thấp thoáng bóng người đi bộ theo hai bên xe. Nhờ ánh đèn pha, nhìn kỹ có người đeo súng quần áo bộ đội xen lẫn đám người ăn mặc thường tay cuốc tay sẻng. Ngang tầm chỗ toán đang ẩn núp. Bốn chiếc xe và đoàn người đột nhiên dừng lại. Đã có lệnh truyền trong cái lao xao tiếng người nhưng chẳng rõ họ đang nói gì ?…Lại gần Thiếu úy Chính, tôi bàn định…Phải di chuyển ngay trong đêm, cứ thẳng hướng mục tiêu. Để tránh xa cái con đường nguy hiểm này. Nam và Phùng đã tháo xong hai trái mìn . Toán lên đường mò mẫn trong đêm tối. Ánh sáng lân tinh từ chiếc la bàn của Sơn thi thoảng chợt lên rồi lại tắt…Tiếng gà gáy từ bên dưới núi vang lên, vọng lại xa hơn tiếng thú rừng vẻ buồn tình hay cả hứng tình hú gọi, gầm gừ hoặc vui thú reo vang. Di chuyển trong đêm tối thật vất vả, nhưng nhờ vào địa thế trống trải không phải mở đường, cái khó và mệt trong lúc này chính là độ dốc. Núi mỗi lúc một cao làm trì nặng đôi chân. Một tiếng hú lớn ngân vang, phía trên xa có tiếng đáp lại, đồng ca với đàn gà gáy dồn dập dưới dốc núi ngụ ý như đón chào ngày mới… Mệt thì nghỉ rồi lại leo… Nhắc Thiếu úy Chính căn hướng đi cho đúng, thầm nghĩ sao mục tiêu cứ ở mãi trên cao … Làn gió lạnh buốt hắt cuộn vào như ôm chặt chúng tôi, kèm theo mây mù giăng giăng trong cái sáng mờ mờ, đầu tiên của một ngày. Ngồi nghỉ lại bên tảng đá lớn quanh gốc cây. Toán chuẩn bị lương thực cho một ngày. Đun nước sôi trong cái ca nhôm, đổ nước vào hai bịch gạo sấy pha cà phê và tận hưởng điếu Capstan…Thèm muốn chết…Bửu Chính đang lo soạn bức điện và định hướng trên bản đồ vị trí con đường đêm qua. Ăn sáng xong toán bắt đầu di chuyển. Cây rừng không rậm cũng chẳng thưa tạo được tầm nhìn tốt nhưng cũng rất dễ để lộ tung tích…Đành vậy còn hơn khu rừng thưa đêm qua. tiếng ò ò của Covey bao vùng, chiếc O2 (FAC) còn nếu OV10 thì ấm hơn ì ì. Toán dừng lại , tôi bảo Mẫn bật điện đàm…Covey đang gọi tôi trả lời và chuyển ngay bức điện…Tiếp tục di chuyển theo triền dốc thoai thoải, khu rừng này có cái sướng là không có lấy mợt con vắt…Tiếng người ho làm chúng tôi theo tự nhiên ngồi thụp xuống, nhìn vào chỗ phát ra tiếng ho, chả thấy gì?. Lại ho nữa, lần này sặc sụa…
7- Rồi tiếng nói như còn ngái ngủ, chậm rãi “Ho mãi vậy để tớ ngủ, đắp cái khăn vào cổ đi” Chúng tôi đồng nhìn nhau, tôi tự hỏi chẳng lẽ là ma, mà ma sao nói được… Chợt hiểu tôi lấy tay chỉ chỉ xuống đất và những cái gật đầu đồng tình. Phất tay ra hiệu lẩn trốn, di chuyển trong thế khum khum…Một bóng người chui ra từ đất phía bên kia triền dốc vừa ngáp vừa sững sờ nhìn chúng tôi. Người gần nhất là Trung sĩ Nam. Cây Car 15 của hắn nổ khoảng nửa băng, phát một. Bóng người đổ ra sau. Toán lập tức ra sức nhắm chạy theo nhau mau mau thoát càng xa càng tốt…Một địa thế có vẻ thuận lợi cho tác chiến. Tôi gọi mọi người dừng lại, đổi ba lô cho Mẫn rồi bật máy liên lạc với Covey…Ngay tức khắc có tiếng trả lời, tôi báo đụng địch và xin trợ giúp khẩn cấp…Covey trả lời đến ngay. Chúng tôi tiếp tục di chuyển, càng đi dốc càng cao, cây ít nhưng đá thì nhiều. Lúc này Covey đã trên đầu và gọi…
-“ Zulu Romeo đây Oscar November, cho xin số nhà đi.”
Cái ánh nắng buổi sáng bởi những tảng sương mù che khuất nên tôi đành nói với thiếu úy Chính cho một người cầm panel ra khoảng trống mé ngoài phía thung lũng chờ máy bay…Nhớ mật hiệu mầu cam.
– “Oscar november, tôi đang ở hướng tám giờ, anh vòng sang phải qua thung lũng, ngay trên núi.”
-“Oscar november đây Zulu Romeo, cứ tiến tới hướng 11 giờ…12 giờ. Panel mầu cam đang chờ trước mặt.”
-“Ok thấy rồi bạn nên cố lên phía trên, có những tảng đá cao, ít cây rất dễ cho không trợ, sẽ có ngay đồ chơi, đang xin cho bạn triệt xuất.”
-“Cám ơn Oscar november, thoát.”
Chúng tôi đi thêm 100 mét, quả đúng những tảng đá mọc chen cùng cây thấp. Bãi lý tưởng để câu dây trệt xuất. Lập ngay vị trí phòng thủ. Bời chắc chắn địch sẽ theo chân chúng tôi. Trungsĩ Nam vừa gài xong trái Claymore và hai trái mìn M14… Toán chờ đợi. Trái mìn M14 nổ tung và rồi những tràng đạn tới tấp, sối sả của địch bắn vào. Cây M79 của Phùng nổ ác liệt tạo nên bụi khói che chắn tầm nhìn. Với vị trí lúc này ở vào địa thế cao chơi từ từ lựu đạn là tốt nhất…Một tiếng nổ lớn và rồi loang theo những lửa và sức nóng. Trái B40 của địch nổ tung trên tảng đá lớn. Loạt hơi nóng bao trùm đánh bạt cái lạnh ban sáng. Chúng tôi ở vào vị thế vượt trội và sau màn lựu đạn và M79. Địch có vẻ chững lại, cùng lúc chiến trường yên ắng nặng nề. Liên lạc báo cáo nhanh với Covey. Tôi nhắc Trung sĩ Nam “Coi chừng trái Claymore, tụi nó sắp tấn công”. Một tiếng xẹt, vèo ngay trên đầu, cây 79 của Phùng vừa phát hiện tên xạ thủ B40 của địch. Ôm trọn trái 79, rồi tiếng nổ và tên địch gập xuống như ai đó gấp tờ giấy…Không nghe tiếng nổ trái B40 của địch…Có lẽ đang xuống thung lũng. Vẫn cái bấm mìn trước mặt, Trung sĩ Nam đang loay hoay móc thêm lựu đạn. Tiếng hô xung phong vang dội, đám địch xuất hiện vừa bò vừa bắn dữ dội lên trên. Những cây Car 15 giờ đây mới nổ dòn…Xác người xấp ngửa thấy rõ làn đạn cày sới cùng những co giật thân mình. Lợi thế trên cao quả là tuyệt vời. Qua đi những khói bụi đám đông lố nhố dăng hàng lum khum, tay súng nổ dòn nhào lên. Trái mìn Claymore nổ tung khói lửa bụi mù. Bên này địch vẫn tiếng hô, thét áp đảo. Thiếu úy Chính đứng hẳn lên hô :
“Chạy lên phía trên mau.”
Rồi không đợi ai hắn tiến lên trước. Đúng với chiến thuật mìn nổ là lúc mở đường máu…Chạy một đỗi, chiếc Covey đang trên đầu…Xa xa hai chiếc Khu trục A1 Skyraider…Tôi đề nghị với Chính. Lập ngay phòng thủ gài luôn trái mìn của Phùng đang gọi Covey xin không kích. Tôi thấy Phùng từ nơi gài mìn hớt hãi chạy lên, bỗng quay lại nổ một trái 79.
8- Tôi hét vào trong máy.
-“Oscar november, tôi đang bị bao vây, địch tấn công . Oanh kích ngay vào trái khói vàng…”
Tháo trái khói đeo nơi ngực, tôi liệng thẳng xuống hướng địch. Ngay lập tức tấm panel vàng cũng được căng lên giữa toán… Loạt đạn 20 ly phầm phập nổ liên tục. Chiếc A1 như ngừng lại, nhìn thấy cả tia lửa nơi nòng súng…Chiếc thứ hai cũng đang từ từ chúc đầu nổ dòn đạn 20 ly. địa thế quá gần để không thể thả bom chùm… Bên trên chiếc Covey bỗng lao vụt xuống phóng một trái khói. Chiếc A1 đầu tiên lúc này tách ra tấn công vào vị trí Covey mới phát hiện. Tiếng bom nồ đinh tai không dứt kèm theo bên trận tiếng hô xung phong lanh lảnh…Bỗng chốc địch tràn ngập. Súng nổ ầm vang. Cạnh tôi Phùng thét nghe rợn người, cây M79 văng khỏi tay hắn, lồng ngực thấm đẫm máu…Nằm lăn người qua một bên, tôi quăng vài trái lựu đạn và vội tiếp vào súng băng đạn mới…Cả hai bên cùng nấp vào những phiến đá chơi trò cút bắt. Bên kia Thiếu úy Chính ra dấu Sơn chết rồi. Hai chiếc A1 vẫn tấn công vào mục tiêu. Khẩu phòng không bị Covey phát hiện giờ đây im tiếng. Trong máy Covey đang gọi:
-“Zulu Romeo, bạn chuẩn bị triệt xuất di chuyển nhanh lên phía trên 100 mét. A1 sẽ can thiệp phía sau, bỏ lại hai người chết.”
Thông báo cho Thiếu úy Chính. Mò tay vào túi bi đông đựng lựu đạn tôi lấy hết số lựu đạn của Phùng, rồi nắm lấy cái bấm mìn chờ lệnh… Những trái bon napalm tạo một vệt lửa chạy dài, cách chúng tôi chỉ vào khoảng 50 mét…A1 đã quen với vị trí mục tiêu…Nhờ vào địa thế và khẩu B40 của địch đã bị diệt, thêm vào sự tham chiến của hai Khu trục cơ. Toán chúng tôi mới giằng co được cho tới lúc này…Sáu trực thăng đã có mặt trong vùng, tạo nên sự sinh đông phấn khởi. Hai chiếc Huey Gunship thế chỗ cho Khu trục cơ.Trên kia Covey dục Toán cố di chuyển…Bằng một hiệu lệnh gật đầu đồng ý. Trái Claymore nổ tung, khói và bụi đất che chắn sau lưng. Toán vội vã chạy lên đỉnh cao hơn. Đành bỏ lại Sơn và Phùng. Hai Gunship thay nhau yểm trợ…Đến được một phiến đá bằng rộng, đường kính khoảng 10 mét. Đưa tấm panel lên làm ám hiệu, Mẫn đang ngửa cổ nhìn trực thăng…Súng địch tới tấp từ hông của toán…À, tụi này đi vòng mong chiếm đỉnh cao, nhưng sợ máy bay phát hiện…Giật mình nhìn lại ,Mẫn chân vẫn còn quì nhưng người gập xấp trên phiến đá. máu tuôn ra lai láng…Tôi gọi Covey báo cáo, nhưng sao máy câm nín…Hiểu rồi lúc ngã xuống vì bị tấn công, nhớ lại một cái gì như ai đánh vào vai rất mạnh, nhìn qua sau vai, cời bỏ cái ba lô để kiểm soát…Đạn cày nát nắp ba lô tạo một đường rách dài lộ ra phần trên máy truyền tin nát bét…Rút vội cái máy P90 mở làn sóng cấp cứu…Có ngay tiếng hỏi :
“Làn sóng cấp cứu nào lên với tần số”
-“Đây Zulu Romeo, máy truyến tin của tôi bị bắn nát. Xin chuyển làn sóng cấp cứu…Thêm một toán viên chết.”
-“Ok Zulu Romeo nhận rõ, trực thăng sẽ câu bạn lên khi nào tình hình cho phép, chuẩn bị sẵn sàng, móc và đưa người chết về.”
-“Oscar November, roger that.”
Sự can thiệp chính xác vào địch bên hông vị trí toán. Viên phi công trực thăng đã thấy rõ địch quân bên dưới…Đã ngớt tiếng súng, thỉnh thoảng thẩy vài trái lựu đạn phòng ngừa, chúng tôi ghìm súng chờ đợi. Chiếc Gunship vừa vút lên cũng là lúc Covey gọi tôi”
-“Zulu Romeo, chuẩn bị trực thăng đang xuống bãi.”
9- Đưa tấm panel mầu cam về phía trực thăng đang từ từ tiến đến. Ba người đã chuẩn bị cho câu dây. Hai chiếc móc dây đai dù qua háng đã được gài. Trung sĩ Nam gài móc dây cho xác Mẫn đang nằm dài trên phiến đá. Ở bên này theo gió mùi máu tanh hòa lẫn khói thuốc súng tạo cảm giác nôn nao lợm giọng. Chiếc Gunship vụt qua. Khẩu đai liên tự động sáu nòng vãi như mưa đạn xuống bên sườn đồi. Trực thăng đứng trên đầu đang thả xuống bốn sợi dây câu, bỗng chao đi đầu chúc thẳng xuống thung lũng. Tiếng súng lại vang lên pha lẫn tiếng rocket nổ ầm ầm của chiếc Gunship theo sau… Bất giác nhìn xuống thung lũng một đám lửa khói bốc cao, thầm nghĩ những người chiến sĩ đang đi lên với Thượng-đế…Có tiếng Covey:
-“Zulu Romeo, bỏ lại người chết bạn có mười phút để ra khỏi nơi tồi tệ đó. sẽ dùng hỏa lực…Thoát mau đi.”
Đứng vội lên tôi nói với Nam và Chính chạy đi mau lên…Băng nhanh vào hàng đá núi, chúng tôi chạy dần lên cao, mặc cho địa thế hiểm trở, nhưng nơi đây nơi lý tưởng cho tác chiến. Phân thành ba góc, Trung sĩ Nam trải ngay tấm panel. Tôi gọi Covey:
-“Oscar november địa điểm mới, anh thấy thế nào?”
-“Zulu Romeo tốt chuẩn bị triệt xuất.”
Một chiếc UH1 Huey đang gần lại chúng tôi. Hỏa lực trên Gunship đạn cày sới tung tóe nhiều nhánh cây chồi gẫy gập. Trực thăng đang ở trên đầu, sức gió từ cánh quạt vẹt hẳn hàng cây…Chiếc Gunship thứ hai bắn ra những trái rocket có tiếng nổ phụ. Loại rocket phóng ra những đinh kim để chống biển người, cốt che chắn cho trực thăng. Người Mỹ phụ trách thả, rước toán đang buông dây câu…Rõ như ban ngày, người xạ thủ trực thăng rời tay súng, người gập thẳng vào giá súng, tay soãi lỏng, ngay chỗ tôi đứng chờ dây câu những giọt máu tong tong chảy xuống in đậm vào hàng đá tảng dưới chân. Lập tức trực thăng rú lên cất thẳng lên cao rồi vụt biến. Điên cuồng Gunship lúc này xuống thấp hơn. loạt đại liên và đạn 40 ly tự động tựa mưa rào trút xuống. Cùng lúc tiếng súng của địch bên dưới ầm vang…Vội thẩy mấy trái lựu đạn.
Tiếng Covey gọi tôi:
-“Zulu Romeo, bạn hãy cố cầm cự, Gunship sẽ ở cùng bạn, mọi thứ sẽ trở lại ngay…Cố lên.”
-“Oscar november, nhận rõ xin bạn cố gắng. hỏa lực của tôi đang hết dần.”
Hai trực thăng vẫn trút xuống thép và lửa nhưng thời gian tác xạ lâu dài hơn không tới tấp như trước…Nó đang câu giờ.
Chiếc Covey O2 sơn mầu rằn ri lao nhanh xuống phía đồi và đang thắng vút lên. Một trái khói trắng bốc cao.Chiếc F100 cũng sơn mầu ràn ri, không biết đến từ lúc nào lao nhanh xuống từ bụng phi cơ ba trái bom được nhả ra ngay trái khói chỉ điểm. Ba tiếng nổ dậy đất ầm vang cột khói bốc cao đen kịt. Tôi còn thấy rõ đường đạn đỏ theo máy bay…Những tiếng nổ tiếp theo sau liên tục. Một cột khói đen như cái nấm khổng lồ, bên trong nhìn rõ ngọn lửa sắc lẻm tung hoành. Chiếc F100 đã đánh trúng mục tiêu, bằng ngay mấy trái bom đầu.
10- Thật ngoạn mục khi chứng kiến cảnh những hòn than lửa bắn nối đuôi nhau vào chiếc F100 đang lao xuống bung ra một lúc ba trái bom mà không thèm bốc lên cao, đang bay gần như sát cụm rừng. Tiếng nổ ầm vang như sấm. Một biển lửa bao phủ mục tiêu. Phi cơ dần vút lên cao, giờ chỉ còn chấm nhỏ rồi mất hẳn trên bầu trời. .. Trận không kích thành công.
Nơi chúng tôi chận chiến bỗng ngưng hẳn…Một cuộc chơi mới chăng?…Đã có tiếng trực thăng từ hướng đông vọng lại. Những đốm đen từ bầu trời to dần. Sáu chiếc trực thăng đang bay tới.
-“Zulu Romeo, bạn thấy chiếc OV10 chưa? hắn sẽ thay tôi giúp bạn. Tôi chì còn đủ xăng để bay về, tạm biệt.”
Ngay sau đó tiếng Covey gọi :
-“Zulu Romeo, tôi thấy quả cam của bạn rồi. Chờ dọn bãi, hãy chuẩn bị trực thăng sẽ đến từ thung lũng, ghé vào bốc bạn ra. Không sử dụng dây câu.”
-“Oscar november. Roger that.”
Chiếc Cobra bổ xuống trút những viên đại liên, rồi tiếng nổ của đạn 40 ly(M79). Tiếng súng của địch bên dưới vẫn từng chặp sối sả cặp kè theo chiếc Cobra…Bốn chiếc Kingbee H34, thuộc phi đoàn 219. Không quân Việt Nam Cộng Hòa. Phi đoàn được mệnh danh “Thần Phong” bởi thành tích anh hùng, rất liều mạng trong chuyến thả và rước toán Biệt-kích…Huyền thoại về những phi công được danh xưng Cowboy hay Mustachio được loan truyền và mãi là những hiệp sĩ hào hùng bất diệt. Mặc cho tầng đạn từ Cobra. Bên dưới địch quân vẫn bắn lên như mưa mỗi khi trực thăng xuống tác xạ. Người phi công Cobra như hiều được tình hình và đã quen mục tiêu…Bây giờ họ đổi chiến thuật. Xạ kích từ trên cao rồi quay ngoắt về hướng thung lũng…Tiếng súng chát chúa rồi thấy rõ những vết đạn xoáy tung những hòn đá nhỏ rớt trên đầu và cổ. Nhìn ra hai tên địch vừa bò lên nằm im bất động. Lựu đạn lại được tận dụng…Cũng may loại lựu đạn đặc chế cho Biệt kích là loại nhỏ, nhẹ nên mỗi người chúng tôi có thề mang theo hành quân khoảng ba mươi trái…
-“Zulu Romeo, bạn có hai phút chuẩn bị, trực thăng đang đáp.”
Chiếc Kingbee bay theo sườn núi phía thung lũng sát những cây chồi rừng. Người xạ thủ đang vãi đạn trên đường hạ xuống. Chỉ còn vài mét nữa, cố chịu sức gió từ cánh quạt, chúng tôi khom lưng lao thẳng về phía cửa trực thăng. Chỉ còn cách trong gang tấc. Bỗng trực thăng nhổm lên, phía sau đuôi kêu ầm ầm…Vội nằm lăn xuống đá…Trực thăng giống như con diều mất gió ngửa bụng lao về hướng thung lũng xoay tròn như con cù…Rớt dần…dần cho đến khi ánh lửa và khói bốc cao…Chứng kiến sự việc, tự dưng ứa nước mắt. Nằm đây mà hồn tôi nao nao. Một nỗi buồn khôn tả ập vào tâm trí. Trong thân thể sức lực gần như chẳng còn…Đành nằm buông xuôi ăn vạ vậy…Đạn và rocket từ Cobra vẫn bốc lên những tầng khói, gió hắt lên bao trùm chiến trường mùi thuốc nổ khét lẹt hòa lẫn cây rừng tỏa hương ngai ngái, nồng nã. Ba chiếc Kingbee còn lại đang quần đảo bên trên chiếc Covey…Họ đang bàn tính gì chăng?. Hai chiếc Cobra vẫn thay nhau kềm mục tiêu. Một Kingbee đang tách đoàn ba chiếc… Từ hướng thung lũng, hạ độ cao ngang tầm sườn núi bay ***** vào chúng tôi. Trực thăng rú lên rồi từ từ hạ xuống ngay sát chỗ toán. Gập người đề tránh sức gió, chỉ còn khoảng một hai mét. Nhổm người lên lao nhanh vào bụng máy bay…Qua khung cửa trực thăng đụn mây trắng vun vút đi ngang nhanh đến chóng mặt. Một áp lực nào đó như đè chúng tôi xuống sàn. Bằng vào cái hất ngược, trực thăng quẹo gấp sang trái, thấy cả trời mây và cảm giác trì nặng, thổn thức…Trực thăng đang thẳng xuống thung lũng rồi dần dần bốc lên cao…Một màn bốc toán ngoạn mục, đầy tính oai hùng, sáng tạo và một nét đẹp, tuyệt đẹp trong hành động…Tôi thở phào soài người trên sàn, tứ chi gần như không cảm giác…Trong bụng tiếng sôi eo éo và cơn đói tràn dâng… Miệng ứa nước miếng.
=======================================
Sài Gòn Xưa & Nay đã thêm 5 ảnh mới — cùng với Chung Tử và 7 người khác. 10 tháng 2, 2015 ·
Có những hồi ức đời lính chiến đã từng tồn tại trong miền ký ức, dù 40 năm trôi qua,những tưởng quãng thời gian đủ lâu để làm phai mờ mọi dấu tích, phủ một lớp bụi lãng quên lên mọi thứ nhưng cũng chính thời gian như một lưỡi dao sắc nhọn, khắc sâu vào tâm trí người lính Việt Nam Cộng Hoà, đặc biệt là các vị anh hùng Biệt Kích dũng mãnh những ký ức, làm sống dậy kỷ niệm của những lần nhảy toán,những khoảnh khắc đối mặt với tử thần, thoát chết trong gang tấc... Tuy chỉ là một bài viết ngắn về một chuyến công tác trong vô số những trang hồi tưởng sống mãi với thời gian, xin mời tất cả các bằng hữu gần xa cùng lên chuyến xe ngược dòng thời gian, để cùng trở lại chiến trường xưa, nơi để các vị huynh trưởng cao niên cùng hồi tưởng những tháng ngày chinh chiến khi được lệnh di chuyển trong những "chuyến công tác đặc biệt" và cũng là dịp cho các bạn trẻ có được cơ hội hiểu biết, để thêm phần yêu quý đời lính chiến, kính trọng các bậc tiền nhân ra đi vì lý tưởng non sông, như một lời thề xác quyết.
"Làm trai đứng ở trong trời đất
Phải có danh gì với núi sông."
mà cụ Nguyễn Công Trứ đã dạy khi xưa. Sài Gòn Xưa&Nay cũng không quên gởi lời cảm ơn đến tác giả của bài viết cùng với lời tri ân đến các bậc tiền bối, những vị anh hùng tử sĩ Việt Nam Cộng Hòa.
CHUYẾN CÔNG TÁC ĐẶC BIỆT
Những ngày chinh chiến đáng ghi nhớ,viết lại cho các bạn cùng đọc.
NGÀY 23 THÁNG CHẠP
Cứ mỗi năm gần đến Tết âm lịch lòng tôi lại bồi hồi nhớ đến chuyện đã xảy ra trong cuộc đời lính chiến của mình,nhớ những người bạn đã mất nhớ những người bạn thân và những đứa em tuổi học trò thường hay đi theo khi tôi về phố dạo chơi với người anh ‘thần tượng’ của chúng nó.
Tháng 12 âm lịch năm 1974 cũng nằm trong tháng 2 dương lịch của năm 1975,tôi không nhớ chính xác ngày Tây là ngày mấy vì lâu quá rồi nhưng ngày ta thì tôi chẳng bao giờ quên bởi nó là một ngày mà ai cũng biết và đối với tôi ngày ấy là một ngày đặc biệt và nhớ suốt đời vì tôi nhận được lệnh đi công tác(gọi là “đi nhảy”) vào đúng cái ngày “đưa ông Táo về Trời”,bình thường thì mỗi lần hành quân(nhảy toán) chỉ có 10 ngày thôi nhưng kỳ này lại phải đi đến 20 ngày, khi được chọn để đi công tác thường thì các Toán thay nhau hay đến phiên mới phải đi,lần này thì ngoại lệ vì tôi mới vừa xong một chuyến công tác về có 3 ngày lại được chọn đi tiếp cùng với 11 người khác mà số người ‘được chọn’ hầu hết là nằm trong sổ “bìa đen”của đơn vị ,tôi cũng nằm trong số đó(ba gai). Bạn hãy tưởng tượng mỗi người phải mang theo 20 ngày lương thực và 2 lần cấp số đạn,vật dụng cá nhân,súng,lựu đạn,nước uống(bao gồm cả nước để làm cơm)riêng tôi phải đem theo 2 loại đạn cho 2 loại súng trong cùng một khẩu súng(M18 và M79),tính ra có lẽ nó nặng tròm trèm 1 tạ chứ chẳng chơi vì còn máy truyền tin,pin(cho máy TT),mìn claymore và mìn chống chiến xa nữa,cách thức để mang cho hết là:
- 10 ngày vác trên lưng còn 10 ngày kia bỏ trong thùng nhựa miệng rộng có nắp tròn đậy kín ,khi đến gần mục tiêu chúng tôi phải đào lỗ chôn cái thùng nhựa,sau 10 ngày sẽ trở lại lấy để đi tiếp vì mục tiêu khá xa và chuyện tiếp tế cũng khó mà thực hiện khi đang hoạt động trong lòng đất địch.
Mục tiêu mà chúng tôi phải đến có tên là Nông Trường Nam Đông(còn gọi là mật khu Nam Đông) ,theo tin tức Tình Báo cho biết là có thể có kho xăng dầu,ống dẫn dầu,bệnh viện và một đơn vị Công Binh của V.C đang mở đường (Trường Sơn)nằm trong khu vực đó và có thể có cả trại giam giữ Tù Binh nữa,nếu thấy thì tùy tình hình Toán sẽ tìm cách để giải thoát Tù Binh luôn thể.
Nhiệm vụ của chúng tôi là xác nhận những chi tiết của Không Ảnh cộng với lời khai của những tù binh V.C khai ra,thời đó Không Ảnh chưa được tối tân như bây giờ cho nên phần nào bị mây che hay mục tiêu nằm dưới rừng cây thì không ai có thể đoán được những gì trong vùng đó cùng với lời khai của Tù Binh thì ai mà tin được cho nên mới phải đi kiểm chứng lại.
Lần này được gọi là chuyến “Công Tác Đặc Biệt”cho nên chỉ có những người trong cùng đơn vị biết mà thôi,khi có lệnh chuẩn bị(được lệnh trước 1 ngày)tôi không thể về thành phố Đà Nẵng để từ giã người thân,bạn bè trước lúc ra đi,chỉ âm thầm sửa soạn mọi thứ rồi chờ đến lúc lên đường,tôi xuống khu gia binh nhờ các bà vợ lính làm thức ăn khô chứ không thể nào mang nổi 8 cái thùng Ration C trên lưng và hầu như ai cũng phải làm như vậy. Giờ N đã đến,đó là buổi trưa ngày 23 tháng Chạp,ngày đưa ông Táo về Trời,một đoàn Trực Thăng 5 chiếc lần lượt đáp xuống bãi đáp trực thăng trên núi ngay phía sau lưng doanh trại của đơn vị ,hai chiếc xe Jeep vội vã chạy lên chở các Phi Công xuống để được thuyết trình Hành Quân về chuyến công tác đặc biệt này.
Chúng tôi được Sĩ Quan Ban 3 thuyết trình về mục tiêu,về bãi trực thăng sẽ thả xuống, tình hình chung quanh khu vực và những điều cần thiết cho chuyến công tác,Ban Truyền Tin cung cấp Đặc Lệnh Truyền Tin trong đó có những chi tiết về tên mật hiệu của Toán, mật hiệu của đơn vị của Phi Đoàn Trực Thăng sẽ phụ trách thả cùng nhiều chi tiết quan trọng khác về an toàn hay nguy hiểm mà tùy hoàn cảnh của Toán để mọi đơn vị liên quan cần biết, sau đó đến lượt các Pilot của Phi Đoàn 215 Thần Tượng (được tăng phái từ Nha Trang ra vì nhu cầu chiến trường) thuyết trình riêng với các Toán Trưởng và Toán Phó với những chi tiết khác với lần thuyết trình cho 2 toán vì họ chỉ được cho biết những gì liên quan tới nhiệm vụ của họ mà thôi cùng với tình hình của nơi sẽ thả các Toán xuống. Hôm ấy trời nắng thật đẹp,cái nắng rực rỡ của mùa Xuân làm cho tôi cảm thấy bồi hồi vì chỉ một lát nữa thôi, chúng tôi sẽ đến một nơi chưa từng biết ,sẽ không hưởng được cái Tết của miền Trung, từ lúc ra trường cho tới lúc này chưa lần nào tôi được ăn Tết ở thành phố hay ở nhà,tôi chạnh nhớ tới nồi bánh tét của nhà tôi hay nấu mỗi năm,nhớ nồi thịt kho tàu của mẹ tôi ,nhớ dưa hành củ kiệu, và nhớ nhất là những cô hàng cà phê xinh đẹp đã có cảm tình với tôi nhưng chẳng cô nào dám lấy một anh sống chết chả biết ngày nào như tôi cho dù tôi có “đợp chai” đến mấy đi nữa em cũng “chả dám hay là hỏng dém” còn có cô thì nói “em sờ lặm anh ơi” vì có biết ngày nào em sẽ là góa phụ và phải hát bài “ngày mai đi nhận xác chồng” (Tưởng như còn người yêu)?ôi sao mà nó buồn đến vậy, nhưng thôi, đời Lính mà,mà lại là cái thứ khó nuốt này nữa, biết làm sao hơn!!
Chúng tôi được cho biết bãi thả cách xa mục tiêu hơn 3 cây số cho nên tương đối an toàn,từ đó sẽ lội rừng đến mục tiêu nhờ vậy tôi cảm thấy yên tâm hơn,xe GMC chở 2 Toán đi công tác và một toán ứng chiến lên sân bay,chúng tôi vẫn vui đùa ca hát trong lúc xe đang leo núi,có anh nào đó cất tiếng hát bài “xuân này con không về” rồi cả đám hát theo:
- Nếu con không về chắc mẹ buồn lắm,mái tranh nghèo không người sửa sang….
Với chúng tôi Sinh Tử coi như chuyện bình thường chẳng có gì phải lo lắng cả vì cũng đã quá quen rồi,với tôi đây là chuyến đi nhảy lần thứ 9,coi vậy mà cũng “thọ” dữ chứ hả,vậy mà cũng chưa “lạnh cẳng” đâu nhe,mỗi khi được lệnh đi công tác thì chỉ buồn chút thôi chứ chưa hề biết sợ,sợ thằng tây nào chứ?
Hai toán đi công tác và một toán ứng chiến lên 3 chiếc trực thăng,mỗi chiếc 6 người,nếu hai toán xuống đất đụng độ hoặc bị phục kích hay máy bay bị rớt thì toán ứng chiến sẽ xuống để yểm trợ,còn 2 chiếc kia là trực thăng võ trang sẽ cùng vào vùng để dọn bãi đáp nếu cần và yểm trợ hỏa lực khi có biến,trong lúc đó 1 chiếc phi cơ thám thính loại L19 đã bay ở trong vùng gần mục tiêu để quan sát bãi đáp cũng như để đánh dấu cho trực thăng biết chỗ nào để thả bằng cách bay chúi xuống rồi ‘lắc cánh’(nghiêng cánh qua lại)còn gọi là “Bingo”.
Đoàn trực thăng đồng loạt quay máy ,cánh quạt từ từ tăng vận tốc,cát bụi mù mịt khắp nơi,từng chiếc cất cánh theo thứ tự lên khỏi mặt đất rồi nối đuôi nhau,dẫn đầu bằng 2 chiếc võ trang,kế tiếp là 2 toán và cuối cùng là toán ứng chiến,tất cả các toán đều ngồi dưới sàn 2 bên máy bay đưa chân ra ngoài đong đưa để dễ dàng nhảy ra khỏi máy bay khi đáp xuống cách mặt đất khoảng 1 đến 2 mét.Những chiếc trực thăng hướng về biển Thanh Bình xuống thấp rồi lên cao trực chỉ hướng Tây Bắc của Đà Nẵng ,ngồi trên máy bay chỉ còn nghe tiếng cánh quạt đều đều cùng với gió lạnh trên cao lần lượt bỏ lại sau lưng biển xanh loang loáng ánh mặt trời, đến những xóm làng quê,phố xá thân quen của Đà Nẵng cùng với những nổi buồn xa xôi thoáng qua trong tâm tưởng..
Sau hơn ½ tiếng đồng hồ bay qua rừng núi chập chùng bên dưới hợp đoàn đã tiến vào vùng gần mục tiêu trong lúc chúng tôi được thông báo chuẩn bị mọi thứ mang theo để khi nhảy ra khỏi máy bay là không sót thứ gì vì máy bay chỉ dừng trong vòng 10 đến 15 giây ở độ cao 1,2 m,chiếc L19 đang bay ở trên cao đã bắt đầu chúi mũi xuống nghiêng cánh qua lại “Bingo” rồi bay vút lên cao như cũ, 2 chiếc võ trang bay thấp hơn cũng bay thành hàng 2 chúi xuống chổ chiếc L19 vừa lắc cánh nhưng không bắn vì không thấy động tịnh gì ở dưới đất, hai chiếc thả toán bay thêm một vòng rồi từng chiếc đổi cao độ từ từ đáp xuống ngọn đồi được chỉ điểm bởi chiếc L19,tôi ở chiếc thứ 2 và khi nó xuống còn cách mặt đất khoảng 1 m thì 2 bên cùng nhảy ra khỏi máy bay chỉ trong vòng 5 giây là xong ,thật nhanh chúng tôi mang tất cả đồ đạc súng ống lẫn vào những lùm cây trên ngọn đồi thấp trong đó đã có toán thứ nhất xuống trước để giữ an ninh cho chúng tôi.Sau một hồi quan sát không thấy có gì nguy hiểm chung quanh chúng tôi báo cho hợp đoàn biết là toán được an toàn bằng mật lệnh có sẵn trong lúc đó những tiếng cánh quạt của trực thăng xa dần ,nhỏ dần rồi mất hút ở chân trời trả lại cho núi rừng sự tĩnh mịch êm đềm của nó.
Một lúc sau không lâu lắm 2 toán trưởng và 2 toán phó chấm lại điểm đứng trên bản đồ và thật ngạc nhiên khi so sánh và đối chiếu trên bản đồ thì biết rằng chúng tôi đã được thả vào tận mục tiêu mà trên máy bay không ai nhận ra hoặc biết điều này vì chúng tôi cũng chỉ dựa vào những người đi tìm nơi thả toán an toàn sau một thời gian bay tìm bãi đáp(thường thì từ 1 đến 2 tuần trước khi thả)không biết vì lý do gì mà họ lại thả chúng tôi vào tận mục tiêu(chuyện này đôi khi vẫn xảy ra)lập tức chúng tôi báo về cho trạm liên lạc biết về tình hình Toán và mục tiêu,trạm liên lạc truyền tin này được đặt trên núi cao cách nơi chúng tôi công tác khoảng hơn 20 Km chúng tôi không thể liên lạc trực tiếp với đơn vị vì quá xa,cùng lúc đó chúng tôi chia nhau quan sát chung quanh bằng cách bò ra phía ngoài bìa rừng và quả thật từ trên cao không ai có thể nhìn thấy những căn nhà ẩn dưới những tàn cây lớn và một điều ngạc nhiên nữa là sao chẳng thấy bóng dáng của địch quân đâu cả?nhưng nếu để ý kỹ thì sẽ thấy khu vực này im vắng một cách khác thường vì trong rừng xa xôi như thế này luôn có những tiếng chim chóc hay khỉ vượn kêu hót đằng này thì không!có lẽ lúc máy bay tới đây bọn chúng đã bỏ chạy và ẩn nấp ở đâu đó.
Tôi đang còn suy nghĩ tại sao thì đột nhiên ai đó ở mé trong nói khẽ “Việt Cộng”,chữ cộng vừa dứt thì một tràng súng AK xé nát bầu không khí tĩnh mịch trong khu vực có 2 toán của chúng tôi và tiếng bắn trả của các bạn nổ giòn khắp nơi,tôi lăn người qua một gốc cây nhìn ra phía ngoài chỗ mình vừa mới xuống nhưng chẳng thấy bóng dáng tên nào cả và cũng không thấy được hết chung quanh,thật sự đây là lần đầu tiên trong đời lính tôi bị bao vây tứ phía mà không biết sẽ làm cách nào để thoát ra khỏi nơi này, cứ chống cự đến cùng thôi chứ biết sao bây giờ?
Mùi thuốc súng đã làm cho tôi phấn chấn và bình tĩnh một cách lạ thường mặc dầu trước đó khi nghe loạt đạn đầu tiên tôi có hơi run,Toán Trưởng của tôi đang kêu cứu trên máy truyền tin dưới làn mưa đạn của VC,tôi nghe anh ta nói khá lớn:
- Bắc Đẩu đây Sao Mai nghe rõ trả lời?(Bắc Đẩu là đài Tiếp Vận truyền tin,Sao Mai là tên Toán tôi)Sao Mai gặp nạn xin lệnh triệt xuất ngay lập tức,trả lời?( BĐẩu trả lời)
- Không có đường nào để di tản được hết,bị bao vây tứ phía.(BĐẩu trả lời) Anh ta lết tới bên cạnh tôi rồi nói:
- Ch/Úy Ngọc ra phía ngoài chỗ trống thủ mặt đó dùm tôi,tôi lo mặt trong,Tr/Sĩ Đức nằm gần Ch/Úy Ngọc cách mấy thước phụ mặt đó.
Tôi trườn ra phía ngoài núp ngay một bụi lau cháy dở dang còn cao khoảng một thước để quan sát,chỗ này trống trải và nguy hiểm quá nhưng tôi phải giữ không cho tên nào bén mãng phía trước chỗ máy bay vừa thả toán xuống lúc nãy,thôi cứ nằm đây thấy rõ hơn ở dưới chân đồi, và bất cứ tên nào bò lên là mình sẽ” đưa em vào hạ” ngay ,bên kia con suối nhỏ là những căn nhà núp dưới tàn cây tôi nhắm căn nhà cách chỗ tôi khoảng 150 m nhả đạn M79 vào , rót từng trái một rồi đệm một tràng M18 sau đó từng phát một cho chắc cú ,bóng chúng nó chạy thoát ra khỏi căn nhà đang bốc cháy,có đứa nhào xuống suối và đạn vẫn nổ vang khắp nơi,một toán viên bò ra trợ lực với tôi mang theo lời nhắn của toán trưởng:
- Cố gắng giữ mặt này để một lát khi hợp đoàn vào bốc thì anh chớp mắt(chiếu kiếng) và trải thảm màu an toàn cho họ xuống bốc,toán mình mất 2 người rồi và toán kia cũng mất 2 người, máy bay vừa đổ xăng xong và đang trên đường vào.
Nghe vậy tôi hơi bị khựng lại một tí ,không biết 2 đứa nào của toán tôi ,chết hay mất tích? Mỗi Toán có 6 thằng giờ còn có 4 thôi !làm sao chống cự nổi với ít nhất một Đại Đội của tụi nó đây?
Tuy nhiên tôi cũng mừng vì biết rằng trực thăng sẽ đến cứu,hy vọng là không quá trễ vì chỉ cần một tiếng đồng hồ thôi thời tiết trong núi có thể thay đổi,mây hoặc sương mù mà kéo đến thì không cách nào máy bay có thể xuống cứu Toán. Tôi và Trung Sĩ Đức núp cách nhau khỏang mấy thước vẫn lo mặt trống không có tên nào bò lên tôi cảm thấy đỡ lo hơn nhưng mặt trong và phía sau vẫn chống cự quyết liệt,bỗng nhiên có tiếng xé gió trên đầu rồi tiếp theo là tiếng nổ lớn như đạn súng cối từ đâu bắn tới cách chúng tôi khoảng 10 m ở phía ngoài làm tung bụi tro than và mảnh đạn văng tứ tung,tôi nghĩ thôi chết thật rồi làm sao tránh được đạn pháo kích đây khi mình không có gì che thân cho vững chắc? trên đầu thì không có anh nào có nón sắt mà chỉ cột cái khăn xếp hình tam giác thôi,cũng chẳng có hầm hố hay tảng đá nào để núp cho an toàn mà chỉ toàn là lau sậy chúng mới đốt để trồng trọt con mẹ gì đây hỏng biết nữa?cũng may là đạn pháo cứ rớt rải rác chung quanh nhưng không trúng chỗ Toán đang nằm, phía mặt trong cũng vậy còn có được cây cối nhưng phần nhiều không lớn lắm.
Thời gian như trôi qua thật chậm,từ lúc xuống đến giờ chỉ hơn 1 tiếng đồng hồ mà sao nó lâu như thiên thu bất tận!Lần đầu tiên trong đời tôi thầm kêu than với Chúa,tôi ngước mắt lên trời và cầu nguyện:
- Hôm nay trời quá đẹp Chúa ơi,nắng vàng trời xanh như thế này nhưng sao Chúa lại để con chết nơi đây hả Chúa !?, xin Chúa cứu con.
Phía sau lưng tôi là núi cao trước mặt là khoảng trống không,hai bên là rừng cây mà chẳng biết nó ra sao vì lúc xuống tới nơi phải chui vào bụi rậm chưa kịp quan sát chung quanh thì chả có ngõ nào để rút lui cả,tất cả nằm đây chịu trận và cố thủ cho đến viên đạn cuối cùng.
Trong đầu tôi lúc ấy chỉ nghĩ đến cái chết ở núi rừng xa lạ này,những hình ảnh của gia đình ,bạn bè người thân hiện ra trong tâm trí và rồi cứ nghĩ không biết lúc chết có được toàn thây hay sẽ tan xác vì đạn pháo kích?nếu mà nó bắt được thì cũng coi như tiêu vì chúng sẽ cắt lưỡi hoăc tùng xẻo như chúng đã làm với những người bị bắt ở những chỗ khác!? Đường nào cũng tới La Mã cho nên sợ đếch gì?tuy rằng đang nghĩ đến những chuyện không hên nhưng mắt thì vẫn quan sát phía trước.Tiếng súng,tiếng lựu đạn ,tiếng đạn pháo vẫn nổ khắp nơi,phía bên trong có tiếng la lớn:
- Tụi nó đang bò lên đó,bắn chết mẹ nó đi,giữ cho kỹ,đừng để tụi nó lên là tiêu à nghe.
Một trái B40 từ đâu bắn vào chỗ 2 toán đang cố thủ làm cho cây cối gãy đổ lung tung, thêm một trái nữa cũng trúng vào một thân cây lớn làm nó toác ra một nhánh lớn đè lên đám cây nhỏ nhưng không ảnh hưởng gì tới toán. Tiếng pháo kích chợt ngưng trong giây lát thay vào đó những tiếng hò hét của VC:
- Tiến lên bắt sống chúng nó,bọn nó sắp hết đạn rồi,đầu hàng đi, hàng sống chống chết.
Không phải dễ dàng dzậy đâu mấy em,làm gì có chuyện đầu hàng hả mấy em?có ngon thì nhào dzô coi ai chết cho biết. Th/Úy Toán trưởng tiếp tục gào lên:
- Sao mà lâu dzậy mấy cha,gần tiêu hết trơn rồi đây nè.
Không biết đơn vị trả lời như thế nào mà ổng biểu tui chuẩn bị chớp mắt,mẹ tổ có thấy gì đâu mà chớp cha nội,tôi ráng chống mắt về phía chân trời xa kia xem những chiếc trực thăng cứu tinh kia đã đến đâu rồi nhưng chỉ thấy một vài cụm mây trên bầu trời xanh thẳm mà thôi,hoàn toàn không có tia hy vọng nào trong cơn nguy biến,sau một hồi lâu cố nhìn cho kỹ ở phía chân trời hướng Đông- Nam tôi thấy một chấm đen như con ruồi,một rồi hai,ba ,bốn…tới 7 chiếc,mèn ơi mình có nằm mơ hông dzậy?chắc mắt bị lé cho nên đếm dư 2 chiếc?rồi tiếng cánh quạt chặt gió bùm bụp thoang thoảng từ xa vọng lại,chẳng cần phải đợi hợp đoàn tới gần tôi đã lấy “kiếng thần”ra nhắm tâm điểm vào đám ruồi,nghiêng cái kiếng qua hướng mặt trời lắc tới lắc lui cho chắc ăn vì ông mặt trời ở chếch về hướng Tây,chắc mấy ổng bị chói mắt cho nên ông Toán trưởng phải kêu lên:
- Mày lắc gì lắc dữ dzậy?tụi nó nói thấy rồi, một lát tụi nó đui mắt là khỏi dìa nghe em, trải thảm cam ra đội trên đầu cho tới khi nó gần xuống.
Tôi đáp trả:
- Mụ nội ông chớ đội lên đầu cho lâu VC thấy rõ nó bắn bể gáo tui sao cha?
Nói thì nói vậy chứ tôi vẫn phải tìm cách làm thế nào để mình không là cái bia mà trên cao vẫn thấy được,tôi đợi cho nó đến gần tôi mới nằm ngữa ra trải tấm pano trên ngực cho tới lúc nó báo là thấy rồi mới thôi.
Chỉ trong vòng mấy phút mà thần kinh căng thẳng giống như cả tháng vậy đó!hai chiếc Gun Ship đã thấy điểm đứng của Toán bắt đầu nhào xuống hai bên trên đầu của chúng tôi rót những tràng đại liên như bò rống làm tôi cảm thấy xung hơn.Bọn VC chỉ có nước độn thổ may ra còn được toàn thây hoặc chạy thục mạng còn có cơ hội ăn cám chứ đứng đó mà bắn thì tám ông tổ cũng hỏng cứu nổi, hai chiếc lên cao vòng trở lại bắn tiếp mà lần này nó cắt chỗ của Toán thành cái hình vuông,coi như 4 bên được trải đều những tràng đạn đại liên M60,những căn nhà phía bên kia đồi cũng bị banh chành vì những trái rocket phóng như điện xẹt,bọn VC chạy khỏi ngọn đồi cho nên áp lực đã giảm bớt rất nhiều và nhờ vậy toán thứ nhất có cơ hội kéo trang bị ra bãi đáp,lỉnh kỉnh thùng bọng máy móc,tôi vẫn tiếp tục bám vị trí bụi lau cháy chờ đến chiếc thứ 2.
Công nhận mấy ông Phi Công này cũng liều mạng chẳng thua mình chút nào cả,tụi nó ở dưới bắn lên như mưa mà mấy ổng cũng nhào xuống tỉnh rụi,2 cây đại liên hai bên cũng bắn trả quyết liệt,chiếc bốc toán 1 đáp thật nhanh chạm mặt đất,4 người quăng đồ đạc lên trước rồi mới leo lên trong lúc bọn VC lại tiếp tục pháo kích từ xa,chiếc trực thăng từ từ bốc lên khỏi mặt đất , lấy trớn bay lên cao,chiếc thứ 2 nãy giờ bay vòng trên cao từ từ xuống thấp rồi cũng nhào xuống bắn phủ đầu rồi đáp hơi lơ lững, cũng có lúc chạm đất rồi lại nẩy lên, bên kia 2 toán viên đưa đồ đạc với sự phụ giúp của một Sĩ Quan trong đơn vị và leo vào ngồi trong máy bay còn tôi với Toán trưởng cũng được kéo lên ngay sau đó,máy bay bốc lên khỏi mặt đất rồi cứ thế lên thẳng luôn chứ không lấy đà bay lên,thật may mắn khi nó đã lên hơn 100 thước thì bên dưới ngay chỗ chúng tôi vừa đứng một đám khói bụi nổ bung lên, chỗ đó vừa nhận một trái đạn súng cối,nếu chậm hơn khoảng 30 giây thì chắc số phận chúng tôi và chiếc trực thăng cũng đã tiêu tùng luôn không có đường về ,đúng là trời còn thương! phía dưới chung quanh đó những tiếng súng vẫn còn bắn lên theo máy bay,mấy chiếc gun ship lại tiếp tục ra tay nghĩa hiệp cho bọn chó câm họng. Đoàn trực thăng nối tiếp nhau bay lên cao hơn để tránh đạn và hướng về phía Đông Nam của khu vực mục tiêu,niềm xúc cảm khoái lạc vì được trở về làm cho tôi bớt căng thẳng đôi chút,định bụng sẽ đốt một điếu thuốc lấy lại bình tĩnh đột nhiên tôi thấy hợp đoàn chuyển hướng bay,lúc nãy trên trực thăng bốc toán của tôi có viên Sĩ Quan của đơn vị đi theo để phụ giúp và nhận diện các toán,thấy tôi có vẻ thắc mắc anh ta kề tai tôi nói”chuẩn bị xuống bãi khác”,anh ta cầm máy liên lạc với ai đó mà lệnh là toán phải nhảy xuống bãi khác để tiếp tục công tác,nghe vậy tôi giận điếng cả người không chịu đựng được nữa,tôi giật phắt ống nghe của ông Sĩ Quan nọ và hét lên thật lớn vào combine:
””C O N C A A C””
Lúc đó tôi không cần biết ông nào ở đầu bên kia vừa mới ra cái lệnh chết tiệt đó nữa,mẹ bà nó tới đâu thì tới,về nhà rồi tính,cùng lắm là phạt ‘ký củ’ hay nhốt vài bữa là cùng,tay này tái cả mặt mày chồm tới hỏi:
- Tại sao mày dám chửi con c..c với Chỉ Huy Trưởng?
À thì ra là lệnh của Chỉ Huy Trưởng đấy, tôi chẳng thèm nói mà chỉ ra dấu bằng hai tay lật qua lật lại vừa chỉ vào băng đạn của cây súng hắn mới hiểu ra là:
- Hết đạn.
Thử hỏi xuống bãi khác với vài viên đạn để tụi VC tế sống mình à?mất 4 đứa chưa đủ hay sao mà còn bảo xuống chỗ khác mấy cha?Tay SQ cầm ống nói kể lại cho xếp,không biết họ nói gì mà hắn ta nhìn tôi rồi chỉ ngón tay cái ra phía sau lưng của hắn,qua cái nhép miệng tôi biết là hắn nói:
- Đi về.
Lúc ấy tôi mới thật sự yên lòng nhắm mắt lấy lại bình tĩnh chứ không phải xuôi tay đâu nhe…rồi cả đoàn lại đổi hướng một lần nữa để trở về,tôi thò tay vào túi lấy gói thuốc Captain ra mồi một điếu rít một hơi thật dài để quên đi những giờ phút căng thẳng vừa qua mà tôi cứ tưởng như một giấc mơ hãi hùng,mới vừa đó thôi mà 4 bạn của mình đã mất tích(nghe nói họ chạy tìm chỗ núp rồi thất lạc luôn)đúng là “vào sanh,ra tử”mà!! Hợp đoàn đã về đến sân đáp trực thăng của đơn vị,lần lượt đáp từng chiếc,tất cả là 7 chiếc,có một chiếc cứu thương và một chiếc chở Chỉ Huy Trưởng Sở Công Tác,CHT của đơn vị tôi và viên SQ Tùy viên của Đại Tá CHT Sở,lúc nãy tôi không đếm lộn đâu các bạn.Các quan lớn xuống trước và đang chờ các toán ở văn phòng CHT,khi chúng tôi xuống đến nơi Đại Tá CHT Sở Công Tác đến bắt tay từng người an ủi về sự mất mát, dặn dò đôi điều như : -Đừng cho ai biết về những gì đã xảy ra, ăn uống rồi về nghỉ ngơi đi. Mà thật ra ở đơn vị đã biết hết trơn rồi,ông ta mời tất cả vào Câu Lạc Bộ của đơn vị ăn uống qua loa rồi mạnh ai nấy về phòng mình.
Buồn quá tôi về tắm rửa ,thay đồ xong ra ngoài đón xe quá giang ra Sơn Chà để đón xe đò về Đà Nẵng.Trời về chiều nhưng vẫn còn chút nắng,bước lên xe đò mà người vẫn còn như say sóng,tai vẫn còn vang vang vì đủ thứ âm thanh của chuyện vừa rồi và lòng thì luôn nghĩ tới những gì đã xảy ra thật bất ngờ,lạ lùng,kỳ diệu,sao mình gan quá vậy?sao mình liều lĩnh thế?tại sao mình lại đi chọn cái thứ lính này?ngay từ lúc đầu người vào tuyển mộ trong Quân Trường đã nói trước rồi mà!không có gì sung sướng cả,chỉ có phiêu lưu,mạo hiểm ,chết chóc vậy mà có cả trăm đứa tình nguyện trong khi họ chỉ nhận có hơn 20,mình ở trong số được nhận hãnh diện lắm chứ,oai hùng lắm chứ,về nhà còn dối Mẹ:
-Con được về Nha Kỹ Thuật Bộ Tổng Tham Mưu nè Má.
- Má đâu có chạy chọt gì đâu mà sao con được về chỗ sướng quá vậy?
Mẹ tôi rất vui mừng vì nghĩ rằng con mình sẽ ở nơi an toàn khó mà chết chứ Mẹ đâu có biết đó chỉ là cái tên vỏ bọc mà thực chất nó là loại lính nguy hiểm nhất trong tất cả các sắc lính khác.Miên man với những suy nghĩ mà mình đã về đến nơi lúc nào chẳng hay,chân bước như người không hồn đi một mạch đến thẳng quán cà phê mình thường ngồi:quán Thiên Nga.
Vừa mở cửa bước vô tự nhiên nguyên một đám bạn ngồi đâu chẳng biết( vì ở ngoài bước vào hơi tối chưa quen mắt với những ánh đèn trong quán) đứng lên chạy ra ôm chầm lấy mình,có cả chủ quán ,bồi bàn cả cô Cashier nữa làm mình chẳng hiểu chuyện gì xảy ra? mọi người cười có khóc có làm tôi càng bối rối hơn,
- Chuyện gì vậy, tôi hỏi?
- Vậy mà họ nói anh bị mất tích hồi chiều nay khi vừa mới xuống tới nơi đó,đứa em học trò nói.
Thì ra là có ai đó ở đơn vị nghe tin từ lúc chúng tôi báo về mất 4 người mà ai cũng đoán tôi là một trong 4 người đó cho nên họ báo cho bạn thân của tôi biết rồi bạn tôi đi kêu mấy đứa em học sinh thường hay theo tôi uống cà phê làm một buổi “tưởng nhớ”nho nhỏ để nhớ đến tôi,trong lúc họ còn buồn bã đang nhắc lại những kỷ niệm cũ thì tôi mở cửa bước vào,có đứa em còn nghĩ tôi là ma trở về ,thật là một chuyện bực mình vì ai đó đã tung tin thất thiệt làm mọi người cứ tưởng thật mà nghĩ lại thì cũng vui vì nhờ đó mà mình mới biết tình cảm của mọi người đối với mình như thế nào,đến cả chủ quán trước giờ chẳng khi nào vui vẻ với tôi(vì có tôi trong quán thì khách sợ không dám đến)mà hôm nay thì mừng đến khóc,cô Cashier cũng vậy ghét tôi còn hơn ghét c.. vì tôi hay chọc ghẹo trước mặt bạn trai của cô ta,hôm nay cô chạy đến ôm tôi mừng rỡ như gặp lại người xưa và cũng khóc đỏ cả mắt thật là tội nghiệp,mấy đứa học sinh cũng khóc như mưa(nghe bạn tôi kể lại khi tụi nó nghe tin tôi mất tích) thấy thương tụi nó quá!sau đó ông bà (anh Hoàng và chị Nga)chủ quán nói với mọi người rằng:
- Hôm nay anh chị sẽ đãi tất cả mọi người một bữa tiệc nhỏ,cũng gần đến Tết rồi ,có gì ăn nấy,có sẵn bánh tét và thịt kho ở dưới nhà nữa để mừng Chú Ngọc trở về bình an.
Trong vòng tay thương yêu của mọi người lòng tôi cảm thấy bồi hồi xúc động,không ngờ ai cũng thương yêu mình hết lòng,lo lắng buồn khóc khi nghe tin mình mất tích và cũng chính lúc đó tôi thấy cay trong mắt cùng những giọt lệ lăn dài trên má….
Tháng 2 năm 2015.
Để nhớ tới các bạn đã mất,các bạn và các em thân thương của tôi cùng anh Hoàng chị Nga.
Chung Tử
https://vi-vn.facebook.com/SaiGon.ngayxua/posts/c%C3%B3-nh%E1%BB%AFng-h%E1%BB%93i-%E1%BB%A9c-%C4%91%E1%BB%9Di-l%C3%ADnh-chi%E1%BA%BFn-%C4%91%C3%A3-t%E1%BB%ABng-t%E1%BB%93n-t%E1%BA%A1i-trong-mi%E1%BB%81n-k%C3%BD-%E1%BB%A9cd%C3%B9-40-n%C4%83m-tr%C3%B4i-qu/847843531924696/
Kỷ niệm Với 2 niên trưởng. Trần Lê Tiến và Phạm Vương Thục
Cuộc hành quân Lam Sơn 719 trên chiến trường Hạ Lào tháng 2/71, tuy khốc liệt, nhưng cũng là cơ hội để các anh em pilots trực thăng chúng tôi vừa mãn các khóa huấn luyện UH-1 [K/1-2-3-4] tại trường bay Hunter, Georgia, có dịp thử lửa và trau dồi thêm kinh nghiệm tác chiến cho những trận chiến kế tiếp trong cuộc chiến Việt Nam sau này.
Tôi, Nguyễn Tấn Tài, và Nguyễn văn Hoàng vừa mãn khóa 70-02, một trong những khóa đầu tiên trong chương trình Vietnamization. Về Nước July13, một tháng sau ra trình diện đơn vị liền [Aug. 06 /70]. Tuổi trẻ hình như không biết sợ, đứa nào cũng nóng lòng muốn tham gia cuộc chiến, mặc kệ số phận ra sao! Hoàng có gia đình ở Tam Tòa nên coi như có số may mắn nhất; không ngờ chưa đầy một năm sau, Hoàng bị tử thương trong một phi vụ gunship đêm cùng với Hoàng tất Đắc [khóa 1-Hunter] ngoài vùng biển Mỹ Khê . Ng.Tấn Tài quê Saigon, sau này chuyển qua Chinook, về Biên Hòa, PĐ 237, cũng bị bắn rớt, chết trên chiến trường Bình Long-An Lộc. Tất cả đều bởi định mệnh oan nghiệt mà nên! Trong đời bay trực thăng có lẽ không mấy ai dám cậy tài năng mà sống sót!
Ngày bốc thăm ra đơn vị, vị Thiếu Tá/Sĩ Quan trưởng phòng Nhân Viên/BTLKQ, sau khi đọc một danh sách đặc biệt của BTL với khoảng 20 người có lẽ do thân nhân, cha mẹ, đã khéo léo biết cách bồi dưỡng đúng chỗ, nên các anh em ấy được ưu tiên về các phi đoàn ở Biên Hòa và Cần Thơ, coi như may mắn được phục vụ vừa gần gia đình, vừa gần Sài Gòn, chắc chắn sẽ an toàn hơn. Số còn lại, sau đó mới tới lượt chúng tôi chia nhau ra bốc thăm cho vui. Dù sao thì BTL/KQ cũng đáng được vinh danh là binh chủng tương đối còn công bằng hơn các đơn vị tác chiến khác!
Căn cứ 41/Đà Nẵng, tháng 8/1970, mới chỉ có hai phi đoàn trực thăng: PĐ 213 và PĐ 219. Tất cả còn trực thuộc Không Đoàn 41/Chiến Thuật cùng với các phi đoàn “fixed wings ” như PĐ 516 [A-37] và PĐ110 [L-19]. Phi đoàn 213 đã được trang bị trực thăng UH-I nhưng PĐ/219 vẫn còn bay H-34. Hai phi đoàn ở sát, đối diện nhau, trong tình hàng xóm đậm đà, bạn bè cũng hay qua lại giao du. Phần đông các cấp chỉ huy 219 cũng từ gốc 213 mà ra và ngược lại. Cả hai phi đoàn cùng tọa lạc đằng sau khu Phòng Khánh Tiết của phi trường, gần sân đậu VIP. Sau này với đà bành trướng của Không Lực VNCH và trước khi có cuộc hành quân Hạ Lào/Lam Sơn 719, các phi đoàn trực thăng được tách khỏi KĐ 41/CT để trở thành Liên Đoàn 51/Tác Chiến, có thêm PĐ/233 vừa thành lập. Tuy nhiên, trong trận chiến Hạ Lào, chỉ một mình Phi Đoàn 213 có một phi đội gunship để hộ tống cho các slicks của cả ba phi đoàn 213, 219 và 233.
Tháng 2/71, mùa Đông giá lạnh, toàn bộ phi đoàn 213, từ pilots đến cơ phi xạ thủ, kể cả y tá phi hành, nhân viên văn thư… được lệnh bay ra biệt phái ở căn cứ Ái Tử/Đông Hà, trong khu doanh trại cũ của U.S. Marines bỏ lại. Đông Hà, miền địa đầu giới tuyến, là vùng đất khô cằn sỏi đá như sa mạc, xen giữa núi và biển. Mặt trong, hướng Tây, Trường Sơn, với núi non trùng điệp; sừng sững như những bức trường thành vĩ đại chắn ngang biên giới hai nước Lào-Việt. Mặt ngoài, biển Đông chói sáng như tấm gương khổng lồ, ánh nắng gay gắt thiêu đốt vạn vật, làng mạc xơ xác tiêu điều, cỏ cây lưa thưa, trụi lá… Các núi nằm sát bìa ngoài, gần quốc lộ, chỉ toàn là những núi đá trọc, với những tiền đồn quân sự như Rockpile, Sark, Fullers… là cửa ngõ dẫn vào căn cứ Khe Sanh. Ban đêm, sương lạnh từ vùng núi kéo xuống dữ dội, tạo nên một vùng “ground fog” mênh mông trắng xóa, không còn phân biệt đâu là ranh giới giữa Biển và Đất. Mỗi tối, sau phi vụ trở về hậu cứ ở Đông Hà, cũng là BCH tiền phương của LĐ 51/Tác Chiến, anh em phi hành đoàn chỉ biết quây quần chung quanh những bi-đông rượu rẻ tiền cùng với những hộp C-rations làm mồi để chống lại những cơn gió lạnh ray rứt, hầu tìm giấc ngủ say mê sau một ngày mệt mỏi nơi chiến trường. Dù vậy, được đặt chân lên tuyến đầu của Vùng Hỏa Tuyến vẫn là niềm hãnh diện chung cho mỗi chiến sĩ, bất kể binh chủng nào, dù là BB, BĐQ hay KQ, Nhảy Dù, TQLC…
Mỗi buổi sáng , khi mặt trời còn chưa kịp lên, thì chúng tôi đã hối hả cất cánh rời biệt đội Đông Hà để bay vào Khe Sanh túc trực phi vụ trên những ngọn đồi bên cạnh phi trường hoặc dưới bóng mát của những tàng cây cafe trái chín đỏ rói, trong khu đồn điền cũ của Pháp gần Lang Vei, đang bị khai quang để mở rộng thêm chiến địa. Ban đêm, gió lạnh lùa vào những khu barracks trống trải, tường che chỉ có một nửa; giấc ngủ chập chờn, nên buổi sáng anh em dậy sớm cũng dễ dàng. Các trực thăng, cả Mỹ lẫn Việt, từ những căn cứ kế cận như Ái Tử, Carroll, Cà Lú… cùng nhau tua tủa bay lên náo nhiệt, đèn “beacon” lấp lóe đầy bầu Trời như đom đóm. Mỗi chiếc, sau đó, cứ thế tự động đi tìm vị trí, nối đuôi nhau theo một hàng dọc, như những toa xe lửa biết bay. Tất cả cùng bay theo lề phải con thung lũng ngoằn ngoèo dẫn vào Khe Sanh. Bên dưới, từng đoàn công-voa của các đơn vị Bộ Binh cũng đang chậm chạp, khó nhọc vượt qua từng ngọn đèo.
Vừa vào tới Khe Sanh, trời sáng dần, anh Phạm Vương Thục và tôi đáp xuống phi trường; còn đang “refill” thêm, thì trên tần số, Hành Quân Chiến Cuộc/Liên Đoàn 51/Tác Chiến đã liên lạc cho phi vụ phải bay vào BCH / Lữ Đoàn 3/Dù trên Căn Cứ Hỏa Lực 31. Anh Thục lấy chi tiết phi vụ “Một gunship hộ tống cho hai chiếc H-34 của PĐ 219”. Nhận lệnh xong, chỉ vài phút sau, chúng tôi “rendezvous” được với hai chiếc H-34 đang chờ trên vùng Đèo Lao Bảo. Có lẽ vì không đủ phi cơ, nên phi vụ chỉ có một gunship hộ tống cho hai chiếc “slicks”. Như thường lệ, tôi bay hoa tiêu phụ, anh Thục trưởng phi cơ.
BCH/Lữ Đoàn 3 Dù. Đồi 31 còn gọi là căn cứ Hỏa Lực 31, nằm cách biên giới Lao Bảo chừng hơn 40 phút bay theo hướng Tây Bắc, với Đ/tá Trần đình Thọ/Lữ Đoàn Trưởng. Đường bay này chúng tôi đã ra vô nhiều lần nên rất quen thuộc, chả cần coi bản đồ. Nếu ở cao độ trên 2000ft, từ Đèo Lao Bảo có thể nhìn thấy Đồi 30, Đồi 31 và Tchepone trong thế tam giác là những “check points” mà chúng tôi luôn nhớ để dễ định tọa độ các LZ khác và bay cho an toàn. Đồi [31] không cao lắm, đã được khai quang trống trải và rất rộng lớn so với các đồi thấp hơn bao quanh các mặt phía Tây và mặt Bắc hoặc mặt Nam là những tiền đồn nho nhỏ để canh chừng bảo vệ Bộ Chỉ Huy Lữ Đoàn Dù trên đỉnh 31. Không hiểu vì sao hướng Đông là tuyến vào của trực thăng khi cần yểm trợ, tải thương hay tiếp tế, nhưng lại bỏ ngỏ không có phòng thủ nên không được khai quang, rừng cây rậm rạp bao trùm cả hệ thống đường mòn HCM nằm chằng chịt như lưới nhện ở bên dưới, không biết con đường nào là chính. Khác với chiến trường Kampuchea toàn là rừng già thưa thớt thì ở Hạ Lào cây rừng từ thung lũng có thể vươn cao gần ngang đỉnh núi .
Từ bên này biên giới Vietnam, Trường Sơn Tây đổ xuống thành một vùng thung lũng mênh mông rộng lớn, rất phì nhiêu. Chính nhờ rừng cây rậm rạp mà trực thăng dễ tránh né nếu bay ở cao độ thấp [low level] Phía cuối thung lũng là con suối dài ngoằn ngoèo như con rắn đen khổng lồ, bò ngang qua chân Đồi 30, căn cứ hỏa lực đầu tiên của QLVNCH do đơn vị Pháo Binh trấn giữ. Đường bay tuy tương đối an toàn, nhưng mỗi lần bay qua thung lũng , tôi vẫn luôn đề phòng, tránh trường hợp để phi cơ lơ lửng lưng chừng Trời, làm mồi ngon cho phòng không. Con tàu mỏng manh, liều mình cắm mũi đâm xuống dòng suối tối đen, vẫn bám chặt lấy địa hình địa thế, rồi lẹ làng cắt ngang cho mau chóng. Suốt thời kỳ Hạ Lào, tôi giữ thế “low level” làm thế bay chính nên may mắn chưa lần nào bị bắn. Ngày ấy ống khói trực thăng chưa được chế cong lên như sau này nên cũng rất khó tránh né, ngoại trừ bay thấp. Mỗi khi vào vùng, tôi và trưởng phi cơ thường hay bàn tính, dự trù sẵn từng thế bay, cơ phi xạ thủ cũng sẵn sàng trong thế thủ, hai bên “miniguns” dương lên oai hùng, chỉ chờ có dịp nhả đạn!
Tuy còn là copilot nhưng tôi rất được các đàn anh tin tưởng cả về khả năng chấm bản đồ cũng như những thế bay tác chiến. Trên vùng trời xa lạ, anh em tin tưởng nhau, sinh mạng phi hành đoàn cũng phó thác cho nhau. Mỗi lần phải đổi toán thay thế, các anh Trần Lê Tiến, Nguyễn Văn Thanh, Hoàng Ngọc Châu, Phạm Vương Thục, đều không muốn để tôi về Đanang, coi như vừa hợp rơ vừa có số hên với nhau.
Ngày còn học quân trường Thủ Đức, khóa 5/68, tôi rất mê thích môn Địa Hình, thích tìm hiểu những vòng cao độ màu nâu chằng chịt trên tấm bản đồ hành quân. Không ngờ, khi mới về phi đoàn 213, Đ/úy Trần Duy Kỳ, tân TPHQ, lại giao cho tôi và Nguyễn tấn Phát, nhiệm vụ mỗi ngày xuống phòng Quân Báo/KĐ 41, ghi chép các tin tức an ninh chiến sự và lãnh bản đồ về cho anh em đi bay. Đúng là thích hợp với sở trường sở thích của tôi. Từ đó, Tôi và Phát cũng trở thành đôi bạn thân thiết. Sau Phát đổi về Biên Hòa và bị rớt làm tù binh trên chiến trường Kampuchea .
Sáng nay, anh Thục và tôi cũng vẫn theo phi trình thường lệ như những lần trước. Từ Đèo Lao Bảo bay tới Đồi 30, rồi từ đó lấy hướng West vô thẳng Đồi 31. Như đã liên lạc sẵn, ba phi cơ, một lượt lao xuống thật thấp, trên mặt rừng rậm rạp, cùng nhắm hướng bay vào. Hai chiếc H-34, slicks, nối đuôi nhau bay trước. Chiếc gunship, anh Thục lái, bọc phía sau, vừa tầm quan sát cả hai, nhưng không bắt buộc phải theo formation nhất định, để mỗi chiếc có thể dễ bề tránh né cho an toàn. Âm thanh động cơ và cánh quạt của ba chiếc trực thăng, xèng xẹc chém vào không khí, vang dội rùng rợn trên vùng không gian tĩnh mịch của buổi sáng sớm. Chiến trường hôm ấy, tự dưng như có vẻ yên tĩnh hơn mọi ngày! Rừng núi im lìm không khói súng, các họng Pháo Binh 155 ly, trên căn cứ hỏa lực Đồi 30, vẫn yên lặng chờ đợi. Mặc dù đoạn đường khá dài, nhưng từ xa, chúng tôi đã có thể nhìn rõ được vị trí của Đồi 31.
Trước đây, một lần, tôi có dịp bay với Phạm Văn Vui, một đàn anh từ trường bay Ft. Rucker, nhưng cũng mới vừa ra HTC. Chúng tôi chở Đại tá Nguyễn Đình Vinh, Tham Mưu Phó HQ/QĐI, vào Đồi 30 để thám sát chiến trường sau một trận tấn công mới xẩy ra đêm hôm trước. Khác với Đồi 31 là đồi đất, trọc lóc và thấp thoai thoải, không có cây cối. Đồi 30 như một vách đá thẳng đứng, bốn bề cheo leo hiểm trở, rừng cây rậm rạp bao quanh, ngọn cây vươn ngang tầm chóp núi, chỉ có trực thăng là phương tiện vận chuyển duy nhất để lên tới đỉnh. Vậy mà, một đêm, bọn đặc công Việt Cộng cũng đã trèo lên tận bãi đáp trực thăng nhưng bị quân ta đẩy lui, quân dụng còn ngổn ngang chưa kịp dọn… Tôi xuống lượm một chiếc nón cối màu kaki xanh xanh, bên những vũng máu còn loang lổ, định về làm kỷ vật chiến trường. Cái nón bị dấu mìn Claymore xuyên thủng nhiều lỗ, còn dính lại một cụm tóc nhỏ. Đ/tá Vinh muốn xin lại chiếc nón nhưng tôi từ chối. Sau này tôi mang về treo trong phòng ở khu cư xá độc thân Butler, được mấy bữa. Đêm nào tôi cũng mơ thấy hồn ma thằng VC về đòi lại cái nón, nên sau phải đốt bỏ nó mới được ngủ yên.
Ngày đầu có lệnh tiến vào nội địa Lào, bản đồ hành quân phát cho ngày hôm ấy chỉ được giới hạn theo mức tiến quân của các đơn vị bạn. Tôi bay với Đ.úy Trần Lê Tiến, chiếc lead gun. Chúng tôi lỡ bay quá giới hạn bản đồ một con suối mà không hề bị bắn. Các anh Nguyễn Anh Toàn , Nguyễn Văn Thanh, và Anh Thục bay theo sau . Bốn gunships cùng với chiến xa, một lượt ầm ầm, ồ ạt tiến vào đất Lào trên con Q/L số 9 từ ranh giới đèo Lao Bảo. Không khí trở nên rất hào hứng vui nhộn hơn là sợ sệt! Anh Tiến lái, tôi coi bản đồ, nhưng mắt và chân tay lúc nào cũng thủ thế sẵn sàng để nếu bất trắc gì vẫn có thể kịp thời “take over control!”. Theo sau đoàn chiến xa là những chiến sĩ tinh nhuệ nhất của QLVNCH. Thiết Giáp, Nhảy Dù… tất cả cùng hướng tới mục tiêu cuối cùng là Tchepone. Trực thăng tiếp tục quần thảo lòng vòng , ngay sát trên đầu, để bảo vệ cho đoàn quân đang mò mẫm tiến chiếm từng bước trên con đường đầy cạm bẫy và cây lá rậm rạp. Trước sức vũ bão của quân ta, quân CSBV dù mạnh mấy cũng phải thủ thế chờ đợi và chúng tôi đã an toàn trở về nội địa không một vết đạn, vui mừng trong chiến thắng của ngày đầu tiên.
Sau này, anh Tiến bị tử thương trong một phi vụ gunship ở vùng núi phía Tây Bắc Huế cùng với copilot là Th/úy Ng. Trọng Khanh, trước Mùa Hè Đỏ Lửa 1972, khi anh vẫn còn độc thân. Ngọn đồi sau đó được mang tên anh, “Đồi Trần Lê Tiến”. Phi đoàn ai cũng rất thương mến anh. Với dáng mảnh mai, cao ráo, đẹp trai, gốc Bắc Kỳ; tính tình dễ thương, tiếu ngạo, trẻ trung, lúc nào anh cũng vui vẻ yêu đời… Những lúc hứng chí một mình, anh hay lúc lắc cái đầu, nghêu ngao, huýt sáo nhè nhẹ mấy câu hát ngắn ngủi, có lẽ của một bài ca mà anh rất ưa thích: “Không! Không! Tôi không còn yêu em nữa… “. Bài ca này tôi đã nhiều lần thấy anh hát đi hát lại, không biết đời anh có oán hận một cuộc tình lỡ làng nào đó hay không?
Click here to view the original image of 1198x635px.
Trở lại phi vụ vào Đồi 31, vì UH-1 bay lẹ và uyển chuyển hơn H-34, nên anh Thục và tôi phải bay vòng lại nhiều lần để chờ nhau. Khi Tôi và anh Thục quay lui thì vừa lúc thấy chiếc H-34 thứ nhất rớt xuống lưng chừng đồi sau một tiếng “bộp” ngắn gọn và chùm khói trắng xì ra ở phần giữa đuôi của phi cơ. Tất cả cùng xẩy ra quá lẹ làng trong tích tắc. Phi cơ còn nguyên hình hài, chỉ cách bãi đáp vài mét; phần đầu nghiêng xéo một chút như kim đồng hồ chỉ về hướng C/c Tchepone, phi hành đoàn thoát ra vô sự… Anh Thục đáp xuống, vô “bunker” BCH Dù, xem tình trạng PHĐ ra sao. Tôi ở lại tiếp tục giữ máy ở thế “idle”, chờ đợi cỡ 15 phút. Tình hình an ninh chung quanh đồi vẫn bình thường, không có gì khẩn trương, chúng tôi cũng không bao giờ ngờ tình hình lại có thể thay đổi đột ngột như sau này; vì là BCH tiền phương lớn nhất của đơn vị Dù trên lãnh thổ Laò lúc bấy giờ. Sau đó chúng tôi cất cánh lên để nhường chỗ cho chiếc sồ 2 vào đáp. Trong lúc anh Thục còn đang định bay “circle around” thêm mấy “path” nữa để chờ chiếc H-34 số 2, đến lúc phi cơ vừa quẹo qua trái, trên mặt rừng góc Đông Nam thì có một tiếng nổ cực mạnh dưới bụng phi cơ, ngay sát chân đồi. Có lẽ, con tàu bị sức hút của khoảng “vacuum” bất ngờ nên lao chao như muốn rớt! Khi ấy, chiếc H-34 số 2 cũng vừa đáp xuống và báo cáo đã bị “trúng pháo” trên bãi đáp nên không cất cánh lên được! Cả hai chiếc H-34 đều bị hạ trên bãi đáp, không còn chỗ trống, và chiếc gunship nặng nề cũng chẳng làm được gì. Anh Thục đổi tay lái, bảo tôi bay ra, để anh liên lạc với BCH/Liên Đoàn 51/TC xin cho phi cơ “rescue” vô cứu, tình hình quanh đồi đã trở lại bình thường, không có dấu hiệu gì nguy hiểm hơn . Mọi người chắc chắn đều yên trí, Đồi 31 là BCH lớn nhất của đơn vị Dù trên đất Lào, không ai nghĩ Cộng Sản có thể sẽ tiến chiếm quá dễ dàng. Rất tiếc, hồi ấy LĐ 51/Tác Chiến mới thành lập, với ba phi đoàn trên vùng hành quân mà không có lấy một chiếc cấp cứu túc trực sẵn trên trời như các hợp đoàn trực thăng của Mỹ, đến khi có tàu vô rescue thì đã quá trễ.Tình hình lúc ấy chưa đến nỗi bi quan lắm, chúng tôi còn thản nhiên bay ra bình thường, không bị một viên đạn nào bắn lên! Mãi vài giờ sau, quân CS Bắc Việt mới bắt đầu mở màn tấn công. Khói đen bốc lên giữa đỉnh đồi như những trụ antennas thẳng đứng, có thể nhìn thấy từ bên này biên giới. Sau Đồi 31 lại đến Đồi 30 rồi căn cứ Tchepone, cứ thế mà xụp đổ như quân đô-mi-nô! Và tiếp sau đó là những trang sử đau thương đầy máu lửa của cuộc triệt thoái trở về nội địa của QLVNCH. Hai phi hành đoàn của anh Giang và anh Chung Tử Bửu, nếu có phi cơ cấp cứu kịp thời, chắc chắn các anh đã không bị bắt làm tù binh cùng với Đại tá Trần Đình Thọ và các chiến sĩ BCH Dù trên Đồi 31 sau đó.
Ngày ấy, những gì xẩy ra, đối với tôi đều như phép lạ! Tại sao trên cùng một bãi đáp [Đồi 31], cả 3 chiếc vào đáp cùng một thời điểm, nhưng 2 chiếc H-34 đều bị bắn khi xuống bãi đáp còn chiếc gunship của anh Thục và Tôi lại được tha? Nếu không có một sự che chở linh thiêng nào đó thì chắc chắn chúng tôi nếu không chết thì cũng đã cùng chung số phận với hai phi hành đoàn của anh Giang và anh Bửu/PĐ 219.
Quen biết anh Thục nhiều năm, nhưng mới đây trước khi anh mất, tôi mới biết anh là một tín đồ CG rất đạo đức; chắc chắn ngày ấy anh cũng đã tin ở phép lạ và sự che chở nhiệm màu nào đó như tôi, hoặc biết đâu tôi đã nhờ hưởng được những phúc đức của anh mà thoát nạn. Lần cuối có dịp gặp lại anh Thục ở Houston, Texas, vào dịp SĐIKQ hội ngộ năm 2010. Thấy anh ốm hơn ngày xưa rất nhiều nên tôi hỏi thăm, vì nghe tin anh bệnh mà không có dịp. Anh cười hiền từ, với cặp mắt vẫn nheo lại như lúc trước, mỗi khi anh em có dịp vui đùa. Anh nói: “Bệnh sơ thôi có xá gì! Ngày xưa Hạ Lào còn chưa chết mà!”. Làm tôi lại tưởng nhớ đến phi vụ của hơn 40 năm trước, cùng anh bay vào Đồi 31, BCH/LĐ.3/Dù, và những kỷ niệm ngày anh em còn chung phi đoàn 213/Song Chùy… Hồi tôi mới cưới vợ, anh cũng mới được đề cử chức Phụ Tá Sĩ Quan HQ/213 cho Đại Úy Trần Lê Tiến. Một hôm, tôi quá mê ngủ nên quên cả giờ bay, anh phải chạy xuống khu cư xá Butler đánh thức tôi dậy. Sau khi gõ cửa hoài không thấy trả lời, anh vòng qua lối cửa sổ, nhìn thấy lờ mờ sau lớp kiếng cửa sổ phòng tôi có gác đầy xoong nồi và chén bát… Anh sực nhớ tôi mới cưới vợ nên bỏ về không đánh thức tôi nữa . Sau này chỉ nghe anh kể lại cho vui mà không hề trách móc, làm tôi luôn ghi nhớ và quý mến anh. Anh có vóc dáng lý tưởng mà các phi công VN ai cũng mơ ước: to lớn, cao ráo, đẹp trai, râu ria râm rạp… Anh không thua bất cứ một phi công Mỹ nào về kích thước nên các đồ bay anh mặc cũng của các phi công Mỹ mới vừa! Là một copilot có nhiều dịp bay bên anh, tôi thấy anh rất hiền lành, giong nói cũng nhẹ nhàng, cặp mắt không to lắm, hơi nhíu lại một chút khi nhìn người đối diện với nụ cười như luôn cảm thông dễ dàng, tất cả đều trái nghịch với bề ngoài kếch xù, râu ria xậm đen của anh. Những ngày biệt phái, thỉnh thoảng buổi trưa có dịp bay về Đông Hà ra phố ăn trưa. Mấy cơ phi xạ thủ như Hết, Để, Mai… thường đeo thêm mã tấu đi bên cạnh, làm anh trông rất ngầu! Chúng tôi cũng hãnh diện lây trước con mắt ái ngại đang xầm xì của những người lính trận phong sương thuộc các binh chủng Dù, TQLC, hay BĐQ ở trong quán. Có lẽ họ cũng ngưỡng mộ trước kích thước cao lớn đồ sộ của anh.
Sau này tôi mới nghĩ thêm một lý do khác để giải thích tại sao VC đã không có ý bắn chiếc gunship của anh Thục và Tôi trên vùng Đồi 31 ngày ấy? Rất tiếc anh Thục đã mất nên anh em không có dịp cùng nhau mổ xẻ lại chuyện xưa. Tôi còn nhớ rất rõ, hôm ấy anh Thục mặc bộ đồ bay Nomex màu cứt ngựa hơi vàng vàng của US Marine Pilot, với cái áo Jacket da mầu nâu của US Navy Pilot mà anh hay mặc, và mang đôi giầy “boot” da màu đỏ lờn lợt. Anh cũng đội thêm chiếc nón rừng “rằn ri” của binh chủng Biệt Kích hay Nhảy Dù… Với vóc dáng kếch xù đồ sộ của anh cùng với nước da ngăm đen, râu ria rậm rạp; nếu Việt Cộng có dùng telescope mà quan sát thì chúng cũng sẽ lầm tưởng anh là một phi công Mỹ, lai Đen hoặc gốc Mễ. Có lẽ vì thế mà chúng đã buông tha không dám bắn, vì không muốn cho Mỹ [US Air Forces] có lý do để can thiệp làm hư hỏng kế hoạch sắp tấn công của chúng. Chúng tôi đã bay lòng vòng “low level” trên mục tiêu suốt cả nửa giờ, ngay trong tầm súng AK nhưng chúng vẫn không hề bắn lên một viên mà chỉ muốn triệt hạ 2 chiếc H-34 của anh Giang và anh Bửu. Thực sự phải có một lý do đặc biệt nào đó? Hay là lúc ấy chúng đã thắt chặt vòng vây quanh đồi [31] nên không muốn bị lộ tẩy làm hư kế hoạch tấn công? Và nếu sức hút của khoảng “vacum” , do tiếng nổ mà chúng tôi gặp phải, cũng chính là họng súng pháo kích lên chiếc H-34 thứ nhì, thì điều ấy chứng tỏ quân BV đã tiến rất sát chân đồi mà BCH Dù vẫn chưa hay biết gì; cũng như chúng tôi đang bay ngay trên miệng súng mà may mắn được chúng buông tha.
Sau cuộc hành quân 719, Tôi không còn mấy tin tưởng vào hỏa lực của gunships và những trái rockets. Sức công phá của rocket trên vùng rừng núi Hạ Lào chỉ tạo được một cụm khói tí hon như nhúm bếp vừa le lói khỏi tầm ngọn cây đã hòa tan theo làn gió. Sau khi ra hoa tiêu chánh [HTC], tôi xin trở về với nghiệp bay slicks. Với tôi, đời “Slicks” nguy hiểm nhưng thú vị hơn! Trực thăng khó nhất là đáp chứ không phải bay, nhất là phải đáp sao cho an toàn trong những điều kiện éo le của chiến trường, của địa thế hiểm trở và thời tiết khó khăn. Sự thử thách càng cao thì thú vị càng nhiều, đó là cái thú bay “Slicks”. Mỗi phi vụ hoàn tất an toàn trở về, tự nó đã mang lại một chút cảm giác chiến thắng!
Tại vùng I chiến thuật, núi rừng dầy đặc, khó khăn hiểm trở. Mọi hoạt động hành quân đều nằm trong vùng núi. Trực thăng UH-1 là phương tiện duy nhất, bên cạnh các hoạt động quân sự của các đơn vị Bộ Binh. Trong đời bay trực thăng năm xưa, có thể do cơ may, nhưng cũng có thể vô tình, mà tôi đã tìm được thế bay nào đó, khả dĩ có thể tránh né hữu hiệu, nên rất ít khi bị bắn; làm tôi không tin, chiến trường VN, kể cả Hạ Lào và Kampuchea, lại có nhiều phòng không như các bạn pilots khác, thường diễn tả lại. Thực tế tôi luôn đề phòng, lo sợ bãi đáp bị pháo kích nhiều hơn là sợ phòng không bắn rớt. Vũ khí phòng không là loại vũ khí cộng đồng, xoay sở chậm chạp và đòi hỏi phải có những xạ thủ chuyên môn, cần thiết cho chiến trường miền Bắc nhiều hơn ở miền Nam nên chắc chắn không thể được phân phát bừa bãi cho bọn du kích; ngoại trừ các mặt trận lớn với quân số cấp sư đoàn như trận Quảng Trị hay Bình Long – An Lộc nhưng cũng chỉ giói hạn trong một phạm vi nhỏ bé nào thôi. Điều quan trọng là phải luôn nắm vững tình hình trước khi thi hành phi vụ, nghiên cứu kỹ càng các vị trí bạn và địch chung quanh bãi đáp; do đó những phi hành đoàn chịu bay thường xuyên sẽ ít gặp nguy hiểm hơn những người lâu lâu mới đi bay. Tóm lại , không phải mọi nơi mọi lúc, chỗ nào cũng có phòng không dầy đặc như lưới lửa! Nào là 12ly7, nào là SA-7, 37 ly, 57 ly trực xạ… Tất cả có lẽ chỉ là những huyền thoại, được tô điểm thêm cho đậm màu sắc chiến tranh và chiến trường được hào hùng hơn mà thôi!
Chỉ có một lần, tôi được tận mắt chứng kiến những luồng tia lửa màu cam của SA-7 từ một ngọn núi ở phía Đông Bắc quận Ba -Tơ bắn theo chiếc trực thăng của Tr/tá Cao Q. Khôi, PĐT 213, vị niên trưởng khả ái của chúng tôi . Hôm ấy, anh Khôi từ hướng quận Mộ Đức bay vào để quan sát cuộc đổ quân vào Ba-Tơ/Quảng Ngãi. Vì là cuộc đổ quân quan trọng và nguy hiểm do hai phi đoàn 213 & 239 đưa một đơn vị thuộc Tr/đoàn 4, Sư đoàn 2/BB từ sân bay Đức Phổ vào giải tỏa cho quận lỵ Bato đang bị bao vây cả tuần lễ chưa chiếm lại được. Có lẽ anh lo lắng cho các đàn em, vì trước đó mấy ngày, Phi Đoàn 239 đã phải hy sinh một phi hành đoàn của T/úy Hoàng Vũ & Toản. May mắn hôm ấy, anh Khôi bay cao và lẹ, phi cơ cũng đã được trang bị loại ống khói mới với kiểu cong lên trời, nên đạn chỉ bay xẹt qua đuôi, trước con mắt kinh hoàng của chúng tôi. Còn lúc ấy, có lẽ chính anh Khôi cũng không hề hay biết mình đang bị SA-7 dí theo!
Quận lỵ Ba Tơ nằm trong vùng thung lũng giữa 3 quận Minh Long – Ba Tơ – Gia Vực, bao bọc bởi ba mặt núi. Chỉ có hướng từ Gia Vực bay ra là vùng thung lũng khá rộng, đủ cho 2 hợp đoàn xoay sở trường hợp có bất trắc. Do đó, tôi mới chọn lấy hướng vô Gia Vực rồi bay ngược trở ra, dù đường bay có xa hơn mấy phút. Từ phi trường Đức Phổ, tôi lead 10 chiếc slicks, với 4 gunships hộ tống, bay xuống khu rừng rậm ở phía Nam, ngang qua tiền đồn Biệt Động Quân của Th/tá Dư, một LZ rất quen thuộc đối với các phi hành đoàn 213 trước đây. Từ đó, chúng tôi bắt đầu low level, băng rừng vào hướng West, tất cả bay theo hàng dọc cho dễ tránh né và khi đáp cũng đáp từng chiếc một. Bốn gunships theo sau, hộ tống hai bên. Hai hợp đoàn vào tới sát chân núi mới quẹo phải, rồi ôm sát sườn núi phía Bắc, men theo đường thung lũng bay ngược trở ra Ba Tơ, vẫn với cao độ rất thấp. Không ngờ nhờ sự thay đổi ấy, vô tình [hay may mắn], đã vô hiệu hóa được các dàn hỏa tiễn SA-7, nếu có nhắm sẵn, từ dãy núi phía trước [East], chặn ngang Đức Phổ và Ba Tơ, mà chúng [VC] đã bắn lên phi cơ của Tr/tá Khôi, bây giờ sẽ không có tác dụng gì đối với chúng tôi; bởi vì SA-7 là loại vũ khí chỉ bắn theo đuôi chứ không có hiệu quả gì với thế trực xạ “diện đối diện”. Có lẽ nhờ vậy mà hai hợp đoàn, 10 slicks và 4 gunships, đã an toàn hoàn tất phi vụ, trở ra, không chiếc nào bị bắn! Phi vụ hôm ấy tôi còn nhớ có Đ/úy Nguyễn Như Huyền, Đ/úy Trần Văn Hòa bay các slicks số 2, số 3 theo sau, tàu của Tr/úy Trần Tâm Sơn báo cáo bị “chip detector” nên cho ở lại sân bay Đức Phổ standby!
Thường thường, phi trình “hành quân” của trực thăng, trong mỗi phi vụ, được coi là nguy hiểm, nhưng trên thực tế rất ngắn! Cái khoảng không gian mà anh em hay ám chỉ là “vào vùng”, chỉ nằm trong khoảng 1-2 miles cuối cùng gần bãi đáp, tức là trong vòng cận tiến mà thôi. Nếu chiến trường nào cũng đầy rẫy phòng không thì trực thăng mới cất cánh lên đã bị bắn rớt hết! Mức độ nguy hiểm để bay từ tỉnh này đến tỉnh kia hầu như không có, nếu từ cấp tỉnh đến cấp quận, vùng nào nguy hiểm lắm có lẽ cũng không quá 1%. Tương tự các phi vụ bay từ cấp sư đoàn đến các trung đoàn thường là phi vụ liên lạc với mức nguy hiểm 0%. Từ BCH trung đoàn đến BCH tiểu đoàn cũng tương đương như từ Tỉnh đến Quận. Vậy thì còn lại sự nguy hiểm chỉ ở những mục tiêu [Lz] cấp Đại đội hay Tiểu đội mà tầm hoạt động của họ thường không quá BCH /Tiểu Đoàn chừng 3 -5 miles là cùng. Nhiều bãi đáp vừa từ BCH cất cánh lên đã thấy Lz, khoảng cách ấy chính là phi trình thực sự của mỗi phi vụ trực thăng khi “vào vùng” hành quân mà mỗi phi công tùy theo kinh nghiệm chiến trường có thể tính toán cách – vô, đáp, cất cánh – sao cho an toàn. Trong bốn hướng vô ra, nhất định phải có một lối “safety” hơn! Khúc nguy hiểm nhất chính là lúc phi cơ chậm lại để vào “short final”, tức là trong vòng bán kính 1 mile cuối cùng quanh bãi đáp, hoặc lỡ bãi đáp bị pháo kích bất ngờ.
Các phi công Mỹ thường quá chú trọng đến yếu tố an toàn kỹ thuật, phải theo hướng gió, phải có trái khói đánh dấu bãi đáp v.v… Ngày xưa các phi vụ trực thăng vận còn thả pathfinders xuống trước để ném trái khói và hướng dẫn phi cơ đáp tại chiến trường, nên trực thăng Mỹ bị rớt cũng nhiều. Mùa Hè Đỏ Lửa năm 1972, trong vùng núi phía Tây tuyến phòng thủ Mỹ Chánh gần quận Phong Điền tỉnh Thừa Thiên, trực thăng Mỹ rớt ngổn ngang dưới các thung lũng, bên những dòng suối khô cạn ngay cạnh chân đồn, các phi cơ vẫn còn nguyên vẹn hình hài; nhưng có lẽ các pilots Mỹ lúc nào cũng coi trọng nguyên tắc “safety first!” nên bỏ chạy sớm? Các phi công trực thăng Vietnam ở vùng núi, như Vùng I, không xa lạ gì với những thế đáp núi táo bạo tùy theo điều kiện chiến trường đòi hỏi, bất chấp cả hướng gió ngược xuôi. Đáp núi không phải lúc nào cũng từ trên xuống mà nếu cần, có thể múc lên từ thế low level, bất ngờ đánh lừa địch, trong trường hợp bãi đáp đã được cảnh cáo đề phòng pháo kích… Muốn xuống mau, đáp lẹ và gọn, phải xoáy xuống [spiral approach] như cái phễu, với ít đường zig zag ngoạn mục, cho khỏi bị “overshoot” bãi đáp. Đáp núi cần chính xác, không để bị “overshoot” nhưng cũng không thể “undershoot” và khi cất cánh cũng phải đề phòng bị “over torque” vì địa thế cao, thiếu sức nâng [up lift]. Gió núi càng lớn, nếu xuống càng lẹ sẽ bớt được ảnh hưởng của turbulance. Đâm đầu cắm mũi xuống bằng “cyclick”, phi cơ sẽ rớt mau lẹ hơn là chỉ với “collective down” như thế đáp thường lệ. Các bạn từ vùng trong khi mới đổi ra vùng núi, quen thế “normal approach”, tà tà vừa “flare” lại, vừa đẩy “collective down”; phi cơ đã không xuống còn tạo điều kiện cho gió càng bốc lên, không tài nào xuống núi nổi. Phi cơ cứ như diều gặp gió, lơ lửng mãi trên không trung. Gặp bãi đáp lưng chừng 2/3 núi, chỉ có thể đáp và cất cánh cùng một hướng. Khi vào thì như nhắm núi mà đâm vô, nhưng lúc cất cánh ra, bắt buộc phải “hovering” lùi rồi lẹ làng cắm mũi xuống thung lũng mà “gain speed” [giả] cho mau kẻo bị “stalled “… Đó là những chiến thuật bay của pilot VN nằm ngoài sách vở huấn luyện ở trường bay. Tại chiến trường Iraq [2003], sau khi hàng loạt trực thăng bị bắn rớt, mãi tới năm 2007, mới nghe tin các phi công trực thăng Mỹ phải thay đổi chiến thuật bay để tránh né. Ngày xưa, tôi rất khâm phục tài năng của các phi công tải thương đêm/phi đoàn Cứu Tinh 257/SĐ IKQ. Càng hãnh diện hơn vì các anh đều xuất thân từ PĐ 213 qua như: Dương Tấn Long, Vũ Ô, Trần Long, Vũ Văn Hiền, Đỗ Quốc Hùng, Đặng Vũ Đăng … Đáp núi ban ngày đã khó thì ban đêm còn khó khăn gấp bội!
Đa số các phi vụ ở vùng núi chỉ có một bãi đáp, nên leader lúc nào cũng phải hy sinh một mình tìm cách lọt vô trước, nếu an toàn , sau đó mới đến lượt các wingman. Vai trò của leader trong mỗi phi vụ HQ rất quan trọng trong việc dẫn dắt hợp đoàn vào bãi đáp cho an toàn, nhất là đối với những bãi “Hot”. Nó đòi hỏi sự thông suốt về địa hình địa thế cũng như tình hình an ninh chung quanh bãi đáp và những phán đoán chính xác của leader. Sự tương quan giữa các vị trí bạn và địch cũng như một ván cờ, trong bốn hướng nhất định sẽ tìm được một lối ra vô “safety” hơn. Rất tiếc ngày xưa các phi hành đoàn thường bay theo sự hướng dẫn của “C&C” mà đa số là những sĩ quan tham mưu phi đoàn, lâu lâu mới có dịp ra vùng hành quân một lần, đâu có am hiểu tình hình chiến sự thay đổi mỗi ngày.
Niên trưởng Đ.V.A.H , một đàn anh hoa tiêu trực thăng ở Biên Hòa, diễn tả lại hình ảnh một phi vụ hành quân có “C&C” trong “Đêm chờ ngưng bắn, nhớ An Lộc” như sau:
…”Đạn bắn như mưa. Bắn cùng mọi phía. Bắn bằng đủ loại phòng không dữ tợn, hỏa tiễn tầm nhiệt, đại bác phòng không, súng cá nhân, 12 ly 7 phòng không chụp lại, trực xạ, đại bác nổ chụp, súng cối rót vào bãi đáp…”
…”Hợp đoàn 4 chiếc nối đuôi nhau bay hối hả vòng qua Minh Thạnh, vào bãi đáp B-15 từ hướng Tây Nam An Lộc, năm phút sau trận mưa bom B-52 cuối cùng vừa dứt…”
…”Đoàn trực thăng bay thấp lướt trên ngọn cây rừng theo lệnh “C&C” hướng dẫn : Hợp đoàn quẹo phải 10 độ . Đi thẳng! Chiếc số 3 bay nhanh một chút! OK đi thẳng… Bãi đáp 12 giờ, còn 3 trăm thước… Giảm airspeed!… Coi chừng! Coi chừng nó bắn phòng không bên trái!…”.
“Tôi nín thở. Hợp đoàn đã đến gần bãi đáp nhưng trước cả tiếng la coi chừng hốt hoảng của chiếc phi cơ chỉ huy. Tôi thấy điểm sáng dưới lòng một hố bom bay loáng lóe lên cao như chớp kính… Ô quẹo phải! Hợp đoàn quẹo phải!… Chiếc số 2 rớt rồi!… Số 3 nhanh lên! Lead quẹo phải 90 độ!… Bay ra! Bay ra đừng đáp! …”.
Sau Hạ Lào, tháng 11/71, phi đoàn 213 lại biệt phái vào Biên Hòa, tăng cường cho SĐ3/KQ đang đương đầu với hai chiến trường Bình Long/An-Lộc và Kampuchea cùng một lúc. Vùng đất lạ nhưng không có núi nên chúng tôi đa số có vẻ không mấy đề phòng. Một lần, nhận phi vụ một mình, một slick, chẳng cho gunship hộ tống, cũng không có phi cơ khác bay theo; tôi đáp xuống phi trường Lộc Ninh ở phía Tây Bắc tỉnh Bình Long để bốc đồ tiếp tế và lấy thêm tin tức an ninh cho phi vụ bay vào Bu Đốp tiếp tế cho đơn vị Biệt Kích. Chấm xong tọa độ trên bản đồ, ghi chú những check points cần thiết cho khỏi bị lạc đường bay. Tôi cất cánh lên, xác định hướng bay xong, cắm mũi lấy tốc độ. Qua khỏi khu rừng gỗ rậm rạp bên cạnh vòng đai phi trường Lộc Ninh, ở bên trái quốc lộ, rồi bắt đầu xuống “low level” bay theo Quốc Lộ 13 lên hướng Bắc. Con đường như đã bị hoang phế lâu năm, không xe, không người, cây cối phủ kín mặt đường y như Quốc Lộ 9 bên Hạ Lào. Tiền đồn Bu Đốp nằm sâu trong vùng biên giới Việt – Miên, ở hướng Tây Bắc, lẻ loi một mình giữa bốn mặt rừng già, cây cối lưa thưa bao quanh. Các binh sĩ vui mừng tiếp nhận chuyến hàng tiếp tế, họ “unload” rất mau, chỉ mấy phút sau là xong. Tôi cất cánh lên trở về, cúi nhìn lớp hàng rào kẽm gai thô sơ bao bọc quanh đồn và bốn chòi canh thô sơ, không biết có ngăn cản nổi thú rừng ban đêm? Làm sao có thể chống đỡ được sự tấn công của VC? Lòng bùi ngùi thương cho thân phận mỏng manh của những người lính Biệt Kích còn ở lại nơi tiền đồn quạnh hiu. Dù không chết, họ cũng xứng đáng được tuyên dương là những chiến sĩ anh hùng cảm tử của QLVNCH!… Vẫn thế low level, phi cơ uốn lượn sát trên tầm ngọn cây để tránh né, nhẹ nhàng băng qua khu rừng già lởm chởm những cây khô không có lá, rồi lại theo quốc lộ 13 bay trở ra, đáp xuống phi trường Quảng Lợi trực “standby” tiếp… Địa thế vùng III tương đối bằng phẳng dễ đáp, nhưng rất nguy hiểm, khó xác định hướng nào an ninh hơn. Tôi nghĩ, thế bay hữu hiệu nhất để tránh né vẫn là “low level”, càng thấp càng an toàn hơn. Chỉ ở độ thấp, trực thăng , dù gunship hay slicks, mới có thể biểu dương hết tất cả sức mạnh hùng hồn của nó.
Phi vụ cuối cùng [3/75] tôi và Lê Tấn Đại bay vào Núi Tròn, trước ngày mất Quảng Ngãi, để tiếp tế tải thương cho một đơn vị của SĐ2BB. Nhờ low level, mấy thằng du kích cầm AK-47 ở xóm nhà lá dưới chân núi, thấy trực thăng cứ hùng hổ đâm tới cũng phải hốt hoảng chạy trốn vô nhà. Chúng tôi không bắn nên chúng [VC] cũng không bắn lại!
Sau chuyến biệt phái Biên Hòa, khoảng cuối tháng Giêng 72, phi đoàn 213 trở về Đà Nẵng, sau đó lại lao đầu vào những trận chiến mới của Mùa Hè Đỏ Lửa 1972 và mặt trận Quảng Trị. Anh Trần Lê Tiến tử trận, Anh Phạm Vương Thục rời PĐ 213, thuyên chuyển qua Phi Đoàn 239 tân lập, đảm nhận chức vụ TPHQ .
Anh Tiến & Anh Thục không còn nữa, nhưng hình bóng các anh có lẽ sẽ không bao giờ phai mờ trong tâm trí những người bạn đã quen biết, nhất là những cánh chim Song Chùy 213 đã một thời cùng các anh vùng vẫy ngang dọc trên khắp chiến trường của Vùng Trời Hỏa Tuyến!
Vĩnh Biệt Anh Tiến, Vĩnh Biệt Anh Thục!!!
Song Chùy T/hoang
( Chút kỷ niệm với hai Niên Trưởng: Trần Lê Tiến & Phạm Vương Thục )
Đời Nhảy Toán / Lôi Hổ Nha Kỹ Thuật
Khác hơn thường lệ, chiều nay mới bốn giờ toán chúng tôi đã được ăn cơm. Xong một lân nữa lệnh kiểm soát lại đồ đoàn. Toán chờ xuất phát. Thiếu úy Điệp (Phạm ngọc Điệp) trưởng toán (One zero), sáng nay đã bay Covey Ov10 quan sát bãi đáp, dự thuyết trình mục tiêu. Chuyến này Trung sĩ Quang (Trần Quang) toán phó (One one) phụ trách điện đàm, còn lại là bốn toán viên Biệt kích quân (BKQ). Tôi BKQ Hải (Nguyễn văn Hải) Thông dịch viên. BKQ Nguyễn duy Châu Khinh binh (point man) BKQ Hào (Lê thanh Hào) M79 sau cùng BKQ Cường (Nguyễn mạnh Cường) đoạn hậu.
Một Thượng sĩ người Mỹ đã đứng trước cuộn thang dây. Không có bãi đáp, Toán được xâm nhập bằng thang dây. Trực thăng nặng nề hạ độ cao. Ngoài cửa sổ chiếc A1 đang lao xuống dọn bãi đáp bằng đại bác 50, tiếng như bò rống. Toán đã sẵn sàng.Trực thăng ồ một tiếng lớn, rít lên rồi từ từ đậu bên trên ngọn cây bao quanh một hố bom trống trải. Toán từng người một leo bám vào thang dây lẹ làng đáp đất .
Từ trực thăng, cảnh núi rừng trùng điệp. Bên dưới, đám mây trắng kéo thành một vệt dài dưới ánh nắng như chưa đủ sức làm tan loãng. Gió phần phật lốc vào làm ran rắt trên mặt cùng tiếng ầm ĩ của động cơ trực thăng. Người xạ thủ trực thăng, cạnh tôi mời thuốc hút.
Khu rừng thật rậm rạp. Châu vất vả lắm để mở đường. Len tỏi, lạng lách, đánh vật với cây rừng, khi mà yêu cầu đi đúng đường. Chốc chốc hắn lại phải xem la bàn. Thiếu úy Điệp đi kế Châu, cây Car 15 luôn sẵn sàng bảo vệ. Trời quá chiều, ánh nắng hắt những tia cuối cùng. Muỗi như vã vào mặt và vắt thì nhiều vô kể, nó đi tìm mồi như người làm xiếc, di chuyển uốn dẻo thân mình rồi bung tiến tới mồi rất chính xác nếu chúng tôi lộ ra khoảng da thịt. Điệp đả chọn được chỗ nghỉ ăn cơm chiều. Có tiếng hú vọng lại, trầm ấm, lan tỏa rồi hình như lại dội lại. Trên tàn cây lao xao tiếng chim gọi nhau, thiếu đi giọng hót mượt mà ban mai. Tiếng súng địch quân vẫn thi thoảng nổ gọi nhau hay báo hiệu gì đó... Tay lấy lọ thuốc muỗi, xoa thêm vào mặt và tay để đối phó với sự tấn công quyết tử của vắt và muỗi. Nhá nhem tối, Toán đi tìm chỗ ngủ, lý tưởng nhất vẫn là gốc cây to, rễ bạnh. Trung sĩ Quang lên đi đầu. Di chuyển êm, chậm chạp và cẩn thận nghe ngóng. Trời tối hẳn, ánh trăng tỏa vằng vặc từ lúc nào. Đứng nghe ngóng một hồi lâu. Thiếu úy Điệp ra lệnh ai hút thuốc thì hút đi... Cẩn thận vì khói thuốc tỏa rất xa và đó là cái mùi không có ở núi rừng. Kinh nghiệm cho thấy, có Toán địch theo dõi cả ngày, đem đến, chỉ vì mùi thuốc lá dễ nhận, địch âm thầm bao vây và tấn công. Xong , Quang gài lại trái mìn M14 rồi di chuyển tìm chỗ ngủ. Địa điểm ngủ đêm đã được đồng ý. Toán chúng tôi hạ bàn tọa... Một đám mây đen lao thẳng vào mặt trăng, trời bỗng tối xầm rồi lại sáng. Ba lô là gối, lá cây rừng làm nệm. Dưới ánh trăng từng ngọn gió nhẹ lay động cây lá truyến tải ánh sáng phản chiếu lung linh. Cảm giác như lạc vào cõi kinh dị. Nghĩ bụng phải nhắm mắt lại ngay và đừng suy nghĩ cố mà tìm giấc ngủ. Đây là một kinh nghiệm, vì đã có những toán viên không ngủ được trong tình cảnh này, đã thút thít khóc gọi mẹ, để rồi bị chế giễu và sa thải, hay những toán viên đào ngũ chỉ vì đã từng để lại tiếng thở dài trong đêm hành quân.
5
Tiếp tục tiến vào mục tiêu. Nửa tiếng ăn buổi trưa, Toán vội vã di chuyển để tránh địch theo dõi. Châu dừng lại bên tảng đá cao ngút đầu, ngồi xuống rồi đưa tay chỉ. Một con suối rộng, nước chảy lặng lờ trong kẽ đá. Xa xa mà mắt thường có thể nhìn thấy, bên bờ suối, trên dốc thoai thoải, nép vào những cây cao. Hai dẫy nhà bằng cây rừng tre lá, ẩn nấp dưới những tàng cây. Thấp thoáng vài bóng người. Bên này suối, xa hơn một tí, những ngôi nhà ngắn và nhỏ, lọt xâu giữa những tảng đá lớn. Vài tên bộ đội đang lấy nước.
Mọi lo lắng rồi cũng qua, địa thế lại thuận tiện. Chúng tôi ăn cơm trong ánh sáng còn sót lại trong ngày. Tìm được chỗ ngủ, khi bóng tối bao trùm. Núi rừng bỗng trở nên yên lặng kỹ quái, như cố đẩy lùi những xao động vừa qua. Vài tiếng hú gọi nhau thê dài như có vẻ nhớ nhau. Trong ánh trăng chiếu rọi xuyên cành. Năm chúng tôi im lìm, lặng lẽ đi vào giấc ngủ.
7
Tiếng ngáy của thằng Hào làm tôi tỉnh giấc, chửi thề trong bụng, tôi nhoài người đưa tay lay gọi nó "mẹ cái thằng, đồ chết tiệt, ăn cho đẫy mám ruốc vào, ngủ rồi ngáy " Xem đồng hồ, mới bốn giờ sáng. Tôi nín cười vì bất chợt được thưởng thức bản hợp tấu tiếng người ngáy và gà gáy xen lẵn tiếng đệm âm trầm của thú rừng xa xa. Điệp hình như cũng đã thức. Trần Quang xích lại phía tôi rủ hút thuốc. Tôi buột miệng dút khoát"không được".Anh trăng treo ngang in nguyên cành lá trên gương mặt tẽn tò của Quang đã xấu lại càng xấu thêm.
Chiến Đoàn 1 Xung Kích / Sở Liên Lạc / Nha Kỹ Thuật
No comments:
Post a Comment