Sunday, October 15, 2017

 




Tiểu Đoàn 92 BĐQ
510 Ngày tại Tống Lê Chân

 photo trandocam_4-12.jpg

Mũ Nâu Đặng Hưng Vượng

Trại Tống Lê Chân Tonlé Tchombe là một vùng đất thuộc Tây Ninh nằm sát ranh giới với Bình Long, đầu nhánh sông Sài Gòn. Đa số người Miên và người Thượng sinh sống lâu đời quanh vùng này. Mặc dù thuộc tỉnh Tây Ninh, nhưng lại gần với tỉnh lỵ An Lộc, Bình Long, trại cách An Lộc 15 km theo đường chim bay và cách Xa Cam trên 10km trong khi cách rất xa tỉnh lỵ Tây Ninh. Năm 1967, khi Thiếu Tá Đặng Hưng Long, Trưởng Phòng 3 thuộc Bộ Chỉ Huy C3 Chiến Thuật, Lực Lượng Đặc Biệt (LLĐB), nhận lệnh lập trại ở đây, ông đã đặt tên là Trại Tống Lê Chân, dựa theo âm sắc của Tonlé Tchombe. Sau khi thay đổi vài trại trưởng, Đại Úy Lê Văn Ngôn được chỉ định làm trại trưởng cuối cùng trước khi chuyển sang Biệt Động Quân. Năm 1970, cùng với việc cải tuyển các trại biên phòng của Lực Lượng Đặc Biệt thành các Tiểu Đoàn Biệt Động Quân Biên Phòng, lực lượng ở đây trở thành Tiểu Đoàn 92 BĐQ (14-9-1970), do Đại Úy Lê Văn Ngôn làm tiểu đoàn trưởng và Trung Úy Trần Hữu Phước làm tiểu đoàn phó, dưới quyền điều động trực tiếp của Bộ Chỉ Huy Quân Khu 3 Biệt Động Quân, do Đại Tá Nguyễn Thành Chuẩn làm chỉ huy trưỏng, vốn là Chỉ Huy Trưởng C3 Lực Lượng Đặc Biệt chuyển sang.

Vài dòng về LLĐB:
– VNCH có bốn vùng chiến thuật. Mỗi vùng có một Bộ Chỉ Huy C. Quân Khu 3 có Bộ Chỉ Huy C3 Lực Lượng Đặc Biệt.

– Bộ Chỉ Huy C3 Lực Lượng Đặc Biệt chỉ huy 3B. Mỗi B là một khu chiến thuật của Quân Khu. Quân Khu III có ba Khu Chiến Thuật 31, 32, và 33.

– B15 Lực Lượng Đặc Biệt, thuộc Khu Chiến Thuật 33, đóng tại Bình Long dưới quyền chỉ huy của Trung Tá Đặng Hưng Long.

– B16 Lực Lượng Đặc Biệt đóng tại Tây Ninh, dưới quyền chỉ huy của Trung Tá Lê Tất Biên.

– B14 Lực Lượng Đặc Biệt đóng tại Phước Long, dưới quyền chỉ huy của Trung Tá Văn Công Báu, hay Lê Văn Hành (?).

– Mỗi B chỉ huy khoảng 10 toán A Lực Lượng Đặc Biệt. Mỗi toán phụ trách một trại biên phòng.

Các trại biên phòng tập trung dọc theo biên giới Nam Việt Nam từ Bến Hải đến Cà Mau, nơi đây tập tung vào việc tuyển mộ và huấn luyện Dân Sự Chiến Đấu (còn gọi là Biệt Kích Quân) để phát giác và ngăn chận đường xâm nhập của cộng sản vào lãnh thổ Việt Nam. Toán A162 đóng tại căn cứ Tống Lê Chân trực thuộc B16 đóng tại Tây Ninh, nhưng sự yểm trợ và liên lạc bị trở ngại vì quá xa nên giao cho B15 của Trung Tá Đặng Hưng Long trực tiếp chỉ huy.

Khoảng năm 1970, các trại biên phòng Lực Lượng Đặc Biệt chuyển cải thành Biệt Động Quân Biên Phòng, và vẫn giữ các nhiệm vụ như trên. Từ 1974, các tiểu đoàn biên phòng sát nhập vào các Liên Đoàn Biệt Động Quân, thay đổi khu vực hành quân theo vùng, không còn ở một vị trí cố định như trước. Từ đây, nhiệm vụ của các tiểu đoàn Biệt Động Quân hoàn toàn giống nhau.

Như đã nêu ở trên, các trại biên phòng trên toàn lãnh thổ miền Nam đều có nhiệm vụ phát giác và ngăn chận các đơn vị Việt cộng xâm nhập từ Kampuchia, Lào vào lãnh thổ VNCH. Đối với trại Tống Lê Chân, trại còn có ý nghĩa chiến lược quan trọng hơn. Do vị trí đặc biệt, nằm trong chiến khu C, gần khu Mỏ Vẹt, Lưỡi Câu thuộc Kampuchia, là nơi đặt đại bản doanh của Cục R, trại còn là điểm ngăn chặn, hoặc phát giác Việt cộng xâm nhập vào Tây Ninh (gần sát Thủ Đô Sài Gòn) qua Katum... Do đó, trại Tống Lê Chân luôn là cái gai trước mắt, Việt cộng cần loại bỏ với bất cứ giá nào.

Khi chuyển qua Biệt Động Quân, Tiểu Đoàn 92 có khoảng 350 quân nhân các cấp, đa số là người Miên, một phần người Thượng, và người Việt. Tiểu Đoàn có bốn đại đội. Các sĩ quan, hạ sĩ quan đa số từ LLĐB. Các cán bộ Dân Sự Chiến Đấu, quen khu vực quanh căn cứ, và có kinh nghiệm chiến đấu cao, được mang cấp bậc Chuẩn Úy, hoặc Thiếu Úy. Sau đó, họ sẽ được đi học khóa Sĩ Quan Hoàn Hảo tại Trường Thủ Đức để bổ túc kiến thức. Tiểu đoàn còn có một trung đội pháo binh 105 ly, có khả năng yểm trợ tới Xa Cam (cách An Lộc 10 km về phía Nam). Khi mặt trận An Lộc bắt đầu, Sư Đoàn 25 BB đã đặt ở đây thêm một trung đội pháo binh 155 ly, đủ để yểm trợ mặt trận An Lộc khi cần. (Khi mặt trận An Lộc chấm đứt, Sư Đoàn 25 Bộ Binh đã rút hai khẩu 155 ly khỏi căn cứ).

Căn cứ nằm trên một ngọn đồi cao 50m trấn áp cả khu vực chung quanh, thuận lợi cho việc phòng thủ, bất lợi cho việc tấn công. Đường kính trung bình 400m, với các công sự đã được công binh Mỹ (US Sea Bee) xây cất. Phía bên phải trước cửa là đầu nhánh sông Sài Gòn. Trại giống như một ngôi sao nhiều cánh với hai Đại Liên 50 bắn về hai phía tại mỗi đỉnh ngôi sao, không kể đến các súng liên thanh khác như Đại Liên 30 và 60. Các đại đội phòng thủ trong vòng rào ngoài ngăn cách căn cứ với chung quanh, với hệ thống giao thông hào và hầm hố kiên cố. Muốn vào hàng rào ngoài, địch phải vượt qua một bãi mìn dày đặc với hệ thống chiếu sáng báo động. Kế tiếp là khoảng trống đủ để các trực thăng đáp. Trong cùng là hàng rào ngăn cách Ban Chỉ Huy Tiểu Đoàn. Một phi trường cho C123 nằm ngay dưới cổng trại. (Tiểu Đoàn 92 Biệt Động Quân có một phương thức gài mìn đặc biệt phối hợp giữa cách gài bẫy của người Thượng và mìn Claymore. Khi chạm, mìn sẽ nổ liên hoàn nên sức công phá rất mạnh và hiệu quả. Tr/T Ngôn đã được mời về trường Võ Bị Đà Lạt, và khi đang theo học khóa Bộ Binh Cao Cấp tại trường Thủ Đức cũng được mời thuyết trình về cách gài bẫy hiệu quả này.)

Đầu năm 72, Lữ Đoàn 6 Biệt Động Quân do Trung Tá Trịnh Văn Bé làm liên đoàn trưởng và Lữ Đoàn 2 Nhảy Dù do Đại Tá Trần Quốc Lịch làm lữ đoàn trưởng, hành quân quanh vùng và Kampuchia. Trong thời gian này, bộ chỉ huy nhẹ của Lữ Đoàn 6 Biệt Động Quân đóng trong căn cứ. Khoảng tháng 4-72, một đại đội được lệnh tuần thám chung quanh (không cần đi xa vì hiện đã có hai đại đơn vị quanh vùng) thì phát giác một đường mòn lớn hướng về phía An Lộc, xe hơi có thể chạy qua, đây là dấu hiệu báo cho biết các đơn vị công binh của Việt cộng đang chuẩn bị đường xá cho một cuộc chuyển quân lớn của chúng trong chiến dịch Đông Xuân sắp tới. Quân Khu đã cho máy bay L19 lên quan sát.

Hai đại đơn vị Nhảy Dù và Biệt Động Quân đã đột nhiên rút ra khỏi căn cứ, giao trách nhiệm toàn vùng cho Tiểu Đoàn 92 Biệt Động Quân, báo hiệu một chuyện thật lớn có thể xảy ra. Riêng Lữ Đoàn 6 Biệt Động Quân đã phải rút khẩn cấp theo đường bộ về theo ngả Tây Ninh, đến phi trường Trảng Lớn mới có máy bay chở đi Vùng I.

Đúng như tôi dự đoán, chiến dịch tấn công An Lộc của Việt cộng bắt đầu ngay ngày hôm sau. Trại Tống Lê Chân từ đó bắt đầu bị địch vây đánh kéo dài nhiều ngày, mở đầu bằng các đợt pháo kích bằng 82 ly, 107 ly vào căn cứ liên tục ngày đêm. Vào những ngày cao điểm, căn cứ hứng chịu mỗi ngày từ 100, đến 200 quả đạn. Kế tiếp sau vài ngày, bộ binh địch áp sát, tấn công ban ngày, bò vào ban đêm, cắt đứt đường bộ, chặn tiếp tế, tiếp viện. Chúng còn dùng 12,7 ly phòng không và cả hỏa tiễn tầm nhiệt để bắn máy bay đang yểm trợ, hay tiếp tế cho căn cứ.

Ở đây, các đơn vị bộ binh của địch dùng hai cách để tấn công căn cứ:
1. "Tiền pháo hậu xung": pháo kích tối đa vào căn cứ rồi cho bộ binh tấn công, trong khi pháo binh tiếp tục bắn lên phía trước mở đường. Khi xung phong, địch có thể dùng chiến thuật biển người, lấy lợi thế về quân số để áp đảo quân ta.

2. "Hoa nở trong lòng địch": Cho đặc công bò vào căn cứ rồi bung ra các phía như cánh hoa nở (Tôi đã qua một khóa huấn luyện do binh chủng Biệt Động Quân tổ chức về chiến thuật của Việt cộng).

Gặp sức kháng cự của tiểu đoàn và sự yểm trợ hữu hiệu của phi cơ và pháo binh từ các căn cứ khác, địch đã bị chặn lại hết đợt tấn công này đến đợt tấn công khác.

Tuy nhiên, Tiểu Đoàn không tránh khỏi thiệt hại. Các binh sĩ lần lượt bị thương và tổn thất nhân mạng mỗi ngày một cao. Nhiều công sự phòng thủ cũng như vị trí chiến đấu bị hư hại không còn xử dụng được. Khi pháo binh của căn cứ bắn yểm trợ An Lộc, thì Việt cộng tập trung pháo kích vào vị trí pháo binh của ta. Chỉ sau vài ngày, các khẩu đại bác bị hư hỏng nên không còn dùng được nữa. Với lưới đạn dày đặc đan kín bầu trời, việc tiếp tế và việc tải thương bằng máy bay càng trở nên khó khăn khi áp lực địch gia tăng mỗi ngày. Nhưng đơn vị vẫn duy trì được tinh thần kỹ luật và tinh thần binh sĩ vẫn cao. Áp lực địch giảm đôi chút khi Việt cộng bị thất bại tại An Lộc, tuy nhiên chúng vẫn duy trì pháo kích và phòng không.

Trong một lần hành quân chung quanh căn cứ, một toán tiền đồn của TĐ92 BĐQ đã phục kích giết chết một tên đeo sắc cốt và hai tên cận vệ. Trong đêm, một đơn vị Việt cộng đã trở lại cướp xác nhưng bị ta đánh trả dữ dội nên không thành công. Đơn vị tiền đồn đã tịch thu được một túi tài liệu, và một khẩu súng K59, vốn được trang bị cho các sĩ quan tham mưu cao cấp của chúng.

Quân Đoàn 3, sau khi nghiên cứu tài liệu, đã xác nhận đó là đại tá Việt cộng với bí danh Nguyên Hương, Cục Phó Cục R, đặc trách về chính trị. Y đang nghiên cứu về sự thất bại của cộng sản tại An Lộc. Tại sao chiến thuật “Nhị thức bộ binh - Thiết giáp của Việt cộng lại thất bại?” Bản đánh giá nói là việc kết hợp không đồng bộ: Lúc có thiết giáp thì không có bộ binh, và ngược lại. (Đây chỉ là một lý do để biện minh cho sự yếu kém của chúng. Chúng quên mất chính tinh thần chiến đấu của lực lượng phòng thủ và dân chúng sống tại An Lộc mới là yếu tố chính làm chúng thất bại!).

Mặt trận lại đột nhiên trở nặng. Sau khi chiến dịch tấn công An Lộc chấm dứt, mặc dù bị tổn thất nặng, chúng cũng đã rảnh tay nên xiết chặt vòng vây trại Tống Lê Chân, liên tục pháo kích, tấn công, đặc công. Trại Tống Lê Chân, không thể được tiếp cứu vì Quân Đoàn không còn đơn vị trừ bị, không thể liên lạc với bên ngoài bằng đường bộ vì Việt cộng dày đặc vây kín căn cứ, giờ đây đã trở thành một tiền đồn cô đơn nằm giữa vùng đất địch, ngược lại cũng đã trở thành vết nhọt trong vùng đất chúng chiếm đóng. Tiểu đoàn nhận tiếp viện đạn được, súng ống, lương thực, thuốc men... hoàn toàn bằng trực thăng và C130. Tuy nhiên vì hỏa lực phòng không của Việt cộng đan chặt trên bầu trời, trực thăng trở thành mục tiêu dễ bị bắn hạ, nên chỉ còn chờ C130 tiếp tế từ trên cao, do Căn Cứ 90 Tiếp Tế Thả Dù tại Phú Thọ, Sài Gòn đảm trách. Cách thả dù cổ điển đã không chính xác vì trung bình 10 kiện hàng thì chỉ có 2, 3 kiện lọt vào căn cứ, còn lại thì bay ra ngoài vào vùng đất địch. Sau khi học được kỹ thuật đặc biệt là khi tới một cao độ nhất định, ngòi nổ gắn theo dù được kích hỏa nổ để các kiện hàng rơi vào trong căn cứ, thì việc tiếp tế có hiệu quả hơn. Các phi công chỉ cần tính toán sức gió và hướng gió là có thể thả từ trên cao mà không sợ bay ra ngoài trại.

Tôi cũng cần nói thêm, một quân nhân tên Bằng, vốn thuộc LLĐB trước đây, sau khi chuyển qua Biệt Động Quân, đã được đi học và trở thành một phi công trực thăng. Anh đã tình nguyện ba lần bay vào căn cứ. Đây là một sự tình nguyện đáng ghi ơn vì nhờ thế căn cứ đã có khá đủ tiếp liệu. Sự can đảm tuyệt vời của anh khiến tôi luôn khâm phục, vì mỗi lần vào được căn cứ, vượt qua lưới đạn phòng không dày đặc của địch, rồi trở ra là một lần đối diện với cái chết. Khi vào tới căn cứ, trực thăng phải áp dụng kỹ thuật xuống đặc biệt để tránh bị Việt cộng pháo kích. Họ phải bay thật nhanh thẳng tới căn cứ, rồi từ trên cao tắt máy cho rơi tự do, khi gần tới đất thì mở máy ngay để đáp xuống. Có thấy các máy bay trực thăng đáp xuống căn cứ mới thấy lòng can đảm và tài lái điêu luyện đòi hỏi nhiều kinh nghiệm của các phi công.

Việt cộng pháo kích ngày nhiều ngày ít, nhưng sự tổn thất của tiểu đoàn tùy thuộc vào độ chính xác của pháo binh địch. Do tiếp tế giảm, diều kiện sống hàng ngày của toàn Tiểu Đoàn xuống thấp. Ăn uống thiếu thốn, điều kiên vệ sinh kém, khiến càng có nhiều bệnh binh bị suy nhược, sốt rét. Tinh thần binh sĩ các cấp đã bị kéo dãn căng, thể xác bị mệt mỏi đến cực độ nên tinh thần giảm sút. Nhưng Tiểu Đoàn vẫn duy trì được tinh thần kỷ luật. Vì thế sức chiến đấu nhìn chung không giảm. Số thương bệnh binh không thể tải thương ngày một tăng, vì số lần tải thương bằng trực thăng ngày càng giảm. Sau một lần bổ xung quân số, một trực thăng Chinook bị bắn rơi khiến một số quân nhân bi chết cùng với viên sĩ quan truyền tin lên thay thế. (Trung Úy Đỗ Đức Hoạt Phú Quý, khóa 6/69 Thủ Đức, sau ngày ngày kết hôn đã bỏ ngày phép tình nguyện theo trực thăng lên căn cứ.) Viên phi công tên Toàn đã được một trực thăng khác “bốc” khỏi căn cứ. Sau gần một năm rưỡi, lại một trực thăng khác rơi trong căn cứ. Phi hành đoàn được cứu thoát nhưng bị kẹt lại vì không thể đưa ra khỏi căn cứ.

Để tưởng thưởng cho chiến công của cả Tiểu Đoàn 92 BĐQ, cũng như khích lệ tinh thần, tất cả quân nhân các cấp đã được thăng một cấp, sau gần một năm bị vây hãm (1973). Tất cả các sĩ quan được tưởng thưởng Bảo Quốc Huân Chương, hoặc Anh Dũng Bội Tinh với Nhành Dương Liễu, các binh sĩ, hạ sĩ quan được tưỏng thưởng ngôi sao đồng và bạc. Tiểu Đoàn được phong tặng Bảo Quốc Huân Chương, quân kỳ Tiểu Đoàn được mang dây biểu chương màu Bảo Quốc Huân Chương (màu đỏ). Các “lon” và huy chương đã được thả từ trực thăng xuống mặt trận, thay vì trao tặng tại chỗ.

Vào khoảng đầu năm 74, một lần nữa toàn bộ Tiểu Đoàn lại được thăng cấp lần thứ hai vì sự chiến đấu quả cảm, và sự hy sinh trong gian khổ trong một trận chiến quá dài ngày.

Khoảng tháng 4-73, phái đoàn ICCS (bốn bên) bay vòng quanh căn cứ để quan sát. Vì có sự hiện diện của phái đoàn này nên Việt cộng không dám bắn và pháo kích vào trại. Các phi công Việt Nam bay cho phái đoàn ICCS đã đánh lạc hướng Việt cộng bằng cách bay thật thấp về hướng Sóc Con Trăng. Trong khi đó, các phi cơ trực thăng của Sư Đoàn 3 Không Quân bay thật sát ngọn cây, để ICCS không thấy, vào Tống Lê Chân tiếp tế và tải thương. Đây là chuyến tải thương được nhiều thương binh nhất trong suốt thời gian trại bị vây hãm.

Tôi đã được lệnh Tiểu Đoàn Trưởng theo trực thăng rời trại với ba nhiệm vụ, được cho là rất quan trọng:

1. Là gạch nối an ủi, trấn an thân nhân, gia đình binh sĩ. Ngoài ra, tôi còn phải hàng ngày thông báo về tình trạng thân nhân của họ đang chiến đấu tại căn cứ Tống Lê Chân cho gia đình của họ. (Mỗi khi tôi đứng trước nhà là họ òa lên khóc vì biết hung tin đã tới, khiến tôi không thể nói nên lời. Thật đau lòng khôn tả!).

2. Liên lạc với Bộ Chỉ Huy Quân Khu 3 Biệt Động Quân, phụ trách việc tiếp tế cho Tiểu Đoàn.

3. Đặc biệt giải quyết lương bổng cho gia đình binh sĩ các cấp.

Lúc đó, tình trạng gia đình binh sĩ ở Trại Phan Hạnh, Biên Hòa đang bị rối loạn. Sở dĩ có tình trạng này, vì vợ con của các quân nhân đang tham chiến tại Tống Lê Chân đã kiệt quệ về tinh thần, và túng thiếu về vật chất (không có lương do chồng gửi về). Họ đang tuyệt vọng chờ chồng, cha của họ đã bị kẹt tại mặt trận quá lâu. Quân Khu 3 đã yêu cầu Tiểu Đoàn đưa một sĩ quan kỳ cựu về để trực tiếp giải quyết với vợ con của các binh sĩ, vì đa số vợ con họ, người Thượng và Miên, không có thói quen giữ giấy tờ để chứng minh liên hệ của họ với chồng, cha. Do đó, việc xác định là vợ, con chỉ căn cứ vào sự nhận biết của những người quen cùng đơn vị. Trong tất cả sĩ quan của Tiểu Đoàn, chỉ có tôi có thể giải quyết tình trạng lương bổng cho vợ con binh sĩ và lo việc tiếp tế cho Tiểu Đoàn hiệu quả.

(Khi bình yên, vợ con các binh sĩ, nhất là người Thượng, ở trong trại cùng chồng. Tôi đã ở từ ngày đầu nên biết hầu hết thân nhân sĩ quan, hạ sĩ quan, binh sĩ vì gặp nhau hàng ngày và thường nói chuyện với nhau. Vợ con binh sĩ đã được đưa về trại Phan Hạnh khi cuộc chiến trở nên khốc liệt).

Sau khi về tới hậu cứ, tôi thường xuyên theo C130 thả dù tiếp tế và nhận lệnh trực tiếp từ Tiểu Đoàn Trưởng (qua vô tuyến) ủy quyền thay binh sĩ đang chiến đấu, cho gia đình họ được lĩnh lương đúng kỳ. Theo đúng nguyên tắc, một binh sĩ muốn nhờ hậu cứ trao lương cho vợ con của họ thì phải có chữ ký của binh sĩ đó. Tôi đã ghi nhận và báo về Đại Đội Công Vụ của Quân Khu 3 và giải quyết lương bổng theo yêu cẩu của Tiểu Đoàn Trưởng. Trong những lần theo C130 về ban đêm, tôi đã nhìn thấy lưới đạn phòng không của địch (với những đường đạn sáng) đan kín chung quanh, và thỉnh thoảng các hỏa tiễn tầm nhiệt hướng về máy bay, nổ chói lòa trong đêm đen của núi rừng biên giới. Tuy nhiên, máy bay đã bắn các trái sáng có nhiệt độ cao nên các hỏa tiễn này không thể tới gần máy bay của họ.

11-4-74, sau 510 ngày Tiểu Đoàn bị vây hãm, Trung Tá Lê Văn Ngôn ra lệnh tôi phải bay từ Biên Hòa tới An Lộc ngay, phải mở truyền tin 24/24. Khi đang ở trong An Lộc thì Tr/ Tá Ngôn đã gọi cho tôi: (Để đơn giản, tôi dùng bạch văn để trình bày cùng các độc giả):

– Trại đang bị tấn công rất nặng. Anh hãy báo ngay cho Đại Tá Chuẩn.

Sau đó, tôi nghe nhiều tiếng nổ dữ dội từ hướng trại Tống Lê Chân vì chỉ cách có 15km theo đường chim bay. Tôi lại nghe tiếng Trung Tá Ngôn từ máy vô tuyến:

– Kho đạn đã bị nổ và trại bị tràn ngập.

Và lời nói cuối cùng:

– Tôi đã ra lệnh rút quân.

Vô tuyến bị cắt, không một tin tức gì được ghi nhận thêm từ đó. Tôi đã báo cáo với Thiếu Tá Thuận, Trưởng Phòng 3 Quân Khu 3 Biệt Động Quân. Tại đây, họ cũng cố gắng liên lạc với Tiểu Đoàn nhưng không kết quả. Cũng cần nói thêm, trong thời gian này, Việt Cộng đã chiếm được một số máy vô tuyến của ta và đã cho bộ phận tình báo của chúng theo dõi và bẻ khóa. Do đó, mọi chuyện liên lạc qua CR25 đều bị chúng nghe lén và tìm cách đối phó. Với tình thề sống còn của cả Tiểu Đoàn 92 Biệt Động Quân thì việc “im lặng vô tuyến” là điều cần thiết và dễ hiểu. Sáng hôm sau, Đại Tá Chuẩn đã phái L19 bao vùng, tìm kiếm, và theo dõi nhưng rất tiếc không có dấu hiệu của Tiểu Đoàn 92 Biệt Động Quân.

Ngày 12-4-74, L19 tiếp tục bao vùng, kể cả khu vực chung quanh An Lộc nhưng vẫn không tìm thấy dấu vết của Tiểu Đoàn. Khi bay ngang Trại Tống Lê Chân, viên phi công thấy phía dưới khói mịt mù (có lẽ vì kho đạn nổ và đám cháy chưa dứt). Đến gần trưa, đột nhiên tiếng Trung Tá Ngôn vang lên trên máy truyền tin muốn nói chuyện với Đại Tá Chuẩn. Trung Tá Ngôn xin Đại Tá Chuẩn cho lực lượng tiếp viện trong khi Tiểu Đoàn cố gắng phá chốt để vào An Lộc.

Chỉ một thời gian ngắn sau đó, Việt cộng đã bắt được tần số sóng truyền tin của ta. Tôi không chắc chúng biết được nội dung cuộc điện đàm vì đã được mã hóa, cũng như việc bẻ khóa đòi hỏi thời gian. Nhưng Việt cộng đã báo động và ra lệnh toàn bộ lực lượng của chúng quanh An Lộc đồng loạt tấn công các đơn vị của ta bằng bộ binh và pháo kích đồng loạt nhằm ngăn chặn tiếp cứu, đồng thời cho các đơn vị của chúng tìm kiếm Tiểu Đoàn 92 đang ở đâu đó quanh An Lộc, để chuyển quân tấn công. Ngược lại, các đơn vị của ta cũng đồng loạt mở các cuộc tấn công về phía địch nhằm làm giảm áp lực lên Tiếu Đoàn 92, mặc dù các đơn vị phòng thủ An Lộc không rảnh tay để tổ chức tiếp cứu. Để ứng phó với tình hình, các phi đoàn trực thăng và phản lực thuộc Quân Đoàn III đã lên vùng yểm trợ.

 photo CIDGE.jpg
Ở bên ngoài, Tiểu Đoàn vừa phải chống trả sức tiến công điên cuồng, vừa phải phá các chốt ngăn chặn của cộng sản. Lại có thêm thương binh và binh sĩ tử trận. Đổi lại bọn việt cộng cũng phải chịu tổn thất cho hành động của chúng. Trung Tá Ngôn đã yêu cầu Thiếu Tá Phước, Tiểu Đoàn Phó, cùng một đại đội đi đầu “nhổ” các chốt trên đường đi, trong khi ra lệnh cho các đại đội khác vừa đánh vừa rút.

Khoảng 3 giờ chiều, tôi được Đại Tá Chuẩn gọi và yêu cầu báo cho Tiểu Đoàn biết là “phải vào vị trí an toàn trước 4 giờ”, vì trời sẽ mau tối, nhiều sương mù nên Không Quân không còn yểm trợ hữu hiệu. Tôi đã ngồi trên CNC theo dõi cuộc rút quân. Từ trên cao nhìn xuống, tôi thấy Tr/Tá Ngôn, ngồi giữa một hố B52, chung quanh có khoảng chục binh sĩ đứng bao quanh, và các binh sĩ bị thương nằm la liệt khắp nơi. Ông đang cho trải pano, đánh dấu vị trí bạn, để điều chỉnh trực thăng đánh về phía Việt cộng. Khi tôi dùng máy truyền đạt lệnh của Đại Tá Chuẩn, Trung Tá Ngôn đã ra lệnh cho tôi:

– Hãy về nói với “ông già”, chừng nào tôi mang được "đứa con" cuối đang bị "kiến cắn" vào thì tôi mới vào.

Tôi đã bật khóc và nói với ông:

– 90 cố gắng vào vì yểm trợ của Không Quân sẽ không còn hữu hiệu.

Thật may mắn, các trực thăng thuộc Sư Đoàn 3 Không Quân đang bay phía trên, đã nghe được cuộc điện đàm nên tất cả bay vào tấn công địch không cần chờ lệnh, bằng mọi cách giải tỏa cho Tiểu Đoàn. Trực thăng xuống đổ xăng rồi bay lên tiếp, như châu chấu trên trời, và bắn yểm trợ tối đa, bất kể lưới đạn phòng không của Việt cộng.

Cuối cùng, nhờ lòng can đảm của các người bạn ngoài quân chủng (trong đó có một phi công là bạn cùng khóa 21 Võ Bị với Tr/Tá Ngôn, Thiếu Tá Trần Gia Bảo), nhờ tác xạ hiệu quả của các trực thăng, cuối cùng tiểu đoàn đã vượt qua những chướng ngại sau cùng. Đại đội đi đầu đã nhổ được các chốt ngăn chặn, mở đường cho các đại đội kế tiếp tuần tự vào theo.

(Cũng tiện đây, thay mặt các sĩ quan thuộc Tiểu Đoàn 92 Biệt Động Quân, còn năm người hiện cư ngụ tại Hoa Kỳ, các quân nhân của Tiểu Đoàn 92, tôi gửi lời chân thành ghi ơn đến các phi hành đoàn vận tải C123, C130, các phi đoàn phản lực thuộc Sư Đoàn 5 Không Quân tại Tân Sơn Nhất, và các phi đoàn trực thuộc Sư Đoàn 3 Không Quân tại Biên Hòa, về các phi vụ mà cách anh đã tiếp tế, yểm trợ, tải thương cho Tiểu Đoàn 92 Biệt Động Quân trong thời gian bị vây hãm và rút lui.)

Cuối cùng, Tiểu Đoàn 92 Biệt Động Quân đã về đến điểm an toàn. Trong cuộc rút quân này, Tiểu Đoàn đã đưa được toàn bộ đơn vị khoảng trên 250 người, hầu hết thương binh, kể cả phi hành đoàn trực thăng bị bắn rơi tại Tống Lê Chân nhưng trực thăng tiếp cứu không thể xuống, trừ hai người phải bỏ lại dọc đường vì đã chết. (Phi công và phụ tá tên Phối và Mỹ, và hai xạ thủ đã cùng Tiểu Đoàn theo đường bộ rút lui).

Sau đó, tôi đã dìu Tr/Tá Ngôn, gần như kiệt sức, vào trình diện Đại Tá Chuẩn. Tại đây, Tr/Tá Ngôn nghiêm chào rồi nói:

– Thưa Đại Tá, tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm về cuộc rút quân này.

Đại Tá Chuẩn đã dõng dạc, nhưng nhỏ nhẹ, trả lời:

– Không, tôi là Chỉ Huy Trưởng Biệt Động Quân Quân Khu 3, kiêm Tư Lệnh Mặt Trận An Lộc, cấp bậc cao cấp nhất tại đây, tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm về cuộc rút quân này.

o O o

Một thời gian sau đó khi có thời gian, Tr/Tá Ngôn mới kể thêm cho tôi biết thêm về cuộc vây hãm của Việt cộng, và cuộc rút quân của Tiểu Đoàn 92 Biệt Động Quân:
Căn cứ đã bị Sư Đoàn Công Trường 9 vây hãm, trong đó Trung Đoàn 271 (Việt cộng đã dùng nhiều danh xưng với mục đích ngụy trang. Nhiều đơn vị đã dùng 2, 3 tên khác nhau nhưng thực sự chỉ là một) và một trung đoàn pháo binh của cộng sản trực tiếp tham chiến. Trung đoàn pháo binh này được trang bị các loại súng cối 82 ly, 107 ly... và các loại hỏa tiễn 24 nòng, và các hỏa tiễn tầm nhiệt. Loại hỏa tiễn này bắn hàng loạt, có sức công phá rất lớn đối với sinh vật đứng trên mặt đất, nhưng vì không chính xác nên thỉnh thoảng chúng mới dùng. Ngoài ra chúng còn điều động một tiều đoàn pháo binh 130 ly bắn trực tiếp vào căn cứ.

Với hỏa lực và quân số áp đảo khi so sánh với Tiếu Đoàn 92, Việt cộng đã nhiều lần tung các đợt tấn công nhằm xóa bỏ sự hiện diện của quân ta trong vùng do chúng chiếm đóng. Khoảng cuối tháng 3/74, sau khi pháo kích dữ dội bằng súng cối 82 ly và hỏa tiễn 107 ly, địch đã cho bộ binh xung phong, định đè bẹp căn cứ. Nhưng, các đại đội đã đẩy lui địch nhờ căn cứ có hầm hố kiên cố dù đã bị hư hại nhiều.

Ngày 5 tháng 4, bộ binh địch sau một đợt pháo kích dữ dội đã được xe tăng T54 yểm trợ tấn công trại, nhưng nhờ địa thế trại ở trên cao xe tăng không thể lên tấn công nên chúng đã thất bại.

Ngày 11-4-74, sau khi kho đạn bị nổ vì địch pháo kích trúng, Tr/ Tá Ngôn biết Tiểu Đoàn không còn đủ khả năng giữ căn cứ nên ra lệnh rút lui. Trước đây, đề phòng trường hợp xấu nhất có thể xảy ra, là một sĩ quan giàu kinh nghiệm, ông đã nghiên cứu đường rút quân và phân công các đại đội những việc phải thi hành khi có lệnh rút lui. Ông đã ra lệnh phá hủy các khẩu đại bác 105 ly, các khẩu súng liên thanh lớn, các máy truyền tin dư thừa, và cả mìn và đạn chưa bị hư hại. Ngoài ra, các đại đội còn được phân công mang theo toàn bộ thương bệnh binh.

Việc rút quân bất ngờ của Tiểu Đoàn chắc chắn gây bối rối cho Việt cộng quanh căn cứ, vì một đơn vị lớn như Tiểu Đoàn 92, không có phương tiện vượt sông, không thể băng được qua đầu sông Sài Gòn vào mùa mưa, nước lớn mà không bị khám phá. Đối với người quen thuộc địa thế, con đường duy nhất là mở đường máu xuống cửa trại, băng qua cầu và đi thẳng về An Lộc. Vì nghĩ như thế, chắc chắn Việt cộng đã bố trí các lực lượng ngăn chặn một khi Tiểu Đoàn rút quân theo hướng này. Đoán được suy nghĩ của chúng, Tiểu Đoàn đã rút theo hướng ngược lại mà Việt cộng không ngờ. Đó là đi sâu vào vùng đất địch.

Họ từ đỉnh đồi băng ra sau căn cứ, vượt suối đang mùa nước lớn, đi ngược về hướng Minh Thạnh cách hơn 40km. Để đưa được nguyên Tiểu Đoàn băng qua suối, Trung Tá Ngôn nhờ những người lính Thượng trước đây thường đi bắt cá, biết được nơi có đá ngầm, căng dây cho những người không biết bơi, và các thương binh đi qua. Ông nói:

– Minh Thạnh thuộc Chiến Khu C, vì Việt cộng mang quân vây mình nên nơi đây sẽ không có chủ lực quân của nó. Cùng lắm chỉ có đám hậu cần và thương binh của chúng mà thôi.

Bình Long toàn rừng le, cây phủ trên đầu, Tiểu Đoàn phải len lỏi, đôi khi phải bò theo những khoảng trống dưới tàn tre. Núi rừng hiểm trở như thế, Tiểu Đoàn còn tắt máy truyền tin vì sợ Việt cộng tìm ra điểm đứng, nên máy bay L19 không thể tìm được tung tích, dù đôi lúc L19 bay trên đầu Tiểu Đoàn.
Như một phép lạ đối với ta và địch, Tiểu Đoàn 92 đã biến mất khỏi vùng hành quân. Khi tới Minh Thạnh, Tiểu Đoàn đi ngược lại theo Quốc Lộ 13 rồi quay vòng về An Lộc, tới Xa Cam, Xa Cát.

“Tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm về cuộc rút quân này.”
Câu trên được nói hai lần liên tiếp qua hai cấp chỉ huy khác nhau.

(Trước khi về Tống Lê Chân, Tr/Tá Ngôn đã ở trại Chí Linh của Lực Lượng Đặc Biệt, cũng như Đại Úy Phan Trí Viễn đã ở trại Minh Thạnh nên rất rành khu vực này.) Khi gần tới nơi, Tr/Tá Ngôn mới quyết định mở máy liên lạc để giữ bí mật tuyệt đối. Đi sâu vào lòng địch, các binh sĩ của cả tiểu đoàn hành quân trong điều kiện tuyệt đối khó khăn, không thể tiếp viện, không thể kêu cứu, trong khi còn phải cáng hoặc dìu theo thương binh. Tiểu Đoàn đã phải trải qua cuộc hành quân vô cùng nguy hiểm, vì chỉ một sai lầm nhỏ khiến Việt cộng khám phá ra vị trí, thì cả Tiểu Đoàn phải gánh chịu hậu quả khôn lường.

o O o

Hôm nay sau gần 40 năm, những hình ảnh bi thảm, nhưng kiêu hùng của các binh sĩ Tiểu Đoàn 92 Biệt Động Quân vẫn linh động hiện ra trước mắt, trong ánh sắng nhạt nhòa của ký ức. Khi tuần tự vào được bên trong khu vực An Lộc, họ gần như đã kiệt quệ, gầy ốm vì thiếu ăn lâu ngày; da xạm đen, bệnh hoạn vì thiếu hụt thuốc men; quần áo tả tơi rách nát vì thiếu quân phục thay thế; bẩn thỉu do đất bùn vì phải lặn lội trong rừng sâu và phải chiến đấu liên tục để giành sự sống. Một số phải dìu đi. Nhưng qua nét mặt của họ hiện lên vẻ nhẫn nại chịu đựng phi thường, trong khi đầu họ vẫn ngửng cao phảng phất nét hãnh diện vì đã làm được chuyện thần kỳ.

Các thương binh còn tệ hại hơn, vì có môt số phải nằm trên cáng. Một số không còn đủ sức để trả lời. Tôi không hề nghe tiếng rên xiết, trách cứ về số phận kém may mắn của mình. Mặc dù đã có hơn 250 binh sĩ trở về, trong đó có bốn người của phi hành đoàn trực thăng (gồm một phi công, một phụ tá, và hai xạ thủ), nhưng quân số có khả năng tham chiến thực sự chỉ còn khoảng 150 người.

Lúc đó, tôi đứng im lặng nhìn họ, lòng đầy cảm xúc không nói nên lời. Tôi cảm thấy hãnh diện vì đã là một phần của họ. Vượt lên sự sợ hãi, đối diện với cái chết, họ đã chiến đấu chống kẻ thù không mệt mỏi trên 510 ngày, trong thiếu thốn, đói khát, bệnh tật. Vượt trên sự yếm kém về quân số, trang bị, và hỏa lực, họ đã giáng cho Việt cộng những tổn thất nặng nề dù chúng mạnh hơn nhiều lần, quân số đông hơn nhiều lần, trang bị tận răng. Điều gì khiến họ làm được? Đó chính là tinh thần kỹ luật và sự tin tưởng đối với cấp chỉ huy của họ. Cấp chỉ huy của họ đã giữ lời hứa là chiến đấu và mang họ về đến điểm an toàn. Họ làm được như vậy là vì thể chế nhân bản của Miền Nam hơn hẳn chế độ phi nhân của cộng sản Việt Nam, hoặc của chế độ tàn bạo cộng sản Nga, Tàu.

Hôm nay, sau gần 40 năm, hình ảnh của hai cấp chỉ huy đứng đối diện nhau, trong giá buốt của núi rừng, và bóng tối của thị trấn An Lộc vẫn ám ảnh tôi suốt cả cuộc đời. Tôi vẫn cảm thấy bồi hồi và xúc động khi nhớ như in lời đối đáp của Đại Tá Nguyễn Thành Chuẩn và Trung Tá Lê Văn Ngôn (giờ đây cả hai ông đã không còn nữa):

– “Tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm về cuộc rút quân này.”

Câu trên được nói hai lần liên tiếp qua hai cấp chỉ huy khác nhau. Tại sao họ phải làm như vậy? Bởi vì họ ý thức được rằng, họ là người đầu tiên nhận vinh quang, khi đơn vị mang thắng lợi về, thì họ cũng phải là người dám can đảm nhận trách nhiệm về những tổn thất của đơn vị. Vì đó là danh dự, là phẩm chất không thể thiếu của một cấp chỉ huy. Thật may mắn, chúng ta đã có nhiều người như họ, dám nhận trách nhiệm về mình bất kể hậu quả.

"…Xin cho tôi được nghiêng mình chia sẻ nỗi bất hạnh tột cùng với vợ con các anh vì đã mất người thân yêu.”

Sau 30-4-75, chịu chung số phận của dân chúng Miền Nam, giống như trăm ngàn người của chính quyền cũ, Tr/Tá Ngôn đã bị đưa đi tù “cải tạo” tại miền Bắc. Bị bạc đãi, hành hạ tinh thần, ông vẫn bình tĩnh giữ đúng tư cách của một quân nhân dù đã bị bại trận, vẫn duy trì được niềm tin vào chính nghĩa. Nhưng ông đã không chống chọi nổi với cơn bệnh hiểm nghèo trong điều kiện khốn cùng, thiếu thốn thuốc men và dinh dưỡng. Cuối cùng, ông đã lặng lẽ giã từ cõi đời.
Những người bạn đưa ông xuống huyệt mộ với một tấm chiếu rách trong câm nín, là những người bạn tù đáng thương đang chịu nạn như ông, những người đã là từng chiến đấu, từng cùng nhau chống kẻ thù chung là cộng sản Việt Nam.

Trung Tá Lê Văn Ngôn trấn thủ Tống Lê Chân

Kể từ ngày Việt cộng chiếm Miền Nam, chúng ta không hề nghe cộng sản Việt Nam nhắc đến, hay tổ chức ăn mừng “Trận Đánh Tống Lê Chân”. Phải chăng, lực lượng Việt cộng tấn công đã bị thiệt hại rất nặng nề trước một lực lượng phòng thủ nhỏ bé, bị cô lập với thế giới bên ngoài? Phải chăng chiến dịch đánh chiếm của chúng bị kéo dài quá lâu vì sợi “gân gà” khó nuốt? Câu trả lời đúng nhất là chúng muốn quên đi nổi nhục nhã đã để nguyên một tiểu đoàn Biệt Động Quân biến mất khỏi vòng vây kiên cố của chúng với sự tổn thất không đáng kể, như đã “bốc hơi”.

30 tháng 4 năm nay lại về, một thoáng nhớ về kỷ niệm xưa, kẻ còn người mất, tôi muốn được im lặng tưởng nhớ đến Tr/Tá Ngôn và những người lính của Tiểu Đoàn 92 Biệt Động Quân năm xưa, kém may mắn đã hy sinh tại trại Tống Lê Chân và trên đường rút lui. Cho tôi được nghiêng mình trước sự hy sinh cao cả ấy. Các anh đã là những vị anh hùng vì chỉ có các anh mới làm được chuyện đội đá vá trời. Nghĩ đến các anh, tôi không quên nghĩ đến nỗi đau khổ mà vợ con các anh phải gánh chịu. Xin cho tôi được nghiêng mình chia sẻ nỗi bất hạnh tột cùng với vợ con các anh vì đã mất người thân yêu.

Giống như các tử sĩ vô danh khác của QLVNCH, sự hy sinh của các anh sẽ được muôn đời nhắc đến.

Mũ Nâu Đặng Hưng Vượng

Vài dòng giới thiệu tác giả:

– Đại đội trưởng của một đại đội của Tiểu Đoàn 92 BĐQ.

– Đã đưa đại đội trinh sát của Tiểu Đoàn 92 Biệt Động Quân tăng phái cho Sư Đoàn Kỵ Binh Black Horse, Hoa Kỳ, đang đóng ở Lai Khê, đại đội Brown Team, khoảng 4 tháng. Trách nhiệm của Đại Đội là đi giải vây để cấp cứu các phi hành đoàn trực thăng Mỹ bị bắn rơi.

– Trong nửa thời gian đầu căn cứ Tống Lê Chân bị địch vây hãm, là Sĩ Quan Không Trợ, Phụ Tá Ban 3 của Tiểu Đoàn.

– Sau đó, theo trực thăng tải thương rời căn cứ, làm Sĩ Quan Tiền Cứ cho Tiểu Đoàn, và trách nhiệm thả dù tiếp tế cho Tiểu Đoàn ở Tống Lê Chân.

– Sĩ Quan Tiền Cứ, kiêm Phát Hướng Viên Tiểu Đoàn khi Trung Tá Nguyễn Hân làm Tiểu Đoàn Trưởng, kế tiếp là Thiếu Tá Lê kim Tư làm Tiểu Đoàn Trưởng.




http://hoiquanphidung.com/showthread.php?10894-Ti%E1%BB%83u-%C4%90o%C3%A0n-92-B%C4%90Q-510-Ng%C3%A0y-t%E1%BA%A1i-T%E1%BB%91ng-L%C3%AA-Ch%C3%A2n-M%C5%A9-N%C3%A2u-%C4%90%E1%BA%B7ng-h%C6%B0ng-V%C6%B0%E1%BB%A3ng


 

No comments:

Post a Comment