Cây Mùa Xuân Chiến Sĩ
Cây Mùa Xuân Chiến Sĩ, một sinh hoạt của người dân miền Nam gần như một truyền thống Tết để chia sẻ những gian nguy nhọc nhằn với người chiến sĩ cũng là những con em của mình đang phải chống lại với quân Cộng sản phương Bắc.
Vào những năm trước năm 1975, sau “Tết Tây” là khắp các tỉnh thị miền Nam những khẩu hiệu “Vui Xuân không quên ơn các chiến sĩ” được dựng lên nhắc nhở mọi người bổn phận của mình. Không cầm súng ra trận để ngăn chặn bọn cộng sản xâm lược miền Nam được thì cùng góp tay nhau ân cần gửi đến những người chiến sĩ đang xông pha ngoài mặt trận để bảo vệ an ninh cho người dân miền Nam được an vui mà hưởng cái Tết vốn là một truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
Tết đến không chỉ là vui chơi hưởng thụ mà còn là dịp để con cháu nhớ đến ông bà tổ tiên, nhớ đến công lao giữ nước (Kỷ niệm chiến thắng Ðống Ða) của ông cha.
Người lính VNCH ngoài tiền tuyến “nếu mai (rừng) không nở anh đâu có biết xuân về hay chưa” (nhạc Trần Thiện Thanh) cảm thấy thật ấm lòng khi từ Cây Mùa Xuân Chiến Sĩ những tấm lòng người hậu phương gói ghém qua những gói quà nhỏ đã đến tận những tiền đồn hẻo lánh cho người lính được “ăn Tết.”
Bao nhiêu năm đã qua đi, người lính VNCH xưa từng ít khi được hưởng Tết trong không khí đoàn tụ của gia đình, nay cho dù có phải ở ngoài nước, yên ấm với người vợ hiền chung thủy, với những đứa con có đứa đã theo nghiệp binh đao như cha anh, nhưng vẫn không quên được những giây phút giao mùa trong Ðêm Trừ Tịch nơi chiến trường xưa, xúc động trước chiếc bánh còn ấm hơi người hậu phương, trước lá thư kín 4 trang giấy học trò của người em gái hậu phương chưa một lần gặp mặt.
Ba mươi tám năm đã qua, nhưng không khí “Cây Mùa Xuân Chiến Sĩ” vẫn còn là hình ảnh đậm nét trong lòng một thế hệ mà nay đều đã trọng tuổi. Những “người em gái hậu phương,” những cô nữ sinh trinh trắng, những cô thôn nữ dịu hiền trên khắp đồng ruộng miền nam cặm cụi viết từng lá thư, gom góp từng đồng bạc quà sáng, tất tả trong các chợ Tết để mong có được một chút quà Tết cho những người lính chiến VNCH “Xuân này con không về” có được chút hơi ấm gia đình nơi tiền đồn heo hút hay trấn giữ trận địa mà địch quân lúc nào cũng có thể vi phạm lệnh hưu chiến mà cả hai bên đã đồng thuận để người dân VN được hưởng cái Tết trong thanh bình, nghe được tiếng pháo ròn tan thay vì “đêm đêm phải nghe tiếng đại bác” như nhà văn Nhã Ca đã viết. Những người lính ấy, có thể là người anh trong gia đình, người em vừa ra khỏi cổng trường trung học, người yêu chưa kịp cưới, người chồng vừa “cưới nhau xong là đi”... Cây Mùa Xuân Chiến Sĩ là một hộp thư lớn gom góp biết bao ân tình giữa người hậu phương với người nơi tiền tuyến.
Ở hải ngoại, vào dịp Tết, một số các hội đoàn cựu quân nhân đã tổ chức Tất Niên hay Tân Niên cho những người lính cũ cùng đơn vị có dịp gặp lại nhau, không phải để chia sẻ “buồn vui nơi chiến trường” nữa, mà để cùng nhau nhắc nhở chuyện “một ngày là lính, một đời là lính.” Mà là lính, người lính của VNCH là “Tổ Quốc-Danh Dự-Trách Nhiệm.”
Ước gì Tập Thể Chiến Sĩ VNCH phát động một phong trào Cây Mùa Xuân Chiến Sĩ, phối hợp các hội đoàn cựu quân nhân cùng tổ chức một lần tại địa phương mình thì tuổi trẻ thế hệ nối tiếp chúng ta ngưỡng mộ biết mấy.
Chính Biên
January 07, 2014
No comments:
Post a Comment