Tuesday, December 18, 2018


Audio: Chư Pa



Giọng đọc: Lam Sơn 719
Chư Pa


Vương Mộng Long


____________________________________


Sau Tết Mậu-Thân hai tháng, tôi đã lành vết thương, xuất viện trở về đơn vị. Trung úy Phạm Văn Lương (k20VB) trả lại Đại Đội 1/TĐ11/BĐQ cho tôi. Anh Lương quay về đảm đương cái nghề cũ của anh là ban 3 tiểu đoàn. Đại úy Hồ khắc Đàm (K16 VB) đã thay thế Thiếu tá Nguyễn văn Huân (bị thương) giữ chức vụ tiểu đoàn trưởng TĐ11 BĐQ.

Trong thời gian hơn nửa năm, chúng tôi đã tham gia hầu hết những chiến dịch lớn nhỏ của Task Force South quanh Đà-Lạt, Bảo-Lộc, đặc biệt là những vùng núi non giáp ranh với Quảng-Đức và Bình-Thuận. Cuối năm Mậu-Thân, Tiểu đoàn 11/BĐQ được chuyển về Pleiku, hành quân phối hợp với Không-Kỵ Hoa-Kỳ. Một ngày đầu năm 1969 chúng tôi có lệnh lên đường tham gia chiến dịch Bình-Tây 49.

Sáng sớm ngày N, xe quân vận đưa chúng tôi từ Biển-Hồ (Pleiku) vào sân bay của trại Lực Lượng Đặc-Biệt Lý thái Lợi, Plei M’rong. Trưởng trại LLĐB Lý thái Lợi cũng là một sĩ quan Võ-Bị, Đại-úy Huỳnh châu Báo (k17). Niên trưởng Báo đã tiếp đãi chúng tôi rất ân cần trong khi chúng tôi đợi chờ trực thăng Mỹ tới bốc vào vùng. Cuộc hành quân hôm ấy nhằm mục đích săn diệt Trung đoàn E 24 Mặt trận B3 CSBV trong vùng núi Chư Pa giáp ranh sông Pơ-Kô. Hôm đó là một ngày mùa khô cao nguyên. Mùa khô ở đây bầu trời mịt mù bụi khói đốt nương, đốt rẫy. Ngày N, lành lạnh, cuối đông. Từ bãi bốc Plei M’rong chúng tôi thấy gunships Hoa-Kỳ dọn bãi ngay trước mặt, trên triền đồi tranh hướng tây suối Ru Ninh. Bãi thả chỉ cách sân bay Plei M’rong chừng năm cây số.

Như thường lệ, mỗi khi tới một vùng hành quân lạ, đại đội tôi vẫn là đơn vị “tiên phuông” và theo chân Đại đội 1/11 BĐQ của tôi vẫn là Đại đội 3/11 BĐQ. Dưới triều đại Hoàng Mai (Hồ khắc Đàm) đoàn hùng binh TĐ11/BĐQ luôn luôn được chia làm hai cánh. Cánh A là liên đội 1&3 do tôi (Trung úy Vương mộng Long) chỉ huy, cánh B là liên đội 2&4 do Trung úy Nguyễn Lạn chỉ huy. Trái rocket sau cùng vừa nổ, tàu tôi đã “hover” trên ngọn tranh. Miệng hô “go! go!” chúng tôi nhảy đại xuống triền đồi. Cỏ cao quá đầu người. Chúng tôi nhắm mắt lao xuống. Vì phải nhảy từ trên quá cao, chúng tôi mất đà, nện đít xuống đất, thốn lưng, đau muốn chết. Những trái rocket làm rừng cỏ tranh bốc cháy. Nấn ná ở chỗ này lâu chắc chắn thành bê thui! Thế là miệng hô, “Nhào lên! Bà con ơi!”

chân bước tới, chúng tôi cố gắng xung phong lên bìa rừng xanh trên cao. Vào tới bìa rừng, tóc gáy tôi bỗng dựng ngược: Rừng già toàn cây cổ thụ; thân cây nào cũng cỡ hai ba người ôm; chân rừng trống trơn, thênh thang, toàn đá đen, lạnh lẽo, trơn trượt. Nếu có vài cây AK Việt-Cộng trụ sau những gốc cây “bành ky” này thì đoàn quân dưới kia chỉ là những cái bia sống ngon lành. Khi tôi lên tới đỉnh đồi thì Đại đội 3/11 của Trung úy Phan ngọc Quí còn ngồi trên HU1D. Lửa bắt đầu lan rộng về hướng triền dốc, bãi đáp đang cháy lớn. Trên đỉnh đồi cũng có một bãi cỏ tranh khá rộng. An ninh xong ngọn đồi mới chiếm cứ, tôi gọi đại úy tiểu đoàn trưởng và đề nghị ông chuyển bãi thả lên đỉnh đồi để cho ĐĐ3/11/BĐQ xuống chỗ tôi cho tiện. Hoàng Mai đồng ý ngay. Sau đó bộ chỉ huy tiểu đoàn và liên đội B cũng theo chân Đại đội 3/11 xuống bãi này. Cuộc đổ bộ tuy ồn ào nhưng trót lọt, an toàn.

Có tiếng Hoàng-Mai gọi, “Thái-Sơn đây Hoàng Mai! Sẵn sàng chưa?” Thái Sơn là danh hiệu truyền tin của tôi. Tôi trả lời, “Sẵn sàng trăm phần trăm. Đợi!” “Target số một! Zu lu!” “Nhận Hoàng Mai 5!” Chiều rồi, trong rừng bắt đầu âm u, nhưng lệnh lên đường vẫn ra; người nhận được lệnh vẫn thi hành nghiêm chỉnh. Tôi gọi cho Trung úy Quí (ĐĐT 3/11), báo cho anh nhổ neo theo tôi. Tôi dặn anh nhớ bám sát. Mặt trời đang lặn, đi trong rừng rất dễ mất dấu người đi trước. Tiến theo hướng bắc chừng hai trăm mét, chúng tôi gặp đường voi thồ thênh thang theo hướng tây đông. Chúng tôi bắt đầu quẹo trái để vào mục tiêu 1. Từ cao độ trên một ngàn thước đoàn quân lần lần thả dốc về tây.

Chúng tôi đang đi với đội hình một hàng dọc. Chợt bên tai tôi có tiếng người hò la trong rừng cùng tiếng chặt cây đốn gỗ. Một toán dò tin tức được gởi đi. Toán trở về báo cáo có một số dân Thượng đang phá rừng làm nương. Tôi cho qua chuyện này. Đêm buông màn, nhưng đoàn quân vẫn tiếp tục theo lối mòn đổ dốc. Mỗi người phải giắt sau ba lô một khúc cây rừng mục. Cây rừng mục có lân tinh lấp lánh, làm dấu cho người sau đi theo không bị lạc. Chúng tôi bước trên đường mà cảm như đang bước chân trên thảm nhung. Lá rừng mục bao đời, lớp này phủ lên lớp khác dày cả gang. Cũng may, rừng vùng này không thấy vắt. Đi trên cao, bên tai gió ào ào, không nghe tiếng muỗi kêu. Đi được khoảng nửa cây số chúng tôi lại nghe tiếng nói chuyện ngay sát bên tai. Tiếng người lần này giọng Bắc. Trung đội đi đầu của Thiếu úy Đinh quang Biện vừa bố trí xong là nổ súng ngay. Thì ra song song với trục đường chúng tôi đang đi, còn nhiều đường voi di chuyển khác. Cả một hệ thống đường thồ trong rừng, che dấu bởi tàn cây cao, phi cơ chụp không ảnh không phát hiện, không có trên bản đồ. Hai khẩu AK báng xếp cùng hai chiếc nón cối và hai cái balô được đem lên cho tôi khám nghiệm. Hai cán binh vừa bị hạ thuộc C 17 Trinh sát của E 24 Mặt Trận B3 (Danh từ Việt-Cộng quy định A là tiểu đội; B là trung đội; C là đại đội; D, H, K là tiểu đoàn; E là trung đoàn; F là sư đoàn). Sáng N+1, chúng tôi tiếp tục đổ dốc. Vẫn rừng già, trống chân, vẫn dấu chân voi, vẫn những con đường song song theo hướng tây đông, vẫn những đống phân voi to như những cái thúng rải rác dọc đường thồ. Rừng nín thinh, nặng nề, đe dọa. Mỗi lùm cây, tảng đá đều có thể là nơi che dấu sự chết chóc. Đại đội 1/11 đội hình nấc thang, từng bước, thận trọng, xuống đồi. Đường bắt đầu ẩm ướt. Cái yên ngựa, trên bản đồ không ghi có nước. Vậy mà nước rì rào, róc rách. Nơi nào có nước, nơi đó có kẻ thù. Một lối mòn vắt ngang đường voi đi. Lối mòn chạy song song với con thông thủy. Lối mòn cũng theo hướng bắc nam. Trên lối mòn, vết dép Trường-Sơn còn mới. Thiếu úy Biện vừa báo cáo đặt xong hai nút chặn hai đầu vết mòn thì quân của Chuẩn úy Nguyễn văn Danh đã kịp thời vượt lên thay vai trò tiên phong. Trung đội 2 của anh chuẩn úy lính mới tò te lần đầu vào trận vừa qua khỏi ban chỉ huy đại đội, thì điểm chận lối mòn bên trái của Thiếu úy Biện đã có tiếng réo vang của một băng M16. Kế đó, Trung đội 3 của Biện hàng ngang xung phong bên trái nhanh như máy. Lại một khẩu AK 47 báng xếp, một cái nón cối, một balô của C17 Trinh sát E 24/B3. Trong balô có vài lá thư viết bằng mực xanh trên giấy học trò có kẻ ô, cùng một quyển album cỡ một bàn tay, trong đó chứa những tấm ảnh đen trắng nho nhỏ có cạnh cắt răng cưa. Ảnh chụp từ nơi nào đó xa xôi ngoài Bắc: một cô gái quê, một bà mẹ quê, một mái rạ. Thư có những lời thương nhớ người đi B, những lời cầu Trời Phật phù hộ cho người ra trận được bình yên. Nước ảnh còn sáng. Màu giấy thư chưa vàng. Người bộ đội Cộng-Sản mới xâm nhập đã không bao giờ trở về miền Bắc nữa. Chúng tôi tiến rất chậm. Tất cả những lối mòn cắt ngang trục tiến quân đều phải đặt nút chặn. Tất cả các nút chặn đều phải được bàn giao kỹ càng cho đơn vị theo sau. Kinh nghiệm cách đây khá lâu, một lần hành quân vùng đông Lệ-Chí đã cho thấy sự lợi hại của tao ngộ chiến. Hôm đó, trục tiến quân băng rừng của Tiểu đoàn 11/BĐQ cũng có con lộ cắt ngang. Một cán binh VC đã đụng đầu Hoàng Mai trên mặt lộ khi ông vừa chui ra khỏi rừng cỏ hôi. Cả ông tiểu đoàn trưởng BĐQ và tên VC đều giật mình phát hoảng. Cả hai người đều đứng khựng lại trố mắt nhìn nhau. Ông tiểu đoàn trưởng BĐQ không mang súng dài. Trên tay ông chỉ có cây gậy tre để đi rừng. Khẩu súng nòng 6.35 ly tí teo, nhỏ như cái hộp quẹt (đeo làm kiểu) của ông còn ở trong bao. Trong lúc quýnh quáng, ông tiểu đoàn trưởng BĐQ vụt vụt loạn xạ cây gậy tre trước mặt thằng VC. Miệng ông hét lớn, “Á!…Á!…Á!…” Bất ngờ đụng đầu một bộ rằn ri giữa rừng, thằng VC đã trở bộ muốn bỏ chạy thoát thân. Không ngờ tiếng thét của ông làm cho nó nhận ra ông là một kẻ thù không võ trang. Nó hoàn hồn, chĩa khẩu AK 47 ngay ngực ông đại úy. Tay trái nó run run nhích cao họng súng đen ngòm lên ngang trán ông. Nó tính bắn vào đầu ông! Tay chân ông bỗng cứng đơ. Hai mắt ông ngó trân trân vào mặt thằng VC. Mắt nó liếc tránh ra hướng khác. Ông thấy ngón tay trỏ, bàn tay phải của nó đang nằm trước cò súng. Rồi ngón tay đó siết vào cò. Ông hoa hai mắt. “Choác! Choác! Choác!” Ông ù hai tai. Đạn tém sát thái dương ông đại úy. Đạn làm bay cái mũ đi rừng bằng vải đen rộng vành ông đang đội trên đầu. Có lẽ thằng VC run tay, nên ba mươi viên AK đều bay cao, sượt da đầu ông đại úy. Bắn hết băng đạn mà thấy địch thủ còn đứng trơ trơ, thằng VC quay đầu chạy bán sống bán chết. Vài giây sau, ông đại úy hoàn hồn. Ông rút được khẩu 6.35 ly ra khỏi bao thì thằng VC đã khuất dạng. Lúc đó những BĐQ cận vệ của ông tiểu đoàn trưởng mới chui ra khỏi rừng, tới đường. Họ ngơ ngác không hiểu tại sao Hoàng Mai tay cầm khẩu 6.35 ly mà tai họ nghe “choác! choác!” tiếng AK liên thanh? Ông đại úy tiểu đoàn trưởng đứng giữa đường quơ quơ cây gậy về hướng địch, “Nó chạy hướng này! Nó chạy hướng này!” Lúc đó toán hộ tống mới vỡ lẽ: chỉ chút téo nữa là xếp của họ đã đi đoong! Gỡ sĩ diện, họ reo hò, “Biệt Động! Sát!” “Biệt Động! Sát! Tiến lên!” Lau lách hai bên đường mòn bị một phen bở vía. Đạn M16 ròn rã đốn hoa, lá, cành, tre, nứa, ngã rạp tơi bời. Nhưng tên VC đã “chạy mẹ nó mất rồi!” Hôm đó tôi đi đoạn hậu, chỉ nghe văng vẳng tiếng súng đàng trước. Mãi tới khi tôi chuyển quân hoán đổi nhiệm vụ cho liên đội B gặp anh Đàm, tôi mới được anh chiếu lại chi tiết diễn tiến khúc phim tao ngộ chiến. Đoạn phim diễn tả cảnh cái họng đen ngòm của khẩu AK47 đang nhắm ngay trán anh, làm tôi ớn lạnh xương sống. Sau khi quay xong đoạn phim đứng tim trên cho tôi nghe, anh Đàm cười hí hí, “Hôm nay ta hơi quýnh một chút. Chứ đúng lý ra, ta đã bắt sống thằng VC này rồi đó! Nó gầy tong teo à!” Tôi cũng phụ hoạ theo, “Đúng là thằng VC này còn hên! Lần sau vô phúc gặp anh, nó tới số!” Từ đó, mỗi lúc ra quân, Hoàng Mai luôn luôn nhắc nhở đàn em việc chặn nút khi gặp lối mòn. Từ đó, cũng đã có vài lần tao ngộ, phần thua lúc nào cũng về phía bên kia. “Cậu thấy chưa? Cứ gặp đường mòn mà chặn nút là có ăn! Ta nói có sai đâu?” Lần nào cũng thế, “có ăn” là anh Đàm lại dài dòng kể lể công lao “phát minh” ra chiến thuật “chặn nút”. Hôm nay nút chặn của tôi “có ăn” thế nào anh Đàm cũng vui lắm. Chắc chắn Thiếu úy Trần Lũy, đại đội trưởng đi bảo vệ bộ chỉ huy tiểu đoàn sẽ tha hồ mà nghe anh Đàm thuyết giảng chiến thuật. Xuống bình nguyên là nghe gió ngàn phần phật. Đất giàu màu mỡ làm lau sậy mọc tràn lan. Toán tiền thám phải dọ dẫm từng bước. Những con lộ chính trong vùng địch kiểm soát chắc chắn không có mìn. Nhưng tình hình an ninh không cho phép ta chỉ đi trên lộ chính. Cái đáy trước của nấc thang phải bao gồm cả hai bên đường, lộ chính và lộ phụ. Đặc biệt là di chuyển trên lối phụ dưới thung lũng rất dễ vướng bẫy thú của Thượng Cộng. Chỉ cần ta ơ hờ một chút, cái bẫy đã túm ngay một cẳng ta, treo ta lên cây. Đã có lần tôi chứng kiến một chú heo rừng bị treo lơ lửng giữa không trung. Chú heo rừng nặng cả trăm ký tòn ten đung đưa giữa trời, miệng sùi bọt trắng. Nơi chúng tôi đang đi qua, nhiều bãi sình có dấu heo ủi, cả đàn. Nơi nào có heo rừng, có Thượng Cộng, thế nào cũng có bẫy. Đường bắt đầu đi lên. Bi đông chàng nào cũng đầy nước. Núi trước mặt cao cỡ ngàn mốt, ngàn hai. Hai bên yên ngựa là vực sâu. Gió hú ù ù. Trời lạnh lắm. Càng lên cao càng lạnh. Mục tiêu 1 ở trên kia. Trên bản đồ hình thù của nó chỉ như hạt đậu. Thực tế đó là một ngọn đồi, một ngọn đồi có đủ cả các thành phần, chân, triền và đỉnh. Anh Đàm có lẽ đã tới con thông thủy. Tôi nghe anh ra lệnh, “Thái Sơn cho lều võng, khói lửa được rồi! Nhớ nhấn tới trước vài vòng (cao độ) cho chắc ăn nghe chưa?” “Nhận 5!” Tôi tự nhủ: “Hoàng Mai khôn cách chi! Ổng thì ngủ dưới con thông thủy, vừa ấm áp vừa có nước. Ổng chơi ác! Bắt mình nằm chênh vênh giữa trời, chắc mình biến thành cục nước đá đêm nay mất thôi!” Đêm đó hai Đại đội 1&3 quây tròn trên mục tiêu 1. Tôi và anh Quí ngồi tâm sự tới khuya mới chia tay về lều. Quí là sĩ quan khóa đặc biệt. Anh về phục vụ tiểu đoàn này đã hơn hai năm. Anh ta gốc AET (Thiếu Sinh Quân) nên căn bản quân sự rất vững. Hai đứa tôi khá thân. Đêm đó Quí thổ lộ với tôi rằng, sau Tết Âm-Lịch anh ta sẽ cưới vợ. Vị hôn thê của Quí đang học Đệ Nhị Trung học Bồ-Đề, Pleiku. Anh say sưa nói về ngày mai, về giấc mộng con con, bình thường. Tôi cảm thấy vui lây cái vui của bạn. Tôi nghe đâu Thiếu úy Trần Lũy (ĐĐT 2/11) sắp cưới con gái ông Thượng sĩ Thường-Vụ của Tiểu đoàn 22/BĐQ. Còn anh đại đội trưởng Đại đội 4/11 Nguyễn-Lạn thì chuẩn bị neo thuyền trên bến Đà-Lạt. Sắp Tết rồi! Đám cưới! Vui quá đi thôi! Tha hồ mà nhậu! Thời buổi được mùa! Dưới trướng Hoàng Mai, sĩ quan chỉ huy của Tiểu đoàn 11/BĐQ đắt đào ghê! Ông tiểu đoàn trưởng Hoàng Mai mới không vận được một cô sinh viên từ trường Chính-Trị Kinh-Doanh, Đà-Lạt về cư xá sĩ quan TĐ11/BĐQ làm áp trại phu nhân. Nay đến phiên ba ông đại đội trưởng, Kỳ-Sơn (ĐĐT2/11), Trường -Sơn (ĐĐT3/11) và Lam-Sơn (ĐĐT4/11) sắp giã từ kiếp sống sê-li-bạt (célibataire). Như vậy là sau Tết này, trong số tứ sơn (Thái Sơn, Kỳ Sơn, Trường Sơn, Lam Sơn) chỉ mình tôi (Thái Sơn) còn lênh đênh như con thuyền vô duyên của nhạc sĩ Đặng thế Phong. Quả thiệt, về cái chuyện “nớ” thì tôi chậm lụt hơn chúng bạn nhiều. Thấy tôi có vẻ mắc cỡ, anh Quí an ủi, “Tại mày nhát gan, thấy gái là đỏ mặt, cấm khẩu. Chứ tao thấy mày can đảm chút nữa thì thiếu gì đào!” Nói đúng ra, trong thời gian qua, tôi cũng có nhiều dịp lọt vào “thị trường” của vài cặp mắt xanh ở thành phố Pleiku này. Nhưng mỗi khi chạm mặt “đối phương tóc dài” thì tôi lại lờ quờ. Đôi khi tôi tự an ủi rằng nguyên nhân của sự chậm lụt này cũng do “thời thế” mà ra. Số là, đầu năm 1966, khi tôi làm đại đội trưởng Đại đội 3/TĐ11/ BĐQ ở Đà-Nẵng; vài bà bạn Bắc- Kỳ di cư của mẹ tôi ở Hội-An, đang cố gắng “siết chặt dây thân ái” (VB Hành Khúc) với mẹ tôi, hi vọng sẽ có ngày thành sui gia; thì đùng một cái, ông Đại úy Nguyễn thừa Dzu, tiểu đoàn trưởng, dẫn quân theo ông Nguyễn chánh Thi, đảo chánh ông Nguyễn cao Kỳ. Thời gian này Tiểu đoàn 11/BĐQ chỉ có ba đại đội 1, 3, 4 đóng quân tại sân vận động Chi-Lăng (Đà-Nẵng), riêng Đại đội 2/11 của Trung úy Tôn thất Trực đang biệt phái cho quận Quế-Sơn. Đảo chánh hụt, ông Thi lên máy bay chạy tuốt. Ông Dzu trở cờ, chui vào phi trường theo ông Kỳ. Ông Kỳ cho ông Dzu lên thiếu tá, làm Cò Cảnh-Sát. Sau khi ông Dzu đi mất, tôi đã chỉ huy tiểu đoàn này tiếp tục chống ông Kỳ. Kết cuộc, Tiểu đoàn 11/BĐQ bị đổi vào Pleiku; Tiểu đoàn 21/BĐQ từ Pleiku, được chuyển ra Đà-Nẵng. Tôi bị quất tổng cộng chín chục củ: Ông Lãm (Tư Lệnh Vùng 1) phạt tôi 30 Trọng Cấm; ông Viên (Tổng Tham Mưu Trưởng) phạt thêm 60 Trọng Cấm. Tôi còn bị đưa ra hội đồng kỷ luật Nha-Trang; bị giáng cấp; bị treo lon. Đời tôi đi vào khúc quanh “lắc lư con tầu đi”. Thời gian này mẹ tôi buồn lắm. Những bà bạn của mẹ tôi, thì không ngần ngại cắt đứt ngay sợi “dây thân ái” với mẹ tôi. Ở Liên đoàn 2 Biệt Động Quân (Pleiku) tôi gặp Trung tá Nguyễn đức Ninh liên đoàn trưởng, Thiếu tá Phạm văn Toán liên đoàn phó, Đại úy Nguyễn văn Huân ban 3 và Trung úy Hồ khắc Đàm ban 2. Những vị này đã bao bọc tôi sống lất lây cho qua thời mạt rệp. Anh Huân dạy tôi nhiều thứ lắm, trong đó có món “kén vợ”. Anh Huân giảng giải, “Con gái nó ghê lắm! Chú mày lớ ngớ không điều tra kỹ, cứ tin cái miệng ngọt xớt của chúng nó là chú mày chết! Chưa tìm hiểu kỹ càng tông đường nhà nó, rước nó về. Vài năm sau nó cưỡi lên cổ chú nó ‘nhong! nhong!’ Rồi nó đẻ cho chú một bầy con. Nó đánh mắng con chú. Đến lúc chú có cháu, nó đánh cháu chú. Ba đời nhà chú nằm trong tay nó. Hết đường cục cựa!” Vì ảnh hưởng lời khuyên của huấn luyện viên Nguyễn văn Huân, gặp cô nào tôi cũng thủ thế, điều tra từ từ. Gặp nhau, tôi cứ quan sát địch thủ mà không ra chiêu nào, thủ khẩu như bình. Các cô thấy tôi ngồi nín khe lắng nghe, các cô cứ líu lo như chim vành khuyên. Các cô phát thanh chán chê rồi ngồi chờ tôi nói. Tôi chỉ toét miệng cười. Gặp nhau vài lần, câu chuyện đổi trao vẫn loanh quanh nắng mưa, mưa nắng. Hình như các cô chỉ chờ tôi nói nhỏ “Je t’aime” là các cô xỏ mũi tôi, lôi ra xe Jeep chở đi học để trình diện với bạn bè. Các cô chờ tôi. Tôi cứ đánh trống lảng. Hai nhân vật ngồi nhìn nhau. Nhìn nhau mãi bắt chán! Thời gian qua đi vèo vèo. Vì thế, tôi ở Pleiku đã ba năm rồi “mà lòng thì chưa hề yêu ai” (T.T.Thanh) Trong lều, đôi bạn tâm sự. Ngoài kia, gió rừng rít từng cơn. Đêm đông, trong núi, lạnh kinh hồn. Sáng N+2, sau khi làm chủ ngọn núi cao trên 1200 mét, tôi bố quân chờ bộ chỉ huy tiểu đoàn. Mãi gần trưa liên đội B mới hoàn tất việc thay thế vị trí của liên đội A. Đường tiến sang mục tiêu 2 không có gì khó đi. Nhưng dấu vết địch dẫy đầy, toàn dấu mới. Vừa đổ dốc được vài phút, Trung đội 3 đã chạm địch. Địch bắn trước, nhưng may mắn quân bạn không ai trúng đạn. Nửa trung đội đi bên trái lại vớt được một tên VC, tịch thu một AK báng xếp. Trung đội 3 của Thiếu úy Biện lại lập chiến công lần nữa! Từ khi Thiếu úy Đặng hữu Duyên, trung đội trưởng Trung đội 1 thuyên chuyển khỏi đại đội này cách đây vài tháng, thì anh thiếu úy trẻ tuổi, đẹp trai, con nhà giàu Đinh quang Biện (khóa 25 TĐ) trở thành sĩ quan trung đội trưởng thâm niên nhất của đại đội tôi. Thiếu úy Biện là trung đội trưởng duy nhất mà tôi dám cho đi “sô lô” một cánh riêng, xa hẳn ban chỉ huy đại đội trong những lần hành quân diều hâu quanh Pleiku. Anh Biện là một sĩ quan rất can trường và bén nhạy lúc chạm trận. Thêm vào đó, anh là người chỉ huy rất mát tay. Mặc dù mỗi khi hành quân, Trung đội 3 thường chạm địch nhiều hơn các trung đội khác, nhưng cả năm nay chưa có người lính nào dưới quyền anh tử trận. Kỳ này vào trận mới ba ngày, mà Trung đội 3 đã chạm địch ba lần. Trên ve áo tên cán binh Việt Cộng mới bị giết có cái quân hàm bằng nỉ màu đỏ, hai sao vàng trên một gạch vàng. Tên VC này là trung úy thủ trưởng của C17 Trinh Sát/E 24. Tôi báo cáo tin này cho Hoàng Mai rồi chuyển gấp lên cho ông quyển sổ ghi danh sách toàn bộ Đại đội C17 Trinh Sát/ E 24 để phòng 2 quân đoàn cho người xuống lấy. Tới tối, Hoàng Mai cho tôi biết kết quả khai thác tài liệu tịch thu được trưa nay xác nhận rằng, từ ngày vào vùng tới giờ đã có trên mười tên VC bị Đại đội 1/11 BĐQ loại ra ngoài vòng chiến. Tiếc rằng sau mỗi lần chạm địch, tôi đã không chịu khó mở rộng vòng kiểm soát kết quả; vì vậy tôi tưởng chỉ có bốn tên địch bị giết trong ba lần chạm súng. Ngày N+3, tôi được lệnh tiến chiếm mục tiêu 3. Mục tiêu 3 nằm về hướng bắc của chúng tôi. Mục tiêu là cái khoanh tròn bao trùm một đỉnh núi có cao độ 1485 mét. Tên ngọn núi này là Chư Pa. Vì không rõ trên núi có nước hay không, cho chắc ăn, tôi ra lệnh mỗi người đem trên vai hai ngày cơm vắt cùng một bi đông nước dự trữ. Quân tôi lên đường từ khi trời còn mờ sương. Qua một cái thung lũng rất sâu chúng tôi bắt đầu leo. Đường dốc đứng, đá xanh, cạnh sắc như dao. Mỗi khi bản đồ ghi một vòng cao độ phình ra thì đó là một ngọn đồi. Ngọn đồi nào cũng vĩ đại. Cây rừng cao lắm, mà tàn lá thì đan nhau che kín ánh nắng mặt trời. Địa thế hoàn toàn không đúng với bản đồ. Địa thế khác hẳn những chi tiết ghi trên bản đồ. Khi băng ngang những dãy đồi kế tiếp nhau trên cao độ 1200 mét tôi cứ nơm nớp lo sợ bị tập kích bất ngờ. Lối mòn chằng chịt, đầy dấu xe thồ, dấu giầy vải, dấu dép râu. Đại đội tôi đi đơn độc. Đại đội 3/11 còn nằm lại với bộ chỉ huy tiểu đoàn nơi chúng tôi đóng quân đêm trước. Cánh B đã vào vùng hoạt động riêng của họ hướng tây nam. Tôi báo mọi tin tức thu lượm được về tiểu đoàn. Tôi xin anh Đàm cho pháo binh Mỹ đánh tập trung trên những hỏa tập dự phòng hướng tây. Tới trưa thì chúng tôi vượt qua khu nguy hiểm. Chúng tôi lên tới những vòng cao 1300. Lan rừng quệt trên nón sắt. Không thể ngờ rằng trên cao như thế mà trong rừng đầy khe, đầy suối. Ban ngày mà răng chúng tôi đánh bò cạp, lạnh run. Phía trước có ánh sáng trên cao. Sắp tới đỉnh núi! Một mảnh trời xanh xuất hiện từ từ. Chúng tôi chui khỏi rừng già, ra tới một vạt cỏ tranh. Cỏ tranh vây quanh chân một tảng đá xanh. Tảng đá xanh trước mặt tôi là đỉnh Chư Pa cao 1485 mét. Tôi leo lên tảng đá để dễ bề quan sát địa thế. Bố quân xong, tôi dùng cái lưỡi lê M16 của Binh nhất Phạm công Cường khắc lên mặt đá những dòng chữ sau đây:TA LÀ VUA (dòng đầu), Trung Úy VƯƠNG MỘNG LONG (dòng thứ nhì), ĐĐT/ĐĐ1/TĐ11/BĐQ (dòng chót). Thời 1966 mới tới Pleiku, tôi hay lang thang ở sân nhà thờ “nhìn” những con chiên dễ thương của Chúa đi dự lễ sáng Chủ Nhật. Trong sân nhà thờ có bức tượng Chúa Kitô với dòng chữ “TA LÀ VUA” dưới chân ông. Tôi mê dòng chữ đó quá. Từ đấy, trên những cái hộp quẹt ZIPPO của tôi, tôi đều thuê thợ khắc “TA LÀ VUA” ở một mặt. Mặt kia khắc cái đầu cọp và ba chữ tên tôi “VƯƠNG MỘNG LONG”. Nay có dịp khắc tên mình lên đá, tôi cũng lặp lại những dòng chữ trên. Cái đỉnh núi này chưa có ai đặt chân tới, tôi chinh phục được nó, tôi xác nhận chủ quyền của tôi đối với nó thì cũng là chuyện hợp lý thôi! Những năm sau, tôi đã nhiều lần bay ngang qua đây, nhiều lần đóng quân trên đỉnh ngọn núi này. Đầu năm 1971 tôi đã đổ bộ TĐ 4 Mike-Force của tôi xuống đỉnh Chư-Pa. Chúng tôi xuống dốc, lục soát men theo bờ đông sông Pơ-Kô tới thác Yaly rồi tiến về trại Lệ-Khánh (Pơlei Kleng). Lần chót, vào tháng 6/1973 tôi nằm năm ngày trên vị trí này để dễ liên lạc truyền tin với toán viễn thám của binh nhất Mok (Viễn Thám/ Phòng 2/BCH/BĐQ/ QK2). Những dòng chữ tôi khắc trên đá vẫn còn đó. Chư Pa là một ngọn núi cao sừng sững án ngữ một vùng trời miền tây bắc Pleiku. Trên bản đồ tỷ lệ 1 trên 50 nghìn thì Chư Pa nằm cách Plei M’rong hơn một gang tay về bên trái. Đỉnh núi là một tảng đá hình khối chữ nhật, cao cỡ mười mét, dài và rộng cỡ hai chục mét. Đứng trên tảng đá đó, tôi có thể húp từng ngụm mây vào đầy phổi; giơ tay tóm, vén từng sợi mây đang dập dềnh trước mặt; rồi có cảm tưởng mình gần với trời hơn là với đất. Dưới chân tôi, hướng đông bắc là thác Yaly, chính đông là hồ Ia-Lou và trại LLĐB Lý thái Lợi (Plei M’rong), xa hơn là Quốc lộ 14 vòng vèo quanh chân núi. Trong tầm nhìn của tôi, đầu bắc Quốc lộ 14 là đồi Chư Pao. Bên trái và xa hơn Chư-Pao là thành phố Kontum. Cuối nam Quốc lộ 14 là đỉnh Dang Rơia (1478 mét). Bên phải rặng núi này là Biển-Hồ (Pleiku), hậu cứ của Liên đoàn 2/BĐQ. Hướng tây Chư Pa là dòng Sé-San. Giữa dòng Sé-San có một cồn cát và đá, cây cối xanh rì. Bên kia sông, hướng tây-tây-bắc là hai đỉnh Cư Ki Tem Da và Cư Di Coi . Đàng sau những rặng núi trùng điệp đó là biên giới tỉnh Ratanakiri, Cambot. Chính hai ngọn Chư Pa (1485 mét) và Cư Ki Tem Da (1528 mét) cao vòi vọi đã ép dòng sông Pơ-Kô vào giữa khiến nó dồn dòng chảy qua một khúc quẹo ngặt nghèo, rồi đổ xuống cái thung lũng xanh tươi vùng tây Plei Djereng. Từ đây con sông Pơ-Kô mang tên mới là sông Sé-San thênh thang. Sé-San là đầu nguồn của sông Bé. Mùa đông, hai ngọn núi Cư Ki Tem Da và Cư Di Coi mây xây thành trắng xóa. Đỉnh của hai ngọn núi này đoi, chỉ có cỏ tranh, không có cây xanh. Buổi chiều, nắng chiếu ngược từ hướng tây, tạo nên một cái nền đỏ rực sau lưng hai ngọn núi, cho ta cái cảm tưởng hai đỉnh núi là hai cục than hồng, hừng hực cháy giữa không trung. Mặt trời trên đường về quê hương Angkor đã để lại sau lưng nó những tia vàng lóng lánh. Mùa khô Tây Nguyên, đứng trên đỉnh Chư Pa vào lúc chớm đêm, thật là khó phân biệt được đâu là trời, đâu là đất. Ánh sáng lấp lánh, lập lòe trước mặt ta có thể là ánh sao trời, nhưng cũng có thể là ánh lửa từ nương rẫy đang cháy. Đêm không trăng, trước mắt tôi là một không gian bồng bềnh. Tôi lâng lâng trong ảo giác vertigo (chóng mặt). Gió đuổi nhau từng cơn.Trong gió thoang thoảng hương lan rừng. Tiếng thác rì rào có lúc nghe thật gần, có lúc nghe rất xa. Thời gian qua chầm chậm, Chư Pa chìm từ từ xuống biển sương mông mênh. Sáng N+4 đại đội tôi xuống núi từ khi trời còn tối. Chúng tôi về tới triền nam của Chư Pa vào lúc ban trưa. Tôi dừng quân trên đoạn yên ngựa án ngữ con đường thồ độc đạo ngay đỉnh một cái dốc của vòng cao 900 mét. Sau khi Hoàng Mai rời Đại đội 3/11 để theo cánh B thì Đại đội 3/11 nhổ neo đến với tôi. Tới chiều N+4 thì Đại đội 3/11 bắt tay được Đại đội 1/11. Từ ngày mai, Đại đội 3/11 của Trung úy Quí sẽ giữ nhiệm vụ đi đầu. Tôi báo cho Quí biết sự sai lệch giữa thực địa và bản đồ. Để chắc ăn, Quí cho một trung đội của Đại đội 3/11 vượt qua Đại đội 1/11 đóng chốt cách tôi khoảng hai trăm mét về hướng tây. Sáng mai, từ tiền đồn này, quân của Quí tiến vào mục tiêu 4. Mục tiêu 4 nằm dưới vòng cao 500 mét. Theo dự trù, thì những ngày kế tiếp, cánh A sẽ đổ dốc, vòng qua mục tiêu 4 và 5 cho tới sát bờ Pơ-Kô thì quẹo trái để gặp cánh B nơi bờ sông có cái cồn cát lớn giữa dòng. Buổi tối N+4, sau khi bố quân, mấy anh trung đội trưởng đã cạn thuốc lá, mon men tới lều tôi vòi tí khói. Lúc nào trong balô của Binh nhất Trung cũng sẵn hai cây Lucky dự trữ. Tôi lấy thuốc lá ra phân phát cho mỗi chàng trung đội trưởng một bao. Tôi đang chuẩn bị ăn cơm tối, nên tôi mời ba anh trung đội trưởng ăn cơm chung. Sau hai ngày leo dốc cật lực, không khói lửa, chỉ ăn cơm vắt, bốn anh em tôi quất hết một nồi cơm và một chén thịt heo kho mắm ruốc. Đêm nay ỷ vào vị trí đóng quân cheo leo, đàng sau có Đại đội 3/11 án ngữ, ba hướng khác đều có tiền đồn, anh em sĩ quan đại đội tôi mới dám tụ họp cùng nhau hơi lâu. Từ sau Mậu-Thân, chiến trường càng ngày càng khốc liệt; những sĩ quan lớn tuổi đã theo nhau rời khỏi đơn vị tác chiến. Hiện thời, chúng tôi là lớp sĩ quan trẻ nhất trong các thế hệ đã đi qua Tiểu đoàn 11/BĐQ này. Cùng trang lứa, chúng tôi dễ hoà hợp và thông cảm nhau. Chín mươi phần trăm sĩ quan của tiểu đoàn hiện nay còn độc thân. Trong rừng, chúng tôi chiến đấu bên nhau. Về hậu cứ, chúng tôi cũng không rời nhau. Giàn sĩ quan trung đội trưởng của tiểu đoàn, dẫn đầu là những kiện tướng, trưởng thành từ khói lửa Mậu-Thân như Thiếu úy Đinh quang Biện (ĐĐ1/11), Thiếu úy Phan văn Hải (ĐĐ2/11), Thiếu úy Trần cao Chánh (ĐĐ3/11) và Thiếu úy Trần ích Châu (ĐĐ4/11) là những mũi tên đột phá trong thế công, thành đồng trong thế thủ của chúng tôi thời gian này. Trong rừng, chúng tôi là nỗi kinh hoàng của giặc Cộng, nhưng trong thành phố, chúng tôi thường xuyên là người thua trận, mỗi khi “đụng đầu” mấy ông già Napoléon, Hennessy, Martell, hay Johnny Đi Bộ (Walker). Chuyện chúng tôi ngất ngưởng coi trời bằng vung, chuyện Biệt Động Quân say, tỉnh, tỉnh, say, chỉ là “chuyện thường ngày ở huyện”, không có gì là lạ. Vì những ai đã từng vỗ ngực tự xưng “Ta là Biệt Động Quân” mà đời chưa từng kinh qua một lần “túy lúy càn khôn” thì đâu xứng danh là Biệt Động?(!) Ở Pleiku, có những cái tên đã thành thân quen đối với chúng tôi như “Quán Nhớ”, “Quán Sương”, “Quán Thu Hà”, “Quán Kim Liên”, “Quán Tuyết Trắng”… Sau năm ngày đi đầu vất vả, ngày N+5 tôi cho thuộc cấp thoải mái, chuẩn bị cơm nước, hong giầy, hong vớ. Đợi Đại đội 3/11 chiếm xong mục tiêu, tôi sẽ cho đơn vị từ từ di chuyển lên sau. Anh em đơn vị tôi đang phì phà khói thuốc, nhấm nháp cà phê thì nghe tiếng AK nổ hướng tiến quân của đại đội bạn, phía cuối dốc. Tôi không nghe tiếng Quí trả lời tôi trên máy tiểu đoàn. Tôi và Thiếu úy Biện dẫn theo hai cái máy truyền tin đi về hướng đuôi Đại đội 3/11. Tôi gặp Thiếu úy Thung, trung đội trưởng đoạn hậu của Đại đội 3/11. Thiếu úy Thung mặt thất sắc, lắp bắp báo cho tôi một tin sét đánh, “Trung úy đại đội trưởng và Thiếu úy đại đội phó chết rồi! Đại ca ơi!” Tôi gạt Thung qua một bên. Bốn thày trò tôi chạy thẳng xuống cuối dốc. Tôi tới ban chỉ huy Đại đội 3/11 đúng vào lúc toán tản thương đang dìu một người máu me đầy mình đi tới. Vừa thấy tôi, người bị thương đã khóc rống lên, “Thái Sơn ơi! Thầy Quí, thầy Tâm chết rồi!” Người đó là Hạ sĩ nhất Trần Quy. Hạ sĩ Quy là thuộc cấp cũ của tôi ở Đại đội 3/TĐ11/BĐQ khi tiểu đoàn còn ở Đà-Nẵng, ngày tôi mới ra trường. Những đồ đệ cũ của tôi ở Đại đội 3/11 đều được Trung úy Quí tin dùng. Hạ sĩ Quy kể lại rằng, sáng nay trước khi lên đường, Trung úy Phan ngọc Quí đại đội trưởng và Thiếu úy Nguyễn hữu Tâm đại đội phó đã ra trước tiền đồn khoảng vài chục thước để quan sát hướng đi và so sánh sự khác biệt giữa bản đồ và thực địa. Trinh sát VC đã nằm chờ sẵn nơi cuối dốc. Cả hai sĩ quan và anh lính truyền tin đều bị bắn trúng sọ và ngực ngã xuống. Riêng Hạ sĩ Quy, cận vệ của Trung úy Quí bị bắn gãy tay trái và một viên đạn vào ngực Quy chạy trối chết về tiền đồn kêu cứu. Khi toán cứu viện ra tới nơi thì hai ông sĩ quan và anh hiệu thính viên đã chết. Cái bản đồ hành quân, cặp lon trung úy của Quí và cái máy truyền tin đã bị địch cướp đi. Tôi ra lệnh cho Thiếu úy Thung bố trí Đại đội 3/11 tại chỗ chờ lệnh. Được tin báo của tôi, Hoàng Mai ngỡ ngàng, thở dài thườn thượt. Sau khi trực thăng tải xác, tải thương cất cánh, tôi được lệnh hủy bỏ hai mục tiêu còn lại. Liên đội A quay ngược trở về dốc 900. Đại đội 1/11 nằm lại tại dốc này qua đêm; riêng Đại đội 3/11 được lệnh di chuyển sang phòng thủ ngọn đồi nhỏ hướng tây nam, dưới chân dốc 900 để chuẩn bị bãi đáp cho bộ chỉ huy liên đoàn vào vùng. Sáng N+6 Trung tá (k11VB) Trịnh văn Bé liên đoàn phó và ban truyền tin liên đoàn xuống bãi thả trên đỉnh ngọn đồi cao 740 mét, dưới chân tôi. Trung tá Bé thiết lập bộ chỉ huy nhẹ của liên đoàn ngay trên bãi đáp này. Chiều đó, chúng tôi được tái tiếp tế. Đêm N+6, Trung đội 2 của Chuẩn úy Danh trấn giữ tiền đồn dốc 900 trên cao. Đại đội 3/11 và Đại đội 1/11 trừ (-) của tôi có nhiệm vụ bảo vệ bộ chỉ huy nhẹ của liên đoàn. Tôi không rõ cánh quân B đang ở nơi nào. Khoảng 7 giờ sáng N+7 tiền đồn trên đỉnh 900 bị địch tấn công. Địch nổ súng sau khi quân bạn đã tháo gỡ mìn bẫy phòng thủ. Từ dưới chân đồi, chúng tôi thấy rất rõ khói B40 không ngừng bốc lên từng cụm sau những tiếng nổ “oành! oành!” liên tiếp nhau. Tôi và hai Trung đội 1 và 3 chạy vội lên đồi để tiếp cứu cho đứa con đang bị đánh. Thiếu úy Biện (Trung đội 3) đánh bọc bên trái, tôi và Thiếu úy Vi (Trung đội 1) đánh bọc bên phải. Vừa ngóc đầu lên khỏi dốc, tiền quân của Vi đã bị thủ pháo VC chào đón nồng nhiệt. Khói và bụi làm cho cặp kiếng cận của ông trung đội trưởng mờ mịt. Trên đường, Vi phải ngừng chân lau kiếng nhiều lần. Thủ pháo của VC tới tấp chọi vào khu những mô đá nhô ra bên hướng đông. Thiếu úy Vi cho đàn em trả đũa bằng những quả M26. Lợi dụng gió đang thổi theo chiều tây-đông, Vi “chơi” luôn hai trái lựu đạn khói cay bên hông phải ngọn đồi. Cơn mưa thủ pháo chợt ngừng. Trong lúc tôi và Trung đội 1 của Thiếu úy Vi đang cố vượt đoạn đường đầy gai mắc cỡ thì đạn B40 liên tục “xè! xè!” từ triền bắc, bay qua đầu chúng tôi, rơi xuống triền nam, nổ dưới thung lũng. Quân của Chuẩn úy Danh đang reo hò “Sát! Sát!” trên cao. Tôi bắt tay được với Trung sĩ nhất Khôi trung đội phó Trung đội 2 nơi đầu dốc. Khẩu M60 của Binh nhất Trần Đợi đã ròn rã nổ, kiểm soát con đường voi thồ hướng bắc, dưới chân dốc. Trong lúc tôi bận tiếp tay một tân binh chuyền thùng đạn đại liên cho xạ thủ thì một quả B40 bay sượt đầu thằng Đợi, trúng tảng đá trên đỉnh. Trái đạn nổ gây một đợt mưa đá bụi trên đầu những người núp quanh chân tảng đá. Phút sau, bên trái tôi có tiếng khóc thút thít, “Trung úy ơi! Em bị thương!” Một Biệt Động Quân đang ôm mông, nằm nghiêng sau bụi dương xỉ, mặt người đó tái mét. Người lính quay về phía tôi chờ đợi. Uả! Ai mà giống như thằng Hồng, một tân binh? Tôi trườn nhanh tới bên người lính. Đúng nó rồi! Binh nhì Lê văn Hồng, mười tám tuổi. Thằng Hồng là em của cô Lê kim Cương ở Chợ Mới, Pleiku. Cô Lê kim Cương, nữ sinh trung học Minh-Đức là bồ của một thằng bạn tôi ở bộ chỉ huy Liên đoàn 2/BĐQ. Tôi nghĩ có lẽ thằng Hồng bị thương nặng. Phải mất nhiều máu lắm mặt nó mới xanh như vậy. Tội nghiệp thằng bé, mới ra trận lần đầu! “Đạn trúng chỗ nào đâu? Đưa anh coi! Anh băng bó cho chú!” Thằng Hồng vừa sụt sịt vừa ôm mông, “Chỗ này! Máu ra ướt đẫm cả quần em! Trung úy ơi! Trung úy cứu em!” Tôi lật mông nó ra coi. Trời ơi! Mông nó ướt đẫm! Nhưng không phải ướt vì máu! Nước chảy từ cái bi đông bị đạn làm cả nửa người bên trái thằng Hồng ướt đẫm! Tôi mừng quá, đẩy nó sang một bên, “Ê! Cái đồ chết nhát! Cái bi đông bị thương chứ nhỏ có bị thương đâu! Mắc cỡ! Đừng nằm vạ nữa! Nhào lên đi!” Thằng Hồng đỏ mặt lồm cồm bò dậy, lủi lên hướng ông Trung sĩ Khôi trung đội phó. Hướng Trung đội 3 đang tiến, đạn nổ rền trời. Giữa ba tảng đá nơi đỉnh đồi là cái lều của trung đội trưởng. Ông trung đội trưởng bị thương nằm một mình trong lều rên hừ hừ. Anh y tá của trung đội còn đang bận bóp cò M16 chống giặc ngoài hố cá nhân. Tôi thấy Chuẩn úy Danh đang tay trái ôm hạ bộ, tay phải ôm vai trái, mặt mày nhăn nhó vì đau. Áo quần của người sĩ quan trẻ đầy vết máu. Tôi ra dấu cho Trung sĩ Đức, y tá đại đội vào lều chăm sóc cho Danh. Tôi nhảy ba bước tới triền đồi hướng bắc. Trên mặt đất đầy những lỗ lõm như bàn tay, cỏ cháy nám đen, đó là dấu thủ pháo vừa để lại sau khi nổ. Trung đội 3 của Thiếu úy Biện đã lập xong tuyến phòng ngự bên trái. Những cái hố cá nhân đang hình thành. “Vừa đánh vừa đào” là phương châm của đại đội tôi. Những trái lựu đạn M26 được thả theo đuôi nhau lăn từ trên dốc xuống triền núi. “Ùm! Ùm!” khói đen cuồn cuộn. Chợt dưới chân dốc, hai ba hỏa châu phụt lên trời, đấy là những hỏa châu đỏ giựt bằng tay của VC. Rồi tiếng súng của địch thưa dần, xa dần về hướng tây bắc. Tôi nhận biết ngay rằng hỏa châu đỏ là hiệu lệnh rút lui của chúng! Sau đó, tiếng súng của ta cũng im theo. Trận đánh nhanh như chớp. Đây là một cú đột kích rồi rút chạy của địch. Tôi không xin pháo binh. Rừng núi bao la, biết chúng nó rút đi đâu mà gọi pháo binh? Tôi cũng chẳng thèm ra lệnh truy kích. Nếu tôi dẫn quân đi mà để trống cái tiền đồn này thì nguy hiểm lắm. Chỉ cỡ hai đại đội địch chiếm được cao điểm này thì dưới kia, bộ chỉ huy liên đoàn chết tươi. Trung đội 1 lục soát xa dưới triền dốc chỉ tìm được một khẩu B40 và một số thủ pháo. Vết máu rơi rớt đầy mặt đất nhưng không có xác thằng VC nào bị bỏ lại. Tôi chui vào lều thăm Chuẩn úy Danh. Tôi hỏi nhỏ Trung sĩ Đức, “Nặng không?” Người y tá đại đội nhanh miệng, “Trình trung úy, máu me tùm lum nhưng vết thương không nặng lắm đâu! Toàn miểng B 40 không à!” Thấy Danh đang ôm hạ bộ nhăn nhó, tôi hỏi Đức, “Thế cái ‘của qúy’ của chú ấy có còn không?” “Dạ còn! Chuẩn úy cứ sợ đạn hớt cái đó mất tiêu nên ổng bắt em khám cái đó trước tiên. Khi nhìn thấy của quý còn nguyên vẹn ổng mới yên tâm cho em băng bó chỗ khác.” Tôi mồi cho Danh điếu Lucky và dúi vào tay người đàn em tờ giấy năm trăm, “Cái này là của anh cho, để cầm hơi khi xa đơn vị. Khi tiêu hết tiền thì nói ông Trung sĩ Em (tiếp liệu) ứng trước cho, cuối tháng trừ vào lương” Danh cầm tay tôi bịn rịn rồi chào tôi, lên cáng xuống bãi tản thương. Tôi đi quanh vị trí đóng quân của Trung đội 2, kiểm lại số chiến lợi phẩm khiêm nhường mới thu được. Trung tá Bé đã vào máy theo dõi diễn tiến trận đánh từ phút khởi đầu. Ông liên đoàn phó cho lệnh tôi giữ nguyên Đại đội 1/11/BĐQ trấn giữ cao điểm này. Ông căn dặn tôi giăng mìn bẫy phòng thủ cẩn thận vì tin A 2 cho biết địch đang chuẩn bị đánh lớn tối nay. Mờ sáng N+8 Trung tá liên đoàn phó cho lệnh tôi không cần tháo gỡ mìn bẫy phòng thủ nhưng rút quân thật nhanh xuống với bộ chỉ huy liên đoàn. Trung tá Bé gọi tôi vào lều của bộ chỉ huy liên đoàn để gặp riêng. Ông nói nhỏ, “Đúng 8 giờ 6 phút 12 giây, B 52 sẽ đánh rất gần đây. Cỡ 8 giờ chú cho anh em ngồi trên miệng hố, xoay lưng về hướng đông. Bom nổ, chấn động sẽ tới từ sau lưng. Tránh núp dưới hầm hố. Khi bom nổ áp suất không khí dưới hố sẽ tăng cao, nguy hiểm.” Tôi nghe lệnh và thi hành thật nghiêm chỉnh. Khoảng hơn 8 giờ sáng hôm đó tôi nghe từ trên trời cao những tiếng chim lạ gọi nhau “ủn! ủn!…ủn! ủn!” âm thanh lạ xé gió dội tới từng đợt nối tiếp. Sau đó là tiếng “bùng! bùng!… bùng! bùng!” ba đợt nổ rền, mỗi đợt cách nhau chừng vài chục giây đồng hồ. Tai tôi bị sức ép không khí làm căng màng nhĩ. Mạch máu đầu tôi như căng lên. Ngực tôi bị ép hơi nghẹt thở. Những cái poncho rung phần phật. Một vài cái lều bị đứt giây. Mấy cái võng không người nằm bị sức bom đẩy chao qua chao lại. Ít phút sau tình hình trở lại bình thường. Trên trời có 3 vệt khói phản lực trắng xóa, 3 cánh B52 sáng như bạc đang quẹo chữ “U” về đông. B52 vừa đánh xong, chúng tôi lại được lệnh chạy ngược lên ngọn tiền đồn. Dưới thung lũng hướng đông bắc, khói và bụi đỏ bốc cao. Bụi lùa trong rừng cây. Mưa bụi đỏ phủ trùm một vùng rừng bát ngát. Lều bạt, đá núi, mặt đường đều được phun lên trên một lớp bụi đỏ dầy. Mặt mũi, áo quần chúng tôi cũng đầy bụi đất. Box B52 nằm ngay dưới chân Chư Pa nhưng tôi chờ hoài không thấy lệnh đi lục soát. Chúng tôi ôm súng ngồi bên hố cá nhân. Người này ngó người kia. Chúng tôi hút thuốc đốt thời giờ. Thời gian qua thật chậm. Chúng tôi ngồi im lặng nghe ngóng. Chỉ có tiếng gió lùa, tiếng cây cọ vào nhau kẽo kẹt. Không có lệnh gì cả. Suốt ngày hôm đó không có lệnh gì cả. Bên cánh B, liên lạc truyền tin cũng im lặng như tờ. Nửa đêm, Trung tá Bé cho tôi biết sáng hôm sau bộ chỉ huy nhẹ của liên đoàn sẽ di chuyển, đại đội tôi được trả lại cho tiểu đoàn. Trời vừa tan sương mù, ngày N+9 chiếc HU1D Hoa Kỳ đầu tiên đã loạng quạng chặt vào cây lúc hạ cánh. Chiếc tàu bổ nhào xuống bãi. May mắn tàu không bốc cháy. Phi hành đoàn vô sự. Chiếc tàu thứ nhì được gởi xuống để rescue phi hành đoàn của chiếc tàu vừa rơi đã không xuống được. Nó đang bay vòng vòng chờ trên trời. Ghunships hộ tống rà sát ngọn cây. Những xạ thủ trực thăng võ trang đã nhận ra chúng tôi đang nằm trên núi, họ quơ tay vẫy. Trung tá Bé cho lệnh một trung đội của Đại đội 3/11 hè nhau đẩy chiếc HU1D hư xuống triền đồi để dọn bãi trống cho những chiếc khác xuống bốc quân. Đến gần hai giờ chiều thì bộ chỉ huy liên đoàn ra khỏi vùng. Liên đội A được lệnh di chuyển theo hướng tây về phía bờ sông. Tôi cho Đại đội 3/11 đi trước, Đại đội 1/11 giữ nhiệm vụ đoạn hậu. Chúng tôi đốt chiếc trực thăng hư lúc trung đội chót rời bãi đáp. Khi chúng tôi còn cách bộ chỉ huy tiểu đoàn chừng hơn một cây số thì Đại đội 3/11 được lệnh tách ra, nhập với một cánh quân của liên đội B để bảo vệ bộ chỉ huy tiểu đoàn. Chiều đó đại đội tôi dừng quân trên một bình nguyên thoai thoải, cách bờ Pơ-Kô chừng bốn cây số. Cánh B nằm về hướng tây bắc của tôi, bộ chỉ huy tiểu đoàn và Đại đội 3/11/BĐQ nằm về hướng tây của tôi. Đêm trôi qua một cách thật yên tĩnh, không có pháo quấy rối, không có hỏa châu, hoả long. Sáng N+10, vừng dương vừa lên, hướng bờ sông có tiếng súng nổ. Tiếng mìn, lựu đạn, đại liên, trung liên, súng tay, súng cối, âm vang vách núi dội ra ầm ầm hỗn độn. Đại bác Hoa- Kỳ từ hướng đông và nam không ngừng bắn yểm trợ cho quân ta. Hai Đại đội 2&4 đang bị địch tấn công ác liệt. Bộ chỉ huy tiểu đoàn và Đại đội 3/11 nằm trên một ngọn đồi nhỏ, chừng hai trăm mét về hướng nam liên đội B nhưng vẫn còn bình yên. Hiện thời toàn bộ Tiểu đoàn 11/BĐQ có mặt trong vùng này. Đại đội tôi ở xa nhất cũng chỉ cách liên đội B chưa tới hai cây số. Hoàng Mai đang liên lạc với L19. Máy bay Hoa-Kỳ đã có trên vùng và bắt đầu đánh bom trên con suối hướng bắc cánh B. Tôi cho đơn vị cuốn lều, gọn ghẽ, chuẩn bị chờ lệnh tiểu đoàn trưởng. Tôi chợt nghe người hiệu thính của Đại đội 4/11 kêu cứu, “Tụi nó (VC) đang lên ào ào. Thẩm quyền Kỳ Sơn bị thương rồi. Thẩm quyền Lam Sơn nói nếu không có cứu viện thì ổng tự tử!” Kỳ Sơn là Thiếu úy Lũy (ĐĐT2/11), Lam Sơn là Trung úy Lạn (ĐĐT4/11) Tôi bàng hoàng, “Như vậy là liên đội B bể tới nơi rồi! Họ đang chờ cứu viện.” Không đợi lệnh của tiểu đoàn trưởng, tôi cho đại đội cấp tốc lên đường. Trung úy Nguyễn Lạn là bạn cùng khóa 20 VB với tôi. Tôi nghĩ thầm, nếu chậm chân, có thể tôi sẽ không bao giờ còn trông thấy người bạn thân của mình nữa. Quá nóng lòng vì bạn, tôi cho đại đội hàng một, cắm đầu chạy về hướng súng nổ, bất kể chiến thuật chiến lược gì ráo trọi. Để trấn an quân bạn, tôi chụp cái ống nghe, phát thanh bổng, “Cố lên chút xíu! Có Thái Sơn tới cứu!” Nghe được tiếng tôi trên máy, người hiệu thính của Đại đội 4/11 mừng rỡ gọi, “Thái Sơn lên mau đi! Cứu tụi em với!” Tôi vội trả lời, “Thái Sơn tới ngay! Sắp tới rồi!” Tôi ra lệnh cho Binh nhì Nguyễn Nhường, hiệu thính viên truyền tin của tôi cứ lặp đi, lặp lại câu, “Đại đội 1 đây! Đại đội 1 đây!” suốt thời gian chúng tôi trên đường tìm tới vùng có giao tranh. Xuống khỏi ngọn đồi đóng quân đêm, chúng tôi vừa chạy, vừa tác xạ hai bên con đường thồ dẫn về hướng liên đội B. Cũng may, trên đường tiến, chúng tôi không gặp lực lượng chặn viện nào của VC. Không bao lâu sau, tiền quân của tôi đã tới chân ngọn đồi đóng quân của bộ chỉ huy tiểu đoàn. Từ đây tôi có thể quan sát rõ ràng địa thế chiến trường trước mặt. Ngọn đồi mà liên đội B đang cố thủ rất rậm rạp, nhưng xung quanh nó lại rất trống trải. Từ xa, tôi có thể nhìn thấy cái chỏm xanh của ngọn đồi tre nứa đó nổi bật giữa vùng đá đen xen kẽ cỏ tranh và cỏ hôi. Giờ này từ cái chỏm xanh đó đang bốc lên từng cột bụi, khói mịt mù. Những trái đạn cối toé lửa khi nổ trên nhánh cây, những cánh B40 phụt khói khi chạm đất. Đạn lửa của địch từ ba hướng, bắc, đông bắc, và tây bắc đồng quy trên chòm cây xanh đó. Vũ khí bắn thẳng của địch đa phần là thượng liên nồi RPD. Tôi không nghe tiếng 12,7 ly và đại bác 57 ly; trong khi tiếng đạn cối thì nổ “ùm! ùm!” liên lục không ngừng. Tôi quyết định không vội bắt tay với cánh B. Tôi sẽ mở một mũi tấn công giải tỏa áp lực địch từ bên trái. Chúng tôi dàn hai hàng ngang tiến sát chân đồi. Miệng la, “Đại đội 1 đây!” “Biệt động! Sát!” “Đại đội 1 đây!” “Biệt động! Sát!” chúng tôi vừa bắn vừa tiến lên triền núi bên trái khu rừng nứa. Trung đội 3 tiến như vũ bão lên đỉnh trọc bên trái khu giao tranh để lập đầu cầu. Khẩu M60 tăng cường cho Trung đội 3 bắt đầu khạc đạn. Tất cả các loại súng bắn thẳng đều tác xạ về hướng 45 độ để cản đường tiến của địch. Việt-Cộng biết viện binh của BĐQ đã tới, nên chúng gia tăng cường độ tấn công, mong sớm dứt điểm hai đơn vị BĐQ đã bị thiệt hại nặng. Những khẩu cối của địch bắt đầu chuyển hướng, nhắm vào tuyến dàn quân của đại đội tôi. Chúng tôi lại tiếp tục câu châm ngôn “vừa đánh vừa đào”. Tôi không dám cho quân vượt qua đỉnh đồi. Vì nếu liên đội B bị tràn ngập thì tôi hết đường lui. Tôi cho Trung đội 1 an ninh mặt sau, phòng hờ trường hợp địch vận động đánh bọc hậu. Tôi ra lệnh cho Trung sĩ Tánh, trung đội trưởng súng nặng xoay khẩu cối 60 ly của Binh nhì Ngẫu bắn cận phòng một vòng cung ngay chân đồi, hướng trước mặt. Đạn cối 60 ly nổ “ùm! ùm!” ngay dưới dốc. Địch đang xung phong lên tuyến phòng ngự của liên đội B. Những tiếng thét man rợ “Xung phong! Xung phong!” dội vào vách núi, vang vang. Từ trên đỉnh ngọn đồi trống, tôi có thể quan sát bao quát hết khu thung lũng hướng bắc cánh B. Tôi thấy rõ từng đợt người từ thung lũng chạy lên dốc; những thân hình tưng lên, rũ xuống vì trúng đạn. Tôi xin anh Đàm dồn hết hỏa lực không quân yểm trợ tiếp cận vào khu lòng chảo nằm giữa dãy đồi móng ngựa. Tôi điều chỉnh Cobra đánh sát triền núi hướng bắc để giải tỏa áp lực của VC. Những tràng đạn 40 ly từ Cobra trải xuống như pháo dây đã chặn đứng đợt biển người sau cùng của địch quân. Hơn nửa giờ sau tôi kiểm soát được phần tây bắc của ngọn đồi. Việt-Cộng đã tổn thất rất nặng. Nơi triền dốc trước mặt tôi, máu địch ngập mặt đất, đọng thành vũng. Băng cứu thương bay phất phới, vướng vào những bụi nứa và dương xỉ như những dải lụa trắng, lụa đỏ. Dưới thung lũng có ít nhất ba vị trí súng cối 61 ly đặt cách nhau chỉ vài mét. (Súng cối của ta nòng 60 ly, lá thuốc bồi hình vuông; súng cối của địch nòng 61 ly, lá thuốc bồi hình vành khăn hở). Trong trận này, VC đã bắn cối 61 ly không cần thuốc bồi (bồi 0) vì khoảng cách từ súng tới liên đội B chưa đầy hai trăm thước. Những khoanh thuốc bồi cối 61 không dùng tới bị vứt đầy mặt đất. Hai khẩu RPD bị bắn gãy nát nằm cạnh một bàn tiếp hậu cối 61 cong queo vì trúng rocket của trực thăng võ trang. Gần chục khẩu súng cá nhân của VC bị bỏ lại trên trận địa, khẩu nào cũng bị gãy vì trúng đủ loại đạn. Rải rác trên mặt đất, cả chục xác địch chưa kịp đem đi. Trên cổ vài tử thi VC có cột một sợi dây dù dài. Đây cũng là cách chúng di chuyển xác trong trường hợp khẩn cấp. Tuyến xung phong của VC trải rộng từ triền đông sang triền tây của ngọn đồi cỏ hôi, nứa tép. Chiều dài này đòi hỏi lực lượng tham gia tấn kích phải có quân số trên dưới một tiểu đoàn. Như vậy chúng phải có ít nhất một tiểu đoàn trừ bị đàng sau. Khi áp lực địch hướng tây bắc được giải tỏa, thì Trung úy Nguyễn Lạn bình tĩnh trở lại. Anh xin tôi bung xa vòng kiểm soát về bắc để anh an tâm chấn chỉnh lại quân số. Tôi cho Trung đội 2 bung rộng về bên phải bắt tay với cánh trái của Đại đội 2/11. Thiếu úy Trần Lũy ra tới bìa rừng để gặp tôi. Anh Lũy bị thương tay trái. Anh Lũy báo cho tôi biết rằng liên đội B bị thiệt hại khá nặng. Số tử thương không bao nhiêu, nhưng bị thương thì nhiều lắm. Bom Mỹ đánh sát bìa suối hướng bắc và chuyển ra xa dần. Cobra đang vần vũ trên cao. Đại úy Đàm ra lệnh cho tôi tiến theo từng đợt bắn của Cobra để truy kích địch. Đội hình một hàng ngang, đại đội tôi tiến rất thận trọng. Thấy tôi không đủ quân để kiểm soát một vùng rộng lớn, đại úy tiểu đoàn trưởng ra lệnh cho Trung úy Nguyễn Lạn phải tiến lên truy kích địch phụ với tôi. Vì Đại đội 4/11 đã thiệt hại nhiều, nên tôi cáng đáng phần nặng đi đầu. Tôi cho quân của anh Lạn theo sau. Đại đội 4/11 của Trung úy Lạn quân số còn quá ít, coi như bất khiển dụng rồi. Quay đầu nhìn lại, tôi thấy anh bạn cùng khóa của tôi đi thất thểu như người mất hồn. Truy kích địch trong tình trạng này quả là một sự mạo hiểm. Chúng tôi bị lọt thỏm trong một thung lũng lác đác nứa tép xen với những cây cọ non. Không có gì để che dấu, ẩn nấp. Hai bên trục tiến của chúng tôi là đồi cao. Hông trái, hông phải của chúng tôi bỏ trống. Tôi có cảm tưởng như mình có thể bị lãnh đạn, chết bất cứ lúc nào. Trong khi đó, dưới chân tôi, đầy rêu trơn trượt; chúng tôi bị té oành oạch mỗi khi chạy nhanh quá đà. Tiến nhanh thì vướng rêu trơn té ngã. Tiến chậm thì làm mục tiêu cho địch bắn. Hỏa lực trì hoãn chiến của VC rất ác liệt. Cộng quân bố trí thượng liên RPD xen kẽ B41 dưới khe, từng cụm, cách nhau vài chục mét. Chúng chỉ khai hỏa khi ta lọt vào xạ trường mà chúng đã dự trù. Cung cách tác chiến của địch cho ta thấy đây là một đơn vị rất thiện chiến. Đạn RPD không đan nhau mà quét đều như vãi lúa trước mặt đoàn quân đang tiến tới. Mí mắt tôi chợt giựt lia lịa, linh tính nhạy bén của tôi đang cảnh báo cho tôi một tai biến đang chờ. Rất có thể địch đang nhử đơn vị tôi đi sâu vào khu lòng chảo trước mặt để chúng vận động đánh úp. Tôi quyết định cho đơn vị tạm dừng. Tôi xin đại úy tiểu đoàn trưởng cho Đại đội 3/11 xuống tiếp tay, để tôi rảnh rang đánh bọc hông bên trái. Ngọn đồi đá đen bên trái trục tiến quân là mối đe dọa lớn cho đoàn quân đang di chuyển trong cái thung lũng trống trải dưới này. Vài phút sau, tôi nghe tiếng Trung úy Hồ Bé (ban 3) báo cho tôi biết rằng anh và Đại đội 3/11 đang xuống đồi. Trung úy Hồ Bé (k18 Thủ Đức) nguyên là đại đội trưởng 2/11. Anh vừa bàn giao đại đội cho Thiếu úy Lũy để về bộ chỉ huy làm ban 3 thay Trung úy Phạm văn Lương đã thuyên chuyển. Tôi không rõ đại úy tiểu đoàn phó Lê văn Để (k16 Thủ Đức) có đi hành quân kỳ này hay không mà từ ngày đầu cho tới giờ, tôi không nghe Hoàng Yến lên máy (Hoàng Yến là danh xưng truyền tin của Đại úy Lê văn Để) Như vậy là bốn đại đội tác chiến đều lên tuyến đầu, nhưng bộ chỉ huy tiểu đoàn vẫn ở lại ngọn đồi cũ. Liên đoàn đã cho Đại đội 3/TĐ 22/ BĐQ của Trung úy Quách hồng Quang đang hoạt động vùng hướng nam, tới bảo vệ bộ chỉ huy TĐ11/BĐQ để Đại úy Đàm và cố vấn Mỹ có thể bình tâm điều chỉnh máy bay yểm trợ cho chúng tôi. Trong lúc máy bay bắn phá thì Đại đội 3/11 di chuyển lên thay thế Đại đội 4/11. Quân số của Đại đội 3/11 vẫn còn đầy đủ. Tôi nhờ Trung úy Bé cho đơn vị chiếm dãy đồi cao bên phải trục tiến quân, rồi cho đơn vị bắn liên tục về phía trước để thu hút sự chú ý của địch quân. Yên trí có quân bạn bảo vệ cạnh sườn, tôi cho Đại đội 1/11 xung phong lên khu đất cao bên hướng tây. Một đơn vị địch đang án binh chờ chúng tôi trên rặng đồi đá đen này. Khi đại đội tôi vừa áp sát bìa rừng thì vấp phải một hàng rào lửa AK và B40 dày dặc. Giờ đây muốn sống còn, chúng tôi chỉ có một con đường độc nhất là ào lên chiếm cho được cái đỉnh móng ngựa này. Dưới chân tôi toàn là đá cuội lởm chởm, vô phương moi hầm hố để bám đất. Chúng tôi đành nương núp sau những gốc cọ, quần thảo với kẻ thù. Sau mỗi mô mối là một tổ đề kháng của VC, với hai AK và một B40. “Xẹt!” “Xẹt!” “Oành!” “Oành!” Quanh tôi, lửa chóa liên tục. Hai cái cần ăng ten máy truyền tin của tôi là mục tiêu thu hút những cánh đạn B40, B41. Tôi và hai anh hiệu thính viên phải thay đổi vị trí liền liền. Không ai dám bám trụ một chỗ trong thời gian lâu quá vài phút. Trong rừng, bóng người di chuyển, thoáng ẩn, thoáng hiện, như bóng ma. Đại đội 1/11BĐQ đang ăn thua đủ với một địch thủ “ngang cơ” trong một địa thế lạ. Không quân Mỹ bó tay, súng cối của Việt Cộng cũng bó tay, vì lúc này bạn và địch đang xen kẽ nhau trong rừng rậm. Trận đấu trở nên quyết liệt. M16 chọi với AK 47, AK 66. Lựu đạn M26 chọi với thủ pháo. M26 công phá mạnh hơn thủ pháo, nhưng bù lại, Việt Cộng có B40, B41. Trong rừng cọ, Biệt Động Quân và Việt Cộng đã say khói súng, đánh vùi. Cây, cỏ, đá, gò làm giảm phần hữu hiệu của vũ khí bắn thẳng. Trong cuộc đọ sức giành giựt ngọn đồi này, lựu đạn M26 trở thành đáng sợ nhất. Khéo léo thảy một trái M26, làm sao cho nó nổ ngay khi rơi sau một mô mối là ta chắc chắn loại được một mắt lưới chính của hệ thống phối hợp hỏa lực của địch quân. Chúng tôi liên tục chuyển đổi vị trí ẩn nấp tác chiến, rồi thận trọng tiến lên. Đây là một cuộc so tài đòi hỏi đấu thủ phải có đủ những đức tính kiên trì, bén nhạy và lanh lẹ. Dần dà, trên đấu trường, lựu đạn M26 và M16 đã chiếm ưu thế, lấn lướt, dồn AK và B40 lui dần về hướng bờ suối. Tôi cho Trung đội 1 lên thay cho Trung đội 3, tiếp tục dồn ép Cộng quân xuống khe. Trung đội 2 được lệnh nép sát bìa rừng rồi đánh bọc ngang hông phải của địch. Giờ này khu cuối đồi, đạn nổ ầm ầm và khói bay khét lẹt. Cái đuôi ngọn đồi đá đen quả là khúc xương khó nuốt. Một cái hầm hàm ếch đã được địch moi giữa mô mối và hai gốc cọ. Tổ kháng cự của VC trụ ở đây đánh dai như đỉa đói. Ẩn mình sau một gốc cọ sát bìa rừng, ông Hạ sĩ nhất Mãng đang chuẩn bị 10 quả M79 đạn nổ. Xạ trường trước mặt ông hoàn toàn trống trải. Ông Mãng tì súng lên vai. Ông nhắm bắn từng quả đạn vào thân hai cây cọ. Ông hạ sĩ người Nùng (Voòng A Mãng) của Trung đội 2 không hổ danh là một xạ thủ M79 “thần sầu”. Mười quả đạn nổ của ông không nhắm vào thằng VC nào, nhưng khi đạn trúng thân cọ, đạn nổ, mảnh đạn đã chụp xuống cái cửa hầm hàm ếch, người ngồi trong hầm hết ngáp! Khi biết chắc chắn bọn cảm tử VC cản đường đã chết, Trung đội 2 mới dám chui ra chiếm giữ bãi cỏ cuối đồi. Nơi đây máu tươi loang từng cụm và ướt đẫm từng vạt tranh. Sau khi tôi chiếm được khu rừng lá cọ hướng tây thì cường độ hỏa lực của địch giảm thấy rõ. Bên kia thung lũng, quân của Trung úy Hồ Bé cũng đang tiến lên cái dốc đông của dãy đồi móng ngựa. Chúng tôi vừa tác xạ vừa lấn xuống triền bắc của ngọn đồi. Tới khu cỏ lau trên bờ nam của con suối, tôi báo cho đại úy tiểu đoàn trưởng biết rằng trước mắt tôi, bên kia suối là rừng già, vào đó không có lợi và rất nguy hiểm. Từ hướng rừng rậm trước mặt, bên bờ bắc, có tiếng “lép! bép!” do lửa cháy, xen lẫn tiếng nổ “bùng! bùng!” từng chặp. Máy bay L19 báo cáo rằng kho đạn VC đang nổ. Tiếng Hoàng Mai trong máy ra lệnh, “Thái Sơn cho kiểm chứng vụ kho đạn địch nổ xem sao!” Tôi chưa kịp trả lời thì Binh nhì Nguyễn Nhường truyền tin đã xô tôi một cái thật bất ngờ. Tôi té ngã nghiêng trên mặt đất. Một tràng RPD xé màng tai. Đạn bay chiu chíu sát trên mình tôi. Tiếp theo là tiếng B40 và AK nổ ầm ầm ngay bờ suối. Tôi nằm chịu trận sau một mô đá. Bên cạnh tôi, Binh nhì Nguyễn Nhường đang ngáp ngáp. Tôi hét lớn, “M79 đạn chài! M79 đạn chài!” Những xạ thủ M79 phản ứng rất nhanh. Sau một loạt, “Pinh! Pinh! Pinh!” tiếng súng bên kia suối của VC im hơi. Tôi nhỏm dậy phất tay cho trung đội của Thiếu úy Vi hàng ngang qua suối chiếm đầu cầu. Tôi cúi xuống đỡ thằng Nhường ngồi dậy. Ngực nó đầy máu. Nó thều thào, ngắt quãng, “Trung…úy! Trung..úy! …Nhắn…với…Quyên và…con em…rằng…em không về! …Nói…với…Quyên và …con em…rằng …em thương…em thương…Quyên và con lắm!… Thôi!… Em… đi!…” Rồi nó nấc lên, mắt nó trợn trắng, đứng tròng. Người hiệu thính truyền tin đại đội của tôi đã chết. Tôi đặt thằng Nhường xuống đất. Vuốt mắt cho người đồ đệ xong, tôi cùng Trung đội 3 của Thiếu úy Biện tiếp tục theo chân Trung đội 1. Trên bờ suối bên kia chỉ còn 2 khẩu AK47 vấy máu cùng vài cái hoa chuối B41 chưa kịp bắn nằm dưới chân một tảng đá. Máu me trải dài trên lối mòn lên dốc. Vừa lúc đó đại úy tiểu đoàn trưởng cho lệnh tôi lui về ngọn đồi mà liên đội B đã đóng ngày hôm trước để dọn bãi cho trực thăng tới tải thương. Tôi nhờ Đại đội 3/11 giữ an ninh xa. Đại đội 2/11 tải thương xong thì hết sĩ quan, vì Thiếu úy Trần Lũy bị thương; Thiếu úy Phan văn Hải, trung đội trưởng kiêm đại đội phó 2/11 bị sốt rét cũng đã rời vùng. Tải thương xong, đại úy tiểu đoàn trưởng cho liên đội B lui về đóng quân với bộ chỉ huy tiểu đoàn; liên đội A nằm lại trên chiến địa. Buổi chiều, tôi phải tự làm lều, căng võng cho mình. Người mang đồ ngủ cho tôi, Binh nhất Trung, bị thương bể xương hông, đã lên trực thăng. Đêm đông lạnh, nơi đầu võng của tôi chỉ còn hình dáng tròn ủng của Binh nhất Trần Ty, ngồi trực máy truyền tin. Chỗ ấy xưa nay, bên “Trái Banh” Trần Ty, còn có “Cây Tre Miễu” Nguyễn Nhường. Người đồ đệ của tôi đã cứu được ông thày của nó, nhưng nó đã chết thay thày nó! Đêm về, trời Chư Pa sáng chói hỏa châu và hỏa long thì gầm gừ “ù! ù!…ồ! ồ!…” tới sáng. Ngày N+11 tôi làm lực lượng đoạn hậu cho tiểu đoàn rút về hướng bộ chỉ huy liên đoàn. Liên đoàn hạ trại cách chúng tôi chừng ba cây số về hướng nam. Đại úy Trần ngọc Di, ban 3 liên đoàn đang chỉ huy một toán BĐQ cưa cây phá bãi cho Chinook Hoa-Kỳ đáp. Cuộc hành quân của chúng tôi chấm dứt. Tiểu đoàn 22/BĐQ được giao trách nhiệm thay thế chúng tôi, tiếp tục tảo thanh vùng tây Chư Pa. Trưa đó, Chinook chở chúng tôi về trả tận sân sau của Tiểu đoàn 11/BĐQ ở Biển-Hồ. Chúng tôi được nghỉ dưỡng quân vài ngày để tái trang bị và bổ sung. Chừng một tuần lễ sau, tôi sững sờ nghe tin Thiếu úy Trần Lũy đã chết trong quân y viện Pleiku sau ca mổ lấy mảnh đạn từ cánh tay anh. Trước cửa văn phòng tiểu đoàn có bụi tre đực trồng làm kiểng. Bụi tre vàng vọt quanh năm, không lúc nào xanh tươi. Trước ngày chúng tôi lên đường vào Chư Pa có ai đó nói rằng, những lúc tiểu đoàn đi hành quân, đêm thanh vắng, hồn ma về tụ tập quanh bụi tre đánh xóc dĩa, cãi cọ nhau om xòm. Những người tin dị đoan trong tiểu đoàn xì xầm rằng bụi tre kiểng trước văn phòng đã đem đến những rủi ro cho đơn vị. Sau cái chết của hai ông đại đội trưởng thì bụi tre đực đó đã bị anh Đàm cho người đánh gốc vứt đi. Ngày cuối năm Âm-Lịch, một nữ sinh lớp đệ nhị trung học Bồ-Đề, Pleiku đến trường với cái băng đen trên ve áo dài. Cũng từ đó, trại gia binh Tiểu đoàn 22/Biệt Động Quân vắng bóng người con gái đẹp thướt tha, ái nữ của ông thượng sĩ thường vụ. Nàng đã về quê đâu đó miền xuôi, để tìm quên một mối tình đầu chưa kịp may áo cưới. Bên bờ Biển-Hồ, chiều chiều có một chị vợ lính bế đứa con trai nhỏ đứng nhìn về phương tây, nơi những ngọn núi xanh sừng sững án ngữ một miền trời ngăn cách hai nước Việt và Miên. Người đàn bà vợ lính nhỏ nhắn đó tên Quyên. Đứa bé trai cũng ngăm ngăm đen và dài ngoằng như bố nó. Những giọt nước mắt chầm chậm lăn trên má người góa phụ. Nước Biển-Hồ trong xanh. Trong lòng hồ, bóng núi lung linh. Tết Nguyên-Đán năm Kỷ-Dậu không vui. Ít lâu sau Tết, một cái bảng nền nâu, chữ vàng, có ba hàng chữ: “TRẠI “ (hàng đầu), “PHAN- NGỌC- QUÍ” (hàng thứ nhì), “BỘ- CHỈ- HUY TIỂU – ĐOÀN 11 BIỆT- ĐỘNG- QUÂN” (hàng chót), được dựng trên cổng ra vào của một doanh trại Biệt động Quân ở Biển-Hồ (Pleiku). Anh Lạn cùng hai anh đại đội trưởng vừa thay thế anh Quí và anh Lũy đã chọn danh hiệu truyền tin mới cho riêng họ. Từ đó, trên làn sóng vô tuyến điện đàm của Liên Đoàn 2/Biệt Động Quân, những danh xưng Kỳ Sơn, Trường Sơn và Lam Sơn thành quá khứ, không ai nhắc tới nữa. Chỉ còn mình tôi, dù đã đổi qua nhiều đơn vị, vẫn giữ cái tên Thái Sơn cho tới ngày tàn chiến tranh. Tôi là một Biệt Động Quân yêu núi rừng vùng 2 say đắm. Mười năm lặn lội trong rừng, tôi đã chinh phục nhiều đỉnh núi cao, hùng vĩ hơn Chư Pa. Nhưng trong lòng tôi, cái tên Chư Pa mãi mãi không quên được. Seattle, ngày 06 tháng 06 năm 2006 https://buonvuidoilinh.wordpress.com/2015/06/04/vuong-mong-long-chu-pa/

Audio: Chư Pa

Giọng đọc: Lam Sơn 719

Sau Tết Mậu-Thân hai tháng, tôi đã lành vết thương, xuất viện trở về đơn vị.  Trung úy Phạm văn Lương (k20VB) trả lại Đại đội 1/TĐ11/BĐQ cho tôi.  Anh Lương quay về đảm đương cái nghề cũ của anh là ban 3 tiểu đoàn. Đại úy Hồ khắc Đàm (k16 VB) đã thay thế Thiếu tá Nguyễn văn Huân (bị thương) giữ chức vụ tiểu đoàn trưởng TĐ11 BĐQ.  Trong thời gian hơn nửa năm, chúng tôi đã tham gia hầu hết những chiến dịch lớn nhỏ của Task Force South quanh Đà-Lạt, Bảo-Lộc, đặc biệt là những vùng núi non giáp ranh với Quảng-Đức và Bình-Thuận.  Cuối năm Mậu-Thân, Tiểu đoàn 11/BĐQ được chuyển về Pleiku, hành quân phối hợp với Không-Kỵ Hoa-Kỳ. Một ngày đầu năm 1969 chúng tôi có lệnh lên đường tham gia chiến dịch Bình-Tây 49.

      Sáng sớm ngày N, xe quân vận đưa chúng tôi từ Biển-Hồ (Pleiku) vào sân bay của trại Lực Lượng Đặc-Biệt Lý thái Lợi, Plei M'rong.  Trưởng trại LLĐB Lý thái Lợi cũng là một sĩ quan Võ-Bị, Đại-úy Huỳnh châu Báo (k17).  Niên trưởng Báo đã tiếp đãi chúng tôi rất ân cần trong khi chúng tôi đợi chờ trực thăng Mỹ tới bốc vào vùng.  Cuộc hành quân hôm ấy nhằm mục đích săn diệt Trung đoàn E 24  Mặt trận B3 CSBV trong vùng núi Chư Pa giáp ranh sông Pơ-Kô.  Hôm đó là một ngày mùa khô cao nguyên.  Mùa khô ở đây bầu trời mịt mù bụi khói đốt nương, đốt rẫy.  Ngày N, lành lạnh, cuối đông. Từ bãi bốc Plei M'rong chúng tôi thấy gunships Hoa-Kỳ dọn bãi ngay trước mặt, trên triền đồi tranh hướng tây suối Ru Ninh. Bãi thả chỉ cách sân bay Plei M'rong chừng năm cây số.

       Như thường lệ, mỗi khi tới một vùng hành quân lạ, đại đội tôi vẫn là đơn vị "tiên phuông" và theo chân Đại đội 1/11 BĐQ của tôi vẫn là Đại đội 3/11 BĐQ.  Dưới triều đại Hoàng Mai (Hồ khắc Đàm) đoàn hùng binh TĐ11/BĐQ luôn luôn được chia làm hai cánh.  Cánh A là liên đội 1&3 do tôi (Trung úy Vương mộng Long) chỉ huy, cánh B là liên đội 2&4 do Trung úy Nguyễn Lạn chỉ huy.  Trái rocket sau cùng vừa nổ, tàu tôi đã "hover" trên ngọn tranh.  Miệng hô "go! go!" chúng tôi nhảy đại xuống triền đồi.  Cỏ cao quá đầu người.  Chúng tôi nhắm mắt lao xuống.  Vì phải nhảy từ trên quá cao, chúng tôi mất đà, nện đít xuống đất, thốn lưng, đau muốn chết.  Những trái rocket làm rừng cỏ tranh bốc cháy.  Nấn ná ở chỗ này lâu chắc chắn thành bê thui!  Thế là miệng hô, "Nhào lên! Bà con ơi!" chân bước tới, chúng tôi cố gắng xung phong lên bìa rừng xanh trên cao.  Vào tới bìa rừng, tóc gáy tôi bỗng dựng ngược: Rừng già toàn cây cổ thụ; thân cây nào cũng cỡ hai ba người ôm; chân rừng trống trơn, thênh thang, toàn đá đen, lạnh lẽo, trơn trượt.  Nếu có vài cây AK Việt-Cộng trụ sau những gốc cây "bành ky" này thì đoàn quân dưới kia chỉ là những cái bia sống ngon lành.  Khi tôi lên tới đỉnh đồi thì Đại đội 3/11 của Trung úy Phan ngọc Quí còn ngồi trên HU1D.  Lửa bắt đầu lan rộng về hướng triền dốc, bãi đáp đang cháy lớn. Trên đỉnh đồi cũng có một bãi cỏ tranh khá rộng.  An ninh xong ngọn đồi mới chiếm cứ, tôi gọi đại úy tiểu đoàn trưởng và đề nghị ông chuyển bãi thả lên đỉnh đồi để cho ĐĐ3/11/BĐQ xuống chỗ tôi cho tiện. Hoàng Mai đồng ý ngay.  Sau đó bộ chỉ huy tiểu đoàn và liên đội B cũng theo chân Đại đội 3/11 xuống bãi này.  Cuộc đổ bộ tuy ồn ào nhưng trót lọt, an toàn.

 Có tiếng Hoàng-Mai gọi, "Thái-Sơn đây Hoàng Mai!  Sẵn sàng chưa?" Thái Sơn là danh hiệu truyền tin của tôi.  Tôi trả lời, "Sẵn sàng trăm phần trăm. Đợi!"  "Target số một! Zu lu!"  "Nhận Hoàng Mai 5!"  Chiều rồi, trong rừng bắt đầu âm u, nhưng lệnh lên đường vẫn ra; người nhận được lệnh vẫn thi hành nghiêm chỉnh.  Tôi gọi cho Trung úy Quí (ĐĐT 3/11), báo cho anh nhổ neo theo tôi.  Tôi dặn anh nhớ bám sát.  Mặt trời đang lặn, đi trong rừng rất dễ mất dấu người đi trước.  Tiến theo hướng bắc chừng hai trăm mét, chúng tôi gặp đường voi thồ thênh thang theo hướng tây đông.  Chúng tôi bắt đầu quẹo trái để vào mục tiêu 1.  Từ cao độ trên một ngàn thước đoàn quân lần lần thả dốc về tây.

       Chúng tôi đang đi với đội hình một hàng dọc.  Chợt bên tai tôi có tiếng người hò la trong rừng cùng tiếng chặt cây đốn gỗ.  Một toán dò tin tức được gởi đi.  Toán trở về báo cáo có một số dân Thượng đang phá rừng làm nương.  Tôi cho qua chuyện này.  Đêm buông màn, nhưng đoàn quân vẫn tiếp tục theo lối mòn đổ dốc.  Mỗi người phải giắt sau ba lô một khúc cây rừng mục.  Cây rừng mục có lân tinh lấp lánh, làm dấu cho người sau đi theo không bị lạc.  Chúng tôi bước trên đường mà cảm như đang bước chân trên thảm nhung.  Lá rừng mục bao đời, lớp này phủ lên lớp khác dày cả gang.  Cũng may, rừng vùng này không thấy vắt.  Đi trên cao, bên tai gió ào ào, không nghe tiếng muỗi kêu.  Đi được khoảng nửa cây số chúng tôi lại nghe tiếng nói chuyện ngay sát bên tai.  Tiếng người lần này giọng Bắc.  Trung đội đi đầu của Thiếu úy Đinh quang Biện vừa bố trí xong là nổ súng ngay.  Thì ra song song với trục đường chúng tôi đang đi, còn nhiều đường voi di chuyển khác.  Cả một hệ thống đường thồ trong rừng, che dấu bởi tàn cây cao, phi cơ chụp không ảnh không phát hiện, không có trên bản đồ.  Hai khẩu AK báng xếp cùng hai chiếc nón cối và hai cái balô được đem lên cho tôi khám nghiệm.  Hai cán binh vừa bị hạ thuộc C 17 Trinh sát của E 24 Mặt Trận B3 (Danh từ Việt-Cộng quy định A là tiểu đội; B là trung đội; C là đại đội; D, H, K là tiểu đoàn; E là trung đoàn; F là sư đoàn).

       Sáng N+1, chúng tôi tiếp tục đổ dốc.  Vẫn rừng già, trống chân, vẫn dấu chân voi, vẫn những con đường song song theo hướng tây đông, vẫn những đống phân voi to như những cái thúng rải rác dọc đường thồ.  Rừng nín thinh, nặng nề, đe dọa.  Mỗi lùm cây, tảng đá đều có thể là nơi che dấu sự chết chóc.  Đại đội 1/11 đội hình nấc thang, từng bước, thận trọng, xuống đồi.  Đường bắt đầu ẩm ướt.  Cái yên ngựa, trên bản đồ không ghi có nước.  Vậy mà nước rì rào, róc rách.  Nơi nào có nước, nơi đó có kẻ thù.  Một lối mòn vắt ngang đường voi đi.  Lối mòn chạy song song với con thông thủy.  Lối mòn cũng theo hướng bắc nam.  Trên lối mòn, vết dép Trường-Sơn còn mới.  Thiếu úy Biện vừa báo cáo đặt xong hai nút chặn hai đầu vết mòn thì quân của Chuẩn úy Nguyễn văn Danh đã kịp thời vượt lên thay vai trò tiên phong.  Trung đội 2 của anh chuẩn úy lính mới tò te lần đầu vào trận vừa qua khỏi ban chỉ huy đại đội, thì điểm chận lối mòn bên trái của Thiếu úy Biện đã có tiếng réo vang của một băng M16.  Kế đó, Trung đội 3 của Biện hàng ngang xung phong bên trái nhanh như máy.  Lại một khẩu AK 47 báng xếp, một cái nón cối, một balô của C17 Trinh sát E 24/B3.  Trong balô có vài lá thư viết bằng mực xanh trên giấy học trò có kẻ ô, cùng một quyển album cỡ một bàn tay, trong đó chứa những tấm ảnh đen trắng nho nhỏ có cạnh cắt răng cưa.  Ảnh chụp từ nơi nào đó xa xôi ngoài Bắc: một cô gái quê, một bà mẹ quê, một mái rạ.  Thư có những lời thương nhớ người đi B, những lời cầu Trời Phật phù hộ cho người ra trận được bình yên.  Nước ảnh còn sáng.  Màu giấy thư chưa vàng.  Người bộ đội Cộng-Sản mới xâm nhập đã không bao giờ trở về miền Bắc nữa.

       Chúng tôi tiến rất chậm.  Tất cả những lối mòn cắt ngang trục tiến quân đều phải đặt nút chặn.  Tất cả các nút chặn đều phải được bàn giao kỹ càng cho đơn vị theo sau.  Kinh nghiệm cách đây khá lâu, một lần hành quân vùng đông Lệ-Chí đã cho thấy sự lợi hại của tao ngộ chiến.  Hôm đó, trục tiến quân băng rừng của Tiểu đoàn 11/BĐQ cũng có con lộ cắt ngang.  Một cán binh VC đã đụng đầu Hoàng Mai trên mặt lộ khi ông vừa chui ra khỏi rừng cỏ hôi.  Cả ông tiểu đoàn trưởng BĐQ và tên VC đều giật mình phát hoảng.  Cả hai người đều đứng khựng lại trố mắt nhìn nhau. Ông tiểu đoàn trưởng BĐQ không mang súng dài.  Trên tay ông chỉ có cây gậy tre để đi rừng.  Khẩu súng nòng 6.35 ly tí teo, nhỏ như cái hộp quẹt (đeo làm kiểu) của ông còn ở trong bao.  Trong lúc quýnh quáng, ông tiểu đoàn trưởng BĐQ vụt vụt loạn xạ cây gậy tre trước mặt thằng VC. Miệng ông hét lớn, "Á!...Á!...Á!..."  Bất ngờ đụng đầu một bộ rằn ri giữa rừng, thằng VC đã trở bộ muốn bỏ chạy thoát thân.  Không ngờ tiếng thét của ông làm cho nó nhận ra ông là một kẻ thù không võ trang.  Nó hoàn hồn, chĩa khẩu AK 47 ngay ngực ông đại úy.  Tay trái nó run run nhích cao họng súng đen ngòm lên ngang trán ông.  Nó tính bắn vào đầu ông!  Tay chân ông bỗng cứng đơ. Hai mắt ông ngó trân trân vào mặt thằng VC.  Mắt nó liếc tránh ra hướng khác.  Ông thấy ngón tay trỏ, bàn tay phải của nó đang nằm trước cò súng.  Rồi ngón tay đó siết vào cò.  Ông hoa hai mắt. "Choác! Choác! Choác!"  Ông ù hai tai.  Đạn tém sát thái dương ông đại úy.  Đạn làm bay cái mũ đi rừng bằng vải đen rộng vành ông đang đội trên đầu.  Có lẽ thằng VC run tay, nên ba mươi viên AK đều bay cao, sượt da đầu ông đại úy.

       Bắn hết băng đạn mà thấy địch thủ còn đứng trơ trơ, thằng VC quay đầu chạy bán sống bán chết.  Vài giây sau, ông đại úy hoàn hồn.  Ông rút được khẩu 6.35 ly ra khỏi bao thì thằng VC đã khuất dạng.  Lúc đó những BĐQ cận vệ của ông tiểu đoàn trưởng mới chui ra khỏi rừng, tới đường.  Họ ngơ ngác không hiểu tại sao Hoàng Mai tay cầm khẩu 6.35 ly mà tai họ nghe "choác! choác!" tiếng AK liên thanh?  Ông đại úy tiểu đoàn trưởng đứng giữa đường quơ quơ cây gậy về hướng địch,  "Nó chạy hướng này! Nó chạy hướng này!"  Lúc đó toán hộ tống mới vỡ lẽ: chỉ chút téo nữa là xếp của họ đã đi đoong!  Gỡ sĩ diện, họ reo hò, "Biệt Động! Sát!" "Biệt Động! Sát! Tiến lên!"  Lau lách hai bên đường mòn bị một phen bở vía.  Đạn M16 ròn rã đốn hoa, lá, cành, tre, nứa, ngã rạp tơi bời. Nhưng tên VC đã "chạy mẹ nó mất rồi!"

       Hôm đó tôi đi đoạn hậu, chỉ nghe văng vẳng tiếng súng đàng trước.  Mãi tới khi tôi chuyển quân hoán đổi nhiệm vụ cho liên đội B gặp anh Đàm, tôi mới được anh chiếu lại chi tiết diễn tiến khúc phim tao ngộ chiến.  Đoạn phim diễn tả cảnh cái họng đen ngòm của khẩu AK47 đang nhắm ngay trán anh, làm tôi ớn lạnh xương sống.  Sau khi quay xong đoạn phim đứng tim trên cho tôi nghe, anh Đàm cười hí hí, "Hôm nay ta hơi quýnh một chút.  Chứ đúng lý ra, ta đã bắt sống thằng VC này rồi đó!  Nó gầy tong teo à!"  Tôi cũng phụ hoạ theo, "Đúng là thằng VC này còn hên!  Lần sau vô phúc gặp anh, nó tới số!"  Từ đó, mỗi lúc ra quân, Hoàng Mai luôn luôn nhắc nhở đàn em việc chặn nút khi gặp lối mòn.  Từ đó, cũng đã có vài lần tao ngộ, phần thua lúc nào cũng về phía bên kia.  "Cậu thấy chưa? Cứ gặp đường mòn mà chặn nút là có ăn!  Ta nói có sai đâu?"  Lần nào cũng thế, "có ăn" là anh Đàm lại dài dòng kể lể công lao "phát minh" ra chiến thuật "chặn nút".  Hôm nay nút chặn của tôi "có ăn" thế nào anh Đàm cũng vui lắm.  Chắc chắn Thiếu úy Trần Lũy, đại đội trưởng đi bảo vệ bộ chỉ huy tiểu đoàn sẽ tha hồ mà nghe anh Đàm thuyết giảng chiến thuật.

       Xuống bình nguyên là nghe gió ngàn phần phật.  Đất giàu màu mỡ làm lau sậy mọc tràn lan.  Toán tiền thám phải dọ dẫm từng bước.  Những con lộ chính trong vùng địch kiểm soát chắc chắn không có mìn.  Nhưng tình hình an ninh không cho phép ta chỉ đi trên lộ chính.  Cái đáy trước của nấc thang phải bao gồm cả hai bên đường, lộ chính và lộ phụ.  Đặc biệt là di chuyển trên lối phụ dưới thung lũng rất dễ vướng bẫy thú của Thượng Cộng.  Chỉ cần ta ơ hờ một chút, cái bẫy đã túm ngay một cẳng ta, treo ta lên cây.  Đã có lần tôi chứng kiến một chú heo rừng bị treo lơ lửng giữa không trung.  Chú heo rừng nặng cả trăm ký tòn ten đung đưa giữa trời, miệng sùi bọt trắng. Nơi chúng tôi đang đi qua, nhiều bãi sình có dấu heo ủi, cả đàn. Nơi nào có heo rừng, có Thượng Cộng, thế nào cũng có bẫy.

       Đường bắt đầu đi lên.  Bi đông chàng nào cũng đầy nước.  Núi trước mặt cao cỡ ngàn mốt, ngàn hai.  Hai bên yên ngựa là vực sâu.  Gió hú ù ù.  Trời lạnh lắm.  Càng lên cao càng lạnh.  Mục tiêu 1 ở trên kia.  Trên bản đồ hình thù của nó chỉ như hạt đậu.  Thực tế đó là một ngọn đồi, một ngọn đồi có đủ cả các thành phần, chân, triền và đỉnh.  Anh Đàm có lẽ đã tới con thông thủy.  Tôi nghe anh ra lệnh, "Thái Sơn cho lều võng, khói lửa được rồi! Nhớ nhấn tới trước vài vòng (cao độ) cho chắc ăn nghe chưa?"  "Nhận 5!"  Tôi tự nhủ: "Hoàng Mai khôn cách chi! Ổng thì ngủ dưới con thông thủy, vừa ấm áp vừa có nước.  Ổng chơi ác! Bắt mình nằm chênh vênh giữa trời, chắc mình biến thành cục nước đá đêm nay mất thôi!"

       Đêm đó hai Đại đội 1&3 quây tròn trên mục tiêu 1.  Tôi và anh Quí ngồi tâm sự tới khuya mới chia tay về lều.  Quí là sĩ quan khóa đặc biệt.  Anh về phục vụ tiểu đoàn này đã hơn hai năm.  Anh ta gốc AET (Thiếu Sinh Quân) nên căn bản quân sự rất vững.  Hai đứa tôi khá thân. Đêm đó Quí thổ lộ với tôi rằng, sau Tết Âm-Lịch anh ta sẽ cưới vợ.  Vị hôn thê của Quí đang học Đệ Nhị Trung học Bồ-Đề, Pleiku.  Anh say sưa nói về ngày mai, về giấc mộng con con, bình thường.  Tôi cảm thấy vui lây cái vui của bạn.  Tôi nghe đâu Thiếu úy Trần Lũy (ĐĐT 2/11) sắp cưới con gái ông Thượng sĩ Thường-Vụ của Tiểu đoàn 22/BĐQ.  Còn anh đại đội trưởng Đại đội 4/11 Nguyễn-Lạn thì chuẩn bị neo thuyền trên bến Đà-Lạt.  Sắp Tết rồi!  Đám cưới!  Vui quá đi thôi!  Tha hồ mà nhậu!  Thời buổi được mùa!  Dưới trướng Hoàng Mai, sĩ quan chỉ huy của Tiểu đoàn 11/BĐQ đắt đào ghê!  Ông tiểu đoàn trưởng Hoàng Mai mới không vận được một cô sinh viên từ trường Chính-Trị Kinh-Doanh, Đà-Lạt về cư xá sĩ quan TĐ11/BĐQ làm áp trại phu nhân.  Nay đến phiên ba ông đại đội trưởng, Kỳ-Sơn (ĐĐT2/11), Trường -Sơn (ĐĐT3/11) và Lam-Sơn (ĐĐT4/11) sắp giã từ kiếp sống sê-li-bạt (célibataire).  Như vậy là sau Tết này, trong số tứ sơn (Thái Sơn, Kỳ Sơn, Trường Sơn, Lam Sơn) chỉ mình tôi (Thái Sơn) còn lênh đênh như con thuyền vô duyên của nhạc sĩ Đặng thế Phong. Quả thiệt, về cái chuyện "nớ" thì tôi chậm lụt hơn chúng bạn nhiều.  Thấy tôi có vẻ mắc cỡ, anh Quí an ủi, "Tại mày nhát gan, thấy gái là đỏ mặt, cấm khẩu.  Chứ tao thấy mày can đảm chút nữa thì thiếu gì đào!"  Nói đúng ra, trong thời gian qua, tôi cũng có nhiều dịp lọt vào "thị trường" của vài cặp mắt xanh ở thành phố Pleiku này.  Nhưng mỗi khi chạm mặt "đối phương tóc dài" thì tôi lại lờ quờ.  Đôi khi tôi tự an ủi rằng nguyên nhân của sự chậm lụt này cũng do "thời thế" mà ra.

       Số là, đầu năm 1966, khi tôi làm đại đội trưởng Đại đội 3/TĐ11/ BĐQ ở Đà-Nẵng; vài bà bạn Bắc- Kỳ di cư của mẹ tôi ở Hội-An, đang cố gắng "siết chặt dây thân ái" (VB Hành Khúc) với mẹ tôi, hi vọng sẽ có ngày thành sui gia; thì đùng một cái, ông Đại úy Nguyễn thừa Dzu, tiểu đoàn trưởng, dẫn quân theo ông Nguyễn chánh Thi, đảo chánh ông Nguyễn cao Kỳ.  Thời gian này Tiểu đoàn 11/BĐQ chỉ có ba đại đội 1, 3, 4 đóng quân tại sân vận động Chi-Lăng (Đà-Nẵng), riêng Đại đội 2/11 của Trung úy Tôn thất Trực đang biệt phái cho quận Quế-Sơn. Đảo chánh hụt, ông Thi lên máy bay chạy tuốt.  Ông Dzu trở cờ, chui vào phi trường theo ông Kỳ.  Ông Kỳ cho ông Dzu lên thiếu tá, làm Cò Cảnh-Sát.  Sau khi ông Dzu đi mất, tôi đã chỉ huy tiểu đoàn này tiếp tục chống ông Kỳ.  Kết cuộc, Tiểu đoàn 11/BĐQ bị đổi vào Pleiku; Tiểu đoàn 21/BĐQ từ Pleiku, được chuyển ra Đà-Nẵng.  Tôi bị quất tổng cộng chín chục củ: Ông Lãm (Tư Lệnh Vùng 1) phạt tôi 30 Trọng Cấm; ông Viên (Tổng Tham Mưu Trưởng) phạt thêm 60 Trọng Cấm.  Tôi còn bị đưa ra hội đồng kỷ luật Nha-Trang; bị giáng cấp; bị treo lon.  Đời tôi đi vào khúc quanh "lắc lư con tầu đi".  Thời gian này mẹ tôi buồn lắm.  Những bà bạn của mẹ tôi, thì không ngần ngại cắt đứt ngay sợi "dây thân ái" với mẹ tôi.

       Ở Liên đoàn 2 Biệt Động Quân (Pleiku) tôi gặp Trung tá Nguyễn đức Ninh liên đoàn trưởng, Thiếu tá Phạm văn Toán liên đoàn phó, Đại úy Nguyễn văn Huân ban 3 và Trung úy Hồ khắc Đàm ban 2.  Những vị này đã bao bọc tôi sống lất lây cho qua thời mạt rệp.  Anh Huân dạy tôi nhiều thứ lắm, trong đó có món "kén vợ".  Anh Huân giảng giải, "Con gái nó ghê lắm! Chú mày lớ ngớ không điều tra kỹ, cứ tin cái miệng ngọt xớt của chúng nó là chú mày chết!  Chưa tìm hiểu kỹ càng tông đường nhà nó, rước nó về.  Vài năm sau nó cưỡi lên cổ chú nó 'nhong! nhong!'  Rồi nó đẻ cho chú một bầy con.  Nó đánh mắng con chú.  Đến lúc chú có cháu, nó đánh cháu chú.  Ba đời nhà chú nằm trong tay nó.  Hết đường cục cựa!"  Vì ảnh hưởng lời khuyên của huấn luyện viên Nguyễn văn Huân, gặp cô nào tôi cũng thủ thế, điều tra từ từ.  Gặp nhau, tôi cứ quan sát địch thủ mà không ra chiêu nào, thủ khẩu như bình.  Các cô thấy tôi ngồi nín khe lắng nghe, các cô cứ líu lo như chim vành khuyên.  Các cô phát thanh chán chê rồi ngồi chờ tôi nói.  Tôi chỉ toét miệng cười.  Gặp nhau vài lần, câu chuyện đổi trao vẫn loanh quanh nắng mưa, mưa nắng.  Hình như các cô chỉ chờ tôi nói nhỏ "Je t'aime" là các cô xỏ mũi tôi, lôi ra xe Jeep chở đi học để trình diện với bạn bè.  Các cô chờ tôi.  Tôi cứ đánh trống lảng.  Hai nhân vật ngồi nhìn nhau.  Nhìn nhau mãi bắt chán!  Thời gian qua đi vèo vèo.  Vì thế, tôi ở Pleiku đã ba năm rồi "mà lòng thì chưa hề yêu ai" (T.T.Thanh)  Trong lều, đôi bạn tâm sự.  Ngoài kia, gió rừng rít từng cơn.  Đêm đông, trong núi, lạnh kinh hồn.

       Sáng N+2, sau khi làm chủ ngọn núi cao trên 1200 mét, tôi bố quân chờ bộ chỉ huy tiểu đoàn.  Mãi gần trưa liên đội B mới hoàn tất việc thay thế vị trí của liên đội A.  Đường tiến sang mục tiêu 2 không có gì khó đi.  Nhưng dấu vết địch dẫy đầy, toàn dấu mới.  Vừa đổ dốc được vài phút, Trung đội 3 đã chạm địch. Địch bắn trước, nhưng may mắn quân bạn không ai trúng đạn.  Nửa trung đội đi bên trái lại vớt được một tên VC, tịch thu một AK báng xếp.  Trung đội 3 của Thiếu úy Biện lại lập chiến công lần nữa!  Từ khi Thiếu úy Đặng hữu Duyên, trung đội trưởng Trung đội 1 thuyên chuyển khỏi đại đội này cách đây vài tháng, thì anh thiếu úy trẻ tuổi, đẹp trai, con nhà giàu Đinh quang Biện (khóa 25 TĐ) trở thành sĩ quan trung đội trưởng thâm niên nhất của đại đội tôi.  Thiếu úy Biện là trung đội trưởng duy nhất mà tôi dám cho đi "sô lô" một cánh riêng, xa hẳn ban chỉ huy đại đội trong những lần hành quân diều hâu quanh Pleiku.  Anh Biện là một sĩ quan rất can trường và bén nhạy lúc chạm trận.  Thêm vào đó, anh là người chỉ huy rất mát tay.  Mặc dù mỗi khi hành quân, Trung đội 3 thường chạm địch nhiều hơn các trung đội khác, nhưng cả năm nay chưa có người lính nào dưới quyền anh tử trận.  Kỳ này vào trận mới ba ngày, mà Trung đội 3 đã chạm địch ba lần.  Trên ve áo tên cán binh Việt Cộng mới bị giết có cái quân hàm bằng nỉ màu đỏ, hai sao vàng trên một gạch vàng.  Tên VC này là trung úy thủ trưởng của C17 Trinh Sát/E 24.  Tôi báo cáo tin này cho Hoàng Mai rồi chuyển gấp lên cho ông quyển sổ ghi danh sách toàn bộ Đại đội C17 Trinh Sát/ E 24 để phòng 2 quân đoàn cho người xuống lấy.  Tới tối, Hoàng Mai cho tôi biết kết quả khai thác tài liệu tịch thu được trưa nay xác nhận rằng, từ ngày vào vùng tới giờ đã có trên mười tên VC bị Đại đội 1/11 BĐQ loại ra ngoài vòng chiến.  Tiếc rằng sau mỗi lần chạm địch, tôi đã không chịu khó mở rộng vòng kiểm soát kết quả; vì vậy tôi tưởng chỉ có bốn tên địch bị giết trong ba lần chạm súng.

Ngày N+3, tôi được lệnh tiến chiếm mục tiêu 3.  Mục tiêu 3 nằm về hướng bắc của chúng tôi.  Mục tiêu là cái khoanh tròn bao trùm một đỉnh núi có cao độ 1485 mét.  Tên ngọn núi này là Chư Pa.  Vì không rõ trên núi có nước hay không, cho chắc ăn, tôi ra lệnh mỗi người đem trên vai hai ngày cơm vắt cùng một bi đông nước dự trữ.  Quân tôi lên đường từ khi trời còn mờ sương.  Qua một cái thung lũng rất sâu chúng tôi bắt đầu leo.  Đường dốc đứng, đá xanh, cạnh sắc như dao.  Mỗi khi bản đồ ghi một vòng cao độ phình ra thì đó là một ngọn đồi.  Ngọn đồi nào cũng vĩ đại.  Cây rừng cao lắm, mà tàn lá thì đan nhau che kín ánh nắng mặt trời.  Địa thế hoàn toàn không đúng với bản đồ. Địa thế khác hẳn những chi tiết ghi trên bản đồ.  Khi băng ngang những dãy đồi kế tiếp nhau trên cao độ 1200 mét tôi cứ nơm nớp lo sợ bị tập kích bất ngờ.  Lối mòn chằng chịt, đầy dấu xe thồ, dấu giầy vải, dấu dép râu.  Đại đội tôi đi đơn độc.  Đại đội 3/11 còn nằm lại với bộ chỉ huy tiểu đoàn nơi chúng tôi đóng quân đêm trước.  Cánh B đã vào vùng hoạt động riêng của họ hướng tây nam. Tôi báo mọi tin tức thu lượm được về tiểu đoàn.  Tôi xin anh Đàm cho pháo binh Mỹ đánh tập trung trên những hỏa tập dự phòng hướng tây. Tới trưa thì chúng tôi vượt qua khu nguy hiểm.  Chúng tôi lên tới những vòng cao 1300. Lan rừng quệt trên nón sắt. Không thể ngờ rằng trên cao như thế mà trong rừng đầy khe, đầy suối.  Ban ngày mà răng chúng tôi đánh bò cạp, lạnh run. Phía trước có ánh sáng trên cao.  Sắp tới đỉnh núi! Một mảnh trời xanh xuất hiện từ từ.

       Chúng tôi chui khỏi rừng già, ra tới một vạt cỏ tranh.  Cỏ tranh vây quanh chân một tảng đá xanh.  Tảng đá xanh trước mặt tôi là đỉnh Chư Pa cao 1485 mét.  Tôi leo lên tảng đá để dễ bề quan sát địa thế. Bố quân xong, tôi dùng cái lưỡi lê M16 của Binh nhất Phạm công Cường khắc lên mặt đá những dòng chữ sau đây:

TA LÀ VUA (dòng đầu),
Trung Úy VƯƠNG MỘNG LONG (dòng thứ nhì),
ĐĐT/ĐĐ1/TĐ11/BĐQ (dòng chót).

Thời 1966 mới tới Pleiku, tôi hay lang thang ở sân nhà thờ "nhìn" những con chiên dễ thương của Chúa đi dự lễ sáng Chủ Nhật.  Trong sân nhà thờ có bức tượng Chúa Kitô với dòng chữ "TA LÀ VUA" dưới chân ông.  Tôi mê dòng chữ đó quá. Từ đấy, trên những cái hộp quẹt ZIPPO của tôi, tôi đều thuê thợ khắc "TA LÀ VUA" ở một mặt. Mặt kia khắc cái đầu cọp và ba chữ tên tôi "VƯƠNG MỘNG LONG".  Nay có dịp khắc tên mình lên đá, tôi cũng lặp lại những dòng chữ trên.  Cái đỉnh núi này chưa có ai đặt chân tới, tôi chinh phục được nó, tôi xác nhận chủ quyền của tôi đối với nó thì cũng là chuyện hợp lý thôi!  Những năm sau, tôi đã nhiều lần bay ngang qua đây, nhiều lần đóng quân trên đỉnh ngọn núi này.  Đầu năm 1971 tôi đã đổ bộ TĐ 4 Mike-Force của tôi xuống đỉnh Chư-Pa.  Chúng tôi xuống dốc, lục soát men theo bờ đông sông Pơ-Kô tới thác Yaly rồi tiến về trại Lệ-Khánh (Pơlei Kleng).  Lần chót, vào tháng 6/1973 tôi nằm năm ngày trên vị trí này để dễ liên lạc truyền tin với toán viễn thám của binh nhất Mok (Viễn Thám/ Phòng 2/BCH/BĐQ/ QK2).  Những dòng chữ tôi khắc trên đá vẫn còn đó.

***

Đỉnh Chư Pa cao 1485 mét

Chư Pa là một ngọn núi cao sừng sững án ngữ một vùng trời miền tây bắc Pleiku.  Trên bản đồ tỷ lệ 1 trên 50 nghìn thì Chư Pa nằm cách Plei M'rong hơn một gang tay về bên trái.  Đỉnh núi là một tảng đá hình khối chữ nhật, cao cỡ mười mét, dài và rộng cỡ hai chục mét.  Đứng trên tảng đá đó, tôi có thể húp từng ngụm mây vào đầy phổi; giơ tay tóm, vén từng sợi mây đang dập dềnh trước mặt; rồi có cảm tưởng mình gần với trời hơn là với đất. Dưới chân tôi, hướng đông bắc là thác Yaly, chính đông là hồ Ia-Lou và trại LLĐB Lý thái Lợi (Plei M'rong), xa hơn là Quốc lộ 14 vòng vèo quanh chân núi.  Trong tầm nhìn của tôi, đầu bắc Quốc lộ 14 là đồi Chư Pao.  Bên trái và xa hơn Chư-Pao là thành phố Kontum.  Cuối nam Quốc lộ 14 là đỉnh Dang Rơia (1478 mét).   Bên phải rặng núi này là Biển-Hồ (Pleiku), hậu cứ của Liên đoàn 2/BĐQ.  Hướng tây Chư Pa là dòng Sé-San. Giữa dòng Sé-San có một cồn cát và đá, cây cối xanh rì.  Bên kia sông, hướng tây-tây-bắc là hai đỉnh Cư Ki Tem Da và Cư Di Coi .  Đàng sau những rặng núi trùng điệp đó là biên giới tỉnh Ratanakiri, Cambot.

       Chính hai ngọn Chư Pa (1485 mét) và Cư Ki Tem Da (1528 mét) cao vòi vọi đã ép dòng sông Pơ-Kô vào giữa khiến nó dồn dòng chảy qua một khúc quẹo ngặt nghèo, rồi đổ xuống cái thung lũng xanh tươi vùng tây Plei Djereng.  Từ đây con sông Pơ-Kô mang tên mới là sông Sé-San thênh thang. Sé-San là đầu nguồn của sông Bé.  Mùa đông, hai ngọn núi Cư Ki Tem Da và Cư Di Coi mây xây thành trắng xóa. Đỉnh của hai ngọn núi này đoi, chỉ có cỏ tranh, không có cây xanh.  Buổi chiều, nắng chiếu ngược từ hướng tây, tạo nên một cái nền đỏ rực sau lưng hai ngọn núi, cho ta cái cảm tưởng hai đỉnh núi là hai cục than hồng, hừng hực cháy giữa không trung.  Mặt trời trên đường về quê hương Angkor đã để lại sau lưng nó những tia vàng lóng lánh.  Mùa khô Tây Nguyên, đứng trên đỉnh Chư Pa vào lúc chớm đêm, thật là khó phân biệt được đâu là trời, đâu là đất.  Ánh sáng lấp lánh, lập lòe trước mặt ta có thể là ánh sao trời, nhưng cũng có thể là ánh lửa từ nương rẫy đang cháy.  Đêm không trăng, trước mắt tôi là một không gian bồng bềnh.  Tôi lâng lâng trong ảo giác vertigo (chóng mặt).  Gió đuổi nhau từng cơn.Trong gió thoang thoảng hương lan rừng.  Tiếng thác rì rào có lúc nghe thật gần, có lúc nghe rất xa.  Thời gian qua chầm chậm, Chư Pa chìm từ từ xuống biển sương mông mênh.

       Sáng N+4 đại đội tôi xuống núi từ khi trời còn tối.  Chúng tôi về tới triền nam của Chư Pa vào lúc ban trưa.  Tôi dừng quân trên đoạn yên ngựa án ngữ con đường thồ độc đạo ngay đỉnh một cái dốc của vòng cao 900 mét.  Sau khi Hoàng Mai rời Đại đội 3/11 để theo cánh B thì Đại đội 3/11 nhổ neo đến với tôi.  Tới chiều N+4 thì Đại đội 3/11 bắt tay được Đại đội 1/11. Từ ngày mai, Đại đội 3/11 của Trung úy Quí sẽ giữ nhiệm vụ đi đầu.  Tôi báo cho Quí biết sự sai lệch giữa thực địa và bản đồ.  Để chắc ăn, Quí cho một trung đội của Đại đội 3/11 vượt qua Đại đội 1/11 đóng chốt cách tôi khoảng hai trăm mét về hướng tây.  Sáng mai, từ tiền đồn này, quân của Quí tiến vào mục tiêu 4. Mục tiêu 4 nằm dưới vòng cao 500 mét.  Theo dự trù, thì những ngày kế tiếp, cánh A sẽ đổ dốc, vòng qua mục tiêu 4 và 5 cho tới sát bờ Pơ-Kô thì quẹo trái để gặp cánh B nơi bờ sông có cái cồn cát lớn giữa dòng.

       Buổi tối N+4, sau khi bố quân, mấy anh trung đội trưởng đã cạn thuốc lá, mon men tới lều tôi vòi tí khói.  Lúc nào trong balô của Binh nhất Trung cũng sẵn hai cây Lucky dự trữ.  Tôi lấy thuốc lá ra phân phát cho mỗi chàng trung đội trưởng một bao.  Tôi đang chuẩn bị ăn cơm tối, nên tôi mời ba anh trung đội trưởng ăn cơm chung.  Sau hai ngày leo dốc cật lực, không khói lửa, chỉ ăn cơm vắt, bốn anh em tôi quất hết một nồi cơm và một chén thịt heo kho mắm ruốc.  Đêm nay ỷ vào vị trí đóng quân cheo leo, đàng sau có Đại đội 3/11 án ngữ, ba hướng khác đều có tiền đồn, anh em sĩ quan đại đội tôi mới dám tụ họp cùng nhau hơi lâu.  Từ sau Mậu-Thân, chiến trường càng ngày càng khốc liệt; những sĩ quan lớn tuổi đã theo nhau rời khỏi đơn vị tác chiến.  Hiện thời, chúng tôi là lớp sĩ quan trẻ nhất trong các thế hệ đã đi qua Tiểu đoàn 11/BĐQ này.  Cùng trang lứa, chúng tôi dễ hoà hợp và thông cảm nhau.  Chín mươi phần trăm sĩ quan của tiểu đoàn hiện nay còn độc thân.  Trong rừng, chúng tôi chiến đấu bên nhau.  Về hậu cứ, chúng tôi cũng không rời nhau.  Giàn sĩ quan trung đội trưởng của tiểu đoàn, dẫn đầu là những kiện tướng, trưởng thành từ khói lửa Mậu-Thân như Thiếu úy Đinh quang Biện (ĐĐ1/11), Thiếu úy Phan văn Hải (ĐĐ2/11), Thiếu úy Trần cao Chánh (ĐĐ3/11) và Thiếu úy Trần ích Châu (ĐĐ4/11) là những mũi tên đột phá trong thế công, thành đồng trong thế thủ của chúng tôi thời gian này.  Trong rừng, chúng tôi là nỗi kinh hoàng của giặc Cộng, nhưng trong thành phố, chúng tôi thường xuyên là người thua trận, mỗi khi "đụng đầu" mấy ông già Napoléon, Hennessy, Martell, hay Johnny Đi Bộ (Walker).  Chuyện chúng tôi ngất ngưởng coi trời bằng vung, chuyện Biệt Động Quân say, tỉnh, tỉnh, say, chỉ là "chuyện thường ngày ở huyện", không có gì là lạ.  Vì những ai đã từng vỗ ngực tự xưng "Ta là Biệt Động Quân" mà đời chưa từng kinh qua một lần "túy lúy càn khôn" thì đâu xứng danh là Biệt Động?(!)  Ở Pleiku, có những cái tên đã thành thân quen đối với chúng tôi như "Quán Nhớ", "Quán Sương", "Quán Thu Hà", "Quán Kim Liên", "Quán Tuyết Trắng"...

       Sau năm ngày đi đầu vất vả, ngày N+5 tôi cho thuộc cấp thoải mái, chuẩn bị cơm nước, hong giầy, hong vớ.  Đợi Đại đội 3/11 chiếm xong mục tiêu, tôi sẽ cho đơn vị từ từ di chuyển lên sau.  Anh em đơn vị tôi đang phì phà khói thuốc, nhấm nháp cà phê thì nghe tiếng AK nổ hướng tiến quân của đại đội bạn, phía cuối dốc.  Tôi không nghe tiếng Quí trả lời tôi trên máy tiểu đoàn.  Tôi và Thiếu úy Biện dẫn theo hai cái máy truyền tin đi về hướng đuôi Đại đội 3/11.  Tôi gặp Thiếu úy Thung, trung đội trưởng đoạn hậu của Đại đội 3/11.  Thiếu úy Thung mặt thất sắc, lắp bắp báo cho tôi một tin sét đánh, "Trung úy đại đội trưởng và Thiếu úy đại đội phó chết rồi!  Đại ca ơi!"  Tôi gạt Thung qua một bên.  Bốn thày trò tôi chạy thẳng xuống cuối dốc.  Tôi tới ban chỉ huy Đại đội 3/11 đúng vào lúc toán tản thương đang dìu một người máu me đầy mình đi tới.  Vừa thấy tôi, người bị thương đã khóc rống lên, "Thái Sơn ơi!  Thầy Quí, thầy Tâm chết rồi!"  Người đó là Hạ sĩ nhất Trần Quy.  Hạ sĩ Quy là thuộc cấp cũ của tôi ở Đại đội 3/TĐ11/BĐQ khi tiểu đoàn còn ở Đà-Nẵng, ngày tôi mới ra trường.  Những đồ đệ cũ của tôi ở Đại đội 3/11 đều được Trung úy Quí tin dùng.  Hạ sĩ Quy kể lại rằng, sáng nay trước khi lên đường, Trung úy Phan ngọc Quí đại đội trưởng và Thiếu úy Nguyễn hữu Tâm đại đội phó đã ra trước tiền đồn khoảng vài chục thước để quan sát hướng đi và so sánh sự khác biệt giữa bản đồ và thực địa.  Trinh sát VC đã nằm chờ sẵn nơi cuối dốc.  Cả hai sĩ quan và anh lính truyền tin đều bị bắn trúng sọ và ngực ngã xuống.  Riêng Hạ sĩ Quy, cận vệ của Trung úy Quí bị bắn gãy tay trái và một viên đạn vào ngực  Quy chạy trối chết về tiền đồn kêu cứu.  Khi toán cứu viện ra tới nơi thì hai ông sĩ quan và anh hiệu thính viên đã chết.  Cái bản đồ hành quân, cặp lon trung úy của Quí và cái máy truyền tin đã bị địch cướp đi.  Tôi ra lệnh cho Thiếu úy Thung bố trí Đại đội 3/11 tại chỗ chờ lệnh.  Được tin báo của tôi, Hoàng Mai ngỡ ngàng, thở dài thườn thượt.  Sau khi trực thăng tải xác, tải thương cất cánh, tôi được lệnh hủy bỏ hai mục tiêu còn lại.  Liên đội A quay ngược trở về dốc 900. Đại đội 1/11 nằm lại tại dốc này qua đêm; riêng Đại đội 3/11 được lệnh di chuyển sang phòng thủ ngọn đồi nhỏ hướng tây nam, dưới chân dốc 900 để chuẩn bị bãi đáp cho bộ chỉ huy liên đoàn vào vùng.

       Sáng N+6 Trung tá (k11VB) Trịnh văn Bé liên đoàn phó và ban truyền tin liên đoàn xuống bãi thả trên đỉnh ngọn đồi cao 740 mét, dưới chân tôi.  Trung tá Bé thiết lập bộ chỉ huy nhẹ của liên đoàn ngay trên bãi đáp này.  Chiều đó, chúng tôi được tái tiếp tế.   Đêm N+6, Trung đội 2 của Chuẩn úy Danh trấn giữ tiền đồn dốc 900 trên cao.  Đại đội 3/11 và Đại đội 1/11 trừ (-) của tôi có nhiệm vụ bảo vệ bộ chỉ huy nhẹ của liên đoàn.  Tôi không rõ cánh quân B đang ở nơi nào.

      Khoảng 7 giờ sáng N+7 tiền đồn trên đỉnh 900 bị địch tấn công.  Địch nổ súng sau khi quân bạn đã tháo gỡ mìn bẫy phòng thủ.  Từ dưới chân đồi, chúng tôi thấy rất rõ khói B40 không ngừng bốc lên từng cụm sau những tiếng nổ "oành! oành!" liên tiếp nhau.  Tôi và hai Trung đội 1 và 3 chạy vội lên đồi để tiếp cứu cho đứa con đang bị đánh.  Thiếu úy Biện (Trung đội 3) đánh bọc bên trái, tôi và Thiếu úy Vi (Trung đội 1) đánh bọc bên phải.  Vừa ngóc đầu lên khỏi dốc, tiền quân của Vi đã bị thủ pháo VC chào đón nồng nhiệt.  Khói và bụi làm cho cặp kiếng cận của ông trung đội trưởng mờ mịt.  Trên đường, Vi phải ngừng chân lau kiếng nhiều lần.  Thủ pháo của VC tới tấp chọi vào khu những mô đá nhô ra bên hướng đông.  Thiếu úy Vi cho đàn em trả đũa bằng những quả M26.  Lợi dụng gió đang thổi theo chiều tây-đông,  Vi "chơi" luôn hai trái lựu đạn khói cay bên hông phải ngọn đồi.  Cơn mưa thủ pháo chợt ngừng.  Trong lúc tôi và Trung đội 1 của Thiếu úy Vi đang cố vượt đoạn đường đầy gai mắc cỡ thì đạn B40 liên tục "xè! xè!" từ triền bắc, bay qua đầu chúng tôi, rơi xuống triền nam, nổ dưới thung lũng.  Quân của Chuẩn úy Danh đang reo hò "Sát! Sát!" trên cao.  Tôi bắt tay được với Trung sĩ nhất Khôi trung đội phó Trung đội 2 nơi đầu dốc.  Khẩu M60 của Binh nhất Trần Đợi đã ròn rã nổ, kiểm soát con đường voi thồ hướng bắc, dưới chân dốc.

       Trong lúc tôi bận tiếp tay một tân binh chuyền thùng đạn đại liên cho xạ thủ thì một quả B40 bay sượt đầu thằng Đợi, trúng tảng đá trên đỉnh.  Trái đạn nổ gây một đợt mưa đá bụi trên đầu những người núp quanh chân tảng đá.  Phút sau, bên trái tôi có tiếng khóc thút thít, "Trung úy ơi! Em bị thương!"  Một Biệt Động Quân đang ôm mông, nằm nghiêng sau bụi dương xỉ, mặt người đó tái mét.  Người lính quay về phía tôi chờ đợi.  Uả! Ai mà giống như thằng Hồng, một tân binh?  Tôi trườn nhanh tới bên người lính.  Đúng nó rồi!  Binh nhì Lê văn Hồng, mười tám tuổi.  Thằng Hồng là em của cô Lê kim Cương ở Chợ Mới, Pleiku.  Cô Lê kim Cương, nữ sinh trung học Minh-Đức là bồ của một thằng bạn tôi ở bộ chỉ huy Liên đoàn 2/BĐQ.  Tôi nghĩ có lẽ thằng Hồng bị thương nặng.  Phải mất nhiều máu lắm mặt nó mới xanh như vậy.  Tội nghiệp thằng bé, mới ra trận lần đầu!  "Đạn trúng chỗ nào đâu?  Đưa anh coi!  Anh băng bó cho chú!"  Thằng Hồng vừa sụt sịt vừa ôm mông,  "Chỗ này! Máu ra ướt đẫm cả quần em!  Trung úy ơi!  Trung úy cứu em!"  Tôi lật mông nó ra coi.  Trời ơi!  Mông nó ướt đẫm!  Nhưng không phải ướt vì máu!  Nước chảy từ cái bi đông bị đạn làm cả nửa người bên trái thằng Hồng ướt đẫm!  Tôi mừng quá, đẩy nó sang một bên, "Ê! Cái đồ chết nhát!  Cái bi đông bị thương chứ nhỏ có bị thương đâu!  Mắc cỡ!  Đừng nằm vạ nữa!  Nhào lên đi!"  Thằng Hồng đỏ mặt lồm cồm bò dậy, lủi lên hướng ông Trung sĩ Khôi trung đội phó.  Hướng Trung đội 3 đang tiến, đạn nổ rền trời.

       Giữa ba tảng đá nơi đỉnh đồi là cái lều của trung đội trưởng.  Ông trung đội trưởng bị thương nằm một mình trong lều rên hừ hừ.  Anh y tá của trung đội còn đang bận bóp cò M16 chống giặc ngoài hố cá nhân.  Tôi thấy Chuẩn úy Danh đang tay trái ôm hạ bộ, tay phải ôm vai trái, mặt mày nhăn nhó vì đau.  Áo quần của người sĩ quan trẻ đầy vết máu.  Tôi ra dấu cho Trung sĩ Đức, y tá đại đội vào lều chăm sóc cho Danh.  Tôi nhảy ba bước tới triền đồi hướng bắc.  Trên mặt đất đầy những lỗ lõm như bàn tay, cỏ cháy nám đen, đó là dấu thủ pháo vừa để lại sau khi nổ.  Trung đội 3 của Thiếu úy Biện đã lập xong tuyến phòng ngự bên trái.  Những cái hố cá nhân đang hình thành.  "Vừa đánh vừa đào" là phương châm của đại đội tôi.  Những trái lựu đạn M26 được thả theo đuôi nhau lăn từ trên dốc xuống triền núi.  "Ùm! Ùm!" khói đen cuồn cuộn.  Chợt dưới chân dốc, hai ba hỏa châu phụt lên trời, đấy là những hỏa châu đỏ giựt bằng tay của VC.  Rồi tiếng súng của địch thưa dần, xa dần về hướng tây bắc.  Tôi nhận biết ngay rằng hỏa châu đỏ là hiệu lệnh rút lui của chúng!  Sau đó, tiếng súng của ta cũng im theo.

Trận đánh nhanh như chớp.  Đây là một cú đột kích rồi rút chạy của địch.  Tôi không xin pháo binh.  Rừng núi bao la, biết chúng nó rút đi đâu mà gọi pháo binh?  Tôi cũng chẳng thèm ra lệnh truy kích.  Nếu tôi dẫn quân đi mà để trống cái tiền đồn này thì nguy hiểm lắm.  Chỉ cỡ hai đại đội địch chiếm được cao điểm này thì dưới kia, bộ chỉ huy liên đoàn chết tươi.  Trung đội 1 lục soát xa dưới triền dốc chỉ tìm được một khẩu B40 và một số thủ pháo.  Vết máu rơi rớt đầy mặt đất nhưng không có xác thằng VC nào bị bỏ lại.  Tôi chui vào lều thăm Chuẩn úy Danh.  Tôi hỏi nhỏ Trung sĩ Đức, "Nặng không?"  Người y tá đại đội nhanh miệng, "Trình trung úy, máu me tùm lum nhưng vết thương không nặng lắm đâu!  Toàn miểng B 40 không à!"  Thấy Danh đang ôm hạ bộ nhăn nhó, tôi hỏi Đức, "Thế cái 'của qúy' của chú ấy có còn không?"  "Dạ còn! Chuẩn úy cứ sợ đạn hớt cái đó mất tiêu nên ổng bắt em khám cái đó trước tiên.  Khi nhìn thấy của quý còn nguyên vẹn ổng mới yên tâm cho em băng bó chỗ khác."  Tôi mồi cho Danh điếu Lucky và dúi vào tay người đàn em tờ giấy năm trăm, "Cái này là của anh cho, để cầm hơi khi xa đơn vị.  Khi tiêu hết tiền thì nói ông Trung sĩ Em (tiếp liệu) ứng trước cho, cuối tháng trừ vào lương"  Danh cầm tay tôi bịn rịn rồi chào tôi, lên cáng xuống bãi tản thương.

       Tôi đi quanh vị trí đóng quân của Trung đội 2, kiểm lại số chiến lợi phẩm khiêm nhường mới thu được.  Trung tá Bé đã vào máy theo dõi diễn tiến trận đánh từ phút khởi đầu.  Ông liên đoàn phó cho lệnh tôi giữ nguyên Đại đội 1/11/BĐQ trấn giữ cao điểm này.  Ông căn dặn tôi giăng mìn bẫy phòng thủ cẩn thận vì tin A 2 cho biết địch đang chuẩn bị đánh lớn tối nay.  Mờ sáng N+8 Trung tá liên đoàn phó cho lệnh tôi không cần tháo gỡ mìn bẫy phòng thủ nhưng rút quân thật nhanh xuống với bộ chỉ huy liên đoàn. Trung tá Bé gọi tôi vào lều của bộ chỉ huy liên đoàn để gặp riêng.  Ông nói nhỏ, "Đúng 8 giờ 6 phút 12 giây, B 52 sẽ đánh rất gần đây. Cỡ 8 giờ chú cho anh em ngồi trên miệng hố, xoay lưng về hướng đông.  Bom nổ, chấn động sẽ tới từ sau lưng.  Tránh núp dưới hầm hố. Khi bom nổ áp suất không khí dưới hố sẽ tăng cao, nguy hiểm."  Tôi nghe lệnh và thi hành thật nghiêm chỉnh. Khoảng hơn 8 giờ sáng hôm đó tôi nghe từ trên trời cao những tiếng chim lạ gọi nhau "ủn! ủn!...ủn! ủn!" âm thanh lạ xé gió dội tới từng đợt nối tiếp.  Sau đó là tiếng "bùng! bùng!... bùng! bùng!" ba đợt nổ rền, mỗi đợt cách nhau chừng vài chục giây đồng hồ.  Tai tôi bị sức ép không khí làm căng màng nhĩ.  Mạch máu đầu tôi như căng lên. Ngực tôi bị ép hơi nghẹt thở.  Những cái poncho rung phần phật. Một vài cái lều bị đứt giây. Mấy cái võng không người nằm bị sức bom đẩy chao qua chao lại.  Ít phút sau tình hình trở lại bình thường.  Trên trời có 3 vệt khói phản lực trắng xóa, 3 cánh B52 sáng như bạc đang quẹo chữ "U" về đông.

       B52 vừa đánh xong, chúng tôi lại được lệnh chạy ngược lên ngọn tiền đồn.  Dưới thung lũng hướng đông bắc, khói và bụi đỏ bốc cao.  Bụi lùa trong rừng cây.  Mưa bụi đỏ phủ trùm một vùng rừng bát ngát.  Lều bạt, đá núi, mặt đường đều được phun lên trên một lớp bụi đỏ dầy.  Mặt mũi, áo quần chúng tôi cũng đầy bụi đất.  Box B52 nằm ngay dưới chân Chư Pa nhưng tôi chờ hoài không thấy lệnh đi lục soát.  Chúng tôi ôm súng ngồi bên hố cá nhân.   Người này ngó người kia.  Chúng tôi hút thuốc đốt thời giờ.  Thời gian qua thật chậm. Chúng tôi ngồi im lặng nghe ngóng. Chỉ có tiếng gió lùa, tiếng cây cọ vào nhau kẽo kẹt. Không có lệnh gì cả.  Suốt ngày hôm đó không có lệnh gì cả.  Bên cánh B, liên lạc truyền tin cũng im lặng như tờ.   Nửa đêm, Trung tá Bé cho tôi biết sáng hôm sau bộ chỉ huy nhẹ của liên đoàn sẽ di chuyển, đại đội tôi được trả lại cho tiểu đoàn.

***

Trời vừa tan sương mù, ngày N+9 chiếc HU1D Hoa Kỳ đầu tiên đã loạng quạng chặt vào cây lúc hạ cánh.  Chiếc tàu bổ nhào xuống bãi.  May mắn tàu không bốc cháy.   Phi hành đoàn vô sự.  Chiếc tàu thứ nhì được gởi xuống để rescue phi hành đoàn của chiếc tàu vừa rơi đã không xuống được.   Nó đang bay vòng vòng chờ trên trời. Ghunships hộ tống rà sát ngọn cây.  Những xạ thủ trực thăng võ trang đã nhận ra chúng tôi đang nằm trên núi, họ quơ tay vẫy.    Trung tá Bé cho lệnh một trung đội của Đại đội 3/11 hè nhau đẩy chiếc HU1D hư xuống triền đồi để dọn bãi trống cho những chiếc khác xuống bốc quân.  Đến gần hai giờ chiều thì bộ chỉ huy liên đoàn ra khỏi vùng.  Liên đội A được lệnh di chuyển theo hướng tây về phía bờ sông.  Tôi cho Đại đội 3/11 đi trước, Đại đội 1/11 giữ nhiệm vụ đoạn hậu.  Chúng tôi đốt chiếc trực thăng hư lúc trung đội chót rời bãi đáp.  Khi chúng tôi còn cách bộ chỉ huy tiểu đoàn chừng hơn một cây số thì Đại đội 3/11 được lệnh tách ra, nhập với một cánh quân của liên đội B để bảo vệ bộ chỉ huy tiểu đoàn.  Chiều đó đại đội tôi dừng quân trên một bình nguyên thoai thoải, cách bờ Pơ-Kô chừng bốn cây số.  Cánh B nằm về hướng tây bắc của tôi, bộ chỉ huy tiểu đoàn và Đại đội 3/11/BĐQ nằm về hướng tây của tôi.  Đêm trôi qua một cách thật yên tĩnh, không có pháo quấy rối, không có hỏa châu, hoả long.

       Sáng N+10, vừng dương vừa lên, hướng bờ sông có tiếng súng nổ.  Tiếng mìn, lựu đạn, đại liên, trung liên, súng tay, súng cối, âm vang vách núi dội ra ầm ầm hỗn độn. Đại bác Hoa- Kỳ từ hướng đông và nam không ngừng bắn yểm trợ cho quân ta.  Hai Đại đội 2&4 đang bị địch tấn công ác liệt.  Bộ chỉ huy tiểu đoàn và Đại đội 3/11 nằm trên một ngọn đồi nhỏ, chừng hai trăm mét về hướng nam liên đội B nhưng vẫn còn bình yên.  Hiện thời toàn bộ Tiểu đoàn 11/BĐQ có mặt trong vùng này. Đại đội tôi ở xa nhất cũng chỉ cách liên đội B chưa tới hai cây số. Hoàng Mai đang liên lạc với L19. Máy bay Hoa-Kỳ đã có trên vùng và bắt đầu đánh bom trên con suối hướng bắc cánh B.  Tôi cho đơn vị cuốn lều, gọn ghẽ, chuẩn bị chờ lệnh tiểu đoàn trưởng.  Tôi chợt nghe người hiệu thính của Đại đội 4/11 kêu cứu, "Tụi nó (VC) đang lên ào ào.  Thẩm quyền Kỳ Sơn bị thương rồi.  Thẩm quyền Lam Sơn nói nếu không có cứu viện thì ổng tự tử!"  Kỳ Sơn là Thiếu úy Lũy (ĐĐT2/11), Lam Sơn là Trung úy Lạn (ĐĐT4/11) Tôi bàng hoàng, "Như vậy là liên đội B bể tới nơi rồi! Họ đang chờ cứu viện."

       Không đợi lệnh của tiểu đoàn trưởng, tôi cho đại đội cấp tốc lên đường.  Trung úy Nguyễn Lạn là bạn cùng khóa 20 VB với tôi.  Tôi nghĩ thầm, nếu chậm chân, có thể tôi sẽ không bao giờ còn trông thấy người bạn thân của mình nữa.  Quá nóng lòng vì bạn, tôi cho đại đội hàng một, cắm đầu chạy về hướng súng nổ, bất kể chiến thuật chiến lược gì ráo trọi.  Để trấn an quân bạn, tôi chụp cái ống nghe, phát thanh bổng, "Cố lên chút xíu! Có Thái Sơn tới cứu!" Nghe được tiếng tôi trên máy, người hiệu thính của Đại đội 4/11 mừng rỡ gọi, "Thái Sơn lên mau đi!  Cứu tụi em với!"  Tôi vội trả lời, "Thái Sơn tới ngay! Sắp tới rồi!"  Tôi ra lệnh cho Binh nhì Nguyễn Nhường, hiệu thính viên truyền tin của tôi cứ lặp đi, lặp lại câu, "Đại đội 1 đây! Đại đội 1 đây!" suốt thời gian chúng tôi trên đường tìm tới vùng có giao tranh.

       Xuống khỏi ngọn đồi đóng quân đêm, chúng tôi vừa chạy, vừa tác xạ hai bên con đường thồ dẫn về hướng liên đội B.  Cũng may, trên đường tiến, chúng tôi không gặp lực lượng chặn viện nào của VC.  Không bao lâu sau, tiền quân của tôi đã tới chân ngọn đồi đóng quân của bộ chỉ huy tiểu đoàn.  Từ đây tôi có thể quan sát rõ ràng địa thế chiến trường trước mặt.  Ngọn đồi mà liên đội B đang cố thủ rất rậm rạp, nhưng xung quanh nó lại rất trống trải.  Từ xa, tôi có thể nhìn thấy cái chỏm xanh của ngọn đồi tre nứa đó nổi bật giữa vùng đá đen xen kẽ cỏ tranh và cỏ hôi.  Giờ này từ cái chỏm xanh đó đang bốc lên từng cột bụi, khói mịt mù.  Những trái đạn cối toé lửa khi nổ trên nhánh cây, những cánh B40 phụt khói khi chạm đất. Đạn lửa của địch từ ba hướng, bắc, đông bắc, và tây bắc đồng quy trên chòm cây xanh đó.  Vũ khí bắn thẳng của địch đa phần là thượng liên nồi RPD.  Tôi không nghe tiếng 12,7 ly và đại bác 57 ly; trong khi tiếng đạn cối thì nổ "ùm! ùm!" liên lục không ngừng.

       Tôi quyết định không vội bắt tay với cánh B.  Tôi sẽ mở một mũi tấn công giải tỏa áp lực địch từ bên trái.  Chúng tôi dàn hai hàng ngang tiến sát chân đồi.  Miệng la, "Đại đội 1 đây!"  "Biệt động! Sát!"  "Đại đội 1 đây!"  "Biệt động! Sát!" chúng tôi vừa bắn vừa tiến lên triền núi bên trái khu rừng nứa.  Trung đội 3 tiến như vũ bão lên đỉnh trọc bên trái khu giao tranh để lập đầu cầu.  Khẩu M60 tăng cường cho Trung đội 3 bắt đầu khạc đạn.  Tất cả các loại súng bắn thẳng đều tác xạ về hướng 45 độ để cản đường tiến của địch.  Việt-Cộng biết viện binh của BĐQ đã tới, nên chúng gia tăng cường độ tấn công, mong sớm dứt điểm hai đơn vị BĐQ đã bị thiệt hại nặng.  Những khẩu cối của địch bắt đầu chuyển hướng, nhắm vào tuyến dàn quân của đại đội tôi.  Chúng tôi lại tiếp tục câu châm ngôn "vừa đánh vừa đào".  Tôi không dám cho quân vượt qua đỉnh đồi.  Vì nếu liên đội B bị tràn ngập thì tôi hết đường lui.  Tôi cho Trung đội 1 an ninh mặt sau, phòng hờ trường hợp địch vận động đánh bọc hậu.  Tôi ra lệnh cho Trung sĩ Tánh, trung đội trưởng súng nặng xoay khẩu cối 60 ly của Binh nhì Ngẫu bắn cận phòng một vòng cung ngay chân đồi, hướng trước mặt.  Đạn cối 60 ly nổ "ùm! ùm!" ngay dưới dốc.  Địch đang xung phong lên tuyến phòng ngự của liên đội B.  Những tiếng thét man rợ "Xung phong!  Xung phong!"  dội vào vách núi, vang vang.

       Từ trên đỉnh ngọn đồi trống, tôi có thể quan sát bao quát hết khu thung lũng hướng bắc cánh B.  Tôi thấy rõ từng đợt người từ thung lũng chạy lên dốc; những thân hình tưng lên, rũ xuống vì trúng đạn.  Tôi xin anh Đàm dồn hết hỏa lực không quân yểm trợ tiếp cận vào khu lòng chảo nằm giữa dãy đồi móng ngựa.  Tôi điều chỉnh Cobra đánh sát triền núi hướng bắc để giải tỏa áp lực của VC.  Những tràng đạn 40 ly từ Cobra trải xuống như pháo dây đã chặn đứng đợt biển người sau cùng của địch quân.  Hơn nửa giờ sau tôi kiểm soát được phần tây bắc của ngọn đồi.  Việt-Cộng đã tổn thất rất nặng.  Nơi triền dốc trước mặt tôi, máu địch ngập mặt đất, đọng thành vũng.  Băng cứu thương bay phất phới, vướng vào những bụi nứa và dương xỉ như những dải lụa trắng, lụa đỏ.  Dưới thung lũng có ít nhất ba vị trí súng cối 61 ly đặt cách nhau chỉ vài mét.  (Súng cối của ta nòng 60 ly, lá thuốc bồi hình vuông; súng cối của địch nòng 61 ly, lá thuốc bồi hình vành khăn hở).

       Trong trận này, VC đã bắn cối 61 ly không cần thuốc bồi ( bồi 0) vì khoảng cách từ súng tới liên đội B chưa đầy hai trăm thước.  Những khoanh thuốc bồi cối 61 không dùng tới bị vứt đầy mặt đất.  Hai khẩu RPD bị bắn gãy nát nằm cạnh một bàn tiếp hậu cối 61 cong queo vì trúng rocket của trực thăng võ trang. Gần chục khẩu súng cá nhân của VC bị bỏ lại trên trận địa, khẩu nào cũng bị gãy vì trúng đủ loại đạn. Rải rác trên mặt đất, cả chục xác địch chưa kịp đem đi.  Trên cổ vài tử thi VC có cột một sợi dây dù dài.  Đây cũng là cách chúng di chuyển xác trong trường hợp khẩn cấp.  Tuyến xung phong của VC trải rộng từ triền đông sang triền tây của ngọn đồi cỏ hôi, nứa tép.  Chiều dài này đòi hỏi lực lượng tham gia tấn kích phải có quân số trên dưới một tiểu đoàn.  Như vậy chúng phải có ít nhất một tiểu đoàn trừ bị đàng sau.  Khi áp lực địch hướng tây bắc được giải tỏa, thì Trung úy Nguyễn Lạn bình tĩnh trở lại.  Anh xin tôi bung xa vòng kiểm soát về bắc để anh an tâm chấn chỉnh lại quân số.  Tôi cho Trung đội 2 bung rộng về bên phải bắt tay với cánh trái của Đại đội 2/11.  Thiếu úy Trần Lũy ra tới bìa rừng để gặp tôi.  Anh Lũy bị thương tay trái. Anh Lũy báo cho tôi biết rằng liên đội B bị thiệt hại khá nặng.  Số tử thương không bao nhiêu, nhưng bị thương thì nhiều lắm.

       Bom Mỹ đánh sát bìa suối hướng bắc và chuyển ra xa dần.  Cobra đang vần vũ trên cao.  Đại úy Đàm ra lệnh cho tôi tiến theo từng đợt bắn của Cobra để truy kích địch.  Đội hình một hàng ngang, đại đội tôi tiến rất thận trọng.  Thấy tôi không đủ quân để kiểm soát một vùng rộng lớn, đại úy tiểu đoàn trưởng ra lệnh cho Trung úy Nguyễn Lạn phải tiến lên truy kích địch phụ với tôi.  Vì Đại đội 4/11 đã thiệt hại nhiều, nên tôi cáng đáng phần nặng đi đầu.  Tôi cho quân của anh Lạn theo sau.  Đại đội 4/11 của Trung úy Lạn quân số còn quá ít, coi như bất khiển dụng rồi.  Quay đầu nhìn lại, tôi thấy anh bạn cùng khóa của tôi đi thất thểu như người mất hồn.  Truy kích địch trong tình trạng này quả là một sự mạo hiểm.  Chúng tôi bị lọt thỏm trong một thung lũng lác đác nứa tép xen với những cây cọ non.  Không có gì để che dấu, ẩn nấp.  Hai bên trục tiến của chúng tôi là đồi cao.  Hông trái, hông phải của chúng tôi bỏ trống.  Tôi có cảm tưởng như mình có thể bị lãnh đạn, chết bất cứ lúc nào.  Trong khi đó, dưới chân tôi, đầy rêu trơn trượt; chúng tôi bị té oành oạch mỗi khi chạy nhanh quá đà.  Tiến nhanh thì vướng rêu trơn té ngã.  Tiến chậm thì làm mục tiêu cho địch bắn.  Hỏa lực trì hoãn chiến của VC rất ác liệt.  Cộng quân bố trí thượng liên RPD xen kẽ B41 dưới khe, từng cụm, cách nhau vài chục mét.  Chúng chỉ khai hỏa khi ta lọt vào xạ trường mà chúng đã dự trù.  Cung cách tác chiến của địch cho ta thấy đây là một đơn vị rất thiện chiến.  Đạn RPD không đan nhau mà quét đều như vãi lúa trước mặt đoàn quân đang tiến tới.  Mí mắt tôi chợt giựt lia lịa, linh tính nhạy bén của tôi đang cảnh báo cho tôi một tai biến đang chờ.  Rất có thể địch đang nhử đơn vị tôi đi sâu vào khu lòng chảo trước mặt để chúng vận động đánh úp.

       Tôi quyết định cho đơn vị tạm dừng.  Tôi xin đại úy tiểu đoàn trưởng cho Đại đội 3/11 xuống tiếp tay, để tôi rảnh rang đánh bọc hông bên trái.  Ngọn đồi đá đen bên trái trục tiến quân là mối đe dọa lớn cho đoàn quân đang di chuyển trong cái thung lũng trống trải dưới này.  Vài phút sau, tôi nghe tiếng Trung úy Hồ Bé (ban 3) báo cho tôi biết rằng anh và Đại đội 3/11 đang xuống đồi.  Trung úy Hồ Bé (k18 Thủ Đức) nguyên là đại đội trưởng 2/11.  Anh vừa bàn giao đại đội cho Thiếu úy Lũy để về bộ chỉ huy làm ban 3 thay Trung úy Phạm văn Lương đã thuyên chuyển.  Tôi không rõ đại úy tiểu đoàn phó Lê văn Để (k16 Thủ Đức) có đi hành quân kỳ này hay không mà từ ngày đầu cho tới giờ, tôi không nghe Hoàng Yến lên máy (Hoàng Yến là danh xưng truyền tin của Đại úy Lê văn Để)  Như vậy là bốn đại đội tác chiến đều lên tuyến đầu, nhưng bộ chỉ huy tiểu đoàn vẫn ở lại ngọn đồi cũ.  Liên đoàn đã cho Đại đội 3/TĐ 22/ BĐQ của Trung úy Quách hồng Quang đang hoạt động vùng hướng nam, tới bảo vệ bộ chỉ huy TĐ11/BĐQ để Đại úy Đàm và cố vấn Mỹ có thể bình tâm điều chỉnh máy bay yểm trợ cho chúng tôi.

       Trong lúc máy bay bắn phá thì Đại đội 3/11 di chuyển lên thay thế Đại đội 4/11.  Quân số của Đại đội 3/11 vẫn còn đầy đủ.  Tôi nhờ Trung úy Bé cho đơn vị chiếm dãy đồi cao bên phải trục tiến quân, rồi cho đơn vị bắn liên tục về phía trước để thu hút sự chú ý của địch quân.  Yên trí có quân bạn bảo vệ cạnh sườn, tôi cho Đại đội 1/11 xung phong lên khu đất cao bên hướng tây.  Một đơn vị địch đang án binh chờ chúng tôi trên rặng đồi đá đen này.  Khi đại đội tôi vừa áp sát bìa rừng thì vấp phải một hàng rào lửa AK và B40 dày dặc. Giờ đây muốn sống còn, chúng tôi chỉ có một con đường độc nhất là ào lên chiếm cho được cái đỉnh móng ngựa này.  Dưới chân tôi toàn là đá cuội lởm chởm, vô phương moi hầm hố để bám đất.  Chúng tôi đành nương núp sau những gốc cọ, quần thảo với kẻ thù.  Sau mỗi mô mối là một tổ đề kháng của VC, với hai AK và một B40. "Xẹt!" "Xẹt!" "Oành!" "Oành!"  Quanh tôi, lửa chóa liên tục.  Hai cái cần ăng ten máy truyền tin của tôi là mục tiêu thu hút những cánh đạn B40, B41.  Tôi và hai anh hiệu thính viên phải thay đổi vị trí liền liền.  Không ai dám bám trụ một chỗ trong thời gian lâu quá vài phút.  Trong rừng, bóng người di chuyển, thoáng ẩn, thoáng hiện, như bóng ma.  Đại đội 1/11BĐQ đang ăn thua đủ với một địch thủ "ngang cơ" trong một địa thế lạ.  Không quân Mỹ bó tay, súng cối của Việt Cộng cũng bó tay, vì lúc này bạn và địch đang xen kẽ nhau trong rừng rậm. Trận đấu trở nên quyết liệt.  M16 chọi với AK 47, AK 66.  Lựu đạn M26 chọi với thủ pháo. M26 công phá mạnh hơn thủ pháo, nhưng bù lại, Việt Cộng có B40, B41.

       Trong rừng cọ, Biệt Động Quân và Việt Cộng đã say khói súng, đánh vùi.  Cây, cỏ, đá, gò làm giảm phần hữu hiệu của vũ khí bắn thẳng.  Trong cuộc đọ sức giành giựt ngọn đồi này, lựu đạn M26 trở thành đáng sợ nhất.  Khéo léo thảy một trái M26, làm sao cho nó nổ ngay khi rơi sau một mô mối là ta chắc chắn loại được một mắt lưới chính của hệ thống phối hợp hỏa lực của địch quân.  Chúng tôi liên tục chuyển đổi vị trí ẩn nấp tác chiến, rồi thận trọng tiến lên.  Đây là một cuộc so tài đòi hỏi đấu thủ phải có đủ những đức tính kiên trì, bén nhạy và lanh lẹ.  Dần dà, trên đấu trường, lựu đạn M26 và M16 đã chiếm ưu thế, lấn lướt, dồn AK và B40 lui dần về hướng bờ suối.  Tôi cho Trung đội 1 lên thay cho Trung đội 3, tiếp tục dồn ép Cộng quân xuống khe.  Trung đội 2 được lệnh nép sát bìa rừng rồi đánh bọc ngang hông phải của địch.  Giờ này khu cuối đồi, đạn nổ ầm ầm và khói bay khét lẹt.  Cái đuôi ngọn đồi đá đen quả là khúc xương khó nuốt.  Một cái hầm hàm ếch đã được địch moi giữa mô mối và hai gốc cọ.  Tổ kháng cự của VC trụ ở đây đánh dai như đỉa đói.  Ẩn mình sau một gốc cọ sát bìa rừng, ông Hạ sĩ nhất Mãng đang chuẩn bị 10 quả M79 đạn nổ.  Xạ trường trước mặt ông hoàn toàn trống trải.  Ông Mãng tì súng lên vai.  Ông nhắm bắn từng quả đạn vào thân hai cây cọ.  Ông hạ sĩ người Nùng (Voòng A Mãng) của Trung đội 2 không hổ danh là một xạ thủ M79 "thần sầu".  Mười quả đạn nổ của ông không nhắm vào thằng VC nào, nhưng khi đạn trúng thân cọ, đạn nổ, mảnh đạn đã chụp xuống cái cửa hầm hàm ếch, người ngồi trong hầm hết ngáp!  Khi biết chắc chắn bọn cảm tử VC cản đường đã chết, Trung đội 2 mới dám chui ra chiếm giữ bãi cỏ cuối đồi.  Nơi đây máu tươi loang từng cụm và ướt đẫm từng vạt tranh.

       Sau khi tôi chiếm được khu rừng lá cọ hướng tây thì cường độ hỏa lực của địch giảm thấy rõ.  Bên kia thung lũng, quân của Trung úy Hồ Bé cũng đang tiến lên cái dốc đông của dãy đồi móng ngựa.  Chúng tôi vừa tác xạ vừa lấn xuống triền bắc của ngọn đồi.  Tới khu cỏ lau trên bờ nam của con suối, tôi báo cho đại úy tiểu đoàn trưởng biết rằng trước mắt tôi, bên kia suối là rừng già, vào đó không có lợi và rất nguy hiểm.  Từ hướng rừng rậm trước mặt, bên bờ bắc, có tiếng "lép! bép!" do lửa cháy, xen lẫn tiếng nổ "bùng! bùng!" từng chặp.  Máy bay L19 báo cáo rằng kho đạn VC đang nổ.  Tiếng Hoàng Mai trong máy ra lệnh, "Thái Sơn cho kiểm chứng vụ kho đạn địch nổ xem sao!"  Tôi chưa kịp trả lời thì Binh nhì Nguyễn Nhường truyền tin đã xô tôi một cái thật bất ngờ.

       Tôi té ngã nghiêng trên mặt đất.  Một tràng RPD xé màng tai. Đạn bay chiu chíu sát trên mình tôi.  Tiếp theo là tiếng B40 và AK nổ ầm ầm ngay bờ suối.  Tôi nằm chịu trận sau một mô đá.  Bên cạnh tôi, Binh nhì Nguyễn Nhường đang ngáp ngáp.  Tôi hét lớn, "M79 đạn chài! M79 đạn chài!"  Những xạ thủ M79 phản ứng rất nhanh.  Sau một loạt, "Pinh! Pinh! Pinh!" tiếng súng bên kia suối của VC im hơi.  Tôi nhỏm dậy phất tay cho trung đội của Thiếu úy Vi hàng ngang qua suối chiếm đầu cầu.  Tôi cúi xuống đỡ thằng Nhường ngồi dậy.  Ngực nó đầy máu.  Nó thều thào, ngắt quãng, "Trung...úy!  Trung..úy! ...Nhắn...với...Quyên và...con em...rằng...em không về!  ...Nói...với...Quyên và ...con em...rằng ...em thương...em thương...Quyên và con lắm!... Thôi!...  Em...  đi!..."  Rồi nó nấc lên, mắt nó trợn trắng,  đứng tròng.  Người hiệu thính truyền tin đại đội của tôi đã chết.  Tôi đặt thằng Nhường xuống đất.  Vuốt mắt cho người đồ đệ xong, tôi cùng Trung đội 3 của Thiếu úy Biện tiếp tục theo chân Trung đội 1.

       Trên bờ suối bên kia chỉ còn 2 khẩu AK47 vấy máu cùng vài cái hoa chuối B41 chưa kịp bắn nằm dưới chân một tảng đá. Máu me trải dài trên lối mòn lên dốc.  Vừa lúc đó đại úy tiểu đoàn trưởng cho lệnh tôi lui về ngọn đồi mà liên đội B đã đóng ngày hôm trước để dọn bãi cho trực thăng tới tải thương.  Tôi nhờ Đại đội 3/11 giữ an ninh xa.  Đại đội 2/11 tải thương xong thì hết sĩ quan, vì Thiếu úy Trần Lũy bị thương; Thiếu úy Phan văn Hải, trung đội trưởng kiêm đại đội phó 2/11 bị sốt rét cũng đã rời vùng.  Tải thương xong, đại úy tiểu đoàn trưởng cho liên đội B lui về đóng quân với bộ chỉ huy tiểu đoàn; liên đội A nằm lại trên chiến địa.  Buổi chiều, tôi phải tự làm lều, căng võng cho mình.  Người mang đồ ngủ cho tôi, Binh nhất Trung, bị thương bể xương hông, đã lên trực thăng.  Đêm đông lạnh, nơi đầu võng của tôi chỉ còn hình dáng tròn ủng của Binh nhất Trần Ty, ngồi trực máy truyền tin.  Chỗ ấy xưa nay, bên "Trái Banh" Trần Ty, còn có "Cây Tre Miễu" Nguyễn Nhường.  Người đồ đệ của tôi đã cứu được ông thày của nó, nhưng nó đã chết thay thày nó!  Đêm về, trời Chư Pa sáng chói hỏa châu và hỏa long thì gầm gừ "ù! ù!...ồ! ồ!..." tới sáng.

       Ngày N+11 tôi làm lực lượng đoạn hậu cho tiểu đoàn rút về hướng bộ chỉ huy liên đoàn.  Liên đoàn hạ trại cách chúng tôi chừng ba cây số về hướng nam.  Đại úy Trần ngọc Di, ban 3 liên đoàn đang chỉ huy một toán BĐQ cưa cây phá bãi cho Chinook Hoa-Kỳ đáp. Cuộc hành quân của chúng tôi chấm dứt.  Tiểu đoàn 22/BĐQ được giao trách nhiệm thay thế chúng tôi, tiếp tục tảo thanh vùng tây Chư Pa.  Trưa đó, Chinook chở chúng tôi về trả tận sân sau của Tiểu đoàn 11/BĐQ ở Biển-Hồ.  Chúng tôi được nghỉ dưỡng quân vài ngày để tái trang bị và bổ sung.  Chừng một tuần lễ sau, tôi sững sờ nghe tin Thiếu úy Trần Lũy đã chết trong quân y viện Pleiku sau ca mổ lấy mảnh đạn từ cánh tay anh.  Trước cửa văn phòng tiểu đoàn có bụi tre đực trồng làm kiểng.  Bụi tre vàng vọt quanh năm, không lúc nào xanh tươi.   Trước ngày chúng tôi lên đường vào Chư Pa có ai đó nói rằng, những lúc tiểu đoàn đi hành quân, đêm thanh vắng, hồn ma về tụ tập quanh bụi tre đánh xóc dĩa, cãi cọ nhau om xòm.  Những người tin dị đoan trong tiểu đoàn xì xầm rằng bụi tre kiểng trước văn phòng đã đem đến những rủi ro cho đơn vị.  Sau cái chết của hai ông đại đội trưởng thì bụi tre đực đó đã bị anh Đàm cho người đánh gốc vứt đi.  Ngày cuối năm Âm-Lịch, một nữ sinh lớp đệ nhị trung học Bồ-Đề, Pleiku đến trường với cái băng đen trên ve áo dài.  Cũng từ đó, trại gia binh Tiểu đoàn 22/Biệt Động Quân vắng bóng người con gái đẹp thướt tha, ái nữ của ông thượng sĩ thường vụ. Nàng đã về quê đâu đó miền xuôi, để tìm quên một mối tình đầu chưa kịp may áo cưới.  Bên bờ Biển-Hồ, chiều chiều có một chị vợ lính bế đứa con trai nhỏ đứng nhìn về phương tây, nơi những ngọn núi xanh sừng sững án ngữ một miền trời ngăn cách hai nước Việt và Miên.  Người đàn bà vợ lính nhỏ nhắn đó tên Quyên.  Đứa bé trai cũng ngăm ngăm đen và dài ngoằng như bố nó.  Những giọt nước mắt chầm chậm lăn trên má người góa phụ.  Nước Biển-Hồ trong xanh.  Trong lòng hồ, bóng núi lung linh.
       Tết Nguyên-Đán năm Kỷ-Dậu không vui.  Ít lâu sau Tết, một cái bảng nền nâu, chữ vàng, có ba hàng chữ:

"TRẠI " (hàng đầu),
"PHAN- NGỌC- QUÍ" (hàng thứ nhì),
"BỘ- CHỈ- HUY TIỂU - ĐOÀN 11 BIỆT- ĐỘNG- QUÂN" (hàng chót),

được dựng trên cổng ra vào của một doanh trại Biệt động Quân ở Biển-Hồ (Pleiku).  Anh Lạn cùng hai anh đại đội trưởng vừa thay thế anh Quí và anh Lũy đã chọn danh hiệu truyền tin mới cho riêng họ.  Từ đó, trên làn sóng vô tuyến điện đàm của Liên Đoàn 2/Biệt Động Quân, những danh xưng Kỳ Sơn, Trường Sơn và Lam Sơn thành quá khứ, không ai nhắc tới nữa.  Chỉ còn mình tôi, dù đã đổi qua nhiều đơn vị, vẫn giữ cái tên Thái Sơn cho tới ngày tàn chiến tranh.  Tôi là một Biệt Động Quân yêu núi rừng vùng 2 say đắm. Mười năm lặn lội trong rừng, tôi đã chinh phục nhiều đỉnh núi cao, hùng vĩ hơn Chư Pa. Nhưng trong lòng tôi, cái tên Chư Pa mãi mãi không quên được.

Vương Mộng Long

Seattle, ngày 06 tháng 06 năm 2006

Nguồn: Biệt Động Quân
Viên đạn cuối cùng 30 Tháng Tư 200612:00 SA(Xem: 983) • Bảo Định Nguyễn Hữu Chế • Người lính trận không còn trận để đánh, khi vị Tổng Thống 48 giờ kiêm Tổng Tư Lệnh QLVNCH Dương Văn Minh kêu gọi quân sĩ đâu ở đó, ngưng nổ súng và chuẩn bị bàn giao cho phía bên kia. Thật là khôi hài cho hai chữ “bàn giao” và gọi bọn cộng sản Bắc Việt xâm lược là “phía bên kia” một cách nhẹ nhàng thân ái. Trong lúc chúng chỉ là những tên đồ tể khát máu, mất tính người, là công cụ của bọn Cộng sản Đệ Tam quốc tế, cần phải loại chúng ra khỏi đất nước này, loại chúng ra khỏi tâm tư của mọi người dân Việt. Chúng chỉ là loài sâu bọ biến thành người, hay như chúng tự nhận là con cháu của loài khỉ trên rừng “trãi qua quá trình lao động nên biến thành người”. Tại sao ông Minh có thể ngây thơ đến như vậy! Nếu trong con người của ông còn một chút gì là lính, người lính VNCH chân chính, thì ông đã không hành động như vậy. Hoặc ít ra nếu suy nghĩ nông cạn, bị bọn trí thức khoa bảng ăn hại bu quanh bàn ra tán vào lếu láo, bị tên Dương Văn Nhật, Thiếu tá tình báo cộng sản, em ruột móc nối, bị mấy ông thầy tu xách động xúi dục, sợ dân chúng đổ máu (chỉ là cái cớ để biện minh), thì sau lời tuyên bố dâng đất, dâng dân, dân thành cho Cộng sản, ông phải biết kê khẩu súng vào mang tang để bóp cò một phát cho tròn khí tiết của một người lính, nhất là khi ông đã là một vị Tướng 4 sao! Từng hai lần làm Quốc trưởng (nhưng chẵng nên cơm cháo gì). “Mất thành phải chết theo thành” như Võ Tánh ngày xưa tuẩn tiết tại thành Bình Định, hay Hoàng Diệu tại thành Hà Nội. Người lính trẻ mệt mỏi, mặt mày bơ phờ vì đã nhiều ngày đêm không ngũ, đang lê đôi chân nặng nhọc từ cầu Sơn hướng về ngã tư Xa lộ Hàng Xanh. Anh định về Thị Nghè, nhà anh ở đó. Anh biết mẹ anh, chị Dung của anh đang chờ tin tức của anh. Anh biết Loan, người yêu của anh, đang trông chờ anh từng giờ, từng phút. Hay nàng đã theo gia đình di tản đang lênh đênh trên mặt nước. Nàng có dám hy sinh, dám cải lời cha mẹ không lên tàu, dám ở lại để chờ chàng, người lính trận của phe thua trận? Thôi hết rồi khi đài phát thanh Saigon đọc lời tuyên bố của ông Dương Văn Minh, lệnh cho tất cả quân sĩ không được nổ súng, đâu ở đó, chờ phía bên kia vào bàn giao! Việt Nam Cộng Hòa không còn, QLVNCH không còn, đơn vị anh tan hàng, nhưng lần này không “cố gắng” như trước. Đây là lần tan hàng cuối cùng! Vị Tiểu đoàn trưởng của anh tập họp Tiểu đoàn và tuyên bố: “Việt Nam Cộng Hoà không còn, QLVNCH không còn, Tiểu đoàn của chúng ta cũng không còn. Tôi xin cảm ơn các bạn đã đồng cam cọng khổ, vào sinh ra tử, đã cùng nhau chiến đấu trong bao nhiêu năm. Chúng ta đã tạo được nhiều chiến thắng lẫy lừng ghi trong quân sữ. Nhưng ngày hôm nay, vận nước không còn. Là quân nhân, chúng ta phải tuyệt đối thi hành mệnh lệnh. Dù đó là mệnh lệnh gì. “Thi hành trước, khiếu nại sau”. Với tư cách là Tiểu đoàn trưởng, tôi tuyên bố giãi tán đơn vị. Các bạn ai về nhà nấy để gặp lại gia đình, sống cuộc đời thường dân lương thiện. Chúc các bạn sức khoẽ. Chào VĨNH BIỆT! Vừa dứt lời, vị Tiểu đoàn trưởng khả kính đã kề khẩu colt 45 vào màng tang và bóp cò. Buổi trưa ngày 29, tuyến phòng thủ Trảng Bom vở. Một Đại úy Đại đội trưởng chết ngay tại trận tiền. Một vị Tiểu đoàn trưởng bị cộng quân bắt sống. Đoàn quân xâm lăng Bắc Việt đã chiếm cứ Trảng Bom, tiền đồn xa nhất của Saigon lúc đó, chỉ cách Thủ đô yêu dấu miền Nam hơn 30 cây số. Từ đây, súng 122ly, 130ly có thể bắn tới. Căn cứ Long Bình bị pháo kích nhiều nơi, nhiều kho đạn bị nổ. Phi trường Biên Hòa bị oanh kích bởi chính những chiếc F5E của QLVNCH do Không quân không kịp di tản, để lại tại Đà Nẳng, tại Phan Rang, do chính tên Trung úy phản bội Nguyễn Thành Trung theo giặc hướng dẫn. Dân chúng hoảng hốt, bồng bế nhau dồn về Saigon. Lẫn trong đoàn dân chạy loạn, có những người lính vừa thất trận tại phòng tuyến Trảng Bom. Đơn vị Tuấn phải củng cố tuyến phòng thủ để bảo vệ BTL/SĐ. Kể từ khi rời mặt trận Xuân Lộc, vì là đơn vị sau cùng làm lực lượng chặn hậu cho đại đơn vị rút ra an toàn, đã bị thiệt hại nặng, nên đã được chỉ định làm lực lượng phòng thủ BTL.Công việc tương đối an nhàn, ít nguy hiểm. Ngay trong không khí hổn quân hổn quan và loạn lạc đó, một chiếc xe honda từ Saigon trờ tới trước cửa BTL. Đó là chị Dung, chị ruột của Tuấn và Loan, cô bạn gái, người yêu của chàng. Vừa gặp mặt Tuấn, chị Dung nói ngay: - Họ đi hết rồi, cả Saigon đang đi. Anh rể em ở bên Không quân có lệnh đưa gia đình ra Phú Quốc. Bên Hãi quân cũng chuẩn bị cho gia đình xuống tàu ra biển. Còn chị làm trong DAO cũng đã làm danh sách cho cả gia đình mình đi. Mấy ngày chị và Má cứ trông em về để đi, tất cả đã sẳn sàng. - Nhưng ông Tướng, các cấp chỉ huy và đồng đội của em vẫn còn ở lại, vẫn còn tiếp tục chiến đấu. - Ông Thiếu Tướng Kỳ, cựu Thủ Tướng, cựu Phó Tổng Thống, chiều ngày 28 tháng 4 còn đến xứ Tân Sa Châu thuộc quận Tân Bình hô hào tử thủ, hô hào sẽ chiến đấu đến giọt máu cuối cùng, nhưng mới sáng sớm ngày hôm nay, tức 29 tháng 4, ông đã dùng máy bay trực thăng riêng bay ra Hạm đội. Ông Tướng Toàn, Tư Lệnh Quân đoàn III kiêm Quân khu 3 của em, buổi sáng ghé đây họp với các Tư lệnh Sư đoàn, chỉ thị các vị ấy phải tử thủ, phải chiến đấu, thì sau đó ông bay về Gò Vấp thu gom đồ đạc và bay thẳng ra Hạm đội 7 rồi. Chỉ có ông Tướng của em, các cấp chỉ huy của em điếc không sợ súng, không am hiểu tình thế mới ở lại để tiếp tục chiến đấu. - Không được, em phải ở lại, em phải cùng đơn vị chiến đấu. Dù là trong tuyệt vọng. Em không thể đào ngũ trong lúc này. Em xin lỗi chị, xin lỗi Má. - Loan, em hãy nói vài lời với Tuấn đi, em hãy thuyết phục Tuấn dùm chị. Em hãy nói em không thể sống xa Tuấn, sống thiếu Tuấn. Má, chị và cả nhà sẽ mang ơn em nhiều. Nhưng Tuấn vẫn kiên trì. Tình yêu gia đình, tình yêu trai gái, Tuấn đã coi nhẹ hơn tình yêu đơn vị, tình yêu đồng đội, ít ra là trong lúc này, trong hoàn cảnh dầu sôi lữa bỏng này. Nói thế có nghĩa là trong quá, cũng đã nhiều lần Tuấn dù về nhà thăm mẹ, thăm chị Dung, người chị mà chàng thương yêu nhất, và Loan, dĩ nhiên là Loan, mối tình từ thuở học trò của chàng. Không thuyết phục được người em, người tình cứng đầu, Dung và Loan thất vọng trở lại Saigon. Tuấn đi như người mất hồn. Anh không có một chủ định nào cả. Chân bước đi, đôi chân chàng di động như cái máy. Chàng hướng về Thị Nghè, nơi đó có Má, có chị Dung, có Loan đang chờ chàng. Một chiếc xe Lam chạy qua. Mui xe cắm lá cờ nửa xanh, nửa đỏ, chính giữa có ngôi sao vàng 5 cánh của bọn Côn đồ “Giãi phóng Miền Nam”. Trên xe đầy lũ nhóc cách mạng 30 tay đeo băng đỏ. Xe vừa chạy qua chổ Tuấn, chúng ngừng lại. Một tên có lẽ là chỉ huy, quát Tuấn: - Thằng lính ngụy kia! Giờ này mà còn bận đồ lính và cầm súng. Hãy vất súng xuống, cởi mau đồ lính ra không ông cho phát AK bây giờ. Tuấn như con người máy. Anh vất súng xuống bên vệ đường, ngồi xuống từ từ cởi đôi dày trận – đôi dày đã theo anh dẩm nát biết bao nhiêu là mật khu của VC – sau hết là bộ đồ trận. Giờ này đâu còn trận nữa, thôi thì cởi phắt cho xong – Tuấn vừa cởi vừa suy nghĩ. Rốt cuộc, trên người anh chỉ còn lại cái quần xà lỏn và áo thun ba lá. Thấy Tuấn đã cởi đồ xong, tên chỉ huy ra lệnh cho xe nổ máy tiếp tục chạy. Người lính ngơ ngác một lúc. Anh bình tĩnh trở lại. Anh vội vàng mặc lại bộ quần áo trận, không kịp mang dày, anh nhặc khẩu súng lên, anh lên đạn và nhắm ngay vào chiếc xe Lam đang từ từ lăng bánh. Anh bóp cò. Nhưng lòng anh không chút hận thù oán trách. Trước mắt anh là lũ địch, bọn VC ác ôn. Anh phải bắn chúng, nếu không chúng sẽ bắn anh. Ai nhanh tay, người ấy sống. Một tràn đạn M16 tuôn ào ào ra hỏi nòng súng. Vài tên chết và bị thương, chiếc xe đảo qua đảo lại, lật nghiêng bên đường. Người lính từ từ kê nòng súng vào cằm như chống gậy. Anh dùng ngón cái tay phải xiết cò súng. “Việt Nam Cộng Hòa muôn năm! Việt Nam Cộng Hòa muôn năm! Việt Nam Cộng… Câu thứ ba mới phát âm đến chữ “Cộng” thì: Rầm! anh ngã xuống. Máu phun có vòi. Lúc đó là giữa trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975. Vĩnh biệt Tuấn, người con yêu của Tổ Quốc, người lính trận không còn trận để đánh. Người lính trận anh hùng bất khuất của đơn vị anh hùng không chịu hàng giặc. Thà chết vinh hơn sống nhục! Bảo Định - 30/4/2006. Người lính trận không còn trận để đánh, khi vị Tổng Thống 48 giờ kiêm Tổng Tư Lệnh QLVNCH Dương Văn Minh kêu gọi quân sĩ đâu ở đó, ngưng nổ súng và chuẩn bị bàn giao cho phía bên kia. Thật là khôi hài cho hai chữ “bàn giao” và gọi bọn cộng sản Bắc Việt xâm lược là “phía bên kia” một cách nhẹ nhàng thân ái. Trong lúc chúng chỉ là những tên đồ tể khát máu, mất tính người, là công cụ của bọn Cộng sản Đệ Tam quốc tế, cần phải loại chúng ra khỏi đất nước này, loại chúng ra khỏi tâm tư của mọi người dân Việt. Chúng chỉ là loài sâu bọ biến thành người, hay như chúng tự nhận là con cháu của loài khỉ trên rừng “trãi qua quá trình lao động nên biến thành người”. Tại sao ông Minh có thể ngây thơ đến như vậy! Nếu trong con người của ông còn một chút gì là lính, người lính VNCH chân chính, thì ông đã không hành động như vậy. Hoặc ít ra nếu suy nghĩ nông cạn, bị bọn trí thức khoa bảng ăn hại bu quanh bàn ra tán vào lếu láo, bị tên Dương Văn Nhật, Thiếu tá tình báo cộng sản, em ruột móc nối, bị mấy ông thầy tu xách động xúi dục, sợ dân chúng đổ máu (chỉ là cái cớ để biện minh), thì sau lời tuyên bố dâng đất, dâng dân, dân thành cho Cộng sản, ông phải biết kê khẩu súng vào mang tang để bóp cò một phát cho tròn khí tiết của một người lính, nhất là khi ông đã là một vị Tướng 4 sao! Từng hai lần làm Quốc trưởng (nhưng chẵng nên cơm cháo gì). “Mất thành phải chết theo thành” như Võ Tánh ngày xưa tuẩn tiết tại thành Bình Định, hay Hoàng Diệu tại thành Hà Nội. Người lính trẻ mệt mỏi, mặt mày bơ phờ vì đã nhiều ngày đêm không ngũ, đang lê đôi chân nặng nhọc từ cầu Sơn hướng về ngã tư Xa lộ Hàng Xanh. Anh định về Thị Nghè, nhà anh ở đó. Anh biết mẹ anh, chị Dung của anh đang chờ tin tức của anh. Anh biết Loan, người yêu của anh, đang trông chờ anh từng giờ, từng phút. Hay nàng đã theo gia đình di tản đang lênh đênh trên mặt nước. Nàng có dám hy sinh, dám cải lời cha mẹ không lên tàu, dám ở lại để chờ chàng, người lính trận của phe thua trận? Thôi hết rồi khi đài phát thanh Saigon đọc lời tuyên bố của ông Dương Văn Minh, lệnh cho tất cả quân sĩ không được nổ súng, đâu ở đó, chờ phía bên kia vào bàn giao! Việt Nam Cộng Hòa không còn, QLVNCH không còn, đơn vị anh tan hàng, nhưng lần này không “cố gắng” như trước. Đây là lần tan hàng cuối cùng! Vị Tiểu đoàn trưởng của anh tập họp Tiểu đoàn và tuyên bố: “Việt Nam Cộng Hoà không còn, QLVNCH không còn, Tiểu đoàn của chúng ta cũng không còn. Tôi xin cảm ơn các bạn đã đồng cam cọng khổ, vào sinh ra tử, đã cùng nhau chiến đấu trong bao nhiêu năm. Chúng ta đã tạo được nhiều chiến thắng lẫy lừng ghi trong quân sữ. Nhưng ngày hôm nay, vận nước không còn. Là quân nhân, chúng ta phải tuyệt đối thi hành mệnh lệnh. Dù đó là mệnh lệnh gì. “Thi hành trước, khiếu nại sau”. Với tư cách là Tiểu đoàn trưởng, tôi tuyên bố giãi tán đơn vị. Các bạn ai về nhà nấy để gặp lại gia đình, sống cuộc đời thường dân lương thiện. Chúc các bạn sức khoẽ. Chào VĨNH BIỆT! Vừa dứt lời, vị Tiểu đoàn trưởng khả kính đã kề khẩu colt 45 vào màng tang và bóp cò. Buổi trưa ngày 29, tuyến phòng thủ Trảng Bom vở. Một Đại úy Đại đội trưởng chết ngay tại trận tiền. Một vị Tiểu đoàn trưởng bị cộng quân bắt sống. Đoàn quân xâm lăng Bắc Việt đã chiếm cứ Trảng Bom, tiền đồn xa nhất của Saigon lúc đó, chỉ cách Thủ đô yêu dấu miền Nam hơn 30 cây số. Từ đây, súng 122ly, 130ly có thể bắn tới. Căn cứ Long Bình bị pháo kích nhiều nơi, nhiều kho đạn bị nổ. Phi trường Biên Hòa bị oanh kích bởi chính những chiếc F5E của QLVNCH do Không quân không kịp di tản, để lại tại Đà Nẳng, tại Phan Rang, do chính tên Trung úy phản bội Nguyễn Thành Trung theo giặc hướng dẫn. Dân chúng hoảng hốt, bồng bế nhau dồn về Saigon. Lẫn trong đoàn dân chạy loạn, có những người lính vừa thất trận tại phòng tuyến Trảng Bom. Đơn vị Tuấn phải củng cố tuyến phòng thủ để bảo vệ BTL/SĐ. Kể từ khi rời mặt trận Xuân Lộc, vì là đơn vị sau cùng làm lực lượng chặn hậu cho đại đơn vị rút ra an toàn, đã bị thiệt hại nặng, nên đã được chỉ định làm lực lượng phòng thủ BTL.Công việc tương đối an nhàn, ít nguy hiểm. Ngay trong không khí hổn quân hổn quan và loạn lạc đó, một chiếc xe honda từ Saigon trờ tới trước cửa BTL. Đó là chị Dung, chị ruột của Tuấn và Loan, cô bạn gái, người yêu của chàng. Vừa gặp mặt Tuấn, chị Dung nói ngay: - Họ đi hết rồi, cả Saigon đang đi. Anh rể em ở bên Không quân có lệnh đưa gia đình ra Phú Quốc. Bên Hãi quân cũng chuẩn bị cho gia đình xuống tàu ra biển. Còn chị làm trong DAO cũng đã làm danh sách cho cả gia đình mình đi. Mấy ngày chị và Má cứ trông em về để đi, tất cả đã sẳn sàng. - Nhưng ông Tướng, các cấp chỉ huy và đồng đội của em vẫn còn ở lại, vẫn còn tiếp tục chiến đấu. - Ông Thiếu Tướng Kỳ, cựu Thủ Tướng, cựu Phó Tổng Thống, chiều ngày 28 tháng 4 còn đến xứ Tân Sa Châu thuộc quận Tân Bình hô hào tử thủ, hô hào sẽ chiến đấu đến giọt máu cuối cùng, nhưng mới sáng sớm ngày hôm nay, tức 29 tháng 4, ông đã dùng máy bay trực thăng riêng bay ra Hạm đội. Ông Tướng Toàn, Tư Lệnh Quân đoàn III kiêm Quân khu 3 của em, buổi sáng ghé đây họp với các Tư lệnh Sư đoàn, chỉ thị các vị ấy phải tử thủ, phải chiến đấu, thì sau đó ông bay về Gò Vấp thu gom đồ đạc và bay thẳng ra Hạm đội 7 rồi. Chỉ có ông Tướng của em, các cấp chỉ huy của em điếc không sợ súng, không am hiểu tình thế mới ở lại để tiếp tục chiến đấu. - Không được, em phải ở lại, em phải cùng đơn vị chiến đấu. Dù là trong tuyệt vọng. Em không thể đào ngũ trong lúc này. Em xin lỗi chị, xin lỗi Má. - Loan, em hãy nói vài lời với Tuấn đi, em hãy thuyết phục Tuấn dùm chị. Em hãy nói em không thể sống xa Tuấn, sống thiếu Tuấn. Má, chị và cả nhà sẽ mang ơn em nhiều. Nhưng Tuấn vẫn kiên trì. Tình yêu gia đình, tình yêu trai gái, Tuấn đã coi nhẹ hơn tình yêu đơn vị, tình yêu đồng đội, ít ra là trong lúc này, trong hoàn cảnh dầu sôi lữa bỏng này. Nói thế có nghĩa là trong quá, cũng đã nhiều lần Tuấn dù về nhà thăm mẹ, thăm chị Dung, người chị mà chàng thương yêu nhất, và Loan, dĩ nhiên là Loan, mối tình từ thuở học trò của chàng. Không thuyết phục được người em, người tình cứng đầu, Dung và Loan thất vọng trở lại Saigon. Tuấn đi như người mất hồn. Anh không có một chủ định nào cả. Chân bước đi, đôi chân chàng di động như cái máy. Chàng hướng về Thị Nghè, nơi đó có Má, có chị Dung, có Loan đang chờ chàng. Một chiếc xe Lam chạy qua. Mui xe cắm lá cờ nửa xanh, nửa đỏ, chính giữa có ngôi sao vàng 5 cánh của bọn Côn đồ “Giải phóng Miền Nam”. Trên xe đầy lũ nhóc cách mạng 30 tay đeo băng đỏ. Xe vừa chạy qua chổ Tuấn, chúng ngừng lại. Một tên có lẽ là chỉ huy, quát Tuấn: - Thằng lính ngụy kia! Giờ này mà còn bận đồ lính và cầm súng. Hãy vất súng xuống, cởi mau đồ lính ra không ông cho phát AK bây giờ. Tuấn như con người máy. Anh vất súng xuống bên vệ đường, ngồi xuống từ từ cởi đôi dày trận – đôi dày đã theo anh dẩm nát biết bao nhiêu là mật khu của VC – sau hết là bộ đồ trận. Giờ này đâu còn trận nữa, thôi thì cởi phắt cho xong – Tuấn vừa cởi vừa suy nghĩ. Rốt cuộc, trên người anh chỉ còn lại cái quần xà lỏn và áo thun ba lá. Thấy Tuấn đã cởi đồ xong, tên chỉ huy ra lệnh cho xe nổ máy tiếp tục chạy. Người lính ngơ ngác một lúc. Anh bình tĩnh trở lại. Anh vội vàng mặc lại bộ quần áo trận, không kịp mang dày, anh nhặc khẩu súng lên, anh lên đạn và nhắm ngay vào chiếc xe Lam đang từ từ lăng bánh. Anh bóp cò. Nhưng lòng anh không chút hận thù oán trách. Trước mắt anh là lũ địch, bọn VC ác ôn. Anh phải bắn chúng, nếu không chúng sẽ bắn anh. Ai nhanh tay, người ấy sống. Một tràn đạn M16 tuôn ào ào ra hỏi nòng súng. Vài tên chết và bị thương, chiếc xe đảo qua đảo lại, lật nghiêng bên đường. Người lính từ từ kê nòng súng vào cằm như chống gậy. Anh dùng ngón cái tay phải xiết cò súng. “Việt Nam Cộng Hòa muôn năm! Việt Nam Cộng Hòa muôn năm! Việt Nam Cộng… Câu thứ ba mới phát âm đến chữ “Cộng” thì: Rầm! anh ngã xuống. Máu phun có vòi. Lúc đó là giữa trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975. Vĩnh biệt Tuấn, người con yêu của Tổ Quốc, người lính trận không còn trận để đánh. Người lính trận anh hùng bất khuất của đơn vị anh hùng không chịu hàng giặc. Thà chết vinh hơn sống nhục! Bảo Định - 30/4/2006. May 12, 2018 Viên Đạn Cuối Cùng - Bảo Định Nguyễn Hữu Chế Người lính trận không còn trận để đánh, khi vị Tổng Thống 48 giờ kiêm Tổng Tư Lệnh QLVNCH Dương Văn Minh kêu gọi quân sĩ đâu ở đó, ngưng nổ súng và chuẩn bị bàn giao cho phía bên kia. Thật là khôi hài cho hai chữ “bàn giao” và gọi bọn cộng sản Bắc Việt xâm lược là “phía bên kia” một cách nhẹ nhàng thân ái. Trong lúc chúng chỉ là những tên đồ tể khát máu, mất tính người, là công cụ của bọn Cộng sản Đệ Tam quốc tế, cần phải loại chúng ra khỏi đất nước này, loại chúng ra khỏi tâm tư của mọi người dân Việt. Vietlove Nghe truyện Nghe truyện đọc Truyện đọc Truyện hay Nghe Truyện Xưa Nghe Truyen Xua Van Hoc Mien Nam Truyện Đêm Khuya Radio Viên Đạn Cuối Cùng - Bảo Định Nguyễn Hữu Chế https://youtu.be/IN0ifLWiVEg
1
Photo:


2
Photo:


3
Photo:


4
Photo:


5
Photo:


8
Photo:


9
Photo:


6
Photo:


7
Photo:


10
Photo:


11
Photo:


12
Photo:

No comments:

Post a Comment