Friday, June 2, 2017

 photo 70_zpsoguunzhw.gif Ngàn năm bia đá anh hùng | LHCCSHTD

 

 

Lời giới thiệu: Trang LHCCS/HTĐ & PC hân hạnh được giới thiệu đến quý độc giả phóng sự hình ảnh về ngày khánh thành Bức tường tưởng niệm 7 Vị Anh Hùng tại Bảo tàng viện Việt Nam (Việt Museum) tại San Jose, tiểu bang California, Hoa Kỳ.  Trang điện tử này được chia thành 2 phần: phần 1 sơ lược về tiểu sử của 7 Tử sĩ QLVNCH đã tuẫn tiết vào Ngày 30 Tháng Tư Đen, 1975 với phần hình ảnh của họ và những huy hiệu các đơn vị QLVNCH & Cơ quan hành chánh mà họ đã phục vụ; phần 2 là phóng sự về ngày khánh thành Đài tưởng niệm 7 Vị Anh Hùng QLVNCH.  --BKT.

 

PHẦN 1

 

 

 

Tiểu sử NGUYỄN KHOA NAM

 Thiếu tướng Nguyễn Khoa Nam, Tư Lệnh Quân Đoàn IV/Quân Khu IV, sinh ngày 23 tháng 9 năm 1927 tại Đà Nẵng trong một gia đình nền nếp, khoa bảng. Ông là cựu học sinh trường Khải Định, tốt nghiệp Khóa Hành Chánh ở Huế, giữ chức Chủ Sự Tài Chánh từ năm 1951 đến năm 1953 thì nhập ngũ Khóa 3 Thủ Đức. Khi ra trường, ông tình nguyện phục vụ trong Binh Chủng Nhảy Dù và thuyên chuyển ra chiến đấu ở ngoài Bắc.

Sau Hiệp Định Genève 20-7-1954, đơn vị của ông được đưa về Miền Nam, lúc đó ông đang mang cấp bậc Trung úy. Đến năm 1955, ông giữ chức Đại Đội Trưởng thuộc TĐ7ND, về tham dự cuộc hành quân tảo thanh nhóm Bình Xuyên của Bảy Viễn ở Sài Gòn. Sau đó ông được thăng cấp Đại úy rồi đi du học chuyên nghiệp tại Pau, ở Pháp. Ông mang cấp bậc Đại úy từ năm 1955 đến năm 1964 thì lên Thiếu tá, giữ chức Tiểu Đoàn Trưởng TĐ5ND. Qua năm 1967, ông được thăng Trung tá với chức Lữ Đoàn Trưởng LĐ3ND, nổi danh ở trận đánh Đồi Ngok Van, Kontum. Cuối năm 1967 lại được vinh thăng Đại tá với Đệ Tam Đẳng Bảo Quốc Huân Chương. Trong trận Mậu Thân 1968, Bộ Tổng Tham Mưu điều động đơn vị ông về Sài Gòn để tảo thanh Việt Cộng ở vùng ven đô, gây nhiều thiệt hại cho chúng. Qua năm 1969, ông nắm chức Tư Lệnh SĐ7BB kiêm Tư Lệnh Khu Chiến Thuật Tiền Giang. Tháng 11-1969, ông lại được vinh thăng Chuẩn tướng nhiệm chức tại mặt trận cho đến tháng 11-1971 thì thăng Chuẩn tướng thực thụ. Tới năm 1972, Chuẩn tướng Nguyễn Khoa Nam được thăng Thiếu tướng nhiệm chức rồi mang Thiếu tướng thực thụ vào tháng 10-1973, đến tháng 11-1974 được bổ nhiệm giữ chức Tư Lệnh Quân Đoàn IV/Quân Khu IV.

Tướng Nguyễn Khoa Nam sống một cuộc sống rất giản dị, không vợ con, không xa hoa, không nhu cầu vật chất. Ông cũng mang tâm hồn nghệ sĩ, say mê hội họa và âm nhạc, giỏi về nhạc lý. Ông còn là một Phật tử thuần thành, ăn chay mỗi tháng 15 ngày, thường nghiền ngẫm kinh Phật và sách Nho Giáo. Ông là người trầm lặng, ít nói, sống nhiều về nội tâm, được tiếng phúc hậu, đạo đức, lấy Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín làm phương châm ở đời. Trong quân đội, ông là một vị tướng mẫu mực, một cấp chỉ huy tài giỏi, thương lính yêu dân nên được binh sĩ dưới quyền cũng như đồng bào kính mến.

Là Tư Lệnh Vùng, mỗi lần đi thanh tra hay thăm viếng các Tiểu Khu hoặc các đơn vị, Tướng Nam không bao giờ để cho các Tiểu Khu Trưởng, các đơn vị trưởng tiếp đón ông bằng tiệc tùng. Mỗi lần đi như vậy, ông chỉ mang theo khúc bánh mì thịt hay món ăn đơn giản, thanh đạm. Còn nếu gặp ngày ăn chay thì ông mang theo mấy trái bắp nấu hoặc vài củ khoai luộc. Nói đến Tướng Ngyễn Khoa Nam là phải nói đến “cái nón sắt”. Đầu ông luôn đội nón sắt và ông luôn luôn nhắc nhở các sĩ quan, binh sĩ phải đội nón sắt cho an toàn. Sĩ quan và binh sĩ dưới quyền có nhiều giai thoại về “cái nón sắt” với Tướng Nam. Nhắc đến chuyện thương lính, trước khi tuẫn tiết, Tướng Nam đã một mình tự lái xe Jeep vào Quân Y Viện Phan Thanh Giản để thăm các chiến hữu của ông bị thương đang điều trị tại đây. Lần thăm viếng này nói lên sự vĩnh biệt thầm kín của ông với thuộc cấp. Khi lệnh buông súng đầu hàng được ban ra vào lúc 10 giờ 00 sáng ngày 30-4-1975 thì rạng sáng ngày 01-05-1975, Tướng Nguyễn Khoa Nam đã dùng khẩu Browning bắn vào màng tang tuẫn tiết tại dinh Tư Lệnh nằm trên bờ sông Cái Khế ở Cần Thơ. Tướng Nam đã hào hùng chọn cái chết chứ không chịu đầu hàng nhục nhã. Khi tuẫn tiết, ông mặc lễ phục trắng với đầy đủ Dây Biểu Chương và Huân Chương các loại mà ông được ban thưởng, trên bàn viết còn để lại một vài vật dụng cá nhân và một món tiền $40,000.00, nhờ vị sĩ quan tùy viên đem về trao lại cho gia đình ông. Bốn mươi ngàn đồng vào thời điểm 30-4-1975 là món tiền quá nhỏ, nói lên đức tính liêm khiết của viên Tướng Tư Lệnh Vùng thuộc tập thể Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Chính vì vậy mà Tướng Nguyễn Khoa Nam được tiếng là người thanh liêm, chưa hề bị tai tiếng về tham nhũng hay bè phái. Trung tá Bác sĩ Hoàng Như Tùng, Giám Đốc Quân Y Viện Phan Thanh Giản cùng một số sĩ quan, binh sĩ của Quân Đoàn IV đã đứng ra mai táng Tướng Nam tại Nghĩa Trang Quân Đội Cần Thơ.

Vào năm 1984, gia đình Tướng Nam bốc mộ, hỏa thiêu hài cốt ông rồi đem về thờ tại Chùa Già Lam ở Gia Định. Trên đường về, khi qua bắc Cần Thơ và bắc Mỹ Thuận, thân nhân đã rắc một phần tro cốt của ông xuống sông Tiền Giang cùng sông Hậu Giang, nơi mà ông đã chiến đấu và chết cho đồng bằng Sông Cửu Long. Tro cốt của Tướng Nguyễn Khoa Nam đã hòa với làn nước phù sa Cửu Long Giang để bón từng bụi lúa, từng cọng rau tấc đất của quê hương cho thêm mầu mỡ.

Phần tro cốt còn lại được đem về thờ tại Chùa Già Lam ở Bình Hòa, Gia Định. Hòa Thượng Thích Trí Thủ, trụ trì Chùa Già Lam đã đứng ra làm lễ cầu siêu cho Tướng Nguyễn Khoa Nam vào ngày 18-03-1984. Buổi lễ cầu siêu được tổ chức rất trọng thể, nghiêm trang, mặc dù gia đình giữ kín để tránh phiền phức với công an Việt Cộng nhưng bà con và thân hữu, đặc biệt là nhiều sĩ quan, binh sĩ VNCH đến tham dự đông đảo ngoài sự tưởng tượng của gia đình và nhà chùa.

 

Sài Gòn Tưởng Niệm Tướng Quân NGUYỄN KHOA NAM tại chùa Già Lam
    

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Tiểu sử PHẠM VĂN PHÚ

Thiếu tướng Phạm Văn Phú, Tư Lệnh Quân Đoàn II/Quân Khu II, sinh năm 1929 tại Hà Đông, Bắc Việt, xuất thân từ Khóa 8 Trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt. Sau khi tốt nghiệp, ông tình nguyện phục vụ trong Binh Chủng Nhảy Dù. Khoảng tháng 3-1954, tình hình mặt trận Điện Biên Phủ đang ở cường độ sôi động cho nên TĐ5ND mà Trung úy Phú giữ chức Đại Đội Trưởng được huy động nhảy dù vào tiếp ứng cho mặt trận này. Vừa vào vùng, Trung úy Phú đã chỉ huy binh sĩ dưới quyền mở các cuộc phản công đẫm máu trước các đợt xung phong điên cuồng bằng biển người của địch. Mặt trận tiếp diễn ngày một thêm khốc liệt thì qua ngày 15-4-1954, Đại tá De Castries, Chỉ Huy Trưởng cứ điểm Điện Biên Phủ được thăng Thiếu tướng, hai Trung tá Langlais và Ladande thăng lên Đại tá cùng 10 sĩ quan khác, mỗi người được thăng một cấp, trong đó có Trung úy Phạm Văn Phú. Đến ngày 26-4-1954, Đại úy Phú được cử giữ chức Tiểu Đoàn Phó TĐ5ND, qua những trận đánh ác liệt, chẳng may ông bị thương và bị Việt Minh bắt khi Điện Biên Phủ thất thủ vào ngày 07 tháng 05 năm 1954. Sau Hiệp Định Genève, ông được trao trả về Miền Nam và tiếp tục phục vụ trong Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa.

Năm 1960, Đại úy Phạm Văn Phú được tuyển chọn phục vụ trong Lực Lượng Đặc Biệt do Đại tá Lê Quang Tung làm Tư Lệnh. Cuối năm 1962, ông lên Thiếu tá, đảm nhận chức Liên Đoàn Trưởng Liên Đoàn Quan Sát 77 của LLĐB. Vào giữa năm 1964, ông chỉ huy Liên Đoàn này đánh tan Trung Đoàn 765 của cộng sản Bắc Việt ở Suối Đá thuộc tỉnh Tây Ninh. Sau trận này, ông được đặc cách thăng Trung tá với chức vụ Tham Mưu Trưởng LLĐB, một năm sau ông lại được thăng Đại tá nhiệm chức. Qua đầu năm 1966, giữ chức Phụ Tá Tư Lệnh SĐ2BB cho đến giữa năm 1966 được bổ nhiệm chức Tư Lệnh Phó và Xử Lý Thường Vụ sư đoàn này vì Thiếu tướng Hoàng Xuân Lãm, Tư Lệnh sư đoàn được bổ nhiệm vào chức vụ Tư Lệnh Quân Đoàn I/Quân Khu I. Cuối năm 1966, ông được bổ nhiệm làm Tư Lệnh Phó SĐ1BB cho đến giữa năm 1968 lại được cử vào chức vụ Tư Lệnh Biệt Khu 44, trách nhiệm về các tỉnh biên giới Miền Tây Nam Phần thuộc Quân Khu IV. Năm 1969 được vinh thăng Chuẩn tướng tại mặt trận cho đến đầu năm 1970, Chuẩn tướng Phú được cử thay thế Thiếu tướng Đào Văn Quảng trong chức vụ Tư Lệnh LLĐB.

Cuối tháng 8-1970, Tướng Phú được Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu bổ nhiệm vào chức vụ Tư Lệnh SĐ1BB thay thế Thiếu tướng Ngô Quang Trưởng đảm nhận chức Tư Lệnh Quân Đoàn IV. Tháng 3-1971, Chuẩn tướng Phú được vinh thăng Thiếu tướng tại mặt trận sau cuộc Hành Quân Lam Sơn 719 ở Hạ Lào. Trong mùa hè đỏ lửa 1972, khi cộng sản Bắc Việt phóng ra các trận đánh lớn, Tướng Phú đã điều động, phối trí các trung đoàn của SĐ1BB một cách tài ba cho nên các phòng tuyến của ta ở Tây Nam Huế không bị chọc thủng bởi các cuộc tiến công của địch. Phải nói, SĐ1BB là một sư đoàn mà khả năng tác chiến có thể xếp ngang hàng Sư Đoàn Dù và Sư Đoàn Thủy Quân Lục Chiến, có trách nhiệm bảo vệ vùng địa đầu giới tuyến gồm Quảng Trị, Thừa Thiên và cố đô Huế, từng được chỉ huy bởi các vị tư lệnh sư đoàn tài giỏi như Tướng Đỗ Cao Trí, Tướng Ngô Quang Trưởng, Tướng Phạm Văn Phú, Tướng Lê Văn Thân. Đến tháng 9-1972, Tướng Phú được điều động về Quân Đoàn III, làm Chi Huy Trưởng Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung, một quân trường lớn nhất ở Việt Nam.

Vào tháng 11-1974, thể theo đề nghị của Thủ tướng Trần Thiện Khiêm và Phó Tổng thống Trần Văn Hương, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã ký sắc lệnh bổ nhiệm Thiếu tướng Phạm Văn Phú vào chức vụ Tư Lệnh Quân Đoàn II/Quân Khu II, thay thế Trung tướng Nguyễn Văn Toàn về làm Chỉ Huy Trưởng Binh Chủng Thiết Giáp. Đến ngày 10-3-1975, CSBV huy động 3 sư đoàn, gồm SĐ10, SĐ320 và SĐ316 tấn công vào tỉnh lỵ Ban Mê Thuột và Ban Mê Thuột bị thất thủ trước sức tấn công của 3 sư đoàn cộng quân. Trong khi Tướng Phú đang lập kế hoạch phản công tái chiếm Ban Mê Thuột thì Tổng thống Thiệu ra lệnh cho Tướng Phú rút bỏ cao nguyên về tái phối trí vùng đồng bằng Bình Định, Nha Trang. Tướng Phú đã nhiều lần yêu cầu Tổng thống Thiệu và Bộ Tổng Tham Mưu để ông tử thủ cao nguyên nhưng không được chấp thuận khiến ông thất vọng, chán nản. Rồi cuộc triệt thoái khỏi cao nguyên thất bại, gây hỗn loạn, kéo theo sự sụp đổ cả Miền Nam đã làm cho Tướng Phú khổ tâm hơn nên ngã bệnh phải vào điều trị ở Tổng Y Viện Cộng Hòa.

Đến ngày 30-4-1975, Tướng Biên Khu Phạm Văn Phú đã dùng độc dược tuẫn tiết nêu cao tiết tháo “tướng chết theo thành”. Lại một vì sao sáng đã tắt trên bầu trời Miền Nam trong ngày u buồn của trang Hùng Sử!

    

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Tiểu sử LÊ VĂN HƯNG 

Chuẩn tướng Lê Văn Hưng, Tư Lệnh Phó Quân Đoàn IV/Quân Khu IV sinh năm 1933, xuất thân từ Khóa 5 Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức. Ông phục vụ tại SĐ21BB từ Đại Đội Trưởng đến Trung Đoàn Trưởng, đã từng đảm nhiệm chức Tiểu Khu Trưởng Phong Dinh. Ông là một sĩ quan can trường, khả năng tác chiến cao, giỏi về lãnh đạo chỉ huy và rất thương yêu binh sĩ dưới quyền. Các cấp bậc của ông từ đại úy trở lên đều được đặc cách vinh thăng tại mặt trận. Từ Đại tá Trung Đoàn Trưởng Trung Đoàn 31 thuộc SĐ21BB, ông được cử giữ chức Tư Lệnh SĐ5BB ở Quân Khu III. Sau đó được vinh thăng Chuẩn tướng chỉ vài tháng trước khi cộng quân mở cuộc bao vây và công hãm thị xã An Lộc vào mùa hè đỏ lửa 1972. Trong suốt thời gian vây hãm, 4 sư đoàn địch đã mở những cuộc tấn công hung hãn bằng bộ binh, xe tăng và những cuộc mưa pháo khốc liệt, như ngày 11-5-1972, thành phố nhỏ bé An Lộc đã gồng mình hứng khoảng 8,000 quả pháo binh đủ loại của Bắc quân.

Trong trận An Lộc lịch sử này, Tướng Lê Văn Hưng, Tư Lệnh SĐ5BB, chỉ huy toàn bộ các lực lượng tử thủ, đầu đội nón sắt, mặc áo thun bên trong, áo giáp bên ngoài, quần đùi, tay cầm M16, tay cầm ống liên hợp, lựu đạn cài quanh mình, chiến đấu gần như 24/24 giờ nêu cao truyền thống anh dũng của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa qua câu: “Ngày nào tôi còn, An Lộc còn”. Trong suốt thời gian bị vây hãm, Tướng Hưng và những người lính tử thủ của ông có bao đêm ngủ được những giấc ngủ bình an trên những chiếc giường ngay ngắn như những người bình thường ở hậu phương? Sau 68 ngày bị vây hãm trong hỏa ngục máu và lửa, An Lộc vẫn đứng vững nhờ sự chiến đấu oanh liệt, dũng cảm của lực lượng tử thủ. Khi An Lộc được giải tỏa, Tướng Lê Văn Hưng được báo chí cũng như đồng bào Miền Nam tặng cho danh hiệu “Anh Hùng An Lộc”.

Tính đến 7 giờ 30 sáng ngày 30-4-1975, tình hình 16 tỉnh thuộc Quân Đoàn IV vẫn yên tĩnh, VC chỉ cắt một đoạn quốc lộ 4 từ Sài Gòn xuống Long An và Chuẩn tướng Hoàng Văn Lạc, Tư Lệnh SĐ9BB đang bay trực thăng chỉ huy cuộc giải tỏa đoạn quốc lộ này. Ngoài ra, VC cũng chỉ mở được cuộc tấn công vào tỉnh lỵ Chương Thiện mà Đại tá Hồ Ngọc Cẩn, Tiểu Khu Trưởng đang cố thủ, chỉ huy các cuộc phản công (Chính vì sự anh dũng cố thủ này mà sau ngày 30-4-1975, VC đã đem Đại tá Hồ Ngọc Cẩn ra xử bắn tại sân vận động Cần Thơ).

Đến 10 giờ 00 sáng ngày 30-4-1975, lệnh buông súng đầu hàng được ban ra trên đài phát thanh khiến mọi người từ quan cho đến lính ai nấy cũng đều sững sờ. Một vị Đại tá thuộc Quân Đoàn IV, khi nghe lệnh đầu hàng đã khóc sướt mướt, vừa khóc, vừa nói với thuộc cấp: “Đầu hàng rồi tụi bây ơi! Nhục ơi là nhục!”. Ở một nơi xa khác, Chuẩn tướng Hồ Trung Hậu đang theo dõi bản đồ hành quân, khi nghe ông Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, Tướng Hậu đã ném tung tấm bản đồ, tức tối thốt nên mấy tiếng: “Đồ chó đẻ!”. Riêng tại văn phòng Tư Lệnh Phó Quân Đoàn IV, khi nghe lệnh đầu hàng, gương mặt Tướng Hưng mang đầy vẻ thất vọng, mắt ông chùn xuống.... Đến 8 giờ 45 tối ngày 30-4-1975, Tướng Lê Văn Hưng đã dùng khẩu Colt 45 bắn vào ngực tuẫn tiết, viên đạn xuyên qua tim, máu thấm ướt cả bộ quân phục. Tướng Hưng đã trút hơi thở cuối cùng nhưng đôi mắt vẫn còn mở dường như biểu lộ sự uất hận. Phu nhân Tướng Hưng, bà Phạm Thị Kim Hoàng, đã vuốt mắt cho chồng, thay quần áo cho ông, một số sĩ quan và binh sĩ phụ bà lo việc tẩn liệm. Khi tẩn liệm, bà Hưng đã cẩn thận xếp ngay ngắn lá quốc kỳ màu vàng ba sọc đỏ đặt lên ngực ông, lá cờ biểu tượng Miền Nam Tự Do mà chồng bà và những người lính Cộng Hòa đã đổ nhiều xương máu để bảo vệ biểu tượng thiêng liêng này. Trong khi đang tẩn liệm thì Thiếu tá Lành, Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 3/33 nghe tin Tướng Hưng tuẫn tiết đã tông cửa chạy ùa vào, ôm quan tài Tướng Hưng gào khóc thảm thiết: “Trời ơi!... ông thầy... ơi!” khiến ai nấy cũng đều bùi ngùi rơi lệ.

Sau khi tẩn liệm, mọi người hối hả, vội vã lo chôn cất Tướng Hưng vì sợ VC vào gây nhiều khó khăn, rắc rối. Sau đó, do sự sắp xếp của vài vị sĩ quan và binh sĩ, phu nhân Tướng Hưng được đưa vào tá túc tại một ngôi chùa để tránh phiền phức với VC. Về sau, cũng chính các vị sư của ngôi chùa này đã giúp xây mộ cho Tướng Lê Văn Hưng đàng hoàng.

    

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Tiểu sử TRẦN VĂN HAI

Chuẩn tướng Trần Văn Hai, Tư Lệnh SĐ7BB, sinh năm 1929 tại Cần Thơ, theo học Khóa 7 Trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt, sau khi tốt nghiệp ông tình nguyện ra chiến đấu ở các chiến trường Bắc Việt. Đến năm 1954, khi đất nước bị chia đôi, đơn vị của ông được đưa về Miền Nam và ông được thăng cấp Đại úy, giữ chức Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 81 Địa Phương ở Phan Thiết.

Năm 1961, sau khi tốt nghiệp Khóa Chỉ Huy Và Tham Mưu Cao Cấp ở Hoa Kỳ về thì được bổ nhiệm làm huấn luyện viên Trường Huấn Luyện Biệt Động Quân Dục Mỹ. Ông là người đề xướng ra các khóa huấn luyện Rừng Núi Sình Lầy và Mưu Sinh Thoát Hiểm. Năm 1963, ông được vinh thăng Thiếu tá, đảm nhận chức Chỉ Huy Trưởng Trung Tâm Huấn Luyện Dục Mỹ ở Nha Trang. Qua năm 1965, ông giữ chức Tiểu Khu Trưởng Phú Yên, sau đó về làm Chỉ Huy Trưởng Biệt Động Quân. Trong trận Mậu Thân 1968, ông chỉ huy các đơn vị Biệt Động Quân dưới quyền phản công Việt Cộng ngay từ giờ phút đầu tại Thị Nghè, Hàng Xanh, Phú Thọ và ở Chợ Lớn. Trong các trận đánh này, Biệt Động Quân đã dùng chiến thuật “đục tường” đánh với VC gây cho chúng nhiều thiệt hại và đẩy lui chúng ra khỏi thành phố.

Tháng 5-1968, ông được bổ nhiệm giữ chức Tổng Giám Đốc Cảnh Sát Quốc Gia. Qua năm 1970 được vinh thăng Chuẩn tướng với chức vụ Tư Lệnh Biệt Khu 44 thuộc Quân Khu IV. Đến năm 1971 ông trở về nắm chức vụ Chỉ Huy Trưởng Biệt Động Quân cho đến năm 1972 được bổ nhiệm làm Tư Lệnh Phó Hành Quân của Quân Khu II, sau đó giữ chức Chỉ Huy Trưởng Trung Tâm Huấn Luyện Lam Sơn Kiêm Chỉ Huy Trưởng Huấn Khu Lam Sơn ở Dục Mỹ. Đến tháng 11-1974, ông được bổ nhiệm làm Tư Lệnh SĐ7BB Kiêm Chỉ Huy Trưởng Căn Cứ Đồng Tâm khi Thiếu tướng Nguyễn Khoa Nam về đảm nhận chức Tư Lệnh Quân Đoàn IV.

Chuẩn tướng Trần Văn Hai cũng là một vị tướng rất thanh liêm, không tham, sân, si chỉ hết lòng phụng sự tổ quốc. Khi rời chức vụ Tiểu Khu Trưởng Phú Yên để đáo nhậm nhiệm sở mới, hành trang của ông chỉ vỏn vẹn trong một cái túi vải nhỏ và ông đã nói lời từ biệt với thuộc cấp như sau: “Tôi cám ơn các anh chị đã tận tình làm việc với tôi trong thời gian qua, có thể người ta cho rằng mình là những đứa dại, chỉ biết làm việc mà không biết đục khoét. Nhưng tôi tin là mình đã làm đúng...”. Còn khi về làm Tổng Giám Đốc Cảnh Sát Quốc Gia, người ta không thấy ông dùng xe dân sự lộng lẫy mang số ẩn tế mà ông chỉ dùng chiếc xe Jeep nhà binh cũ kỹ ông mang theo khi còn làm Chỉ Huy Trưởng Biệt Động Quân. Ngoài liêm khiết, Tướng Hai còn là con người thẳng thắn, bộc trực, không luồn cúi. Có thể nói ông thuộc mẫu người “Phú quí bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất”.

Tướng Trần Văn Hai đã dùng độc dược tuẫn tiết vào khoảng 6 giờ 00 chiều ngày 30-4-1975 tại văn phòng Tư Lệnh SĐ7BB trong Căn Cứ Đồng Tâm. Trước khi tuẫn tiết, Tướng Hai có trao cho vị sĩ quan tùy viên một gói đồ trong đó gồm bảy mươi ngàn đồng tiền Việt Nam được gói trong một tờ giấy báo cũ nhờ trao lại cho mẹ ông, nói rằng quà của ông tặng cho mẹ và nói với bà đừng lo lắng gì cho ông cả!

Những tướng tá bỏ chạy ra hải ngoại chưa chắc đã là hèn nhưng 5 vị tướng can trường quyết tâm ở lại với các chiến hữu cho đến giờ phút lịch sử sang trang và chọn sự tuẫn tiết để biểu lộ cung cách mã thượng của những người trượng phu quân tử chắc chắn là những đấng anh hùng. Cái chết cao cả, đáng kính của họ là niềm hãnh diện cho QLVNCH nói riêng, cho nhân dân Miền Nam nói chung. Những sự tuẫn tiết anh dũng này đã khiến cho một viên cán bộ cao cấp của CSBV phải thốt nên lời thán phục bằng câu: “Làm tướng như vậy mới xứng đáng làm tướng!”.

Khi còn sinh tiền, các tuẫn tướng đã chiến đấu dũng cảm, gót chân chiến binh của họ đã giẵm lên khắp nẻo đường đất nước từ Lạng Sơn, Cao Bằng, Điện Biên hay Ashau, A Lưới, Dakto, Tân Cảnh, Khe Sanh, Tam Biên, Hạ Lào của cao nguyên Trường Sơn ngút ngàn cho đến Đồng Tháp Mười, Thất Sơn Bảy Núi, U Minh, Lưỡi Câu, Mỏ Vẹt của vùng sình lầy Miền Tây Nam Phần. Đời chiến binh của họ ngày đêm cọ sát với tử thần trong các chiến trường bốc lửa khắp 4 Vùng Chiến Thuật để ngăn chận làn sóng xâm lăng của CSBV hầu chu toàn trách nhiệm bảo quốc, an dân. Nói làm sao cho hết các chiến công hiển hách, những nét kiêu hùng mà ngũ hổ tướng Miền Nam đã góp công tô điểm cho Pho Quân Sử Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa thêm sáng ngời!

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Tiểu sử LÊ NGUYÊN VỸ

Chuẩn tướng Lê Nguyên Vỹ, Tư Lệnh SĐ5BB, sinh năm 1933 tại Sơn Tây, Bắc Việt trong một gia đình Nho học. Ông gia nhập quân đội và theo học Khóa 1951 Trường Sĩ Quan Đập Đá ở Huế, tốt nghiệp với cấp bậc Chuẩn úy, được thuyên chuyển về Tiểu Đoàn 19 do Đại úy Đỗ Cao Trí (Sau này lên Trung tướng và bị tử nạn phi cơ trực thăng trong một cuộc hành quân) làm Tiểu Đoàn Trưởng. Lúc mang cấp bậc Đại úy, ông đuợc cử giữ chức Quận Trưởng Bến Cát thuộc tỉnh Bình Dương rồi lên dần cho đến chức Trung Đoàn Trưởng Trung Đoàn 8 thuộc SĐ5BB do Thiếu tướng Nguyễn Văn Hiếu làm Tư Lệnh Sư Đoàn. Ông đã nối tiếng là một Trung Đoàn Trưởng có khả năng tác chiến cao và đánh giăc rất gan dạ cho nên ông được các binh sĩ tặng cho danh hiệu “Nhất Vỹ, Nhì Gia”, “Nhì Gia” là Trung tá Hà Văn Gia, cũng khét tiếng gan dạ. Đồng bào ở quanh vùng Lái Thiêu, Bến Cát, Lai Khê, Bình Dương, Bình Long, Phước Long đều biết tiếng Tướng Lê Nguyên Vỹ.

Vào mùa hè đỏ lửa năm 1972, khi VC bao vây và tấn công An Lộc, Đại tá Lê Nguyên Vỹ, Tư Lệnh Phó SĐ5BB cùng với Chuẩn tướng Lê Văn Hưng, Tư Lệnh Sư Đoàn đã điều động các đơn vị tử thủ đẩy lui nhiều đợt tấn công vũ bão của địch. Ở vào cao điểm khốc liệt nhất, địch mở những trận mưa pháo cực kỳ khủng khiếp, đồng thời tung chiến xa và quân bộ chiến mở những cuộc tấn công dứt điểm An Lộc, chính Đại tá Vỹ đã nhào ra chiến hào, ôm M72 bắn hạ chiến xa địch. Ông là người đầu tiên lập thành tích bắn hạ chiến xa cộng quân tại mặt trận An Lộc khiến các chiến sĩ ta lên tinh thần bắn hạ thêm nhiều chiếc khác, xác nằm ngổn ngang trên đường phố. Ông đã bị thương vì tai nạn trực thăng trong một cuộc hành quân khi còn là Tư Lệnh Phó SĐ21BB, chân đi khập khiễng, phải chống gậy. Sau khi học xong Khóa Chỉ Huy Và Tham Mưu Cao Cấp ở Hoa Kỳ về, ông được bổ nhiệm giữ chức Tư Lệnh SĐ5BB vào tháng 6-1973. Tướng Vỹ cũng là một vị tướng thanh liêm, rất tích cực trong việc bài trừ tham nhũng. Ông đánh giặc gan dạ, chỉ huy tài giỏi, làm việc không kể giờ giấc, thanh liêm, hết lòng phụng sự tổ quốc nhưng có tật nóng tính. Tính ông nóng như Trương Phi trong truyện Tàu.

Khi lệnh đầu hàng được ban ra, Tướng Vỹ đã triệu tập một phiên họp tại Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn, trong phiên họp ông đã nói: “Lệnh bắt chúng ta buông súng để bàn giao cho địch, nói thẳng ra là lệnh bắt chúng ta đầu hàng. Vì tôi là một vị tướng chỉ huy mặt trận tôi không thể thi hành lệnh này. Tôi nghĩ thân làm tướng là phần nào đã hưởng danh dự và ân huệ của quốc gia hơn các anh em nên tôi phải chọn lấy con đường đi riêng cho tôi...”. Sau phiên họp, ông cho thuộc cấp trở về nhà, còn riêng ông, ông ra trước kỳ đài Bộ Tư Lệnh, nghiêm trang chào lá quốc kỳ màu vàng ba sọc đỏ lần cuối rồi dùng khẩu súng lục tự bắn từ dưới cằm, viên đạn trổ lên đỉnh đầu. Ông đã tuẫn tiết bằng chính khẩu súng chỉ huy của mình. Con đường mà Tướng Vỹ chọn ngày hôm nay đã có Hoàng Diệu, Nguyễn Tri Phương, Phan Thanh Giản và nhiều vị anh hùng khác đã lựa chọn ngày trước.

Một số sĩ quan và binh sĩ trong Bộ Tư Lệnh SĐ5BB đã lo chôn cất ông vào ngày 30-4-1975. Nhìn chiếc quan tài đơn sơ của dũng tướng Lê Nguyên Vỹ nằm sâu trong lòng đất lạnh mọi người đều ngậm ngùi, nuối tiếc! Nhưng hề gì, đã có hồn thiêng sông núi ấp ủ ông trong lòng Đất Mẹ.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Tiểu sử HỒ NGỌC CẨN

Hồ Ngọc Cẩn sinh ngày 24 tháng 3 năm 1938. Xuất thân thiếu sinh quân Gia Định rồi nhập ngũ và lên cấp trung sĩ huấn luyện viên vũ khí tại trường bộ binh. Sau khi lập gia đình có 1 con thì anh trung sĩ tìm cách tiến thân xin vào học lớp sĩ quan đặc biệt tại Đồng Đế. Từ anh sinh viên sĩ quan Đồng Đế 1960 cho đến 15 năm sau Hồ Ngọc Cẩn trở thành Đại tá tỉnh trưởng kiêm tiểu khu trưởng Chương Thiện, hầu hết cấp bậc đều lên tại mặt trận. Ông đã từng mang mầu áo của Biệt động quân và các sư đoàn bộ binh. Huy chương và chiến công nhiều vô kể. Suốt một đời chinh chiến từ Trung đội trưởng lên đến Trung đoàn trưởng, Hồ ngọc Cẩn tung hoành khắp Hậu giang và Tiền giang. Năm 1972 ông Thiệu cho lệnh toàn thể Sư đoàn 21 từ miền Tây lên tiếp tay cho Quân đoàn 3 giải tỏa An Lộc. Lại cho lệnh tăng cường thêm 1 Trung đoàn của Sư đoàn 9. Tư lệnh quân khu, ông Trưởng nói với ông Lạc Sư đoàn 9 đưa 1 Trung đoàn nào coi cho được. Trung tá Hồ ngọc Cẩn dẫn Trung đoàn 15 lên đường. Trung đoàn ông Cẩn phối hợp cùng Nhảy dù đánh dọc đường 13 tiến vào An Lộc. Anh Đại úy đại đội trưởng của Trung đoàn suốt mấy tuần dằng co với địch trước phòng tuyến của tướng Hưng tư lệnh An Lộc, nhưng chưa vào được. Lính hai bên chết đều chôn tại chỗ. Thiết vận xa M113 của ta còn phải lui lại phía sau. Chỉ có bộ binh của Trung đoàn 15 nằm chịu trận ở tiền tuyến. Anh sĩ quan kể lại, chợt thấy có một M113 của ta gầm gừ đi tới. A, tay này ngon. Chợt thấy một ông xếp từ thiết vận xa bước ra, phóng tới phòng tuyến của đại đội. Nhìn ra ông Trung đoàn trưởng Hồ Ngọc Cẩn. Ông quan sát trận địa rồi hô quân tiến vào. Cùng với tiền đạo của Nhảy dù, Trung đoàn 15 bắt tay với lính phòng thủ An Lộc.

Sau khi Bình Long trở thành Bình Long Anh Dũng, ông Thiệu hứa cho mỗi người lên 1 cấp. Trung tá Hồ Ngọc Cẩn ngoài 30 tuổi đeo lon Đại tá trở về trong vinh quang tại bản doanh Sa Đéc. Rồi ông được đưa về làm tiểu khu trưởng Chương Thiện. Vùng đất này là sinh quán của ông ngày xưa. Cho đến 30 tháng 4-1975 Sài Gòn đã đầu hàng, nhưng Chương Thiện chưa nhận được lệnh Cần Thơ nên Chương Thiện chưa chịu hàng. Chiều 29 sang 30 tháng 4, Tiểu khu trưởng vẫn còn bay trực thăng chỉ huy. Khi radio Sài Gòn tiếp vận về tin buông súng, các đơn vị bên ta rã ngũ. Lính tráng từ tiểu khu và dinh tỉnh trưởng tan hàng, Đại tá Tiểu khu trưởng Hồ Ngọc Cẩn bị lính cộng sản vây quanh khi còn ngồi trên xe Jeep với vũ khí, quân phục cấp bậc đầy đủ. Câu chuyện về giờ phút cuối cùng của người chồng, đã được người vợ kể lại cho chúng tôi. Thực là một kỷ niệm hết sức bi thảm.
Bấm vào đây để đọc toàn bài viết này. Vài mẩu chuyện về cố Đại tá Hồ Ngọc Cẩn.
   

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Tiểu sử NGUYỄN VĂN LONG

... Bà Tâm, người con gái thứ ba bắt đầu kể về những ngày cuối cùng. Lúc đó vào cuối tháng 3-75 ở Đà Nẵng. Ba vẫn làm việc trong trại, không về nhà. Hai cậu em không quân, một ở Đà Nẵng, một ở Biên Hòa. Một cậu đưa cả nhà vào sân bay Đà Nẵng chờ di tản. Nhưng rồi cũng không đi được. Vào ngày cuối người cha về nhà không thấy gia đình. Ông nghĩ rằng vợ con có thể đã đi thoát trong phi trường. Ông xuống bãi và ra đi bằng tàu. Vào đến Sài Gòn đã có cô con gái lớn đón cha về ở tạm. Lúc đó mới biết vợ con còn kẹt ở Đà Nẵng. Ông Long lại vào trình diện tổng nha cảnh sát để làm việc. Trưa 30 tháng 4-75 khi radio phát thanh lời tổng thống đầu hàng thì 1 phát súng đơn độc nổ trong thái dương, Trung tá Long ngã xuống. Ông buông cây súng nhỏ theo lệnh tổng thống. Cây súng tùy thân Trung tá vẫn mang theo từ Huế, Đà Nẵng vào đến Sài Gòn.

Một lần nữa, xin ghi lại. Có thể đây chính là người đầu tiên thi hành lệnh đầu hàng của vị tổng thống sau cùng. Lẫm liệt và công khai.

Hình ảnh trên youtube do người vô danh đưa lên có cảnh những người dân khiêng xác vị anh hùng lên xe. Đó là hình ảnh cuối cùng. Không một tin tức nào loan báo trên báo chí cộng sản trong nước. Dân Việt từ Huế vào Sài Gòn không ai biết tin. Nhưng cả thế giới đều biết qua hình ảnh.
  Đọc toàn bộ bài viết về Tử sĩ QLVNCH Nguyễn Văn Long
    

 

 

 

 

 

PHẦN 2

 

 

Bấm vào đây để in ra giấy (Print)

Dân Sinh News - Xin đính kèm sau đây các bài tường thuật của các các báo và bản tin Việt Mỹ về buổi lễ khánh thành bức tường tưởng niệm 7 Vị Anh Hùng tại Việt Museum tại San Jose. Đính kèm cũng có nhiều hình ảnh, đặc biệt là hình chụp của các thân nhân và bằng hữu.

Trước hết xin ghi lại các nét chính.

1) 300 ghế, nhưng không đủ chỗ cho mọi người.

2) Mưa cả tuần, mưa thứ sáu nhưng thứ bảy, ngày tổ chức 5 tháng 4-2014 trời nắng.

3) Thả bóng với danh tính 7 Vị Anh Hùng kèm lời cầu nguyện siêu thoát. Hai vị còn lưu luyến trên ngọn cây, ngày sau mới bay đi.

4) Tất cả 5 vị tranh cử thị trưởng San Jose đều tham dự và cùng lên ngỏ lời ca ngợi công trình hoàn tất. Hai vị tranh cử nghị viên là luật sư Nguyễn Tâm và cô Cẩm Vân cùng có mặt.

5) Bà dân biểu Joe Lofgren từ DC mới bay về tham dự rồi sẽ trở lại DC vào thứ hai.

6) Bà Lisa, giám đốc San Jose History Park đứng khóc trên máy vi âm.

7) Trong số 7 Vị Anh Hùng chỉ còn bà Hồ Ngọc Cẩn và con cháu nhận lá đại kỳ lịch sử của VNCH sau phần lễ nghi khai mạc.

8) Toàn gia các con cháu ông Nguyễn văn Long thả bóng số Một.

9) Trần Việt từ Texas, con trai của Tướng Trần Văn Hai thả bóng số Hai.

10) Cô Kiều Trang, quả phụ Thiếu tá và Trung úy Bảo Ngọc, Sư đoàn 5 bộ binh thả bóng số 3 thay mặt các con Tướng Lê Nguyên Vỹ (Quang, Minh Chính, Đại) không về kịp.

11) Anh em Tướng Lê văn Hưng, trong đó có ông Lê văn Phụng ở San Jose thả bóng số 4.

12) Đại gia tộc Nguyễn Khoa [dòng họ Tướng Nguyễn Khoa Nam] thả bóng số 5.

13) Con trai Tướng Phạm văn Phú thả [bóng] số 6. Một bà chị Tướng Phú, quê miền Bắc, từ 1954 chưa từng gặp em, đã từ VN qua dự buổi tưởng niệm.

14) Vợ và cháu Đại tá Hồ ngọc Cẩn thả bóng số 7 sau cùng.

15) Xe buýt dài và lớn chở ban nhạc của lục quân Hoa kỳ từ Bắc San Francisco xuống diễn hành vòng qua tượng đài trước khi vào vị trí. Đoàn nhạc đảm trách rước cờ và phần nghi lễ xuất sắc.

16) Anh Thế Vũ phụ tá giám sát Cotese của quận hạt đích thân làm công việc tạp dịch xuất sắc.

17) Các bài tường thuật sau đây của Mạc Phương Đình, Bằng Tường và San Jose Mercury News. Hình ảnh của các bạn Trúc Viên.

 

oOo

 

Bản tin Mạc Phương Đình - Hồi 11 giờ trưa nay, 4/05/2014 tại công viên History of San Jose Park, thành phố San Jose, bắc California, Biệt Đoàn Văn Nghệ Lam Sơn đã tổ chức buổi lễ Khánh thành Bức tường Tưởng niệm Quân Dân Cán Chính Việt Nam Cộng Hòa thật trang nghiêm với sự hiện diện tham dự của nhiều viên chức chính quyền địa phương trong đó có Bà Madison, Phó Thị Trường thành phố San José, một số các Giám Sát Viên Quận Hạt Santa Clara và ủy viên trong Hội Đồng Thành Phố, cùng với gần ba trăm quan khách, đồng bào tại địa phương, đặc biệt có sự tham dự của một số thân nhân của Bảy Vị Anh Hùng đã tuẫn tiết, từ các nơi xa về tham dự, trong đó có Bà quả phụ của Cố Đại Tá Hồ Ngọc Cẩn.

Sau đây là một số hình ảnh chúng tôi ghi nhận được, xin được chia xẻ đến Quý Vị, để vinh danh thành quả đặc biệt mà Biệt Đoàn Văn Nghệ Lam Sơn với sự Chỉ huy và điều hành của chị Hoàng Mộng Thu, cùng với sự góp công sức của một số những Vị có lòng cùng các Mạnh Thường Quân, đã đạt được dẫu phải vượt thắng nhiều khó khăn trở ngại.

Bản tin Bằng Tường - Ngày thứ bảy 5 tháng 4 năm 2014 đã diễn ra buổi sinh hoạt cộng đồng gây chú ý và được nhiều người theo dõi tham dự.

Khoảng gần 300 quan khách tham dự lễ khánh thành bức tường tưởng niệm 7 Vị Anh Hùng QLVNCH tuẫn tiết [ngày] 30/4/1975 và Tổ quốc ghi ơn Quân Dân Cán Chính VNCH đã hy sinh cho đất nước vào lúc 10 giờ sáng trong khuôn viên Viện Bảo Tàng thuyền nhân (Viet Museum), 1650 Senter Rd. trong không khí trang nghiêm và cảm động với sự hiện diện của tất cả gia đình và thân quyến của các vị Tướng Tá đã hy sinh. Có nhiều người đã lau dòng nước mắt khi thấy sự xuất hiện của bà quả phụ cố Đại Tá Hồ Ngọc Cẩn.

Về phía chính quyền và các vị dân cử gồm có: Bà Dân biểu Zoe Lofgren, Giám sát viên Dave Cortese, Phó Thị trưởng Madison Nguyễn, giám sát viên Cindy Chavez, nghị viên Sam Licardo, nghị viên Xavier Campos...

Một hình ảnh đáng chú ý là ba vị ứng cử viên tranh chức vụ Thị Trưởng San Jose: Dave Cortese, Madison Nguyễn, Sam Licardo đã tạm quên đi một buổi sáng thứ bảy bận rộn đi vận động bầu cử, đã cùng đứng chung với nhau dưới bức tượng tưởng niệm để vinh danh và ghi ơn Quân Cán chính VNCH đã hy sinh cho Tổ quốc. Đặc biệt, trong phần phát biểu, giám sát viên Dave Cortese đã nói "ông Vũ Văn Lộc, giám đốc Viện Bảo Tàng Thuyền nhân là một anh hùng (hero) vì đã có công trong việc xây dựng viện bảo tàng thuyền nhân VNCH và đã góp công với Biệt Đoàn Văn nghệ Lam Sơn trong việc xây dựng bức tường tưởng niệm này. Hai MC trong buổi lễ này là nữ ca sĩ Hà Cẩm Tú và ông Đỗ Quang Hưng. Buổi lễ chấm dứt vào lúc 2 giờ chiều cùng ngày.

 

San Jose Mercury News.

 

San Jose: Seven South Vietnamese heroes honored
By Bruce Newman
bnewman@mercurynews.com San Jose Mercury News
Posted: MercuryNews

SAN JOSE -- Just before the unveiling of a new memorial wall honoring seven heroes of the South Vietnamese military Saturday at History Park, an army in exile of middle-aged Vietnamese men and women -- some dressed in battle fatigues, many wearing red berets and gold shoulder braids -- rose to their feet as the national anthem of the Republic of Vietnam was played. Some saluted their homeland's yellow and crimson flag; others wept and held hands over their hearts. The country whose heroes nearly 200 people came here to honor is a nation of ghosts -- the Republic of Vietnam fell to communist North Vietnam on April 30, 1975, and thereby ceased to officially exist -- but one with an anthem, a flag and a heartsick army of former refugees, many of whom form 10 percent of San Jose's population. Seven of those ghosts were conjured up for the memorial wall, representing millions more South Vietnamese citizens who perished during and after the Vietnam War. Surviving family members were given yellow balloons and pennants as each of the heroes' stories were told, then released the balloons -- meant to symbolize setting their souls free. Six balloons soared high into the sky, but one got stuck in the branches of a tall tree just downwind of the Viet Museum. The wall was the work of the Lam Son Artistic and Cultural Special Group, which raised the funds for its construction, then got the city's approval to have it consecrated on public land. "The reason these seven are memorialized is because we know their stories," said Salle Hayden, manager of education at San Jose's Immigrant Resettlement and Cultural Center. And their stories are remarkable in a number of ways, not least of all because six of the seven honorees committed suicide rather than be captured. "They did that rather than be taken and used as symbols by the communists," Hayden said. Gen. Tran Van Hai, whose son Viet Tran had come from Houston to attend the ceremony, could have escaped capture as the North Vietnamese army closed in on Saigon 39 years ago. He had a helicopter," his son said, "but he decided not to go. I know my father. He didn't want to run away. A lot of the other commanders abandoned their soldiers." Instead, his father poisoned himself in his office. "There's a lot of emotion today," Tran said. "People who lived in the south believe in democracy. When that collapsed, we felt we lost our country." Their belief in democracy has made Vietnamese-Americans a powerful voting bloc, and the event attracted an array of mayoral hopefuls -- Santa Clara County Supervisor Dave Cortese, Vice Mayor Madison Nguyen and Councilman Sam Liccardo. Rep. Zoe Lofgren, D-San Jose, county Supervisor Cindy Chavez and Councilmen Ash Kalra and Xavier Campos also attended the ceremony. Some of the suicides strained the cultural divide between what many Vietnamese consider an honorable death -- and the view of their American counterparts. Major Dang Si Vinh was honored with a spot on the wall, despite shooting his wife and seven children in the head before taking his own life. By any cultural reckoning, there was little doubt about the heroism of Col. Ho Ngoc Can, who was captured, then taken to a stadium to be executed by the North Vietnamese after the war ended. "They wanted the people to see that he was dead," said Craig Mandeville, an American adviser to the South Vietnamese army who fought side by side with Can. "He was believed to be some sort of invincible guy. The North Vietnamese thought that, too, and I even thought that when I fought with him." Can was the only one on the memorial wall who died long after April 30. "After the communists took over, he was still fighting," said Ho Nguyen, his son, who remained in hiding with his mother for four years before fleeing for the United States."He said, 'OK, the country's fallen, but by God we're still South Vietnamese and we're free,' " Mandeville recalled. "So he went down to Chuong Tien province and rounded up all these soldiers down there to form a Free Vietnam."

From: Hien Vu <vuconghien@yahoo.com>
Date: 2014-04-06 11:22 GMT-07:00
Subject: Fw: Tr:: Khánh thành bia tưởng niêm các vị anh hùng VNCH tại San Jose
To: Loc Vu
<giaochi12@gmail.com>

On Sunday, April 6, 2014 10:13 AM, Huu Dinh Nguyen <nguyenhuudinh75@yahoo.ca> wrote:

Khánh thành ngày 05 tháng 04 năm 2014 tại Viện Bảo Tàng của người Việt tại San Jose, Bia Tưởng Niệm các vị anh hùng của VNCH đã tuẫn tiết vào những ngày cuối của cuộc chiến tranh Việt Nam đã được tổ chức trọng thể trong một ngày nắng ấm, đầy trang nghiêm và xúc động.

Được biết những ngày sau cùng khi Sài Gòn rơi vào tay của Cộng Sản, một số các vị anh hùng đã tự kết liễu mạng sống hoặc đã cương quyết chiến đấu tới cùng để rồi bị hành quyết một cách man rợ.

Chúng ta thường nghe đến "Ngũ Hổ Tướng" là các vị Tướng lãnh như Nguyễn Khoa Nam, Nguyễn văn Hưng, Phạm Văn Phú, Lê nguyên Vỹ, và Trần Văn Hai. Ngày hôm nay, Bia Tưởng Niệm do sự vận động của Biệt Đoàn Văn Nghệ Lam Sơn phối hợp cùng Viện Bảo Tàng thuyền nhân VN tại San Jose thêm vào hai vị anh hùng nữa là Cố Đại Tá Hồ ngọc Cẩn và Cố Trung Tá Cảnh Sát Nguyễn Văn Long, và đồng thời để tưởng niệm Quân, Dân, Cán Chính của Việt Nam Cộng Hòa đã bõ mình trong chiến cuộc Việt Nam

Buổi lễ được sự tham dự đông đảo của các hội đoàn, viên chức dân cử lập pháp của chính phủ là bà dân biểu Zoe Lofgren và nhiều vị trong hội đồng thành phố như Dase Cortese, Phó Thị Trường Madison Nguyen, Sam Ricador, nhiều viên chức khác của thành phố đều có mặt.

Quan khách tham dự trong ngày khánh thành đã vượt qua sự mong đợi của BTC buổi lễ. Chị Hoàng Mộng Thu, người "kiến trúc" của dự án bia tưởng niệm hơn một năm trước đây đã không nén khỏi sự vui mừng và xúc động do sự thành công của buổi lễ.

Buổi lễ kết thúc vào lúc 2 giờ chiều cùng ngày.

Xin kính chuyển một số hình ảnh của buổi lễ khánh thành Bia Tưởng Niệm các vị anh hùng QLVNCH tại San Jose.

 

Nhiều hình đặc biệt trong Museum

Xin xem thêm hình ảnh theo link bên dưới
Khánh thành Bia Tưởng Niệm 7 Vị Anh Hùng VNCH


Ctsq H.N.Hiệp K.25

https://onedrive.live.com/?cid=a6f8976123362aa4&id=A6F8976123362AA4%217235&ithint=folder,.jpg&authkey=!AKeF9_650HYFxCM
        

Bấm vào đây để in ra giấy (Print)

 

 

 

 

PHỤ LỤC - HÌNH ẢNH

 

 

 

 

 

 

 

Bia tưởng niệm trước giờ khai mạc

 

 

 

 

Mặt trước của Bia Tưởng Niệm

 

 

 

 

Mặt sau của Bia Tưởng Niệm

 

 

 

 

 

Các em võ sinh đang nâng đại kỳ VNCH trong nghi thức chào cờ.

 

 

 

 

 

 

 

 

Viện Bảo Tàng Việt Nam tại San Jose

 

 

 

 

Các Viên chức lập pháp và hội đồng thành phố trước phút khai mạc Bia Tưởng Niệm.

 

 

 

 

 

 

 

 

Bà Quả Phụ Cố Đại Tá Hồ Ngọc Cẩn trong nghi thức thả bóng lên bầu trời xanh thẳm, tượng trưng lời cầu nguyện cho các vị anh hùng được yên nghỉ bình an.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Quan khách tham dự buổi lễ khánh thành Bia Tưởng Niệm

 

 

 

 

Các em võ sinh đang gấp lá đại kỳ VNCH

 

 

 

 

 

 

 

 

Chị Hoàng Mộng Thu đang trao lá đại kỳ VNCH
cho bà quả phụ Hồ Ngọc Cẩn.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Và quan khách tham dự đặt hoa để tưởng niệm
các anh linh của các vị anh hùng QLVNCH.

 

 

 

PHIM PHÓNG SỰ

 

HẾT

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Nguồn: Internet E-mail by TS Tạ Cự Hải, Đương kim chủ tịch LHCCS/HTĐ & PC chuyển

Đăng ngày Thứ Bảy, April 12, 2014
Ban Kỹ Thuật Khóa 10A-72/SQTB/ĐĐ, ĐĐ11/TĐ1ND, QLVNCH

No comments:

Post a Comment