Saturday, July 28, 2018

Trảng Bom bão lửa - Kỵ binh Vũ Đình Lưu TRẢNG BOM BÃO LỬA Trảng Bom-Hố Nai ngày 29-4-1975 Bút-ký chiến-trường của Kỵ Binh Vũ Đình Lưu Chi Đoàn Trưởng Chi Đoàn 2/5 Thiết Kỵ

Chiến Đoàn 52 Đặc Nhiệm (Sư Đoàn 18 BB) sau những ngày quần thảo ác liệt với Đại binh CSBV tại Quốc Lộ 20, khu vực Dầu Giây, ấp Nguyễn Thái Học bị tổn thất nặng nề. Chiều tối ngày 15-4-75 toàn bộ lực lượng mở đường máu về ấp Bàu Hàm. (Xem bài “Quốc Lộ 20, hành lang của Tử Thần” cùng tác giả.)

 photo

A South Vietnamese father carries his son and a bag of household possessions as he leaves his village near Trang Bom on Route 1 northwest of Saigon April 23, 1975. The area was becoming politically and militarily unstable as communist forces advanced, just days before the fall of Saigon. (AP Photo)

Với 12 ngày đêm vừa qua, mặc dù chỉ là một khoảng thời gian ngắn ngủi. Nhưng người lính Cộng Hòa đã gánh chịu bao đau thương chồng chất. Lính khổ, gia đình lính chịu nhiều thiệt thòi, lính lấy hai chữ số phận, vì đất nước chưa đến hồi thanh bình để tự an ủi chính mình, nên lính mỉm cười. Nhưng, dân khổ lính không cầm được nước mắt.Vì thế cuộc đã được sắp đặt từ trước của các siêu cường quốc, nên người lính không cản ngăn được sức tấn công điên cuồng của CSBV để cưởng chiếm miền Nam VN.

Nước mắt của người lính tuông rơi, khi chứng kiến hàng đoàn người vội vàng, tức tưởi gánh gồng thoát vùng lửa đạn Chiến tranh sắp đến trên Quốc Lộ 20. Những cụ già, những em bé hai chân run rẩy, bỏng rát trên mặt đường nhựa bốc khói của nắng tháng 4. Chỉ trên vài ba chục cây số trên Lộ 20, chỉ có một khoảng thời gian ngắn ngủi đã là như thế, huống chi trên khắp quê hương miền Nam trong suốt chiều dài cuộc chiến! Người lính chiến trẻ chúng tôi chấp nhận quá khứ, xếp bút nghiêng để khoác vào người chiếc áo trận.Với hiện tại dù hiểm nguy không sờn lòng và cả tương lai đang mịt mù trước mắt.

Sáng ngày 16-4-75 Trung Đoàn 52 BB còn lại về Long Bình. Chi Đoàn 2/5 Thiết Kỵ (CĐ 2/5 TK) di chuyển ra Trảng Bom tăng phái cho Lữ Đoàn 3 Xung Kích (LĐ 3 XK). Chi Đoàn được Tướng Khôi cho làm lực lượng Trừ bị và tu bổ xe cộ, bổ sung quân số, tiếp tế nhiên liệu, thực phẩm; chờ lệnh mới.

Ngày 18-4-75 CĐ 2/5 TK di chuyển đến Tam Hiệp-Biên Hòa tăng phái cho Tiểu Đoàn 7 Nhảy Dù (TĐ 7 ND) , đóng quân tại hậu cứ Tiểu Đoàn. Liên quân này làm lực lượng phản ứng nhanh cho Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn 3, có nhiệm vụ chính là tiếp ứng cho các đơn vị bảo vệ thành phố Biên Hòa khi bị CSBV tấn công. Thiếu Tá Nguyễn Lô và tôi còn nhận nhiều lệnh tối mật trực tiếp từ Tư Lệnh Quân Đoàn là Tướng Toàn .

Đây là lần thứ 4 Chi Đoàn tôi tăng phái cho TĐ 7 ND. Lại gặp một người hùng: Thiếu Tá Nguyễn Lô, một Tiểu Đoàn Trưởng mũ đỏ nổi tiếng. Đơn vị tôi đã từng yểm trợ cho Tiểu Đoàn ông ở mặt trận Hố Bò, Bời Lời, Củ Chi, Bến Cỏ. Trước sức tấn công như vũ bão của lính Dù dưới hỏa lực kinh hồn của Thiết Giáp, liên quân lúc nào cũng làm chủ chiến trường. Một người với vóc dáng nhỏ bé, nhanh nhẹn, uống rượu như hủ chìm, nhưng chưa bao giờ say .Người đã vượt trại giam, đón xe đò ra đi tìm tự do khi trên người vẫn hiên ngang khoác chiếc áo trận rằn ri (nay thành áo tù)

Một trong những mật lệnh đó là bất cứ giá nào, phải bảo vệ cho bằng được những nhân vật quan trọng, cao cấp trong Đặc khu Long Biên và Quân Đoàn 3, đặc biệt là các viên chức Dân, Quân sự Ngoại Quốc. Nhưng tình huống xấu đã không xảy ra.

Đến ngày 20-4-75, TĐ 7 ND và CĐ 2/5 TK di chuyển xuống quận Đức Thạnh (Th/tá Giao làm Quận Trưởng) Tỉnh Phước Tuy. Tối ngày 20-4 liên quân Nhảy Dù-Thiết Giáp này hành quân lên hướng Xà Bang để yểm trợ cho SĐ 18 BB,Tiểu Khu Long Khánh, LĐ 1 Nhảy Dù,Thiết Đoàn 5 Kỵ Binh (Th/Đ 5 KB-Tr/tá Trần Văn Nô Thiết Đoàn Trưởng, Th/tá Nguyễn Đức Đào Thiết Đoàn Phó) gồm có Chi Đoàn1/5 Chiến Xa (CĐ 1/5 CX-Đại úy Lê Đức Việt Chi Đoàn Trưởng) Chi Đoàn 3/5 Thiết Kỵ (CĐ 3/5 TK-Đại úy Lê Sơn Chi Đoàn Trưởng), BĐQ… từ Xuân Lộc rút về Bình Giả.

Sáng ngày 22- 4-75 Th/Đ 5 KB gồm CĐ 1/5 CX và CĐ 2/5 TK di chuyển về Biên Hòa Hố Nai ( trừ CĐ 3/5 TK tăng phái cho TĐ 7 ND vẫn còn có nhiệm vụ hành quân khu vực Bình Ba-Xà Bang yểm trợ cho các cánh quân chưa về đến Bình Giả ,như vài cánh quân của LĐ 1 ND có nhiệm vụ rút ra sau cùng)

Th/Đ 5 KB về đến Hố Nai, phối hợp với TQLC phòng thủ khu vực Bắc sân bắn Hố Nai. Lợi dụng thời gian tương đối yên tỉnh này toàn bộ Thiết Đoàn củng cố lại đơn vị sau 12 ngày đêm quần thảo đẫm máu với CSBV tại Xuân Lộc. (Tôi có gặp Tr/tá Nguyễn Đằng Tống-Lữ Đoàn Trưởng Lữ Đoàn 468 TQLC (LĐ 468 TQLC) khi thị sát vòng đai phòng thủ. Ông là một trong những Đại Đội Trưởng,Tiểu Đoàn Trưởng nổi tiếng của Binh Chủng TQLC. Những kỹ niệm thân yêu lại hiện về. “Ngũ quái” TQLC (Chữ của bà chị dâu tôi cũng là chị ruột của Tr/tá Tống) gồm: Tống (Quái Điểu),Tùng (Thần Ưng) Phúc (Trâu Điên), Hoàng, Toàn (Tất cả đều là K 16 VBQG.). Các anh khi về phép thường xuyên lưu lại nhà anh tôi tại Sàigòn và…thiệt tình!… đúng nghĩa với 2 chữ “Ngũ quái”. Anh ta có nói: “ Gặp được mày kỳ này, tao vui lắm, TQLC và Thiết Giáp nhất định phải làm cho Tùng, cho Phúc ở bên kia thế giới hài lòng. Khi nào về phép Sàigòn nhớ cho tao biết để anh em mình cùng đi phòng trà”.

Trưa ngày 28-4-75 CĐ 2/5 TK di chuyển lên Trảng Bom, đóng quân gần sân bay nhỏ (của Đồn điền cao su) phía Bắc QL1. Tôi đứng trên xe nhìn về hướng Long Thành nhiều cột khói đen bốc lên cao; được biết các Thiết Đoàn của LĐ 3 XK đang giao tranh với Chiến xa CSBV khu vực Trường Thiết Giáp Long Thành.

Trảng Bom, nằm trên QL1 kế tiếp Hố Nai về hướng đi Long Khánh. Một Thị trấn nhỏ bé, hiền hòa và thơ mộng, bao bọc bởi những rừng cao su xanh mướt. Trảng Bom vốn đã buồn nay lại càng đìu hiu, dân cư đã di tản gần hết ,mấy ngày nay chỉ còn lại là lính. Đồng bào thôn quê miền Nam mình khổ, bất hạnh đến mức đó sao! Dọc đường 20 từ Định Quán đến Ngã Ba Dầu Giây, rồi đến Trảng Bom, Hố Nai nhà nhà kín cửa then cài, người người tất bật tìm về nơi an toàn hơn. Một dấu hiệu báo trước, một cuộc giao tranh sẽ tiếp theo sau.

Đến 8 giờ tối tôi xin Hỏa Long (danh hiệu truyền tin cùa Tr/tá Nô) di chuyển Chi Đoàn qua phía Nam Quốc Lộ1, cách vị trí cũ chừng 300 mét, phòng thủ chung với Bộ Chỉ Huy Thiết Đoàn và CĐ 1/5 CX từ Hố Nai vừa mới di chuyển lên. Như vậy lực lượng tại đây là Th/Đ 5 KB (trừ CĐ 3/5 tăng phái cho Tiểu Đoàn 3/48-Th/tá Phúc) và một Đại Đội Bộ Binh tùng thiết. Tuyến đầu lúc này là Hưng Nghĩa, Hưng Lộc trấn thủ bởi 2 Trung Đoàn 43 và 48 thuộc SĐ18 BB thay thế cho LĐ 3 XK đã có nhiệm vụ mới ở khu vực trường Thiết Giáp Long Thành, Quốc Lộ 15.

Một giờ sáng ngày 29-4-75 trận chiến bắt đầu.Vị trí đóng quân của CĐ 2/5 TK lúc ban ngày, bị hỏa tập bằng đại pháo 130 ly và hỏa tiển 122 ly. Hàng trăm trái đạn trút xuống một vị trí nhỏ bé, bọn chúng tưởng rằng đủ để Thiết Giáp và Bộ Binh tại đây tan nát. Chúng có ngờ đâu đơn vị tôi đã di chuyển và đóng quân cách đó 300 mét. Hướng Hưng Nghĩa lực lượng CSBC cấp Sư Đoàn tấn công dữ dội vào các đơn vị của 2 Trung Đoàn 43, 48 và CĐ 3/5 TK. Đủ loại âm thanh vọng về, hàng trăm ánh Hỏa châu soi sáng, lửa khói mù mịt khu vực Bàu Cá, Hưng Nghĩa. Tất cả mọi người tại đây đều căng mắt nhìn màn đêm, sẳn sàng cho cuộc giao tranh chắc chắn sẽ đến.

Hỏa Long cứ năm ba phút gọi tôi và Đại úy Việt một lần, trong lòng ông lo âu vì biết trận chiến tàn khốc sắp sửa đến với Thiết Đoàn 5 Ky Binh. Sau hai tiếng đồng hồ căng thẳng từng giây từng phút. Hỏa Long cho tôi và Việt biết CĐ 3/5 hạ được 2 Chiến xa tại Hưng Lộc nhưng phải đổi lấy 2 M 41. Mặt trận tuyến đầu này do Tiểu Đoàn 3/48 BB và CĐ 3/5 TK chống trả quyết liệt trước sức tấn công điên cuồng của CSBV với quân số bộ chiến gấp cả chục lần.Và Chiến xa gấp bội so với số Chiến xa của ta. Nhưng nhờ hai đơn vị thiện chiến đã ngăn cản được phần nào sức tiến công nhanh chóng của bọn chúng về hướng Biên Hòa. Trong lúc đó có nhiều đơn vị bạn đã được lệnh và đang rút về hướng vị trí phòng thủ của Thiết Đoàn. Ông ta lập đi lập lại nhiều lần, thật cẩn thận coi chừng lẫn lộn bạn và địch. Chúng tôi vô cùng phấn khởi trước chiến thắng của hai đơn vị trên.

Tính của Tr/tá Nô hay lo lắng, mọi việc ông đều tiên liệu từ trước. Sống và làm việc gần ông, Đ/ tá Trần VănThoàn, Tr/tá Thái Minh Sơn nhiều năm (khi tôi ở Ban 3 HQ) lúc nào các ông cũng rất cẩn thận, xử lý khéo léo mọi vấn đề. Từ khi làm việc ở Ban Tham Mưu đến khi Chỉ huy Chi Đoàn tôi học hỏi được nhiều điều hay và rất vinh hạnh làm việc gần 3 ông . Tr/tá Nô người miền Nam (Sa Đéc) phúc hậu. Ông và Tr/tá Sơn đều có bản tánh chất phác, hiền hoà và thương lính, các ông thể hiện rõ ràng là một cấp Chỉ huy lẫn Tham mưu dày dạn kinh nghiệm. Tr/tá Nô vui tính, hay khôi hài để giảm sự căng thẳng khi làm việc, nhưng với ông lệnh lạc thật rõ ràng, cấp dưói phải nghiêm chỉnh thi hành. Còn Đại Tá Thoàn , với bản tính tự tin ,can đảm và nhanh nhẹn. Ông có cách điều quân khéo léo, tấn công thần tốc, phản ứng chớp nhoáng nên các đơn vị hành quân dưới quyền ông rất an tâm.

Khoảng 3 giờ sáng, có rất nhiều bóng người xuất hiện cách xa vị trí đóng quân và bị che khuất bởi rất nhiều cây như chuối, chồi, cỏ tranh cao đến cổ. Dưới ánh sáng mờ ảo của Hỏa châu, chúng tôi không thể xác định bạn hay địch vì hệ thống truyền tin của các đơn vị bạn bận rộn, rối ren không liên lạc được. Cũng không thể dùng ánh sáng cơ hữu vì sợ lộ vị trí.Tôi báo cáo cho Hỏa Long biết, ông nhắc lại quan sát thật cẩn thận, phải biết chính xác là địch mới được tác xạ.

Đoàn người càng ngày càng đông như đi biểu tình, và càng ngày càng tiến gần vị trí Chi Đoàn. Bổng trong hệ thống truyền tin, Th/úy Trự Chi Đội Trưởng nói thật nhanh: “Báo cáo Phi Hổ (Danh hiệu truyền tin của tôi) có nghe tiếng người nói: “Tăng ta hay tăng Ngụy?”. Phản ứng của tôi thật nhanh, ra lệnh các Chi Đội bấm mìn và tác xạ. Hàng chục quả Mìn định hướng (mìn Claymore) được kích hỏa bùng nổ. Hàng chục khẩu Đại liên nhả đạn, súng cá nhân M 16, M 79 của Bộ Binh cùng thi nhau bắn xối xả, như một con sóng lửa đẩy dạt bọn chúng về phía sau. Hỏa Long như hét vào tai tôi “Phi Hổ, coi chừng bắn vào bạn”, tôi xác nhận đó là VC, ông mới an tâm. Tôi lệnh cho 3 khẩu 76 ly của Chiến xa M 41, 3 khẩu 106 ly không giật gắn trên xe M 113 bắn đạn chài khoảng cách nổ 30 mét. Ba khẩu súng cối 81ly của Chi Đoàn và 3 khẩu cối 106 ly của Thiết Đoàn thi nhau phóng những quả đạn nổ với không thuốc bồi chung quanh vị trí phòng thủ. Những quả đạn trái sáng bùng cháy, chúng tôi thấy rõ hàng trăm CSBV với trang bị đầy đủ hốt hoảng dội ngược, la hét chạy tán loạn về phía Đông (hướng chi khu Trảng bom) và hướng Nam (có đường rầy xe lửa). Ngay tức thì hướng Bắc, CĐ 1/5 CX bắt đầu nổ súng càng ngày càng dữ dội. Với hỏa lực của Chiến xa đánh bạt chúng về phía sau một cách nhanh chóng.

Như vậy CSBV hoàn toàn không biết vị trí của Thiết Đoàn, di chuyển ngang qua và gặp phải Thiết Giáp. Tao ngộ chiến, như chui đầu vô ổ kiến lửa! Quá bất ngờ và dưới hỏa lực mạnh của Thiết Giáp, chúng không kịp có một phản ứng nào, chỉ biết tháo chạy tán loạn. Chừng 10 phút sau tôi và Việt cho ngưng tác xạ để quan sát tình hình. Hỏa Long nhắc các Chi đội của Bộ Chỉ Huy bố trí ở hướng Nam và Tây sẳn sàng tác chiến.Tình hình trở lại im lặng, ngộp thở. Chúng tôi biết lực lượng CSBV không dưới cấp Trung Đoàn sẽ tấn công chúng tôi sau khi chỉnh đốn lại hàng ngũ. Và nhất là chúng sẽ điều chỉnh pháo cường tập vào chúng tôi vì vị trí đã bị lộ. Thật tình nói rằng chúng tôi rất sợ pháo của CSBV. Hai bên xung trận, chết sống chúng tôi không sợ. Nhưng sợ pháo, trong thời gian qua chúng tôi đã bị hứng pháo quá nhiều. Riêng chi đoàn tôi tất cả các xe đều bị trúng mảnh gang của đạn pháo, thành xe M113 nào cũng rổ chằn rổ chịt! Nhưng nhờ ơn trên che chở nên chưa hề có một trái đạn nào… chui lọt vào trong xe cả!

Nửa giờ sau phòng tuyến phía Nam bị lực lượng CS cấp Tiểu Đoàn tấn công, các Chi Đội Chỉ Huy của Thiết Đoàn chống trả mãnh liệt. Theo lệnh Hỏa Long tôi điều động một Chi Đội Thiết kỵ và 3 Chiến xa M 41 bung ra khỏi vị trí phòng thủ và đánh ngang hông địch. Chừng nửa giờ giao tranh ác liệt chúng rút lui về hướng Nam. Trong trận đụng độ này đơn vị tôi 3 binh sĩ tử thương, một bị thương, một Hạ Sĩ Quan là Tr/sĩ Hiếu bị thương vì một xe M113 bị trúng hỏa tiển B40 bốc cháy. Tôi đưa anh em bị thương về xe Y Tá của Thiết Đoàn để băng bó vết thương và điều 2 Chi Đội trở về vị trí cũ phòng thủ.

Tình hình lại yên tỉnh, không biết địch mưu toan gì kế tiếp. Chúng tôi không biết sự thiệt hại của lực lượng CSBV như thế nào vì không thể kiểm kê. Nhiều cánh quân tại tuyến đầu là Hưng Lộc, Hưng Nghĩa dựa vào đường rầy xe lửa rút về hướng Hố Nai đã qua khỏi vị trí của Thiết Đoàn. Đến 4 giờ sáng ngày 29-4-75, lực lượng CSBV bắt đầu pháo kích bằng Đại pháo 130 ly. Mới đầu một vài trái rơi khá xa; chúng điều chỉnh từ từ lại gần vị trí đóng quân. Và tiếp theo vài trái rơi chính xác trong chu vi phòng thủ. Hỏa Long cho lệnh bung rộng đội hình để tránh pháo. Sau chừng 10 phút CSBV bắt đầu pháo cường tập vào vị trí. Pháo đủ loại 130 ly 122 ly, cối 82 ly đổ ập xuống vị trí. Chúng tôi bung đội hình rộng thêm, ngay lập tức chạm địch. LLCSBV đông đảo bắt đầu tấn công mãnh liệt. Hướng Nam các Chi Đội Chỉ Huy bị tấn công mạnh bằng Bộ Binh và xử dụng nhiều loại súng chống chiến xa.

Tôi bấm ống Liên hợp Truyền tin xin Hỏa Long cho 3 Xe phun lửa làm việc vì phía ngoài chúng tôi toàn cỏ tranh cao đến đầu người. Ba xe M132 phun ra 2,400 lít xăng đặc nén tạo nên những đám cháy dữ dội bùng lên ở khoảnh cách 200 mét. Tiếp liền một Xe phun lửa bị bắn hạ bởi Đại bác 75 ly bốc cháy ngùn ngụt. Xe M 113 (Xe Y Tá) bị B 40 bắn thủng hông. Thật xui cho các anh em bị thương vừa qua ở trên xe này phải một lần nữa… suýt chết! (Tr/sĩ Hiếu, một Hạ Sĩ Quan hành quân, trẻ nhưng can đảm và nhiều kinh nghiệm, mới có nửa tháng bị thương lần thứ 3!).

Hỏa Long và Th/tá Đào tức tốc điều Chi Đoàn tôi đối đầu với địch ở phía Nam (có đường rầy xe lữa Biên Hòa-Long khánh), để trám vào vị trí các Chi Đội Chỉ Huy đang chao đảo. CĐ1/5CX đánh trả ở hướng Bắc và hướng Đông thay đơn vị tôi. Ba hướng: Nam, Đông, Bắc đều bị sức tấn công dồn dập của CSBV. Chúng biết lực lượng đối đầu chúng là Thiết Giáp Binh nên chúng xử dụng toàn các loại súng chống Chiến xa. Những quả đạn hực lửa của B 40, B 41, Đại bác 57 ly, 75 ly không giật, tới tấp bay vào đội hình Thiết Đoàn. Các Chi Đội Chỉ Huy chuyển sang thủ hướng Tây (hướng về Hố Nai). Sau hơn một giờ giằng co bất phân thắng bại. Hỏa Long ra lệnh lui binh.

Lại lệnh lui binh! Lệnh từ trên ban xuống, chúng tôi là những cấp Chỉ huy nhỏ, chỉ biết thi hành.Tấn công thì dễ, nhưng lui quân khó biết dường nào. Trong Binh pháp lui binh trong lúc giao tranh ác liệt là chiến thuật khó khăn nhất. Hai tuần lễ đầu tháng 4-75, CĐ 2/5 TK này đã lui binh nhiều lần với tổn thất không nhỏ. Đến nổi phải mở đường máu để bảo toàn lực lượng, giờ phút này lại nhận lệnh… lui binh khi trận chiến đang ác liệt chưa phân thắng bại. Tôi nghĩ quá nguy hiểm khi địch biết chúng tôi quay đầu xe rút lui dù xử dụng thế “Chân vẹt” đi chăng nữa.

Tất cả các đơn vị đều dùng hỏa lực cơ hữu áp dụng thế “Chân vẹt” tối đa để yểm trợ lẫn nhau và tuần tự lui quân. Phi tuần oanh tạc không thấy, Pháo binh im hơi lặng tiếng. Thật sự chiến đấu trong cô đơn và bị động hoàn toàn, buồn thay! Trước đây không lâu tất cả mọi cuộc hành quân chúng tôi chủ động với Phi Pháo yểm trợ đầy đủ. Các đơn vị Trừ bị sẳn sàng nhảy vào vòng chiến nếu cần, còn bây giờ… “mạnh ai nấy lo”, uất nghẹn thay, tủi nhục thay cho một Quân Đội đang bị bức tử.

Các Chi Đội của Bộ Chỉ Huy Thiết Đoàn dẫn đầu xuôi về hướng Tây ( Hố Nai) . CĐ 1/5 CX chống trả, cản hậu hướng Đông và Bắc. CĐ 2/5 TK đánh trả hướng Nam. Tất cả giữ vững đội hình vừa giao tranh vừa rút lui. Khoảng 6 giờ sáng, mới hừng Đông, chúng tôi nhìn thấy nhiều Chiến xa CSBV xuất hiện và đang đuổi theo đoàn quân của chúng tôi. Tôi biết rằng, Chi Đoàn tôi mặc dù vẫn còn 3 Chiến xa M 41, 3 xe M 113 trang bị súng 106 ly không giật nhưng sẽ không địch lại với nhiều Chiến xa T 54. Còn CĐ 1/5 CX sắp giao tranh với T 54 vì chúng cũng sắp đến trong tầm chính xác của Đại bác 76 ly trên Chiến xa M 41.

Tôi liền điều động Chi Đoàn qua bên phải đường rầy xe lửa để lấy lợi thế về địa hình và tạo khoảng cách giữa ta và địch cũng như dễ bề xoay xở hơn. Nhờ địa thế này tránh đạn đạo Đại bác 100 ly của T 54 trực xạ vào cạnh sườn trái. Tất cả đều di chuyển về hướng Hố Nai, chỉ tác xạ cầm chừng và khi thấy rõ địch. Không bao lâu Chiến Đo àn 1/5 Chiến Xa bị T 54 tấn công. Đơn vị tôi cũng bị Bộ Binh CSBV bám sát và tấn công mạnh từ bên kia đường rầy, xa hơn nữa là T 54 đang bám theo. Đủ mọi loại súng thi nhau tác xạ, những luồng đạn lửa đan chéo nhau giữa ta và địch. Tình hình trở nên nguy kịch vì Chiến Xa T 54 đã bám theo kịp và bắt đầu khai hỏa. Những tiếng rít rợn người của đạn 100 ly, từng cục lửa đỏ hực bay vút qua đội hình của hai Chi Đoàn và nổ ngay giữa đội hình của Thiết Đoàn. Cộng với Súng cối 82 ly của địch đang rót đạn vào đoàn quân. Việt và tôi chỉ biết vừa chống trả với tất cả mọi hỏa lực cơ hữu vừa di chuyển theo hai bên trái, phải Bộ Chỉ Huy Thiết Đoàn rút về Hố Nai.

Tôi nhìn qua quan sát vài anh em Bộ Binh và Kỵ Binh trên xe Chỉ Huy, họ đang cầu xin một điều gì đó? Xin Trời, Phật ban một phép lạ đến với họ và cho tất cả mọi người đang đối mặt với Tử thần?

Trong cơn nguy biến và tuyệt vọng, nói thật ra tâm linh mỗi người đều dậy lên một niềm hy vọng dựa vào các Đấng Quyền Uy. Riêng tôi, đã làm Dấu Thánh Giá cầu xin Đức Chúa Toàn Năng, cầu xin Mẹ Maria đầy ơn phước bao che cho tất cả mọi người lính nơi đây tai qua nạn khỏi. Cầu mong Phép Nhiệm Mầu, Quyền năng của Đấng Tối Cao sai khiến và làm thay đồi tình huống cực kỳ nguy hiểm hiện tại.

A napalm strike (AP Photo) Dòng suy nghĩ chợt tắt khi hệ thống Truyền Tin, Hỏa Long gọi tôi và Việt tiếp chuyện.

Trong lúc thập tử nhất sinh ông cho biết có hai Phi Tuần bom Napalm (Bom xăng đặc) đang bay tới. Tôi và Việt bớt lo phần nào, tôi ngửa mặt lên, nhìn thấy những chiếc Khu Trục hùng hổ bay sà sát xuống mặt đất. Chúng tôi chưa kịp nói thêm được gì, yêu cầu đánh ở đâu thì những luồng đạn Đại Bác 20 ly nổ tóe lửa cách các xe bìa chừng 50 mét. Tiếp đến, một dòng thác lửa cuồn cuộn bùng lên sát hông trái đội hình Chi Đoàn. Một đám lửa lớn nữa trải dài bên hông phải của Chi ến Đo àn 1/5 Chiến Xa. Trong đời Binh nghiệp của tôi, tôi chưa bao giờ thấy các Sĩ Quan Không Trợ điều chỉnh chính xác như thế này. Hay các Phi Công tài ba liều lĩnh thả những trái bom hết sức mạo hiểm (không giữ khoảng cách an toàn) như hôm nay.

Tôi tự nhủ rằng ‘lần sau đừng có đánh bom kiểu này nữa nha anh bạn Phi Công Khu Trục’. Nhưng oái ăm thay không có một lần sau nào nữa cả. Đó là những Phi Vụ cuối cùng của các anh, hay những quả bom cuối cùng được thả xuống cho cuộc chiến? Cả hai đều đúng. Tri ân các anh bạn Không Quân đã làm thay đổi tình huống nguy khốn.

Hai đám lửa lớn trải dài kẹp hai bên trái, phải của hai Chi Đoàn và bạt mạnh về hướng địch. Phải khen rằng những anh Phi Công này có kỹ thuật đánh bom Napalm xuất chúng. Khói lửa mù trời, nghẹt thở. Sức nóng bỏng rát của bom xăng hắt vào mặt mọi người và bao trùm bởi khói đen vì những quả bom lửa nổ quá gần vị trí. Thật quá nguy hiểm nhưng nhờ “Thần Lửa”, n ó đ ã đã tạo ra một khoảng cách khá xa giữa ta và địch, đã đẩy lùi địch về phía sau và đẩy lực lượng ta… về phía trước.

Tất cả tiếng súng bên ta, bên địch đều ngưng hẳn cùng một lúc. Chưa bao giờ có cái lệnh ngưng bắn cho cả hai bên hiệu quả như lần này!

Tất cả như hoàn hồn, tôi ngước mắt nhìn lên trời bốn chiếc Khu trục đã cất lên tận trời xanh, xa xa những luồng lửa đạn Thượng Liên 12ly8 của địch bắn đuổi theo sau một cách tuyệt vọng.

Hỏa Long ra lệnh cho tất cả tăng tốc độ tiến về phía trước. Bỏ lại sau lưng một biển lửa mênh mông. Bỏ lại trên vùng đất mang địa danh Trảng Bom hiền từ những gì tệ hại nhất của trận chiến tàn khốc. Một sự trùng hợp khá bẽ bàng Trảng BOM với HỎA Long, trọn nghĩa hơn là bom đạn và lửa khói đang hiện hữu nơi đây.

Kết quả trận chiến vừa rồi dưới mắt chúng tôi là một Chiến Xa M 41, 2 M 113, 1 xe M 132 (xe phun lửa) đổi lấy 3 T 54 của địch. Ta – Địch, thua huề hay thắng? Đến giờ phút này, tất cả đều không còn thành vấn đề nữa, theo lệnh trên miễn sao chúng tôi chiến đấu đến cùng. Và chúng tôi đã làm chùn bước trước sức tiến quân của một lực lượng CSBV cấp Sư Đoàn có Chiến xa, Trọng pháo yểm trợ.

Chúng tôi lại chào tạm biệt thêm một Thị trấn của miền Đông đất đỏ đầy máu lửa chiến chinh!

Bộ Chỉ HuyThiết Đoàn 5 Kỵ binh, CĐ 1/5 CX và CĐ 2/5 TK di chuyển về Hố Nai lúc 12 giờ trưa ngày 29-4-75 và bố trí trên một ngọn đồi thoai thoải thấp phía sau Nhà Thờ Tân Bắc. Tuyến đầu bây giờ là LĐ 468 TQLC phụ trách, cách vị trí chúng tôi 2 cây số về hướng Trảng Bom.

Theo lời yêu cầu của Tr/tá Nguyễn Đằng Tống Lữ Đoàn Trưởng. Hỏa Long gọi tôi cùng ông gặp Tr/tá Tống để phối hợp phòng thủ. Ba người họp ở bên hông Nhà Thờ Tân Bắc- Hố Nai để phối hợp chiến thuật giữa TQLC và Thiết Giáp trong thời gian sắp tới.

Tr/tá Nô và tôi xuống xe M 113 Chỉ Huy và đi bộ lại chiếc xe JEEP của Tr/tá Tống. Ông tiến tới đón 2 hai người, ông bắt tay Tr/tá Nô xong quay nhìn tôi chăm chăm một lúc, và hỏi:

“Đại úy Lưu có lại không Tr/tá ?”.

Tôi liền nói lớn:

“Em Lưu nè, anh Tống”,

Hai mắt anh mở lớn nhìn tôi kinh ngạc, ôm choàng lấy người tôi nói:

- “Trời! mầy đây hả Lưu”.

Tôi chợt nhớ là mình chưa kịp rửa mặt, nhìn xuống bộ đồ trận đã đổi thành màu đen với bụi, tro lốm đốm bám đầy mình. Tôi đi lại soi mặt vào chiếc kính chiếu hậu của chiếc JEEP … tôi cũng không nhận ra tôi vì… không giống ai! Bảng tên trên ngực áo cũng đã mất chữ. Te tua quá đổi!

Người lính TQLC nhìn mặt tôi và quay đi với nụ cười lén, anh trao cho tôi một “bình ton” nước. Và tôi xóa đi lớp bụi đen thui, đen thủi. Xóa thêm một cơn ác mộng, cơn ác mộng thứ tư trong vòng chưa đầy nửa tháng!

Cả 3 người Tr/tá Nô, Tr/tá Tống và tôi thả bộ ra đường phố Hố Nai để quan sát tình hình. Nhà dân, phố xá đóng cửa kín mít, hàng quán không còn bày bán một thứ gì cả. Có nhiều anh em Nghĩa Quân, Nhân Dân Tự Vệ trang bị vũ khí chạy ngang chạy dọc chỉ chỏ lung tung. Ngày trước khu vực này sầm uất buôn bán nhộn nhịp, tấp nập, hôm nay vắng vẻ đìu hiu quá.

Tôi gọi một anh Nghĩa Quân có vẻ là toán trưởng lại đề hỏi chuyện. Anh ta mặc đồ dân sự tay cầm khẩu súng phóng lựu M 79 với 2 dây đạn đầu màu vàng (đạn nổ) và một dây đạn chống chiến xa. Trên vai mang một khẩu M 16. Anh ta giới thiệu anh là Trung Đội Trưởng Nghĩa Quân đang phân công anh em bố trí phòng thủ. Tôi hỏi anh ta có cần thêm đạn gì không? Anh ta bảo rằng anh em TQLC mới cho đạn M 79 chống chiến xa, và một số đạn M 16.

Đến giờ phút cuối cùng này. Những người Nghĩa Quân chỉ là Lực Lượng Bán Quân Sự, người lính không có số quân còn vững tay súng để sống chết với quê hương! Thán phục các anh, vì lòng yêu làng, thương xóm một lòng với đồng bào đã từ bỏ xứ Đạo, từ bỏ tất cả để từ miền Bắc di cư vào đây năm 1954. Nay các anh cương quyết gìn giữ xóm Đạo, bảo vệ một vùng Đất Thánh! Một hình ảnh đẹp, khó quên. Cầu xin Đức Mẹ ban bình an cho các anh.

Lợi dụng địa hình để có một chu vi phòng thủ tối ưu. Chín Chiến xa M 41 và 3 M 113 có gắn Đại bác bắn thẳng106 ly không giật bố trí quay súng về hướng Đông chờ Chiến xa T 54 của địch. Tất cả các khẩu Đại bác đều nạp đạn chống Chiến xa và sẳn sàng nhả đạn. Phía dưới thung lủng các Chiến Sĩ Mũ Xanh cũng sẳn sàng nghênh chiến.

Hai giờ chiều ngày 29-4-75, trận chiến mới, bắt đầu bùng nổ dữ dội phía thung lủng giữa TQLC và Bộ Binh CSBV. Khoảng nửa giờ sau từ trên đồi nhìn xuống chúng tôi thấy nhiều đám bụi xuất hiện. Nhiều Chiến xa địch đang áp sát nơi đang giao tranh, tiếp đến những cuộc quần thảo khốc liệt giữa Chiến Sĩ Mũ Xanh và địch có T 54 yểm trợ…. 2 T 54 cháy vì trúng đạn M 72 của TQLC.

Bất ngờ một đoàn trên 10 chiếc Chiến xa T 54 lù lù xuất hiện từ QL 1 di chuyển đến khoảng giữa vị trí phòng thủ của Thiết Đoàn và nơi đang giao tranh dưới thung lũng.Tôi nghĩ rằng chúng dự trù đánh bọc ngang hông lực lượng TQLC và không thấy chúng tôi vì chúng từ dưới địa hình thấp nhìn lên, chúng tôi được che khuất bởi những mô đất trên ngọn đồi.

Có còn cơ hội nào tốt hơn nữa, các Chiến xa T 54 đang đưa hông trước các họng Đại bác. Với khoảng cách 1 km trong tầm của Đại bác 76 ly của CX M 41 và 106 ly bắn thẳng. Tr/tá Nô, Th/tá Đào đã chỉ thị tôi và Việt phối hợp hành động. Mười hai trái đạn rời nòng bay vút vào các T 54. Hai bốc cháy, hai bay pháo tháp và lật nghiêng. Sáu chiếc còn lại liền quay đầu chỉa Đại bác 100 ly và tác xạ vào chúng tôi. Những trái đạn nổ tung lưng chừng trên triền đồi thoai thoải. Có những quả bay vút qua đầu với tiếng rít rợn người. Mười hai trái đạn nữa rời nòng, thêm 2 T 54 bị hạ.

Hướng Bắc bên kia QL1, TQLC và cả Trung Đoàn CS và Chiến xa xung kích đang giao tranh cũng được một giờ rồi. Bây giờ chúng tôi lại nghe tiếng súng lớn nhỏ nổ liên hồi ngoài đường phố Hố Nai. Tiếng súng càng lúc càng gần. Sự phấn khởi của tất cả mọi người trước những Chiến xa T 54 bị hạ chợp tắt nhanh chóng, khi nhìn thấy một đoàn Chiến xa T 54 và Bộ Binh CS nữa xuất hiện ngoài QL1và đang hùng hổ tiến tới. Tiếp đến chúng tấn công cuồng bạo vào Bộ Chỉ Huy của LĐ 468 TQLC và cả lực lượng của TĐ 5 KB. Một M 41 và 2 M 113 bị T 54 bắn trúng và nổ tung… Các chiến xa M41 phản xạ liên tục, nhưng chúng tôi thấy yếu thế phải rút lui nhanh chóng để khỏi bị tiêu diệt hoàn toàn!!! Lại chia tay thêm một Thị trấn, một xứ Đạo-vùng Đất Thánh Hố Nai.

Và từ đó tôi không còn gặp lại một người anh, Tr/tá Nguyễn Đằng Tống. Sau này anh đã để lại thân xác trên núi rừng miền Bắc; với 4,5 khúc ruột bị nối vì chiến trận Bình giã, Bồng Sơn thì làm sao có thể sống được dưới chế độ lao tù CS. Một nén hương lòng thắp lên để nhớ Anh, anh Tống.

Bộ Chỉ Huy Thiết Đoàn 5 Kỵ Binh, 2 Chi Đoàn rút về đóng quân tại Ngã 3 Tam Hiệp lúc 7 giờ tối ngày 29-4. Nhìn về hướng Phi trường Biên Hoà nhiều cột lửa bốc cao với khói đen cuồn cuộn. Đêm đó chúng tôi nhìn thấy ngoài xa lộ thỉnh thoảng từng cặp Chiến xa CSBV chạy rất nhanh ngang qua vị trí phòng ngự. Chúng tôi nằm im lìm chờ lệnh…

“Thế, Quốc biến lấy gì lo Chiến chinh?

-HY SINH-”

Trong lòng đau đớn tột cùng khi kiểm kê lại sự tổn thất vừa qua. CĐ 2/5 TK bây giờ chỉ còn 10 chiếc M 113. Một chiếc Chiến xa M41 tôi thấy tội nghiệp, lẻ loi quá nên cho về với “mái nhà xưa” là CĐ 1/5 CX. Quân số còn lại chỉ vỏn vẹn 50 Kỵ Binh. Chiến tranh ơi! khốc liệt quá, tàn nhẫn quá, chỉ có 1 ngày CĐ 2/5 TK bị tiêu hủy 2 CX M 41 và 2 M 113, 20 Kỵ Binh các cấp loại khỏi vòng chiến đấu. Mới đây thôi chưa đầy 2 tuần lễ của đầu tháng 4, CĐ 2/5 đã bị mất 1 xe M 41, 8 xe M 113 và hơn 1/4 quân số trên QL 20. Chúng tôi cũng như những đơn vị của QLVNCH và tất cả Dân, Quân, Cán, Chính đã và đang HY SINH. Hy sinh để VNCH sống còn. Nhưng đau thương thay cho vận Nước, VNCH thua cuộc! vì sự xếp đặt trên sân khấu chính trị của các Siêu Cường Quốc.

“Thân lính trận, nhận lệnh gì không nhận Nhận lịnh đầu hàng…rời rã tai ương Hồn chinh chiến chỉ còn trơ thân xác Thân xác không hồn…điếng ngắt cô đơn”

Thơ Trạch Gầm



Ngày 30-4-75 toàn bộ lực lượng rút về đến cầu Bình Phước lúc 1giờ chiều. Từ đây mọi sự liên lạc bị cắt đứt. Nhớ một người Thầy trong Binh chủng mà tôi đã từng học hỏi nhiều nhất, từ lúc chập chững vào đời Binh nghiệp đến ngày hôm nay. Nhất là Thầy trò cùng nhau gánh chịu tất cả đau thương nghiệt ngã của ngày vừa qua. Người Thầy Tr/tá Trần Văn Nô đã về lòng đất mẹ năm 1987.

Ngay tại đây Đơn vị tôi bị lực luợng CS khống chế và leo lên các xe.Tôi cố gắng liên lạc với Thiết Đoàn liền bị một Cán binh CS chụp lấy Ống Liên hợp Truyền tin ném đi. Một binh sĩ kề cận tôi chỉa súng vào anh Cán binh này, bị một Cán binh khác dộng báng súng vào người rớt xuống lòng xe. Nếu không có sự kiềm chế tột đỉnh của anh em Kỵ Binh thì chiếc xe M 113 chỉ huy này đã nổ tung bởi lựu đạn, máu lửa tràn ngập. Thế là hết, mất tất cả rồi. Tất cả các súng Đại liên trên xe thay đổi chủ, chúng dẫn 10 xe M 113(thuộc đơn vị tôi) về tại cổng chính Bộ Tổng Tham Mưu. Chúng tôi chứng kiến một cảnh đau lòng, Thiết Giáp ta, Đại liên ta, xạ thủ địch giao tranh với những đơn vị Biệt Kích 81 Nhảy Dù còn cố thủ trong Bộ Tổng Tham Mưu.Vì họ không chấp nhận sự đầu hàng của Lảnh Đạo cao nhất của đất nước. Đau đớn thay! Nhục nhã thay cho một sự đổi đời từ đây!

Lợi dụng sự hỗn loạn của Đồng bào, Quân nhân lũ lượt rời nhiệm sở. Anh em Thương binh vết thương còn rỉ máu bị xô đuổi từ Bệnh Viện Cộng Hòa đi về hướng Sàigòn. Tôi xuống xe bỏ cuộc và tháp tùng theo đoàn người, đi được chừng mấy bước, một họng súng AK 47 đen ngòm chỉa thẳng vào ngực, hét lớn “Quay lại xe, bằng không sẽ bắn bỏ”. Tôi đành phải trở lại xe và tháo bỏ thêm đôi giày trận đã theo tôi gẩn 8 năm trời ròng rã. Tôi xỏ đôi bàn chân vào đôi dép quai dọc, với chiếc quần khaki, và chiếc áo mayô cùng màu ôliu. Một lần nữa tôi và anh em đồng đội thân thuộc trà trộn vào đoàn người đủ mọi thành phần thoát khỏi xe M 113. Trong lòng quặn thắt,tim nhói đau tột cùng, như bị buộc phải thoát khỏi lòng người Mẹ bao năm trời bảo bọc, che chở cho những người con yêu quí, để đi về một phương trời vô định…!

Tôi ra đi trong tức tưởi nghẹn ngào; ra đi trong âm thầm lặng lẽ. Không kịp nói một lời từ giả với các cấp Chỉ huy, bạn bè và đồng đội. Đầu óc choáng váng, nước mắt tuôn rơi, với từng bước chân mệt mỏi rã rời. Từng bước uể oải, nhọc nhằn xiêu vẹo ( bàn chân trái của tôi đã từng bị thương 2 lần, nay không quen mang dép đi xa).Tôi vừa đi vừa nhìn xuống mặt đường thấy bóng mình chao đao nghiêng ngã! Từ Lăng Cha Cả về đến cầu Công Lý (gần nhà anh ruột tôi) mà tôi đi đến 3 tiếng đồng hồ.

Sáng ngày 2-5-75 tôi mới nhờ người cháu chở về nhà tại Thủ Đức với bộ đồ dân sự của ông anh trên người. Tội nghiệp thay! Ba Mẹ vợ và cả vợ tôi vài phút đầu tiên không thể nhận ra tôi. Rồi sau đó tất cả oà khóc. Các con tôi đứng nhìn ngơ ngác, rồi cũng khóc theo (chúng không thề nào nhận ra tôi, vì từ lâu tôi không mặc đồ dân sự). Mới ngày hôm qua đây, ông Anh rể và bà Mẹ vợ đi tìm tôi qua từng cái xác mặc đồ trận, nẳm gần các xe Thiết Giáp bị cháy, từ ngã tư Thủ Đức đến cầu Rạch Chiếc. Ôi! Có hành động nào cảm động bằng. Thương thay!

Tôi đã trở về trong bình an, làm sao cả nhà cầm được nước mắt sung sướng.Tất cả đều khóc, khóc cho tôi được an lành sau cuộc chiến đẫm máu. Khóc cho tôi thân hình còn nguyên vẹn sau bao lần trên chiến trường nghiêng ngã. Tôi nghĩ rằng tất cả mọi người có con em, có chồng là những người lính VNCH. Hay chính những người lính trẻ như chúng tôi, hai ngày nay đều đã khóc. Khóc mừng cho sự sum hợp. Khóc cho sự mất mát lớn lao. Khóc cho một viễn ảnh Việt Nam Hòa Bình.

(Những nén hương lòng được thắp và dâng lên để tưởng nhớ những Người quá cố, đã cùng chia sẻ với chúng tôi trong cơn hồng thủy:

 CốTr/tá TrầnVăn Nô,

 Cố Tr/tá Nguyễn Đằng Tống ,

 CốTh/tá Nguyễn Đức Đào,

 Cố Đại/úy Lê Đức Việt,

 Cố Đại úy Hồ Thúc Hạ,

 Cố Th/úy Đỗ Chinh Chiến,

 Cố Th/úy Sơn,

 Cố Tr/sĩ Mai Văn Vi.

 Và tất cả Chiến Sĩ QLVNCH đã hy sinh cho cuộc chiến tháng 4 năm 1975 dọc theo QL 20 và QL1).

Vũ Đình Lưu

https://baovecovang2012.wordpress.com/2013/03/30/trang-bom-bao-lua-trang-bom-ho-nai-ngay-29-4-1975-kb-vu-dinh-luu/

 photo 4b6546517e896da623310aabf5a0b8a5_zpsy6toncz5.jpg

 photo anh-hiem-ve-quang-tri-nam-1967-cua-therese-cline-hinh-8_zpsmnfgvw2t.jpg

 photo Trung Taacute Nguyn Xuacircn Dung Thit oagraven Trng Thit oagraven 17 K binh_zpse2avwqwl.jpg

 photo 6c83a2815a06be8ac6faa60e1c4de9dc_zpstsjo2v7r.jpg

 photo 0_1f616f_3fcd25f3_orig_zpsq731i4uy.jpg



- Trên thiết xa M113 thì chỉ trưởng xa mới đeo cáp.

- Một cái speaker (loa) được gắn ngay chỗ tài xế để cho tất cả xa đội nghe lệnh.

- Sĩ quan chỉ huy cầm cây để điều khiển tài xế

- Các xạ thủ bắn mà không cần dùng intercom/liên lạc



Chiếc nón sắt của Thiết giáp

Trên thiết xa M113 thì chỉ trưởng xa mới đeo cáp.
Chiếc nón sắt dây cap


Photo:

Nón Sắt dây cáp hình 1
Photo:

Nón Sắt dây cáp hình 2
Photo:

Nón Sắt dây cáp hình 3
Photo:

Nón Sắt dây cáp hình 4
Photo:

Nón Sắt dây cáp hình 5
Photo:

Nón Sắt dây cáp hình 6
Photo:

Nón Sắt dây cáp hình 7
Photo:

Thiết Xa M-113
Photo:
https://lh3.googleusercontent.com/0YyJFx_fp70oRxEMZc6gw6TdLnbyyuUHKpGDD6X3KAqIR28iPVSr-XObr8v8xw74TpvGLBGGDq_Y-IQ=w1280-h1024-rw-no




**
TƯỚNG TRÍ THỊ SÁT MẶT TRẬN


--------------------------------------

NGƯỜI XƯA CẢNH CỦ. ẢNH VỀ THIẾT VẬN XA M-113 TRONG CHIẾN TRANH VIỆT NAM VÀ NGÀY NAY

HÌNH ẢNH MỘT ĐÁM MA CỦA MỘT GIA ĐÌNH CHẾT TRONG CUỘC CHIẾN; VỪA CÓ TRẺ EM LẨN NGƯỜI LỚN. TÔI LẤY TỪ TRÊN 1 WEBSITE CỦA THIẾT GIÁP VN NHƯNG KHÔNG THẤY CÓ CHÚ THÍCH/CAPTION. NHƯNG CÓ THỂ NÓI ĐÓ LÀ 1 GIA ĐÌNH CỦA 1 SQ TRONG NGHÀNH THIẾT GIÁP VÌ CÓ VÀI SQ THAM DỰ ĐỘI NÓN BÊ RÊ ĐEN. KHÔNG BIẾT CÓ PHẢI ĐÂY LÀ ĐÁM TANG GIA ĐÌNH TRUNG TÁ THIẾT GIÁP NGUYỂN TUẤN   Ở TRẠI PHÙ ĐỔNG, GÒ VẤP, BỊ THẢM SÁT BỞI VC TRONG TRẬN MẬU THÂN 1968.

CHỞ BẰNG C-130


CHỤP TẠI TÂY NINH

TVX M-113 CỦA SĐ 9 BỘ BINH MỶ DÀN HÀNG NGANG TRÊN ĐƯỜNG PHẠM THẾ HIỂN , BÊN KIA CẦU CHỬ Y TRONG TẾT MẬU THÂN 1968 .




=======================================



LƯỢC SỬ KỴ BINH THIẾT GIÁP VNCH
(Vài Nét Về Binh Chủng Mũ Đen)
Ảnh: duyệt binh

Khởi đầu từ các đơn vị thiết giáp bảo vệ các trục lộ giao thông liên lạc và các khu vực trọng yếu trong chiến tranh Đông Dương 1945-1954, Bộ Chỉ Huy Thiết Giáp Việt Nam được thành lập ngày 1 tháng 4/1955 và phát triển với 4 Trung đoàn mang số 1, 2, 3 và 4 trú đóng trên 4 vùng chiến thuật với trang thiết bị cũ do quân đội Pháp để lại như chiến xa nhẹ M24 và các xe thiết giáp M3 và M8. Sau khi quân đội Pháp rút lui, với quân viện và cố vấn của Hoa Kỳ, các Trung đoàn thiết giáp được tái tổ chức tương đương với một Tiểu đoàn thiết giáp quân đội Hoa Kỳ với mỗi trung đoàn gồm có một Chi đoàn chiến xa M24 và 2 Chi đoàn xe bọc thép M3 và M8.

Đầu năm 1962 Hoa Kỳ bắt đầu thử nghiệm thiết vận xa M113 trang bị đại liên 12.7 ly, có khả năng cơ động cao và lội nước ở Việt Nam với Đại Đội 7 và Đại Đội 21 Cơ Giới (yểm trợ cho Sư Đoàn 7 và 21 BB) ở đồng bằng sông Cửu Long để bảo vệ Quốc lộ 4. Mỗi đại đội được trang bị 15 thiết vận xa M113. Đại Đội 7 Cơ Giới do Đại Úy Lý Tòng Bá chỉ huy sau đó đã tham gia trận đánh Ấp Bắc nổi tiếng trong tỉnh Định Tường. Hai đơn vị này đã chứng tỏ hiệu quả cao trong các trận đánh ở khu vực đồng ruộng sình lầy ở miền tây Nam phần nên 6 đại đội mới được tổ chức thêm vào cuối năm 1962.

Đến giữa năm 1963, mỗi Trung đoàn thiết giáp có 4 Chi đoàn: Một Chi đoàn chiến xa M24, một Chi đoàn xe bọc thép M8 và hai Chi đoàn thiết vận xa M113. Sau đó danh xưng Trung đoàn thiết giáp được đổi tên thành Thiết đoàn kỵ binh, bố trí như sau: Thiết Đoàn 1 (Vùng 3 Chiến Thuật), Thiết Đoàn 2 (Vùng 4 Chiến Thuật), Thiết Đoàn 3 (Vùng 2 Chiến Thuật) và Thiết Đoàn 4 (Vùng 1 Chiến Thuật). Việc thay đổi từ cơ cấu Trung đoàn sang Thiết đoàn cũng gây bất mãn cho một số chỉ huy đơn vị, do nay phải đứng dưới Trung đoàn trưởng bộ binh trong các cuộc hành quân. Cuối năm 1963, binh chủng Thiết Giáp thành lập thêm Thiết Đoàn 5 và 6 Kỵ Binh là lực lượng trừ bị cho Bộ Tổng Tham Mưu. Đầu năm 1965 Hoa Kỳ thay thế các chiến xa M24 lỗi thời bằng các chiến xa nhẹ M41-A3 trang bị đại bác 76 ly, thích hợp với điều kiện chiến trường và khả năng hoạt động và bảo trì của binh chủng Thiết Giáp VNCH.

Đến năm 1966, 4 Thiết đoàn mới được thành lập: Thiết Đoàn 7 (Đông Hà), Thiết Đoàn 8 (Ban Mê Thuột), Thiết Đoàn 9 (Sóc Trăng) và Thiết Đoàn 10 (Củ Chi). Trong cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân 1968, các đơn vị Thiết Giáp VNCH đã góp phần đắc lực trong nỗ lực phản công đánh bật Cộng quân ra khỏi các khu vực thành thị miền Nam: Thiết Đoàn 1 (Phan Thiết, Vùng 3 Chiến Thuật), Thiết Đoàn 2 (Trà Vinh, Vĩnh Long), Thiết Đoàn 3 (Pleiku), Thiết Đoàn 4 (Chu Lai, Huế), Thiết Đoàn 5 (Saigon, Vùng 3 Chiến Thuật), Thiết Đoàn 6 (Mỹ Tho), Thiết Đoàn 7 (Đông Hà, Huế), Thiết Đoàn 8 (Ban Mê Thuột), Thiết Đoàn 10 (Saigon, Vùng 3 Chiến Thuật).

Với thành tích chiến đấu xuất sắc sau cuộc tổng công kích Tết Mậu Thân, binh chủng Thiết Giáp VNCH thành lập thêm 7 Thiết đoàn mới: Thiết Đoàn 11 (Đông Hà), Thiết Đoàn 12 (Cần Thơ), Thiết Đoàn 14 (Kontum), Thiết Đoàn 15 và 18 (Biên Hòa), Thiết Đoàn 16 (Long Xuyên) và Thiết Đoàn 17 (Hội An).

(M-113 hành quân ở Trảng Bàng.)

Từ năm 1969 các Thiết đoàn Kỵ binh trong mỗi vùng chiến thuật được gom lại tùy theo tình hình chiến thuật thành Lữ đoàn Kỵ binh, là đơn vị trừ bị cơ động của Quân đoàn hoạt động phối hợp với các đơn vị bộ binh. Trong năm 1969 Lữ Đoàn 4 Kỵ Binh được thành lập đầu tiên để hoạt động ở Biệt Khu 44 trong Vùng 4 Chiến Thuật, tiếp theo là Lữ Đoàn 1 Kỵ Binh ở Vùng 1 Chiến Thuật. Lữ Đoàn 3 Kỵ Binh được thành lập ở Vùng 3 Chiến Thuật trong năm 1970 và sau cùng là Lữ Đoàn 2 Kỵ Binh ở Vùng 2 Chiến Thuật trong năm 1971.

Đầu năm 1970 Lữ Đoàn 1 Kỵ Binh với 2 Thiết đoàn phối hợp với Biệt Động Quân và Địa Phương Quân-Nghĩa Quân mở chiến dịch tảo thanh kéo dài hai tháng thành công lớn dọc theo bờ biển Vùng 1 Chiến Thuật. Sau đó trong tháng 4/1970, Lữ Đoàn 3 Kỵ Binh mở chiến dịch mang tên Hành Quân Toàn Thắng 41 tấn công vào khu vực Angel?Ts Wing. Tiếp theo là Lữ Đoàn 4 Kỵ Binh với 3 thiết đoàn và 3 tiểu đoàn Biệt Động Quân cũng tấn công vào khu vực Elephant?Ts Foot. Ngày 29 tháng 4/1970, Lữ Đoàn 3 Kỵ Binh mở chiến dịch mang danh hành quân Toàn Thắng 42 vào tỉnh Svay Riêng với 3 Chiến đoàn Đặc nhiệm. Ngày 2 tháng 5/1970 Lữ Đoàn 4 Kỵ Binh cũng mở chiến dịch vượt biên vào khu vực Mỏ Vẹt (Parrot?Ts Beak) trong tỉnh Svay Riêng từ phía nam trong thế gộng kềm với 250 thiết vận xa M113 của các Thiết Đoàn 2, 6, 9, 12 và 16 Kỵ Binh. Sau đó hai Lữ đoàn Kỵ binh tham gia giải tỏa Kompong Cham đang bị Sư Đoàn 9 CSBV phong tỏa. Thiết Đoàn 5, 15 và 18 Kỵ Binh của Lữ Đoàn 3 Kỵ Binh gây thiệt hại nặng cho Sư Đoàn 9 CSBV trong khu vực đồn điền Chup.

Đầu năm 1971 Lữ Đoàn 1 Kỵ Binh với Thiết Đoàn 11 và 17 Kỵ Binh vượt biên sang Hạ Lào khai diễn hành quân Lam Sơn 719 để cắt đứt trục đường tiếp vận (đường mòn Hồ Chí Minh). Trong khu vực Bản Đông (A Lưới) và phía bắc Quốc lộ 9 đã diễn ra các trận xa chiến đầu tiên. Để duy trì trục giao thông liên lạc và tiếp tế đường bộ cho mặt trận Hạ Lào, Lữ Đoàn 1 Kỵ Binh đã được tăng cường thêm Thiết Đoàn 4 và 7 Kỵ Binh, sử dụng tổng cộng 5 Chi đoàn chiến xa M41-A3 (75 chiếc) và 6 Chi đoàn M113 (130 chiếc). Ngày 19 tháng 3/1971 đơn vị bắt đầu cuộc triệt thoái đẫm máu về lãnh thổ Việt Nam bằng QL 9, vượt qua nhiều chốt phục kích của Bắc quân cũng như những khó khăn địa hình. Thiết Đoàn 19 Kỵ Binh được thành lập trong năm 1971 ở Pleiku là thiết đoàn sau cùng của QLVNCH.

Cho đến giai đoạn này, binh chủng Thiết Giáp có 18 Thiết đoàn kỵ binh (11 Thiết đoàn là đơn vị cơ hữu của 11 Sư đoàn bộ binh, 7 Thiết đoàn độc lập) và 1 Thiết đoàn 20 chiến xa do Hoa Kỳ chuyển giao. Cấu trúc của một Thiết đoàn kỵ binh gồm có bộ Chỉ huy và các thành phần yểm trợ, một Chi đoàn chiến xa M41-A3 và 2 Chi đoàn thiết vận xa M113. Do điều kiện địa hình không thuận tiện cho việc sử dụng chiến xa M41-A3, 5 Thiết đoàn kỵ binh ở Quân Khu IV (2, 6, 9, 12 và 16) có 3 Chi đoàn M113. Mỗi Chi đoàn có cấp số 15 chiến xa hay thiết vận xa cùng một đại đội bộ binh tùng thiết bảo vệ. Thiết Đoàn 20 chiến xa, đơn vị chiến xa hạng trung đầu tiên của binh chủng Thiết Giáp VNCH, có 3 Chi đoàn chiến xa M48-A3 gồm 44 chiến xa thay vì cấp số đầy đủ 54.

(Đến năm 1975 VNCH còn khoảng 2000 xe tăng xe bọc thép các loại trong đó khoảng một nữa là M-113) Một Vài Hình Ảnh Của Các chiến Sĩ Mũ Đen Trong Thời Chinh Chiến:








========================



Trận Xa Chiến Giữa Thiết Đoàn 5 Kỵ Binh và Chiến Xa Địch

Đã hơn bốn mươi năm qua giờ ngồi viết lại những ngày cuối của cuộc chiến mà tưởng chừng như mới hôm qua. Những ngày chiến đấu bi thương không có quân tiếp viện, không tải thương, chiến đấu đơn độc hình anh đó vội vã trở về trong trí nhớ như những thước phim chiến tranh khốc liệt. Trận chiến trước khi tan hàng này hơn cả mùa Hè đỏ lửa 1972 tái chiếm An Lộc, tái chiếm Quảng Trị.

Ngày 27/4/1975: Thiết Đoàn 5 Kỵ Binh (-) chỉ có Chi Đoàn 1/5 CX và Chi Đoàn 2/5 TK chuyển quân tới Trảng Bom nằm trên QL1 nối liền Hố Nai, một thị trấn rất nhỏ xung quanh bao bọc bởi rừng cao su xanh mướt, hướng đi Long Khánh. Dân cư ở đây di tản hết mấy ngày trước chỉ còn lính. Thị trấn bây giờ thật trống vắng, đìu hiu! Trong ngày Thiết Đoàn đóng dọc theo bên phải Quốc Lộ, 8 giờ tối di chuyển qua bên trái Quốc Lộ ngụỵ trang trong vườn chuối. Trong binh thư thì đây là một thế trận nghi binh tuyệt vời!

Ngày 28/4/1975: Lúc 1 giờ sáng trận chiến bắt đầu, vị trí đóng quân hôm qua chúng tôi đã bỏ đi cách vị trí mới khoảng 300m, địch không ngờ được, vị trí đó đã bị hoả tập bằng đại pháo 130 ly và hoả tiễn 122 ly. Hàng trăm đạn pháo địch đã bắn vào đây, một vị trí bé nhỏ mà bọn chúng tưởng rằng đủ để Bộ Binh và Thiết Giáp nơi đây tan nát. Tất cả mọi người chúng tôi tại đây đều căng mắt ra chờ đợi để tiếp chiêu với một lực lượng mà ban 2 Thiết Đoàn cho biết có cả một Sư Đoàn chính quy CSBV cùng nhiều chiến xa T54, đại pháo 130 ly phối hợp.

Thời gian chờ đợi đã đến, khoảng 3 giờ sáng có nhiều bóng người xuất hiện khoảng 200 m và vị trí chúng tôi được che khuất bởi những hàng chuối, cỏ tranh cao tới cổ. Bỗng nhiên trong hệ thống truyền tin, Th/Uý Trự, Chi Đội Trưởng báo cáo lên Chi Đoàn:

- “Báo cáo Phi Hổ tôi nghe tiếng người nói tăng ta hay tăng địch, nhận rõ trả lời.” Phi Hổ đáp: “Cho con cái anh bấm mìn Claymore và Taxi (Tác xạ) ngay.”

Các bạn thử tưởng tượng một Trung Đoàn địch hơn 2000 quân đi ngang qua một Thiết Đoàn Thiết Giáp gần 60 chiếc M113 và M41 với một khoảng cách rất ngắn chừng 200m. Chúng tôi xóa sổ hết cả một Trung Đoàn địch. Trước đầu xe chỉ huy M113, một tên địch giơ cao khẩu B40 lên đầu hàng, tôi bảo anh xạ thủ đừng bắn nhưng vì nòng súng Đại Liên 50 ly nóng quá nên kích hỏa, một viên đạn nổ ghim vào người anh chết luôn. Thây giặc phơi đầy trên mặt đất không đếm được.

Đich tiếp tục tấn công bằng một Sư Đoàn 341, Sư Đoàn thiện chiến nhất của Quân Đoàn 4, địch có nhiều chiến xa T54, đại pháo 130 ly yễm trợ. Lúc này thì TĐ 5 KB tứ bề thọ địch. Chi Đoàn chúng tôi dàn đội hình tác chiến thế chân vẹt cạnh đường rầy xe lửa. Lực lượng địch tập trung tấn công chúng tôi, địch muốn dứt điểm sớm để tiên nhanh vào Sài Gòn. Tình hình Thiết Đoàn vô cùng nguy kịch vì rất nhiều T54 bám sát rồi bắt đầu khai hỏa, những tiếng đạn 100 ly của T54 nổ đi nghe rợn người, từng cục đạn lửa bay vút qua đội hình của Chi Đoàn và Thiết Đoàn. Đơn vị phải dùng hết hoả lực cơ hữu chống trả dữ dội.

Không biết quân địch ở đâu mà đông quá trời, hết lớp này ngã xuống thì lớp khác tiến lên. Tôi nghĩ nhanh chỉ có một phép lạ mới ngăn được biển người tấn công này. Và phép mầu thật sự đã tới, hai phi tuần Skyraider xuất hiện mang theo những quả bom Napalm trút ngay lên đầu địch, một giòng thác lửa cuồn cuộn bùng lên cạnh Thiết Đoàn, một độ nóng khủng khiếp rất gần tưởng chừng như thiêu rụi cả hai bên.

Nhờ bức tường lửa này mà sự tiến quân của chúng phải dừng lại ngay vì chết rất nhiều, thiệt hại rất nặng. Nếu không có hai phi tuần này thì TĐ 5 KB chúng tôi phải tan nát! Tôi nhìn lên bầu trời thì bốn chiếc khu trục đã rời vùng. Tôi thầm cám ơn khâm phục những chàng Pilot tài ba của Không Lực VNCH.

Kết quả trận chiến vừa rồi thì phía chúng tôi 1 M41, 2 M113, 1M132 (xe phun lửa) đổi lấy 3 T54 của địch. Chuyện thắng bại đến giờ phút này tất cả không thành là vấn đề nữa, chúng tôi đã chiến đấu với tinh thần DANH DỰ, TRÁCH NHIỆM, TỔ QUỐC và chúng tôi đã chiến đấu đến cùng, đã làm chùn bước trước sức tiến quân vũ bão của một lực lượng CSBV cấp Sư Đoàn có chiến xa, đại phào yễm trợ.

Trận xa chiến TĐ 5 Kỵ Binh.

Tại Trảng Bom suốt ngày 28/4/75 TĐ 5 KB (-) chỉ có CĐ 1/5 CX và CĐ 2/5 TK đọ sức với SĐ 341 CSBV có chiến xa. Tới xế chiều Hỏa Long dàn trận phục kích chiến xa địch thật tuyệt vời như sau, Hỏa Long cho CĐ 1/5 CX ém quân vào những bụi cây hai bên một trảng trống, tạo một chiến trường lý tưởng thiết giáp cho Bắc quân, Hỏa Long cho M 113 của CĐ 2/5 Thiết kỵ dụ chiến xa T54 địch rượt theo, khi chiến xa địch lọt vào thế trận phục kích thì những khẩu đại bác 76 ly khai hỏa. Hai chiếc T 54 đi đầu bốc cháy, tùng thiết địch bị các khẩu ĐL 50, 30 từ những M 113 của CĐ 2/5 Thiết Ky làm cỏ.

Tiếp theo ngày 29/4/75 địch tung thêm quân và chiến xa để phục thù thì gặp sự kháng cự TĐ 5 KB (-) cùng Lữ Đoàn 468 TQLC tại tuyến phòng thủ Hố Nai. Lữ Đoàn Trưởng TQLC, Trung Tá Nguyễn Đằng Tống (Khóa 16 VBĐL) bắt tay với Hoả Long, Trung Tá Trần Văn Nô, Thiết Đoàn Trưởng TĐ 5 KB chống trả mãnh liệt và bắn hạ thêm 6 chiếc T 54 cùng tùng thiết địch chết không đếm được.

Đây là thắng lợi của trận đánh cuối cùng một chọi năm, sáu so với địch quân mà Lữ Đoàn 468 TQLC cùng Thiết Đoàn 5 Kỵ Binh đã làm nên chiến sử vẻ vang cho QLVNCH.

HN11

http://www.quehuongngaymai.com/forums/showthread.php?221257-Tr%E1%BA%ADn-Xa-Chi%E1%BA%BFn-Gi%E1%BB%AFa-Thi%E1%BA%BFt-%C4%90o%C3%A0n-5-K%E1%BB%B5-Binh-v%C3%A0-Chi%E1%BA%BFn-Xa-%C4%90%E1%BB%8Bch
 photo Vietnamese Army called the military uniform Quacircn phc Taacutec chin_zpsotdbnzea.jpg

No comments:

Post a Comment