Cỡ đạn: 7.5 x 54 mm
Trọng lượng: 3.7 kg (không có gắp đạn)
Chiều dài: 1020 mm
Tốc độ đạn khi ra khỏi nòng: 853.6 m/s
Tầm bắn hiệu quả: 270 m – 450 m
Băng đạn: 5 viên đạn
Súng tiểu liên Thompson, M1928, Mỹ chế tạo
--
Cỡ đạn: .45 ACP (11.43×23mm)
Trọng lượng: 4.9 kg (kiểu M128A1), 4.8 kg (kiểu M1A1)
Chiều dài: 850 mm (kiểu M128A1), 810 mm (kiểu M1A1)
Tốc độ đạn khi ra khỏi nòng: 285 m/s
Tầm bắn hiệu quả: 50 m.
Tốc độ bắn: 500 – 1500 phát/phút (tùy theo kiểu)
Băng đạn:
Băng đạn 20 viên
Băng đạn 30 viên
Băng đạn tròn 50 viên
Băng đạo tròn 100 viên
Đạn của súng Thompson
Súng tiểu liên Thompson được sáng chế bởi viên tướng Mỹ John T.
Thompson. Trong thời Đệ Nhất Thế Chiến, quân Anh, Pháp và quân Đức gìm
nhau tại chiến lũy Magino. Hai bên đào công sự dài hàng chục cây số để
phòng thủ cho phần đất của mình. Thỉnh thoảng một bên xung phong qua
phía bên kia bắn vào quân sĩ địch đang núp dưới hầm. Ông Thompson nảy ra
ý kiến là nên có khẩu súng bắn liên thanh, vãi đạn ra thật nhiều để
quét vào binh sĩ địch đang núp thành hàng dài dưới hầm thì sẽ giết được
nhiều quân địch hơn là dùng súng bắn phát một. Vì thế ông nghĩ ra khẩu
tiểu liên này. Nhưng khẩu súng này chưa làm xong thì Thế Chiến 1 đã chấm
dứt. Sau đó, súng này vẫn được phát triển thêm và được sử dụng trong
Thế Chiến thứ 2 và những năm sau Thế Chiến thứ 2.
John Thompson, cha đẻ của tiểu liên Thompson, hình chụp năm 1921
Khẩu tiểu liên Thompson cũng được dân anh chị băng đảng tội phạm
Mafia ở Mỹ ưa chuộng vì sự lợi hại bắn được nhiều đạn. Một băng đạn súng
Thompson có thể chứa đến 30 viên nếu là băng thẳng, nếu dùng hộp tròn
thì có thể chứa đến 100 viên. Dùng súng này tưới đạn vào địch thủ đang
ngồi trong xe hơi hay đang ngồi trong nhà thì khả năng giết kẻ địch rất
là cao. Dân giang hồ Mỹ gọi đây là khẩu Tomy Gun, Tomy là chữ gọi chệch
ra từ chữ Thompson.
Trong chiến tranh chống Pháp, cả hai bên Pháp và Việt đều có sử dụng
súng này. Pháp được Mỹ viện trợ cho súng này còn Việt Minh thì tịch thu
được của Pháp để dùng. Sau này, khi Pháp rút đi thì các súng Thompson
được để lại cho quân đội Việt Nam Cộng Hòa tại miền Nam.
Súng Thompson có lợi điểm là mang nhiều đạn và ít bị kẹt đạn. Khuyết
điểm của súng là vì đạn 12 mm nên sức giật rất mạnh. Người bắn bị giật
mạnh nên khó nhắm chính xác. Một nhược điểm nữa là đầu đạn tròn và tầm
bắn không xa. Nếu bắn từ xa thì không xuyên thủng được mũ sắt hoặc xe
cộ. Một số tay anh chị Mỹ thấy khẩu Thompson chưa đủ mạnh nên sử dụng
súng trung liên Browning M1918 vì đạn súng này có sức xuyên phá mạnh, có
thể xuyên thủng xe hơi từ xa.
Súng lục Ru lô (rouleau) .38, Mỹ chế tạo
Cỡ đạn: .38 Special, 9.6 mm
Tốc độ đạn khi ra khỏi nòng: 250 m/s – 300 m/s
Súng gồm sáu viên đạn đựng trong ổ đạn quay tròn. Ổ đạn này tiếng
Pháp gọi là rouleau, đọc là ru lô, nên thường được gọi là súng ru lô. Vì
cỡ đạn là .38 caliber nên cũng thường được gọi là súng lục 38. Vì súng
có sáu viên đạn nên loại súng ngắn này được gọi là súng lục (lục là sáu,
tiếng Hán Việt).
Khi muốn nạp đạn thì đẩy chốt bên trái, ổ đạn tròn có sáu lỗ tròn sẽ
bật sang bên trái . Sáu viên đạn được nạp vào sáu lỗ. Sau khi đã nạp đạn
thì đẩy ổ đạn vào bên trong súng. Khi bắn thì bật cò phía sau lên rồi
bóp cò. Đầu cò sẽ mổ vào viên đạn nằm ngay trước nòng súng. Sau khi viên
đạn bắn đi thì ổ đạn tròn sẽ quay qua một nấc để viên đạn kế tiếp vào
nằm ngay trước nòng súng. Người bắn tiếp tục bóp cò để bắn viên đạn kế
tiếp. Cứ thế cho đến khi ổ đạn quay hết một vòng thì súng bắn hết sáu
viên đạn.
Súng lục Colt 45, M1911, Mỹ chế tạo
Cỡ đạn: .45 ACP (11.43×23mm)
Trọng lượng: 1.1 kg (không có đạn)
Chiều dài: 21 cm
Tốc độ đạn khi ra khỏi nòng: 251 m/s
Băng đạn: gồm 7 viên đạn, được gắn vào súng phía dưới tay cầm
Súng này thường được gọi là Colt 45 vì dùng cỡ đạn calibre .45. Vào
thời Pháp, súng này cũng được gọi là Colt Đui . Đui là đọc từ tiếng Pháp
douze tức là 12. Người Pháp gọi theo cỡ đạn bằng mm vì đạn calibre .45
có đường kính gần 12 mm. Đây là loại súng được sử dụng rộng rãi tại
nhiều nước từ thời Thế Chiến 1 qua Thế Chiến 2 và đến tận thập niên
1980. Ngày nay vẫn còn được sử dụng nhiều. Súng này sử dụng đạn cùng cỡ
với khẩu tiểu liên Thompson.
Súng Colt 45 được quân đội Mỹ sử dụng từ năm 1911. Vì súng ru lô sức
công phá yếu nên quân đội Mỹ thấy cần có loại súng lục mạnh hơn. Súng
Colt 45 đã bắn thi với một khẩu súng khác và được quân đội Mỹ chọn sau
khi đã qua nhiều cuộc thi. Một trong những thử thách đó là bắn
6000 viên đạn liên tục trong hai ngày, hai đêm. Súng được bắn liên tục
khi nòng súng nóng đỏ lên thì nhúng vào nước cho nguội lại rồi bắn tiếp.
Trong cuộc thử thách này súng Colt đã không bị lỗi nào trong khi khẩu
súng kia có 37 lỗi.
Súng Colt 45 trông có hình vuông vì nòng súng được che phủ bằng một
miếng thép có cạnh vuông . Miếng thép này có thể trượt được. Khi muốn
lên cò súng thì người bắn cầm miếng sắt này kéo về phía sau rồi buông
tay ra . Súng Colt 45 dùng sức giật của viên đạn để lên cò súng . Nhưng
không dùng nguyên tắc trích khí như các súng đời sau. Khi viên đạn nổ,
sức nổ đẩy đầu đạn đi đồng thời tạo ra một lực đẩyvề phía sau. Lực này
đẩy nòng súng và miếng sắt trượt ra phía sau. Ở giai đoạn này, nòng súng
và miếng sắt trượt khóa vào nhau nên trượt ra phía sau cùng một lúc.
Đến nửa đường, nòng súng hạ thấp xuống và không còn khóa vào miếng sắt
trượt nữa. Miếng sắt trượt tiếp tục trượt ra sau, dùng sức đẩy của đạn
để móc vỏ đạn ném ra ngoài . Khi lò xo kéo miếng sắt trượt ra phía trước
thì nó sẽ đẩy một viên đạn mới từ gắp đạn lên rồi khóa vào nòng súng,
đi cùng với nòng súng ra phía trước.
Súng Colt 45 có sức công phá rất mạnh vì bắn đạn đường kính 12 mm. Vì
đạn lớn nên sức giật của súng rất mạnh. Có người nói súng này có thể
bắn chết voi.
Colt 1911 .45 Shooting
Súng trường Garand M1
Cỡ đạn: .30-06 (7.62×63 mm)
Băng đạn: 8 viên đạn
Chiều dài: 1103 mm
Trọng lượng: 4.32 kg
Tốc độ đạn khi ra khỏi nòng: 853 m/s
Tầm bắn hiệu quả: 400 m
Súng Garand được trang bị cho quân đội Mỹ trước Đệ Nhị Thế Chiến và được
quân đội Mỹ sử dụng nhiều trong Đệ Nhị Thế Chiến và chiến tranh tại Đại
Hàn. Súng Garand là súng bắn phát một được xếp vào loại semi-automatic,
bán tự động, vì súng dùng nguyên tắc trích khí của viên đạn nổ ra để
đẩy cò súng về phía sau và lên đạn. Sở dĩ gọi là bán tự động là vì các
thế hệ súng trước đó không dùng nguyên tắc trích khí để lên cò súng nên
mỗi lần bắn xong, xạ thủ phải lên cò súng rồi mới bắn tiếp. Còn với súng
Garand, sau khi bắn một phát, thì súng tự động lên cò súng, xạ thủ chỉ
cần bóp cò để tiếp tục bắn. Chỉ gọi là bán tự động vì súng chưa phải là
hoàn toàn tự động, fully automatic, như các thế hệ súng về sau. Các súng
tiểu liên về sau cũng dùng nguyên tắc trích khí để lên cò súng, nhưng để
cho cò súng tự động mổ vào viên đạn để bắn luôn. Xạ thủ chỉ cần tiếp tục
giữ ngón tay bóp cò thì súng sẽ tự động bắn hết cả băng đạn.
Súng trường Garand được được sử dụng nhiều trong quân đội Việt Nam
Cộng Hòa cùng với súng trường Carbine. Súng Garand bắn xa và chính xác.
Tuy nhiên súng khá dài và nặng. Đạn được nạp vào súng bằng một gắp đạn gồm tám viên đạn. Sau khi bắn hết
đạn, thì gắp đạn tự động rơi ra ngoài, xạ thủ sẽ nạp gắp đạn khác.
Gắp đạn của súng Garand M1
Súng trường Carbine M1, M2, M3, M4, Mỹ chế tạo
Cỡ đạn: .30 Carbine (7.62×33mm)
Băng đạn: 15 hoặc 30 viên đạn
Trọng lượng: 2.4 kg (không có băng đạn)
Chiều dài: 900 mm
Tốc độ bắn:
M1 bắn từng phát một
M2, M3 từng phát một hoặc ba phát liên tiếp với tốc độ 850 – 900 phát/phút
Tốc độ đạn khi ra khỏi nòng: 607 m/s
Tầm bắn hiệu quả: 180 m
Vì súng trường Garand dài và nặng, nên Bộ Quốc Phòng Mỹ yêu cầu một
khẩu súng nhẹ hơn. Gọi là súng Carbine mà không phải là Rifles vì chữ
Carbine phát xuất từ chữ Carabine của Pháp. Vào thời súng trường mới
xuất hiện, súng trường, tiếng pháp là Fusil, tiếng Anh là Rifle, rất dài
và do bộ binh mang. Còn kỵ binh mang súng trường thì quá dài, vướng
víu. Vì thế loại Carabine được chế tạo để cho kỵ binh dùng. Loại súng
này ngắn hơn để kỵ binh có thể đeo bên mình ngựa mà không chạm đất và để
kỵ binh có thể ngồi trên mình ngựa mà sử dụng. Súng Carbine nhẹ, ngắn,
cũng dùng đạn 7.62 mm nhưng viên đạn ngắn hơn nên tầm bắn không xa bằng
Garand. Tuy nhẹ nhưng Carbine có sức công phá yếu hơn súng Garand. Có
nhiều trường hợp không xuyên thủng được áo giáp địch và phải bắn nhiều
phát mới hạ được địch thủ. Súng Garand và Carbine là hai loại súng chính
của quân đội Việt Nam Cộng Hòa cho đến cuối thập niên 1960 thì bắt đầu
được trang bị súng M-16.
Súng tiểu liên M16
Cỡ đạn: 5.56 x 45 mm
Tốc độ đạn khi ra khỏi nòng: 948 m/s
Tốc độ bắn:
12 – 15 phát/phút, bắn chậm
45 – 60 phát/phút, bắn ba phát một
700 – 950 phát/phút, bắn liên thanh
Tầm bắn hiệu quả:
550 m, ngắm chính xác
800 m, bắn vào một vùng rộng
Trọng lượng: 3.26 kg
Chiều dài: 1000 mm
Chiều dài nòng súng: 508 mm
Băng đạn:
20 viên, thời chiến tranh tại Việt Nam
30 viên, dùng trong khối NATO hiện nay
Súng M-16 xuất hiện tại miền Nam vào giữa và cuối thập niên 1960. Đó
là một khẩu súng có hình dáng kỳ lạ. Súng thẳng như một cây gậy và đen
chùi chũi. Báng súng không cong xuống mà chạy thẳng và làm bằng nhựa chứ
không làm bằng gỗ. Trên thân súng lại có quai xách.
Súng M-16 được thiết kế sau khi có các nghiên cứu cho thấy là phần
lớn các sát thương do súng tiểu liên xảy ra ở khoảng cách trung bình 300
m chứ không phải ở khoảng cách xa. Các súng tiểu liên trước đây vì sức
giật mạnh nên khi bắn sức giật làm nòng súng hất lên cao và đạn tỏa ra
nên không chính xác, ít trúng mục tiêu.
Súng M-16 được làm thẳng để lực giật đi thẳng vào vai người bắn. Các
khẩu tiểu liên trước đây có báng súng cong xuống để khi người bắn tì
báng súng vào vai thì thân súng cao ngang tầm mắt để người bắn ghé mắt
vào mà nhắm. Với báng súng làm thấp xuống như vậy thì trục của nòng súng
chạy cao hơn điểm báng tì vào vai. Vì thế lực giật của súng tạo ra một
momen quay theo chiều làm nâng nòng súng lên. Nòng súng sẽ bị ngóc lên
khi bắn liên thanh nên chỉ có vài viên đạn đầu là bắn gần mục tiêu còn
các viên đạn sau thì bị tỏa đi mất.
Với súng M-16, trục của nòng súng đi thẳng đúng vào điểm báng súng
tựa vào vai nên khi bắn liên thanh, khuynh hướng nòng súng bị ngóc lên
giảm đi rất nhiều. Vì làm báng súng thẳng nên khi tì báng súng vào vai
thì thân súng nằm khá thấp so với tầm mắt người bắn. Vì thế đầu ruồi và
điểm ngắm sau của súng phải nâng cao lên. Điểm ngắm phía sau được nâng
cao lên và làm thành quai xách súng.
Cũng để làm giảm thiểu việc nòng súng bị hất lên vì sức giật, súng M-16 sử dụng cỡ đạn nhỏ hơn để đạt được các ưu điểm sau:
Vì đạn nhỏ sức giật yếu hơn, khiến cho súng ít bị hất lên cao và vẫn tập trung vào mục tiêu.
Ngoài ra, đạn nhỏ và sức giật nhẹ nên lò xo đẩy thanh nạp đạn có thể
đẩy nhanh hơn nên tốc độ bắn liên thanh rất cao. Nhờ thế có thể bắn cho
nhiều viên đạn cùng thoát ra khỏi nòng cùng một lúc có thể đến đúng mục
tiên trước khi nòng súng bị hất lên vì sức giật.
Theo báo cáo của nghiên cứu về đầu đạn nhỏ thì một đầu đạn 5,56 mm
được bắn đi với vận tốc nhanh 900 m/giây có sức công phá ngang với đầu
đạn cỡ 7,62 mm được bắn đi với tốc độ chậm hơn 700 m/giây.
Ở tầm xa trên 500 m thì đầu đạn nhỏ bị sức gió thổi tạt đi nhiều hơn
là đầu đạn lớn. Nhưng cũng ở tầm trên 500 m thì đầu đạn lớn sẽ rơi xuống
nhanh hơn đầu đạn nhỏ vì nặng hơn nghĩa là kém chính xác hơn đầu đạn
nhỏ.
Một lợi điểm khác của đầu đạn nhỏ là vì đạn nhẹ hơn nên một người
lính sử dụng súng với đầu đạn 5,56 mm có thể mang số lượng đạn gấp đôi
số lượng đạn với đầu đạn 7,62 mm.
Việc chọn đầu đạn nhỏ có ưu và khuyết điểm của nó. Người thiết kế
súng M-16 chọn đầu đạn nhỏ để lấy ưu điểm có khả năng sát thương cao
trong tầm bắn 300 mét là tầm sát thương xảy ra phần lớn trên chiến
trường.
Do lợi điểm của đầu đạn nhỏ nên ngày nay, nhiều nước chế tạo súng
tiểu liên đã chọn cỡ đạn nhỏ tương đương với cỡ đạn của súng M-16.
Khi súng M-16 được đem sử dụng tại Việt Nam lần đầu tiên, súng hay bị
kẹt đạn. Lý do là vì hãng Colt đã đổi loại thuốc đạn mà không dùng loại
thuốc đạn của người thiết kế. Loại thuốc đạn mới này đóng cặn trong
nòng súng làm cho kẹt đạn. Lại thêm cách cấu tạo của súng M-16 đòi hỏi
phải giữ cho súng luôn luôn sạch sẽ, nếu bị đất cát lọt vào trong súng
sẽ làm súng bị kẹt đạn. Điều này ít xảy ra với súng AK-47. Lý do súng
AK-47 ít bị kẹt đạn là vì AK-47 trích khí khi đạn nổ để đẩy một piston
thật mạnh. Tuy bị đất cát lọt vào lòng súng nhưng nhờ sức đẩy mạnh của
piston nên súng vẫn hoạt động được. Súng M-16 không dùng piston này mà
chỉ trích khí từ đạn nổ để đẩy một thanh lên đạn nằm thẳng hàng với nòng
súng. Người thiết kế súng M-16 tránh không dùng piston để đẩy mạnh bộ
máy cò vì một piston nặng khi đẩy ra phía sau khi dừng lại sẽ tạo ra một
lực giật thật mạnh. Vì piston nằm bên trên trục nòng súng nên lực này
tạo ra một momen làm nòng súng bị hất lên. Khi piston bị đẩy ra phía
trước rồi dừng lại cũng sẽ tạo ra lực giật mạnh về phía trước. Lực này
tạo ra một momen kéo nòng súng chúi xuống. Piston nằm phía trên nòng
súng, nghĩa là lệch trục với nòng súng mà giật tới giật lui liên tục
trong khi bắn liên thanh thì sẽ làm cho nòng súng bị rung liên tục, súng
sẽ bắn kém chính xác. Người thiết kế súng M-16 đặt sự chính xác của
súng làm ưu tiên cao nhất nên loại bỏ những nguyên nhân có thể làm cho
nòng súng bị rung trong khi bắn.
Vào thời đó những người sử dụng súng M-16 nhận thấy khi bắn trúng
địch thủ thì viên đạn xoáy trong cơ thể người bị trúng đạn phá ra một
vùng rất lớn làm cho vết thương trầm trọng hơn. Lúc đầu có người nghĩ có
lẽ vì đạn súng M-16 xoáy rất mạnh nên khi chui vào cơ thể nó tiếp tục
xoáy gây ra vết thương vỡ toác thật lớn. Thật ra, đạn phá ra lớn là do
sức xoáy của viên đạn yếu. Khi viên đạn có tốc độ xoáy cao thì viên đạn
sẽ luôn luôn đi thẳng, đầu đạn nhọn sẽ đi trước và viên đạn sẽ chui vào
cơ thể rồi đi ra ngoài. Vì tốc độ xoáy của đạn M-16 yếu nên khi chạm vào
da thịt người, viên đạn sẽ lộn vòng, không còn đi thẳng như trước nên
phá ra một vùng rất lớn trong cơ thể. Cũng vì sức xoáy yếu nên đầu đạn
khó đi thẳng, do đó sức xuyên phá yếu. Các thế hệ súng M-16 sau này đã
cải tiến để làm gia tăng sức xuyên phá bằng cách tăng tốc độ xoáy của
viên đạn và làm cho trọng lượng viên đạn nặng thêm một chút.
Trọng lượng của súng M-16 cũng được giảm bớt đi đáng kể so với các
đời súng trước vì các nghiên cứu cho thấy rằng, phần lớn các cuộc chạm
súng xảy ra trên chiến trường đều xảy ra bất ngờ. Trong phần lớn trường
hợp, có đến hai phần ba người lính bị giết vì trở tay không kịp. Vì thế
trọng lượng súng được làm nhẹ đi để người sử dụng có thể dùng súng một
cách linh hoạt hơn. Để giảm trọng lượng của súng, nhiều bộ phận kim loại
được làm bằng nhôm, là loại kim loại nhẹ hơn thép, và thân súng làm
bằng nhựa tổng hợp, nhẹ hơn làm bằng gỗ.
Binh sĩ Biệt Động Quân trang bị súng M-16 trong trận Tổng Công Kích, Tết Mậu Thân 1968
Súng tiểu liên Colt Commando, X177E2
Chiều dài: 826 mm
Trọng lượng: 2.43 kg
Tốc độ đạn khi ra khỏi nòng: 838 m/s
Băng đạn: 20 viên hay 30 viên
Chiều dài nòng súng: 292 mm
Súng Colt Commando X177E2 được ra đời khi binh sĩ Mỹ than phiền là
khẩu súng M-16 quá dài nên khó xoay trở trong rừng rậm. Hãng Colt sửa
đổi khẩu súng M-16 bằng cách làm nòng ngắn đi, gắn báng súng có thể thụt
vào và kéo dài ra. Có 520 khẩu súng này được đưa vào miền Nam năm 1967
để tranh bị cho lực lượng đặc biệt MACV-SOG (Military Assistance
Command, Vietnam – Studies and Observations Group) chuyên thi hành các
công tác trinh sát, bắt cóc, phá hoại thường phải hoạt động trong rừng
núi, di chuyển bằng phi cơ, tàu thuyền nên cần vũ khí có hỏa lực mạnh và
gọn nhẹ. Sau khi quân đội Mỹ rút đi vào năm 1971 thì các khẩu súng này
để lại cho lực lượng biệt kích của quân đội Việt Nam Cộng Hòa. Hãng
Colt chấm dứt sản xuất loại súng này vào năm 1970 vì thấy súng có một
số khuyết điểm cần phải nghiên cứu tốn kém để cải thiện nhưng không được
sự tài trợ của chính phủ để làm công việc nghiên cứu.
Cỡ đạn: .30-6 Springfield
Băng đạn: 20 viên
Trọng lượng: 8.8 kg
Chiều dài: 1,110 mm
Tốc độ đạn khi ra khỏi nòng: 853 m/s
Tốc độ bắn: 500-650 phát/phút
Chiều dài nòng súng: 611 mm
Tầm bắn hiệu quả: 1300 m
Tầm bắn tối đa: 4500 m
Súng trung liên M1918A2 được chế tạo từ năm 1918 để trang bị cho quân
đội Mỹ trong Thế Chiến Thứ Nhất . Khẩu súng này lúc đầu được thiết kế
để người lính cầm ngang hông mà bắn trong khi xung phong. Nhưng trong
thực tế phần lớn trường hợp thì sử dụng súng để trên mặt đất với hai
chân chống phía trước.
Súng trung liên Browning Automatic Rifle, gọi tắt là BAR, có tầm bắn
xa, có sức công phá và sức xuyên thủng thép mạnh. Súng này được quân đội
nhiều nước sử dụng trong cả hai trận Thế Chiến. Loại súng này được
trang bị cho quân đội Việt Nam Cộng Hòa vào thời kỳ đầu của cuộc chiến,
nghĩa là cuối thập niên 1950 và đầu thập niên 1960.
Một người lính Thủy Quân Lục Chiến sử dụng súng trung liên
Súng đại liên 30, M1919
Cỡ đạn: 7.62 x 51 mm NATO
Chiều dài: 964 mm
Trọng lượng: 14 kg
Tốc độ bắn: 400 – 600 phát/phút
Tốc độ đạn khi ra khỏi nòng: 850 m/s
Băng đạn: 250 viên
Tầm bắn hiệu quả: 1400 m
Đây là loại súng đại liên nhẹ, vì cỡ đạn là .30 caliber nên được gọi
là đại liên 30. Đại liên này được sử dụng bởi ba người khi đi hành
quân: một người mang súng, một người mang chân và người thứ ba mang đạn.
Súng này có thể được nhận ra dễ dàng với nòng súng có những lỗ. Đó là
lớp vỏ che ngoài nòng súng vì khi bắn được một lúc, nòng súng sẽ nóng
lên, đụng vào bỏng tay nên cần một lớp vỏ che. Lớp vỏ này có đục lỗ để
hơi nóng thoát ra ngoài.
Ngoài việc trang bị cho bộ binh, súng đại liên 30 cũng được gắn trên
xe bọc thép, tàu đi tuần trên sông. Súng đại liên 30 là đại liên được
quân đội Việt Nam Cộng Hòa sử dụng nhiều cho đến đầu thập niên 1960. Sau
đó, khi quân đội Việt Nam Cộng Hòa được trang bị bằng loại đại liên mới
M-60 thì đại liên 30 cũng vẫn được tiếp tục sử dụng.
Súng đại liên 50, M2HB
Cỡ đạn: .50 BMG (Browning Machine Gun) (12.7 mm x 99 mm)
Băng đạn: nạp đạn bằng dây đạn đựng trong hộp đạn gắn bên cạnh súng
Vận tốc đạn khi ra khỏi nòng: 890 m/giây
Vận tốc bắn: 450 – 630 phát/phút
Tầm bắn hiệu quả: 1800 m
Tầm bắn tối đa: 2000 m
Trọng lượng: 38 kg
Trọng lượng với chân đứng: 58 kg
Chiều dài: 1656 mm
Chiều dài nòng súng: 1143 mm
Đại liên 50 được gọi tên theo cỡ đạn caliber .50. Đây là loại súng
máy hạng nặng được gắn trên xe thiếp giáp, trên tàu, phi cơ. Súng đại
liên 50 có thể dùng để chống bộ binh, có khả năng xuyên thủng xe cộ,
thuyền không bọc thép hay xuyên thủng xe bọc thép hạng nhẹ. Súng đại
liên 50 cũng có thể dùng bắn phi cơ bay ở cao độ thấp.
Đại liên 50 được gắn trên xe tăng
Súng đại liên M60
Chiều dài: 1105 mm
Chiều dài của nòng: 560 mm
Trọng lượng: 10,5 kg
Cỡ đạn: 7.62 x 51 mm
Tốc độ bắn: 500 – 650 phát/phút
Tốc độ đạn khi ra khỏi nòng: 853 m/giây
Tầm bắn hiệu quả: 1100 m
Súng đại liên M-60 tương đối mới so với các loại súng máy khác như
đại liên 30, đại liên 50 hay trung liên Browning M1918A2 . Các súng máy
kia được thiết kế từ thời Đệ Nhất Thế Chiến trong khi súng M-60 được
nghiên cứu để chế tạo sau Đệ Nhị Thế Chiến và được đưa vào sử dụng trong
quân đội Mỹ vào năm 1957.
Vì thiết kế thân súng theo đường thẳng nên một phần của bộ máy cò
được đưa ra phía sau nằm một phần trong báng súng nên thu ngắn được
chiều dài của súng. Súng đại liên M-60 được thiết kế nhẹ hơn các loại
súng máy trước đây, mặc dù cũng vẫn bắn cùng cỡ đạn nên có thể bắn với
tư thế tựa trên vai, ôm bắn ngang hông. Súng cũng có thể được gắn hai
chân phía trước hoặc đặt trên giá có ba chân.
Đạn được nạp qua một dây đạn dài, nên có khi xạ thủ quấn dây đạn
quanh người khi di chuyển. Đại liên M-60 thay thế cho các loại đại liên
trước đó khi được gắn vào xe thiếp giáp, tàu thuyền, máy bay trực thăng.
Đại liên M-60 hiện nay được sử dụng rộng rãi tại hơn ba mươi quốc gia trên thế giới.
Súng phóng lựu M79
Chiều dài: 731 mm
Chiều dài nòng súng: 375 mm
Trọng lượng: 2.39 kg (khi có nạp đạn)
Cỡ đạn: 40 x 46 mm đầu đạn có mang chất nổ
Bắn phát một. Tốc độ vừa bắn vừa nạp đạn: 6 phát/phút
Tốc độ đạn khi ra khỏi nòng: 76 m/giây
Tầm bắn hiệu quả: 350 m
Tầm bắn tối đa: 400 m
Súng M-79 được gọi là súng phóng lựu vì mỗi viên đạn súng phóng ra
thật sự là một quả lựu đạn. Đầu đạn của M-79 tròn to đường kính 40 mm,
bên trong có chứa chất nổ và 300 mảnh kim loại nhỏ. Khi đầu đạn nổ sẽ
bắn ra các mảnh kim loại, gây sát thương trong vòng tròn đường kính 5 mét.
Súng M-79 được đưa vào sử dụng năm 1961 và chiến trường được sử dụng đầu tiên là tại Việt Nam.
Cách sử dụng súng M-79 khá giản dị. Để nạp đạn, súng được bẻ gập ra
phía trước và nạp đạn vào trong nòng súng. Sau đó, xạ thủ gấp súng lại,
gài chốt khóa và bóp cò bắn. Súng có thể bắn thẳng hoặc bắn vòng cầu.
Trên thân súng phía sau có bộ phận ngắm làm theo dạng nấc thang, có
nhiều nấc. Người bắn chỉnh thanh ngắm vào các nấc, tùy theo bắn xa gần.
Có thể bắn xa từ 75 mét đến 375 mét. Cứ mỗi nấc khoảng cách tăng lên 25
mét.
Súng M-79 gấp xuống
Bộ phận ngắm có thể chỉnh cao thấp tùy theo tầm bắn
Súng bắn vòng cầu, nòng súng chĩa cao hơn khi muốn bắn xa
Để tránh cho viên đạn nổ quá gần, gây thương tích cho người bắn và
đồng đội, viên đạn súng M-79 có khóa an toàn, khi viên đạn bay xa khoảng
30 mét thì khóa an toàn mới được mở ra. Khóa an toàn là loại xoay vòng
xoắn, khi khóa xoay đủ số vòng thì khóa an toàn mới được mở ra. Như vậy,
lúc bắn đi nếu viên đạn chạm phải bức tường hay cành cây mà rơi xuống
gần người bắn thì viên đạn vẫn không nổ vì khóa an toàn chưa xoay đủ
vòng của nó.
Súng M-79 cung cấp hỏa lực cho bộ binh ở vào tầm giữa súng cối 60 ly
và lựu đạn ném tay. Súng cối 60 ly bắn xa từ vài trăm mét đến 3
kilometre. Lựu đạn ném tay thì chỉ ném xa được vài chục mét. Súng M-79
bắn vào khoảng giữa từ 75 mét đến 400 mét.
Súng M-79 với đầu đạn nổ làm bắn ra hàng trăm mảnh nhỏ hiển nhiên là
loại vũ khí chống chiến thuật biển người. Có lẽ Mỹ nhận thấy trong chiến
tranh Triều Tiên, quân đội Mỹ đã nhiều lần phải rút lui vì Trung Quốc
dùng chiến thuật biển người. Vào thời đó, phần lớn binh sĩ Mỹ chỉ trang
bị súng bắn phát một và trong nhiều trường hợp hỏa lực không đủ mạnh để
ngăn chặn làn sóng người xông lên.
Một nhược điểm của súng M-79 là do trọng lượng của súng và đạn khá
nặng nên một người lính khi mang súng M-79 thì không còn sức để mang
súng tiểu liên nữa. Mà súng M-79 chỉ hoạt động ở tầm xa trên 70 mét. Ở
khoảng cách gần, người mang súng M-79 không có gì để tự vệ ngoài khẩu
súng lục vì súng M-79 nạp đạn khá chậm. Vì thế người sử dụng súng M-79
phải đi chung với đồng đội để được bảo vệ.
Để khắc phục khuyết điểm trên, vào đầu thập niên 1970, Mỹ đã nghĩ ra
loại súng phóng lựu gắn dưới nòng súng tiểu liên. Súng phóng lựu cá nhân
gắn dưới nòng súng tiểu liên đã gia tăng hỏa lực cho bộ binh một cách
đáng kể vì người xử dụng súng phóng lựu cũng có thể sử dụng cả tiểu
liên. Nhưng súng phóng lựu gắn dưới nòng súng này chỉ bắn xa được 100
mét trong khi súng M-79 có thể bắn xa đến 300 mét. Vì thế loại súng
M-79 vẫn được tiếp tục sử dụng cho các trường hợp cần đến.
Bên trong một viên đạn M-79
Súng chống tăng Bazooka M1
Chiều dài: 1370 mm
Trọng lượng: 5.8 kg
Đường kính hỏa tiễn: 60 mm
Súng Bazooka là tên để gọi chung tất cả các loại súng không giật để
chống xe tăng. Nguồn gốc của tên này là vào thập niên 1930 người Mỹ thấy
loại súng này có hình dáng giống như một nhạc cụ tên là Bazooka nên gọi
đùa súng này là Bazooka. Về sau Bazooka trở thành tên gọi không chính
thức của loại vũ khí phóng đầu đạn mang chất nổ có định hướng dùng để
chống xe tăng.
Nguyên tắc của súng Bazooka khác với các loại súng khác ở hai điểm:
1. Đó là súng không giật . Viên đạn được đặt trong nòng súng để hở ở
phía sau nên khi bắn đi, sức nổ của đạn sẽ thoát ra ngoài bằng phía sau,
nhờ vậy súng không bị giật . Các loại súng khác, khi viên đạn nổ thì
phía sau bịt kín, đầu đạn chỉ có một hướng duy nhất là đi ra khỏi nòng
súng bằng phía trước . Sức nổ đẩy viên đạn đi đồng thời tạo ra một phản
lực đẩy về phía sau làm cho súng bị giật . Viên đạn chống xe tăng tuy
tạo ra luồng khí phụt ra phía sau nhưng không phải là hỏa tiễn vì đạn
chỉ nổ một lần trong nòng súng . Sức nổ đẩy hơi nóng ra phía sau đồng
thời tạo ra một phản lực đẩy viên đạn đi ra phía trước, giống như động
cơ phản lực đẩy hơi nóng ra phía sau, và phản lực sinh ra khi phụt hơi
sẽ đẩy phi cơ về phía trước . Sở dĩ chọn cách để cho đạn nổ trong ống
phóng mà không biến viên đạn thành hỏa tiễn để phóng đi là vì nếu dùng
hỏa tiễn thì khi hỏa tiễn bay ra khỏi nòng nó vẫn tiếp tục phun hơi nóng
ra phía sau và hơi nóng này sẽ đốt cháy mặt người bắn.
2. Đầu đạn để chống xe tăng là loại đầu đạn với khối chất nổ mà mặt
đối diện với xe tăng được ngăn bằng một hình nón bằng kim loại. Hình nón
này được đặt với chóp nón quay về phía sau còn phần mở của nón hướng về
phía xe tăng. Khi chất nổ nổ, thay vì sức nổ tỏa ra khắp nơi xung quanh
thì sức nổ được hình nón làm hướng vào một điểm duy nhất ở phía trước.
Khi toàn bộ sức nổ được hướng vào một điểm duy nhất thì sẽ sinh ra một
tia plasma nóng đến hàng ngàn độ làm chảy cả thép. Cho đến ngày nay, các
đầu đạn chống xe tăng cũng vẫn dùng nguyên tắc này. Vì thế chúng ta
thấy các đầu đạn chống xe tăng thường có hình thoi, giống như hai cái
phễu úp vào nhau. Phần cái phễu gắn vào đuôi đạn thì mang chất nổ và nón
kim loại để tụ sức nóng. Còn phần hình phễu phía trước thì chỉ có tác
dụng làm cho viên đạn có đầu nhọn, ít bị cản không khí khi bay.
Cấu tạo của một đầu đạn chống xe tăng:
1. Vỏ bọc phía trước để làm cho đầu đạn nhọn, ít bị cản không khí khi bay (xanh da trời)
2. Khoảng trống . Khi đạn nổ thì sức nóng sẽ dồn vào khoảng trống này.
3. Hình nón bằng đồng để tạo cho khối chất nổ có hình nón (cam).
4. Ngòi nổ (đỏ)
5. Chất nổ
Loại Bazooka dùng tại Việt Nam là loại M1 của quân đội Mỹ và chỉ được
dùng vào cuối thập niên 1950 và đầu thập niên 1960. Vì quân đội Cộng
Sản lúc đó chưa sử dụng xe tăng nên súng Bazooka rất ít được sử dụng.
Ngoại trừ những trường hợp dùng để phá công sự. Súng cần phải hai người mới sử dụng được. Một người vác súng, một người nạp đạn vào ống từ phía sau. Vì đầu đạn hình thoi cũng được đút vào nòng
súng nên nòng súng phải làm lớn trở nên nặng nề. Các súng chống xe tăng
sau này cũng áp dụng nguyên tắc của súng Bazooka nhưng khi nạp đạn chỉ
đút phần thuốc đạn phía sau còn đầu đạn hình thoi để phía ngoài nên có
thể làm đầu đạn lớn hơn, có sức công phá mạnh hơn, mà ống phóng không
phải làm lớn quá.
Đoạn video dưới đây chiếu về khẩu súng Bazooka:
Các loại súng DKZ (Đại Bác Không Zật) cũng dùng nguyên tắc để sức nổ
thoát ra phía sau để súng không giật giống như nguyên tắc của súng
Bazooka.
Súng DKZ
Súng DKZ, nạp đạn từ phía sau. Khi bắn, hơi phụt ra phía sau
Súng chống tăng M72
Chiều dài: dưới 1000 mm
Trọng lượng: 2.5 kg
Đường kính hỏa tiễn: 66 mm
Tầm bắn hiệu quả: 200 m
Súng M-72 là súng chống tăng loại nhẹ được chế tạo gọn nhẹ để bộ binh
mang theo cùng với súng cá nhân và đạn dược. Súng M-72 chỉ bắn một lần
rồi bỏ đi. Súng gồm một hỏa tiễn chống tăng đựng bên trong ống bằng nhôm
bịt kín không để cho nước vào. Ống băng nhôm gồm hai ống lồng vào nhau .
Ống bên ngoài có gắn cò súng nhưng không có tay cầm. Ống bên trong chứa
kim hỏa để khai hỏa hỏa tiễn. Khi bắn, xạ thủ sẽ kéo ống bên trong ra
phía sau, dở nắp đậy phía trước lên. Nắp đậy phía trước bây giờ biến
thành bộ phận ngắm. Khi xạ thủ bấm nút nằm ở trên ống để bắn, hỏa tiễn
nằm trong ống khai hỏa, đốt cháy toàn bộ thuốc súng bên trong với nhiệt
độ lên đến 760 độ C rồi thoát ra khỏi ống phóng. Trên đường bay, sáu
cánh bằng kim loại nhỏ sẽ bật ra để giữ cho hỏa tiền luôn luôn bay
thẳng. Sau khi bắn thì ống kim loại không còn dùng nữa, xạ thủ sẽ vứt
ống đi.
Súng chỉ bắn một phát rồi vứt đi xem ra là một sự hoang phí. Nếu so với súng B-40, chỉ có một khẩu súng mà dùng mãi, bắn hết viên đạn này đến viên đạn kia thì quả là tiết kiệm được nhiều hơn. Nhưng súng M-72 cũng có cái lợi điểm của nó. Nhờ nhẹ nên mỗi người lính, ngoài khẩu súng cá nhân của mình, đều có thể đeo thêm một khẩu M-72. Một tiểu đội 12 người thì có thể có đến 12 khẩu súng chống tăng. Khi lâm trận, mỗi người sẽ tản mát, núp một nơi, người nào thấy cơ hội thuận tiện thì bắn xe tăng địch. Như thế sẽ gây khó khăn cho địch hơn.
Hỏa tiễn của súng M-72 có khả năng xuyên thủng thép dày 20 cm, hay bê tông dày 60 cm, hay tường đất dày 1.8 m.
Hỏa tiễn của súng M-72
Bắn hỏa tiễn bằng cách bóp vào bộ phận khai hỏa nằm bên trên ống phóng
Minh Đức
1911 vs 1911 A1 / So sánh giữa súng lục 1911 đối chọi với 1911 A1
* Pháo binh các Sư đoàn và Quân đoàn trong các trận chiến lớn:
Theo tổ chức và phối trí lực lượng Pháo binh tại các đại đơn vị Bộ binh, mỗi Sư đoàn Bộ binh có 1 tiểu đoàn 155 ly, từ 3 đến 4 tiểu đoàn Pháo binh 105 ly; mỗi tiểu đoàn Pháo binh 105 ly gồm 3 pháo đội (mỗi pháo đội có 6 khẩu đội) yểm trợ trực tiếp cho một trung đoàn Bộ binh trong suốt thời gian hành quân. Là những đơn vị hỏa lực chính của các Sư đoàn, các tiểu đoàn Pháo binh đã sát cánh cùng các đơn vị bộ chiến trong tất cả các trận chiến khốc liệt nhất, để yểm trợ hỏa lực cho đơn vị bạn trong phòng thủ cũng như trong tấn công. Sau đây một số chiến tích của các đơn vị Pháo binh trong giai đoạn sôi động nhất của cuộc chiến Việt Nam:
Tại chiến trường Quảng Trị, trong cuộc chiến Mùa Hè 1972, khi CSBV tung 45 ngàn quân vượt sông Bến Hải tổng tấn công cường tập vào các tiền cứ VNCH ở Tây và Tây Bắc tỉnh Quảng Trị vào cuối tháng 3/1972, cùng với các phi vụ không yểm của Không quân Việt Mỹ, các pháo đội 105, 155 của Pháo binh TQLC và Sư đoàn 3 BB tại các căn cứ hỏa lực trọng điểm đã yểm trợ mạnh mẽ các đơn vị bộ chiến trong nỗ lực chận đứng các đợt tấn công ồ ạt của cộng quân.
Tại mặt trận Tây Nam Thừa Thiên, trong tháng 4/1972, khi Cộng quân tung 2 trung đoàn bao vây cứ điểm Bastogne (do tiểu đoàn 2/54 phòng ngự và Checkmate (cao điểm 342, do tiểu đoàn 1/54 phòng ngự), các pháo đội 105 và 155 ly của Pháo binh Sư đoàn 1 BB đã tập trung hỏa lực tác xạ yểm trợ cho hai tiểu đoàn 1 và 2/54 BB giữ vững phòng tuyến trong hơn 1 tháng.
Tại chiến trường Nam-Tín-Ngãi (Quảng Nam, Quảng Tín, Quảng Ngãi), trong cuộc chiến Mùa Hè 1972, Pháo binh Sư đoàn 2 Bộ binh đã yểm trợ hỏa lực cho trung đoàn 5 Bộ binh tại mặt trận Quế Sơn. Cuối tháng tháng Giêng 1973, khi CSBV tung quân tấn công cường tập hải cảng Sa Huỳnh, vi phạm lệnh ngưng bắn của Hiệp định Ba Lê (có hiệu lực từ 8 giờ sáng ngày 28 tháng 11/1972), bộ chỉ huy Pháo binh Sư đoàn 2 BB đã điều động cùng một lúc 2 tiểu đoàn Pháo binh 105 và 155 ly đồng bộ yểm trợ trực tiếp cho Trung đoàn 5 Bộ binh và Liên đoàn 1 Biệt động quân 12) phản công tái chiếm Sa Huỳnh, tổng số đạn tiêu thụ trong trận đánh này lên đến trên 200 ngàn quả, mở một kỷ lục cho Pháo binh QL.VNCH.
Tại chiến trường Cao nguyên, liên tiếp trong hai mùa hè 1971, 1972, Pháo binh Quân đoàn 2 đã yểm trợ mạnh mẽ cho các tiền cứ biên phòng tại Tây Bắc Kontum trước các đợt tấn công ồ ạt của CSBV. Cũng tại chiến trường này, tháng 4/1971, Pháo binh Nhảy Dù VNCH đã mở trận hỏa công yểm trợ cho Lữ đoàn 2 Nhảy Dù giải tỏa áp lực của CSBV quanh căn cứ Hỏa lực 6. Tháng 4 năm sau (1972), tại cụm phòng tuyến Charlie và Delta do hai tiểu đoàn thống thuộc Lữ đoàn 2 Nhảy Dù trách nhiệm, Pháo binh Nhảy Dù đã yểm trợ hỏa lực cho các đơn vị trú phòng đẩy lùi được nhiều đợt tấn công của CQ.
Pháo binh Nhảy Dù
Tại chiến trường Miền Đông Nam phần và chiến trường Căm Bốt, trong hai năm 1970 và 1971, Pháo binh Sư đoàn 5, Sư đoàn 18 và Sư đoàn 25 Bộ binh và các tiểu đoàn Pháo binh thống thuộc Quân đoàn 3 đã lập chiến tích trong các cuộc hành quân quy mô Toàn Thắng do Quân đoàn 3 tổng chỉ huy. Riêng trong chiến dịch Toàn Thắng 42 khởi đầu cho các cuộc hành quân tổng truy kích các đơn vị CSBV trên đất Cam Bốt, trong đội hình của hai chiến đoàn 318 và 333 có các tiểu đoàn Pháo binh 105 ly, Pháo binh đội 155 ly của Quân đoàn 3, và Sư đoàn 18, Sư đoàn 5. Các đơn vị Pháo binh nói trên đã yểm trợ hỏa lực cho các trung đoàn 43, 48/Sư đoàn 18 Bộ binh và Liên đoàn 3 Biệt Động quân trong suốt cuộc hành quân.
Tại chiến trường Miền Tây thuộc vùng trách nhiệm của Quân đoàn 4, các tiểu đoàn Pháo binh của Sư đoàn 7, Sư đoàn 9, Sư đoàn 21 Bộ binh đã yểm trợ cho các trung đoàn Bộ binh chận đứng cuộc tấn công lớn của CSBV trong hai năm 1971, 1972 và những tháng đầu của năm 1973 tại Định Tường, Kiến Phong, Kiến Tường, Châu Đốc, Hà Tiên, Chương Thiện… Riêng trong trận chiến tại An Lộc hè 1972, khi Sư đoàn 21 Bộ binh được điều động từ Miền Tây lên Bình Long để giải tỏa áp lực của CQ trên Quốc lộ 13, tiếp ứng cho lực lượng tử thủ An Lộc, các tiểu đoàn Pháo binh Sư đoàn 21 Bộ binh đã tham chiến với hỏa lực mạnh mẽ, và trong các trận kịch chiến giữa các đơn vị VNCH và CSBV tại Suối Tàu Ô, một thành phần của Pháo binh Sư đoàn 21 đã mở các trận hỏa công yểm trợ cho đơn vị bạn giữ vững trận địa.
* Pháo binh VNCH tại các căn cứ hỏa lực:
Trong hai năm 1970 và 1971, Lực lượng Hoa Kỳ tại Việt Nam đã lần lượt chuyển giao các căn cứ hỏa lực cho các đơn vị VNCH. Do địa hình và địa thế chiến trường, trước năm 1970, Liên quân Việt-Mỹ đã xây dựng các cụm tuyến hỏa lực dọc theo các khu vực miền núi ở Vùng 1 Vùng 1 và Vùng 2 chiến thuật, chỉ riêng tại chiến trường Trị Thiên đã có hơn 20 căn cứ hỏa lực từ phía Bắc đèo Hải Vân đến phía Nam khu Phi Quân sự.
Căn cứ hỏa lực có nhiệm vụ cung ứng hỏa lực Pháo binh nhanh nhất và có hiệu quả nhất cho các lực lượng bộ chiến. Tại Vùng 1 và Vùng 2 chiến thuật, các đơn vị Pháo binh đã được bố trí theo hai cách: một là các vị trí dã chiến cấp thời. Vị trí này gồm một vài khẩu 105 ly không giật, mỗi khẩu được trực thăng Chinook CH-47 không vận tới hoặc được và một vận tải xa 2.5 tấn rưỡi kéo đến. Một vị trí Pháo binh được chuẩn bị kỹ càng hơn khi yểm trợ một căn cứ hỏa lực và đây là cách thứ hai, được áp dụng cho các căn cứ hỏa lực tại chiến trường Vùng 1, nhất là chiến trường Trị Thiên.
Để giúp bạn đọc muốn tìm hiểu về sự tổ chức, vai trò và khả năng yểm trợ của các căn cứ hỏa lực, dựa theo tài liệu của Pháo binh VNCH và Hoa Kỳ và một số bài viết trên tạp chí KBC, chúng tôi xin lược trình mô hình của một căn cứ Pháo binh yểm trợ hỏa lực kiểu mẫu được xây dựng và tổ chức như sau:
Căn cứ hỏa lực là một tiền đồn bán thường trực gồm 1 pháo đội 6 khẩu 105 ly không giật với đầy đủ vũ khí và hệ thống phòng thủ. Được xây xen kẻ với các đơn vị Bộ binh, các khẩu Pháo binh ở căn cứ bắn những trái 33 pounds với tầm sát hại chu vi 30 mét và bắn xa tới 11 km ở bất cứ thời tiết nào. Tại một số căn cứ trọng yếu, thông thường được tăng cường bằng những khẩu đội 155 ly không giật để cung cấp tầm tác xạ cao hơn.
Khi đơn vị Bộ binh bạn hành quân cách xa các căn cứ Pháo binh này thì đôi khi căn cứ được tăng cường thêm vài khẩu đội 175 ly. Do phải yểm trợ cho nhiều đơn vị Bộ binh nên thường các căn cứ hỏa lực được xây dựng ở trung tâm trong khu vực các đơn vị Bộ binh phòng ngự hoặc hành quân để có thể bắn yểm trợ tứ phía và các căn cứ hỏa lực này có thể yểm trợ lẫn nhau.
Về địa thế, các địa điểm để xây cất căn cứ hỏa lực Pháo binh phải được chọn ở nơi quang đảng, tránh xa các nơi cây to lớn. Lựa chọn này có hai mục đích: một là địch quân không xâm nhập lén lút phá hoại căn cứ, hai là để Pháo binh có thể bắn ở góc độ thấp nhất. Tuy nhiên đôi khi không có địa thế quang đảng, căn cứ Pháo binh được xây giữa rừng sâu sau khi đã khai quang một chu vi khá rộng. Để có thể có một địa điểm quang đảng tối thiểu và phòng thủ chu vi dễ dàng hơn, các sĩ quan Công binh chiến đấu cắm một cây cọc ở trung tâm rồi vạch một vòng tròn có đường kính 40 thước. Bên trong cái vòng tròn này, Công binh xây một đài quan sát, một bộ chỉ huy và các hầm hố chứa đồ tiếp liệu và đạn dược.
Làm việc với quân nhân Pháo binh, các sĩ quan Công binh phối hợp xây các ụ gắn 6 khẩu 105 ly theo địa hình và phương hướng như ngôi sao năm cánh. Chung quanh các ụ súng này được một bức tường bao cát phòng thủ, các ụ đạn… Trong số 6 khẩu 105 ly, các pháo thủ và anh em Công binh còn đặt 4 ụ súng cối 81 ly và đào các hầm ăn sâu với nhau bằng giao thông hào rộng 5 thước dọc theo chu vi để các binh sĩ Bộ binh phòng thủ căn cứ đặt các súng đại liên, súng phóng lựu và súng cá nhân. Kế tiếp các sĩ quan Công binh dùng một sơi dây khác thường dài 75 mét và làm một vòng tròn bên ngoài vòng tròn chính. Thường vòng tròn này không tròn như vòng tròn trước vì địa thế đất đai bất thường. Dọc theo vòng tròn thứ hai này, họ giăng các cuộn kẻm gai dày dặc, gài mìn claymore và lựu đạn chiếu sáng. Họ chọn một điểm thích hợp nhất để làm trạm gác và cổng ra vào, để đơn vị Bộ binh phòng thủ ứ ra ngoài đi kích, thám sát khu vực bên ngoài căn cứ. Mỗi căn cứ hỏa lực Pháo binh cũng có một bãi đáp trực thăng. Các pháo thủ tại căn cứ thi hành 3 nhiệm vụ: nhiệm vụ thứ nhất là bắn quấy rối và ngăn chận vào các mục tiêu mà bộ phận tình báo nghi ngờ có địch quân hoạt động. Nhiệm vụ thứ hai là bắn vào mục tiêu địch dọn đường cho Bộ binh tấn công và chiếm mục tiêu. Mục đích của nhiệm vụ này là phá các ổ mìn bẫy của địch quân và phân tán địch không cho tập trung trước khi lực lượng bộ chiến tấn công mục tiêu. Nhiệm vụ thứ ba là yểm trợ hỏa lực Pháo binh trực tiếp cho các đơn vị Bộ binh đang giao tranh với Cộng quân.
Về hệ thống chỉ huy, một căn cứ hỏa lực thông thường được chỉ huy bởi sĩ quan bộ binh hoặc pháo có cấp bậc cao nhất, trên thực tế chiến trường, tại các căn cứ do 1 tiểu đoàn phòng ngự thường có 1 pháo đội Pháo binh yểm trợ do một đại úy giữ chức pháo đội trưởng do đó chỉ huy trưởng căn cứ thường là vị tiểu đoàn trưởng Bộ binh có cấp bậc thiếu tá hoặc trung tá. Trong trường hợp căn cứ phòng thủ do tiểu đoàn Bộ binh phụ trách là tiền cứ, không phảo là căn cứ hỏa lực, khi có giao tranh, mọi yêu cầu hỏa yểm sẽ do vị chỉ huy chiến trường quyết định, sau đó các yếu tố pháo yểm sẽ được vị sĩ quan tiền sát gọi về căn cứ hỏa lực gần nhất.
Với ba nhiệm vụ chính là tác xạ quấy rối địch, tác xạ vào mục tiêu trước khi đơn vị bộ chiến đổ quân, tác xạ yểm trợ cho đơn vị bạn đang giao tranh, nên căn cứ hỏa lực đã rất hữu hiệu trên chiến trường Việt Nam, nhất là tại chiến trường Vùng 1 và Vùng 2 chiến thuật.
* Hơn 1 ngàn Cộng quân tử trận, 32 chiến xa CSBV bị bắn cháy trong trận chiến sáng ngày 30-4-1975 tại phòng tuyến Sài Gòn.
Vào những ngày cuối cùng của tháng 4/1975, trong khi những người lãnh đạo tối cao của quốc gia và quân đội tìm mọi cách để ra đi, thì tại mặt trận vòng đai Sài Gòn và ngay trong Thủ đô của Việt Nam Cộng Hòa, người lính Quân lực VNCH từ anh binh nhì cho đến các trung đoàn trưởng, lữ đoàn trưởng… thuộc các binh đoàn bộ chiến, vẫn giữ vững tay súng tử chiến với Cộng quân đến phút cuối cùng.
Từ 0 giờ sáng đến 10 giờ ngày 30/4/1975, trên các cửa ngõ vào thủ đô Sài Gòn, những người lính Bộ binh, Nhảy Dù, Biệt kích Nhảy Dù, Biệt động quân, Thiết giáp, Thủy quân Lục chiến… đã đánh trận cuối cùng trong đời lính của họ: 32 chiến xa và gần 30 quân xa Cộng quân bị bắn cháy, hơn 1,000 Cộng quân tan xác… Đó là chiến tích của người lính VNCH tại mặt trận Thủ Đô Sài Gòn trong buổi sáng cuối cùng của cuộc chiến, trước khi ông Dương Văn Minh ra lệnh Quân lực VNCH buông súng vào lúc 10 giờ 15 phút ngày 30/4/1975. Trong những giờ phút cuối cùng này, tại Sài Gòn, trái tim của Việt Nam Cộng Hòa, có rất nhiều sự kiện diễn ra dồn dập, những trận đánh hào hùng và bi tráng của một số đơn vị Nhảy Dù, Biệt Cách Nhảy Dù… trước giờ G.
* Bộ Tổng Tham Mưu QL/VNCH, những giờ cuối cùng:
Trưa ngày 29 tháng 4/1975, các vị tướng có thẩmquyền tại Bộ Tổng tham mưu Quân lực VNCH đã ra đi. Đại tướng Viên rời Việt Nam từ chiều 28/4/1975 cùng với Chuẩn tướng Thọ (trưởng
phòng 3 ); Trung tướng Đồng Văn Khuyên, Tham mưu trưởng Liên quân Bộ Tổng tham mưu kiêm Tổng cục trưởng Tiếp vận ra đi vào lúc 11 giờ 30 ngày 29/4/1975. Trung tướng Nguyễn Văn Minh, Tư lệnh Biệtkhu Thủ đô cũng đã “chia tay” với các cộng sự viên của mình từ sáng ngày 29/4/1975. Để có tướng lãnh chỉ huy Quân đội, tân Tổng thống Dương Văn Minh đã cử một số tướng lãnh và cựu tướng lãnh giữ các chức vụ trọng yếu: Trung tướng Vĩnh Lộc giữ chức Tổng Tham mưu trưởng; Nguyễn Hữu Hạnh, Chuẩn tướng, đã về hưu từ tháng4/1974, làm Phụ tá Tổng tham mưu trưởng; cựu Thiếu tướng Lâm Văn Phát, được cử làm Tư lệnh Biệt khu Thủ Đô; chuẩn tướng Lê Văn Thân, nguyên Tư lệnh phó Quân khu 2,làm Tư lệnh phó phụ giúp Tướng Phát; Chuẩn tướng Nguyễn Văn Chức, nguyên Cục trưởng Công binh, Thứ trưởng Định cư trong Nội các Nguyễn Bá Cẩn, giữ chức Tổng cụctrưởng Tiếp vận.
Sau khi nhận chức Tổng tham mưu trưởng, chiều 29/4/1975, Trung tướng Vĩnh Lộc đã triệu tập một cuộc họp với các tướng lãnh và sĩ quan cao cấp đang còn ở lại Sài Gòn tại phòng họp bộ Tổng Tham Mưu và yêu cầu “mọi người đừng bỏ đi, hãy ở lại để làm việc vớitất cả trách nhiệm”.
* Trận chiến tại các cửa ngõ vào Sài Gòn:
Tại phòng tuyến Củ Chi, tối 29/4/1975, toàn bộ quân trú phòng và bộ Tư lệnh Sư đoàn 25 Bộ binh mở đường máu về Hóc Môn. Riêng Chuẩn tướng Lý Tòng Bá, Tư lệnh Sư đoàn và một Thượng sĩ cận vệ tên Ngọc đã phải thay nhau làm khinh binh với chiến thuật cá nhân để thoát khỏi vòng vây của Cộng quân. Cuối cùng vị tư lệnh Sư đoàn 25 Bộ binh bị lọt vào tay địch khi ông và người cận về gần đến Hóc Môn.
Tại mặt Nam của Sài Gòn, ngay từ ngày 28/4/1975, bộ Tư lệnh Biệt khu Thủ đô không còn quân trừ bị để giải tỏa áp lực của Cộng quân. Một liên đoàn Biệt động quân đang hành quân dọc theo quốc lộ 4 phía nam Bến Tranh đã được điều động về quận lỵ Cần Đước theo liên tỉnh lộ 5A vào buổi trưa và đặt dưới quyền điều động của bộ Tư lệnh Biệt khu Thủ đô. Liên tỉnh lộ nối liền Chợ Lớn và Cần Đước cũng bị cắt nhiều đoạn nên các lực lượng VNCH không thể phá vỡ được các chốt chận của Cộng quân tại cầu Nhị Thiên Đường (khu vực này bị Cộng quân chiếm từ rạng sáng ngày 29/4/1975).
Trong khi trận chiến xảy ra tại nhiều nơi thì kho đạn Thành Tuy Hạ lại bị pháo kích nặng nề nên phát nổ nhiều nơi. Hệ thống truyền tin liên lạc với bộ chỉ huy Kho đạn bị mất vào lúc 1 giờ chiều. Xe tăng Cộng quân xuất hiện tại Cát Lái và bắn vào cầu tàu chất đạn chưa được bốc dỡ.
Tại dãy phòng tuyến khu vực từ ngã tư Quân Vận (gần trung tâm huấn luyện Quang Trung) đến cầu Tham Lươn Bà Quẹo; Bình Thới-Ngã ba Bà Quẹo; Bảy Hiền-Lăng Cha Cả, đơn vị Nhảy Dù phòng ngự tại đây đã nỗ lực ngăn chận Cộng quân. Những người lính Dù không hề nao núng, bình tĩnh chuẩn bị cho trận đánh giờ thứ 25.
Tại vòng đai Bộ Tổng Tham Mưu, một chiến đoàn thuộc Liên đoàn 81 Biệt Cách Dù do thiếu tá Phạm Châu Tài chỉ huy đã dàn quân chận địch, từ 8 giờ sáng đến 10 giờ sáng, chiến đoàn này đã bắn cháy 6 chiến xa Cộng quân và nỗ lực đánh bật địch ra khỏi trận địa.
* Những trận đánh trước giờ G…
Từ sáng sớm ngày 30 tháng 4, tại các mặt trận quanh Sài Gòn và Biên Hòa, các đơn vị của Sư đoàn 5BB, Sư đoàn 18BB, Lữ đoàn 3 Thiết kỵ, các đơn vị Dù, Thủy quân Lục chiến, Biệt động quân… đều đặt trong tình trạng sẵn sàng ứng chiến để chận đánh Cộng quân. Tại bộ Tư lệnh Biệt khu Thủ đô, Thiếu tướng Lâm Văn Phát từ sáng sớm đã dùng trực thăng bay quan sát tình hình, vừa đáp xuống bộ Tư lệnh ông gọi máy liên lạc với Chuẩn tướng Tần, sĩ quan cao cấp nhất của Không quân vào lúc đó. Tướng Phát yêu cầu Tướng Tần cho các phi tuần khu trục liên tục oanh kích Cộng quân đang chuyển quân dọc theo con đường từ ngả tư Bảy Hiền lên đến Hóc Môn.
Trong khi các đơn vị VNCH đang nỗ lực đẩy lùi Cộng quân ra khỏi bộ Tổng tham mưu, thì vào 10 giờ 15 phút, tân Tổng thống Dương Văn Minh ra lệnh cho Quân lực Việt Nam Cộng Hòa ngưng chiến. Trước đó vài phút, chiến đoàn Biệt Cách Dù đang tung các đợt phản công để đánh bật địch quanh vòng đai Bộ Tổng Tham Mưu. Khi nhận được lệnh ngưng bắn, Thiếu tá Phạm Châu Tài, chiến đoàn trưởng Biệt Cách Dù đã lấy xe jeep vào Bộ Tổng Tham Mưu, ông được anh em binh sĩ gác cổng cho biết là Trung tướng Vĩnh Lộc, Tân Tổng Tham mưu trưởng, đã ra đi lúc 6 giờ sáng, tất cả tướng lãnh và các đại tá đã họp với Thiếu tá Tài về kế hoạch phòng thủ Tổng hành dinh bộ Tổng Tham mưu trong đêm 29/4/1975, cũng không còn ai.
Trước tình hình đó, Thiếu tá Tài đã bốc điện thoại quay số gọi về văn phòng Tổng Tổng phủ, gặp Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh ở đầu giây. Ông Hạnh hỏi Thiếu tá Tài là ai” Vị chiến đoàn trưởng đã trả lời:
-- “Tôi là chiến đoàn trưởng Biệt cách Nhảy Dù đang trách nhiệm bảo vệ bộ Tổng tham mưu, tôi xin được gặp Tổng thống”. Vài giây sau, thiếu tá Tài nghe tiếng ông Dương Văn Minh nói ở đầu máy:
-- “Đại tướng Dương Văn Minh nghe đây, có chuyện gì đó””
Thiếu tá Tài trình bày:
-- “Tôi đang chỉ huy cánh quân tử chiến với Cộng quân ở Bộ Tổng Tham mưu thì có lệnh ngưng bắn, nhưng Cộng quân vẫn tiến vào, tôi đã liên lạc với bộ Tổng Tham mưu nhưng không có ai, nên muốn nói chuyện với Tổng thống là Tổng Tư lệnh Tối cao của Quân đội để xin quyết định.”
Tướng Minh trả lời:
-- “Các em chuẩn bị bàn giao đi!”.
Thiếu tá Tài ngạc nhiên hỏi lại:
-- “Bàn giao là như thế nào thưa Đại tướng, có phải là đầu hàng không””, Tướng Minh đáp: Đúng vậy, ngay bây giờ xe tăng Việt Cộng đang tiến vào Dinh Độc Lập.
Nghe tướng Minh cho biết như vậy, Thiếu tá Tài nói ngay:
-- “Nếu xe tăng Việt Cộng tiến vào dinh Độc Lập, chúng tôi sẽ đến cứu Tổng thống”.
Tướng Minh suy nghĩ, Thiếu tá Tài nói tiếp:
-- “Tổng thống phải chịu trách nhiệm trước 2 ngàn cảm tử quân đang tử chiến với Cộng quân ở bộ Tổng tham mưu.”
Tướng Minh trả lời:
-- “Tùy các anh em”.
Theo lời Thiếu tá Tài, sau này, khi bị Cộng Quân giam trong trại tù, ông đã găp trung tá Võ Ngọc Lan, Liên đoàn trưởng Liên đoàn phòng vệ Tổng thống Phủ. Trung tá Lan nói với Thiếu tá Tài:
-- “Lúc đó, moa đứng cạnh ông tướng Minh, moa nghe toa nói vào cứu Tổng Thống.”
Thiếu tá Tài giải thích:
-- “Tổng thống là vị lãnh đạo tối cao của Quân Lực, phải cứu ông ra để có người chỉ huy Quân Đội.”
vietbao.com
------
https://www.youtube.com/embed/kb_QnzUT5AY
------------------------
Vid
30 tháng 4 Những trận đánh cuối cùng tại thủ đô - Tài liệu sưu tầm
No comments:
Post a Comment