Nhìn lại nền Giáo dục VNCH: Sự tiếc nuối vô bờbến
Giáo dục Việt Nam Cộng Hòa là nền giáo dục Việt Nam dưới chính thể Việt Nam Cộng Hòa. Triết lý giáo dục của Việt Nam Cộng Hòa là Nhân bản, Dân tộc, và Khai phóng. Hiến pháp Việt Nam Cộng Hòa nhấn mạnh quyền tự do giáo dục, và cho rằng “nền giáo dục cơ bản có tính cách cưỡng bách và miễn phí”, “nền giáo dục đại học được tự trị”, và “những người có khả năng mà không có phương tiện sẽ được nâng đỡ để theo đuổi học vấn”.
Hệ thống giáo dục Việt Nam Cộng Hòa gồm tiểu học, trung học, và đại học, cùng với một mạng lưới các cơ sở giáo dục công lập, dân lập, và tư thục ở cả ba bậc học và hệ thống tổ chức quản trị từ trung ương cho tới địa phương.
Tổng quan
Từ năm 1917, chính quyền thuộc địa Pháp ở Việt Nam đã có một hệ thống giáo dục thống nhất cho cả ba miền Nam, Trung, Bắc, và cả Lào cùng Campuchia. Hệ thống giáo dục thời Pháp thuộc có ba bậc: tiểu học, trung học, và đại học. Chương trình học là chương trình của Pháp, với một chút sửa đổi nhỏ áp dụng cho các cơ sở giáo dục ở Việt Nam, dùng tiếng Pháp làm ngôn ngữ chính, tiếng Việt chỉ là ngôn ngữ phụ. Sau khi Việt Nam tuyên bố độc lập vào năm 1945, chương trình học của Việt Nam – còn gọi là chương trình Hoàng Xuân Hãn (ban hành thời chính phủ Trần Trọng Kim – được đem ra áp dụng ở miền Trung và miền Bắc.
Riêng ở miền Nam, vì có sự trở lại của người Pháp nên chương trình Pháp vẫn còn tiếp tục cho đến giữa thập niên 1950. Đến thời Đệ Nhất Cộng Hòa thì chương trình Việt mới được áp dụng ở miền Nam để thay thế cho chương trình Pháp. Cũng từ đây, các nhà lãnh đạo giáo dục Việt Nam mới có cơ hội đóng vai trò lãnh đạo thực sự của mình.
Ngay từ những ngày đầu hình thành nền Đệ Nhất Cộng Hòa, những người làm công tác giáo dục ở miền Nam đã xây dựng được nền móng quan trọng cho nền giáo dục quốc gia, tìm ra câu trả lời cho những vấn đề giáo dục cốt yếu. Những vấn đề đó là: triết lý giáo dục, mục tiêu giáo dục, chương trình học, tài liệu giáo khoa và phương tiện học tập, vai trò của nhà giáo, cơ sở vật chất và trang thiết bị trường học, đánh giá kết quả học tập, và tổ chức quản trị.
Nhìn chung, người ta thấy mô hình giáo dục ở Miền Nam Việt Nam trong những năm 1970 có khuynh hướng xa dần ảnh hưởng của Pháp vốn chú trọng đào tạo một số ít phần tử ưu tú trong xã hội và có khuynh hướng thiên về lý thuyết, để chấp nhận mô hình giáo dục Hoa Kỳ có tính cách đại chúng và thực tiễn.
Năm học 1973-1974, Việt Nam Cộng Hòa có một phần năm (20%) dân số là học sinh và sinh viên đang đi học trong các cơ sở giáo dục. Con số này bao gồm 3.101.560 học sinh tiểu học, 1.091.779 học sinh Trung học, và 101.454 sinh viên Đại học; số người biết đọc biết viết ước tính khoảng 70% dân số. Đến năm 1975, tổng số sinh viên trong các viện đại học ở miền Nam là khoảng 150.000 người (không tính các sinh viên theo học ở Học viện Hành Chính Quốc Gia và ở các trường đại học cộng đồng).
Mặc dù tồn tại chỉ trong 20 năm (từ 1955 đến 1975), bị ảnh hưởng nặng nề bởi chiến tranh và những bất ổn chính trị thường xảy ra, phần thì ngân sách eo hẹp do phần lớn ngân sách quốc gia phải dành cho quốc phòng và nội vụ ( trên 40% ngân sách quốc gia dành cho quốc phòng, khoảng 13% cho nội vụ, chỉ khoảng 7-7,5% cho giáo dục), nền Giáo dục Việt Nam Cộng Hòa đã phát triển vượt bậc, đáp ứng được nhu cầu gia tăng nhanh chóng của người dân, đào tạo được một lớp người có học vấn và có khả năng chuyên môn đóng góp vào việc xây dựng quốc gia và tạo được sự nghiệp vững chắc ngay cả ở các quốc gia phát triển.
Kết quả này có được là nhờ các nhà giáo có ý thức rõ ràng về sứ mạng giáo dục, có ý thức trách nhiệm và lương tâm nghề nghiệp, đã sống cuộc sống khiêm nhường để đóng góp trọn vẹn cho nghề nghiệp, nhờ nhiều bậc phụ huynh đã đóng góp công sức cho việc xây dựng nền giáo dục quốc gia, và nhờ những nhà lãnh đạo giáo dục đã có những ý tưởng, sáng kiến, và nỗ lực mang lại sự tiến bộ cho nền giáo dục ở Miền Nam Việt Nam.
Triết lý giáo dục
Năm 1958, dưới thời Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục Trần Hựu Thế, Việt Nam Cộng Hòa nhóm họp Đại hội Giáo dục Quốc gia (lần I) tại Sài Gòn. Đại hội này quy tụ nhiều phụ huynh học sinh, thân hào nhân sĩ, học giả, đại diện của quân đội, chính quyền và các tổ chức quần chúng, đại diện ngành văn hóa và giáo dục các cấp từ tiểu học đến đại học, từ phổ thông đến kỹ thuật… Ba nguyên tắc “nhân bản” (humanistic), “dân tộc” (nationalistic), và “khai phóng ( liberalic) ” được chính thức hóa ở hội nghị này.
Đây là những nguyên tắc làm nền tảng cho triết lý giáo dục của Việt Nam Cộng Hòa, được ghi cụ thể trong tài liệu Những nguyên tắc căn bản do Bộ Quốc gia Giáo dục ấn hành năm 1959 và sau đó trong Hiến Pháp Việt Nam Cộng Hòa (1967).
1. Giáo dục Việt Nam Cộng Hòa là giáo dục nhân bản.
Triết lý nhân bản chủ trương con người có địa vị quan trọng trong thế gian này; lấy con người làm gốc, lấy cuộc sống của con người trong cuộc đời này làm căn bản; xem con người như một cứu cánh chứ không phải như một phương tiện hay công cụ phục vụ cho mục tiêu của bất cứ cá nhân, đảng phái, hay tổ chức nào khác.
Triết lý nhân bản chấp nhận có sự khác biệt giữa các cá nhân, nhưng không chấp nhận việc sử dụng sự khác biệt đó để đánh giá conngười, và không chấp nhận sự kỳ thị hay phân biệt giàu nghèo, địa phương, tôn giáo, chủng tộc… Với triết lý nhân bản, mọi người có giá trị như nhau và đều có quyền được hưởng những cơ hội đồng đều về giáo dục.
2. Giáo dục Việt Nam Cộng Hòa là giáo dục dân tộc.
Giáo dục tôn trọng giá trị truyền thống của dân tộc trong mọi sinh hoạt liên hệ tới gia đình, nghề nghiệp, và quốc gia. Giáo dục phải bảo tồn và phát huy được những tinh hoa hay những truyền thống tốt đẹp của văn hóa dân tộc. Dân tộc tính trong văn hóa cần phải được các thế hệ biết đến, bảo tồn và phát huy, để không bị mất đi hay tan biến trong những nền văn hóa khác.
3. Giáo dục Việt Nam Cộng Hòa là giáo dục khai phóng.
Tinh thần dân tộc không nhất thiết phải bảo thủ, không nhất thiết phải đóng cửa. Ngược lại, giáo dục phải mở rộng, tiếp nhận những kiến thức khoa học kỹ thuật tân tiến trên thế giới, tiếp nhận tinh thần dân chủ, phát triển xã hội, giá trị văn hóa nhân loại để góp phần vào việc hiện đại hóa quốc gia và xã hội, làm cho xã hội tiến bộ tiếp cận với văn minh thế giới.
Từ những nguyên tắc căn bản ở trên, chính quyền Việt Nam Cộng Hòa đề ra những mục tiêu chính sau đây cho nền giáo dục của mình. Những mục tiêu này được đề ra là để nhằm trả lời cho câu hỏi: Sau khi nhận được sự giáo dục, những người đi học sẽ trở nên người như thế nào đối với cá nhân mình, đối với gia đình, quốc gia, xã hội, và nhân loại.
Mục tiêu giáo dục thời VNCH:
1. Phát triển toàn diện mỗi cá nhân.
Trong tinh thần tôn trọng nhân cách và giá trị của cá nhân học sinh, giáo dục hướng vào việc phát triển toàn diện mỗi cá nhân theo bản tính tự nhiên của mỗi người và theo những quy luật phát triển tự nhiên cả về thể chất lẫn tâm lý. Nhân cách và khả năng riêng của học sinh được lưu ý đúng mức. Cung cấp cho học sinh đầy đủ thông tin và dữ kiện để học sinh phán đoán, lựa chọn; không che giấu thông tin hay chỉ cung cấp những thông tin chọn lọc thiếu trung thực theo một chủ trương, hướng đi định sẵn nào.
2. Phát triển tinh thần quốc gia ở mỗi học sinh.
Điều này thực hiện bằng cách: giúp học sinh hiểu biết hoàn cảnh xã hội, môi trường sống, và lối sống của người dân; giúp học sinh hiểu biết lịch sử nước nhà, yêu thương xứ sở mình, ca ngợi tinh thần đoàn kết, tranh đấu của người dân trong việc chống ngoại xâm bảo vệ tổ quốc; giúp học sinh học tiếng Việt và sử dụng tiếng Việt một cách có hiệu quả; giúp học sinh nhận biết nét đẹp của quê hương xứ sở, những tài nguyên phong phú của quốc gia, những phẩm hạnh truyền thống của dân tộc; giúp học sinh bảo tồn những truyền thống tốt đẹp, những phong tục giá trị của quốc gia; giúp học sinh có tinh thần tự tin, tự lực, và tự lập.
3. Phát triển tinh thần dân chủ và tinh thần khoa học.
Điều này thực hiện bằng cách: giúp học sinh tổ chức những nhóm làm việc độc lập qua đó phát triển tinh thần cộng đồng và ý thức tập thể; giúp học sinh phát triển óc phán đoán với tinh thần trách nhiệm và kỷ luật; giúp phát triển tính tò mò và tinh thần khoa học; giúp học sinh có khả năng tiếp nhận những giá trị văn hóa của nhân loại.
Giáo dục tiểu học:
Bậc tiểu học thời Việt Nam Cộng hòa bao gồm năm lớp, từ lớp 1 đến lớp 5 (thời Đệ Nhất Cộng Hòa gọi là lớp Năm đến lớp Nhất). Theo quy định của hiến pháp, giáo dục tiểu học là giáo dục phổ cập (bắt buộc). Từ thời Đệ Nhất Cộng Hòa đã có luật quy định trẻ em phải đi học ít nhất ba năm tiểu học. Mỗi năm học sinh phải thi để lên lớp. Ai thi trượt phải học “đúp”, tức học lại lớp đó. Các trường công lập đều hoàn toàn miễn phí, không thu học phí và các khoản lệ phí khác.
Số liệu giáo dục bậc tiểu học[8] | ||
---|---|---|
Niên học | Số học sinh | Số lớp học |
1955 | 400.865 | 8.191 |
1957 | 717.198[9] | |
1960 | 1.230.000[9] | |
1963 | 1.450.679 | 30.123 |
1964 | 1.554.063[10] | |
1970 | 2.556.000 | 44.104 |
Học sinh tiểu học chỉ học một buổi, sáu ngày mỗi tuần. Theo quy định, một ngày được chia ra 2 ca học; ca học buổi sáng và ca học buổi chiều.
Vào đầu thập niên 1970, Việt Nam Cộng Hòa có 2,5 triệu học sinh tiểu học, chiếm hơn 80% tổng số thiếu niên từ 6 đến 11 tuổi; 5.208 trường tiểu học (chưa kể các cơ sở ở Phú Bổn, Vĩnh Long và Sa Đéc).
Tất cả trẻ em từ 6 tuổi đều được nhận vào lớp Một để bắt đầu bậc tiểu học. Phụ huynh có thể chọn lựa cho con em vào học miễn phí cho hết bậc tiểu học trong các trường công lập hay tốn học phí (tùy trường) tại các trường tiểu học tư thục.
Lớp 1 (trước năm 1967 gọi là lớp Năm) cấp tiểu học mỗi tuần học 25 giờ, trong đó 9,5 giờ môn Quốc văn; 2 giờ Bổn phận công dân và Đức dục (còn gọi là lớp Công dân giáo dục). Lớp 2 (trước năm 1967 gọi là lớp Tư), Quốc văn giảm còn 8 tiếng nhưng thêm 2 giờ Sử ký và Địa lý. Lớp 3 trở lên thì ba môn Quốc văn, Công dân và Sử Địa chiếm 12-13 tiếng mỗi tuần.
Một năm học kéo dài chín tháng, nghỉ ba tháng hè. Trong năm học có khoảng 10 ngày nghỉ lễ (thông thường vào những ngày áp Tết).
Giáo dục trung học:
Tính đến đầu những năm 1970, Việt Nam Cộng Hòa có hơn 550.000 học sinh trung học, tức hơn 20% tổng số thanh thiếu niên ở lứa tuổi từ 12 đến 18; có 534 trường trung học (chưa kể các cơ sở ở Vĩnh Long và Sa Đéc).
Đến năm 1975 thì có khoảng 900.000 học sinh ở các trường trung học công lập. Các trường trung học công lập nổi tiếng thời đó có Petrus Ký, Chu Văn An, Võ Trường Toản, Trưng Vương, Gia Long, Lê Quý Đôn (Sài Gòn) tiền thân là trường Chasseloup Laubat, Quốc Học (Huế), trường Trung học Phan Chu Trinh (Đà Nẵng), Nguyễn Đình Chiểu (Mỹ Tho), Phan Thanh Giản (Cần Thơ)…
Các trường công lập đều hoàn toàn miễn phí, không thu học phí và các khoản lệ phí khác.
Tên gọi năm lớp bậc tiểu học | |
---|---|
trước 1971 | sau 1971 |
lớp năm | lớp một |
lớp tư | lớp hai |
lớp ba | lớp ba |
lớp nhì | lớp tư |
lớp nhất | lớp năm |
Tên các lớp bậc trung học đệ nhất cấp | |
lớp đệ thất | lớp sáu |
lớp đệ lục | lớp bảy |
lớp đệ ngũ | lớp tám |
lớp đệ tứ | lớp chín |
Tên các lớp trung học đệ nhị cấp | |
lớp đệ tam | lớp mười |
lớp đệ nhị | lớp 11 |
lớp đệ nhất | lớp 12 |
Trung học đệ nhất cấp:
Trung học đệ nhất cấp bao gồm từ lớp 6 đến lớp 9 (trước năm 1971 gọi là lớp đệ thất đến đệ tứ), tương đương trung học cơ sở hiện nay. Từ tiểu học phải thi vào trung học đệ nhất cấp. Đậu vào trường trung học công lập không dễ. Các trường trung học công lập hàng năm đều tổ chức tuyển sinh vào lớp Đệ thất (từ năm 1971 gọi là lớp 6), kỳ thi có tính chọn lọc khá cao (tỷ số chung toàn quốc vào trường công khoảng 62%); tại một số trường danh tiếng tỷ lệ trúng tuyển thấp hơn 10%.
Những học sinh không vào được trường công thì có thể nhập học trường tư thục nhưng phải trả học phí. Một năm học được chia thành hai “lục cá nguyệt” (hay “học kỳ”). Kể từ lớp 6, học sinh bắt đầu phải học ngoại ngữ, thường là tiếng Anh hay tiếng Pháp, môn Công dân giáo dục tiếp tục với lượng 2 giờ mỗi tuần.
Từ năm 1966 trở đi, môn võ Vovinam (tức Việt Võ đạo) cũng được đưa vào giảng dạy ở một số trường.
Học xong năm lớp 9 thì thi bằng Trung học đệ nhất cấp. Kỳ thi này thoạt tiên có hai phần: viết và vấn đáp.
Năm 1959 bỏ phần vấn đáp rồi đến niên học 1966-67 thì Bộ Quốc gia Giáo dục bãi bỏ hẳn kỳ thi Trung học đệ nhất cấp.
Trung học đệ nhị cấp:
Trung học đệ nhị cấp là các lớp 10, 11 và 12, trước 1971 gọi là đệ tam, đệ nhị và đệ nhất; tương đương trung học phổ thông hiện nay. Muốn vào thì phải đậu được bằng Trung học đệ nhất cấp, tức bằng Trung học cơ sở.
Vào đệ nhị cấp, học sinh phải chọn học theo một trong bốn ban như dự bị vào đại học. Bốn ban thường gọi A, B, C, D theo thứ tự là Khoa học thực nghiệm hay còn gọi là ban Vạn vật; ban Toán; ban Văn chương và ban Văn chương Cổ ngữ – thường là Hán văn. Ngoài ra học sinh cũng bắt đầu học thêm một ngoại ngữ thứ hai.
Vào năm lớp 11 thì học sinh phải thi Tú tài I rồi thi Tú tài II năm lớp 12. Thể lệ này đến năm học 1972-1973 thì bỏ, chỉ thi một đợt tú tài phổ thông. Thí sinh phải thi tất cả các môn học được giảng dạy (trừ môn Thể dục), đề thi gồm các nội dung đã học, không có giới hạn hoặc bỏ bớt. Hình thức thi kể từ năm 1974 cũng bỏ lối viết bài luận (essay) mà theo lối thi trắc nghiệm có tính cách khách quan hơn.
Số liệu giáo dục bậc trung học[8] | ||
---|---|---|
Niên học | Số học sinh | Số lớp học |
1955 | 51.465 | 890 |
1960 | 160.500[9] | |
1963 | 264.866 | 4.831 |
1964 | 291.965[10] | |
1970 | 623.000 | 9.069 |
Mỗi năm có hai đợt thi Tú tài tổ chức vào khoảng tháng 6 và tháng 8.
Tỷ lệ đậu Tú tài I (15-30%) và Tú tài II (30-45%), tại các trường công lập nhìn chung tỷ lệ đậu cao hơn trường tư thục do phần lớn học sinh đã được sàng lọc qua kỳ thi vào lớp 6 rồi. Do tỷ lệ đậu kỳ thi Tú tài khá thấp nên vào được đại học là một chuyện khó. Thí sinh đậu được xếp thành: Hạng “tối ưu” hay “ưu ban khen” (18/20 điểm trở lên). Thí sinh đậu Tú tài II hạng tối ưu thường hiếm. Mỗi năm toàn Việt Nam Cộng Hòa chỉ một vài thí sinh đậu hạng này, có năm không có. Kế tiếp là hạng “ưu” (16/20 điểm trở lên); “bình”(14/20); “bình thứ” (12/20), và “thứ” (10/20)
Một số trường trung học chia theo phái tính như ở Sài Gòn thì có trường Pétrus Ký, Chu Văn An, Võ Trường Toản, Trường Hồ Ngọc Cẩn (Gia Định) và các trường Quốc học (Huế), Phan Chu Trinh (Đà Nẵng), Võ Tánh (Nha Trang), Trần Hưng Đạo (Đà Lạt), Nguyễn Đình Chiểu (Mỹ Tho) dành cho nam sinh; và các trường Trưng Vương, Gia Long, Lê Văn Duyệt, Trường Nữ Trung học Đồng Khánh (Huế), Trường Nữ Trung học Bùi Thị Xuân (Đà Lạt), Trường Nữ Trung học Lê Ngọc Hân (Mỹ Tho), Trường Nữ Trung học Đoàn Thị Điểm (Cần Thơ) chỉ dành cho nữ sinh.
Học sinh trung học lúc bấy giờ phải mặc đồng phục: nữ sinh thì áo dài trắng, quần trắng hay đen; còn nam sinh thì mặc áo sơ mi trắng, quần màu xanh dương.
Trung học tổng hợp:
Chương trình giáo dục trung học tổng hợp (tiếng Anh: comprehensive high school) là một chương trình giáo dục thực tiễn phát sinh từ quan niệm giáo dục của triết gia John Dewey,sau này được nhà giáo dục người Mỹ là James B. Connant hệ thống hóa và đem áp dụng cho các trường trung học Hoa Kỳ Giáo dục trung học tổng hợp chú trọng đến khía cạnh thực tiễn và hướng nghiệp, đặt nặng vào các môn tư vấn, kinh tế gia đình, kinh doanh, công-kỹ nghệ, v.v… nhằm trang bị cho học sinh những kiến thức thực tiễn, giúp họ có thể mưu sinh sau khi rời trường trung học. Ở từng địa phương, phụ huynh học sinh và các nhà giáo có thể đề nghị những môn học đặc thù khả dĩ có thể đem ra ứng dụng ở nơi mình sinh sống.
Thời Đệ Nhị Việt Nam Cộng Hòa chính phủ cho thử nghiệm chương trình trung học tổng hợp, nhập đệ nhất và đệ nhị cấp lại với nhau. Học trình này được áp dụng đầu tiên tại Trường Trung học Kiểu mẫu Thủ Đức (khai giảng niên khóa đầu tiên vào tháng 10 năm 1965) , sau đó mở rộng cho một số trường như Nguyễn An Ninh (cho nam sinh; 93 đường Trần Nhân Tông, Quận 10) và Sương Nguyệt Ánh (cho nữ sinh; góc đường Bà Hạt và Vĩnh Viễn, gần chùa Ấn Quang) ở Sài Gòn, và Chưởng Binh Lễ ở Long Xuyên.
Bổ sung ( theo góp ý của độc giả Nguyễn ):
Ở Huế: Ngày 4-8-1964 trường Đại Học Sư Phạm Huế đã thành lập một trường
Trung-học trực thuộc mang tên Trung Học Kiểu Mẫu Huế (khai giảng niên khóa đầu tiên gồm 8 lớp, 320 học sinh, 24 nhà giáo, 7 nhân viên, với hiệu trưởng Trần Kim Nở).
Ở Cần Thơ: Năm 1966, Trung học Kiểu mẫu Cần Thơ được thành lập thuộc Phân khoa Sư phạm của Viện Đại học Cần Thơ.
Trung học kỹ thuật:
Các trường trung học kỹ thuật nằm trong hệ thống giáo dục kỹ thuật, kết hợp việc dạy nghề với giáo dục phổ thông. Các học sinh trúng tuyển vào trung học kỹ thuật thường được cấp học bổng toàn phần hay bán phần. Mỗi tuần học 42 giờ; hai môn ngoại ngữ bắt buộc là tiếng Anh và tiếng Pháp.
Các trường trung học kỹ thuật có mặt hầu hết ở các tỉnh, thành phố; ví dụ, công lập thì có Trường Trung học Kỹ thuật Cao Thắng (thành lập năm 1956; tiền thân là Trường Cơ khí Á châu thành lập năm 1906 ở Sài Gòn; nay là Trường Cao Đẳng Kỹ Thuật Cao Thắng), Trường Trung học Nông Lâm Súc Bảo Lộc, Trường Trung học Kỹ thuật Nguyễn Trường Tộ; tư thục thì có Trường Trung học Kỹ thuật Don Bosco (do các tu sĩ Dòng Don Bosco thành lập năm 1956 ở Gia Định; nay là Trường Đại Học Công Nghiệp TPHCM).
Các trường tư thục và Quốc Gia Nghĩa Tử
Các trường tư thục và Bồ đề:
Ngoài hệ thống trường công lập của chính phủ là hệ thống trường tư thục. Vào năm 1964 các trường tư thục giáo dục 28% trẻ em tiểu học và 62% học sinh trung học. Đến niên học 1970-1971 thì trường tư thục đảm nhiệm 17,7% học sinh tiểu học và 77,6% học sinh trung học.
Con số này tính đến năm 1975, Việt Nam Cộng Hòa có khoảng 1,2 triệu học sinh ghi danh học ở hơn 1.000 trường tư thục ở cả hai cấp tiểu học và trung học. Các trường tư thục nổi tiếng như Lasan Taberd dành cho nam sinh; Couvent des Oiseaux, Regina Pacis (Nữ vương Hòa bình), và Regina Mundi (Nữ vương Thế giới) dành cho nữ sinh. Bốn trường này nằm dưới sự điều hành của Giáo Hội Công Giáo.
Trường Bác ái (Collège Fraternité) ở Chợ Quán với đa số học sinh là người Việt gốc Hoa cũng là một tư thục có tiếng do các thương hội người Hoa bảo trợ. Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất có hệ thống các trường tiểu học và trung học Bồ Đề ở nhiều tỉnh thành, tính đến năm 1970 trên toàn quốc có 137 trường Bồ đề, trong đó có 65 trường trung học với tổng số học sinh là 58.466.
Ngoài ra còn có một số trường do chính phủ Pháp tài trợ như Marie Curie, Colette, và Saint-Exupéry. Kể từ năm 1956, tất cả các trường học tại Việt Nam, bất kể trường tư hay trường do ngoại quốc tài trợ, đều phải dạy một số giờ nhất định cho các môn quốc văn và lịch sử Việt Nam.
Chương trình học chính trong các trường tư vẫn theo chương trình mà Bộ Quốc gia Giáo dục đã đề ra, dù có thể thêm một số giờ hoặc môn kiến thức thêm.
Sau năm 1975, dưới chính thể Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam tổng cộng có 1.087 trường tư thục ở miền Nam Việt Nam bị giải thể và trở thành trường công (hầu hết mang tên mới).
Các trường Quốc Gia Nghĩa Tử:
Ngoài hệ thống các trường công lập và tư thục kể trên, Việt Nam Cộng Hòa còn có hệ thống thứ ba là các trường Quốc gia nghĩa tử. Tuy đây là trường công lập nhưng không đón nhận học sinh bình thường mà chỉ dành riêng cho các con em của tử sĩ hoặc thương phế binh của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa như là một đặc ân của chính phủ giúp đỡ không chỉ phương tiện học hành mà cả việc nuôi dưỡng.
Hệ thống này bắt đầu hoạt động từ năm 1963 ở Sài Gòn, sau khai triển thêm ở Đà Nẵng, Cần Thơ, Huế, và Biên Hòa. Tổng cộng có 7 cơ sở với hơn 10.000 học sinh. Loại trường này do Bộ Cựu Chiến binh quản lý chứ không phải Bộ Quốc gia Giáo dục, nhưng vẫn dùng giáo trình của Bộ Quốc gia Giáo dục.
Chủ đích của các trường Quốc gia nghĩa tử là giáo dục phổ thông và hướng nghiệp cho các học sinh chứ không được huấn luyện quân sự. Vì vậy trường Quốc gia nghĩa tử khác trường Thiếu sinh quân. Sau năm 1975, các trường quốc gia nghĩa tử cũng bị giải thể.
Giáo dục đại học:
Học sinh đậu được Tú tài II thì có thể ghi danh vào học ở một trong các viện Đại Học, trường Đại Học, và học viện trong nước. Tuy nhiên vì số chỗ trong một số trường rất có giới hạn nên học sinh phải dự một kỳ thi tuyển có tính chọn lọc rất cao; các trường này thường là Y, Dược, Nha, Kỹ Thuật, Quốc gia hành chánh và Sư Phạm.
Việc tuyển chọn dựa trên khả năng của thí sinh, hoàn toàn không xét đến lý lịch gia đình. Sinh viên học trong các cơ sở giáo dục công lập thì không phải đóng tiền. Chỉ ở một vài trường hay phân khoa đại học thì sinh viên mới đóng lệ phí thi vào cuối năm học. Ngoài ra, chính phủ còn có những chương trình học bổng cho sinh viên.
Số liệu giáo dục bậc đại học: | |
---|---|
Niên học | Số sinh viên |
1960-61 | 11.708[45] |
1962 | 16.835[10] |
1964 | 20.834[10] |
1974-75 | 166.475[46] |
Chương trình học trong các cơ sở giáo dục đại học được chia làm ba cấp. Cấp 1 (học 4 năm): Nếu theo hướng các ngành nhân văn, khoa học, v.v.. thì lấy bằng Cử nhân (ví dụ: cử nhân Triết, cử nhân Toán…); nếu theo hướng các ngành chuyên nghiệp thì lấy bằng Tốt nghiệp (ví dụ: bằng tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm, bằng tốt nghiệp Học viện Quốc gia Hành chánh…) hay bằng Kỹ sư (ví dụ: kỹ sư Điện, kỹ sư Canh nông…). Cấp 2: học thêm 1-2 năm và thi lấy bằng Cao học hay Tiến sĩ đệ tam cấp (tiếng Pháp: docteurde troisième cycle; tương đương Thạc sĩ ngày nay). Cấp 3: học thêm 2-3 năm và làm luận án thì lấy bằng Tiến sĩ (tương đương với bằng Ph.D. của Hoa Kỳ).
Riêng ngành y, vì phải có thời gian thực tập ở bệnh viện nên sau khi học xong chương trình dự bị y khoa phải học thêm 6 năm hay lâu hơn mới xong chương trình đại học.
Bổ sung của đọc giả Trần Thạnh (26.12.2013):
VNCH có nhiều trí thức tốt nghiệp từ Pháp và Hoa Kỳ nên có hai hệ thống bằng cấp khác nhau:
Theo hệ thống của Pháp (ngày trước):
– Cử Nhân (Licencié), Cao học (DEA), Tiến Sĩ Đệ Tam Cấp (Doctorat de 3è cycle), Tiến Sĩ Quốc Gia (Doctorat d’État).
Theo hệ thống của Hoa Kỳ:
– Cử Nhân (Bachelor), Master (trước 1975 chưa có từ ngữ dịch chính xác bằng cấp này), Tiến Sĩ (PhD).
Khó có thể so sánh Master và Tiến Sĩ Đệ Tam Cấp vì học trình hai bên khác nhau. ( Hiện nay trong nước dịch Master là Thạc Sĩ gây hiểu lầm cho nhiều người ).
Từ “ Thạc Sĩ ” trước đây được dùng để chỉ những người thi đậu một kỳ thi rất khó của Pháp (agrégation). Người thi đậu được gọi là Agrégé. Không có từ tiếng Anh tương đương cho từ này.
Mô hình các cơ sở giáo dục đại học:
Phần lớn các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam thời Việt Nam Cộng Hòa được tổ chức theo mô hình Viện đại học (theo Việt-Nam Tự-Điển của Hội khai trí Đức Tiến: Viện = Nơi, sở).
Đây là mô hình tương tự như university của Hoa Kỳ và Tây Âu, cùng với nó là hệ thống đào tạo theo tín chỉ (tiếng Anh: credit). Mỗi viện đại học bao gồm nhiều Phân khoa đại học (tiếng Anh: faculty; thường gọi tắt là phân khoa, ví dụ: Phân khoa Y, Phân khoa Sư phạm, Phân khoa Khoa học, v.v…) hoặc Trường hay Trường Đại học (tiếng Anh: school hay college; ví dụ: Trường Đại học Nông nghiệp, Trường Đại học Kỹ thuật, v.v…).
Trong mỗi Phân khoa Đại học hay Trường Đại học có các ngành (ví dụ: ngành Điện tử, ngành Công chánh, v.v…); về mặt tổ chức, mỗi ngành tương ứng với một ban (tiếng Anh: department; tương đương với đơn vị khoa hiện nay).
Về mặt tổ chức, viện đại học của Việt Nam Cộng Hòa duy trì đường lối phi chính trị của các đại học Tây Phương. Các khoa trưởng của các trường phân khoa không do Bộ Quốc gia Giáo dục bổ nhiệm mà do các giáo sư của Hội đồng Khoa bầu lên.
Trong hai thập niên 1960 và 1970, lúc hội nghị Hòa Bình đang diễn ra ở Paris, chính phủ Việt Nam Cộng Hòa ráo riết lên kế hoạch tái thiết sau chiến tranh, với viễn cảnh là hòa bình sẽ lập lại ở Việt Nam, một chính phủ liên hiệp sẽ được thành lập, người lính từ các bên trở về cần được đào tạo để tái hòa nhập vào xã hội. Trong khuôn khổ kế hoạch đó, có hai mô hình cơ sở giáo dục đại học mới và mang tính thực tiễn được hình thành, đó là trường đại học cộng đồng và viện đại học bách khoa.
Trường đại học cộng đồng là một cơ sở giáo dục đại học sơ cấp và đa ngành; sinh viên học ở đây để chuyển tiếp lên học ở các viện đại học lớn, hoặc mở mang kiến thức, hoặc học nghề để ra làm việc.
Các trường đại học cộng đồng được thành lập với sự tham gia đóng góp, xây dựng, và quản trị của địa phương nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển ở địa phương trong các mặt văn hóa, xã hội, và kinh tế. Khởi điểm của mô hình giáo dục này là một nghiên cứu của ông Đỗ Bá Khê tiến hành vào năm 1969 mà các kết quả sau đó được đưa vào một luận án tiến sĩ trình ở Viện Đại học Southern California vào năm 1970 với tựa đề The Community College Concept: A Study of its Relevance to Postwar Reconstruction in Vietnam (Khái niệm trường đại học cộng đồng:Nghiên cứu sự phù hợp của nó với công cuộc tái thiết hậu chiến ở Việt Nam).
Cơ sở đầu tiên được hình thành là Trường Đại học Cộng đồng Tiền Giang, thành lập vào năm 1971 ở Định Tường sau khi mô hình giáo dục mới này được mang đi trình bày sâu rộng trong dân chúng.
Vào năm 1973, Viện Đại Học Bách Khoa Thủ Đức (tên tiếng Anh: Thủ Đức Polytechnic University, gọi tắt là Thủ Đức Poly) được thành lập. Đây là một cơ sở giáo dục đại học đa ngành, đa lĩnh vực, và chú trọng đến các ngành thực tiễn. Trong thời gian đầu, Viện Đại học Bách khoa Thủ Đức có các trường đại học chuyên về Nông Nghiệp, Kỹ Thuật, Giáo Dục, Khoa Học và Nhân Văn, Kinh tế và Quản trị, và Thiết kế đô thị; ngoài ra còn có trường đào tạo sau đại học.
Theo kế hoạch, các cơ sở giáo dục đều được gom chung lại trong một khuôn viên rộng lớn, tạo một môi trường gợi hứng cho trí thức suy luận, với một cảnh trí được thiết kế nhằm nâng cao óc sáng tạo; quản lý hành chính tập trung để tăng hiệu năng và giảm chi phí.
Sau năm 1975, dưới chính thể Cộng Hoà xã hội Chủ Nghĩa Việt Nam, toàn bộ các cơ sở giáo dục đại học thời Việt Nam Cộng hòa bị đổi tên và bị phân tán theo khuôn mẫu giáo dục của Liên Xô nên không còn mô hình theo đó các trường hay phân khoa đại học cấu thành viện đại học, mà mỗi trường trở nên biệt lập.
Giáo dục đại học Việt Nam dưới các chính thể Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa và Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam theo mô hình phân tán ngành học. Các “trường đại học bách khoa” được thành lập dưới hai chính thể này ( Trường Đại Học Bách Khoa Hà Nội, Trường Đại học Bách Khoa TPHCM, và Trường Đại Học Bách Khoa Đà Nẵng) không giống như mô hình viện đại học bách khoa vì chỉ tập trung vào các ngành kỹ thuật tương tự, mô hình “trường đại học tổng hợp” (Trường Đại Học Tổng Hợp Hà Nội, Trường Đại Học Tổng Hợp TPHCM và Trường Đại Học Tổng Hợp Huế) cũng chỉ tập trung vào các ngành khoa học cơ bản, chứ không mang tính chất toàn diện.
Đến đầu thập niên 1990, chính phủ Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam mới thành lập 2 “đại học” cấp quốc gia và 3 “đại học” cấp vùng theo mô hình gần giống như mô hình viện đại học. Vào tháng 10 năm 2009, một số đại biểu của Quốc Hội nước CHXHCN Việt Nam đưa ra đề nghị gọi tên các “đại học” cấp quốc gia và cấp vùng là “viện đại học”.
Các viện đại học công lập:
Viện Đại Học Sài Gòn: Tiền thân là Viện Đại Học Đông Dương (1906), rồi Viện Đại Học Quốc Gia Việt Nam (1955)– còn có tên là Viện Đại học Quốc gia Sài Gòn. Năm 1957, Viện Đại học Quốc Gia Việt Nam đổi tên thành Viện Đại học Sài Gòn. Đây là viện đại học lớn nhất nước. Trước năm 1964, tiếng Việt lẫn tiếng Pháp được dùng để giảng dạy ở bậc đại học, nhưng sau đó thì chỉ dùng tiếng Việt mà thôi theo chính sách ngôn ngữ theo đuổi từ năm 1955. Riêng Trường Đại Học Y Khoa dùng cả tiếng Anh.
Vào thời điểm năm 1970, hơn 70% sinh viên đại học trên toàn quốc ghi danh học ở Viện Đại học Sài Gòn.
Viện Đại Học Huế: Thành lập vào tháng 3 năm 1957 với 5 phân khoa đại học: Khoa học, Luật, Sư phạm, Văn khoa, và Y khoa.
Viện Đại Học Cần Thơ: Thành lập năm 1966 với 4 phân khoa đại học: Khoa học, Luật khoa & Khoa học Xã hội, Sư phạm, và Văn khoa.
Viện Đại Học Bách Khoa Thủ Đức: Thành lập năm 1974. Tiền thân là Trung tâm Quốc gia Kỹ thuật (1957), Học viện Quốc gia Kỹ thuật (1972).
Các viện đại học tư thục:
Viện Đại Học Đà Lạt: Thành lập ngày 8 tháng 8 năm 1957. Một phần cơ sở của Viện Đại học Đà Lạt nguyên là một chủng viện của Giáo hội Công Giáo. Viện đại học này có 4 phân khoa đại học: Chính trị Kinh doanh, Khoa học, Sư phạm, Thần học và Văn khoa. Theo ước tính, từ năm 1957 đến 1975 viện đại học này đã giáo dục 26.551 người.
Viện Đại Học Vạn Hạnh: Thuộc khối Ấn Quang của Giáo hội phật giáo hội Việt Nam Thống Nhất; thành lập ngày 17 tháng 10 năm 1964 ở số 222 đường Trương Minh Giảng (sau 1975 là đường Lê Văn Sỹ), Quận 3, Sài Gòn-Gia Định với 5 phân khoa đại học: Giáo dục, Phật Học, Khoa Học Xã hội, Khoa học ứng dụng, và Văn học & Khoa học nhân văn. Vào đầu thập niên 1970, Vạn Hạnh có hơn 3.000 sinh viên.
Viện Đại Học Phương Nam: Được cấp giấy phép năm 1967 tọa lạc ở số 16 đường Trần Quốc Toản (sau năm 1975 là đường 3/2 ), quận 10, Sài Gòn. Viện đại học này thuộc khối Việt Nam Quốc Tự của Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, Giáo sư Lê Kim Ngân làm viện trưởng.
Viện Đại học Phương Nam có 3 phân khoa đại học: Kinh tế-Thương mại, Ngoại ngữ, và Văn khoa. Vào thập niên 1970, viện đại học này có khoảng 750 sinh viên ghi danh.
Viện Đại Học An Giang (Hòa Hảo): Thành lập năm 1970 ở Long Xuyên với 5 phân khoa đại học: Văn khoa, Thương mại-Ngân hàng, Bang giao Quốc tế, Khoa học Quản trị và Sư phạm. Viện Đại học này trực thuộc Giáo hội Phật Giáo Hòa Hảo.
Viện Đại Học Cao Đài: Thành lập năm 1971 trên đường Ca Bảo Đạo ở Tây Ninh với 3 phân khoa đại học: Thần học Cao Đài, Nông lâm mục, và Sư phạm. Viện Đại học này trực thuộc Giáo hội Cao Đài.
Viện Đại Học Minh Đức: Được cấp giấy phép năm 1972, trụ sở ở Sài Gòn với 5 phân khoa đại học: Kỹ thuật Canh nông, Khoa học Kỹ thuật, Kinh tế Thương mại, Nhân văn Nghệ thuật, và Y Khoa. Viện Đại học này do Giáo hội Công Giáo điều hành.
Các học viện và viện nghiên cứu:
Học Viện Quốc Gia Hành Chính: Cơ sở này được thành lập từ thời Quốc Gia Việt Nam với văn bản ký ngày 29 tháng 5 năm 1950 nhằm đào tạo nhân sự chuyên môn trong lãnh vực công quyền như thuế vụ và ngoại giao. Trường sở đặt ở Đà Lạt; năm 1956 thì dời về Sài Gòn đặt ở đường Alexandre de Rhodes; năm 1958 thì chuyển về số 100 đường Trần Quốc Toản (gần góc đường Cao Thắng, sau năm 1975 là đường 3/2), Quận10, Sài Gòn.
Học viện này trực thuộc Phủ Thủ tướng hay Phủ Tổng thống, đến năm 1973 thì thuộc Phủ Tổng ủy Công vụ. Học viện có chương trình hai năm cao học, chia thành ba ban cao học, đốc sự, và tham sự.
Học Viện Quốc Gia Nông Nghiệp (1972-1974): tiền thân là Trường Cao đẳng Nông Lâm Súc (1962-1968), Trung tâm Quốc gia Nông nghiệp (1968-1972) rồi nhập vào Viện Đại học Bách Khoa Thủ Đức năm 1974.
Ngoài những học viện trên, Việt Nam Cộng hòa còn duy trì một số cơ quan nghiên cứu khoa học như Viện Pasteur Sài Gòn, Viện Pasteur Đà Lạt, Viện Pasteur Nha Trang, Viện Hải dương học Nha Trang, Viện Nguyên tử lực Đà Lạt, Viện Khảo cổ v.v… với những chuyên môn đặc biệt.
Các trường đại học cộng đồng:
Bắt đầu từ năm 1971 chính phủ mở một số trường đại học cộng đồng (theo mô hình community college của Hoa Kỳ) như Trường Đại học Cộng đồng Tiền Giang ở Mỹ Tho, Duyên Hải ở Nha Trang, Quảng Đà ở Đà Nẵng (1974), và Long Hồ ở Vĩnh Long.
Trường Đại học Cộng đồng Tiền Giang đặt trọng tâm vào nông nghiệp; Trường Đại học Cộng đồng Duyên Hải hướng về ngư nghiệp. Riêng Trường Long Hồ còn đang dang dở chưa hoàn tất thì chính thể Việt Nam Cộng hòa bị giải tán.
Ở Sài Gòn thì có Trường Đại học Regina Pacis (khai giảng vào năm 1973) dành riêng cho nữ sinh do Công Giáo thành lập, và theo triết lý đại học cộng đồng.
Các trường kỹ thuật và huấn nghệ:
Ngoài những trường đại học còn có hệ thống trường cao đẳng như Trường Bách khoa Phú Thọ và Trường Nông lâm súc. Một số những trường này sang thập niên 1970 được nâng lên tươngđương với cấp đại học.
Trường quốc gia Nông Lâm mục: Thoạt tiên là Nha Khảo cứu Đông Dương thành lập năm 1930 ở B’lao, cơ sở này đến năm 1955 thì nâng lên thành Trường Quốc gia Nông lâm mục với chương trình học bốn năm. Diện tích vườn thực nghiệm rộng 200 ha chia thành những khu chăn nuôi gia súc,vườn cây công nghiệp, lúa thóc. Qua từng giai đoạn, trường đổi tên thành Trường Cao đẳng Nông Lâm Súc (1962-1968), Trung tâm Quốc gia Nông nghiệp (1968-1972), Học viện Quốc gia Nông nghiệp (1972-1974). Cuối cùng Trường Quốc gia Nông lâm mục được sát nhập vào Viện Đại học Bách khoa Thủ Đức ( có trụ sở ở số 45 đường Cường Để, Quận 1, Sài Gòn). Trường còn có chi nhánh ở Huế, Cần Thơ, và Bình Dương.
Trung Tâm Kỹ Thuật Phú Thọ: Thành lập năm 1957 thời Đệ nhất Cộng Hoà gồm bốn trường: Trường Cao đẳng Công chánh, Trường Cao đẳng Điện học, Trường Quốc gia Kỹ sư Công nghệ, và Trường Việt Nam Hàng hải. Năm 1968 lập thêm Trường Cao đẳng Hóa học. Năm 1972, Trung tâm Quốc gia Kỹ thuật đổi thành Học viện Quốc gia Kỹ thuật và đến năm 1974 thì nhập với Trường Đại học Nông nghiệp để tạo nên Viện Đại Học Bách Khoa Thủ Đức
Học Viện Cảnh Sát Quốc Gia: Thành lập năm 1966 để đào tạo nhân viên giữ an ninh và thi hành luật pháp.
Các trường nghệ thuật:
Trường Quốc gia Âm Nhạc và Kịch Nghệ: Thành lập ngày 12 tháng 4 năm 1956 dưới thời Đệ Nhất Cộng Hòa. Chương trình học sau được bổ túc để bao gồm các bộ môn âm nhạc cổ điễn Tây Phương và truyền thống Việt Nam cùng kịch nghệ.
Trường Quốc Gia Âm Nhạc Huế: Thành lập năm 1962 ở cố đô Huế chủ yếu dạy âm nhạc cổ truyền Việt Nam,dùng nhà hát Duyệt Thị Đường trong Kinh Thành Huế làm nơi giảng dạy.
Trường Quốc Gia Trang Trí Mỹ Thuật: Thành lập năm 1971, trên cơ sở nâng cấp Trường Trung học Trang trí Mỹ thuật Gia Định (tiền thân là Trường Mỹ nghệ Gia Định, thành lập năm 1940).
Trường Quốc Gia Cao Đẳng Mỹ Thuật Sài Gòn: Thành lập sau năm 1954; chuyên đào tạo về nghệ thuật tạo hình với các chương trình học 3 và 7 năm. Vị giám đốc đầu tiên là họa sĩ Lê Văn Đệ (1954-1966).
Sinh viên du học ngoại quốc:
Một số sinh viên bậc đại học được cấp giấy phép đi du học ở nước ngoài. Hai quốc gia thu nhận nhiều sinh viên Việt Nam vào năm 1964 là Pháp (1.522) và Hoa Kỳ (399), đa số theo học các ngành khoa học xã hội và kỹ sư.
TÀI LIỆU VÀ DỤNG CỤ GIÁO KHOA
Năm 1958, chính phủ Đệ nhất Cộng hòa cho lập Ban Tu thư thuộc Bộ Quốc gia Giáo dục để soạn, dịch, và in sách giáo khoa cho hệ thống giáo dục toàn quốc. Tính đến năm 1962, Bộ Quốc gia Giáo dục đã ấn hành xong 39 đầu sách tiểu học, 83 sách trung học, và 9 sách đại học.[82]
Các giáo chức và họa sĩ làm việc trong Ban Tu thư đã soạn thảo trọn bộ sách cho bậc tiểu học. Bộ sách này được đánh giá cao cả về nội dung lẫn hình thức. Có nhiều sách đã được viết, dịch, và phát hành để học sinh và sinh viên có tài liệu tham khảo.
Phần lớn sách giáo khoa và trang thiết bị dụng cụ học tập do Trung tâm Học liệu của Bộ Giáo dục sản xuất và cung cấp với sự giúp đỡ của một số cơ quan nước ngoài. Trung tâm này còn hợp tác với UNESCO để viết và dịch sách dành cho thiếu nhi để giúp các em hiểu biết về các nền văn hóa khác nhau và tạo sự đoàn kết giữa các nhi đồng trên thế giới. Bộ Giáo dục cũng dành riêng ngân quỹ để in sách giáo khoa bậc tiểu học cho gần 30 sắc tộc thiểu số khác nhau ở Việt Nam.
Ngoài ra, để có sự thống nhất trong việc sử dụng các danh từ chuyên môn, Bộ Giáo dục cũng đã thiết lập Ủy ban Quốc gia Soạn thảo Danh từ Chuyên môn bao gồm nhiều giáo sư đại học. Ủy ban đã soạn thảo và, thông qua Trung tâm Học liệu, ấn hành những tập đầu tiên trong lĩnh vực văn học và khoa học.[83] Trong những dự án đó Bộ cho in lại nguyên bản Truyện Kiều bằng chữ Nôm.
NHÀ GIÁO
Đào tạo giáo chức:
Trường Đại học Sư phạm Sài Gòn thuộc Viện Đại học Sài Gòn (thành lập vào năm 1957) là cơ sở sư phạm đầu tiên, bắt đầu khai giảng năm 1958.[84] Sau có thêm các trường Cao đẳng Sư phạm ở Ban Mê Thuột, Huế, Vĩnh Long, Long An, và Quy Nhơn, Nha Trang, Mỹ Tho, Cần Thơ, Long Xuyên.
Ngoài ra còn có Trường Đại học Sư phạm Huế thuộc Viện Đại học Huế và Trường Đại học Sư phạm Đà Lạt thuộc Viện Đại học Đà Lạt.
Vào thời điểm năm 1974, cả nước có 16 cơ sở đào tạo giáo viên tiểu học với chương trình hai năm còn gọi là chương trình sư phạm cấp tốc. Chương trình này nhận những ai đã đậu được bằng Trung học Đệ nhất cấp. Hằng năm chương trình này đào tạo khoảng 2.000 giáo viên tiểu học.
Giáo viên trung học thì phải theo học chương trình của trường đại học sư phạm (2 hoặc 4 năm). Sinh viên các trường sư phạm được cấp học bổng nếu ký hợp đồng 10 năm làm việc cho nhà nước ở các trường công lập sau khi tốt nghiệp.
Nha Sư phạm (thuộc Bộ Văn hóa, Giáo dục và Thanh niên) và các trường sư phạm thường xuyên tổ chức các chương trình tu nghiệp và các buổi hội thảo giáo dục để giáo chức có dịp học hỏi và phát triển nghề nghiệp. Bộ Văn hóa, Giáo dục và Thanh niên cũng gởi gởi nhiều giáo chức đi tu nghiệp ở các nước như Anh, Pháp, Hoa Kỳ, Nhật, Đức, v.v…
Đối với giáo sư đại học thì đa số xuất thân từ Viện Đại học Đông Dương ở Hà Nội từ trước năm 1954. Số khác được đào tạo ở Pháp, Đức và Mỹ. Vào năm 1970 tổng cộng có 941 giáo sư giảng dạy ở các trường đại học của Việt Nam Cộng hòa.
Đời sống và tinh thần giáo chức:
Chỉ số lương của giáo viên tiểu học mới ra trường là 250, giáo học bổ túc hạng 5 là 320, giáo sư trung học đệ nhất cấp hạng 4 là 400, giáo sư trung học đệ nhị cấp hạng 5 là 430, hạng 4 là 470.
Với mức lương căn bản như vậy, cộng thêm phụ cấp sư phạm, nhà giáo ở các thành phố thời Đệ nhất Cộng hòa có cuộc sống khá thoải mái, có thể mướn được người giúp việc trong nhà.
Sang thời Đệ nhị Cộng hòa, đời sống bắt đầu đắt đỏ, vật giá leo thang, nhà giáo cảm thấy chật vật hơn, nhất là ở những thành phố lớn như Sài Gòn và Đà Nẵng. Tuy vậy, lúc nào các nhà giáo cũng giữ vững tinh thần và tư cách của nhà mô phạm (người mẫu mực, người đóng vai trò hình mẫu), từ cách ăn mặc thật đứng đắn đến cách ăn nói, giao tiếp với phụ huynh và học sinh, và với cả giới chức chính quyền địa phương.
THI CỬ VÀ ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ HỌC TẬP
Đề thi trắc nghiệm đã được sử dụng cho môn Công dân, Sử, Địa trong các kỳ thi Tú tài I và Tú tài II từ niên khóa 1965–1966. Đến năm 1974, toàn bộ các môn thi trong kỳ thi tú tài gồm toàn những câu trắc nghiệm. Các vị thanh tra trong ban soạn đề thi đều phải đi dự lớp huấn luyện về cách thức soạn câu hỏi, thử nghiệm các câu hỏi với trên 1.800 học sinh ở nhiều nơi, phân tích câu trả lời của học sinh để tính độ khó của câu hỏi và trả lời để lựa chọn hoặc điều chỉnh câu hỏi trắc nghiệm cho thích hợp.
Đầu những năm 1970, Nha Khảo thí của Bộ Quốc gia Giáo dục đã ký hợp đồng với công ty IBM để điện toán hóa toàn bộ hồ sơ thí vụ, từ việc ghi danh, làm phiếu báo danh, chứng chỉ trúng tuyển… đến các con số thống kê cần thiết. Bảng trả lời cho đề thi trắc nghiệm được đặt từ Hoa Kỳ, và bài làm của thí sinh được chấm bằng máy IBM 1230. Điểm chấm xong từ máy chấm được chuyển sang máy IBM 534 để đục lỗ. Những phiếu đục lỗ này được đưa vào máy IBM 360 để đọc điểm, nhân hệ số, cộng điểm, tính điểm trung bình, độ lệch chuẩn, chuyển điểm thô ra điểm tiêu chuẩn, tính thứ hạng trúng tuyển v.v… Nhóm mẫu (sample) và nhóm định chuẩn (norm group) được lựa chọn kỹ càng theo đúng phương pháp của khoa học thống kê để tính điểm trung bình và độ lệch tiêu chuẩn.
Một số nhà lãnh đạo giáo dục tiêu biểu
Trong suốt thời gian 20 năm tồn tại, các vị tổng trưởng (tức bộ trưởng) và thứ trưởng giáo dục của Việt Nam Cộng hòa đã có những ý tưởng, sáng kiến, và nỗ lực mang lại sự tiến bộ cho nền giáo dục ở miền Nam Việt Nam. Sau đây là vài nhà lãnh đạo tiêu biểu:
- Phan Huy Quát: sinh năm 1911, mất năm 1979; Tổng trưởng Giáo dục Quốc gia Việt Nam 1949. Ông mất trong tù cải tạo dưới chính thể Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
- Nguyễn Thành Giung: sinh năm 1894 tại Sa Đéc; tiến sĩ vạn vật học (Viện Đại học Khoa học Marseille); Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục 1952-53 thời Quốc gia Việt Nam, kiêm Phó Viện trưởng Viện Đại học Hà Nội.
- Trần Hữu Thế: sinh năm 1922 tại Mỹ Tho, mất năm 1995 tại Pháp; tiến sĩ khoa học (1952), từng dạy học ở Lyon (Pháp) và làm giáo sư ở Trường Đại học Khoa học thuộc Viện Đại học Sài Gòn; từ 1958 đến 1960 làm Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục; từng làm Đại sứ của Việt Nam Cộng hòa tại Philippines. Dưới thời Bộ trưởng Trần Hữu Thế, số lượng học sinh, sinh viên gia tăng nhanh chóng, và nhiều cải tiến trong giáo dục đã được thực hiện. Cùng thời kỳ này, Đại hội Giáo dục Quốc gia (lần I) được tổ chức ở Sài Gòn vào năm 1958 chính thức hóa ba nguyên tắc nhân bản, dân tộc, và khai phóng làm nền tảng cho triết lý giáo dục Việt Nam Cộng hòa.
- Nguyễn Văn Trường: sinh năm 1930 tại Vĩnh Long; giáo sư tại Viện Đại học Huế; hai lần đảm trách chức vụ Tổng trưởng Giáo dục thời kỳ chuyển tiếp giữa Đệ nhất và Đệ nhị Cộng hòa. Ông là người tích cực vận động và đóng góp vào sự ra đời của Viện Đại học Cần Thơ vào năm 1966.
- Trần Ngọc Ninh: sinh năm 1923 tại Hà Nội; bác sĩ giải phẫu và giáo sư Trường Đại học Y khoa Sài Gòn, giáo sư Văn minh Đại cương và Văn hóa Việt Nam tại Viện Đại học Vạn Hạnh; Phó Thủ tướng kiêm Tổng trưởng Giáo dục thời kỳ chuyển tiếp giữa Đệ nhất và Đệ nhị Cộng hòa.[98]
- Lê Minh Trí: bác sĩ y khoa tai-mũi-họng, giáo sư Trường Đại học Y khoa Sài Gòn, làm Tổng trưởng Giáo dục bị ám sát bằng lựu đạn năm 1969.[100]
- Nguyễn Lưu Viên: sinh năm 1919; bác sĩ, từng làm việc tại Trường Đại học Y khoa Sài Gòn, Bệnh viện Chợ Rẫy, và Viện Pasteur Sài Gòn; từ 1969 đến 1971 làm Phó Thủ tướng kiêm Tổng trưởng Giáo dục rồi Phó thủ tướng kiêm Trưởng Phái đoàn Việt Nam Cộng hòa ở Hội nghị La Celle Saint Cloud trong chính phủ Trần Thiện Khiêm.
- Ngô Khắc Tĩnh: sinh năm 1922 tại Phan Rang, mất năm 2005 tại Hoa Kỳ; dược sĩ (tốt nghiệp ở Pháp); từ năm 1971 đến 1975 làm Tổng trưởng Bộ Văn hóa, Giáo dục, và Thanh niên; từ năm 1975 đến 1988 bị tù cải tạo dưới chính thể Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
- Đỗ Bá Khê: sinh năm 1922 tại Mỹ Tho, mất năm 2005 tại Hoa Kỳ; tiến sĩ giáo dục (Viện Đại học Southern California); Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Giáo dục, và Thanh niên thời Đệ nhị Cộng hòa. Ông là người đã thiết lập hệ thống các trường đại học cộng đồng ở miền Nam Việt Nam và được xem là “cha đẻ của các trường đại học cộng đồng Việt Nam”. Ông còn thiết lập Viện Đại học Bách khoa Thủ Đức vào năm 1974 dựa theo mô hình của các viện đại học bách khoa ở California (Hoa Kỳ) và làm việc với vai trò viện trưởng sáng lập của viện đại học này.
- Nguyễn Thanh Liêm: sinh năm 1934 tại Mỹ Tho; tiến sĩ giáo dục (Viện Đại học Iowa State, Hoa Kỳ); Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Giáo dục, và Thanh niên thời Đệ nhị Cộng hòa.
- Các Bộ trưởng Quốc gia Giáo dục: Vương Quang Nhường, Nguyễn Dương Đôn, Nguyễn Quang Trình
ĐÁNH GIÁ
Về học bạ trên, Giáo sư Dương Thiệu Tống, trường Trung Học Kiểu Mẫu Thủ Đức đánh giá như sau:
“Điểm nhận xét đầu tiên của tôi là điểm số các môn học ngày xưa sao lại thấp đến thế, ngay cả đối với học sinh đứng nhất lớp như các thí dụ trên đây.
…
Vậy phải chăng các thầy giáo chúng tôi ngày xưa không bị áp lực bởi thi đua đạt thành tích nên có thể cho điểm trung thực hơn? Phải chăng chúng tôi quá khắt khe với học sinh? Hay là học sinh ngày nay giỏi hơn xưa quá nhiều? Tôi xin phép dành các câu hỏi này cho các đồng nghiệp và các trường học của chúng ta suy ngẫm và tìm giải đáp.” ( Trích từ nguồn Blog Lý Toét )
Từ ngày 7 đến ngày 28 tháng 6 năm 1975 ( tức là sáu tuần sau sự kiện ngày 30 tháng 4), Arthur W. Galston, giáo sư sinh học ở Viện Đại học Yale, viếng thăm miền Bắc Việt Nam (lúc đó vẫn là Việt Nam Dân chủ Cộng hòa). Theo tường trình của Galston cho tạp chí Science số ra ngày 29 tháng 8 năm 1975 thì một trong những chủ đề khiến các nhà lãnh đạo miền Bắc bận tâm vào lúc đó là vấn đề thống nhất với miền Nam. Theo tạp chí Science thì “Việc thống nhất trong lĩnh vực khoa học và giáo dục có lẽ sẽ có nhiều khó khăn vì hai miền đã phát triển theo hai chiều hướng khác nhau trong nhiều thập niên. Nhưng dù cho có nhiều khó khăn, Galston nhận thấy các nhà lãnh đạo miền Bắc công khai bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với nhiều đặc điểm của nền khoa học và giáo dục ở miền Nam; họ dự định kết hợp những đặc điểm này vào miền Bắc khi quá trình thống nhất đang được thảo luận sôi nổi vào lúc đó thực sự diễn ra.” Theo Galston, các nhà lãnh đạo miền Bắc, cụ thể được nhắc đến trong bài là Nguyễn Văn Hiệu (Viện trưởng Viện Khoa học Việt Nam) và Phạm Văn Đồng (Thủ tướng Việt Nam Dân chủ Cộng hòa), đặc biệt quan tâm đến hệ thống giáo dục nhấn mạnh đến các ngành kỹ thuật và điện tử cùng hệ thống các trường đại học cộng đồng hệ hai năm đã được thiết lập ở miền Nam (nguyên văn tiếng Anh: “the widespread educational emphasis on engineering and electronics and the system of two-year, community colleges”).[104]
Lời chứng và đánh giá của ông Mai Thái Lĩnh, cựu sinh viên Viện Đại học Đà Lạt, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Nhân dân Thành phố Đà Lạt dưới chính thể Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam:
“Tôi là con của một cán bộ Việt Minh– tham gia Cách mạng tháng Tám tại Lâm Đồng sau đó tập kết ra miền Bắc […] Chế độ Việt Nam Cộng hòa lúc đó biết lý lịch của tôi, nhưng vẫn không phân biệt đối xử, cho nên tôi vẫn có thể học hành đến nơi đến chốn. Tính chất tốt đẹp của nền giáo dục cũ của miền Nam là điều tôi công khai thừa nhận, vì vậy suốt 14 năm phục vụ trong ngành giáo dục “xã hội chủ nghĩa” (1975-1989), tôi bị người ta gán cho đủ thứ nhãn hiệu, chụp cho nhiều thứ mũ chỉ vì tôi nêu rõ những ưu điểm của nền giáo dục cũ cần phải học hỏi. Chính là do thừa hưởng nền giáo dục đó của miền Nam mà tôi có được tính độc lập trong tư duy, không bao giờ chịu nô lệ về tư tưởng…”
Đánh giá của nhà phê bình văn học Thụy Khuê:
“Có thể nói, trong suốt thời gian chia đôi đất nước, mặc dù với những tệ nạn của xã hội chiến tranh, tham nhũng; miền Nam vẫn có một hệ thống giáo dục đứng đắn. Trong chương trình giáo khoa, các giai đoạn lịch sử và văn học đều được giảng dậy đầy đủ, không thiên hướng. Ở bậc trung học học sinh gặt hái những kiến thức đại cương về sử, về văn, và tới trình độ tú tài, thu thập những khái niệm đầu tiên về triết học. Lên đại học, sinh viên văn khoa có dịp học hỏi và đào sâu thêm về những trào lưu tư tưởng Đông Tây, đồng thời đọc và hiểu được văn học nước ngoài qua một nền dịch thuật đáng tin cậy, dịch được những sách cơ bản. Nguyễn Văn Trung trong hồi ký đã nhấn mạnh đến sự tự trị của đại học, nhờ sự tự trị này mà các giáo sư có quyền giảng dạy tự do, không bị áp lực chính trị của chính quyền. Chính điều kiện giáo dục này, đã cho phép miền Nam xây dựng được một tầng lớp trí thức, một tầng lớp văn nghệ sĩ và một quần chúng độc giả; giúp cho nhiều nhà văn có thể sống bằng nghề nghiệp của mình. Và cũng chính tầng lớp trí thức và sinh viên này đã là đối trọng, chống lại chính quyền, khi có những biến cố chính trị lớn như việc đàn áp Phật giáo thời ông Diệm và việc đấu tranh chống tham nhũng (như vụ báo Sóng Thần) thời ông Thiệu.“[107]
***
(Nguồn: Wikipedia, FB Tuyen Nguyen)
Huỳnh Minh Tú (biên tập, đối chứng từ nhiều nguồn và thêm hình ảnh sưu tầm từ Internet)
***
Mời xem thêm:
– Sài Gòn xưa – Người và Cảnh: Phần 1, Phần 2, Phần 3, Phần 4, Phần 5
Vô cùng tiếc nuối !
Pingback: Nhìn lại nền Giáo dục VNCH : Sự tiếc nuối vô bờ bến | SUỐI NGUỒN YÊU THƯƠNG
bọn việt cộng đã phá tất cả,cháu ko biết nói gì hơn vì cháu sinh ra năm 1994,nhưng nghe người lớn ở nhà kể lại cũng giống như trên trang wed này chia sẽ,cảm ơn tác giả mong 1 ngày vnch trở lại
Nhìn lại nền giáo dục 60 về trước của Miền Nam Việt Nam sau khi đất nước bi chia cắt.
Miền Bắc theo chủ nghĩa Cộng Sản, Miền Nam theo Chủ Nghĩa Cộng Hòa.
bậy giờ nhìn nền giáo duc hiện tại 2016 thật đau lòng. nó sản sinh ra đa số một lũ côn đồ.. tuy rằng đất nước đã thống nhất hơn 40 qua dưới sự cai trị của chủ nghĩa Công Sản
mình xin nói 1 câu hồi xưa giáo dục cái j ra cái đó tạo nên 1 con người chất như quả đất giỏi thật sự giờ học giáo sư tiến sĩ j toàn đúc khuôn có cái bằng khè người ta còn tay nghề ko có chỉ 1 số ít rất ít giỏi thật sự toàn học mù ăn tiền thật so với hồi xưa và bây giờ bây giờ ko có cửa.
tôi sinh năm 1986 không biết và nhận thức gì về thế hệ trước nhưng khi đọc bài này của tác giả tôi muốc khóc và hiểu được giá trị của một nền giáo dục thế hệ tương lai là như thế nào…Một sự thật đau lòng về giáo dục của đất nước.Và tôi cũng hiểu tại sao xã hội hiện nay từ thành phố, xuống nông thôn họ sống vì đồng tiền bỏ rơi nhân cách, đạo đức và xa rời lối sống như ngày xưa.(biết yêu thương nhau, sống hài hoà không phô trương,đố kỵ,tranh giành hic…)phải nói rằng ảnh hưởng tất cả về mọi mặt con người VN bây giờ.Bây gờ mình mới hiểu tại sao những người giàu có ở vn bây giờ họ cho con cái đi du học, tiếp thu giá trị thực sự của nhân loại chứ không thực dụng như ở VN Và đừng ai hỏi vì sao con cái tôi cho đi học rồi bằng này, bằng nọ mà vẫn thất nghiệp…rồi học sinh đánh thầy,tụ tập du côn, rồi giếp cha mắng thầy, rồi vân vân..nhiều lắm không kể hết….vv..theo tôi tất cả vì nhận thức bị trói buộc, giam cầm dần dần tê liệt và không phát triển..hoặc phát triển theo một nền tảng áp đặt sẳng lên mỗi con người.thật sự tiếc nuối vô bờ bến…và thử hỏi người dân hiểu và muốn thay đổi điều đó phải làm sao đây khi còn trói buộc bởi những gì họ cho là đúng.
Nhắc lại chuyện xưa chỉ thêm buồn. Mình rất nhớ, ngày đó khi thi lên Đệ thất (lớp 6) là mình được tự do lựa chọn 02 sinh ngữ (Anh, Pháp) và khi học xong đến cuối Đệ tứ thì đã rất ok ngoại ngữ chính rồi, sau đó tiếp tục học thêm ngoại ngữ thứ hai từ Đệ tam đến cuối năm Đệ nhất (lớp 12) thì ra Tốt nghiệp đã có 02 ngoại ngữ “hoành tráng”, chứ không như ngày nay tốt nghiệp Đại học rồi nhưng khi xin việc vẫn còn bị rêu là phải có sinh ngữ này, nọ thật là tủi hỗ cho 01 kiếp người…..
Cộng sản đã phá tan nát đất nước VN nay 2rồi…
Tôi cũng là cựu học sinh Petrus Trương Vĩnh Ký, dưới thời Giáo sư Ngô khắc Tĩnh làm Tổng trưởng giáo dục . Hồi ấy , con trai trưởng của Tổng trưởng là lớp trưởng ( bạn Ngô đông Xuân ) nên tôi có đến nhà Tổng trưởng nhiều lần . Mãi đến 1999 , tôi có dịp sang Hoa Kỳ và thăm ông . Giáo sư trăn trở về sự tụt hậu của nền giáo dục hiện nay tại Việt Nam , nhưng Giáo sư kết luận ., giáo dục hoàn toàn lệ thuộc vào hệ tư tưởng chính trị quốc gia , XHCN đã – đang lạc hậu và sẽ sụp đổ trước TBCN vì nhân loại ngày càng tiến bộ . Do vậy , muốn nền giáo dục VN phát triển theo hướng hiện đại , ngang tầm thế giới thì không nên cải cách , vì có cải cách cũng sẽ bị hệ tư tưởng XHCN kìm hãm . Tốt nhứt là thay đổi hệ tư tưởng chính trị từ XHCN hiện nay sang TBCN như phần lớn quốc gia trên thế giới đang tồn tại .
Đọc mà thấy buồn muốn khóc! Cần phải bắt đầu lại từ đâu đây?
Pingback: Nhìn lại nền Giáo dục VNCH : Sự tiếc nuối vô bờ bến | Lazy guy's blog!
Giáo dục của người ta là thế đó, ngày nay nền Giáo dục XHCN thì chỉ biết Tiền và tiền còn nhân cách sống, đạo đực con người thì xin lỗi cả những người hàng ngày đứng trên bục giảng cũng không ra gì nói chi đến học sinh, thử thống kê xem 01 năm trên đất nước VN ngày nay có bao nhiêu vụ án hình sự do những người trong ngành giáo dục vi phạm, nào là hiếp dâm, buôn bán, tàng trữ sử dụng chất ma túy, vv…và vv . Như vậy thử hỏi xã hội còn ra gì nữa, ngày xưa tiêu chí của ngành GD dành cho các trường hocj đó là ” Tiên học lễ, hậu học văn ” Học sinh phải đi thưa, về trình gặp người lớn phải khoanh tay cúi đầu chào, còn ngày nay là gì, hay là những cái đầu bã đậu đề ra các tiêu chí tào lao, ” Học sinh tích cực, trường học thân thiện ” . Thầy cô giáo vô tư dạy thêm ngoài giờ để kiếm tiền, ngành GD thì làm ngơ, con em đi học không khác gì đi mua chữ, vì vậy hậu quả nhãn tiền đã đến rồi đấy, tại sao ngày nay con người lại dã man như vậy, học trò đánh nhau giết nhau như cơm bữa,, một xã hội mà con người vô cảm đầy ra đó, tình yêu thương đồng loại còn đâu, tình yêu quê hương đất nước còn đâu, ngày xưa cha ông ta có lùi bước trước giặc tàu phương bắc hay kg, tại sao ngày nay không dám đương đầu với lũ giác Trung Quốc như vậy, hay chỉ cần biết làm bất cứ việc nhơ bẩn nào miễn có tiền cho bản thân rồi Tổ Quốc thế nào mặc kệ, Tôi nói không hề sai chút nào đâu, bởi vì tôi là người được cắp sách đến trường qua 02 chế dộ, và cũng chính tôi ngày xưa ( Ngày 05 tháng 3 năm 1979 ) Sau khi nghe đài tiếng nói VN phát lệnh tổng động viên đánh bọn bành trướng Bắc kinh, tôi đã lập tức bỏ nhà, bỏ học lên đường cầm súng một mất một còn với lũ giặc tàu khốn nạn này, vậy mà ngày nay khốn nạn thay cái lũ lãnh đạo hèn hạ không dám nói đến kẻ thù số 1 ngàn năm của dân tộc thậm chí còn lụy lũ mất dạy Trung Quốc này nữa.. Thật không xứng đáng là con Lạc cháu Hồng chút nào đâu…
Thi lớp 10 (trung học đệ nhị cấp) giờ gọi là THPT, thì người ta bỏ đi tự khi còn sơ khai. Ngày nay nước CHXHCNVN ta vẫn còn áp dụng gay gắt thế, mà hình như cả hoàn cầu chắc còn mình ta, thật đúng là “1 mình chống mafia” giỏi thặt.
Cám ơn tác giả về bài viết này. Cháu thuộc thế hệ 9x, đọc bài viết của tác giả, cháu có 1 số thắc mắc thế này:
1. Pháp rút khỏi miền Nam VN như thế nào vậy ạ? Là do miền Nam đánh Pháp để thoát đô hộ, hay do ảnh hưởng của chiến tranh thế giới thứ 2, chiến tranh Đông Dương? Vì nếu miền Nam đánh Pháp thì tại sao sau đó Pháp lại quay lại theo như ý trong bài viết ” Riêng ở miền Nam, vì có sự trở lại của người Pháp nên chương trình Pháp vẫn còn tiếp tục cho đến giữa thập niên 1950.”
2. Khoảng từ 1946-1955 (giai đoạn Quốc Gia VN) thì giáo dục nước mình như thế nào ạ?
3. Năm 1945, sau khi VN giành độc lập, 95% người dân mù chữ. Con số này là áp dụng cho cả nước hay cho miền Bắc?
4. Dưới thời Pháp thuộc, giáo dục miền Nam như thế nào? Ý cháu là người VN mình có đc đi học, phổ cập giáo dục cho mọi tầng lớp không hay chỉ quý tộc có điều kiện mới được học ạ? a. Nếu được giáo dục, thì tại sao Pháp đô hộ mà lại “tốt” vậy. b. nếu bị bắt nô dịch, tại sao sau khi Pháp rút, miền Nam lại phát triển mạnh vậy?
5. “Năm học 1973-1974, Việt Nam Cộng Hòa có một phần năm (20%) dân số là học sinh và sinh viên đang đi học trong các cơ sở giáo dục.” –> tỷ lệ này có phải là quá thấp cho dân số cả nước (VN Cộng Hòa) không? Như vậy GD lúc này cũng không dành cho mọi tầng lớp trong XH?
Dạ, cháu chả biết sao sau 12 năm học Sử mà giờ cháu ngu Sử quá. Hỏi tới đâu hổng tới đó. Cháu biết nhiều khi mấy câu hỏi của cháu ở trên thể hiện sự thiếu hiểu biết sử nước nhà, mong tác giả thông cảm. Cháu có tự tìm tài liệu đọc, những câu hỏi trên là những câu cháu chưa trả lời được sau khi đọc đấy ạ. Chứ trước khi đọc, cháu còn ngu ác.
Mong tác giả, hay các anh chị, cô chú nào giành thời gian giúp cháu giải ngu. Hoặc cho cháu vài link uy tín để cháu tìm câu trả lời ạ. Cháu chân thành cám ơn!
Rất cám ơn ..tác giả đã công phu ghi chép và tìm tài liệu này …Đồng thời cũng học được nhiều những thông tin, tài liệu khác trong trang web này. Xin đươc phép tác giả cho đăng lại bài này trên web site Cựu H.S Trung Học Võ Trường Toản – Sgn. Một lần nữa xin cám ơn tác giả – Ban admin – http://www.votruongtoan.org.
cảm ơn tác giả…..con làm biếng nhưng cũng đọc hết bài này.ý nghĩa lắm ạ…..cao thắng tạo dựng lên ba mẹ và cuối cùng có con!
“Hôm qua tình cờ đọc được bài này, thấy mình có mặt ở nhiều nơi trong quá khứ : Một đời Hướng Đạo…trại Giữ Vững, một thời Du ca… hát cho quê hương, một thời GL áo trắng …quá khứ đẹp trôi qua làm nhòe con mắt…
Chao! nỗi niềm kiêu hãnh về một thời đáng sống nhất trong đời sao làm tim ta rớm máu là thế?”
khi nào chán chế độ thì cháu lại vô đây đọc bài này
thấy nuối tiếc và cũng tự hào vì VN có 1 thời giáo dục nhân bản, dân tộc, khai phóng như vậy
nếu VN giờ áp dụng hệ thống giáo dục của VNCH về sửa lại vài chỗ thì có khi chỉ mất 2-3 thập niên đuổi kịp các nước nhật , hàn đấy chứ . Giáo dục VNCH chú trọng tới thực hành mang phong cánh Mỹ cũng như chú trọng khả năng sáng tạo tối đa người dân có khi hơn cả nhật về sự sáng tạo tuy nhiên lại cực kì chú trọng lòng tự trọng dân tộc . Giáo Dục VNCH nếu hồi sinh nó có khi khiến Nhật phải cúi chào vốn nước coi trọng lòng tự trọng quốc gia đấy .
CSVN mình chuyển qua kinh tế Tư Bản thì việc độc đảng hay ko dân chủ từ từ cũng bị hạ à bác tuy nhiên việc nó hạ thì phải chờ thời gian ạ
Mình cũng từng thi đậu ( 1 chọi 10 ) và học tại trường Trung học tổng hợp Lý Thường Kiệt tại Hốc môn một trường khá nỗi tiếng thời đó, được 2 năm thì giải phóng thống nhất đất nước, Lúc đó chưa biết gì ,nhưng hàng tuần có vài tiết thực hành làm quen với các máy móc,học vẽ kỹ thuật cũng hay hay.
Mình thấy không nêu tên trường này trong hệ thống các trường Trung học tổng hợp tại miền Nam.
Chào bạn; Như vậy bạn vào trường năm 1973. Tôi cũng là cựu học sinh trung học tổng hợp Lý Thường Kiệt Hốc Môn, lúc đó Hiệu trưởng là thầy Trần Mai Châu, Giám học là thầy Phạm Đình Huy; thi tú tài phần thứ hai ban B năm 1970, lớp tôi đậu 100% (nên biết thời đó thi tú tài không phải dễ, chứ không như thi tốt nghiệp phổ thông bây giờ) nên tôi cũng rất tự hào về ngôi trường này.
Trước 1975 tôi học Tiểu học công lập Đỗ Hữu Phương bây giờ đổi tên là THCS Hùng Vương ở đường Hùng Vương sau lên Trung học thì tôi học nội trú tại Dòng Mến Thánh Giá Tân Lập (Phú Hữu) bây giờ thuộc Q2 năm 1972 thì tôi về học trường Tư thục NLS Nhân Văn ở đg Lê Văn Duyệt gần ngã 3 ông Tạ ,nay vô tình vào trang này đoc đươc bài viết này tôi rất trân trọng tác giả xin phép tác giả cho tôi coppy bài viết về làm tài liệu để truyền đạt con cháu nhé.nếu đươc đồng ý tôi xin chân thành cảm ơn xin chúc tác giả và gia đình luôn an vui mạnh khỏe
Dạ mời Anh cứ tự nhiên copy hay chia sẻ cho nhiều người đọc càng tốt. Cảm ơn Anh.
Một bài viết quá giá trị. Xin cảm ơn tác giả!
Pingback: Nhìn chó xứ người – Ngán ngẩm cộng sản xứ mình (Người Đưa Tin – Danlambao) | Ngoclinhvugia's Blog
Pingback: Nhìn chó xứ người – Ngán ngẩm cộng sản xứ mình | thienthanh2
Pingback: Đất nước tôi mỗi ngày là một tháng tư… đen (Người Đưa Tin – Danlambao) | Ngoclinhvugia's Blog
Dù là thế hệ sau này, tôi không biết gì về nền gd thời ấy. Chỉ thấy trong hình xưa là một cuộc sống lề lối đâu ra đó. Con người được trao dồi tính lương thiện nên cư xử nho nhã hơn, đối đãi với nhau thường chân thành. Nếu so sánh thời nào ra sao chỉ cần nghe, nhìn và cảm nhận. Ví dụ: Âm nhạc, nền giáo dục, cách nói chuyện. Chắc sẽ rõ.
Chào bác !
Cháu là thế hệ 8x chuyện học hành ngày xưa không biết gì! Nhưng thực tế ngành giáo bây giờ quá chạy theo thành tích . Có người thân là giáo viên tiểu học chứng kiến những chuyện mà đau xót cho mầm non đất nước cũng vì cái thành tích trơ trẽn tha hoá. Không biết dạy kiểu gì mà lên đến lớp 5 k biết đọc nữa!
Pingback: Đất nước tôi mỗi ngày là một tháng tư… đen | ÁO TRẮNG ƠI
Pingback: Đất nước tôi mỗi ngày là một tháng tư… đen | thienthanh2
Thời VNCH , học sinh tiểu học ra đường thấy đám ma HS phải tự giác ngã mũ chào , gặp người lớn phải vòng tay thưa một cách lễ phép . Thầy , cô giáo lúc bấy giờ rất mô phạm dạy và yêu mến học sinh một cách trung thực , trừ số ít những trò nào quá lười ,nghịch trong học đường sẽ bị đánh đòn để hầu mong có hướng tiến bộ .
Trong trường thường có những câu : Trọng thầy mới được làm thầy . Ngày nay học tập ngày mai giúp đời , học đường là lò đúc nhân tài , học để làm người …v v…
Tôi còn nhớ mấy câu trong bài học thuộc lòng thời tiểu học :
Sài gòn có bến Chương Dương
Có Dinh Độc Lập có đường tự do
Có chợ Quán , có Cầu Kho
Bến xe lục tỉnh , con đò Thủ Thiêm
……Những kỷ niệm một thời để nhớ ! của tuổi thơ Tôi ..
Hoài niệm một thời ‘ ôn cố tri tân ‘
Gíáo dục miền nam ngày xưa rèn luyện Trí, Đức,Tài. Ngày nay giáo dục còn một chữ Tiền.
ai cũng nói và than thở, nuối tiếc là giỏi
..một kỉ niệm đẹp trong đời..bạn có thể quên đi?
..
thế bạn bảo phải làm gì khác, nhỉ?…
Cách đây vài năm có một chương trình tọa đàm trên VTV giữa các vị cấp cao trong ngành giáo dục với nhiều học cao như giáo sư tiến sĩ, tiến sĩ… về việc xác định triết lý giáo dục của nền giáo dục hiện hành của Việt Nam, rất nhiều báo chí đã đưa tin và lên bài nhưng cuối cùng cũng chìm vào quên lãng. Theo tôi, một nền giáo dục đã ra đời tròm trèm 40 năm mà không có được triết lý giáo dục thì có hai lý do. Một là không biết ý nghĩa của cụm từ “triết lý giáo dục” và tại sao cần phải có. Hai là chả cần màng đến cái “triết lý giáo dục” để ta muốn cải cách, cải tiến hay cải lùi thì cứ vậy mà làm. Tôi là thế hệ sinh sau năm 75. Tội cũng tốt nghiệp trường ĐHSP chuyên nghành tiếng Anh nhưng dân tỉnh làm sao chen chân một chỗ dạy tại thành phố. Sớm nhận thấy không có cơ hội đi dạy nên đã học thêm văn bằng 2 về QTKD và may mắn với vốn tiếng Anh nên toàn làm cho các công ty nước ngoài và các tập đoàn đa quốc gia. Nhưng may mắn hơn hết là bây giờ đang làm việc tại một tập đoàn giáo dục quốc tế nên cũng có liên quan đến nghành giáo dục.Thấy cách học của học sinh học ở trường quốc tế càng thấy thương học sinh của ta hơn. Cám ơn tác giả về một bài viết tổng hơp rất hay và nhiều thông tin hữu ích. Trân trọng
Pingback: Công Cha Nghĩa Mẹ Ơn Thầy | thienthanh2
Tôi sinh ra đúng còn 2 tháng sau là miền nam bị miền bắc xâm lược hoàn toàn, ông Nội tôi là giáo viên, lương của Nội nuôi sống cả gia đình hơn 10 miệng ăn, và đi học..
Thương ơi những mái trường xưa, nơi mà các thầy cô luôn là người được kính mến.
Người csVN nếu “yêu nước” thật tình khi họ có dịp đọc được bài này thì họ sẽ có cái nhìn khách quan cho con cháu Việt sau này trong đó có những người con cháu của họ. Tiếc that “You can lead a horse to water, but you can’t make it drink.” Tạm dịch” Bạn có thể dẫn con ngựa đến nơi có nước, nhưng bạn không thể (bắt) nó uống”.
Buồn cho số phận người trẻ ngày nay.
Hay quá và tiếc quá
Ôn cố tri tân!!! Cám ơn ông Huỳnh Minh Tú.
Qua đây xin được tìm thông tin về trường Trung tiểu học Trung Thu (đường Thành Thái quận 5 – trường dành cho con em CSQG) và hy vọng có cơ hội tìm được bạn cũ lưu lạc tứ phương sau 30.4.1975. Cám ơn rất nhiều.
Hay quá, cảm ơn chủ blog!
thay thuoc sai chet 1 nguoi giao duc sai chet ca mot the he
Chết từ 1975 đến giờ!
Con sinh năm 1973 bây giờ đã là một trung niên ở thế hệ này ngồi ghế nhà trường học văn học thì toàn thơ văn cách mạng,yêu CNXH,anh hùng CM,hoàn toàn không dạy phát triển nhân cách con người giống thế hệ cha ông may mắn ảnh hưởng truyền thống gia đình.Còn thế hệ sau con thì hỡi ôi!
đã từ lâu tôi muốn tìm lại bài thơ lục bát nói về đức dục công dân ,hồi còn nhỏ đi học thì thấy được viết trên bảng lớn ,để các học sinh mỗi ngày đi học qua lại mà đọc, chỉ 10 câu lục bát đó luôn dạy dỗ mỗi ngày. nay ai còn nhớ mà viết lại cho thế hệ mai sau
sống mà ko có tự do, khác gì con thú nằm co trong chuồng. bài nào ấy quên tên rồi, là đức dục lớp 5 (lớp Nhất)
Cám ơn chủ trang. xin phép được chia sẻ . Cám ơn nhiều !
Reblogged this on ghequaconloc.
Thật mà nói giáo dục mình bây giờ không bằng một gốc giáo dục ở trong Nam Sài Gòn trước 75 nữa. Ngày xưa thời ông bà, chú bác mình được đi học trường Tây, được học trong một môi trường giáo dục với kiến thức vững chắc và học một cách bài bảng, còn sướng hơn là thế hệ con cháu bây giờ. Giáo dục của VNCH là giáo dục mà sách vở có khuynh hướng khá giống với sách vở của Pháp và Mỹ, học rất thực tế và rất căn bản! Tuy mình là thế hệ trẻ, không sống trong thời đó, là một dân của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, nhưng những thông tin này và những hình ảnh này, đặc biệt là những gì ông bà, bố mẹ đã từng sống trong thời ấy kể lại mình cảm thấy rất nuối tiếc… Ôi VNCH! Ước chi ngày xưa ta thắng Cộng Sản thì hay biết mấy! Tương lai không biết ra sao, nhưng giả sử VNCH mà thắng thì điều trước tiên là Việt Nam không mất Hoàng Sa…!
so sánh 2 nền gíao dục VNCH và XHCNVN nói vỏn vẹn:
– giáo dục của VNCH là kiến thiết đất nước đi lên.
-Giác dục Của XHCS chỉ nhồi nhét chủ thuyết lỗi thời, vô nhân bản, nó đưa cả 1 lớp người xuống vực thẳm . Vì lãnh đạo vô thần, vô đạo đức, vô kiến thức, vô nhân phẩm.
—thật là tiếc thay, đau buồn thay để mẹ VN sẽ thốt lên rằng:::
-Mẹ VN đang bị những người con, những lãnh đạo tại VNXHCN:
…vô kiến thức.
… không yêu nước, chỉ yêu tiền, yêu vật chất
…một qúai thai lên làm chủ đất nước.
…Hồi xưa là hòn ngọc viễn đông, nay là 1 trại tù bao la giam dân hiền.
… vì vô tâm, vô đạo đức , cho nên ác với dân nhưng lại qúa hèn với Tàu.
..không có tinh thần yêu nước….
Tôi có cái may. Sáu năm đầu học trường VNCH, sáu năm sau học trường Bác Hồ, sáu năm tiếp học trường Chú Sam… Thật tình, sáu năm giữ chẳng có gì để nhớ. Sáu năm đầu còn lại cái tâm, sáu năm sau cho mình cái trí. Bây giờ, đã ngoài 50 tuổi, xin ghi lại đây để cảm ơn đất trời đã bao dung. Xin cảm ơn các cô Ánh, Sang, Cầm và thầy Mẫn – trường tiểu học cộng đồng Đào Duy Từ ngày nào.
Thật đáng ngạc nhiên.
Mô hinh dạy học ở ĐH HARWARD áp dụng từ THĐIC thời VNCH
Bài của HMT là khái quát về tổ chức và phương hướng của nền giáo dục VNCH, tôi xin phép bổ xung thêm về phương pháp dạy và học thời xa xưa ấy qua câu chuyện “hổn” của chính tôi, “móc họng” GS dạy Việt văn mà Thầy vổ tay khen mới “lọa”, đúng không? Thật ra Ông Thầy bị “lạc đạn” thôi. Lúc ấy sau đảo chính TT Ngô đình Diệm, chương trình Việt văn có 2 phần Kim văn (văn xuôi) và Cổ văn (văn vần) dạy song đôi, bắt đầu từ lớp đệ ngủ (lớp 8 bây giờ) mổi tháng học sinh chia nhóm (theo tổ có sẳn của lớp) soạn bài thuyết trinh trước một tuần (còn gọi là trần thuyết) theo đề tài Thầy đưa theo chương trình, kim văn và cổ văn, Cả nhóm thì cùng soạn, viết đầy 4, 5 tờ giấy đôi caro, nhưng các nhóm là độc lập để tranh hơn thua trong thảo luận, Trong 2 giờ thuyết trình thì bốc thăm hoặc Thầy chỉ định 1 nhóm “chủ xị” thuyết trình, các nhóm còn lại chất vấn, ông Thầy ngồi cuối lớp giám sát 2 giờ …đấu đá. Không bàn cải cách dạy và học nầy trường Đại học Harward và VNCH ai theo ai nhưng các PHIÊN TÒA GIẢ LẬP (như trong phim Hàn quốc “Chuyện tình Harward) hay PHIÊN HỌP HỘI ĐỒNG LHQ GIẢ LẬP (một dạo ồn ào trên mạng về vụ treo cờ Đài loan trong phiên họp giả lập đó) và các buổi thuyết trình của học sinh thời ấy thật sự là “trên cả tuyệt vời”, học sinh tự hoàn thiện cách tra cứu, tìm tòi, thể hiện khả năng dùng từ, trình bày, tranh luận, tự tin…mặt khác cách dạy và học đó rỏ ràng đáp ứng đúng nhu cầu muốn tự khẳng định của tuổi mới lớn, theo khuôn mẩu văn hóa.
Chuyện “hổn” là thế nầy. Lần đầu tôi bị Thầy dạy việt văn « chữi xéo ». trong đề tài « tìm hiểu cách tả cái đẹp của Nguyễn Du trong truyện Kiều », gần cuối buổi thuyết trinh tôi nêu một ý kiến theo kiểu « xỏ lá » bởi nhóm thuyết trình chưa làm rỏ, đại ý là Từ Hải cao ngều ngệu thì đẹp nổi gì khi chiều cao gấp 20 lần chiều ngang, « vai năm tấc rộng thân mười thước cao ». Thúy Kiều thì đẹp như quỉ bởi « mây thua nước tóc tuyết nhường màu da », lại xấu tính, « xề xè nấm đất bên đàng, dào dào ngọn cỏ nữa vàng nữa xanh » , tè bậy bên mộ Đam Tiên nên bị Đạm Tiên trả thù , ý kiến thuyết trình viên thế nào xin cho biết? Cả lớp một phen cười cợt, nhóm thuyết trình lúng túng đưa mắt về ông Thầy, Ông xem đồng hồ thấy hết giờ, ông Thầy cười cười nói với lớp : « nó lấy cây búa làm bếp để chẻ thì còn gì là tác phẩm nghệ thuật » rồi chấm dứt buổi thuyết trình, cay cú là sau đó tôi bị bạn bè cho 1 biệt danh là tên ở đợ. Tháng kế tiếp tới đề tài tìm hiểu tính lảng mạn trong truyện Kiêu, tôi đem thắc mắc hỏi, Ông Nội của tôi vốn là « nhà nho », ngoài các truyện Tàu tôi còn thấy có cuốn Truyện Kiều, Ông tròn mắt nhìn tôi rồi từ từ giảng giải ngọn ngành. Đến buổi thuyết trình thì tổ của tôi vẩn làm…thắc mắc. Thấy « bài tủ » chưa bạn nào nêu ra, nhóm tôi đẩy tôi nêu vấn đề, vẩn lối « xỏ lá » tôi nêu ý kiến câu « hoa đào năm ngoái còn cười gió đông » chứng tỏ thời Nguyễn Du nước ta đả có ngành nhựa làm hoa nylon, thuyết trình viên nghỉ sao ? Bạn thuyết trình cười cười nói : « lại 1 ý kiến của đày tớ », cả lớp cười rộ, nóng mặt, đứng phắt dậy xẳng giọng phản đôi
– Đây là một cách hỏi gián tiếp, đó là yêu cầu bạn giải thích ý nghỉa câu đó. Bạn không thể che đậy cái dốt, cái không soạn kỷ bài bằng cách cho đó búa chẻ củi.
– Đó là lời của Ông Thầy mà.
– Bạn không phải là thầy của tôi, bạn là người thuyết trình tôi là người nêu thắc mắc.
Ông Thầy ngồi cuối lớp chờ đợi tranh cải, cả lớp im phăng phắc vì không khí tranh luận căng thẳng, nhóm thuyết trình chụm đầu đầu xì xào. Nhóm tôi hóm hỉnh chờ dứt điểm 1- 0
– Thế bạn giải thích được không ? Thuyết trình viên hỏi
– Tất nhiên.
– Vậy bạn giải thích đi
Thế là tôi « cướp đài phát thanh », đó là ý lấy từ câu « Đào hoa y cựu tiếu đông phong » , câu cuối trong 1 bài thơ của Thôi Hộ, « phang » luôn nguyên bài, giải thích, nói luôn xuất xứ và tâm tình của Thôi Hộ, cuối cùng ca ngợi Nguyễn Du đem tâm tinh của Thôi Hộ diển tả tâm tình của Kim Trọng đối với Thúy Kiều. Cả lớp im lặng ngất ngây, nên biết là thời ấy bậc THĐIC mổi tuần có 1 giờ Hán văn, viết chử Hán trong tập kẻ ô vuông (2cm X 2cm), nghỉa là cảm thụ được ít nhiều Hán văn trong văn học VN. Chừng sau 30 giây ông Thầy đứng dậy vổ tay phá tan bầu không khí, cả lớp nhìn thấy rỏ nét mặt rạng rở của ông Thầy. Sau nầy đi dạy học tôi mới hiểu cái « chữi xéo » và nét rạng rở của Thầy tôi, đó là khích tướng và rất hài lòng, một kết quả ngoài mong đợi từ sự ngổ ngáo , « móc họng » ông Thầy mà biết dấu tay hợp lý. SV SP ngày ấy được huấn luyện phương pháp giảng dạy như thế đấy, phát triển toàn diện bằng phương pháp dạy chứ không bằn khẩu hiệu, nhất là không bởi quá nhiều kiến thức vô bổ. Dạy và học như thế mới thật sự là « phát triển toàn diện », nhất là bộ môn việt văn. Đúng không ?
HS bây giờ mà như vậy thì có khi còn dính “vô lễ với giáo viên” như chơi. Thật buồn.
VNCH: thầy giáo là nghệ nhân khám phá và uốn nắn trẻ phát triển theo hướng tích cực, đó là thiên chức.
Chế độ CS: giáo viên là kỷ sư tâm hồn thợ lắp ráp “người máy” theo 1 khuôn mẩu
Ông Thầy “rạng rở” ra mặt vì thấy hiệu quả của pp “học sinh thuyết trình”, về mọi mặt: tra cứu, trình bày v/đ, dùng từ, ứng đối tình huống….mà Ông Thầy tạo mẩu trong các bài giảng trong lớp
Ông Thầy “dụng kỷ luật” là Ông Thầy quá yếu, Thầy là dạy là thuyết phục là cảm hóa chứ không “thổi còi”. Con cái trong nhà Cha Mẹ cũng hành xữ như thế, áp dụng kỹ luật “có thể” làm trẻ sợ nhưng không phục dản đến bị ức chế phương hại đến sự phát triển tình cảm và tri thức. Sinh viên, Giáo sinh Sư phạm ngày trước được cảnh báo như vậy đấy
Bạn nhận xét khá chính xác. Đó chính là sự khác biệt cơ bản về giáo dục nhân cách của chế độ VNCH với CHXHCNVN !
thật buồn và bất công khi những con người đang sống trên đất nước Việt Nam không được hưởng những thành quả của giáo dục VNCH.
Tôi vẫn biết những gì ưu việt của nền giáo dục VNCH. Nhưng khi đọc tôi như bị ‘đâm bồi ‘ thêm, như ‘đập mạnh’ thêm vào ống quyển. Giáo dục Việt Nam giờ này tệ hại ra sao, rồi đất nước sẽ về đâu, sẽ tai qua nạn khỏi hay là sắp bước vào vực thẳm. Ai, lực lượng nào ‘gây bão’?. Ai lực lượng nào ‘góp gió’?
Xin gửi lòng thành kính đến hai ngài cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm và Nguyễn Văn Thiệu.
That la dau buon cho the che VNCH ko giu dc phia Nam VN de roi vao tay congsan
Cháu là cựu học sinh Lasan Taberd xin cám ơn Bác , xin Bác cho phép cháu được chia sẻ những tư liệu giá trị này để mọi người nhất là lớp trẻ sau này hiểu rõ hơn về một nền giáo dục tư bản, nền giáo dục được xem là ” của bọn Mỹ Ngụy” !
Thưa anh. Cảm ơn anh đã lưu tâm và chia sẻ tài liệu này.
Tôi chỉ là người sinh sau đẻ muộn… Và kế thừa một phần nền Giáo dục VNCH mà thôi.
Mến
Huỳnh Minh Tú
Có bạn nào học trường trung học công lập Nguyễn Viên Kiều ở tỉnh Vĩnh Bình trước 30/4/1975 không?
doc ma nho lai truong xua
nguyen van an cuu hoc sinh truong thong nhat su doan du hoang hoa tham nho lai ma thay buon khi mien nam roi vao tay cq thi truong hoc cu da bi pha bo va nha tho cung dap bo buon lam sao vi bao nhieu ky niem tuoi hoc tro truoc san trung thong nhat la mot san rong lon cho cac chu su doan du tap nhay du va nen giao duc that la vung chac vi luc nao cung co thay giam thi quan sat het nen hoc sinh luc nao cung le phep nay minh muon lien he cac ban hoc chung minh khoa hoc nam 1971 lop nam A 3 thay thang minh nho la co ban ten lam va ban ten la tong ho hai hoi xua hoc dai hoc hiem lam bay gio dai hoc ra thi di lam bac vac hoac phu ho hay cac em nu sinh thi ????
hào khí VN thui trột hết còn đâu…
Pingback: Nhìn lại nền Giáo dục VNCH : Sự tiếc nuối vô bờ bến – TTXVA
Đọc bài này nhớ lại thời đi học của mình quá.Năm nay mình 60 rồi .
T cung rat nho thoi ddi hoc of minh nho rat nhieu nhung quyen sach giao khoa duoc viet rat hay va rat cu the
Mot nen giao duc that tuyet voi !
Xã hội bây giờ học sinh đi học mắc áo dài đánh nhau như những kẻ côn đồ. Lỗi này là do nghành giáo dục !!
Ôi còn đâu nền giáo dục NHÂN BẢN – DÂN TỘC & KHAI PHÓNG. Đã đào tạo biết bao con người ưu tú đóng góp nhiều cho đất nước, làm rạng danh dân tộc Việt trên trường quốc tế. Còn bây giờ cứ loay hoay cải cách, cải cảch và. . . cải cách. Càng cải cách, càng thụt lùi. Ngẫm xưa Thái Lan, Singapore . . . mong được như Sài gòn, nhưng bây giờ thì ! ! ! . Buồn cho đất nước.
Giáo Dục trươc 1975 rất tuyệt vời
Doc nho’ lai thoi xua cua minh ma` buon cho cac em hoc sinh bay gio` . HS bay gio chi duoc hoc danh nhau trong hoc duong , ket be` ket’ dang~ . Bao luc toi’ da….
Tiếc thay một nền Giáo Dục đúng nghĩa…
buồn thay, hồi xưa mà ko giải phóng miền Nam thì giờ mình chak như Nam Bắc Triều Tiên, Trong Nam chắc còn hơn Hàn Quốc bây giờ ak chứ…… Cái thiên đường XHCN vẽ lên chỉ là ảo tưởng và đi ngược với quy luật sự phát triển…một khi ai cũng giàu có như nhau, ai làm nhiều làm ít cũng như nhau thì sẽ sinh ra sự hổn loạn và chẳng ai muốn làm việc cả. Cuộc sống vốn công bằng ai làm nhiều thì hưởng nhiều, ai làm ít thì hưởng ít đó là quy luật.
Tại sao lại đổ cho nền giáo dục khi nhân tố giáo dục lại ở chính những người làm cha, làm mẹ, đổ lỗi cho thầy cô khi mà cha mẹ ông bà lúc nào cũng muốn con mình ganh đua hơn người. Ai nói cũng hay mà không thử ngẫm xem, người người, nhà nhà dạy những đứa con trẻ như tờ giấy trắng những điều tốt đẹp thì thử hỏi lấy đâu ra những kẻ xấu, đọc mà ngán
Cha mẹ không phải không có lỗi nhưng thời gian trẻ ở trường nhiều hơn thời gian bên cha mẹ, ngoài ra phần lớn cha mẹ mà bạn đề cập cũng là những học sinh được đào tạo bởi nền giáo dục XHCN.
Bác có thể cho cháu lưu bài viết này được không ạ? Cháu thực sự ngưỡng mộ nền giáo dục của VNCH và rất mong muốn VN ta sẽ có ngày trở về được thưở huy hoàng của GD với sự tâm huyết của thầy cô và nề nếp của học sinh. Cháu cảm ơn Bác vì bài viết tuyệt vời này!!!
Cảm ơn bạn đã lưu tâm và phổ biến.
Xin nhắc lại, tôi rất cảm ơn những quý vị có lòng phổ biến tài liệu này cho thế hệ tương lai đất nước. Và tôi chỉ làm công việc sưu tầm biên tập thôi, không đủ khả năng viết một bài bao quát như thế này.
Mến
HMT
Cháu cũng coppi xin chú thứ lỗi . Cháu yêu VNCH.
tôi thấy giáo dục đại học bây giờ nặng về chính trị quá. nào là cnxh, nao là triết học, nao là lịch sử đảng…..số lượng giờ học ngang với số giờ học chuyên môn.
Can tran trong kinh nghiem cu va thong tin duoc cung cap. Cai gi cu, nhung hay thi hoc, cai gi moi nhung do, thi kien quyet bo. Day la van hoa, day la nen giao duc nghieem tuc nhat.
Tôi định viết một bài như vậy cho web trường, nhưng nghĩ không thể viết hay, rõ rang và chi tiết như vầy, vì thế hệ mai sau, xin anh cho copy về web của trường tụi tôi Trung Học Nguyễn Du. Cám ơn anh
Mời anh cứ tự nhiên. Cảm ơn anh đã quan tâm và phổ biến.
Tuy mình vẫn đang là sinh viên năm 2 nhưng mình vẫn cảm nhận được nền giáo dục tốt đẹp của VNCH, chỉ cần đọc sách của các tác giả, tri thức thời đó thôi cũng đủ cảm nhận rồi, Thu Giang Nguyễn Duy Cần, Nguyễn Hiến Lê,.. Bảo người Pháp chỉ sang đô hộ ta mà không hề khai sáng, chỉ toàn áp bức bóc lột thì có lẽ giờ đây nên xem lại, tất cả những thứ lịch sử mà mình từng học giờ đây trở nên cực kì không đáng tin.
Cháu là một trong những thế hệ 9x, vừa tốt nghiệp CĐSP, hiện đang công tác tại một trường tư thục. Cháu là thế hệ tiếp thu nền giáo dục XHCN mà không thừa hưởng một chút gì nền giáo dục VNCH, đọc bài này cháu chỉ muốn bật khóc. Cháu thật sự cảm thấy hoang mang không biết con đường sắp tới của bản thân mình sẽ ra sao. Tốt nghiệp ra trường với tấm bằng loại khá, cháu tự tin không phải vì số điểm mà bằng chính khả năng và sự nổ lực của bản thân mình nhưng cháu chưa hề nộp hồ sơ vào 1 trường công lập nào bởi quá hiểu mình sẽ không được nhận, có khi chẳng ai liếc đến hồ sơ của cháu bởi vì cháu không có tiền, không phải “hậu duệ” của con quan con chúa. Dẫu có tâm bao nhiều với nghề cũng cảm thấy mỏi mệt và muốn từ bỏ bởi đâu ai coi trọng khả năng mà chỉ nhìn vào túi tiền. Đây có phải là 1 phần của hậu quả đào tạo sau 1975 không? Giờ chỉ dạy trường tư với đồng lương ít ỏi nhưng cháu tự hào vì mình đi bằng chính đôi chân của mình mà không dựa dẫm vào bất cứ ai, cháu sẽ cố gắng tiếp thu những điều tốt nhất để học trò cháu giữ được tâm hồn trong sáng và nhiều hơn thế nữa. Cảm ơn Bác đã đăng bài này
..
cảm ơn đời vì đã sinh ra một người tốt như bạn!..bạn còn có thể..chứ mình muốn tự tử vì ở đất nước..này quá!
Các bấc làm giáo dục hiện nay chỉ cần có 1/2 tư tưởng như những người làm giáo dục xưa kia là học sinh và cả nền xã hội đã trở nên trí thức và đạo đức hơn gấp 100 lần bây giờ rồi :)))
Pingback: Nhìn lại nền Giáo dục VNCH : Sự tiếc nuối vô bờ bến | Vương Diệu Quân
Một nền giáo dục cách đây hơn 40 năm mà tôi ngưỡng mộ, tôi sinh ra sau 1975 ở thôn quê miền Nam VN, cuộc sống rất khổ cực huống chi được học ở môi trường tốt, dưới mái trường XHCN mái lá rách nát, bàn ghế là những tấm váng đóng trên cọc tre, mổi buổi đến trường phải đi ghe hay lội nước. Sau khi học hết phổ thông thì tự lo tìm ngành nghề học, quá trình học thì đóng đủ loại phí, ra trường tự tìm việc làm. thời tôi là vậy, còn bây giờ thì điều kiện học có khá hơn nhưng phí thì nhiều hơn, quà biếu nhiều hơn và ra trường khó tìm việc hơn. Đọc bài này tôi cảm thấy tiếc nuối vô cùng, không riêng về giáo dục, mà về mọi mặt của cuộc sống sau hơn 40 năm.
O tren nhieu ban va nhieu chau da nhan xet va so sanh 2 nen giao duc VNCH va nen giao duc cua Nha nuoc hien tai!Noi day toi chi neu them 1 dieu rat binh thuong cua Mien Nam truoc 1975,nhung khong biet bay gio cac chau nho va cac chau truong thanh o Mien Nam sau 1975 ,duoc hap thu nen giao duc cua XHCN con giu duoc hay khong?Do la truoc 1975,khi thay mot dam tang di qua,moi nguoi dan ,ke ca cac chau nho Mau Giao dang di,dung tren duong pho deu dung nghiem,nga mu non chao,tien biet nguoi Qua Co!
Day la bai hoc mau giao da duoc Cac Thay Co day cho hoc sinh tu lop vo long trong mai truong cua Mien Nam VNCH!
Viec nga mu non chao nguoi Qua Co khong biet nguoi Mien Bac sau 1954 co con giu duoc hay khong?Mong cac ban lon tuoi da tung song o Mien Bac duoi mai truong XHCN cho biet duoc khong?Cam on cac ban!
Không bác ạ. Mặc dù cháu cũng chỉ là thế hệ 9x thôi nhưng chưa bao giờ được ông bà, bố mẹ nói về điều này
Bạn tên John viết dù không dấu cũng đáng khen. Đây tôi giúp bạn:
Ở trên nhiều bạn và nhiều cháu đã nhận xét và so sánh 2 nền giáo dục VNCH và nền giáo dục của Nhà nước hiện tại!Nơi đây tôi chỉ nêu thêm 1 điều rất bình thường của Miền Nam trước 1975,nhưng không biết bây giờ các cháu nhỏ và các cháu trưởng thành ở Miền Nam sau 1975 ,được hấp thụ nền giáo dục của XHCN còn giữ được hay không?Đó là trước 1975,khi thấy một đám tăng đi qua,mọi người dân ,kể cả các cháu nhỏ Mẫu Giáo đang đi,đứng trên đường phố đều đứng nghiêm,ngả mũ nón chào,tiễn biệt người Qua Cố!
Đây là bài học mẫu giáo đã được Các Thầy Cô dạy cho học sinh từ lớp vỡ lòng trong mái trường của Miền Nam VNCH!
Việc ngả mũ nón chào người Quá Cố không biết người Miền Bắc sau 1954 có còn giữ được hay không?Mong các bạn lớn tuổi đã từng sống ở Miền Bắc dưới mái trường XHCN cho biết được không?Cảm ơn các bạn!
Đám tang ngày nay cũng bị ảnh hưởng từ mớ hỗn đốn đó rồi bạn à. Ông kệ có con chó mất cũng làm đám tang nó để có tiền cúng điếu, tôi còn thấy một số đám tang thuê các band nhạc gay về hát hò nhạc dance như quán bar vậy… Nếu có thời gian bạn đọc tác phẩm “Hạnh phúc của 1 tang gia” để hiểu rõ hơn thực trạng ngày nay.. Than ôi!!! Văn minh dân tộc còn đâu?!
Dạ vẫn còn Bác ạ , nhưng chỉ còn ở những gia đình được hấp thụ nền văn hoá trước 45 ( Miền Bắc ) và nền văn hoá trước 75 ( Miền Nam )
Cái này cháu có được dạy, mà cháu nghĩ nguyên cả trường tiểu học chắc chỉ còn mình cháu nhớ và làm thôi bác ạ. 😦
Tôi đã từng chứng kiến và thực hiện điều này trước đây, tiếc thay nay đã không còn nữa…
Pingback: Nền giáo dục VNCH – một kinh nghiệm bản thân | Nhận thức là một quá trình...
Pingback: Cao-Đắc Tuấn – Nền giáo dục VNCH – một kinh nghiệm bản thân | CỘNG ĐỒNG NGƯỜI VIỆT QUỐC GIA HOA KỲ
Pingback: Nền giáo dục VNCH – một kinh nghiệm bản thân (Cao-Đắc Tuấn – Danambao) | Ngoclinhvugia's Blog
Pingback: TÀI LIỆU về GIÁO DỤC VIỆT NAM (Bốn Phương) | Ngoclinhvugia's Blog
Biết bao giờ nước ta có được nền giáo dục nhân bản, đào tạo nên các nhân tài chân chính.
Tháng 04 năm 1975 …khi ấy tôi đang là một Nữ sinh Nội trú Dòng Mến thánh giá Phát diệm tại Gò vấp.
Đọc bài này xong thấy buồn và tiếc nuối cho mình và….cho cả một Dân tộc VN.
Ô, chị là nữ sinh Nội trú Dòng Mến Thánh giá Phát Diệm à, vậy là đồng hương với tôi rồi.
Tôi ở xứ Hoàng Mai, Xóm Mới, Gò Vấp, nhà dòng Phát Diệm nằm trong điạ bàn giáo xứ Hoàng Mai.
Facebook của tôi là Hai Vu.
Mong được kết bạn với người đồng hương.
Pingback: Nền giáo dục miền Nam 1954-1975 (GS Nguyễn Văn Tuấn – FB Que Diêm) | Ngoclinhvugia's Blog
Oh thật ngưỡng mộ nền giáo Việt Nam Cộng Hòa quá thôi. Ước gì VN giải thể ĐCS để thành lập nhà nước Việt Nam Cộng Hòa, để có nền giáo như vậy. Bây giờ nền giáo dục của nước mình bị xuống cấp đạo đức quá.
Lúc đó miền Bắc có gì nhỉ,tôi thiết nghỉ,lúc đó họ có những người tuyên truyền giả dối ,lường gạt dân ,hô hào dân ” giải phóng” miền Nam ,thật ra họ chỉ mượn sức dân để đánh chiếm miền Nam cho họ thôi .
Thật ra ý đồ của Mĩ ở Việt Nam không phải là gây chiến , xâm lược mà là thu phục, nhằm từng bước hất chân Liên Xô tại châu Á
Nhưng nước ta lại không hiểu sớm, thấy nó tới chỉ đánh, và kinh tởm nó,nên những cái hay của Mĩ đều không được dân ta học hỏi
Đến giờ có hối cũng muộn
Quá thấm thía. Cảm ơn Bác Long An rất nhiều! Xin phép Bác tôi lưu bài viết này để con cháu mình học.
toi chi biet lac dau va dau sot vi ko con tu de dung va ko but muc nao ta het xa hoi nhung nguoi cam can nay muc qua te …………te qua
toi yeu vn
Đọc bài này nhớ mái trường Gia Long và các thầy cô cùng bạn học quá . Và rất buồn cho các cháu con bây giờ phải học bộ sách giáo khoa liên tục bị tố là sai cách dùng từ , sai chi tiết khoa học . Và càng buồn hơn là cách cư xử của thầy cô với học sinh, không đi học thêm là bị đì sói trán. Cháu nhà tôi học lớp 6 đã biết nhận xét như vậy làm tôi buồn lắm.
Cho tôi hỏi làm sao lưu lại bài viết nầy vậy.
anh nhấn chuột phải giữ để bôi đen hết bài viết này , sau đó anh nhấn chuột trái để nhấn coppy và anh mở công cụ soạn thảo văn bản ( Microsoft Office Word 2003 ) việc cuối cùng là anh chỉ cần nhấn lại chuột trái nhấn vào pate vào anh nhấn nút trên bàn phím ctrl + s là sẽ lưu lại bài viết này thôi , anh là cách đơn giản mà tôi hay làm nhất đấy 🙂
lưu ý : anh nhớ phải hỏi ý kiến tác giả bài viết có đồng ý cho anh lưu lại bài viết hay không ? rồi hãy làm nhé ! hi , thân chào anh 🙂
Đáng tiếc cho 1 nền giáo dục đúng nghĩa… nhìn lại nền giáo dục thời nay mà cảm thấy nhục thay…
Rất cám ơn ….
Đúng là những con người có tâm và tầm
Thế hệ Cha Mẹ mình thật tuyệt vời . Giò nghĩ lại thấy đúng, Giáo sư (nay gọi là giáo viên á) hồi trước 30-4-1975 rất giỏi và có nhân cách. Bác sĩ cũng thế, được đào tạo bài bản và coi trọng y đức . Còn Việt nam hiện giờ thì hoàn toàn ngược lại .
Pingback: Nhìn lại nền Giáo dục VNCH | caytroinuocvauocmo
Cuốn sách toán Trung học đệ nhị rất hay !!! Các công thức phương trình đường tròn, elip rất dễ hiểu !!! Tôi đã từng đọc nó trong kho sách cũ của Dì và ứng dụng thì Tốt nghiệp cấp 3 năm 2003 và đã đậu Đại học dễ dàng …
tôi đã biết được những gì của nền giáo dục miền nam qua lời kể của ba tôi, mặc dù là Việt nam cộng hòa nhưng ba tôi vẫn được học những tư tưởng của mác – anghen. thế mà đến thế hệ tôi học chỉ thấy xuyên tạc tư bản tư sản
Xem đươc những gì đã có thật hữu ích & tiếc nuối
Đọc bài giáo dục xưa mà buồn cho giáo dục nay, rồi lo cho giáo dục mai sau, lo hiện tại, lo bản thân gần 50t vẫn học để tìm kiếm công việc ổn định – rất nhiều nỗi lo xa vời bởi thân già đang học nên lo .v.v…
Bai Việt rát hay và co y nghia
Bây giờ giáo dục là kinh doanh..
Bài viết rất ý nghĩa ah.
Tôi xin hỏi mỗi 1 câu thôi, sao toàn những hình ảnh tiến bộ hiện đại thế kia mà cụ kị ông bà ta lại đói khổ thế.
Đói khổ là ở phía Bắc kìa bạn. Còn ở Sài Gòn là “hòn ngọc viễn Đông” :), đọc lịch sử kĩ lại rồi vào đây luận bàn như bạn 🙂
Thế bây giờ cả nước đang cùng giàu à ? Tư Bản không biến xã hội thành thiên đường, sẽ vẫn có kẻ giàu người nghèo, sẽ vẫn có sự bất công, nhưng nó khác CS ở chỗ là nó không cuồng vọng về cái thiên đường nào hết, nó nói dối ít và nó làm nhiều. Nhìn cái thực tế hiện hành và tự kể câu chuyện của chính bạn đi, chuyện cũ của ông bà cụ kị, không có ý xúc phạm, nhưng mọi góc nhìn đều rất hẹp khi chưa có internet. Đó là lý do vì sao gia đình tôi lại kể cho tôi nghe một câu chuyện rất khác.
“Ba nguyên tắc “nhân bản” (humanistic), “dân tộc” (nationalistic), và “khai phóng” (LIBERAL ??) được chính thức hóa ở hội nghị này”.. toi khong hieu! Ai giai thich giup toi ???
Bạn hiểu như thế nào , tới đâu và từ đâu ?……Để nói là Ông Bà đói khổ ?
Bạn nên hỏi những người sống ở Miền Nam thời đó , Miền Nam thời đó chỉ đứng sau Nhật thôi đấy
Cám ơn tác giả vì bài viết. Bài viết không chỉ cho những thế hệ sau này như cháu biết được VN đã từng có 1 nền giáo dục tiên tiến, chú trọng đến nhân bản con người như vậy. Đây là một tài liệu quá quý báu. Nghĩ lại mà thấy đau xót cho nền giáo dục hiện nay!
Riêng tôi thấy, một khác biệt căn bản giữa 2 nền giáo dục trước 1975 và hiện nay là: định hướng mục tiêu giáo dục của mỗi bậc đào tạo.
Đại học miền Nam trước 75 có mục đích đào tạo hàng ngũ “trí thức” cho xã hội, chú trọng vào chất hơn số lượng. Người tốt nghiệp đại học vừa có tri thức chuyên môn vừa có khả năng tổ chức và quản lý trong lãnh vực nghề của mình.
Do mục tiêu như thế nên quá trình học tập sinh viên được rèn luyện tư duy và phương pháp tổ chức, quản trị chuyên môn ngay trong bài thi của bộ môn. Thí dụ, ở ngành Dược, bài thi môn Hóa Dược có câu hỏi: Kiểm định chất A? Phần trả lời, sinh viên phải tự vận dụng tri thức về đặc tính vật lý (hình tướng) và hóa học (các phản ứng). Học năm cuối đề thi rất ngắn: “Sản xuất và phân phối thuốc A, B…” nhưng phần trả lời lại rất rộng: từ việc nuôi trồng, thu hoạch, bào chế, lưu thông phân phối, Pháp chế Dược.
Ngày nay, tốt nghiệp đại học chỉ trở thành “công nhân bậc cao” được giao việc thế nào thì làm thế đó mà thôi! Chưa kể chất lượng tuyển từ đầu vào ra sao.
Bạn nói đúng lắm, ngày nay càng thay đổi càng kém
Theo mình thì thấy, đào tạo giáo dục ở Việt Nam hiện nay là không phải đào tạo ra những người sau này đi làm trong các công ty, doanh nghiệp mà là đào tạo chỉ để phát triển đội ngũ tiến sĩ, giáo sư (mặc dù đạt rồi đội ngũ đó cũng chẳng biết làm nên trò tróng gì).
Vì sao tôi nói vậy? vì các bạn thấy, ngay từ các lớp 1, các học sinh phải học tư duy, học toán, đến cấp 3 và cả đại học, hầu hết thời gian là học mấy môn mà chẳng đứa nào biết sau này sẽ dùng để làm gì trong cuộc sống?. Ví dụ như toán, phổ thông cho học tích phân, tính sin, cos, nói thật tốt nghiệp đại học đi làm mấy năm nay tôi ko biết mấy cái đó có ý nghĩa gì đối với tôi ko?và với các bạn tôi cũng vậy, chỉ một số rất ít người cần nó để …”thay đổi thế giới”.
Do là đào tạo theo mục tiêu để trở thành tiến sĩ thôi, nên tốt nghiệp đại học xong, mọi người đều phải đi học lại thì mới có thể đi làm, đứa nào tốt nghiệp đại học loại giỏi mà chẳng biết học thêm ở ngoài thì thất nghiệp…
Có gì đâu mà cải tiến, cải lùi
Cứ nguyên lý của nhà mà sử dụng
“Bổn củ ” dùng chung sao còn lúng túng
Đọc thấy nghẹn ngào, đau đớn, ngậm ngùi.
Tôi là người sinh ra sau chiến tranh nên không biết được và cũng không thấu hiểu được cảnh tượng của chiến tránh tôi chỉ biết rằng cái đói cái nghèo luôn đeo đẳng trong mỗi gia đình ở quê tôi. Cảnh tượng đói rách chết chóc mỗi ngày quanh tôi thấy màđau lòng mọi người tìm đến cách vượt biển để tìm cuộc sống mới hy vọng thoát khỏi cái nghèo đói , và giúp đỡ gia đình . Bao nhiêu người chết chóc tù tội giết người cướp tài sản trên biển nhưng họ vẫn quyết ra đi. Cũng nhờ lòng nhân đạo của các nước mà quê huong vn mới có được ngày hôm nay. Chính ngày bản thân tôi hôm nay nếu không ở nước ngoài thì gia đình tôi không biết sẽ ra sao nữa? Tôi chỉ mong được được thấy quê huong được sống trong no đủ mà thôi . Tôi chỉ mong muốn người già được nhiều chế độ ưu đãi trẻ em nghèo được đến trường mà không cần đóng lệ phí nào thế thôi
Bao Gio moi Duoc nhu vay ha ban???
Ba nguyên tắc “nhân bản” (humanistic), “dân tộc” (nationalistic), và “khai phóng” (LIBERAL ??) được chính thức hóa ở hội nghị này.
..
hok có nút like nhỉ 🙂 ..những bạn ở trên nói rất hay.. ..tôi thấy giờ chỉ có rất ít thầy cô giáo là thực sự, hoàn toàn như trên. tôi thấy họ hay đấy nhưng tôi không ngưỡng mộ, chắc có thể cả đời tôi chẳng được ngưỡng mộ nổi một thầy cô nào ở cái gd này! ..đến người học cao còn hok tỏ nữa là, như cô dạy đường lối cm của đcsvn ở trường tôi. nói rất hay nhưng chẳng bao giờ lọt lỗ tai tôi cả..nào là..thôi, nói ra mất công!! ..nhiều người sống trước 75 mn có những câu chuyện rất hay, nhưng nhiều người hok dám kể ra vì họ “sợ”. một con 9x như tôi rất may đã được biết, hok phải tất cả nhưng ít ra có thể thấy được họ đã được giáo dục như thế nào!..đánh lộn, xã hội đen cũng phải ra quân tử!..nhờ có ông bà, cha mẹ như thế nên chí ít, giáo dục của cha mẹ từ thời đó vẫn còn truyền tới thế hệ nay..có thể so sánh miền bắc với miền nam, ở đâu hung hãn, ở đâu gian manh và bạo lực học đường xảy ra nhiều nhất? tuy hơi thiển cận nhưng tôi thấy ít nhất là như vậy.
Ngày ấy ở ngoài bắc đi học toàn chân đất ,mắt thì toét quần áo vá chằng chịt
Bài viết rất hay, có ích cho nhiều người. Cám ơn người viết.
Thanks for the article.
TRÁI TIM CON NGƯỜI SẼ BIẾT XÚC CẢM VÌ CÁI GÌ VÀ VÌ LẼ GÌ.
Nhưng mà VN vừa vô địch robocon Châu Á TBD đó các bạn, cũng đáng hoan nghênh lắm mà. Thi olympic thì các HS VN cũng đứng khá cao trên bảng xếp hạng TG đó thôi. Các bạn chỉ ra những khuyết điểm để nhìn nhận và khắc phục của nền GD hiện tại thì rất chi là đáng mừng. Chứ các bạn chửi bới chế độ, chửi bới nền GD hiện tại thì các bạn đang tự nhận mình là đứa ko có GD rồi. Như vậy thì ở nền GD nào cũng ko đào tạo nổi các bạn
Tôi có thấy bài này chửi chế độ, nền GD XHCN chổ nào đâu Trần Mạnh Toàn ?
Chỉ cần biết được nền Giáo dục VNCH với tôn chỉ :” Nhân bản, Dân tộc và Khai phóng ” thì nó hơn đứt cái nền GD XHCN, mà tôi và bạn từng bị nhồi sọ rồi:
” Stalin! Stalin!
Yêu biết mấy, nghe con tập nói
Tiếng đầu lòng con gọi Stalin!
…
Thương cha, thương mẹ, thương chồng
Thương mình thương một, thương Ông thương mười ”
Đáng thương cho những người như bạn trong thời đại thông tin tràn ngập mà vẫn còn ngu muội như vậy.
Bạn tự hào “Nhưng mà VN vừa vô địch robocon Châu Á TBD đó các bạn, cũng đáng hoan nghênh lắm mà. Thi olympic thì các HS VN cũng đứng khá cao trên bảng xếp hạng TG đó thôi”, nhưng trong khi đó, sau 39 năm “giải phóng”, VN XHCN còn chưa làm được con ốc vít cho ra hồn, đạo đức con người xuống cấp trầm trọng chưa từng có trong lịch sử. Đây là niềm tự hào của bạn đấy chăng ?
Tỉnh lại đi bạn ơi !!!
Chính xác luôn, hay lắm bạn ơi! Cảm ơn bạn đã nói dùm tôi!
hay quá bạn ơi. đây cũng chính là điều mình muốn nói với bạn ấy, thời buổi thông tin mà còn ngu muôi5 như vậy thì quả thật VN này thật là bất hanh5 khi có những người như thế
hay do bao nhi ban noj dung qua sau bao nhju nam giai phong chung ta chi dung dau ve mat ly thuyet con ve thuc hanh thi chung ta van chi la con so 0
Hay!
Bài viết rất hay, có ích cho nhiều người. Cám ơn tác giả “sự nuối tiếc vô bờ bến”. Sự kiện chỉ ra cái phương pháp hay, ý thức tinh thần tốt trong đó. Chế độ nào cũng có cái yếu tố tiến bộ, cái yếu tố phát triển của nó. Nhưng vấn đề là sự tiến bộ, sự phát triển đó so với thời đại thế nào. Không thể nói so với thời ăn lông ở lỗ (thời đồ đá) bây giờ ta có nhà tranh là tiến bộ là phải “ơn đảng, ơn chính phủ”. Tôi có cô em tốt nghiệp ĐH sư phạm mấy năm, giờ đang đi dạy học theo kiểu “gia sư” và dạy hợp đồng ở các trung tâm, trình độ rất khá (có thể nói là một GV giỏi), rất được tín nhiệm, thu nhập khá, nhưng vất vả “tay làm hàm nhai”. Tuy nhiên em bị mấy cú sốc mà XH XHCN đem đến cho em: Năm em thi vào trường chuyên THPT, em phải học lớp “nhô” mất 01 năm rồi mới được vào học lớp chính, bạn em học dốt nhưng con quan nên được vào thẳng. Em thi công chức 3 lần, lần đầu lấy 1 thì em xếp thứ 2. Lần thứ hai lấy 5 thì em xếp thứ 6. Lần thứ ba lấy 15 thì em xếp thứ 16. Vì chưa thi đã biết thí sinh trúng tuyển rồi, nộp nhiều triệu hơn thì trúng tuyển, em không có triệu nào, trượt là phải thôi.
Gửi bạn Trần Mạnh Toàn: Nếu là dân thường , xác định ở nhà làm ruộng (đi cày) thì không nên đi học ĐH, và thi Robocon
Bạn trẻ Toàn nên tìm đọc các trang web chính thống như Vietnamnet, tuoittre, thanhnien, giaoduc.net.vn có đăng các kiến nghị chỉnh đốn và theo dõi thêm việc khắc phục các khuyết điểm về giáo dục, của Nhà nước, là đáp ứng được cho yêu cầu của bạn rồi đấy! (Nếu đọc rồi chưa thỏa mãn, vui lòng phản hồi, để mọi người có thể giới thiệu các links khác cho bạn.) Thân,
mấy cái đó toàn che dấu sự thật, và nói thật nền gd việt nam quá lạc hậu
Bạn đọc không kỹ rồi. Tác giả chỉ viết bài về nền giáo dục trước đây của Chế đọ VNCH. Tôi nhận thấy đay là một nền giáo dục rất nghiêm túc và xuất phát từ những người làm giáo dục có TÂM và TẦM.
Cái giáo dục quan trong là đào tạo lực lượng lao động cho XH có chất lượng cao mới đc đánh giá cao. Còn đào tạo cho gà chọi đi thi olympic quốc tế xong rồi các thành viên đó cũng ra nước ngoài học đh và làm việc thôi.
Thi Quốc Tế thì VN thường…nuôi gà chọi để đưa đi, nước ngoài ít đặt nặng vấn đề này lắm, với lại vài ba cái danh hiệu của HSSV trong thời đi học nghĩa lý gì, sao bạn khg nghĩ đến cái kết quả thực tiễn, đóng góp thực tế….của gần 25.000 anh Tiến Sĩ đã hoàn thành sự học rồi đấy, có bằng vài ba anh Hai Lúa ở miền Nam khg ???….
Anh noi dung do,co 25.000 Tiến sy nhung ho khong phat minh duoc dieu gi ca,boi vi ho khong có lop hoc ve nguyen cuu,hoc xong cao hoc,ve nha choi,doi toi ngay di lanh bang Tiến sy,vay la toi da la tien sy.con gai toi la mot tien sy tai My,duoc bo giao Duc tphcm moi ve lam co van cho nganh cao hoc tai Sai Gon,sau khi tro ve,no noi voi toi la:trinh do TS o VN la con so Oooo,khong the giup duoc.Vay cac ban hay suy nghi.
sáng tạo thì rất tốt nhưng k có chỗ để áp dụng, vn trc h toàn đạt giải cao trong các cuộc thi robocon nhưng h họ đã và đang ở đâu ???
Ông Bà ta có câu : Biết thì thưa thốt , không biết dựa cột mà nghe !
Thế giới người ta đã lên đến Mặt trăng , sao Hỏa … còn mình thì thi Robocon vớ vẫn thì có gì đâu mà tự hào ?
“chửi bới chế độ, chửi bới nền GD hiện tại thì các bạn đang tự nhận mình là đứa ko có GD rồi” cho hỏi một câu tương xứng với lối đốp chát của bạn nhé! bạn học hết lớp mấy?
Vì tác giả không chửi ai cả! Đưa ra vấn đề, ai hiểu, ai so sánh qua cái thấy (không thể phủ nhận hay mang tính cá nhân chủ quan) là quyền của người đó. Vấn đề là không cố tình xuyên tạc một sự thật dù có thể trong cách dùng từ có thể đi kèm cảm xúc.
Rất tiếc lối ăn nói này bạn đã tự lột cái mặt nạ vô giáo dục của chính mình rồi đó!
..
mấy bạn trên nói cay cú qua 🙂 ..cơ mà toàn cũng thông cảm..tại vì lớn lên trong sự dạy dỗ của csvn thôi.. 🙂
Cháu là một du học sinh Việt Nam-25 tuổi đang theo học ngành Business Information Sýstem tại Mỹ. Qua bài viết này, đối với giáo dục Việt Nam hiện tại cháu chỉ có một cảm nghĩ duy nhất “Nhục”. Là du học sinh từ Việt Nam, cháu được ảnh hưởng từ 2 nền giáo dục của 1 nước hàng đầu thế giới và 1 nước chậm phát triển, do đó cháu cảm thấy tiếc cho bản thân và những ai đã và đang học trong môi trường đầy rẫy tham nhũng, hối lộ, nịnh bợ, tham tiền, lộng quyền. Nay, được hiểu thêm về nền GD VNCH, cháu cảm thấy thán phục. Đối với nhân dân VNCH tháng 4/1975 là đen tối nhưng riêng với ngành Giáo Dục của Việt Nam sau năm 1975 đến năm 2014 vẫn chưa sáng lại.
Hy vọng, các bạn đang học tập ở bất cứ đâu khi đọc được những suy nghĩ của mình đừng nghĩ đến 2 chữ “phản động” mà hãy nhìn thẳng vào giáo dục của Việt Nam hiện nay.
Chứng chỉ Tú tài toàn phần của Lê Thị Mỹ Hoa không còn hình !
Đại học Y khoa Minh Đức ( tư nhân đầu tiên) những năm 70 không có trong tài liệu này . Nếu có thể được bổ sung thì hay quá .
Trân trọng cảm ơn Ban Biên Tập
Trong bài có nhắc đến Đại học Y khoa Minh Đức mà bác Giang Pham !
Mình đỗ Tú tài II năm 1973. Chỉ có C/c Tú tài I là có hình và viết bằng tay, c/c Tú tài II năm 1973 thì đánh máy bằng máy tính (IBM) và không có hình. Viện ĐH Minh Đức là đại học tư đầu tiên có Khoa Y và Viện ĐH Vạn Hạnh có Phân khoa Khoa học ứng dụng. Sau 30/4/75, Khoa Y của Minh Đức chuyển sang học ở ĐH Y Dược và Phân khoa Khoa học ứng dụng của ĐH Vạn Hạnh chuyển sang học trường Phú Thọ (ĐH Bách Khoa hiện nay).
Bài rất giá trị, cảm ơn bạn!
http://kimdunghn.wordpress.com/2014/10/25/nhieu-nguoi-bao-doc-xong-bai-nay-khoc-vi-thuong-dan-toc-vn/
Ráng mà nuốt vào trong…
Cảm ơn bác Thịnh đã chia sẻ một bài viết rất hay.
Kính bác Huỳnh Long An,
Nếu Bác có hình chụp sách địa lý lớp 3 ở trang tiếp theo, xin bác cho độc giả cùng xem ạ. Vì có một số bạn bè của cháu sau khi đọc đến phần đó thắc mắc về các đảo của Quốc gia đâu ? Chau chưa biết trả lời thế nào. Xin ý kiến chỉ giáo của bác.
Cháu chân thành cảm tạ.
chính sách súc vật ma xó âm binh ma fia hóa toàn dân để trị vô cùng tàn bạo và man rợ của lủ thú vật ma fia cộng sản …chúng đã biến con dân thành nhũng con thú bò bốn chân đeo mặt nạ người bán cả linh hồn và thể xác hy sinh tất cả cho đảng trong nhũng đại gia đình ma fia cộng sản đảng chui rúc trong bóng tối đẻ bảo vệ và phát triển chủ nghĩa cộng sản ra toàn cầu … cũng vì bọn ma fia cộng sản đen này mà hiện nay đám thú vật ma fia cs … nhũng con rô bốt người được điều khiển từ xa đã lan tràn như nhũng xác sống gieo truyền hạt giồng đỏ rộng khắp năm châu mà nhất là đang phát triển mạnh mẻ tại đất nước của nữ thần tự do …nếu không kịp thời cảnh giác âm mưu sâu độc và đê hèn của lủ âm binh ma fia cộng sản ..lai vô ảnh khứ vô tung này thì một ngày không xa tượng nử thần tự do sẻ bị đạp đổ thay thế bằng tượng ông mao ông mác ông lê tay cầm búa liềm thống lỉnh nhân loại …
Personal attack. Nếu muốn chỉ trích nền giáo dục dưới thời CHXHCNVN thì nên chỉ ra các nhược điểm của nó hơn là chửi bới bản thân nó. Hơn nữa nói về kết quả nếu ko đạp đổ cái này thì là fallacy Appeal to consequences of a belief. Cách you nói ghe đầy hằn học thù hận, khác hẳn cách tôi cởi mở nghĩ về VN cộng hòa khi đọc bài viết này 🙂
Nền giáo dục của VN hiện nay, quả là vấn nạn. Đọc bài của thầy, xem các bức ảnh, quả thực xót xa
Những hình ảnh này thật làm cho người ta phải bàng hoàng. Người xưa , ai ai nhìn cũng ngăn nắp , tề chỉnh. Cảnh xưa, ̣đâu đâu cũng sạch sẽ , gọn gàng. Trang phục xưa, giày dép xưa, nhìn đâu cũng thấy mực thước và đồng điệu. Như tấm hình của Cảnh sát Quốc gia, nhìn tưởng như cảnh bên Mỹ hay Tây Âu, vì nghiêm trang và sạch sẽ quá. Hình các bé mẫu giáo đứng trong vòng tròn lại làm ta tưởng đến cảnh người Nhật xếp hàng sau kiếp nạn sóng thần, vì ngăn nắp quá. Tuyệt hơn nữa là, là nhìn ai cũng có một vẻ khiêm nhường và vui sống rất tự nhiên mà không hề yếu đuối bi lụy. Vậy hóa ra là đã có một thời như thế, dân ta sống qui củ, ngăn nắp , sạch sẽ , vui vầy trong tình yêu thương chân thật và chu toàn trong bổn phận xã hội của mỗi cá nhân. Nghe mà cứ như chuyện cổ tích thời nay.
Vì đó là một nền giáo dục mà triết lý đầu tiên được chú trọng là “nhân bản” …!
Tôi nên người cũng nhờ vào roi đòn và những lời dạy dỗ của các thầy cô giáo. Hết lòng cám ơn và kính phục các thầy cô giáo VNCH.
Thời đó,câu biểu tượng trong lớp là: TIÊN HỌC LỄ,HẬU HỌC VĂN,còn bây giờ là:BÁC HỒ VÌ ĐẠI,SỐNG MÃI TRONG SỰ NGHIỆP CỦA CHÚNG TA .Vậy các cháu tự nghĩ xem,các cháu học cho chính các cháu,hay các cháu học cho Bác ????
Tôi sinh năm 1971, lớn lên trong chế độ XHCN ở Việt Nam, hầu như không biết gì về nền giáo dục toàn diện của chính thể VNCH. Tuy vậy, tôi cũng từng được nghe ba tôi ( cựu giáo sư trước năm 1975 ở Miền Nam, nay đã qua đời) kể lại đôi điều về nền giáo dục ưu tú mà ông đã được thụ hưởng. Nay đọc bài viết của thầy Huỳnh Long An tôi càng thêm khâm phục hệ thống giáo dục của chính thể VNCH. Là một người đã từng ngồi trên mái trường XHCN, tôi cũng không có ý phụ bạc nền giáo dục của chính thể này.Tuy nhiên với tinh thần khách quan và tôn trọng sự thật, trong một chừng mực nào đó với sự hiểu biết có giới hạn của bản thân, tôi nhận thấy rằng nếu xét về khía cạnh thực dụng và hiệu quả giáo dục thì nền giáo dục của VNCH hơn hẳn nền giáo dục của XHCN tại Việt Nam hiện nay – nơi tôi đã sinh ra và lớn lên. Một cách công bằng mà nói, nền giáo dục của VNCH đã sản sinh ra được nhiều con người toàn diện, có danh dự, nhân nghĩa và nhân ái, biết tôn trọng sự thật và giữ lời hứa, xem vật chất chỉ là phương tiện chứ không phải là cứu cánh, biết nhìn nhận sự vật, hiện tượng theo lối khách quan đa chiều chứ không bảo thủ và suy diễn theo lối một chiều rồi trở thành độc đoán….Bằng chứng là những người bạn của ba tôi trước năm 1975 mà tôi đã từng có dịp gặp gỡ, học hỏi và ngưỡng mộ, những người thầy, người anh được thụ hưởng nền giáo dục VNCH mà tôi đã từng sống với họ ở Việt Nam, nhiều nhất là ở Huế. Càng sống, càng trưởng thành và có sự hiểu biết chín chắn, tôi không ngờ rằng những con người đã từng thụ hưởng nền giáo dục ưu tú đó lại tuyệt vời đến mức vượt quá sự tưởng tượng của bản thân ! Sau năm 1975, trong số họ cũng có rất nhiều người ở lại Việt Nam, gắng gượng để sống và làm việc trong chế độ XHCN lạc hậu, kham khổ, tù túng và nghèo đói…nhưng kỳ lạ thay, theo thời cuộc mà cốt cách của họ vẫn nghiễm nhiên rất mực. Để chống chọi với cuộc sống nghiệt ngã tại quê nhà sau năm 1975 trong những năm tháng cùng khổ, họ đã ứng dụng được những điều mình học được dưới mái trường VNCH một cách phi thường và khó tin. Là những trí thức thật thụ, để mưu sinh họ phải làm những công việc chỉ dành riêng cho những người thất học
( xin lỗi, tôi không có ý xem thường người thất học mà chỉ nói lên sự thật ) như : Đạp xe thồ, chở nước đá thuê, khuâng vác, sửa chữa xe đạp, thợ mộc, làm vườn…Bản thân ba tôi là một giáo sư TDTT, Tam Đẳng Nhu Đạo Quốc Tế, nói được 2 ngoại ngữ Anh và Pháp khá thông thạo, đã từng làm thông ngôn ( thông dịch viên) tiếng Pháp chuyên về bơi lội tại Vũng Tàu năm 1960, giáo sư trường Kiểu Mẫu Huế 1966, xuất thân trong một gia đình quan lại quyền quí…ngoài công việc đi dạy hàng ngày, ông còn phải làm thêm bằng cách đi chở nước đá thuê, làm vườn, đốt củi… không thể tượng tượng nổi ! Vậy mà họ – những con người tuyệt vời nhưng thất thời đó vẫn sống một cách bền bỉ và chịu đựng, hoàn thành sứ mạng của đời mình cho đến hơi thở cuối cùng, không một lời than trách ! Trong cảnh khốn khó nhưng họ sống với nhau rất tình nghĩa, có trước có sau, không có bất cứ một người nào vì miếng cơm manh áo mà trở mặt phản bội anh em, sống với nhau cho đến khi đầu bạc răng long gần đất xa trời, thậm chí có nhiều người đã qua đời nhưng vẫn được người khác đối xử như khi đang còn sống, thương yêu và đùm bọc vợ con côi cút của người bạn đã quá cố, lui tới cúng bái với một tinh thần rất trong sáng, nhiệt tình và cao thượng ! Đó là những bài học quí giá và hiếm hoi mà tôi đã có trong đời mình về những con người đã từng hưởng thụ nền giáo dục ưu tú của VNCH !
Hôm nay đây nhìn lại đất nước Việt Nam XHCN với đủ thứ trường học với tên gọi rất kêu như : Trường thực nghiệm, trường quốc tế, trường chuyên nghiệp, trường điểm, trường khoa học xã hội và nhân văn… lòng tôi cảm thấy xót xa cho bản thân và nhiều người khác, đặc biệt là thế hệ trẻ 8x, 9x… Tại sao một nền giáo dục tự cho là ưu việt đó lại sản sinh ra quá nhiều con người khốn nạn, vô cảm, ích kỷ, tham lam, nham hiểm và xảo quyệt, ti tiện và toan tính với đồng loại, trở mặt như thay áo, vô trách nhiệm, tán tận lương tâm, lấy đồng tiền làm cứu cánh, tôn thờ vật chất đến mức cực đoan, lừa thầy phản bạn và đạo đức giả…tuy không phải tất cả ai cũng giống như vậy ! Trong xã hội Việt Nam ngày nay, nếu muốn kiểm chứng những lời nói của tôi có đúng sự thật hay không, quí vị có thể dễ dàng thực hiện điều đó như thể lấy đồ trong túi áo của mình, tôi không cần phải nói nhiều mà quí vị vẫn biết ! Đau lòng quá, một dân tộc đã có hơn bốn ngàn năm văn hiến, trải qua bao nhiêu thăng trầm của lịch sử, biết bao biến cố trọng đại với vô vàn bài học xượng máu mà sao hôm nay đầu óc lại mê muội, tối tăm đến như vậy, có lẽ nào ? Làm nghề dịch thuật và ca hát, tôi là một người rất lạc quan yêu đời, gắn bó với đồng loại. Tuy nhiên tôi nhận thấy rằng với thế hệ của mình ( 43 tuổi), nếu phải tiếp tục sống trong một cái xã hội thối nát, bất công và vô nhân đạo như xã hội Việt Nam ngày nay, tôi không còn nhiều cơ hội cải thiện cuộc đời mình, chỉ thương và lo lắng cho những thế hệ mai sau mà trong đó mình cũng có chút ít quyền lợi – được con cháu thờ cúng đường hoàng tử tế sau khi chết. Khi nhìn cuộc sống hiện tại của giới trẻ ngày nay tại quê nhà, với một nền giáo dục què quặt và bại hoại của XHCN, thử hỏi quí vị sẽ trông chờ được điều gì tốt đẹp trong tương lai ? Trên đây là những lời nói phát xuất từ đáy lòng tôi, những lời nói chân thành và thân ái, không vị kỷ hay thù hằn bất cứ một người nào, cho dù họ là ai, ở đâu trên khắp đất nước Việt Nam này !
Tôi yêu đất nước và dân tộc của mình ! Tôi có quyền khát vọng và tranh đấu cho đất nước và dân tộc của mình, góp phần bé nhỏ của bản thân để làm cho đất nước trở thành một quốc gia tự do, cường thịnh và hạnh phúc, nếu có thể làm như vậy và phải chết cho lý tưởng đó tôi chẳng có gì để hối tiếc ! Xin cám ơn tất cả quí vị !
Xin trân trọng cám ơn thầy Huỳnh Long An và Niệm Khúc Cuối ( Nick Name của người đăng bài viết này). Kính chúc quí vị an lạc và hạnh phúc !
Bác này đúng là người có tâm huyết. Chạnh lòng với nước non,con tôi sau này có điều kiện cho đi du học hết để tiếp nhận một nền văn minh tiến bộ chứ ở đây chỉ thêm uất mà thôi.
Cảm ơn bạn vì sự nhìn nhận và chia sẽ …!
Cảm ơn bạn về bài viết. Tôi thấy rất đúng.
Tôi sinh năm 1974.Cảm ơn anh đã nói hộ tôi lời mà mình muốn nói. Cảm ơn
Tư tưởng của anh như vậy,nếu anh mà làm thủ tướng VN hiện tại thì Nhật và Hàn Quốc chỉ có đứng nhìn xa.Chế độ XH gì đâu mà kỳ quặt có 1-0-2,quan chức thì giàu như vua Ba tư,dân chúng thì nghèo như nguyên thủ quốc gia Mỹ….
Xin phép ông Huỳnh Minh Tú được reblogged tại http://ongvove.wordpress.com/. Thành thật cám ơn .
Anh chị cứ tự nhiên chia sẻ bài này, vì nó là của chung.
Cảm ơn anh chị đã quan tâm.
Cho phép tôi chép lại bài này để dạy lại cho con cháu mình. Cảm ơn
Reblogged this on OVV.
Bài viết súc tích. Trân trọng cám ơn người viết, người đăng và cả người đọc.
Giáo dục là nền tảng, là sức mạnh của một đất nước.
Năm 2014 (thế kỷ 21), Việt Nam vẫn cứ loay hoay tìm kiếm (hay cố tình?), đã tốn kém rất-rất-nhiều tiền bạc+nhân lực+tài nguyên+thời gian của nhiều thế hệ – trong đó có nhiều người trẻ vả trẻ em – để có cái gọi là giáo dục.
Hơ, đâu cần phải tìm đâu xa? Một nền giáo dục tiên tiến và gần gũi với Việt Nam hiện nay chính là nền giáo dục miền Nam trước 1975. Hãy học nó đi! Hoàn toàn miễn phí! Và không hề cũ!
Nhìn hiện trạng (Việt Nam năm 2014):
– Thời gian: ngay từ tiểu học, trẻ em Việt Nam rời nhà đến trường từ rất sớm và trở về nhà rất tối; nhưng vẫn chưa hết, tắm rửa ăn cơm tối xong, lại tiếp tục học đến khuya.
– Tiền bạc: cứ đi họp phụ huynh theo đúng các kỳ đi sẽ biết; chỉ cần biết đọc biết viết (tiếng Việt thôi) đã rất gian nan rồi.
– Kết quả: hãy xem truyền hình (TV) mỗi tối – đài VTV (đài chính thống của đảng và nhà nước) -,ngay bảng chữ cái (ABC) tiếng Việt, phát thanh viên đã phát âm sai rồi! (Hehe! Đúng là chịu không nổi!?)
Thêm một chút, các trò chỉ cần không thuộc một môn thôi (lịch sử đó), thì họa mất nước đã rát cả mặt.
Nếu mình mạnh khỏe, rắn rỏi, khôi ngô, kẻ côn đồ sẽ dè chừng chẳng dám “khoan” hay “lấn” mình đâu.
Tôi rất thích bài viết này, và cũng xót xa không ít vì tôi đã tửng học tiểu học trước 1975.
tư liệu quý báu, con đọc mà thấy xót xa cho thế hệ của mình. Phải làm sao để nền giáo dục khởi sắc lại như xưa?? vấn nạn!!!
Pingback: ►Nhìn Lại Nền Giáo Dục Việt Nam Cộng Hòa : Sự Tiếc Nuối Vô Bờ Bến « Trần Hoàng Blog
Sau 75 tôi may mắn được sống trong miền Nam và đã học qua 12 năm phổ thông với rất nhiều thầy cô miền Nam. Tôi có thể khẳng định tất cả các thầy cô giáo được đào tạo trước đây mà tôi đã được học qua vô cùng tâm huyết, trách nhiệm, hết lòng với học sinh. Và trình độ cũng như phương pháp giảng dạy thì rất tuyệt vời. Tư cách, phong cách của họ cũng vậy, làm cho học trò nhìn vào luôn cảm thấy kính nề mà vẫn quý mến, là tấm gương để học trò noi theo.
Có thể nói không bao giờ tôi quên được những hình ảnh đó.
Cám ơn bài viết Nhìn lại nền giáo dục VNCH để thức tỉnh nền giáo dục CHXHCNVN ngày nay.Một nền giáo dục chắp vá không giống ai, đã vậy còn làm hỏng cả nhiều thế hệ sau năm 1975 trên cả nước VN. Lê Nin đã nói: Nhiệt tình cách mạng mà cộng với ngu dốt là sinh ra phá hoại.
Cảm ơn Bác Long An, cho đến năm 75 em mới học đến lớp Đệ Ngũ nhưng em được hưởng nền Giáo Dục Nhân Bản. Nhìn các con bây giờ học trong môi trường Giáo Dục dối trá của CS thấy đau lòng, chúng không được học Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín nên dù chúng tốt nghiệp Đại Học vẫn thấy chúng như những con người được nhào nặn đúc khuôn như Robot. Việt Nam đã bị làm hỏng cả một thế hệ, Việt Nam sẽ đi về đâu nếu để thế hệ trẻ này cai quản Đất Nước, Buồn.
Cảm ơn anh Huỳnh Long An
Reblogged this on Các bạn có biết.
Tôi là một người sống và học tập ở Miền Bắc, vậy mà tôi cũng có cảm giác đau xót và tiếc nuối vô bờ bến khi đọc bài báo này. Lý do dễ hiểu vì tôi thuộc thế hệ đã học hết tiểu học ở Hà-nội trước 1954. Sau này tôi nghiệm ra rằng những giá trị tinh túy nhất về học vấn tôi cũng tiếp thu được từ các nhà trường trước 1954. Tôi không có cơ hội tiếp xúc với nền giáo dục VNCH, nhưng tôi hình dung ra nó cũng giống như nền giáo dục ở Hà-nội trước 1954, và nó là sự tiếp tục và phát huy những giá trị tinh túy của nền giáo dục đó. Nền giáo dục Việt Nam trong nước hiện nay xuống cấp và suy đồi đến mức thảm hại. Càng thấy rõ điều đó càng đau lòng tiếc nuối nền giáo dục ngày xưa, mà Hà-nội trước 1954 từng có, và VNCH từng có.
Xin trân trọng cảm ơn tác giả và xin chia sẻ nỗi đau lòng và tiếc nuối,
Phạm Việt Hưng
Sydney, Australia
Pingback: Nhìn lại nền Giáo dục VNCH : Sự tiếc nuối vô bờ bến | blognendoc
Nguyên tắc hiện tại của nền giáo dục hiện nay là gì? thành tích tự sướng với tỉ lệ 99,99% à ? nhảm hết sức :v
Chau cung nhu cac co, cac bac da noi day. Cung giong nhu anh Le Quang Uy da viet, , em cam on bac Long An “đã sưu tập tài liệu và hình ảnh, lại viết thành một khảo luận công phu về nền giáo dục ở miền Nam trước 75.” Em sinh năm 1964 va được 10.5 năm hưởng lấy nền giáo dục ấy làm vốn liếng cho đến bây giờ.
Nghe bố tôi kể ngày xưa các giáo sư khi dạy học cho sinh viên y khoa hoàn toàn bằng tiếng Pháp hoặc tiếng Anh. Đã là sinh viên thì phải biết 2 thứ tiếng Anh và Pháp, 1 trong 2 là chủ đạo. VD là bà nội của tôi nghe nói đọc viết rất thành thạo tiếng Pháp còn tiếng Anh thì chỉ đến mức đọc và giao tiếp hằng ngày.
Tâm lý con người là luôn nuối tiếc và tô vẽ cho những ký ức trong quá khứ, mà đặc biệt là những người “bất mãn” với hiện tại hoặc không có được điều như họ mong muốn trong quá khứ. Mọi sự so sánh đều là khập khiễng, người ta có thể ca ngợi nền giáo dục của VNCH bởi họ trưởng thành từ đó mà ra, tuy nhiên đừng so sánh và bôi nhọ người khác. Bởi vì như cựu thủ tướng Anh Thatcher từng nói rằng: “Tôi luôn vui mừng khi người ta bôi nhọ mình bởi vì lúc đó mọi lẽ phải hay phạm trù đạo đức đều bị họ chà đạp….”
Bạn Long đừng núp dưới váy của bà Thatcher ! Bạn thật ngu xuẩn !
Con người ta chỉ thường tiếc nuối những điều tốt đẹp đã qua, nếu chế độ VNCH xấu thì nhớ để làm gì? sống ở một chế độ độc tài, và nói một cách công bằng không có gì bất mãn là chế độ CS hiện tại không phải là xấu mà là quá xấu xa tồi tệ vô liêm sĩ… không còn chỗ để mà bôi nhọ nũa!
Nền giáo dục đệ nhị cộng hòa kế thừa từ tinh hoa giáo dục của Pháp, Mỹ, việt hóa bởi tư duy dân chủ tiến bộ, cái gọi là văn minh đúng nghĩa. Sau 1975, nó “được” thay thế bởi 1 nền giáo dục nhồi sọ chủ nghĩa cộng sản đúng nghĩa, bệnh hoạn bởi bi kịch thành tích, thi đua, cháu ngoan bác hồ. Và ngày nay, bị tha hóa, tiêu cực, tham nhũng đến mức tệ hại. Những nhà giáo ưu tú dám đứng lên vạch mặt cái xấu thì bị trù dập, xa lánh.
Những người may mắn được kế thừa nên giáo dục văn minh trước 1975, có người trở thành chuyên gia cao cấp của NASA. Ngay cả giáo sư danh tiếng của Việt Nam như Ngô Bảo Châu, thử hỏi nếu không được kích thích phát triển tài năng bên Pháp thì khó thành danh như vậy được.
Tôi trải qua 12 năm học sinh và 4 năm đại học hoàn toàn tại VN, chưa từng học tập tại nước ngoài cũng có thể đưa ra nhận xét như vậy
Bàn long : bạn thật ngu xuẩn ,bạn không nhìn thấy sự khác nhau giữa hai nền giáo dục hay sao , chỉ cần nhìn học sinh thời trước như thế nào còn thời nay như thế nào, bạn sẽ thấy ( đó chỉ là 1 khía cạnh thôi , còn nhiều thứ lam, bạn hãy so sánh đi
nếu thực tại tốt đẹp hơn quá khứ thì làm gì phải hối tiếc, và người ta đừng quá tự hào về nền giáo dục bây giờ qua những thành tích viện vông trong những bài phát biểu ,báo cáo thì sẽ không có những người hối tiếc về” những người muôn năm cũ” như thế. còn câu nói của bà Thatcher nó chưa phải là chân lý. Nếu cái XH này ngay từ đầu đừng tô vẽ ra những điều tốt đẹp, đừng tuyên tuyền toàn những viễn cảnh thiên đường , đừng cho người ta hy vọng thì làm sao người ta bất mãn được, cứ tô vẽ toàn màu hồng nhưng thực tại thì xám xịt thì hỏi tại sao không bất mãn. Người ta trưởng thành từ đó và chứng kiến nền giáo dục con em mình đang “thừa hưởng” hiện tại mới thấy được sự khác biệt chứ. Tôi thuộc thế hệ 8x thôi nhưng cũng cảm nhận được điều đó.
Cố chống chế cho một hiện thực đồi bại! Chắc bạn Long nằm trong ban thông tin văn hóa. Trích câu nói của thủ tướng anh nói về “cá nhân một con người” để chèo qua ” vấn đề xã hội”. Không biết bạn không thấy, không nghe và không dám nói sự thật như tượng 3 con khỉ. Khập khiểng? Bạn chỉ dùng từ mà tôi chắc bạn không hiểu từ “khập khiểng”. Nếu bạn định nghĩa đúng được tôi sẽ chỉ cho thấy sự so sánh của chính bạn mới là khập khiểng.
..
ý Long là trưởng thành từ nền gd vnch tốt đẹp mà tại sao lại đi “bôi nhọ” người khác chứ gì? phải không?.. ..nói trắng ra để chúng ta cùng dễ hiểu. ..
Pingback: Nhìn lại nền Giáo dục VNCH : Sự tiếc nuối vô bờ bến | dânlầmthan
RẤT RẤT CÁM ƠN BÁC HUỲNH LONG AN!
Tôi xin phép được lưu giử thông tin rất quý giá này làm tài liệu sưu tầm của Hội Cựu Học Sinh Trường Trung Học Vũng Tàu (ngôi trường được thành lập năm 1954 theo nghị định số 246/GD/NĐ ngày 09/12/1954 của Bộ Quốc Gia Giáo Dục Nam Việt – đến nay tròn 60 tuổi 1954-2014)
Xin Bác cho tôi được liên lạc thường xuyên với Bác. Tôi là Phạm Thanh Liêm là CHS-THVT email
Kính chào và chúc Bác luôn mạnh khỏe
Phạm Thanh Liêm
Mời bác Phạm Thanh Liêm cứ tự nhiên.
Cảm ơn bác đã lưu tâm và phổ biến tài liệu chung này.
Bác cứ liên lạc vào hộp thư tuxtini@gmail.com
Trân trọng
Pingback: Nhìn lại nền Giáo dục VNCH : Sự tiếc nuối vô bờ bến | Trinhngoctoan's Blog
Toi da song qua ba che do cai tri : 2 thoi VNCH va 15 nam VNCS .Toi thanh tam mang on che do VNCH da cho toi mot nen giao duc that su van minh, khai phong, nhan ban (nhan dao), va tinh than quoc gia (khong thu han) ! Toi that la nguoi may man hon the he ke tiep o VN.
Pingback: TTXVA | Nhìn lại nền Giáo dục VNCH : Sự tiếc nuối vô bờ bến
Cảm ơn về những ảnh tài liệu.
Chúng ta tại miền Nam đã có một thời, một cơ hội để phát triển trong nhiều lãnh vực. Tuy không bằng lắm quốc gia, nhưng cũng hơn nhiều nơi khác. Chỉ là trong “chúng ta” lắm kẻ đã thờ ơ không muốn mất gì nên đã “kệ mẹ”, tệ hơn nữa là một thời hưởng được giáo dục tốt nhưng lại vọng tưởng trở thành cõng rắn về cắn gà nhà.
Tiếc nuối xem chừng đã quá trễ.
..BỊ vọng tưởng, bạn! 😉
Reblogged this on thanhnguyen040192.
các bác hồi tưởng lại làm gì vô ích!!! nền giáo dục việt nam bây giờ xuống cấp quá hic!!!… các bác nên góp ý cho mấy ông đang làm giáo dục sao cho tiến bộ hơn giúp cho các em học sinh học dc các kiến thức và thực hànj thực tê hơn>>>>
Buồn cười, ai mà lại không có những hồi tưởng. Quá khứ là căn bản cho tương lai. Nếu không biết gì tốt, xấu thì làm gì có thể “góp ý” ! Nhưng không phải những người đang làm “giáo dục” không biết, mà vòng kim cô của Đảng không cho phép.
Mọi việc phát xuất từ gia đình. Xã hội hoặc giáo dục cũng chỉ là phản ảnh ! Một xã hội xô bồ, thích mì ăn liền hơn là phải chẻ củi nhóm bếp nấu cơm thì giáo dục cũng như vậy.
Theo ý kiến riêng của tôi thì hình như tác giả và các bạn ( comment) đang góp ý kiến cho giáo dục ngày nay đó . Cảm ơn mọi người
Pingback: 30 Tháng 04 – Đập cổ kính ra tìm lấy bóng… | ÁO TRẮNG ƠI
Pingback: 30/4 – Đập Cổ Kính Ra Tìm Lấy Bóng – Người Đưa Tin | Thơ Quê Hương
Pingback: 30 Tháng 04 – Đập cổ kính ra tìm lấy bóng… | CHÂU XUÂN NGUYỄN
Pingback: Nhìn lại nền Giáo dục VNCH : Sự tiếc nuối vô bờ bến | doithoaionline
Pingback: Nhìn lại nền Giáo dục VNCH : Sự tiếc nuối vô bờ bến | CHÂU XUÂN NGUYỄN
Bài viết rất có giá trị. Vì vậy, xin phép bác Huỳnh Long An cho tôi được đăng lại trên Facebook cũng vì mục đích giáo dục thôi. Kính chúc bác nhiều sức khỏe và cảm ơn bác rất nhiều.
Mời bác Thông cứ tự nhiên chia sẻ bài viết. Cảm ơn bác đã quan tâm đến.
Pingback: Những hình ảnh (đẹp) về giáo dục miền Nam trước 1975 | Nhận thức là một quá trình...
Thật sự tiếc nuối một nền giáo dục.
Cảm ơn Ông Huỳnh Long An đã bỏ nhiều công sức để khảo cứu và thành hình tài liệu quí báo nầy nhằm lưu truyền cho các thế hê mai sau. Tôi cũng có một số hình ảnh học đường xưa muốn góp phần vào tuyệt tác phầm nầy có được không?
Trân trọng kính chào và chúc Vạn Sự Thành Công
Trần Bình Định
Sinh năm 1950
Sinh Viên Đại Học Vạn Hạnh (1969-1972)
Cảm ơn Anh Trần Bình Định có nhã ý đóng góp một số hình ảnh học đường xưa.
Anh cứ gởi hình vào hộp thư tuxtini@gmail.com. Nếu những hình ảnh Anh cung cấp phù hợp với bài trên, Ban Biên Tập sẽ thêm hình ảnh vào những chủ đề có liên quan, hoặc sẽ làm ảnh minh cho những chủ đề tương tự trong tương lai.
Cảm ơn Anh và chúc sức khỏe.
Trân trọng kính chào
Biên Tập Viên
Huỳnh Minh Tú
Xin biết ơn bác Long An đã sưu tập tài liệu và hình ảnh, lại viết thành một khảo luận công phu về nền giáo dục ở miền Nam trước 75. Bản thân em, sinh năm 1959 nên được 16 năm hưởng lấy nền giáo dục ấy làm vốn liếng cho đến bây giờ. Xin tri ân các thầy cô giáo, các Nữ Tu, các Sư Huynh…
Pingback: TRÍ ÓC VIỆT NAM CẦN ĐƯỢC GIẢI PHÓNG (Nguyễn Trung Tôn – Danlambao) | Ngoclinhvugia's Blog
Pingback: ***TIN NGÀY 27/1/2014 -Thứ Hai. « ttxcc6
Cám ơn tác giả Huỳnh Long An, bài viết phản ảnh rất chính, rất tiếc nuối! Hình ảnh mà khi còn đi học ấn tượng đối với tôi: học sinh với lá Quốc kỳ, học sinh với các giáo sư….
chau la the he tre o viet nam sinh nam 1993 nhung van biet nhiu ve vnch va that su rat tiec nuoi nen cac chu cac bac quan nhan vnch cu yen tam chung con van con nho ve vnch
con là thế hệ thứ 3, con cảm ơn ông LONG đã được sự thương tiếc nền giáo dục như vậy, mẹ con cũng từ trường quốc gia nghĩa tử mà ra. xin cảm ơn tất cả
BTV: Kính báo quý độc giả danh sách cập nhật bổ sung ( 27.12.2013 ) so với bản gốc đầu tiên:
1. Thay hình sách giáo khoa ảnh đầu ( trong số đó có 5 quyển sách không xuất bản thời VNCH ).
2. Thêm vào mục „Trung Học Tổng Hợp „ 2 trường: Trung Học Kiểu Mẫu Huế và Cần Thơ.
3. Sửa chú thích ảnh thứ 3 từ trên xuống.
4. Bổ sung thêm về hệ thống bằng cấp đại học VNCH so với hệ thống của Pháp ( mà Thạc Sĩ người Việt đầu tiên ( hình ảnh ) là ông Phạm Duy Khiêm – bào huynh của Nhạc sĩ Phạm Duy ) và hệ thống của Hoa Kỳ.
Xin bỗ sung , Trường Trung Hoc Tổng Hợp đầu tiên ở An Giang là trường Thoại Ngoc Hầu – không phải trường Chưởng Bình Lễ .
Kính Ô.Huỵ 03.12.13 , nêú ông không nhìn ra sai lầm của nền giáo dục XHCNVN thì xin hỏi thật , ông Huy đủọ̉c học tỏ́i đâu rồi ?
Thưa ông Tánh, đáng lý không nên hỏi câu nầy!
Cảm ơn tác giả Huỳnh Minh Tú (Huỳnh Long An?) về bài viết rất có giá trị. Không phải chỉ là một “sự tiếc nuối vô bờ bến” mà còn là một tài liệu lịch sử ghi nhận những thành quả của giáo dục VNCH. Lịch sử Việt Nam mai sau sẽ có những đánh giá công bằng về công và tội.
Xin có hai góp ý nhỏ:
1. Tấm hình thứ 3 (từ trên) được ghi chú là “Một buổi lễ ở trường Petrus Ký” theo tôi là không đúng. Trong sân trường Petrus Ký chỉ có bức tượng bán thân của Petrus Ký. Bức tượng toàn thân năm ở công viên trước Dinh Độc Lập, tượng nhìn về hướng Nhà Thờ Đức Bà. Như vậy có lẽ tấm hình ghi lại một buổi lễ ở trước Dinh Độc Lập. Nghe nói bức tượng toàn thân này hiện được cất giữ ở Đại Học Mỹ Thuật (Cao Đẳng Mỹ Thuật Sài Gòn).
2. Về hệ thống bằng cấp đại học VNCH: tác giả có phần đơn giản hoá nên không hoàn toàn chính xác. VNCH có nhiều trí thức tốt nghiệp từ Pháp và Hoa Kỳ nên có hai hệ thống bằng cấp khác nhau.
Theo hệ thống của Pháp (ngày trước): Cử Nhân (Licencié), Cao học (DEA), Tiến Sĩ Đệ Tam Cấp (Doctorat de 3è cycle), Tiến Sĩ Quốc Gia (Doctorat d’État).
Theo hệ thống của Hoa Kỳ: Cử Nhân (Bachelor), Master (trước 1975 chưa có từ ngữ dịch chính xác bằng cấp này), Tiến Sĩ (PhD).
Khó có thể so sánh Master và Tiến Sĩ Đệ Tam Cấp vì học trình hai bên khác nhau. Hiện nay trong nước dịch Master là Thạc Sĩ gây hiểu lầm cho nhiều người. Từ “Thạc Sĩ” trước đây được dùng để chỉ những người thì đậu một kỳ thi rất khó của Pháp (agrégation), người thi đậu được gọi là Agrégé. Không có từ tiếng Anh tương đương cho từ này. Thạc Sĩ người Việt đầu tiên là Ông Phạm Duy Khiêm, bào huynh của nhạc sĩ Phạm Duy.
BTV: Cảm ơn bác Trần Thạnh đã tinh ý “nhặt sạn” giùm.
1. Hình thứ 3 từ trên xuống trên do sưu tầm trên Internet không kiểm chứng kĩ càng, nên đã chú thích sai. ( Đã sửa ).
Đúng ra, thì hình này chụp một buổi lễ khánh thành tượng Petrus Ký trong khuôn viên nằm trên Boulevard Norodom – Đại Lộ Thống Nhất, trước Dinh Độc Lập hướng về Nhà Thờ Đức Bà ( Công viên 30/4 hiện tại ).
2. Đã chú thích thêm vào bài viết.
Trân trọng cảm ơn sự đóng góp của bác Trần Thạnh.
Cảm ơn bác Huỳnh Long An đã cập nhật bài viết. Kính chúc bác một năm mới 2014 vạn an.
Trần Thạnh
PS: Xin lỗi đã không bỏ dấu khi đánh máy tên của mình trên “Comment”. Tên của tôi là Thạnh.
K/g riêng bác TranThanh,
Có phải bác là Trần Thạnh, anh em với Trần Tam (Petrus Ký) và Trần Hùng (Sanofi) không?
Thịnh,
Pingback: NHÌN LẠI NỀN GIÁO DỤC VNCH: Sự tiếc nuối vô bờ bến | Vinh Danh và Bảo Vệ Cờ Vàng
Pingback: Vài Góc Nhìn Về Giáo Dục Việt Nam
Xin tác giả bổ túc thêm vào đoạn viết về “Trung Học Tổng Hợp” là sau khi có Trường Trung Học Kiểu Mẫu Thủ Đức thì có thêm hai trường Kiểu Mẫu nữa là Kiểu Mẫu Huế và Kiểu Mẫu Cần Thơ.
BTV: Đã bổ sung thêm. Cảm ơn bác đã đóng góp !
Pingback: Nhìn lại nền Giáo dục VNCH: Sự tiếc nuối vô bờ bến (tham khảo) | Sầu Đông
Cũng chỉ là … của một thời tuổi nhỏ đã qua … tiếc hay không tiếc … thì cũng đã qua … ! Thoáng như là giấc mộng , đến nay mình đã già !
…đến nay mình đã già,
còn con cháu chúng ta,
làm sao chúng biết được,
ải Nam quan? đâu? xa…?!
chúng cứ sống tà tà,
chẳng một ai phiền hà,
chấp nhận được mới lạ,
– Thôi, đành tại tuổi già,
hà!!!
(Ngoại ô, khuya thứ sáu 06/12/13)
(mạn phép bạn Nguyên Nguyên)
Cảm ơn bài thơ đầy trăn trở của bác Thịnh. Nhưng tôi thiết nghĩ, con cháu chúng ta chúng không đến nỗi vô tâm vậy đâu. Chúng chỉ bị nhồi sọ hơi nhiều và hơi lâu. Nhiệm vụ chúng ta – những người đi trước phải cho chúng biết thế nào là sự thật lịch sử.
Kính bác.
Cháu xin cảm ơn Bác Alan Phan và các Bác nhiều lắm!!!
Nhờ những chia sẻ này mà cháu biết sự thật về lịch sử và đã tìm ra câu trả lời cho rất nhiều câu hỏi của thực trạng xã hội ngày nay tại VN.
Thế hệ trẻ chúng cháu may mắn được sinh ra trong hòa bình nhưng cũng chịu nhiều thiệt thòi …
Chúc các Bác có nhiều sức khỏe và tiếp tục giúp chúng cháu với nhé!
thực sự tiếc nuối. cảm ơn tác giả rất nhiều bởi đã cho tôi hiểu hơn về nền giáo dục nước nhà.
Tôi không đọc kỹ từng chi tiết bài này, nhưng lướt qua những mục chính, những điểm đáng chú ý thì giáo dục miền Nam ngày xưa đã ở trên đà tiến bộ và được áp dụng những phương pháp giảng dạy tiên tiến nhất thời bấy giờ – giữa thế kỷ 20, đơn cử như “học chế tín chỉ bậc Đại Học”, hình thức thi tốt nghiệp THPT là trắc nghiệm”(chứ ko phải thuộc làu làu rồi chép dài dài rồi quên dần dần như thế hệ học sinh nước ta sau này), thế nhưng giải phóng xong thì dẹp hết, nghĩ mà buồn cười, mãi hơn 30 năm sau Đại Học ở Việt Nam mới áp dụng tín chỉ, thi TN THPT mới được 1 phần trắc nghiệm, phải cần đến những 30 mươi năm mới nhận ra cái hay đã có từ rất lâu và được áp dụng rộng rãi trên thế giới sao..? vậy còn bao nhiêu cái hay nữa phải chờ thêm 30 năm nữa mới nhận ra và áp dụng đây?
Pingback: NHẬT BÁO BA SÀM : TIN THỨ TƯ 4-12-2013 | Ngoclinhvugia's Blog
Cám ơn BTV đã bỏ công sức cho một bài viết tuyệt vời và đầy ý nghĩa, thật tiếc nuối…
Pingback: ***TIN NGÀY 4/12/2013 -Thứ Tư « ttxcc6
Pingback: -Nhìn lại nền Giáo dục VNCH : Sự tiếc nuối vô bờ bến « ttxcc6
Pingback: Anhbasam Điểm Tin thứ Tư, 04-12-2013 | doithoaionline
Bỗng dưng muốn khóc !…
Pingback: Nhìn lại nền Giáo dục VNCH : Sự tiếc nuối vô bờ bến | ixij
Pingback: Những hình ảnh về giáo dục miền Nam trước 1975 | Sưphạm ÁO NÂU Đalat
Pingback: Hà Nội và canh bạc nhân quyền. Hội phụ nữ đầu tiên thực sự bảo vệ phụ nữ | Hoàngquang's Blog3
Nhìn hình ảnh nền giáo dục VNCH so với nền giáo dục XHCN hiện tại thấy rõ sự ưu việt ra sao. Đã đến lúc, quay về chế độ cũ thời VNCH trước khi quá muộn.
Tôi thật không thể hiểu được khi mà cho đến thời buổi 2013 này sau 38 năm đã hiểu rõ, mà con người của VNCH vẫn quen dùng từ mà Đảng CSVN áp đặt lên Chế Độ VNCH : ” Ngụy Quyền Sài Gòn ! ” mỗi khi đề cập đến mình . Đến bây giờ tất cả mọi người VN phaỉ biết Chế Độ nào là ” Nguỵ Quyền ” chứ . Khi nói đến từ ” Nguỵ Quyền ” xin đừng nói một cách vô cảm vô thức.
Anh Tam nói rất phải , các ông cha chúng ta ở thời VNCH đâu có nguỵ đâu ! Tôi rất ghét ai áp đặt 2 chữ này lên VNCH ( nguỵ là một từ nói về một con người giả tạo )
Pingback: Nhìn lại nền Giáo dục VNCH : Sự tiếc nuối vô bờ bến – Huỳnh Long An | Vô Ngã
Pingback: giáo dục thời VNCH và nay « Dinh Thai
Co rat nhieu nguoi Vietnam trong nuoc AM THAM nguong mo,hanh dien va giu gin ….nguon goc “VAN HOA NGUY” cua ho.Bay gio thi het AM THAM va cang ngay cang CONG KHAI hon.Tai sao?
Pingback: Nhìn lại nền Giáo dục VNCH : Sự tiếc nuối vô bờ bến | CHÂU XUÂN NGUYỄN
Pingback: Nhìn lại nền Giáo dục VNCH : Sự tiếc nuối vô bờ bến | ongtuine
Pingback: Nhìn lại nền Giáo dục VNCH : Sự tiếc nuối vô bờ bến | Dân Chủ Tự Do
1./ Có ảnh bìa của 5 quyển sách GK không phải là sản phẩm của nền giáo dục chế độ “ngụy quyền Sài Gòn”. Đó là: 3 quyển, từ trái sang ở hàng trên cùng và 2 quyển, từ trái sang ở hàng giữa.
2./ Ngoài ra ở nền giáo dục bậc Tiểu học và Trung học của “ngụy quyền Sài Gòn” còn có một loại trường nữa là trường Trung và Tiểu học Văn Hóa Quân Đội để phục vụ cho nhu cầu học tập của con em binh sĩ trong Quân Đội. Loại trường này do Cục Xã Hội thuộcTổng Cục Chiến Tranh Chánh Trị Quân Lực VNCH quản lý; nhưng việc giảng dạy hoàn toàn theo đúng với chương trình của Bộ Quốc Gia Giáo Dục ấn định.
Tôi được biết, đến năm 1970, toàn quốc (VNCH) có cả thảy 10 trường VHQĐ, ở Sài Gòn 1 trường và 9 trường khác ở các địa phương.
Ở Bình Định có trường Trung Tiểu Học Quân Đội Lê Lợi tại Thị xã Quy Nhơn, người hiệu trưởng đầu tiên là Chuẩn úy Nguyễn Mạnh Dạn và sau đó là Thiếu úy Văn Công Hạ.
Ở Pleiku có Trường Trung Tiểu học VHQĐ Nguyễn Viết Quỳ tại Thiết Đoàn 3 Kỵ Binh (thuộc Lữ đoàn II kỵ binh), người Hiệu trưởng đến tháng 4/1975 là Thượng Sỹ Vũ Kim Hoàng (tức ký giả Bùi Vũ – báo Sóng Thần – cũng là Thi sỹ Vũ Hoàng)
BTV: Cảm ơn bác. Đã có thêm lưu ý vào hình.
Gởi còm sĩ trangochau,
Giờ này mà ông trangochau còn dùng từ “nguỵ quyền Sài gòn” bỡi vậy VN chết thảm, đói nghèo tơi tả và nước đã và đang mất vào tau Tàu! DN nhờ bạn BTV vui lòng cho đăng cmt và link sau để tặng trangochau và vài còm sĩ vẹm ở đây, giúp họ sáng mắt. Rất cám ơn.
Bài viết “Nhìn lại GD/VNCH rất hay, đọc mà ứa nước mắt.
NHỮNG MỐC LỊCH SỬ QUAN TRỌNG KHỞI TỪ THẬP NIÊN 1940 – T/giả Dân Nam
http://www.trinhanmedia.com/2012/10/nhung-moc-lich-su-quan-trong-khoi-tu.html
Cho nên tôi cảm thấy rất vinh dự và tự hào khi được gọi là “ngụy dân” hay “ngụy quân”, “ngụy quyền”,… đấy! (lưu ý: từ “ngụy” đó phải ở giữa hai dấu ngoặc kép)
Đây là kiểu hàm ý cho tụi cộng vẹm nó hiểu.
Nó dùng gậy ông nên đập lưng ông.
Nó nói ngụy quân ngụy quyền xấu xa
Ta phản công, giải thích lại
Cùng bằng từ ngụy nhưng ở trong dấu ngoặc kép.
Vì chúng nó bị nhồi sọ lâu quá.
Giúp khai thông trí VNCH là quốc gia thực thụ chứ không phải ngụy.
Chớ không phải bôi nhọ VNCH qua hình ảnh ngụy quân, ngụy quyền.
Có thể bạn Dân Nam hiểu sai vế từ
Pingback: Một nền giáo dục tử tế thì như thế này này… | Dr. Nikonian
Xin phép cho tôi đăng lại bài viết giá trị này. Chân thành cảm ơn tác giả về bài viết giá trị này
BTV: Mời bác cứ tự nhiên đăng lại.
Nền giáo dục được kế thừa của Mỹ và Pháp, được tài trợ thì không hay mới lạ. Tuy nhiên sau khi nhìn lại phía sau tiếc nuối, các bác nên phân tích giáo dục Việt Nam hiện tại, chỉ ra sai chỗ nào và đề xuất giải pháp. Thay vì cứ chê trách và tuyên truyền lật đổ chính phủ. Có giỏi thì đứng ra cải cách như bác Thành Đà Nẵng.
Wow!
Nếu chỉ ra cái sai thì sẽ bị ghép tội là “suy thoái đạo đức” và bị chụp mũ là “thế lực thù địt” chống phá ngay tắp lự!
Nếu đề xuất giải pháp thì bọn lợi ích nhóm của bạn Huy có tiếp thu không?
Nền văn hóa giáo dục của đất nước hiện nay mục ruỗng quá rồi…Các trang quảng bá cơ sở giáo dục để chiêu sinh thì lại đăng hình “hot girl”, “chân dài”… thế nên sẽ không ngạc nhiên nếu các báo đài đồng loạt đăng tin “Các cô gái Việt Nam bị rao như những món hàng trên các trang web…”
Xin lỗi cái tít nhé, phải sửa lại cho chính xác là : “Các cô gái Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghiã Việt Nam bị rao như những món hàng trên các trang web…”
… thì chắc mới đánh động được lương tâm của toàn hệ thống xã hội!!!
Vì bạn dốt nên không thấy thôi. Trước đây có đã có vị ra ứng cử Bộ, có đề án GD với chi phí thấp hơn nhiều có ai thèm để ý đâu….
Người Mỹ có câu: “You can lead a horse to water, but you can’t make it drink”. Tạm dịch: Bạn có thể dẩn con ngựa đến nơi có nước, nhưng bạn không thể (bắt) nó uống”.
Bạn hoặc là bị tâm thần hoặc chẳng thấy một sự thật. Chính phủ chẳng nghe ai cả. bao nhiêu lời, bao nhiêu ý kiến đóng góp dù trên văn bản theo đúng thủ tục cũng chỉ nằm trong kho lưu trữ. Tôi kể bạn nghe câu nói:
“Sao mày không đi làm từ thiện, giúp được ai thì giúp, chứ mày chống đối chế độ độc tài của đảng cộng sản đang tham nhũng bán nước thì được ích lợi gì mà chỉ có đi tù”. Nghe thì lời khuyên chí lý, thực tế. Nhưng đó là lập luận của cộng sản.
“Việc Trung quốc cướp và giết ngư dân ở biển đông là việc của chính phủ, mày đi biểu tình chống Trung quốc có ích gì? Chưa kể bọn tội phạm lợi dụng cướp bóc phá hoại…”
Xin thưa vẫn là lập luận của bọn cộng sản mà thôi. Tàu có sợ gì cái đảng cộng sản Việt nam ngàn thằng, cái mà chúng phải kiềng phải sợ chính là tinh thần của 90 triệu đồng bào Việt nam.
Còn giỏi như bác Thành???? hỏi bạn nếu ông Thành là 1 con én (phải là én không riêng tôi chưa dám kết luận) thì có mang lại mùa xuân không?
Hy vọng khi bạn viết cái gì thì nên suy nghĩ.
trên bản đồ VNCH sao không có 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, chắc là bán cho Trung Quốc (còn gọi là Trung Cộng) rồi à. Mà tiếc quá, sao ông Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu lại ôm hơn 10 tấn vàng trong ngân khố (là tài sản cũa người dân VN) mang chạy trốn ra nước ngoài vậy? TT Thiệu là tên hèn nhát, tham nhũng
Đúng là con Vẹt,HãY Vào Google mà hỏi,sẽ ra ngaY thôi,16 tấn chứ không phải 10 tấn
Tội nghiệp! tội nghiệp @nguyencongphuc vô cùng! Cái tin ông Thiệu mang 10 tấn vàng ra nước ngoài là tin vịt, do quân cách mạng tung ra nhằm cùng nhau chia chác. Nhưng dự tính của quân cách mạng không thành vì ông cựu thống đốc ngân hàng VNCH đã công bố sự thực và bàn giao.
bạn thử xem lại trực thăng bây giờ và thời trước xem khả năng chở được 10 tấn vàng không? Dốt nát thì đừng lên đây!
Tội nghiệp cho cái gọi là kiến thức của bạn quá nguyencongduc
@ nguyencongphuc: có lẽ bạn là một điển hình của giáo dục XHCN. Buồn cho những con người Việt Nam như bạn!
Hihi!….Có ngay đại diện nền giáo dục xhcn.
các quý vị tiền bối tha cho cháu nó 1 lần lầm lỗi
mình thấy tấm hình đó không chú thít cụ thể từng địa điểm trên bản đồ (giống như ảnh bìa vậy) với lại vào thời giang xuất bản sách chưa có tranh chấp đảo nên hai quần đảo ít được chú trọng nên nhà xuất bản xem hai quần đảo đó cũng giống như là các tĩnh, các khu thôi.(mà trên bản đò trong hình không có chú thích cụ thể các tỉnh ).
Ban biet 10 or 16 tan vang nang bao nhieu ko?? Ko phai 10 ky vang dau nhe? Ban co nghi mot so luong lon nhu vaydem di de lam a?? Sao ban ko nghi cSVN da dau so vang do roi do thua cho Tong thong. Ban bi tui XHCNVN dau doc roi. Chuyen ko co noi cho co….
Xin lỗi tác giả bài viết. Tôi đã đọc và rất ngưỡng mộ tư liệu dù ít ỏi nhưng lại thấy một tấm lòng. Nhưng tôi lại chẳng đóng góp gì cho bài viết, chỉ xin là người được đọc bài viết có giá trị.
Nhưng với bạn Nguyễn Công Phúc rõ là không đọc hoặc đọc luyếng láu chẳng hiểu bài viết, dựa trên 1 tấm ảnh của học sinh lớp ba rồi nhảy qua gông cổ TT Thiệu. Nên tôi tả chân dung của bạn Phúc.
Chân dung nguyencongphuc
Nhắm mắt nào hay biển cạn sâu
Theo hùa tiếng vọng sủa gâu gâu
Mị dân trơ tráo y như đảng
Bốc phét gian manh cũng giống tàu
Lại thằng dốt nát không thua bác
Cũng lủ ngu đần chẳng kém trâu
Tay sai bán nước rồi tham nhũng
Mười sáu tấn vàng !!!! chửa thấm đâu